01/03/2017
Thứ tư LỄ TRO.
Giữ chay và kiêng thịt.
BÀI ĐỌC I: Ge 2, 12-18
"Hãy xé tâm hồn chứ đừng
xé áo các ngươi".
Trích sách Tiên tri
Giôel.
Bấy giờ Chúa phán: Các
ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van. Hãy xé
tâm hồn, chớ đừng xé áo các ngươi. Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi,
vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại, giầu lòng thương xót và biết hối tiếc về
tai hoạ. Biết đâu Người sẽ trở lại, sẽ hối tiếc và sẽ ban lại phần phúc để có của
lễ hiến tế dâng lên Chúa là Thiên Chúa các ngươi?
Hãy thổi kèn lên khắp
Sion, hãy ra lệnh ăn chay, triệu tập một đại lễ, quy tụ dân chúng, ra lệnh mở đại
hội, tập họp các bô lão, quy tụ các thiếu nhi và các trẻ còn măng sữa. Tân lang
hãy ra khỏi nhà, và tân nương hãy ra khỏi phòng. Các tư tế là những kẻ phụng sự
Chúa, hãy đứng giữa cửa chính và bàn thờ mà than khóc và kêu lên rằng: Lạy
Chúa, xin thương xót dân Chúa, xin đừng để cho cơ nghiệp Chúa phải hổ thẹn, đừng
để các dân tộc thống trị nó. Tại sao thiên hạ dám nói rằng: "Chúa của
chúng ở đâu?" Chúa đã nhiệt thành với xứ sở Người và đã tha thứ cho dân
Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 50, 3-4.
5-6a. 12-13. 14 và 17
Đáp: Lạy
Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa (x. c. 3a).
1) Lạy Chúa, nguyện
thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa
con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng tội ác. - Đáp.
2) Vì sự lỗi con,
chính con đã biết, và tội con ở trước mặt con luôn; con phạm tội phản nghịch
cùng một Chúa. - Đáp.
3) Ôi lạy Chúa, xin tạo
cho con quả tim trong sạch, và canh tân tinh thần cương nghị trong người con.
Xin đừng loại con khỏi thiên nhan Chúa, chớ thu hồi Thánh Thần Chúa ra khỏi
con. - Đáp.
4) Xin ban lại cho con
niềm vui ơn cứu độ, với tinh thần quảng đại, Chúa đỡ nâng con. Lạy Chúa, xin mở
môi con, để miệng con sẽ loan truyền lời ca khen. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 20
- 6, 2
"Hãy làm hoà cùng Chúa
đi... Bây giờ là cơ hội thuận tiện".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, chúng
tôi đây là sứ giả của Đức Kitô, chính Thiên Chúa nhờ chúng tôi mà khích lệ anh
em. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi năn nỉ anh em hãy làm hoà cùng Thiên Chúa. Đấng
không hề biết đến tội lỗi thì Thiên Chúa đã làm Người thành thân tội vì chúng
ta, để trong Người, chúng ta được trở nên sự công chính của Thiên Chúa.
Với tư cách là những cộng
sự viên của Người, chúng tôi khuyên anh em đừng nhận lấy ơn của Thiên Chúa một
cách vô hiệu. Quả thật Chúa phán: "Dịp thuận tiện đến rồi, Ta đã nhậm lời
ngươi, vào ngày giải thoát, Ta đã cứu vớt ngươi". Bây giờ là cơ hội thuận
tiện, giờ đây là ngày cứu thoát. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM:
Tv 50, 12a và 14
Ôi lạy Chúa, xin tạo
cho con quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con niềm vui ơn cứu độ.
PHÚC ÂM: Mt 6, 1-6.
16-18
"Cha ngươi, Đấng thấu suốt
mọi bí ẩn, sẽ trả công cho ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức
trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi
Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi các con bố thí, thì đừng thổi loa báo
trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng
họ. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí,
thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ
kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Rồi khi các con
cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa
hội đường và các ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật, Ta bảo các con rằng:
họ đã được thưởng công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa
lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi
bí ẩn, sẽ trả công cho con.
"Khi các con ăn
chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có
vẻ ăn chay trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công
rồi. Còn con khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ
không biết con ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha
con thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con". Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Hoán cải nội tâm
Lời Chúa hôm nay nhắc
nhở chúng ta về thân phận mỏng dòn của con người, đồng thời mời gọi chúng ta
hoán cải nội tâm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tiên tri Joel đã
kêu gọi: “Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo”, hãy phản đối lại chính tà dâm của
mình. Nói khác đi, cần phải thay đổi cái nhìn, thay đổi tư tưởng và ước muốn
sao cho phù hợp với giao ước tình yêu của Thiên Chúa. Sự biến cải nội tâm ấy được
biểu lộ bằng những hành động cụ thể, như từ bỏ tập quán xấu, kìm hãm con người
xác thịt, thực hành chay tịnh, tất cả là để tái lập thế quân bình giữa hồn và
xác.
Do tội lỗi, con người
đã bị cắt đứt khỏi nguồn mạch sự sống và bị dìm vào tình trạng bi thảm của sự
chết. Màn tang chế đã bao trùm lên con người. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở về
với Ngài để Ngài cất khỏi chúng ta tấm màn tang chế ấy và ban cho chúng ta niềm
hoan lạc giao hoà. Sự giao hoà này trước tiên phải là một lời cầu nguyện khiêm
tốn: “Lạy Chúa, xin thương xót con, vì con đã xúc phạm đến Chúa”. Đó là lời cầu
nguyện đẹp lòng Chúa vì diễn tả tâm tình khiêm tốn tin cậy nơi lòng nhân hậu của
Thiên Chúa, và chắc chắn sẽ được Thiên Chúa nhận lời.
Tuy nhiên, người ta
không thể giao hoà với Thiên Chúa mà lại không hoà giải với tha nhân. Đó là điều
Chúa Giêsu đã xác quyết: “Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ và ở đó nhớ ra anh
em có điều bất bình với ngươi, ngươi hãy đặt của lễ đó trước bàn thờ, đi làm
hoà với anh em ngươi trước đã rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật của ngươi”. Bởi
vậy, nếu chúng ta cầu mong ơn giải hoà với Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm mọi
cách xoá đi những xích mích, bất hoà hờn giận với người khác.
Không những là mùa hoà
giải, mùa chay còn tưởng niệm 40 ngày Đức Kitô chay tịnh nơi sa mạc trước khi
thi hành sứ mệnh cứu độ. Truyền thống Giáo Hội từ lâu vẫn giữ chay 40 ngày,
nhưng vì hoàn cảnh và sự yếu đuối của con người, Giáo Hội đã giảm bớt tối đa chỉ
buộc giữ chay hai ngày: thứ tư lễ tro và thứ sáu tuần thánh. Dù vậy tinh thần
hãm dẹp xác thịt lúc nào cũng không thể bỏ qua được. Do đó “mỗi người hãy cố giữ
đời sống hoàn toàn trong sạch, lợi dụng những ngày thánh này để gột rửa những
sơ xuất trong các mùa khác, bằng cách chế ngự các thói hư, gia tăng cầu nguyện,
siêng năng đọc sách, thành tâm thống hối, để tâm hồn được vui mừng mong đợi Lễ
Phục Sinh”. (Tu luật Biển Đức).
Mùa chay là những ngày
thánh, vì là thời thuận tiện, là ngày cứu độ. Thiên Chúa lúc nào lúc nào cũng sẵn
sàng ban ơn cứu độ với điều kiện con người phải chuẩn bị tâm hồn để đón nhận.
Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho
chúng con bắt đầu cuộc chiến thiêng liêng này bằng ngaỳ chay tịnh hôm nay. Ước
gì những kiêng khem, hãm mình của chúng con giúp chúng con nên dũng mạnh để chiến
đấu với sự dữ. Amen.”
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Lễ Tro, Mùa Chay
Bài đọc: Joel
2:12-18; II Cor 5:20-6:2; Mt 6:1-6, 16-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương
xót của Thiên Chúa và tội lỗi của con người
Mùa Chay nhắc nhở con
người nhiều điều: Thân phận mỏng giòn của con người qua nghi thức xức tro: “Hãy
nhớ mình là bụi đất và sẽ trở về bụi đất!” Hay tính yếu đuối và tội lỗi của con
người: “Hãy ăn năn xám hối và tin vào Tin Mừng!” Tuy nhiên, tình thương của
Thiên Chúa lớn hơn những tội lỗi mà con người xúc phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ tất
cả nếu con người biết ăn năn xám hối.
Các Bài Đọc cho chúng
ta những khía cạnh khác nhau của Mùa Chay. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Joel nhắc
nhở con người chú ý đến hai khía cạnh: hãy xé lòng chứ đừng xé áo và chiều kích
cộng đồng của việc xám hối. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự thuận
tiện của thời gian để con người làm hòa với Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, thánh
Matthêu chú trọng đến 3 cột trụ của Mùa Chay: ăn chay, cầu nguyện, và làm các
việc lành phúc đức.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy xé lòng chứ đừng xé áo.
1.1/ Hãy ăn chay, khóc
lóc, và thống thiết than van: Để con người
được tha tội, họ cần 2 điều kiện căn bản sau đây:
(1) Tin Thiên Chúa là
Đấng giàu lòng thương xót: Ngài sẽ tha thứ mọi lỗi lầm con người đã phạm. Con
người phải tin vào sự thật này trước khi có thể ăn năn trở lại. Sự thật này được
nhắc lại nhiều lần trong Sách Tiên Tri và là hy vọng của dân trong Thời Lưu
Đày.
(2) Phải hết lòng hết dạ
trở về với Thiên Chúa: Tiên tri Joel nhấn mạnh đến chiều kích trong tâm hồn: “Đừng
xé áo, nhưng hãy xé lòng… hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”
Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, những lễ nghi hay hành động
hời hợt bên ngòai sẽ không đủ để được Ngài tha thứ.
1.2/ Chiều kích cộng đồng
của tội lỗi: Ngòai chiều kích cá nhân, tội lỗi
còn mang tính cộng đồng; vì Thiên Chúa muốn con người sống chung và nâng đỡ
nhau ngay từ đầu khi Ngài tạo dựng con người. Vì thế, khi xét mình, con người
không chỉ xét những tội cố tình phạm, mà còn những tội vô tình quên như: bổn phận
phải giúp đỡ người khác (7 mối phần hồn cũng như 7 mối phần xác). Tiên tri Joel
nhấn mạnh đến chiều kích cộng đồng trong Bài Đọc hôm nay: “Hãy rúc tù và tại
Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng
dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như
trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ
phòng khuê!” Tiên tri Jonah còn đi xa hơn, khi tường thuật Vua Nineveh ra lệnh
không những cho con người, mà ngay cả những súc vật cũng phải ăn chay đền tội
(Joh 3:7-8).
Khi hội đủ 2 điều kiện
trên, Thiên Chúa sẽ tha thứ tội vạ cho dân và sẽ tiếp tục săn sóc và bảo vệ họ:
“Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với
dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.”
2/ Bài đọc II: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
2.1/ Hãy làm hoà với
Thiên Chúa: Hai lý do để con người phải làm
hòa với Thiên Chúa: (1) Tất cả đều đã phạm tội; và (2) Đức Kitô đã chết để gánh
tội cho con người: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người
thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính
trong Người.”
2.2/ Đây là thời gian thuận
tiện: Con người lệ thuộc vào thời gian, phần
hồn cũng như phần xác. Con người phải lệ thuộc thời gian về phần xác, khi con
người phải chờ thời để gieo cũng như gặt. Con người phải lệ thuộc thời gian về
phần hồn như giữ ngày Sabbath, Lễ Tuần, Năm Thánh, hay Năm Đại Thánh.
Mỗi năm khi Mùa Chay tới,
Mẹ Giáo Hội nài nỉ và khuyến khích các tín hữu hãy ăn năn xám hối và quay về với
Thiên Chúa như Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu của Ngài: “Anh em đã lãnh nhận
ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu.” Mùa Chay là mùa hồng phúc,
mùa Thiên Chúa giáng phúc thi ân, mùa con người có cơ hội nhìn lại và định vị
cuộc đời để biết mình đang ở đâu trong hành trình về nhà Cha trên trời. Nếu đã
đi trật đường, Mùa Chay cung cấp cho con người bẻ lái cho đúng hay kịp thời
quay đầu trở lại.
3/ Phúc Âm: Ba cột trụ của Mùa Chay
(1) Làm việc lành phúc
đức: Vì chiều kích cộng đòan của tội, con người cũng phải đền bù tội bằng việc
làm những việc lành phúc đức: giúp đỡ người nghèo khó, thăm viếng bệnh nhân và
tù nhân, khuyên bảo tội nhân quay về với Chúa…
Khi làm những việc
lành phúc đức này, Chúa Giêsu dạy: “Anh em phải coi chừng, chớ có phô trương
cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự
trên trời, ban thưởng.”
(2) Cầu nguyện: không
thể thiếu trong đời sống hằng ngày của các Kitô hữu. Tuy nhiên, họ phải gia
tăng việc cầu nguyện trong Mùa Chay vì là Mùa kỷ niệm Cuộc Thương Khó của Đức
Kitô, Đấng đã hy sinh đổ máu để chuộc tội cho con người. Hơn nữa, Mùa Chay cũng
là mùa giúp con người nhìn lại cuộc đời, con người cần nhiều thời gian để xét
mình và ăn năn xám hối xin Chúa tha thứ các tội đã xúc phạm đến Ngài.
Khi cầu nguyện, Chúa
Giêsu dạy: "Anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện
trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo
thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào
phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín
đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
(3) Ăn chay: không phải
là chỉ đơn giản bớt ăn uống, nhưng còn phải để ý đến ý hướng của việc ăn chay.
Trước tiên, ăn chay là để cho mọi người đều có của ăn, chứ không phải ăn chay để
tiết kiệm tiền; vì thế, những gì chúng ta không ăn, phải được phân phát cho những
người đang cần của ăn. Ngòai ra, chúng ta cũng cần ăn chay con mắt để đừng nhìn
những sự chẳng nên nhìn; ăn chay trí óc để đừng có những ao ước bất chính hại
người; ăn chay miệng lưỡi để đừng đưa điều đặt chuyện làm thiệt hại danh giá của
tha nhân.
Khi ăn chay, Chúa
Giêsu dạy: "Anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra
vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã
được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho
thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mùa Chay nhắc nhở
chúng ta tình thương Thiên Chúa qua việc trao ban Người Con Một để gánh tội cho
chúng ta. Hãy biết sống xứng đáng với tình thương này.
- Việc cần thiết nhất
mỗi người phải làm trong Mùa Chay là hòa giải với Thiên Chúa qua Bí-tích Giao Hòa
để lãnh nhận ơn tha thứ.
- Chúng ta phải làm
cho đời sống thiêng liêng trở nên vững mạnh qua việc làm cho 3 cột trụ của Mùa
Chay trở nên vững chắc: ăn chay, cầu nguyện, và làm các việc lành phúc đức.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Mt 6,1-6.16-18
PHẬN NGƯỜI HẠT BỤI
“Còn anh, khi ăn chay,
nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại
trừ Cha của anh... Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.” (Mt 6,17-18)
Suy niệm: Tuy chỉ là một “hạt
bụi hoá kiếp thân tôi,” nhưng lại “tôi-hạt bụi” ấy lại có một
giá trị thật lớn như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chiêm nghiệm: “Ôi cát
bụi tuyệt vời!” Người Ki-tô hữu càng có lý do để thấy phận người cát
bụi đó còn tuyệt vời hơn nữa. Vì yêu, Chúa đã cất nhắc cho hạt bụi “hoá kiếp
thân tôi” được phú ban sinh khí của Ngài. Rồi phận người cát bụi càng tuyệt vời
hơn khi nhờ Đức Ki-tô, nó được trở thành con cái Chúa. Hằng năm Giáo Hội khai
mạc Mùa Chay bằng việc ăn chay và cửû hành thánh lễ xức tro, để nhắc nhở ta ý
thức phận người cát bụi, và mai ngày sẽ trở về với bụi cát. Nhưng nhờ Đức Ki-tô
chịu chết và sống lại, “hạt bụi” đó sẽ sống lại và được sống vĩnh hằng.
Mời Bạn: Dù
biết rằng cuộc sống con người mai ngày sẽ
trở về “cát bụi hư vô”, nhưng Trịnh Công Sơn đã thấy ý nghĩa của nó để
cuộc sống này, mỗi ngày biết tìm một niềm vui và biết sống bằng trái tim. Là
Ki-tô hữu, sống niềm tin vào sự sống vĩnh cửu, thì Mùa Chay là thời gian giúp
chúng ta sống chay tịnh để đổi đời một cách đích thực. Lời Chúa hôm nay mời ta
trở về với chính mình để biến đổi, hầu có thể sống tốt với mọi người trong mọi
tương quan.
Chia sẻ: Chối
bỏ giá trị của chay tịnh là sản phẩm của một
xã hội thực dụng, quá đề cao thân xác để thỏa mãn dục vọng. Chay tịnh có chỗ
đứng nào trong cuộc sống của bạn?
Sống Lời Chúa: Làm
một việc chay tịnh kín đáo và xin ơn nhạy bén
cảm nhận giá trị siêu nhiên của mọi sự.
Cầu nguyện: Hát: Kinh Hòa
Bình.
(5 phút lời Chúa)
Cha hiện diện nơi kín ẩn (1.3.2017 – Thứ tư Lễ Tro)
Ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh thiếu thốn của tha nhân. Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Suy niệm:
Cứ đến Thứ Tư Lễ Tro là chúng ta lại được nghe bài Tin
Mừng này.
Đức Giêsu nói đến ba việc đạo đức quan trọng của người
Do Thái:
cầu nguyện, bố thí, ăn chay.
Chẳng phải cứ đợi đến Mùa Chay chúng ta mới làm ba
việc đó.
Nhưng Mùa Chay là thời gian thuận lợi để ta tập trung
chú ý hơn.
Tập trung vào cầu nguyện là làm mới lại tương quan với
Thiên Chúa,
từ bỏ những gì làm tôi xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi
quen phạm.
Tập trung vào bố thí là chia sẻ của cải cho những
người nghèo hơn,
tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai
đói khổ.
Tập trung vào chay tịnh là làm cho thân xác, tâm hồn
mình trở nên nhẹ nhàng,
thoát khỏi những kéo xuống nặng nề, những cám dỗ sống
hưởng thụ, ích kỷ.
Cả ba việc này có tương quan chặt chẽ với nhau.
Khi làm tốt một việc, ta sẽ dễ làm hai việc còn lại
hơn.
Ăn chay giúp chúng ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa,
và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài.
Ăn chay giúp ta tránh tội và tránh mọi thứ dẫn đến
tội.
Ăn chay là thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm
bánh vật chất,
để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần.
Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống
theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, chúng ta sẽ thấy tim mình
đói khát Thiên Chúa
và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện.
Nhưng ăn chay cũng giúp ta mở mắt trước tình cảnh
thiếu thốn của tha nhân.
Nhờ ăn chay, chúng ta không còn sống cho chính mình
nữa,
nhưng biết sống cho Chúa và tha nhân.
Ăn chay giúp ta chế ngự được tính ích kỷ làm ta co
lại,
nhờ đó ta có thể mở lòng ra trước nhu cầu của anh chị
em mình
và chia sẻ cho họ điều mình đã tiết kiệm được từ ăn
chay.
Ngay cả một người có hai áo cũng có thể chia sẻ được
cho người trần trụi.
Người chỉ còn vài lon gạo cũng có thể chia cho người
đang đói.
Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình 40 ngày Mùa Chay.
Không phải chỉ là ăn chay, mà là sống chay.
Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống.
Khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của
thân xác,
chúng ta sẽ thắng được
những cám dỗ của thèm muốn vô độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn
sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên
cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và
bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con
cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con
đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng
Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BA
Một Hình Bóng Của Đất
Hứa
Trong Mùa Chay, chúng
ta được mời gọi một cách đặc biệt bước vào thực tại vượt qua. Thực tại này được
tìm thấy nơi Đức Kitô. Đồng thời, thực tại này cũng dành cho chúng ta. Nó phải
bao trùm lấy chúng ta, như đám mây đã bao trùm Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên
núi Hiển Dung (Lc 9,34).
Lời hứa của giao ước mới
được hoàn thành xuyên qua mầu nhiệm vượt qua – một mầu nhiệm chạm đến con người.
Trong mầu nhiệm đó, chúng ta nhận thấy lời cam kết của Thiên Chúa được hoàn
thành trọn vẹn: lời cam kết đưa dẫn Abraham và con cháu ông vào miền Đất Hứa.
Trong nhiều thế hệ, miền đất này đã trở thành It-ra-en của Giao Uớc Cũ. Tuy
nhiên, đó chỉ là một bóng hình báo trước miền đất mà Thiên Chúa đã trao ban cho
chúng ta trong Đức Kitô.
Vì Thiên Chúa của Giao
Ước Mới không hạn định lời hứa của Ngài nơi bất cứ một đất nước riêng rẽ nào
hay bất cứ một nơi chốn chất thể nào. Không một nơi chốn nào trên trần gian có
thể chứa đựng được hoạt động cứu độ của Thiên Chúa đối với những ai qui tụ lại
trong Đức Kitô. Về mầu nhiệm này, Thánh Phao-lô viết: “Còn chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Kitô từ trời đến
cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy
mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”
(Pl 3,20-21).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 01 – 3
Lễ Tro
Ge 2, 12-18; 2Cr 5,
20-6,2; Mt 6, 1-6.16-18.
Lời suy niệm: “Khi làm việc
lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Rồi
khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rỉ như bọn đạo đức giả.”
Tất cả những gì là
gian dối đều bị Chúa \Giêsu lên án, cho nên trong mọi việc làm, chúng ta phải
có sự chân thành và yêu thương, chứ không phải để đánh bóng tên tuổi của mình.
Bởi vì tất cả những gì phô trương về mình sẽ dẫn sâu vào sự kiêu ngạo, để rồi
xem thường người anh em. Cũng như mỗi khi ăn chay là đã nhận ra mình là một tội
nhân, tội nhân đối với Chúa và đối với người anh em chung quanh mình; để tỏ
lòng sám hối hầu nhận được ơn tha thứ của Chúa và những người mà mình đã xúc phạm.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho
chúng con luôn yêu quý và tôn trọng chân lý và sự thật, và nhận ra mình là kẻ bất
xứng trước mặt Chúa và người đời để biết khiêm nhường và cầu xin được ơn tha thứ
và sự nâng đỡ, để ngày càng được sống trong tình yêu của Chúa và của mọi người.
Mạnh Phương
01 Tháng Ba
Tro Tàn Của Lịch Sử
Một buổi sáng dạo đầu
tháng 8 năm 1990, dân chúng Bulgary bỗng chứng kiến một cảnh khác thường tại quảng
trường chính ở thủ đô Sofia: người ta kéo thi hài của chủ tịch Georgi Dimitrov
ra khỏi lăng tẩm và mang đi hỏa táng. Chỉ có một vài người thân của ông tham dự
nghi lễ hỏa táng. Sau đó, tro tàn của ông được mang đi cải táng bên cạnh phần mộ
của mẹ ông.
Georgi Dimitrov đã
từng được tôn thờ như anh hùng dân tộc vì đã đánh đuổi được Phát xít và sáng lập
Ðảng Cộng Sản Bulgary. Năm 1949, khi ông qua đời, người ta đã ướp xác ông và đặt
vào trong lăng tẩm để dân chúng chiêm ngắm và suy tôn. Nhưng vinh quang của quá
khứ ấy đã không đủ sức để bảo vệ ông khỏi đống tro của lịch sử...
Người ra lệnh đưa
ông ra khỏi lăng tẩm và hỏa táng không ai khác hơn chính là Ðảng Cộng Sản
Bulgary nay đã đổi tên thành Ðảng Xã Hội...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Georgi Dimitrov là một trong số các lãnh tụ Cộng Sản như Lênin, Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh đã được ướp xác và tôn thờ trong lăng tẩm như các vua chúa Ai Cập thời cổ...
Con người bởi đâu mà
ra? Con người sống để làm gì trong cõi đời này? Con người sẽ đi về đâu sau cái
chết?... Nếu ai cũng nghiêm chỉnh từ đặt ra chi mình những câu hỏi lớn ấy thì
có lẽ không ai còn nhọc công để chạy theo tiền của, danh vọng, không ai còn
nghĩ đến chuyện ướp xác và xây lăng tẩm nữa... Có ai thoát khỏi đống tro tàn của
lịch sử? Hôm nay người ta tôn thờ, ngày mai người ta hạ bệ. Hôm nay người ta ướp
xác, ngày mai người ta lại đưa ra đốt...
Là người có niềm tin,
chúng ta đặt tin tưởng nơi Ðức Kitô. Qua cuộc sống, cái chết và sự Phục Sinh.
Chúa Giêsu đã mang lại giải đáp cho tất cả những câu hỏi lớn của đời người.
Phúc thay cho những ai biết mình từ đâu đến, biết mình sống để làm gì và biết
mình sẽ đi về đâu. Một ý nghĩa, một hướng đi cho cuộc sống: phải chăng đó không
là điều chúng ta đang tìm kiếm?
Tin Mừng ghi lại phép
lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều cho hơn 5 ngàn người ăn. Chỉ bằng một lời nói,
chỉ trong chớp nhoáng, Chúa Giêsu đã có thể nuôi sống hàng ngàn người đói khát.
Với quyền năng của Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể vung cây đũa thần để mang lại
no cơm, ấm áo cho nhân loại. Nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã không làm người vì sứ
mệnh ấy. Ngài đến để mang lại một thức ăn khác: một thức ăn sẽ không làm cho
con người phải đói khát, phải chết, phải mai một trong hư vô của tiền của và
danh vọng nữa... Ngài đến để mang lại cho chúng ta Sự Sống trường sinh... Ðó là
lý do đã khiến Chúa Giêsu khước từ không chịu làm vua khi người ta muốn tôn
vinh Ngài. Sau bữa ăn do phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài mời gọi con người hãy
hướng đến của thức ăn không hư nát, của ăn mang lại sự sống bất diệt.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Thứ Tư
Lễ Tro
Thứ Tư, 1 Tháng 3, 2017
Ý nghĩa của việc cầu nguyện,
bố thí và ăn chay
Cách để dùng thời giờ của
Mùa Chay cho xứng đáng
Mt 6:1-6, 16-18
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh
Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong
Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên
Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc
của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe
tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc và trong những
người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để
giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng có thể cảm nghiệm được sức mạnh
phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu
giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức
Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến
với chúng con. Amen.
2.
Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài Phúc Âm:
Bài Phúc Âm của Thứ Tư Lễ Tro được trích ra từ Bài Giảng Trên Núi và
giúp cho chúng ta hiểu được sự thực hành ba việc của lòng thương xót: cầu nguyện,
bố thí và ăn chay, và cách để dùng thời gian Mùa Chay cho xứng đáng. Cách thức thực hành ba công việc này đã thay
đổi qua nhiều thế kỷ, theo văn hóa và phong tục của dân chúng và sức khỏe của họ. Những người già cả ngày nay vẫn còn nhớ khi
xưa đã có luật ăn chay bắt buộc và nghiêm ngặt của bốn mươi ngày trong suốt Mùa
Chay. Mặc dù có những thay đổi trong
cách thực hiện những việc phúc đức, vẫn còn có những điều buộc cho loài người
và các Kitô hữu: (i) chia sẻ của cải với
người nghèo khó (bố thí); (ii) sống trong sự liên hệ với Đấng Tạo Hóa (cầu nguyện);
và (iii) có thể kiềm chế được những thúc giục và lòng ham muốn của chúng ta (ăn
chay). Lời của Chúa Giêsu mà chúng ta
suy gẫm có thể cho chúng ta óc sáng tạo cần thiết để tìm thấy những cách thức mới
trong việc sống với ba điều thực hành rất quan trọng này trong đời sống người
Kitô hữu.
b) Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ
giúp cho bài đọc:
Mt 6:1: Một chìa khóa chung cho sự
hiểu biết về điều giảng dạy sau đây
Mt 6:2: Cách không nên khi bố thí
Mt 6:3-4: Cách bố thí
Mt 6:5: Cách không nên khi cầu
nguyện
Mt 6:6: Cách cầu nguyện
Mt 6:16: Cách không nên khi ăn
chay
Mt 6:17-18: Cách ăn chay
c) Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức
trước mặt người ta để thiên hạ trông thấy, bằng không các con mất công phúc nơi
Cha các con là Đấng ở trên trời. Vậy khi
các con bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường
và phố xá, để cho người ta ca tụng họ.
Quả thật, Ta bảo các con, họ đã được thưởng công rồi. Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay
trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng
thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
Rồi khi các con cầu nguyện, thì cũng chớ làm như những kẻ giả hình: họ ưa đứng cầu nguyện giữa hội đường và các
ngả đàng, để thiên hạ trông thấy. Quả thật,
Ta bảo các con rằng: họ đã được thưởng
công rồi. Còn con khi cầu nguyện, thì
hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha
con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.
Khi các con ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não: họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay
trước mặt người ta. Quả thật, Ta bảo các
con, họ đã được thưởng công rồi. Còn con
khi ăn chay, hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt, để thiên hạ không biết con
ăn chay, nhưng chỉ tỏ ra cho Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con thấu suốt
mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con.”
3.
Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng
Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điều nào trong bài Tin Mừng
này đánh động bạn nhất hoặc bạn hài lòng nhất?
b) Lời cảnh báo đầu tiên của Đức
Giêsu mang ý nghĩa gì?
c) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì
và giảng dạy về việc bố thí như thế nào?
Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
d) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì
và giảng dạy về cầu nguyện như thế nào?
Hãy làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
e) Chúa Giêsu chỉ trích điều gì
và giảng dạy về ăn chay như thế nào? Hãy
làm một bản tóm lược cho riêng bạn.
5.
Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề
a) Bối cảnh bài Phúc Âm:
Chúa Giêsu nói về ba điều: bố thí
(Mt 6:1-6), cầu nguyện (Mt 6:5-15) và ăn chay (Mt 6:16-18). Đây là ba việc làm về lòng thương xót của người
Do Thái. Chúa Giêsu chỉ trích rằng trong
thực tế họ thực hành những công việc này là chỉ được để phô trương với những
người khác (Mt 6:1). Chúa không cho phép
việc thực hành công lý và lòng thương xót được dùng như một phương tiện để tiến
thân trong vòng cộng đoàn (Mt 6:2, 5, 16).
Trong những Lời của Chúa Giêsu, một phong cách liên hệ mới với Thiên
Chúa đã được mặc khải cho chúng ta. Người
nói: “Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn,
sẽ trả công cho con” (Mt 6:4), “Cha con biết rõ con cần gì trước khi con cầu
xin (M 6:8), “nếu con tha lỗi cho người khác thì Cha con trên trời cũng sẽ tha
thứ cho con” (Mt 6:14). Chúa Giêsu trình
bày cho chúng ta một phương pháp mới để tiến tới trái tim của Thiên Chúa. Một sự suy gẫm về lời của Người liên quan đến
việc làm phúc đức có thể giúp chúng ta khám phá ra cách thức mới này.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Mt 6:1: Một chìa khóa chung cho sự
hiểu biết về điều giảng dạy theo sau
Chúa Giêsu nói: Hãy cẩn thận, đừng
phô trương sự công chính của các con nơi công cộng để tạo sự chú ý; nếu không,
các con sẽ mất tất cả phần thưởng từ Cha các con trên trời. Sự công bằng được đề cập bởi Chúa Giêsu là điều
mà Thiên Chúa muốn chúng ta có. Phương
cách được tìm thấy trong Lề Luật của Chúa.
Chúa Giêsu cảnh báo rằng chỉ tuân giữ lề luật thôi để được người ta tán
dương thì chưa đủ. Trước đó Người đã
nói: “Vì Ta bảo các con, nếu các con
không công chính hơn các luật sĩ và Biệt Phái, thì các con chẳng được vào Nước
Trời đâu” (Mt 5:26). Khi đọc những lời
này, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến những người Biệt Phái thời Chúa Giêsu,
nhưng trước hết là nghĩ về những người Biệt Phái đang ngủ yên trong mỗi người
chúng ta. Nếu thánh Giuse, bạn đời của Đức
Maria, thực thi theo luật của những người Biệt Phái, ông đã có thể từ bỏ Đức
Maria. Nhưng ông là “người công chính”
(Mt 1:19), và đã có được sự công chính mới được công bố bởi Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao ông đã không làm theo lề
luật cổ xưa và đã cứu sống Đức Maria và Thai Nhi Giêsu. Nền công lý mới được công bố bởi Chúa Giêsu dựa
trên một nền tảng khác, phát sinh từ một nguồn gốc khác. Chúng ta phải xây dựng sự bình an của chúng
ta từ bên trong nội tâm, không phải trong những gì chúng ta làm cho Chúa, mà là
trong những gì Chúa làm cho chúng ta.
Đây là chìa khóa chung cho sự hiểu biết về giáo huấn của Chúa Giêsu về
việc làm phúc đức. Trong những câu kế tiếp,
thánh Mátthêu áp dụng nguyên tắc chung này trong việc thực hành đức bác ái, cầu
nguyện và ăn chay. Theo phong cách sư phạm,
đầu tiên ông nói về những gì không nên làm và ngay sau đó dạy về những gì nên
làm.
Mt 6:2: Cách không nên khi bố thí
Cách sai lầm khi bố thí, bấy giờ và bây giờ, là làm phô trương ở nơi
công cộng để được người khác biết đến và hoan nghênh. Chúng ta thường thấy trên các băng ghế trong
nhà thờ có những hàng chữ: “Quà tặng từ
gia đình nọ gia đình kia”. Trên truyền
hình, các chính trị gia thích xuất hiện như là một mạnh thường quân thương người
vào các dịp lễ khánh thành các công việc xã hội của cộng đoàn. Chúa Giêsu nói: Những người làm như vậy họ đã được thưởng
công rồi.
Mt 6:3-4: Cách bố thí
Cách đúng khi làm việc bố thí là:
“Các con làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm!” Nói cách khác, chúng ta phải bố thí theo cách
mà thậm chí ngay chính bản thân chúng ta cảm thấy rằng việc thiện tôi đang làm
không xứng đáng được Chúa thưởng công và lời khen ngợi từ người ta. Bố thí là một nghĩa vụ. Đó là việc chia sẻ những gì tôi có với những
người không có gì. Trong một gia đình, tất
cả đều là của chung. Chúa Giêsu khen ngợi
việc làm của bà góa nghèo, bà đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi sống mình
(Mc 12:44).
Mt 6:5: Cách không nên khi cầu nguyện
Nói về cách cầu nguyện sai, Chúa Giêsu đề cập đến một số phong tục và tập
quán lạ trong thời của Người. Khi tiếng
kèn loa thổi vang vào giờ cầu nguyện buổi sáng, buổi trưa và chiều tối, có những
người tìm cách để ra được giữa đường cầu nguyện một cách long trọng với hai tay
dang rộng ra để cho mọi người trông thấy và do đó được coi là người sùng đạo. Những người khác thì đã phô trương một cách
quá mức trong hội đường để tạo sự chú ý của cộng đoàn.
Mt 6:6: Cách cầu nguyện
Vì vậy, để không có nghi ngờ, Chúa Giêsu hết sức nhấn mạnh đến cách thức
cầu nguyện. Người nói rằng chúng ta phải
cầu nguyện nơi chỗ riêng tư, chỉ hiện diện trước mặt Chúa Cha. Không một ai sẽ nhìn thấy bạn. Có thể trước mặt những người khác, thậm chí
có thể bạn có vẻ như là một người không hề cầu nguyện. Điều này không thành vấn đề! Ngay cả với Chúa Giêsu, người ta đã bàn
tán: “Ông ấy không phải là Thiên
Chúa!” Đó là bởi vì Chúa Giêsu thường cầu
nguyện vào ban đêm và không quan tâm đến những gì người ta đã nghĩ về Người. Điều đáng nói là người cầu nguyện phải có một
tâm hồn bình an và biết rằng Thiên Chúa là Cha đã chào đón tôi, không phải vì
những gì tôi đã làm cho Chúa hay vì lòng tự mãn mà trong thực tế, điều tôi tìm
kiếm là các người khác đánh giá tôi là một người đạo đức và sốt sắng cầu nguyện.
Mt 6:16: Cách không nên khi ăn
chay
Chúa Giêsu chỉ trích những cách ăn chay sai trái. Có những người làm ra vẻ thiểu não ủ dột, mặt
mũi lem luốc, quần áo tả tơi, tóc tai rối bù, để tất cả mọi người có thể trông
thấy họ đang ăn chay một cách hoàn hảo.
Mt 6:17-18: Cách ăn chay
Chúa Giêsu thì đề nghị ngược lại:
Khi các con ăn chay, hãy xức dầu thơm lên đầu, rửa mặt, để thiên hạ
không biết các con ăn chay, chỉ tỏ ra cho Cha các con là Đấng ngự trên trời.
Như chúng ta đã đề cập trước đó, đó là phương cách mới để tìm đến trái
tim của Thiên Chúa đang mở rộng trước mắt của chúng ta. Vì sự bình an trong tâm hồn chúng ta, Chúa
Giêsu không đòi hỏi chúng ta làm những gì cho Thiên Chúa, nhưng những gì Chúa
làm cho chúng ta. Bố thí, cầu nguyện và
ăn chay không phải là những phương tiện dùng để mua chuộc ân huệ của Chúa,
nhưng chúng là sự đáp trả của chúng ta về lòng biết ơn đối với tình yêu đã được
nhận lãnh và cảm nghiệm.
c) Phần phụ chú:
i) Bối cảnh rộng lớn hơn Tin Mừng
của thánh Mátthêu
Phúc Âm của Mátthêu được viết cho cộng đoàn Do Thái cải đạo là những người
đang sống trong một cuộc khủng hoảng sâu xa về lai lịch trong quan hệ với quá
khứ của họ. Sau khi họ cải đạo thành những
Kitô hữu, họ đã tiếp tục sống theo những truyền thống cũ và thường xuyên đi đến
các hội đường cùng với thân nhân và bạn bè của họ, y như trước đây. Nhưng họ phải chịu đựng những áp lực mạnh mẽ
từ những người bạn Do Thái của họ là những kẻ đã không chấp nhận Chúa Giêsu là
Đấng Cứu Thế. Sự căng thẳng này ngày
càng mãnh liệt vào năm 70 sau Công Nguyên.
Vào năm 66, khi cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại đế quốc La-Mã
bùng nổ, hai nhóm người từ chối tham gia, những người Biệt Phái và người Kitô hữu
gốc Do Thái. Cả hai nhóm đều cho rằng chống
lại đế quốc La-Mã không có gì liên quan đến sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, như
một số người đã nghĩ. Sau khi thành
thánh Giêrusalem bị tàn phá bởi người La-Mã vào năm 70, tất cả các nhóm người
Do Thái khác biến mất. Chỉ còn lại nhóm
người Biệt Phái và Kitô hữu Do Thái. Cả
hai nhóm đều tuyên bố họ là những người thừa kế lời hứa của các tiên tri, và vì
thế, sự căng thẳng tăng thêm giữa những người anh em, chỉ vì vấn đề thừa kế. Nhóm Biệt Phái tái tổ chức những người còn lại
và có một thái độ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với các Kitô hữu và cuối cùng họ
là những kẻ đã bị phạt tuyệt thông khỏi các hội đường Do Thái. Sự tuyệt thông này đã nhen nhúm lại toàn bộ vấn
đề về lai lịch. Bấy giờ, những người
Kitô hữu đã hoàn toàn chính thức bị tách lìa khỏi dân tộc và lời hứa. Họ không còn có thể đến thăm viếng các hội đường
và các thày cả Do Thái của họ nữa. Và họ
tự hỏi: Ai thực sự chính là dân riêng của
Chúa? Họ hay chúng tôi? Chúa đang đứng về phe nào đây? Chúa Giêsu có thật là Đấng Cứu Thế không?
Vì thế, Mátthêu viết sách Tin Mừng của ông với mục đích: (1) cho nhóm người Kitô hữu này, như là một
Tin Mừng của sự ủi an cho những người đã bị vạ tuyệt thông và đàn áp bởi người
Do Thái; giúp họ vượt qua những vết thương lòng vì chia lìa; (2) như là một Tin
Mừng của sự mặc khải, cho thấy rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đích thực, là
ông Môisen mới, Đấng làm viên mãn những lời hứa; (3) như là một Tin Mừng của việc
thực hành mới, chỉ cho thấy họ phải đạt được sự công chính đích thực, cao cả
hơn sự công chính của người Biệt Phái.
ii) Chìa khóa về Bài Giảng Trên
Núi
Bài Giảng Trên Núi là bài đầu tiên trong số năm bài giảng trong sách Tin
Mừng theo Mátthêu. Nó mô tả các điều kiện
để cho một người được phép vào Nước Chúa:
cách vào, cách đọc mới về lề luật, cách nhìn mới và sự thực hành về việc
làm phúc đức; cách sống mới trong cộng đoàn.
Nói tóm lại, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu thông tri lối nhìn mới
về những công việc của cuộc sống và Nước Trời.
Sau đây là phần phân đoạn để dùng như chìa khóa cho bài đọc:
Mt 5:1-16: Lối vào
Mt 5: 1-11: Tám Mối Phúc Thật
giúp chúng ta thấy Nước Trời đã hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống giữa những
người nghèo khổ và bị bách hại) và sắp hiện hữu ở đâu (thánh Mátthêu sống ở giữa
sáu nhóm người kia).
Mt 5: 12-16: Chúa Giêsu nói những
lời an ủi đến các môn đệ và báo trước: bất
cứ ai sống theo Tám Mối Phúc Thật sẽ bị bách hại (Mt: 5:11-12), nhưng cuộc sống
của người ấy sẽ có ý nghĩa bởi vì họ sẽ là muối cho đời (Mt 5:13) và ánh sáng
cho thế gian (Mt 5:14-16).
Mt 5:17 đến 6:18: Mối quan hệ mới
với Thiên Chúa: Nền Công Chính mới
Mt 5:17-48: Sự công chính mới phải
cao cả hơn sự công chính của người Biệt Phái
Chúa Giêsu căn bản hóa lề luật, có nghĩa là, Người mang nó trở lại cội rễ
của nó, với mục đích chính và tối hậu là phục vụ đời sống, công lý, tình yêu,
và chân lý. Những giới răn của lề luật
chỉ ra một cách sống mới, mà người Biệt Phái đã né tránh (Mt 5:17-20).
Chúa Giêsu lập tức trình bày những ví dụ khác nhau về cách phải hiểu những
giới răn của Lề Luật Thiên Chúa đã được ban cho ông Môisen như thế nào: Các con đã nghe người xưa dạy rằng, còn Ta,
Ta bảo các con (Mt 5:21-48)
Mt 6:1-18: Nền công chính mới
không phải là để tìm kiếm sự ban thưởng hay trả công (Đây là phần Tin Mừng của
Thứ Tư Lễ Tro tuần này).
Mt 6:19-34: Mối quan hệ mới với của
cải thế gian: một cái nhìn mới về sự
sáng tạo
Chúa Giêsu đến để nắm bắt những nhu cầu chính của đời sống: thức ăn, áo mặc, nhà cửa, và sức khỏe. Đây là một phần của cuộc sống mà là nguyên
nhân gây lo lắng nhất cho người ta. Chúa
Giêsu dạy về mối tương quan với của cải vật chất và sự giàu có ở thế gian: đừng
tích trữ kho tàng ở dưới đất (Mt 6:19-21), đừng nhìn thế gian với đôi mắt u buồn
(Mt 6:22-23), đừng vừa làm tôi Thiên Chúa và vừa làm tôi tiền của cùng một lúc
(Mt 6:24), đừng lo lắng về thức ăn và đồ uống (Mt 6:23-24).
Mt 7:1-29: Mối quan hệ mới với mọi
người: một đời sống mới trong cộng đoàn
Đừng tìm kiếm cái rác trong mắt của người anh em (Mt 7:1-5); chớ liệng
ngọc trai cho heo (Mt 7:6); đừng ngần ngại cầu xin Thiên Chúa điều gì (Mt
7:7-11); tuân giữ khuôn vàng thước ngọc (Mt 7:12); hãy tìm con đường hẹp và khó
khăn (Mt 7:13-14); hãy coi chừng các tiên tri giả (Mt 7:15-20); đừng chỉ nói
suông mà hãy làm (Mt 7:21-23); cộng đoàn được xây dựng trên những nguyên tắc
này sẽ đứng vững dù cho gió bão có lùa vào (Mt 7:24-27). Kết quả của những lời này là một nhận thức mới
về chân dung của các vị kinh sư và luật sĩ (Mt 7:28-29).
6. Cầu
Nguyện bằng Thánh Vịnh: Thánh Vịnh 40
(39):
Công bố sự công chính tuyệt vời của Thiên Chúa
Tôi đã hết lòng trông đợi CHÚA,
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.
Người kéo tôi ra khỏi hố diệt vong,
khỏi vũng lầy nhơ nhớp,
đặt chân tôi đứng trên tảng đá,
làm cho tôi bước đi vững vàng.
Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới,
bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta.
Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ
và tin tưởng vào CHÚA.
Phúc thay người đặt tin tưởng nơi CHÚA,
chẳng vào hùa với bọn kiêu căng
và những kẻ theo đường gian ác.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
những kỳ công Ngài đã thực hiện
và những điều Ngài dự định cho chúng con:
thật là nhiều vô kể!
Không một ai sánh được như Ngài.
Dầu con muốn loan đi kể lại,
nhưng quá nhiều, đếm nổi làm sao!
Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa: "Này con xin đến!
Trong sách có lời chép về con
rằng: con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con."
Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy CHÚA, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.
Đức công chính của Ngài,
con chẳng giữ riêng lòng mình biết;
nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài,
chẳng giấu diếm chi cùng đại hội
rằng Ngài thành tín và yêu thương.
Phần Ngài, muôn lạy CHÚA,
xin chớ ngừng âu yếm cảm thương con.
Lòng thành tín và yêu thương của Ngài sẽ giữ gìn con mãi.
Tai họa bủa vây con hằng hà sa số,
tội ác con đổ xuống trên mình, làm tối tăm mặt mũi,
thật nhiều hơn cả tóc trên đầu, khiến rụng rời tâm trí.
Lạy CHÚA, xin thương tình cứu con,
Muôn lạy CHÚA, xin mau phù trợ!
Ước gì những kẻ tìm cướp mạng sống con,
đều phải nhơ nhuốc thẹn thùng!
Ước gì bọn đắc chí vì con mắc họa
phải tháo lui nhục nhã!
Những đứa cười ha hả nhạo con
phải thẹn thùng chết điếng!
Ước chi mọi kẻ tìm kiếm Chúa,
đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài!
Và những ai cảm mến ơn Ngài tế độ
luôn nói rằng: "ĐỨC CHÚA vĩ đại thay! "
Thân phận con khốn khổ nghèo hèn,
nhưng Chúa hằng nghĩ tới.
Ngài là Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con,
lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì hoãn!
7. Lời
nguyện kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao
ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho những
việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực
thi những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.
Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, mẹ Người, không những chỉ
lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.
Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất
với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét