23/01/2017
Thứ Hai tuần 3 thường niên
Bài Ðọc I: (năm I) Dt
9, 15. 24-28
"Người chỉ tế
lễ chính mình một lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu
độ những ai trông đợi Người".
Trích thơ gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa
Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội
phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời
đã hứa cho họ. Ðức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ
là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất
hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính
mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không
phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần:
nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để
huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là
phán xét, thì Ðức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều
người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ
những ai trông đợi Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1.
2-3ab. 3cd-4. 5-6.
Ðáp: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm
nên những điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng
Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người
đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. -
Ðáp.
2) Chúa đã công bố ơn
cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại
lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa
cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng
Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với
cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm
ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! -
Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 3, 22-30
"Satan phải diệt
vong".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ
từ Giêrusalem xuống nói rằng: "Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám", và nói
thêm rằng: "Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ". Khi đã gọi họ lại,
Chúa Giêsu phán bằng dụ ngôn rằng: "Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu
một nước mà tự chia rẽ nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy
lên chống đối với chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà
phải diệt vong. Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu
không trói được y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các
ông hay, mọi tội lỗi và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha
hết, nhưng kẻ nào nói phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được
tha: nó mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ nói "Người bị thần ô uế
ám".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Tội ngoan cố
Hoạt động của Chúa
Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là
trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ
phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới
cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua
trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng
một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu
chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng
minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai
hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn
giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan
cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã
thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa
người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ
ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động
kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị
quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự
ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán
cho tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì
là tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi
nhưng Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước
ân sủng và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa
Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 3 TN, Năm lẻ
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Chúa Giêsu đến để
tiêu diệt tội lỗi và các việc làm của ma quỉ.
Trong hành trình đi
tìm sự thật, con người phải để tâm hồn rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng
dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi sự thật. Điều nguy hiểm nhất là tội
ngoan cố trong sự sai trái của mình, tin hay tố cáo người khác những gì ngược lại
với sự thật.
Các Bải Đọc hôm nay tập
trung trong những gì Chúa Giêsu làm để tiêu diệt tội lỗi và chuẩn bị cho con
người được xứng đáng lãnh nhận Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tác
giả Thư Do-Thái so sánh hiệu quả của Giao Ước cũ và mới. Giao Ước cũ không thể
cất đi các tội của con người vì máu chiên bò không đủ mạnh để làm chuyện đó.
Giao Ước mới có thể tẩy sạch tội của con người vì máu Chúa Giêsu, dù chỉ đổ một
lần; và làm cho con người được giao hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, các
Kinh-sư tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Beezebul ám và Người dựa thế quỷ vương
mà trừ quỷ.” Chúa Giêsu vạch ra sự sai trá của lời tố cáo này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
1.1/ Sự khác biệt giữa
hai Giao Ước: Tác giả đã nói lý do tại
sao Giao Ước mới hòan hảo hơn Giao Ước cũ; giờ đây ông chỉ lặp lại những gì đã
nói: (1) Chúa Giêsu là trung gian của một Giao Ước Mới; (2) Ngài
lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao ước cũ;
và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia nghiệp vĩnh
cửu Thiên Chúa đã hứa; (3) Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do
tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật.
Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển
cầu cho chúng ta.
1.2/ Chúa Giêsu chỉ hiến
tế một lần là đủ: Theo Giao Ước cũ, vị
thượng tế mỗi năm phải đem theo máu của loài vật mà vào cung thánh để đền tội
cho mình và cho dân. Theo Giao Ước mới, Thượng Tế Giêsu không phải dâng chính
mình làm của lễ nhiều lần. Chẳng vậy, Người đã phải chịu khổ hình nhiều lần, từ
khi thế giới được tạo thành. Nhưng nay, vào kỳ kết thúc thời gian, Người đã xuất
hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.
Phận con người là phải
chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét. Cũng vậy, Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một
lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần
này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu phải có quyền năng mạnh hơn Satan.
Trình thuật hôm nay của
Marcô tiếp tục trình thuật “Chúa Giêsu bị thân nhân bắt đem về nhà,” vì họ nghĩ
Ngài đã hóa điên. Chúng ta đã nói tới lý do Chúa Giêsu đã quá yêu thương con
người, nên Ngài dành hết mọi thời gian để dạy dỗ và chữa lành dân chúng, đến nỗi
Ngài không còn thời giờ ăn uống. Các Kinh-sư trong trình thuật hôm nay đến từ
kinh-đô Jerusalem, có lẽ đã được nghe báo cáo từ các Kinh-sư địa phương, buộc tội
Ngài: “Người bị quỷ vương Beelzebul ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
2.1/ Chúa Giêsu trả lời 2
tố cáo của họ:
(1) Người bị quỷ vương
Beelzebul ám: Beelzebul là Syriac phiên dịch của chữ Do-Thái Baalzebub.
Trong Phúc Âm Nhất Lãm, từ này được dùng để chỉ tướng quỉ, Satan. Từ này được
dùng ở đây và trong Mt 10:25, không thông dụng bằng Satan.
Chúa Giêsu dùng lý luận
triệt tam ở đây: một vật không thể vừa có vừa không một lúc. Satan không
thể vừa là quỉ, vừa không là quỉ được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với họ:
"Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền;
nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự
chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” Chúa Giêsu không thể nào bị đồng
hóa với Satan, vì Ngài luôn luôn đối chọi chúng. Ngài đến để tiêu diệt chúng và
giải thóat con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
(2) Người dựa thế quỷ
vương mà trừ quỷ: Trong một nước, người có quyền hành nhất là Vua, người
cai trị dân chúng. Nếu một người nước khác tới bắt nạt dân chúng, người đó phải
đương đầu với quyền lực của nhà Vua. Chúa Giêsu cũng đưa một ví dụ tương tự:
“Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người
mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”
Tương tự, quỉ vương
hay Satan, là người lãnh đạo các quỉ. Nếu Chúa Giêsu động đến các quỉ nhỏ là động
đến chính Satan. Chúa Giêsu có quyền lực mạnh trên cả Satan, nên Ngài không sợ
ngay cả chính Satan, huống hồ gì là các thần ô uế của nó. Vì thế, các tố cáo của
các Kinh-sư không có lý do vững chắc.
2.2/ Tội phạm đến Chúa
Thánh Thần: "Tôi bảo thật anh em:
mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng
nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời."
(1) Tội nào là tội phạm
đến Chúa Thánh Thần? Trước tiên, Chúa Thánh Thần là sự thật; vai trò của
Ngài là giúp cho con người nhận ra sự thật từ sự giả trá. Nếu sau khi đã được
Chúa Thánh Thần dạy bảo nhiều lần, một người vẫn ngoan cố không nhận ra sự thật,
hay tệ hơn, cho sự gian trá là sự thật; người đó đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
Ví dụ: trong cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với các Kinh-sư, Chúa Giêsu đã lấy
quyền năng của Thiên Chúa khai trừ thần ô uế ra khỏi con người. Sau khi đã được
Chúa Giêsu cắt nghĩa cẩn thận bên ngòai và Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong,
mà các Kinh-sư vẫn chối từ sự thật và ngoan cố cho Chúa Giêsu là “bị các thần ô
uế ám;” họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
(2) Tại sao tội phạm đến
Chúa Thánh Thần không được tha? Điều kiện để được tha tội là con người phải
nhận ra những tội của mình, ăn năn sám hối, và thú nhận tội lỗi của mình. Vì
người phạm đến Chúa Thánh Thần không nhận ra mình có tội, nên cũng chẳng cần ăn
năn sám hối và thú tội. Với một thái độ như thế, làm sao tội có thể được tha?
Vấn đề của nhiều người
thời nay là thái độ tự cho mình là công chính; họ mất hết ý thức về tội lỗi, và
không còn cho điều gì là tội nữa. Nếu những người này cứ giữ thái độ ngoan cố
như thế cho tới chết, họ đã phạm đến Chúa Thánh Thần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Giêsu là Thượng
Tế đã dâng hy lễ là chính thân thể Ngài để tiêu diệt tội lỗi và gánh tội cho
con người; nhờ đó, con người đã được hòa giải với Thiên Chúa.
- Chúng ta phải suy
xét cẩn thận trước khi phán xét kẻ khác để tránh những mâu thuẫn và phán xét
không có cơ sở. Phải tránh xa những phán xét vì ghen tương và sợ người khác hơn
mình.
- Chúng ta phải luôn mở
rộng tâm hồn để đón nhận sự thật; và nhất là theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh
Thần bên trong.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
23/01/16
THỨ HAI TUẦN 3 TN
Mc 3,22-30
CẢM NHẬN THIÊN CHÚA
Các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về
Chúa Giê-su rằng Người bị quỉ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa vào thế quỉ
vương mà trừ quỉ. (Mc 3,22)
Suy niệm: Linh mục Léopold
Cadière, một học giả chuyên nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, đã nhận xét: “Phải
thừa nhận rằng người Việt, nói cho đúng, sống trong thế giới siêu nhiên… cho dù
ở giai cấp nào, … [họ] đều cảm thấy mình trực tiếp thường xuyên với các thần
thánh trong thiên nhiên.” Tuy nhiên, từ chỗ cảm nhận sự hiện diện của
thần linh tới chỗ tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi còn là một bước dài mà không phải
ai cũng dễ dàng vượt qua được. Những người kinh sư Do Thái, tức là những người
trí thức bấy giờ, mặc dù đã chứng kiến phép lạ của Chúa Giê-su, nhưng thay vì
nhìn nhận uy quyền và tin vào Chúa Giê-su thì họ lại xuyên tạc, cho rằng: Chúa
Giê-su đã bị quỉ ám và dùng quyền lực của tướng quỉ để trừ quỉ. Họ trở thành
những người chống lại Chúa Thánh Thần.
Mời Bạn: Một
ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế là xã hội bị tục hóa,
cảm thức thần thiêng và tâm tình tín ngưỡng sút giảm. Người tín hữu cần tỉnh
thức để mình khỏi bị lung lạc bởi xu hướng quá đề cao hưởng thụ vật chất. Cần
biết trân trọng giữ gìn ơn đức tin để luôn gắn bó với Thiên Chúa.
Chia sẻ: Đã
có lần nào tôi trao đổi với một người lương dân về Thiên Chúa chưa? Đâu là
những yếu tố thuận lợi và không thuận lợi cho một cuộc trao đổi như vậy?
Sống Lời Chúa: Tạ
ơn Thiên Chúa đã cho tôi được ơn nhận biết và tin vào Chúa Giêsu. Tôi sẽ tích
cực chăm lo vun xới đức tin của mình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin – Cậy –
Mến.
Vào nhà một người mạnh (23.1.2017 – Thứ hai Tuần 3 Thường niên)
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha, trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Suy niệm:
Thân nhân của Đức
Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể
họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong
thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.
Các kinh sư đến từ
thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức
Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải
quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài
trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây
của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như
vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố
cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự
hiện diện
và hoạt động
của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti
trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,
đó là Xatan hay
Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng
Nước của mình trong thế giới loài người.
Nó sai các quỷ
nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan
thường cám dỗ ta theo ba bước:
từ sự ham muốn
của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,
rồi sau đó đi đến
mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn
khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt
tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện
vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và
khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng
và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua
cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà
đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ
mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại
là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã
trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải
thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho
họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn
tiếp tục tấn công Xatan.
Ngài không ngừng chinh
phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác
để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên
Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ
quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,
thì xúc phạm đến
Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là
người có thần ô uế.
Ngài có đầy ắp Thánh
Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp,
bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều
có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng
từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người
hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần
vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã
không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông
thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin
Chúa
khi thấy Chúa chịu treo
trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin
Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một
con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh
mong manh,
nơi một linh mục yếu
đuối,
trong một Hội thánh còn
nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê
bỏ,
để chúng con tập nhận ra
Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Giêng
23 THÁNG GIÊNG
Tôn Trọng Nhân Vị
Con Người
Tại Môi Trường Lao
Động
Nhãn quan Kitô giáo về thực tại tập chú trên con người và phẩm giá của
con người xét như một ngôi vị được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Đó là lý
do vì sao tôi muốn khẳng định mạnh mẽ rằng nhân vị phải luôn luôn là mối ưu
tiên đệ nhất trong lao động. Khẳng định ấy sẽ đưa ta tới một quan điểm hết sức
quan trọng về đạo đức. Đành rằng quả thật con người được gọi và được định liệu
để lao động; song, lao động tiên vàn là cho con người, chứ không phải con người
cho lao động. Nói cho cùng, mọi loại lao động của con người – dù tầm thường hay
đơn điệu đến mấy đi nữa – cũng luôn luôn nhận cứu cánh của nó là chính con người
(Laborem exercens 6).
Toàn bộ cơ cấu lao động phải vận hành xoay quanh chiếc trục bản lề là
chính con người. Lao động là thực tại cao quí. Nhưng con người còn cao quí hơn
muôn muôn triệu lần. Con người là thiêng thánh. Và tính thiêng thánh này không
thể bị xúc phạm. Dứt khoát phải tôn trọng nhân vị con người trong mọi môi trường
lao động.
Tính thiêng thánh ấy là gốc rễ từ đó bật ra tất cả các quyền đặc biệt của
con người. Bất cứ cảnh vực lao động nào muốn tạo lập một môi trường đạo đức
lành mạnh đều phải tôn trọng nhãn giới ấy về con người.
Thật vậy, chất lượng luân lý và đạo đức của một doanh nghiệp – và thường
kể cả mức hiệu năng của doanh nghiệp ấy trên thị trường nữa – được đo lường
chính nơi thái độ của doanh nghiệp này đối với con người.
Công nghệ, tư bản, lợi nhuận, và tất cả những gì góp phần đem lại sự
thành công về tài chánh đều được trân trọng và tưởng thưởng theo mức độ mà
chúng tôn trọng phẩm giá con người trong môi trường lao động. Chúng phải luôn
luôn lệ thuộc con người – và con người phải luôn luôn chiếm được sự quan tâm
hàng đầu tại mọi môi trường lao động.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23-01
Dt 9, 15.24-28; Mc 3,
22-30.
LỜI SUY NIỆM: “Xatan làm
sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền, nhà nào tự chia
rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ thì
không thể tồn tại, nhưng đã tận số.” (Mc 3,23-26).
Khi Chúa Giêsu lấy quyền
năng của Thiên Chúa mà trừ quỷ cho một người bị quỷ ám, những người Pharisêu đã
không nhìn với con mắt đức tin. Tin Chúa Giêsu là Đấng Ki-tô, nhưng lại nhìn với
đầu óc hẹp hòi và đố kỵ của họ, họ chỉ xem Chúa Giêsu chỉ là một con người tầm
thường như mọi con người khác, giống như những ông phù thủy. Đuổi quỷ vốn là một
hiện tượng thông thường ở phương Đông. Và họ cho việc Chúa Giêsu trừ quỷ chỉ là
một sự liên minh với quỷ. Qua biến cố này, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết
mọi sự chia rẽ sẽ dẫn đến sự tan rã. Trong mỗi cộng đoàn luôn phải ý thức chúng
ta đều là những tế bào trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Ki-tô, phải nên một với nhau,
như Ngài và Chúa Cha là một. Khi đó mới tồn tại và vững bền.
Mạnh Phương
23 Tháng Giêng
Chúa Giêsu Ði Xem Bóng Ðá
Một linh mục Ấn Ðộ
chuyên về huấn luyện tu đức là cha Anthony de Mello đã tưởng tượng ra một câu
chuyện như sau: Chúa Giêsu than phiền là Ngài chưa được một lần tham dự một trận
túc cầu. Chúng tôi bèn đưa Ngài đi xem một trận đấu rất gay go giữa một đội Tin
Lành và một đội Công Giáo. Ðội Công Giáo làm bàn trước một không. Chúa Giêsu vỗ
tay hoan hô và tung cả mũ lên trời. Vài phút sau, đội Tin Lành lại làm bàn. Lần
này Chúa Giêsu cũng vỗ tay reo hò và tung mũ lên trời.
Một khán giả ngồi
bên cạnh lấy làm khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu. Ông ta lấy tay đập lên vai
Ngài rồi hỏi: "Ê ông bạn, ông bạn ủng hộ bên nào vậy?". Xem chừng như
vẫn còn bị khích động bởi trận đấu, Chúa Giêsu trả lời: "Tôi hả? Tôi không
ủng hộ bên nào cả. Tôi đến đây là chỉ để thưởng thức trận đấu thôi". Người
khán giả khó chịu về thái độ của Chúa Giêsu, nay lại càng bực bội hơn. Ông quay
sang người bên cạnh và nói nhỏ: "Hắn là một tên vô thần".
Trên đường trở về
nhà, chúng tôi chất vấn Chúa Giêsu về tình hình tôn giáo trên thế giới. Chúng
tôi nói với Ngài: "Thưa Chúa, những con người có tôn giáo thật là buồn cười.
Họ tưởng rằng Chúa Giêsu chỉ đứng riêng về phía họ và nghịch lại với những người
thuộc tôn giáo khác".
Chúa Giêsu gật đầu
tỏ vẻ ưng ý. Ngài nói: "Ðó là lý do tại sao ta không ủng hộ tôn giáo mà chỉ
ủng hộ con người. Con người quan trọng hơn tôn giáo. Con người trọng hơn ngày
Sabbat. Chúng con nên biết là chính những người có tôn giáo đã treo Ta lên thập
giá".
Câu chuyện tưởng tượng
trên đây cho chúng ta thấy rằng một trong những vết thương lớn nhất của nhân loại
trải qua mọi thời đại: đó là thái độ bất khoan dung đưa đến những cuộc chiến
tranh tôn giáo. Con người ai cũng bị cám dỗ nhân danh Thượng Ðế, thần minh và hệ
tư tưởng của mình để triệt hạ, để loại trừ, để bách hại người khác. Kỳ thực, có
tôn giáo nào mà không dạy sự khoan dung, lòng nhân từ đối với mọi người?
Chúa Giêsu đến để mạc
khải cho chúng ta một Thiên Chúa là Cha của mọi người. Ngài là Ðấng làm cho mặt
trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu thương những kẻ nhận biết
và yêu mến Ngài cũng như những kẻ chối bỏ và thù ghét Ngài. Ngài muốn chúng ta
yêu thương nhau như anh em cùng một gia đình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải
cho chúng ta là Ðấng mà người ta cũng sẽ chối bỏ nếu người ta khước từ chính
anh em đồng loại của mình. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc khải là Ðấng mà người
ta cũng sẽ xúc phạm nếu xúc phạm đến con người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét