Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

15-01-2017 n: (phần I) CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN năm A

15/01/2017
Chúa Nhật tuần 2 thường niên năm A.
(phần I)


Bài Ðọc I: Is 49, 3. 5-6
"Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc, để ngươi nên ơn cứu độ của Ta".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là tôi tớ Ta, vì Ta được vinh danh nơi ngươi".
Và bây giờ, Chúa phán, Người đã huấn luyện tôi khi tôi còn trong lòng mẹ, để tôi trở nên tôi tớ Người, để đem Giacóp về cho Người, và quy tụ Israel quanh Người. Tôi được ca tụng trước mắt Chúa và Thiên Chúa là sức mạnh của tôi. Người đã phán: "Làm tôi tớ Ta chẳng có là bao, để tái lập các chi họ Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về; này đây Ta đặt ngươi như ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của Ta tràn lan khắp địa cầu".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, và Ngài đã nghe tiếng con kêu cầu. Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Ðáp.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 1-3
"Nguyện cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta".
Khởi đầu thư thứ I của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, do thánh ý Chúa, được kêu gọi làm Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô, và Sôtênê, anh em chúng tôi, kính chào Hội Thánh Chúa ở Côrintô, những người được thánh hoá trong Chúa Giêsu Kitô, được kêu gọi nên thánh, làm một với tất cả mọi người khắp nơi đang kêu cầu thánh danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 1, 29-34
"Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Người Tôi Tớ của Yavê
Khi ấy, ông Gioan thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình liền nói: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian. Này tôi đã nói về Ngài: Một người đến sau tôi, nhưng đã có trước tôi, vì Ngài cao trọng hơn tôi. Và tôi, tôi đã không biết Ngài, nhưng để Ngài được tỏ mình ra với Israel, nên tôi đã đến làm phép rửa trong nước". Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần như chim bồ câu từ trời đáp xuống và ngự trên Ngài. Về phần tôi, tôi đã không biết Ngài. Nhưng Ðấng sai tôi làm phép rửa trong nước phán bảo tôi: "Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần". Tôi đã thấy và tôi làm chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa".

Giới Thiệu Ngày Chúa Nhật
Thật sự không có mùa Thường niên, mà chỉ có những ngày Chúa nhật với những tuần lễ "thường", tức là không quy về một lễ lớn nào. Ngày xưa, người ta gọi đó là những Chúa nhật và tuần lễ sau Hiển linh hay sau Hiện xuống. Ngày nay chúng ta muốn gọi vắn tắt là Mùa Thường Niên; nhưng không ổn lắm vì có cả một Mùa Chay và một Mùa Phục sinh khá dài nằm trong thời gian đó và chia nó thành hai khúc không cân đối. Do đó, tốt hơn nên đơn sơ dùng từ ngữ: các Chúa nhật và các tuần lễ "thường". Và để mở đầu, nên tìm hiểu ý nghĩa phụng vụ của các ngày Chúa nhật này.
Các sách Tin Mừng thuật lại: vào ngày thứ Nhất trong tuần, Chúa Yêsu đã sống lại. Người hiện ra với một số phụ nữ, rồi với Phêrô. Người cũng đến đi đường với hai môn đệ tới Emmau, khiến hai ông đã nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Và cũng chính hôm đó, Người hiện ra với các Tông đồ, ăn với họ và tuyên bố: Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các con. Rồi Người thổi hơi vào họ và nói: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, người ấy sẽ được tha.
Bằng ấy sự kiện đã xảy đến trong ngày thứ Nhất trong tuần và toàn là những sự kiện đầy ý nghĩa trong Lịch sử cứu độ: Chúa sống lại; Người hiện ra; Người dùng bữa với các Tông đồ, ban Thánh Thần tha tội và sai họ đi truyền giáo. Thành ra, chẳng ai lạ gì khi thấy tám ngày sau các môn đệ lại họp nhau. Và Chúa lại đến. Người cho Thôma xem các vết thương tử nạn của Người và biến ông thành con người được đức tin.
Từ đó cứ tám ngày sau, tức là vào ngày thứ Nhất trong tuần, các môn đệ lại hội họp. Chúa không hiện đến nữa, vì không cần thiết nữa. Người đã ở giữa họ rồi, vì chính Người đã phán: Khi nào hai, ba anh em họp nhau cầu nguyện, thì Người sẽ ở giữa; và Người ở với các môn đệ hàng ngày cho đến tận thế. Nhất là lễ nghi bẻ Bánh khi cộng đoàn hội họp nhau cho phép họ có Mình và Máu Người ở trong tay và trong lòng mọi người. Họ trở thành những con người tin tưởng mãnh liệt hơn và muốn sống xứng đáng hơn với đức tin của mình.
Thói quen hội họp như vậy đã trở thành thông lệ. Nhiều chỉ dẫn trong Tân Ước cho thấy các cộng đoàn tín hữu vẫn cử hành ngày thứ Nhất trong tuần: 1C 16,2; Cv 20,6-12. Nhiều tài liệu giáo phụ cũng làm chứng như thế: xem thư thánh Ignaxiô thành Antiokia (+107) gửi tín hữu Magnêsia; xem sách Minh giáo của thánh Yustinô (+165). Thư của Pline le Jeune gửi hoàng đế Trajan cũng khẳng định: người Kitô hữu có thói quen hội họp ca hát vào "ngày nhất định", mà ai cũng hiểu là ngày Chúa nhật. Nhưng cảm động hơn cả là lời chứng của các Tử đạo ở Tunisie. Ngày 12.2.304, có 31 đàn ông và 18 phụ nữ đã bị bắt vì tụ họp bất hợp pháp. Họ đều khẳng định: "Chúng tôi có luật phải cử hành Ngày của Chúa... Chúng tôi không thể sống mà không cử hành Ngày của Chúa...".
Như vậy cùng với thói quen hội họp, danh từ "Ngày của Chúa" dần dần đã được thông dụng để gọi ngày thứ Nhất trong tuần, hay là ngày thứ tám sau ngày thứ Nhất. Ngày nay chúng ta gọi: "Ngày Chúa nhật" là vì lẽ đó. Tuy nhiên cần phải nhớ, chữ "Chúa" ở đây không nói về "Thiên Chúa" nhưng về Chúa Yêsu, Ðấng đã sống lại, tập họp chúng ta, ban cho chúng ta Thánh Thần tha tội và sai ta đi đem Tin Mừng khắp thế gian, trong ngày đó. Nhưng trong nhiều thứ tiếng (Anh, Ðức) danh từ gọi tên Ngày Chúa nhật không gợi lên ý tưởng về Chúa (Sunday, Sonntag), mà về mặt trời; vì lẽ hoàng đế Constantinô tán thành và cổ võ cả hai thứ tôn thờ: Chúa Kitô và Mặt Trời. Và ông ra lệnh nghỉ "việc" trong ngày ấy.
Từ đó, ngày Chúa nhật không những trở thành lẽ sống của người tín hữu, mà còn ảnh hưởng tới sinh hoạt của người ngoài Giáo hội. Các Công đồng trong những thế kỷ tiếp đã ấn định luật dự lễ và nghỉ việc trong ngày Chúa nhật, nhưng chẳng thêm yếu tố thần học nào hơn những điều chúng ta đã nói ở trên.
Việc cử hành ngày Chúa nhật rõ ràng đã đưa Giáo hội Chúa Kitô ra khỏi phụng vụ Dothái giáo; và việc giáo dân hội họp ngày Chúa nhật đã khiến họ biệt lập với cộng đồng cử hành ngày Sabat. Nhất là đang khi đạo cũ nhấn mạnh đến sự nghỉ việc trong ngày Sabat, thì Ðạo Mới trong ngày Chúa nhật lại tập trung cố gắng vào việc cử hành mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh.
Thế nên ngày đó thật là Ngày Chúa nhật, tức là ngày của Chúa Kitô, ngày Người sống lại hiện diện ở giữa các môn đệ để chuyển biến họ thành tín hữu hoàn toàn hơn khi cho họ xem các vết thương vinh hiển của Người và ban cho họ được Thánh Thần để tha tội và truyền giáo.
Ngày Chúa nhật vừa là ngày thứ Nhất vừa là ngày thứ tám trong tuần. Cả hai lối gọi đều đúng; nhưng ý nghĩa hơi khác nhau. Ngày thứ Nhất gợi lên ý tưởng khởi nguyên của nếp sống mới; còn ngày thứ Tám nói lên ý nghĩa trở lại của sự sống đời đời: chúng ta cử hành ngày đó cho đến khi Chúa trở lại. Nhưng dù được gọi bằng danh từ nào, Ngày Chúa Nhật vẫn là ngày kính nhớ mầu nhiệm Phục sinh, trong niềm trông đợi việc Chúa trở lại, nhờ việc cử hành mầu nhiệm hiện diện Bí Tích của Người trong Thánh Thể. Ba chủ đề đó phải được nổi bật trong phụng vụ Thánh Lễ Chúa Nhật của ta. Và ta hãy cử hành các nghi thức đặc biệt của Phụng vụ Chúa nhật cho ý nghĩa:
* Trước hết việc rảy nước Thánh nhắc nhở và làm sống lại ơn thánh tẩy mà mọi tín hữu đã lãnh nhận trong niềm tin mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Chúa. Ðó là cửa mở đưa chúng ta vào Nhà Chúa. Hơn thế nữa, đó là ơn tái sinh chúng ta thành tạo vật mới, trở nên con cái Chúa và được sát nhập vào cơ thể Ðức Kitô là Ðền thờ của Ðạo Mới để chúng ta có thể dâng lễ.
* Bài giảng lễ có tính cách bó buộc để cả chủ tế lẫn cộng đồng tín hữu suy nghĩ về Lời Chúa vừa nghe đọc, để Lời ở miệng Chúa phán ra nuôi sống con người và đưa mọi người đến việc đón nhận Ngôi Lời trở thành Thịt Máu.
* Lời nguyện giáo dân phải diễn tả được cảm nghĩ và ước vọng của Dân Chúa, để qua lời phát biểu, người ta có thể thấy cộng đoàn đang thao thức những gì; và như vậy sẽ lôi kéo mọi người vào một sự hiệp thông cụ thể.
* Việc quyên tiền trong thánh lễ khó đạt được mục đích chia sẻ bác ái hữu hiệu của nó, vì sự đóng góp thường không đáng kể so với yêu cầu của sinh hoạt cộng đoàn. Tuy nhiên nó vẫn phải giữ nguyên vẹn ý nghĩa thiêng liêng cao cả mà Chúa đã nói lên khi đáng giá việc người góa phụ bỏ đồng tiền nhỏ vào hòm tiền cúng: người ấy muốn dâng mạng sống mình cho Chúa. Và chỉ có thái độ ấy mới khiến ta xứng đáng cử hành mầu nhiệm Chúa ban Thịt Máu Người cho ta.
Tất nhiên, những việc trên không quan trọng nhất trong phụng vụ ngày Chúa nhật, nhưng là những việc mà chúng ta thường chỉ làm trong ngày đó và chúng ta hãy thánh hóa tối đa mọi việc chúng ta làm.
Ước gì việc nhắc lại lịch sử và nội dung thần học của ngày Chúa nhật cũng như ý nghĩa những việc trên đây giúp chúng ta quan tâm sống phụng vụ các ngày Chúa nhật nhiều hơn, để những ngày đó trở thành những ngày của Chúa thật sự, tức là thật sự ban Ðức Kitô phục sinh cho chúng ta. Chúng ta sẽ được như các Tông đồ: tiếp xúc với Chúa sống lại đức tin của họ cũng đã sống lại; họ được lãnh nhận Thánh Thần và ra đi làm chứng cho Tin Mừng cứu độ, tạo nên những nếp sống mới và những xã hội mới.

Suy Niệm:
Chúa Nhật II Thường Niên A
(Ys 49,3.5-6; 1 C 1,1-3; Yn 1,29-34)
Ba bài Kinh Thánh hôm nay cho phép ta gọi tên Chúa Nhật này là "Chúa Nhật Người Tôi Tớ". Không những bài sách Isaia rõ ràng nói đến Người Tôi Tớ của Chúa; mà cả bài Tin Mừng Yoan cũng chỉ rõ nghĩa khi hiểu Ðức Kitô theo các bản văn Cựu Ước nói về Người Tôi Tớ. Và cuối cùng, mấy câu mở đầu thư I gửi người Côrinthô sẽ phong phú nếu chúng ta hiểu mình cũng là những người được ơn gọi trở nên tôi tớ trung thành của Chúa.
Vậy chúng ta hãy suy nghĩ về chủ đề Người Tôi Tớ nơi Cựu Ước, nơi Ðức Kitô và nơi mỗi người chúng ta.

A. Nơi Cựu Ước
Isaia không phải là tác giả duy nhất nói đến Người Tôi Tớ của Ðức Yavê. Nhiều sách khác trong Cựu Ước, đã gọi Môsê, Ðavít, các tiên tri và nhiều người khác là Tôi tớ của Thiên Chúa. Nhưng trong sách Isaia phần II (gồm các chương 40-55) có bốn đoạn đặc biệt nói về Người Tôi Tớ (42,1-7; 49,1-9; 50,4-9; 52,13-53,12). Ðó là bốn Bài ca về Người Tôi tớ, mà chúng ta chỉ có thể hiểu được khi đọc trong bối cảnh của cả phần II của sách ấy.
Trước hết chúng ta nên biết, ngày nay không còn mấy ai nghĩ rằng Isaia là tác giả của những chương sách này. Các nhà chú giải nhất trí bảo đó là tác phẩm của một tác giả khác. Ông cũng là tiên tri, sống vào khoảng cuối thời lưu vong, tức là vào hạ bán thế kỷ VI trước Công nguyên. Ông tuyên cáo Lời Chúa về vận mạng của Dân. Ngài sẽ ra tay cứu độ. Dân sẽ được giải phóng như hồi ở Aicập. Và còn hơn cả thời bấy giờ nữa. Ngài sẽ dùng sứ mạng của một Người Tôi Tớ. Ai là con người này?
Chính tác giả cũng không rõ ràng. Câu đầu tiên trong bài hôm nay nói, Người Tôi Tớ sẽ là cả dân Israel; nhưng trong những câu sau, người ấy lại là một cá nhân đặc biệt nào đó. Ý thực của tác giả muốn gì? Ðối với ông, Israel vẫn là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa. Người đã chọn dân làm sở hữu, gọi họ là Dân của Người, không những để chia sẻ tình thân mật với Dân, mà còn mạc khải kế hoạch cứu độ của Người cho Dân, để họ trở thành Người Tôi Tớ tín cẩn thực hiện kế hoạch đó cho Người.
Nhưng sứ mạng giao cho toàn dân, Người lại muốn thể hiện nơi và qua một số ít, gọi là "số sót của Israel", và cuối cùng, nơi và qua Một Con Người tiêu biểu. Chỉ người này đáng gọi tên là "Người Tôi Tớ của Ðức Yavê".
Tất nhiên chẳng ai trong Cựu Ước đã thực hiện được sứ mạng như "Isaia" mô tả, vì chẳng ai "đã đem được Yacob về cho Chúa và quy tụ được Israel lại quanh Người". Còn nói gì đến việc "trở thành ánh sáng các dân tộc và trở nên cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất".

B. Nơi Ðức Yêsu Kitô
Thế nên thật là ý nghĩa, việc phụng vụ dùng bài tiên tri Isaia này để đọc trong thánh lễ hôm nay. Lập tức chúng ta đã hiểu: Người Tôi tớ làm vinh danh Thiên Chúa, được Người hình thành ngay từ trong lòng mẹ, để trở nên ánh sáng cứu độ muôn dân, chính là Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng mà chúng ta đã thấy sinh ra trong mùa phụng vụ trước đây và sẽ thấy Người cứu thế trong mùa Chay và Phục sinh. Mùa này, Người đang ở giữa chúng ta, nhưng chưa được nhiều người biết. Phụng vụ qua bài sách Tiên tri Isaia muốn giới thiệu Người là Người Tôi Tớ đích thực của Ðức Yavê để chúng ta vui mừng vì ơn cứu độ đã gần. Nhưng chính bài Tin Mừng mới thật sự làm chứng điều đó.
Thật ra thì Yoan Tẩy giả đã không trực tiếp giới thiệu Ðức Yêsu là Người Tôi Tớ. Ông nói Người là "Chiên của Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian". Mặc dầu hình ảnh con chiên có thể gợi ngay đến ý tưởng về chiên vượt qua, chiên tế vật, nhưng liền sau đó, Yoan đã nói đến Ðấng xóa tội trần gian, Ðấng đến sau ông nhưng lại có trước ông và cao trọng hơn ông, nhất là Ðấng ấy lại được xức dầu bằng Thánh Thần... khiến chúng ta phải hiểu Yoan đã mượn lại mọi tư tưởng trong sách Isaia về Người Tôi Tớ.
Isaia, trong đoạn 53, tức là ở Bài ca IV về Người Tôi Tớ đã vẽ ra hình ảnh con người bị khinh khi, phế bỏ, vì đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta; người bị tra tấn, nhưng không hề mở miệng như cừu bị dẫn đến lò sát sinh, như chiên mẹ ngậm câm, để nhờ các vết hằn người chịu, chúng ta được chữa lành; người đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ ngỗ nghịch.
Trước đó, trong Bài ca I, Isaia đã viết: "Này đây Tôi Tớ của Ta, Người Ta đã chọn và hồn Ta sủng mộ, Ta đã ban Thần Trí trên Người". Và đó là điều Yoan muốn gợi đến khi ông tuyên chứng đã nhìn thấy Thánh Thần lấy hình bồ câu đậu xuống trên đầu Ðức Yêsu.
Yoan đã nhìn thấy nơi Ðức Kitô hình ảnh Người Tôi Tớ trong sách Isaia. Bề ngoài, Người có vẻ thua kém ông, khi đến xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng khi Yoan thấy Thánh Thần xuống trên Người, ông biết ngay, đây là Ðấng mà mình có sứ mạng đi trước dọn đường như một người đầy tớ. Chính Người là Ðấng cao trọng, Ðấng mà Thánh Thần xuống ngự ở trên, nhưng bề ngoài rất khiêm nhu, đúng là Người Tôi Tớ mà sách Isaia đã tiên báo. Và phép rửa mà Người mới chịu là hình ảnh về cuộc khổ nạn mà Người Tôi Tớ phải chịu để đưa nhà Israel về với Chúa và đem ơn cứu độ của Chúa đến tận cùng trái đất. Yoan đã thấy như vậy và ông tuyên chứng để chúng ta hết thảy tin Ðức Yêsu Kitô thật là Người Tôi Tớ và là Người Tôi Tớ đau khổ của Thiên Chúa. Người đã đến thế gian, đóng vai trò Người Tôi Tớ để, như lời sách Isaia viết, Người giải án tuyên công cho nhiều người, hầu ý định của Thiên Chúa được nên trọn. Thế nên, sau khi đã tin Người là Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, chúng ta còn phải xem Người chấp nhận sứ mạng ấy để làm gì? Và câu trả lời, chúng ta đã gặp thấy trong bài thư Phaolô hôm nay nói về chúng ta.

C. Nơi Chúng Ta
Thánh Phaolô ý thức: ngài được gọi là Tông đồ của Ðức Yêsu Kitô, do thánh ý của Thiên Chúa. Ðồng thời ngài khẳng định: chúng ta và mọi người kêu cầu Danh Chúa Yêsu Kitô cũng được gọi để nên thánh, hầu mọi người đều được ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha và của Ðức Yêsu Kitô.
Chúng ta không thể không cảm thấy lòng hân hoan của thánh Phaolô khi viết những dòng thư này. Ngài thấy rõ Thiên Chúa thật tốt lành. Người có cả một ý định thánh thiện, đầy yêu thương đối với mọi người. Ý định đó, Người đã nhờ Ðức Yêsu Kitô thực hiện, như trên ta đã nói và như bài thư Phaolô đây khẳng định. Chính nhờ Ðức Yêsu Kitô và trong Ðức Yêsu Kitô mà chúng ta hết thảy được gọi nên thánh thiện và làm tông đồ, để mọi người được ân sủng và bình an của Thiên Chúa. Tức là mọi người chúng ta cũng được gọi đi vào trong sứ mạng của Ðức Yêsu Kitô, để tham dự, chia sẻ và tiếp nối sứ mạng ấy.
Khi đáp lại tiếng Người kêu gọi mà chạy đến kêu cầu Danh Người, mọi tội lỗi của ta sẽ được chính đôi vai Người gánh lấy. Người là Người Tôi Tớ đau khổ, là Chiên của Thiên Chúa xóa tội trần gian: Người làm cho chúng ta nên thánh thiện, để chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa, và như vậy Người đưa nhà Yacob trở về và quy tụ nhà Israel về với Chúa.
Khi ấy chúng ta sẽ được thừa tự sản nghiệp Lời Hứa, được trao ban sứ mạng của Dân được chọn. Và như trên đã nói, đó là sứ mạng trở thành người tôi tớ thân tín để thực hiện chương trình tốt đẹp của Thiên Chúa, tức là trở nên ánh sáng muôn dân, đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất, trở thành tông đồ của Ðức Yêsu Kitô cũng là trở thành Người Tôi Tớ của Thiên Chúa vậy.
Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì kế hoạch đầy tình thương của Người. Người đã ban Ðức Yêsu Kitô cho ta để làm Người Tôi Tớ thực hiện kế hoạch ấy. Và Ðức Yêsu Kitô giờ đây trong thánh lễ này lại tha thiết kêu gọi mọi người chúng ta quy tụ vào Thân Thể mầu nhiệm Người, để Người sai ta đem ân sủng và bình an đi, tiếp nối sứ mạng của Người Tôi Tớ. Dĩ nhiên muốn thực hiện sứ mạng này, chúng ta phải giơ vai ra gánh lấy hết mọi khổ đau nhọc nhằn của đồng bào. Thế mà nhiều người còn từ chối chung vai gánh vác những nghĩa vụ hiện này với đồng bào. Họ sợ nặng ư? Nhưng chính Chúa đã nói: gánh của Chúa vừa nhẹ vừa êm, bởi vì Thánh Thể Chúa luôn sẵn sàng bổ sức cho những ai yếu nhọc. Thế thì chúng ta hãy sốt sắng cử hành mầu nhiệm Thánh Thể này để có sức mạnh thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm A
Bài đọcIsa 49:3, 5-6; 1 Cor 1:1-3; Jn 1:29-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Các chứng nhân của Đức Kitô
Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình rao giảng của Đức Kitô, bắt đầu từ biến cố Gioan làm phép rửa cho Ngài tại sông Jordan. Để giúp cho dân chúng nhận ra và tin vào Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, Ngài cần nhiều nhân chứng. Nhân chứng quan trọng nhất là Thiên Chúa, và dân chúng đã được nghe tiếng Thiên Chúa làm chứng cho Đức Kitô vọng xuống từ trời: “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Các ngươi hãy nghe lời Người.”
Các bài đọc hôm nay tiếp tục đưa ra các chứng nhân của Đức Kitô. Trong bài đọc I, lời ngôn sứ Isaiah thuật lại chính Thiên Chúa làm chứng cho Con của Người là người Tôi Trung. Sứ vụ của Ngài không chỉ là đưa những người Do-thái trở về, mà còn trở nên ánh sáng của muôn dân để đưa ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất. Trong bài đọc II, thánh Phaolô, mặc dù sống sau thời đại của Đức Kitô, cũng làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời giảng dạy của ngài dành cho các tín hữu thành Corintô. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả làm chứng cho Đức Kitô bằng cách chỉ thẳng vào Ngài và giới thiệu với mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.” Lý do tại sao Gioan có thể xác tín như thế là nhờ Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy ông nhận ra sự thật về Đức Kitô và sứ vụ của Ngài.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bài ca thứ hai về người Tôi Trung của Thiên Chúa
1.1/ Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Trong Sách Isaiah Thứ, có tất cả 4 bài ca nói về người Tôi Trung (42:1-4; 49:1-6; 50:4-9; 52:13-53:12). Nhưng ai là người Tôi Trung mà ngôn sứ Isaiah nhắm tới trong các bài ca này? Có 3 ý kiến khác nhau:
(1) Có người cho dân tộc Israel như một tập thể là người Tôi Trung: Ý kiến này dựa vào lời Thiên Chúa phán trong câu 3 của trình thuật hôm nay: "Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta.
Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang." Ý kiến này không xác đáng cho lắm, vì những câu sau của trình thuật hôm nay và của 3 bài ca khác về người Tôi Trung đều ám chỉ người Tôi Trung là một cá nhân, chứ không phải là một tập thể như dân tộc Israel.
(2) Có người cho là vua Cyrô của Ba-tư: Lý do vì Vua này đã làm theo thánh ý Thiên Chúa, bằng cách đồng ý phóng thích cho dân tộc Israel được về dựng lại quê hương từ đất nô lệ. Ý kiến này cũng không đúng, vì sứ vụ của người Tôi Trung không phải chỉ dẫn đưa những người Israel sống sót trở về; nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.
(3) Có người cho Đấng Thiên Sai là người Tôi Trung: Ý kiến này được chấp nhận nhiều hơn cả, vì người Tôi Trung phải là một cá nhân đến từ Thiên Chúa, có thân xác để chịu đau khổ và gánh tội cho nhân loại. Chính vì những đau khổ này mà người Tôi Trung có thể gánh tội và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại.
1.2/ Nguồn gốc và sứ vụ của người Tôi Trung.
(1) Nguồn gốc: Chính người Tôi Trung chứng thực mình đến từ Thiên Chúa bằng những lời như sau: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người Tôi Trung.”
(2) Sứ vụ: của người Tôi Trung không chỉ “đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người;” nhưng còn được Thiên Chúa đặt “làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”
2/ Bài đọc II: Phaolô chứng thực: ông được trở thành tông đồ của Đức Kitô là do ý định của Thiên Chúa.
2.1/ Phaolô được tuyển chọn để làm tông đồ của Đức Kitô: Để hiểu rõ những lời chứng của Phaolô, chúng ta cần trở lại biến cố quan trọng nhất trong cuộc đời của ông là biến cố ông bị ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để truy nã những người tin vào Đức Kitô. Trước biến cố này, Phaolô đã không biết Đức Kitô. Nhưng Đức Kitô đã thân hành hiện ra với Phaolô để tỏ vinh quang phục sinh của Ngài cho ông, và xác nhận ông chính là Người mà ông đang truy nã. Sau đó, Đức Kitô đã dùng tay thầy Thượng Tế Hannaniah để chữa ông khỏi mù phần xác. Ngài đã dạy dỗ ông suốt 3 năm trong sa mạc hoang dã vùng Arabia để cho ông thấu hiểu các Mầu Nhiệm Nước Trời trước khi chọn ông làm tông đồ và trao sứ vụ đặc biệt cho ông là ra đi rao giảng Tin Mừng đặc biệt cho Dân Ngoại. Ông xác tín với các tín hữu thành Corintô về ơn gọi và sứ vụ của mình: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô.”
2.2/ Mục đích của ơn gọi làm Tông Đồ và sứ vụ làm chứng là để mọi người nhận ra và tin vào Đức Kitô. Ngài không chọn Phaolô làm tông đồ như ban một chức tước, để Phaolô được kính trọng và được nở mặt nở mày với các tín hữu. Ngài cũng không dạy dỗ cho Phaolô biết về Ngài để chỉ giúp cho bản thân của Phaolô được hưởng ơn cứu độ. Trái lại, Đức Kitô đã trao cho ông một sứ vụ và sai ông ra đi để rao giảng và làm chứng làm cho các dân được biết và tin tưởng vào Ngài, để tất cả đều được hưởng ơn cứu độ.
Phaolô đã hăng say ra đi để rao giảng và làm chứng cho Đức Kitô. Ông đã thành lập nhiều cộng đoàn, trong đó có các tín hữu tại Corintô sau khi đã giúp họ tin nhận vào Đức Kitô. Ông đã viết nhiều Thư đến an ủi và giải thích những khó khăn về niềm tin mà họ gặp phải. Ông tôn trọng các tín hữu như các thánh, và dạy họ phải tôn trọng nhau và tôn trọng mọi thành phần của Dân Chúa: “Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta.”
3/ Phúc Âm: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian.”
Đây là lời tuyên xưng mà chúng ta chỉ gặp thấy trong Tin Mừng Thứ Tư, và danh xưng Con Chiên chúng ta chỉ được nghe ở đây và trong Sách Khải Huyền. Giáo Hội dùng lời tuyên xưng này trong Phụng Vụ Thánh Lễ để chuẩn bị tâm hồn cho các tín hữu trước khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa.
3.1/ Ý nghĩa của lời tuyên xưng: Gioan mặc khải cho dân chúng hai điều quan trọng trong lời tuyên xưng này về Đức Kitô.
(1) Ngài là Con Chiên của Thiên Chúa dùng để cứu chuộc con người: Tại sao Gioan gọi Chúa Giêsu là Con Chiên? Danh từ “Con Chiên” có căn bản lịch sử là con chiên Vượt Qua mà người Do-thái dùng để sát tế và lấy máu bôi trên cửa nhà của họ. Mục đích là để sứ thần của Thiên Chúa khi đi tiêu diệt các con và thú vật đầu lòng của người Ai-cập, nếu họ thấy máu, họ sẽ không vào nhà và sát hại các con đầu lòng của người Do-thái trong biến cố Vượt Qua.
Gioan giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, vì Ngài cũng sẽ đổ máu ra để chuộc tội cho tất cả mọi người. Trong Tin Mừng Gioan, con chiên Vượt Qua có một ý nghĩa quan trọng, vì ngày và giờ Chúa Giêsu bị sát tế cũng là ngày và giờ mà người Do-thái sát tế các con chiên Vượt Qua của họ.
(2) Ngài chính là Thiên Chúa: Gioan Tẩy Giả tuyên nhận Đức Kitô là Con Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Giêsu mới có thể là người duy nhất xứng với những lời diễn tả: “người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi.” Nếu xét Đức Kitô theo bản tính Thiên Chúa, Ngài có trước Gioan vì Ngài có từ muôn thuở và cao trọng hơn Gioan gấp bội; nhưng nếu xét theo bản tính nhân loại, Ngài nhập thể và sinh ra sau Gioan.
3.2/ Sự khác biệt giữa hai Phép Rửa: Gioan phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa hai phép rửa của ông và của Chúa Giêsu.
- Phép rửa được làm bởi Gioan là phép rửa bằng nước. Mục đích của phép rửa này là để tỏ lòng ăn năn thống hối và để dọn đường cho mọi người đón nhận Đức Kitô.
- Phép rửa của Chúa Giêsu không những là phép rửa bằng nước để tha thứ các tội đã phạm, mà còn có năng lực thánh hóa con người bằng việc ban các quà tặng của Thánh Thần cho người lãnh nhận.
Trong 7 quà tặng này, có quà tặng khôn ngoan để giúp con người biết phân biệt những gì thuộc về Thiên Chúa từ những gì thuộc về thế gian. Gioan tuyên nhận ông không biết Đức Kitô trước khi Ngài tỏ mình ra. Ông chỉ biết Ngài khi Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy trong ông. Chính sự khôn ngoan của Thánh Thần đã giúp cho Gioan Tẩy Giả nhận ra Chúa Giêsu khi cả hai còn đang ở trong bụng mẹ trong Tin Mừng Luca; và trong trình thuật của Gioan hôm nay, ông nhận ra Chúa Giêsu chính là Con Chiên được tuyển chọn để gánh tội trần gian.
Gioan làm chứng cho Đức Kitô bằng những lời như sau: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta tin Đức Kitô, không phải vì chúng ta đã thấy Ngài tận mắt, nhưng vì lời của các nhân chứng quan trọng như: tiếng Chúa Cha vọng xuống từ trời mà Gioan và các Tông-đồ đã thuật lại, hình ảnh và hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong Gioan, lời các ngôn sứ đã báo trước về người Tôi Trung được thể hiện trong Đức Kitô, các phép lạ Đức Kitô đã làm và những lời Ngài rao giảng, lời chứng của các thánh Tông-đồ, máu của các thánh Tử-đạo, và còn bao nhiêu nhân chứng qua các thời đại, và ngay cả thời đại chúng ta đang sống, họ vẫn tiếp tục làm chứng cho Đức Kitô.
- Sau khi đã có niềm tin vào Đức Kitô, chúng ta đều được kêu gọi để làm chứng nhân cho Đức Kitô qua bí-tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận.
- Để làm chứng nhân, chúng ta cần hiểu biết về Đức Kitô, vì không ai có thể làm chứng cho người mà mình không biết. Học hỏi về Đức Kitô và với Đức Kitô không thể thiếu trước khi chúng ta có thể làm chứng cho Ngài.
- Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong Đức Kitô, cũng phải hoạt động trong chúng ta để giúp chúng ta thấu hiểu những Mầu Nhiệm Nước Trời, trước khi chúng ta trở thành những chứng nhân cho Đức Kitô.
- Trong khi rao giảng và làm chứng về Đức Kitô cho tha nhân, niềm tin của chúng ta cũng được vững mạnh và kiện toàn.
- Nếu chúng ta không thi hành nghĩa vụ làm chứng nhân, ai sẽ là người mang Đức Kitô đến cho các thế hệ mai sau, và cho đến tận cùng trái đất?
- Nếu không chu toàn bổn phận chứng nhân, chúng ta cũng không xứng đáng để được hưởng các quyền lợi mà Đức Kitô đã phải đổ máu đào để mang lại.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

15/01/17       CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – A
Ga 1,29-34

GÁNH TỘI ĐỀN THAY


“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)

Suy niệm: Nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đạt Lai Lạt Ma dùng những con vật một người chọn theo thứ tự ưu tiên, để qua đó biết được bậc thang giá trị của người ấy trong cuộc đời. Các con vật tiêu biểu là cừu tượng trưng tình yêu; bò: công việc; cọp: tham vọng; heo: tiền tài; ngựa: gia đình. Con Chiên (Cừu) Thiên Chúa không chỉ là biểu tượng tình yêu chung chung, nhưng là tình yêu cho đến tận cùng, không có giới hạn, yêu đến độ gánh thay và xoá sạch tội lỗi của cả trần gian. Chúa Giê-su, Chiên Thiên Chúa đã thực hiện công cuộc gánh thay và xoá tội ấy không bằng phô truơng sức mạnh quyền năng, nhưng bằng tâm tình hiền lành khiêm tốn, bằng việc hy sinh chính thân mình trên cây thập giá. Thánh Gio-an nêu rõ: giờ chết của Chiên Thiên Chúa chính là giờ sát tế chiên chiều áp lễ Vượt Qua (Ga 19,31).

Mời Bạn: “Những tình cảm đẹp nhất là những tình cảm trong đó không có chỗ cho cái tôi” (L.Cordière). Chiên Thiên Chúa gánh thay và xóa tội trần gian cách vô cầu, chỉ mong con người được hạnh phúc. Noi gương Ngài, người Ki-tô hữu cũng phải thanh lọc quả tim cho trong sáng, sống tinh thần vô vị lợi trong các mối quan hệ hằng ngày.

Chia sẻ: Chiên Thiên Chúa có là động lực thúc đẩy tôi sống tinh thần hy sinh quên mình cho người lân cận không?

Sống Lời Chúa: Nhớ đến lòng hy sinh quên mình của Chúa Giê-su khi đọc lời “Đây Chiên Thiên Chúa…” trong thánh lễ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa là Chiên Thiên Chúa, gánh thay và xoá bỏ tội chúng con. Xin giúp chúng con ghi nhớ và sống xứng đáng với lòng yêu thương quên mình đó của Chúa.


TÔI ĐÃ THY (15.1.2017 – Chúa nht 2 Thường niên, Năm A)
Đc Giêsu vn t mình xuyên qua nhng chuyn đi thường, qua nhng con người đơn sơ tôi vn gp. Tôi cn tp thy Ngài n sau lp v xù xì ca thc tế


Suy nim:
Biết một người là đi vào một mầu nhiệm.
Chúng ta quen nhiều người, nhưng biết thì ít hơn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, hai lần Gioan khẳng định:
“Tôi đã không biết Người” (cc 31-33).
Cho đến khi làm phép rửa cho Ðức Giêsu,
Gioan thú nhận mình vẫn chưa biết Ngài là Mêsia.
Dù Ðức Giêsu là bà con họ hàng của ông (x. Lc 1,36),
dù hẳn ông đã có một số thông tin về Ngài.
và dù ông biết Ngài cao trọng hơn mình (x. Mt 3,14),
nhưng cái biết ấy, ông vẫn chưa coi là biết thật sự.
Ðược Thiên Chúa mách bảo, ông kiên nhẫn đợi chờ.
Làm phép rửa trong nước là cách giúp ông khám phá
Ðấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần.
Ai được Thần Khí ngự xuống và ở lại, Người ấy là Mêsia.
Gioan đã thấy Thần Khí ở lại trên Ðức Giêsu
lúc Ngài được ông ban phép rửa.
Bây giờ có thể nói ông đã biết Ðức Giêsu.
Ông đã biết sau khi ông đã thấy.
Từ cái biết nhờ thấy, do ơn Thiên Chúa ban,
Gioan đã trở nên người làm chứng trung tín.
Ông vui lòng giới thiệu Ðức Giêsu cho môn đệ mình.
Ông mừng khi thấy dân chúng tuốn đến với Ngài (Ga 3,26).
Ông vui khi trở nên lu mờ đi để Ngài được nổi bật (Ga 3,30).
Làm chứng cho Ðức Giêsu khiến ông trở nên tay trắng.
Gioan đã thấy, đã biết, đã làm chứng cho Ðức Giêsu.
Nếu biết là đi vào một mầu nhiệm,
thì mầu nhiệm ấy cứ vẫy gọi người ta tiến sâu hơn.
Càng tiến sâu, cái biết càng được thanh lọc.
Hành trình của Gioan cũng là của tôi: thấy, biết, làm chứng.
Biết một người là chuyện khó.
Biết Ðức Giêsu Kitô còn khó hơn nhiều.
Tôi chẳng thể nào múc cạn được con người độc đáo này,
nơi giao nhau giữa trời và đất, giữa Tạo Hóa và thụ tạo.
Ðể biết Ðức Giêsu, tôi cần thấy Ngài tỏ mình.
Không hẳn tôi sẽ thấy một thị kiến huy hoàng long trọng.
Không hẳn Ngài sẽ xuất hiện trong sức mạnh quyền năng.
Ngài vẫn tỏ mình xuyên qua những chuyện đời thường,
qua những con người đơn sơ tôi vẫn gặp.
Tôi cần tập thấy Ngài ẩn sau lớp vỏ xù xì của thực tế.
Cần thường xuyên làm mới lại cái biết về Ðức Kitô.
để có tương quan thâm trầm hơn, thân mật hơn với Ngài.
Nếu biết là thấy, là có kinh nghiệm riêng tư,
là hiệp thông, gặp gỡ, chia sẻ chính cuộc đời Ngài,
là để mình sống trong Ngài và Ngài sống trong mình,
thì biết là nỗ lực của cả một đời Kitô hữu.
Gioan đã làm chứng cho dân về Ðấng họ đang đợi.
Con người hôm nay đang đợi ai?
Ðức Giêsu do chúng ta trình bày và sống
có đáp ứng những khát vọng sâu thẳm của họ không?
Tôi cần thấy và biết Ngài hơn, để làm chứng tốt hơn.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.
Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.
Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.
Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.
Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.
Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.
Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG GIÊNG
Đời Sống Gia Đình Củng Cố Cấu Trúc Xã Hội
Như chúng ta thấy, gia đình – trong tư cách là “xã hội thứ nhất” – có những đòi hỏi tự nhiên của riêng nó và không thể bị o ép bởi các ý thức hệ hoặc bởi những đòi hỏi cá biệt nào đó của xã hội. Thật vậy, trách nhiệm của xã hội là phải gìn giữ và hỗ trợ gia đình bằng cách thiết lập những khoản luật và chế định những giá trị luân lý để phục vụ cho thiện ích chung. Bất cứ điều luật hay chuẩn mực luân lý nào không hỗ trợ cho gia đình thì cũng không thể nào là tốt cho toàn xã hội, vì gia đình là nền móng của xã hội. Những gì phá hoại gia đình thì đồng thời cũng phá hoại tất cả xã hội. Xã hội nào sẵn sàng xé rách gia đình rốt cục cũng sẽ thấm thía sự thật ấy.
Các nhà cầm quyền và những người làm công tác khoa học cần nhận thức rằng những nhu cầu chính đáng của con người và của xã hội đòi phải có sự cộng tác giữa lĩnh vực xã hội trần thế và lĩnh vực tôn giáo để bênh vực cho quyền lợi của gia đình. Công Đồng Vatican II nhìn nhận: “Trong khi theo đuổi mục đích cứu rỗi của mình, Giáo Hội không phải chỉ truyền thông sự sống Thiên Chúa cho con người, nhưng còn chiếu giãi ánh sáng của sự sống thần linh ấy trên toàn thế giới. Giáo Hội làm công việc này, trước hết bằng cách chữa trị và nâng cao phẩm giá nhân vị, củng cố cơ cấu của xã hội nhân loại và thấm nhuần cho hoạt động thường nhật của con người một chiều hướng và một ý nghĩa sâu xa hơn.” (MV 40) Như vậy, trong khi bảo vệ quan điểm Kitô giáo về đời sống hôn nhân và gia đình, Giáo Hội cũng đang xây dựng và củng cố toàn thể cộng đồng xã hội trần thế bằng một nền nếp luân lý vững chãi và tốt lành.
Thật vậy, tinh thần vâng phục của các tín hữu đối với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình sẽ bảo đảm rằng các nhân đức luân lý vốn có khả năng vãn hồi sự công bằng, lòng trung tín, sự kính trọng nhân vị, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết lẫn nhau … sẽ được nhấn mạnh và đề cao vì ích lợi của toàn xã hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 15-1
Chúa Nhật II Thường Niên
Is 49,3.5-6; 1Cr 1,1-3; Ga 1,29-34.

Lời suy niệm: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.”
Trong Phép Rửa, Thần Khí đã ngự xuống trên Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả đã thấy ông đã tin và ông làm chứng. Với niềm tin của người Kitô hữu. Thần Khí đến cư ngụ liên tục trong Chúa Giêsu và quyền năng của Thiên Chúa cũng ở trong Chúa Giêsu một cách đặc biệt.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con được Rửa Tội theo Lời Chúa truyền dạy: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Xin Chúa ban Thánh Thần trên chúng con để chúng con sống đúng với thánh ý Chúa.
Mạnh Phương


15 Tháng Giêng
Bình An Cho Các Con
Có lần người ta hỏi đại thi hào Dante của nước Italia rằng: đâu là điều mà ông mong mỏi và tìm kiếm nhất trong cuộc sống. Bậc vĩ nhân đã trả lời như sau: "Tôi vẫn luôn đi tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng tìm kiếm: đó là sự bình an".
Ðó là điều mà chúng ta vẫn cầu xin cho người quá cố: trên bia mộ nào, chúng ta cũng luôn ghi lời cầu xin: xin cho họ được an nghỉ nghìn thu. Phải chăng trong cuộc sống hiện tại thế này, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hòa bình và an nghỉ? Trong những phút giây cuối đời, Chúa Giêsu đã hứa hẹn với chúng ta: "Ta ban bình an cho các con. Ta ban thứ bình an mà thế giới không thể ban tặng cho các con".
Thế giới của chúng ta dường như chưa bao giờ được hưởng những giây phút thái bình thực sự. Hòa bình chỉ là những khoảnh khắc tạm bợ đầy những rình rập của chiến tranh và lo sợ.
Trước Chúa Kitô 600 năm tai Roma, một đền thờ đã được xây lên để kính nhớ thần Janus, vị thần mà người ta đã lấy tên để đặt cho tháng đầu tiên trong năm. Theo ước mong của toàn dân trong đế quốc La Mã, đền thờ này chỉ được mở cửa trong thời bình. Trong vòng 600 năm ấy, dường như các cửa của đền thờ này chỉ được mở trong ba giai đoạn ngắn ngủi. Cánh cửa Hòa Bình đóng mãi đối với con người ở mọi thời đại. Thời đại nào thế giới cũng mong đợi hòa bình, thời đại nào con người cũng mong đợi hòa bình. Khát vọng của Hòa Bình ăn rễ sâu trong lòng người, ngay cả những người suốt đời chỉ gieo rắc chiến tranh và đau thương cho người khác. Chúng ta thích khung cảnh tịch mịch thư thái, chúng ta ngây ngất trước ánh bình minh tươi sáng, chúng ta vui thỏa trước buổi chiều tà êm ả, chúng ta yêu thích những cánh hoa tươi mát v.v… Chúng ta thán phục những con người luôn tỏ ra bình thản trước những hoàn cảnh xáo trộn. Chúng ta đi tìm những tư tưởng bình an, những dòng nhạc êm dịu, những con người hiền lành.
Chúa Giêsu đã nói đến hai chữ bình an không biết bao nhiêu lần. Ngày Ngài sinh hạ, các Thiên Thần loan báo sứ điệp của bình an. Ngài là Vua của những người xây dựng Hòa Bình.
Thánh Phaolô luôn mở đầu và chấm dứt các lá thư của Ngài bằng những lời cầu chúc bình an nồng nhiệt nhất.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét