Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Sự thinh vượng của phường gian ác thử thách đức tin của người công chính

Sự thinh vượng của phường gian ác thử thách đức tin của người công chính

Đức tin của người công chính bị thử thách trước sự thịnh vượng của phường gian ác: TV 73 A
Thánh vịnh 73 mở đầu tập III của sách Thánh Vịnh, đồng thời mở đầu sưu tập của Asaf gồm các thánh vịnh từ 73 tới 83, là các thánh vịnh chiếm hai phần ba tập III. Thánh vịnh 73 là một bài học khôn ngoan  liên quan tới vấn đề gây khắc khoải và khổ đau cho nhiều người: đó là sự hiện kẻ gian tham ác độc lại được thưởng, còn người công chính đạo đức lại gặp đủ mọi thứ tai ương và khổ đau khốn khó. Đây là đề tài chúng ta đã gặp trong các thánh vịnh 37; 49, và là vấn đề nòng cốt của sách ông Gióp trình bầy nỗi khổ đau cuả kẻ vô tội. Tuy nhiên, ở đây chúng ta gặp tất cả mọi đặc thái của một kinh nghiệm sống; việc đau đớn nhận ra sự thịnh vượng của phường gian ác, của cải giầu sang càng ngày càng gia tăng, trong khi tác giả là người ngay chính lại thấy mình phải chịu các hình phạt, bị cám dỗ nổi loạn và khước từ cung cách sống vô tội của ông. Nhưng nút thắt bí nhiệm ấy bất thình lình được tháo ngay qua một mạc khải ông nhận được trong đền thờ liên quan tới kết cục, nghĩa là sự tàn lụi và hư hoại cuối cùng của sự thịnh vượng bề ngoài mau qua ấy của kẻ gian ác, một kết cục thê thảm không đáng mong ước. Đối nghịch với hoàn cảnh ấy là số phận của tác giả thánh vịnh, một số phận không biết tới kết thúc, vì chính Thiên Chúa là “đá tảng” và “phần chén của ông, đến muôn đời” . Như thế đây là một bài học khôn ngoan được rút tiả ra từ kinh nghiệm cá nhân, vì vậy không lạ gì khi nó chứa đựng các yếu tố đặc thù của các thánh vịnh cá nhân bao gồm các đề tài khổ đau, bách hại, việc phản đối của sự vô tội, cũng như các đề tài tin tưởng và tạ ơn.
Văn thể là thánh vịnh khôn ngoan với các yếu tố than van, tin tưởng và tạ ơn. Thánh vịnh gồm khẳng định mở đầu, câu 1; sự thịnh vượng của phường gian ác, các câu 2-12; cám dỗ tác giả phải chịu, các câu 13-16; mạc khải của Thiên Chúá, các câu 17-22; và các khẳng định kết thúc, các câu 27-28.
Thánh vịnh mở đầu với khẳng định liên quan tới lòng nhân lành của Thiên Chúa đối với các người công chính. Xem ra nó có vẻ là một kết luận tích cực mà tác giả đạt được sau một cuộc khủng hoảng âu lo quay quắt (c. 16), và hầu như là một công bố chiến thắng đạt được sau một cuộc chiến đấu cam go.
“Thiên Chúa nhân hậu biết dường nào với nhà Ít-ra-en,với những kẻ có lòng trong sạch!”
”Chắc chắn Thiên Chúa tốt lành”: kiểu nói này tương đương với lời tuyên xưng cử hành mở đầu các thánh vịnh tạ ơn “Hãy chúc tụng Giavê, vì Ngưòi thật nhân lành” (Tv 106,1; 107,1; 118,1; 136,1). Trong thánh vịnh 73 khẳng định mở đầu và kết thúc ở câu 28c đặt để bài học khôn ngoan vào trong khung cảnh văn chương đặc thù của các thánh vịnh tạ ơn. “Chắc chắn “akh” trong tiếng Do thái ám chỉ nhận xét của tác giả về lòng lành của Thiên Chúa trái nghịch với tất cả vẻ bề ngoài chứng minh ngược lại.
“Với những kẻ ngay lành… với những người có con tim trong sạch”: tức những người công chính, giống như câu cuối cùng của thánh vịnh 32: “Hỡi những người công chính, hãy vui lên trong Giavê, hãy nhảy mừng.
Mọi tâm hồn ngay thẳng, nào cất tiếng hò reo.” (Tv 32,11); hay câu mở đầu thánh vịnh 33: “Người công chính, hãy reo hò mừng Giavê, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen.” (Tv 33,1).
Kiểu nói “những người có con tim ngay thẳng” cũng sẽ được lấy lại trong Tám Mối Phúc Thật. Từ “con tim” được nhắc tới 6 lần trong các câu 1.7.13.21.26.27 của thánh vịnh cho thấy tầm quan trọng của nội tâm trong cuộc sống tôn giáo, chứ không phải các vẻ bề ngoài. Đây cũng là điều Chúa Giêsu sẽ giải thích cho các môn đệ hiểu khi nói với các vị: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài? " Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. Người nói: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông  cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7,20-23).
Phần một của thánh vịnh 73 miêu tả kinh nghiệm tác giả đã sống liên quan tới sự ghen tương đã hành khổ con tim ông, khi trông thấy sự thịnh đạt của các kẻ gian ác và cuộc sống an nhàn họ được hưởng, chứ không phải gặp các đối nghịch hay tai ương giống như các người khác.
“Thế mà tôi đã gần như hụt bước, một chút nữa là tôi phải trượt chân, bởi ganh tị những người lên mặt và thấy ác nhân thịnh đạt hoài. Quả là chúng không nếm mùi tân khổ, chúng có thân hình mạnh mẽ phương phi, không hề vất vả như ai khác, chẳng bị tai ương giống người đời. Vì vậy, chúng lấy vẻ kiêu căng làm vòng đeo cổ, lấy thói bạo tàn làm áo che thân.
Xác đầy mỡ tiết ra toàn gian ác, và tâm địa chan chứa những mưu mô. Chúng chế giễu, buông lời thâm độc, lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người; miệng chẳng từ xúc phạm trời cao, lưỡi tự do tung hoành cõi đất.
Nên dân ta hướng về chúng cả, lời chúng thốt ra, hăm hở nuốt vào. Chúng bảo: "Chúa Trời đâu có biết, Đấng Tối Cao nào hiểu chuyện chi! " Ác nhân như vậy đó, chúng vẫn cứ an nhàn, thu tích thêm của cải.”
“Thế mà tôi… chút nữa là”: diễn tả sự nhẹ nhõm của người thoát hiểm nguy trong gang tấc, không hề hấn gì. Và đó lại là lý do của lời tạ ơn.
“Tôi đã bắt đầu ghen tỵ với những kẻ kiêu căng”: nền văn chương khôn ngoan luôn luôn cảnh cáo người công chính chống lại cám dỗ của “sự giầu sang gian ác”, như tác giả thánh vịnh 37 khuyên: “Bạn đừng nổi giận vì quân gian ác, chớ phân bì với kẻ bất lương… Hãy lặng thinh trước mặt Giavê và đợi trông Người. Bạn chẳng nên nổi giận với kẻ được thành công hay với người xáo trá.” (Tv 37,1.7). Sách Châm Ngôn cũng khuyên: “Chớ phân bì với ai tàn bạo, đừng chọn bất cứ con đường nào nó đã đi.” (Cn 3,31). Đây cũng chính là vấn đề khiến cho ông Gióp phải quay quắt khổ đau: “Tại sao kẻ gian ác vẫn sống nhởn nhơ, càng về già lại càng thêm của cải? Trước mặt chúng, dòng dõi chúng đứng vững như bàn thạch, chúng thấy con thấy cháu ngay trước mặt mình. Nhà cửa chúng yên ổn, không phải sợ hãi chi, ngọn roi Thiên Chúa không hề đụng tới. Bò mộng của chúng truyền giống không hư, bò cái của chúng sinh con không sẩy. Con cái chúng chạy nhảy như chiên cừu, đám trẻ thơ tung tăng đùa giỡn.
Chúng hát ca theo nhịp trống, cung đàn, chúng vui đùa theo tiếng sáo vi vu. Cuộc đời chúng đầy tràn hạnh phúc, chúng đi về âm phủ thư thái an nhàn.” (G 21,7-13).
Kẻ gian ác có kiêu căng là vòng đeo cổ, bạo tàn làm áo che thân, xác đầy mỡ tiết ra toàn gian ác, và tâm địa chan chứa các tư tưởng tồi bại: là một bức truyền thần sống động khiến cho người ta có cảm tưởng ngửi được cả mùi hôi thối của mỡ gian ác và tư tưởng tồi bại toả ra con tim và thân xác của kẻ gian ác.
“Chúng nâng miệng lên tới trời cao và lưỡi chúng rảo qua trái đất”: kiểu diễn tả bao gồm các chiều kích vũ trụ gán cho thái độ kiêu căng ngạo mạn của phường gian ác tương đương với một tiêu chuẩn văn chương khá thịnh hành bên Đông Phương, đặc biệt là trong vùng Mesopotamia và tại Ugarit.
“Chúa Trời thì biết gì?”: là điều quân gian ác vẫn tưởng nghĩ và xác tín như thế. Chúng cho rằng Thiên Chúa không quan tâm gì đến cung cách sống gian tham ác độc của chúng. Đây cũng là chân tướng kẻ gian ác tả trong thánh vịnh 10: “Kẻ ác khoe khoang tham vọng của mình, bóc lột người ta, xúc phạm khinh thường Giavê. Kẻ ác dám ngông nghênh bảo rằng: "Chúa chẳng phạt, vì có Chúa đâu! " Tư tưởng nó chung quy là vậy. Nó làm gì cũng vẫn thành công, đối với nó, phán quyết Ngài thật quá xa vời. Mọi thù địch, nó khinh thường tất cả, lại còn tự nhủ: "Ta không hề nao núng, chẳng đời nào phải hoạn nạn đâu! " Miệng độc dữ điêu ngoa, những buông lời nguyền rủa, lưỡi nói toàn chuyện gian ác bất công. Nó phục cạnh xóm làng giết trộm người vô tội, mắt rình ai yếu thế. Chẳng khác nào sư tử phục sẵn ở trong hang, nó phục nơi ẩn khuất rình bắt người nghèo khổ, lừa vào lưới nó giăng. Nó rạp xuống, nép mình, vồ lấy người yếu thế, nanh vuốt ghì cho chặt. Nó nhủ thầm: "Thiên Chúa đã quên, Người che mặt, chẳng bao giờ thấy nữa." (Tv 10,3-11).  Tác giả thánh vịnh 94 cũng nói lên cùng điều đó: “Quân làm điều ác những ba hoa buông lời hỗn xược, những vênh váo ngang tàng. Chúng chà đạp dân riêng Ngài, lạy Giavê, hà hiếp dân Ngài chọn làm gia sản. Chúng giết người quả phụ, giết khách ngoại kiều, tàn sát cả cô nhi! Chúng bảo rằng: "Giavê đâu có thấy, Thiên Chúa nhà Gia-cóp chẳng lưu tâm! " (Tv 94,4-7).
Trước sự kiện ác nhân thịnh đạt sống an nhàn và gia tăng quyền lực tác giả thánh vịnh 49 cho thấy số phận phải chết khiến cho kẻ gian ác phải lượng định trở lại cung cách sống của mình như sau: “Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền. Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao
mà chẳng phải đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp. Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. Phường tự mãn tự kiêu, số phận là thế đó, bọn ỷ tài khéo nói, hậu vận chính là đây. Như đoàn vật nhốt trong âm phủ, chính tử thần canh giữ chăn nuôi, chúng nhào thẳng xuống nơi huyệt mả, sẽ tiêu tan cả đến hình hài, chốn âm phủ thành nơi cư ngụ. Nhưng Chúa Trời sẽ chuộc mạng tôi, gỡ tôi ra khỏi quyền lực âm phủ. Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu, vì khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần. Lúc sinh thời, nó tự hào tự đắc: "Mình làm nên, thiên hạ tán dương mình! " Nhưng rồi nó cùng tổ tiên về chung kiếp, chẳng bao giờ còn được thấy ánh dương! Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì; thật nó chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết.”
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét