Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

26-02-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN năm A

26/02/2017
Chúa Nhật tuần 8 thường niên năm A
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 8 Thường niên năm A

CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN A

Is 49,14-15; 1 Cr 4,1-5; Mt 6,24-34

ƯU TIÊN TÌM KIẾM CHÚA

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”
(Mt 6,33)

Trong dòng chảy cuộc sống ngược xuôi, nhiều khi lắm gian nan vất vả, con người cảm thấy chênh vênh, yếu đuối, muốn tìm một chỗ vững chắc để tựa nương. Cuộc kiếm tìm đó có khi không hề dễ dàng vì có những lúc con người cảm thấy cần đến Chúa nhất thì Người lại có vẻ như im lặng. Các bài đọc lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta liên lỉ khám phá sự hiện diện và quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.

I. CÁC BÀI ĐỌC

1. Bài đọc 1

Khi dân Chúa bị đem đi lưu đày tại Babylon, họ tưởng như mọi sự đã chấm hết. Họ khó có thể hiểu được tại sao họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và ưu ái, nhưng lại phải chịu cảnh làm nô lệ nơi đất khách quê người. Theo họ, nguyên nhân của tất cả những điều này là vì Thiên Chúa đã bỏ rơi họ, đã quên giao ước đã ký kết với họ (Is 49,14). Chỉ khi Thiên Chúa bỏ rơi họ, không còn coi họ là dân của Người, họ mới rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.

Trong bối cảnh đó, ngôn sứ Isaia mang lại luồng gió hy vọng cho dân đang bị lưu đày. Bằng cách dùng hình ảnh tình cảm sâu nặng và mối tương quan khắng khít giữa mẹ và con, ngôn sứ tự hỏi liệu có người mẹ nào nỡ từ bỏ con của mình, đứa con mà bà đã phải mang nặng đẻ đau. Thiên Chúa gắn bó với dân bằng một mối dây tình thương bền chặt, thậm chí còn bền vững hơn cả tình mẫu tử. Giả như trên đời này có người mẹ nào quên con mình thật, thì Thiên Chúa là Đấng không bao giờ quên dân của Người (Is 49,15). Vấn đề đối với dân là làm sao khám phá ra sự hiện diện đầy quan phòng của Thiên Chúa ngay trong hoàn cảnh bi đát khó khăn của họ.

2. Bài đọc 2

Theo thánh Phaolô, mỗi người chúng ta đều là những người quản lý của Thiên Chúa, mà phẩm chất quan trọng của người quản lý là sự trung thành (1 Cr 4,1-2). Hơn nữa, sự trung thành của người quản lý không phải do người khác đánh giá hay do chính mình tự nghĩ ra mà do chính Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cả “những gì ẩn khuất trong bóng tối” và “những ý định trong thâm tâm con người” (1 Cr 4,5).

Để có thể sống trung thành với chủ, người quản lý hẳn phải biết ý của chủ mình, biết chủ mình muốn gì và trung thành thực hiện ý muốn của chủ. Thách đố đối với người quản lý là làm sao biết chính xác đâu là điều chủ mình muốn và làm sao để thực hiện ý muốn của chủ cách tốt nhất. Muốn vậy, người quản lý phải tinh tế quan sát để dò ý chủ, tìm kiếm để biết rõ ý chủ và bày tỏ sự trung thành qua việc thực hiện ý muốn của chủ. Chính Thiên Chúa là Chủ sẽ “xét xử” và “khen thưởng đích đáng” cho những quản lý trung thành.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta tìm kiếm và trung thành thực thi thánh ý của Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm lầm lỗi, sai trái của người khác để xoi mói, để xét đoán. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt những gì sâu kín nhất trong lòng mỗi người chúng ta, sẽ đánh giá chúng ta dưới ánh sáng chân lý của Người. Những ai lo tìm kiếm và trung thành thực thi ý Chúa thì sẽ chẳng bao giờ sợ bị xét xử.

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng trước hết mời gọi chúng ta xác định ai là chủ của cuộc đời mình. Một tôi tớ thực sự trung thành không bao giờ cùng một lúc có hai chủ. Chúa Giêsu khẳng định: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Chúa mời gọi chúng ta chọn lựa một cách dứt khoát, không nước đôi, không thỏa hiệp. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung thành và Người cũng muốn chúng ta đặt trọn niềm tin và sự trung thành vào Người chứ không phải bất cứ thứ gì khác. Bất cứ một sự thỏa hiệp nào với bất cứ loại “chủ” nào đó không phải là Thiên Chúa đều dẫn con người xa Chúa là nguồn bình an và ơn cứu độ đích thật.

Một khi đã xác định được Thiên Chúa là chủ thật sự của cuộc đời mình, con người được mời gọi tin tưởng vào sự quan phòng của Người. Dù con người được mời gọi để tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa, làm cho thế giới này ngày một tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời Thiên Chúa muốn con người đặt tất cả mọi sự trong bàn tay quan phòng của Người. Con người dễ bị cám dỗ cuốn theo biết bao lo lắng, toan tính, tham lam, tranh giành mà quên mất điều quan trọng thiết yếu nhất chính là sự sống đã được Thiên Chúa trao ban. Chỉ Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng trên sự sống của con người. Nếu con người không thể quyết định sự thành bại của mọi việc mình làm, nhất là của sự sống mình thì con người được nhắc nhở hãy biết phó thác mọi sự vào Đấng quan phòng là chủ của đời mình.

Dù Thiên Chúa luôn chúc phúc cho những gì tốt đẹp mà con người cố gắng tạo ra trên trái đất này vì Thiên Chúa biết đó là những điều cần thiết cho cuộc sống con người, tuy nhiên điều mà Thiên Chúa muốn con người chúng ta kiếm tìm trên hết không phải là những gì tạm bợ, chóng tàn, mau qua ở đời này mà là “Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6,33). Tất cả rồi sẽ qua đi, kể cả những gì được xem là bền vững nhất ở đời này. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng trường cửu và những ai trung thành tìm kiếm Người cũng được Người ban cho sự sống và sự tốt lành vĩnh cửu trong Nước của Người.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Cuộc sống hàng ngày với biết bao lo toan làm cho con người nhiều khi không còn thời gian cho Chúa, không còn một khoảng trống trong tâm hồn để Chúa ngự vào. Những khi gặp khó khăn, thất vọng, chán nản, con người lại càng dễ cảm thấy mình bơ vơ giữa bao sóng gió của cuộc đời. Lời Chúa trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay nhắc chúng ta rằng: ngay cả trong những hoàn cảnh tưởng như bi đát nhất, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những ai cậy trông vào Người. Phải chăng tôi thiếu lòng tin tưởng và trông cậy vào Chúa, nhất là những khi chán nản thất vọng?

2. Thiên Chúa chính là người Chủ đích thật và đáng tin cậy cho mỗi người. Phải chăng có nhiều khi tôi đã gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi, ra khỏi gia đình tôi, ra khỏi những buồn vui của cuộc đời tôi, để lao vào tìm kiếm những “chủ” khác? Phải chăng tôi đã để cho cuộc sống tôi bị nô lệ bởi những ông “chủ” tạm bợ, nhất thời, chóng qua? Tôi đã từng thỏa hiệp với những ông “chủ” xấu nhằm kiếm một chút lợi lộc cho mình?

3. Cuộc sống đời người rồi cũng sẽ đến hồi kết thúc, dù con người có muốn hay không. Tất cả những gì tôi có hiện nay sẽ đi về đâu? Cuộc đời tôi sẽ đi về đâu? Chẳng lẽ tôi sẽ ra đi với hai bàn tay trắng? Đâu là ưu tiên chọn lựa của tôi trong cuộc sống này? Thiên Chúa đang mời gọi tôi tìm kiếm Nước vĩnh cửu của Người, tôi có muốn đáp lại lời mời gọi của Người?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc từng người chúng ta mà không hề quên sót một ai. Với tâm tình tri ân cùng niềm tin tưởng phó thác tất cả cho Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện:

1. Thiên Chúa sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn trung thành với sứ mạng hướng dẫn con người ngày hôm nay sống và làm chứng cho sự thật bằng lối sống chân thành yêu thương.

2. Thiên Chúa chính là người Chủ đích thật và đáng tin cậy của mọi người. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho những ai đang khao khát tìm kiếm chân lý biết khám phá sự hiện diện kỳ diệu của Chúa trong cuộc đời, để tin nhận và vui sống trong sự quan phòng của Người.

3. Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi những ai cậy trông vào Người. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho những ai đang mang nặng u sầu và lo lắng, xin Chúa làm cho họ được tràn đầy niềm vui và hy vọng để luôn trung thành sống theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

4. Hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Chúng ta hiệp ý cầu xin cho mọi người và các gia đình trong cộng đoàn chúng ta luôn gắn bó mật thiết với Chúa Kitô qua cầu nguyện, và để tâm tìm kiếm nước trời qua việc dấn thân phục vụ Tin Mừng.

Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu! Xin thương chúc lành cho những ước nguyện chân thành của chúng con, và gia tăng niềm tin giúp chúng con luôn sống tín thác vào sự quan phòng kỳ diệu của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.


SCĐ CHÚA NHỰT VIII TN A

CHỦ ĐỀ :

SỐNG TRONG SỰ CHĂM SÓC CỦA CHÚA


"Hãy ngắm xem chim trời… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng" (Mt 6,26.28)

Sợi chỉ đỏ :

- Bài đọc I (Is 49,14-15) : "Ta sẽ không quên ngươi đâu"

- Đáp ca (Tv 61) : "Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui"

- Tin Mừng (Mt 6,24-34) : "Cha các con biết rõ các con cần gì"

- Bài đọc II (1 Cr 4,1-5) (Chủ đề phụ) : "Anh em đừng xét đoán"



I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Trong Thánh lễ hôm nay, Lời Chúa sẽ cho chúng ta biết rằng Ngài rất yêu thương chúng ta, Ngài biết rõ chúng ta cần gì ngay trước khi chúng ta mở miệng xin Ngài, Ngài hằng chăm sóc chúng ta từng phút từng giây, và ngay cả khi chúng ta quên Ngài thì Ngài vẫn không quên chúng ta.

Vậy chúng ta hãy dâng Thánh lễ trong tâm tình tạ ơn, và hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn sống phó thác trong sự chăm sóc của Ngài.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta quá lo lắng về những nhu cầu của cuộc sống vật chất đến nỗi quên phó thác vào Chúa.

- Chúng ta bỏ nhiều thời giờ và công sức để tìm kiếm của cải vật chất, mà không ưu tiên tìm biết để thi hành Thánh ý Chúa.

- Chúng ta hay xét đoán và lên án người khác.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Is 49,14-15) :

Vì phải sống kiếp lưu đày bên Babylon, chịu biết bao khổ cực, cay đắng, dân Israel nản lòng, đức tin yếu đi. Họ than "Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi".

Đoạn sách này là phần thứ hai của sách mang tên ngôn sứ Isaia, còn được gọi là "Sách an ủi". Tác giả, một đồ đệ của Isaia, khẳng định với dân : Thiên Chúa không bao giờ bỏ quên họ, bởi vì họ là con của Ngài. "Nào người mẹ có thể quên con mình sao ? Cho dù có người mẹ nào quên con thì Ta, Ta sẽ không quên con đâu".

2. Đáp ca (Tv 61) :

Tv này nối tiếp ý tưởng của Đệ nhị Isaia : Bởi vì Chúa không bao giờ quên chúng ta là con cái của Ngài, cho nên chúng ta hãy vững tin rằng lúc nào cũng có thể tìm được nơi Ngài sự nghỉ ngơi, ơn cứu độ và sự che chở : "Duy nơi Thiên Chúa mà thôi, linh hồn tôi mới nghỉ ngơi yên hàn".

3. Tin Mừng (Mt 6,24-34) :

Khởi đầu đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu bảo chúng ta hãy chọn lựa một là phụng sự Thiên Chúa, hai là phụng sự tiền của, bởi vì "không ai có thể làm tôi hai chủ được".

Phụng sự Thiên Chúa là ưu tiên tìm Nước Thiên Chúa – nghĩa là cố gắng sống theo Hiến chương Nước Trời – và tìm sự công chính của Ngài – nghĩa là tìm biết và thi hành thánh ý Chúa.

Ngài còn bảo đảm : tất cả mọi như cầu khác về cuộc sống vật chất, như của ăn, áo mặc, sức khoẻ v.v. Ngài sẽ lo hết cho chúng ta.

4. Bài đọc II (1 Cr 4,1-5) :

Tín hữu Côrintô có rất nhiều tính xấu. Chúng ta đã thấy một số tính xấu trong những đoạn thư được trích đọc trong các Chúa nhựt trước, như óc bè phái, tính hay tranh cãi, tính tự kiêu v.v. Hôm nay ta thấy thêm một tính xấu khác, đó là hay xét đoán.

Thánh Phaolô lưu ý họ một chân lý nền tảng : Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét đoán, bởi vì duy có Ngài là biết rõ mọi sự trong đầu và trong tim mỗi người. Còn chúng ta là người phàm không biết rõ thì đừng bao giờ xét đoán ai.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. "Có người mẹ nào quên con mình được không ?"

Tại Dublin có một người mẹ hết sức đau khổ vì bà có một đứa con trai hư đốn. Nó không chịu học hành mà cũng chẳng chịu làm ăn. Suốt ngày chỉ biết ăn uống nhậu nhẹt và kết bạn với những tên lưu manh. Tiền bạc và đồ đạc gì có giá trị của bà hể hở ra thì bị nó ăn cắp. Nhiều lần Bà hết khuyên dạy đến năn nỉ nó sửa mình, nhưng chẳng bao giờ nó nghe theo. Cuối cùng nó bị bắt giam trong tù. Nhiều người nghĩ rằng bây giờ bà có thể nhẹ gánh khỏi phải lo cho nó nữa. Nhưng không, tuần nào bà cũng đều đặn vào tù thăm nó với một túi xách đầy những thứ nó cần.

Một hôm khi Bà đang trên đường vào tù thăm con thì gặp Cha Xứ. Cha nói :

- Thằng con của Bà đã phá hỏng tất cả hạnh phúc của đời Bà. Thôi từ này về sau đừng thèm nghĩ tới nó nữa.

Nhưng Cha rất đỗi ngạc nhiên khi Bà đáp lại :

- Dù nó đã gây biết bao tội lỗi và dù con không hề thích những tội lỗi của nó, nhưng dù sao nó vẫn luôn là con của con, con không thể bỏ nó được.

Lời bà mẹ này nói cũng chính là lời Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia trong bài đọc I hôm nay : "Có người mẹ nào quên con mình được chăng ? Và cho dù có người mẹ nào như thế, thì Ta, Ta sẽ chẳng bao giờ quên ngươi đâu".

Quả thật không có tình yêu nào bao la và bền vững như tình mẹ, tình cha, và trên cả tình mẹ cha là tình yêu Thiên Chúa.

Chính vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta với một tình yêu bao là bền vững như thế cho nên trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu mới khuyên chúng ta hãy phó thác tất cả nơi tình yêu của Ngài : Đừng lo chi đến cái ăn, cái mặc, cũng đừng lo đến mạng sống và tuổi thọ. Hãy chỉ lo một điều duy nhất mà thôi là lo tím kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

2. Hãy xem chim trời và cỏ hoa đồng nội

Những người lớn quá bận rộn nên không còn thời giờ làm một việc mà hồi nhỏ rất thường làm, đó là ngắm nhìn thiên nhiên. Hôm nay, chúng ta hãy tạm gác qua một bên mọi bận rộn của người lớn để tìm lại thú vui thời con nít.

Hãy ngắm chim trời : mặt trời mọc lên, chim thức giấc với những tiếng hót líu lo, bắt đầu một ngày cách rất lạc quan. Rồi chim mẹ đi kiếm ăn. Xem ra ngay cả việc kiếm ăn này dù cực khổ nhưng cũng rất lạc quan : chim bay đi bay lại trong bầu trời cao rộng, lượn lờ trên những khóm cây, vừa bay lượn vừa tíu tít ca hót. Tìm được một chút thức ăn, chim vui mừng mang về tổ cho con, chim còn vui mừng hơn nữa khi thấy đám con vui sướng với những miếng mồi nhỏ xíu mình mang về… Cứ thế cho đến khi mặt trời sắp gác bóng, chim tìm về tổ ấm, cả gia đình chim cùng nhau đi vào giấc ngủ thảnh thơi, không cần lo lắng gì cho ngày mai…

Hãy ngắm hoa cỏ ngoài đồng : chúng đẹp rực rỡ, "ngay cả Salomon trong tất cả vinh hoa của ông cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó". Có đóa màu vàng tươi sáng, có đóa màu hồng êm dịu, có đóa màu trắng khiết trinh, rồi màu tím, màu đỏ, màu xanh… Thật là muôn màu muôn sắc. Nhưng thử hỏi hoa làm gì để có những màu sắc tuyệt vời ấy ? Ta có hỏi hoa thì hoa cũng chẳng biết trả lời. Hoa chỉ nói : "Em chỉ biết sống trong thiên nhiên thôi, em hứng lấy sương trời, em tiếp nhận nhựa sống từ thân cây, em vui đùa trong ánh nắng. Em không biết tại sao từ một chiếc búp rồi tới ngày em hé nhụy, cánh em nở ra, sắc màu em tươi thắm". Nếu hoa biết suy nghĩ thì hoa sẽ nói thêm : "Chúa làm đó !"

Chim và hoa chỉ biết làm theo những gì mà thiên nhiên hướng dẫn chúng làm. Ngoài ra, chúng chẳng lo lắng gì cả. Mọi kết quả tốt đẹp rực rỡ đều là thiên nhiên làm cho chúng. Mà "thiên nhiên" là gì ? Thưa là Tạo Hoá, là Thiên Chúa. "Tiên vàn các con hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người. Còn tất cả những điều khác Người sẽ ban thêm cho các con".

3. Suy nghĩ về sự lo lắng

Theo kết quả thống kê, người Mỹ thường lo lắng về những điều sau đây :

- Lo về tiền bạc : 45 %

- Lo về người khác : 39 %

- Lo về sức khoẻ bản thân : 32 %

- Lo về học hành thi cử : 20 %

- Lo mất công ăn việc làm : 15 %

Thực ra biết lo không phải là vô ích, vì nhờ biết lo xa nên người ta mới thoát khỏi những tình trạng bối rối (như chuyện ngụ ngôn Con Ve và Con Kiến của Lafontaine). Nhưng sự lo lắng thái quá rất có hại.

Chính vì thế, Đức Giêsu không bảo ta đừng lo gì hết. Ngài dạy chúng ta cách giảm bớt sự lo lắng : một mặt là tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa là Cha, mặt khác là hãy tập trung lo điều chủ yếu quan trọng nhất mà thôi, tức là lo làm theo ý Chúa (ý nghĩa của kiểu nói "Tìm Nước Thiên Chúa và Sự công chính của Ngài").

Thánh Augustinô chia xẻ cho chúng ta một cách sống hồn nhiên và vô tư như sau : "Phó thác quá khứ cho lòng Thương xót của Chúa, hiện tại cho Tình yêu của Ngài, và tương lai cho sự Quan phòng của Ngài".

4. Làm tôi tiền của

"Làm tôi tiền của", một câu nói quá nặng ! Chắc không ai chịu nhận rằng mình đang làm tôi mọi cho tiền của. Tuy nhiên, ta hãy bình tĩnh để làm hai bảng trắc nghiệm.

A/ Bảng trắc nghiệm thứ nhất :

- Tôi vừa khai trương quán ăn. Mấy bữa trước khách đến lưa thưa. Hôm nay Chúa nhựt chắc chắn sẽ đông từ sáng tới chiều. Tiếc quá, tôi phải đến nhà thờ dự lễ. Không có tôi thì ai đón khách ? ai coi chừng tủ tiền ? rủi có chuyện gì xảy đến thì ai có thể xử lý ? Tôi nên bỏ lễ không ?

- Con của thằng em tôi bệnh nặng phải đưa vào bệnh viện. Nó túng quá đến mượn tiền tôi. Mà tôi thì đang để dành tiền để sắm một chiếc Wave. Tôi sẽ từ chối nó ?

- Khi trả tiền mua một món hàng, cô bán hàng thối lại cho tôi dư một số. Tôi biết cô này thường bán mắc lắm, tôi nghĩ bấy lâu này cô đã lời của tôi hơn số tiền này nhiều. Vậy tôi sẽ làm như không biết gì cả, coi như hôm nay mình hên vậy chăng ?

Đặt mình vào 3 tình huống trên, nếu bạn đều trả lời "Phải" hay "Có" thì bạn đã làm tôi cho tiền của rồi, vì rõ ràng bạn đã coi tiền của trọng hơn Chúa, trọng hơn anh em ruột của mình, thậm chí còn trọng hơn danh dự và lương tâm của mình nữa.

B/ Bảng trắc nghiệm thứ hai :

- Nhà tôi bị trộm, vợ tôi tiếc nên cứ than vắn thở dài mãi. Phần tôi thì nghĩ "Có tiếc thì cũng mất rồi. Thôi từ từ sẽ làm lại".

- Đồng bào nhiều nơi đang bị lũ lụt. Nhiều tổ chức từ thiện đi quyên góp. Gia đình tôi thì không dư dả gì, nhưng cũng hy sinh góp một ít tiền, vì tôi nghĩ "Mình nhịn ăn nhịn xài một chút, để giúp cho những người đang thiếu thốn những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống".

- Tôi đang thất nghiệp. Có người bạn chỉ tôi đi buôn lậu, vốn rất ít mà lời rất nhiều. Tôi thà nghèo chứ không thèm đến những đồng tiền bất chính.

Nếu tôi đồng ý với cách những giải quyết trên thì chứng tỏ tôi quả thực không bị nô lệ cho đồng tiền.


5. Đừng xét đoán

Một thực tế rất rõ ràng là người ta hay xét đoán nhau, chính chúng ta cũng hay xét đoán người khác : Anh đó sai, Cô đó làm vậy là xấu, mấy người ấy thật đáng trách… Thử nhớ lại những cuộc trò chuyện của chúng ta. Có bao nhiêu cuộc trò chuyện mà trong đó không có những lời xét đoán người khác ?

Giả như ai đó vì tín nhiệm chúng ta nên đem một vụ việc đến nhờ chúng ta xét đoán. Muốn xét đoán cho nghiêm túc, chúng ta phải làm gì ? Trước tiên là tìm hiểu vụ việc, không chỉ tìm hiểu một phía mà cả hai, có khi nhiều phía. Rồi tìm bằng chứng hay lý chứng. Rồi suy nghĩ thật kỹ. Sau cùng mới đưa ra kết luận.

Có khi nào chúng ta làm đúng và đủ những việc cần thiết đó không ? Ngay cả các quan tòa làm việc rất nghiêm túc mà cũng có khi đưa ra những xét đoán sai lầm.

Bởi vậy, Thánh Giacôbê hỏi : "Bạn là ai mà dám xét đoán người khác ?"

Còn thánh Phaolô trong bài Thánh thư hôm nay nhắc : "Anh em đừng đoán xét ; Đấng đoán xét chính là Thiên Chúa".

6. Chuyện minh họa

Dân chúng ở một thành phố nọ có quá nhiều điều phải lo lắng. Vì thế họ họp nhau bàn cách giải quyết vấn đề này.

Một người đề nghị phải lập một công viên để người ta đến đó giải khuây. Người thứ hai đề nghị làm một sân chơi golf. Người thứ ba đề nghị xây một rạp xinê. Người thứ tư có một đề nghị độc đáo :

- Chúng ta hãy hùn tiền mướn một người gánh hết mọi nỗi lo của chúng ta.

- Nhưng người đó là ai ?

- Là anh thợ vá giày David đó.

- Mướn bao nhiêu ?

- Mỗi tuần 1000 bảng anh.

Tất cả mọi người đồng ý. Họ hỏi David người thợ vá giày :

- Anh có đồng ý với việc làm mới này không ?

David cười rạng rỡ :

- Tại sao không !

Tưởng là mọi việc đã thu xếp ổn thỏa. Nhưng bỗng một người đặt vấn đề :

- Chúng ta mướn David gánh hết mọi nỗi lo. Nhưng mỗi tuần hắn có 1000 bảng anh thì hắn còn gì phải lo nữa ? (Flor McCarthy)

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Thiên Chúa quan phòng muốn chúng ta ưu tiên tìm biết để thi hành thánh ý của Người, còn mọi sự khác hãy phó thác để Người lo cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ tình thương của Chúa và dâng lên Người những lời cầu xin tha thiết.

1- Sứ mạng của Hội Thánh là hướng dẫn cho mọi người biết thánh ý Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu biết làm theo những hướng dẫn của Hội Thánh.

2- Chúa trao cho những vị lãnh đạo các nước trách nhiệm lo cho dân mình được ấm no hạnh phúc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người cầm quyền / xin Chúa cho các vị biết hết lòng thương dân và lo cho dân.

3- Có nhiều người khổ sở vì thiếu thốn vật chất / nhưng lại có nhiều người khác khổ sở hơn / vì tuy dư thừa về vật chất nhưng lại túng thiếu về tinh thần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những người ấy / biết quan tâm đến những giá trị tinh thần và đạo đức.

4- Ngay cả nhiều người tuy là kitô hữu mà cũng chưa dám phó thác trọn vẹn vào Chúa quan phòng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn xứ đạo chúng ta / xác tín tình thương bao bọc của Chúa / để có thể an tâm ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài.

CT : Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con. Cha đã hứa rằng dù có người mẹ nào quên con mình thì Cha cũng không bao giờ quên chúng con. Chúng con thành thật xin lỗi vì biết bao lần không tin tưởng phó thác vào tình thương của Cha. Từ nay chúng con sẽ cố gắng ưu tiên làm theo ý Cha và phó thác mọi sự khác trong tay Cha. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô là Chúa chúng con.

VI. TRONG THÁNH LỄ

- Kinh Tiền tụng : Chúa nhựt thường niên V, nhấn mạnh câu "Cha đã sáng tạo muôn loài trong vũ trụ, và sắp đặt cho thời tiết bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau"

- Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy đặc biệt sốt sắng khi cầu nguyện cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

- Sau kinh Lạy Cha : "… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin cho chúng con luôn phó thác vào sự chăm sóc quan phòng của Cha. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…"

VII. GIẢI TÁN

Anh chị em đã biết mình có Thiên Chúa là một người Cha luôn chăm sóc chu đáo cho mọi nhu cầu cuộc sống của mình. Chúng ta hãy an tâm sống phó thác trong tay Chúa Quan Phòng. Chúc anh chị em luôn được bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật VIII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 2, 2017


Chớ áy náy lo lắng về ngày mai.
Các con quan trọng hơn chim trời và hoa huệ ngoài đồng
Mt 6:24-34

1.  Bài Đọc

a)  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự xuống trên con trong sự im lặng của Chúa, và xin hãy nói với con dù không qua ngôn ngữ mà vẫn đụng chạm vào tâm hồn con.  Xin hãy để cho niềm hân hoan của Chúa ngự xuống trên con, trong khi những lo âu và sợ hãi bay đi như những lá mùa Thu và được thay thế bởi mùa Xuân mới.  Sự chăm sóc của Chúa thật là đằm thắm, những khi con để cho các lo toan của đời sống làm mất niềm hy vọng.  Ôi lạy Chúa, Chúa là ánh sáng soi lối cho con và hướng dẫn con tìm đến Chúa.  Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến nắm lấy tay con và dạy cho con cầu nguyện những khi Người không tìm được lời lẽ linh ứng cho con.

b)  Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Mátthêu 6:24-34

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Không ai có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó sẽ ghét người này, và yêu mến người kia, hoặc nó chuộng chủ này, và khinh chủ nọ.  Các con không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được.”

“Vì thế Thầy bảo các con:  chớ áy náy lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; hay cho thân xác các con: lấy gì mà mặc.  Nào mạng sống không hơn của ăn, và thân xác không hơn áo mặc sao?  Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng.  Nào các con không hơn chúng sao?  Nào có ai trong các con lo lắng áy náy mà có thể làm cho mình cao thêm một gang được ư?  Còn về áo mặc, các con lo lắng làm gì?  Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng coi chúng mọc lên thế nào?  Chúng không làm lụng, không canh cửi.  Nhưng Thầy nói với các con rằng:  Ngay cả Salomon trong tất cả vinh quang của ông, cũng không trang phục được bằng một trong những đóa hoa đó.  Vậy nếu hoa cỏ đồng nội, nay còn, mai bị ném vào lò lửa, mà còn được Thiên Chúa mặc cho như thế, huống chi là các con, hỡi những kẻ kém lòng tin.  Vậy các con chớ áy náy lo lắng mà  nói rằng:  ‘Chúng ta sẽ ăn gì, uống gì hoặc sẽ lấy gì mà mặc?’  Vì chưng, dân ngoại tìm kiếm những điều đó.  Nhưng Cha các con biết rõ các con cần đến những điều đó.  Tiên vàn các con hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều đó, Người sẽ ban thêm cho các con.  Vậy các con chớ áy náy lo lắng về ngày mai.  Vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai.  Ngày nào có sự khốn khổ của ngày ấy.”

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc

Bài Phúc Âm để chúng ta suy gẫm tuần này trích từ chương sáu của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu.  Đoạn Tin Mừng này phải được hiểu trong bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu trên núi (Bài Giảng Trên Núi) (Mt 5:1-7:12).  Bài giảng này gồm có:

-        Tám mối phúc thật (5:1-12);
-      Sáu chủ đề so sánh hoặc đối chiếu lề luật cũ với lề luật mới được rao giảng bởi Chúa Giêsu (5:21-48).  Một cách chắc chắn, mục đích của các lập luận này không phải là để Tân Ước chống báng lại Cựu Ước, mà để đào sâu hơn vào gốc rễ của các giới răn chi phối lại hành vi ngoại tại.  Chúa Giêsu đã đến không phải là để bãi bỏ mà là để kiện toàn lề luật (5:17-20);
-       Những giáo huấn của Chúa Giêsu nhắm về ba hoạt động đạo đức:  cầu nguyện (bao gồm cả Kinh Lạy Cha), ăn chay và làm việc lành phúc đức (6:1-18).  Hình thức văn chương cũng tương tự như hình thức được dùng trong sáu phản đề;
-     Những bài giảng khác của Chúa Giêsu thì không có một cấu trúc đặc biệt nào (6:19 – 7:12).

Đoạn Tin Mừng của chúng ta bắt đầu từ câu 24, nhắc lại vấn đề của việc gia nhập vào kế hoạch toàn bộ đời sống được trình bày bằng những giáo huấn của Đức Kitô.  Tham gia vào chương trình này là yêu mến một Chủ, Thiên Chúa, và dành trọn vẹn lòng mình cho Người mà thôi.  “Không ai có thể làm tôi hai chủ:  Vì nó hoặc sẽ ghét chủ này và yêu mến chủ kia, hoặc nó chuộng chủ này và khinh chủ nọ”.  Những thái cực yêu/ghét, thương mến/khinh khi này trong sách Đệ Nhị Luật nhắc nhở chúng ta tìm cách để hạn chế trong những trường hợp đa thê, “khi người đàn ông có hai vợ, một vợ được yêu và vợ kia bị ghét bỏ” (xem Đnl 21:15-17).  Sách Sáng Thế Ký là quyển sách đầu tiên của Samuel chúng ta liên tưởng đến trường hợp của hai gia đình: một là gia đình ông Giacóp, bà Rakhên và bà Lê-a, còn trường hợp kia là gia đình ông Encana, bà Anna và bà Pê-nina (St 29:30-31; 1Sm 1:2-8).  Thánh Phaolô cũng nói về một tấm lòng trọn vẹn chuyên cần lo việc của Chúa (1Cr 7:7-34).  Chúa không tiêu diệt những ai tự mình hàng phục Chúa!  Người là Chúa Cha và biết rất rõ về những nhu cầu của chúng ta.  Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin với Chúa Cha ban cho chúng ta lương thực hằng ngày (6:11).

Hãy tận hiến đời mình cho Thiên Chúa, sau đó, trông cậy trong đôi tay của Chúa Cha và sự quan phòng của Người.  Thiên Chúa đầy lòng thương xót là Đấng chăm sóc cả đến cây cỏ ngoài đồng và ban của ăn cho chim trời thì Người cũng sẽ chăm sóc chúng ta.  Chúa Giêsu đoan chắc với chúng ta rằng:  Nếu Chúa còn lo trang phục cho hoa cỏ đồng nội, là giống hôm nay còn và ngày mai đã bị ném vào lửa, thì lẽ nào Người sẽ không ban cho chúng ta hơn thế nữa…” (câu 30).  Sự tương phản với sự giàu có giải thích lý do, trong ngôn ngữ Do-Thái và Aram, chữ thần tiền (Mammon) được dùng để chỉ việc tin vào của cải vật chất.  Thật vậy, giống như người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta hãy mạnh dạn từ bỏ của cải tài sản, để có thể thảnh thơi đi theo Chúa (Mc 10:17-31; Mt 19:16-30).

Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng chỉ có Thiên Chúa là xứng đáng với lòng tin tưởng và sự từ bỏ mọi vướng bận của chúng ta.  Ở đây, đoạn Tin Mừng nói với chúng ta về những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về mối nguy hiểm của sự giàu có, và ngày tái lâm của Người (xem Lc 16:19-30; 17:22-37; 18:24-27).  Vấn đề là vì những thứ vật chất khiến cho chúng ta mất đi những gì cần thiết nhất (Lc 10:38-42) và lấp đầy trong chúng ta với một mối lo lắng tầm thường.
   
b)  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để hướng dẫn việc suy gẫm và đem thực hành

-     Điều gì trong đoạn Tin Mừng đánh động bạn nhất?
-    Tuân theo lời giảng dạy của Chúa Giêsu là chỉ yêu mến một Chủ, đó là Thiên Chúa, và dâng trọn hồn xác cho Người.  Điều chọn lựa này có những áp dụng thực tiễn nào vào đời sống của bạn không?
-    Thiên Chúa là Cha, Đấng chăm sóc cho chúng ta.  Bạn có tin tưởng nơi Người không?  Bạn sẽ biểu lộ sự tin tưởng đó như thế nào?
-    Có phải cuộc sống thì không có gì hơn là của ăn và thân thể không có gì hơn là y phục không?  Cuộc sống của bạn là gì?
-     Bạn quan tâm đến những điều gì trong đời sống? 

3.  Cầu Nguyện

Một phút thinh lặng cầu nguyện

Lạy Cha chúng con…

4.  Chiêm Niệm

Hãy tưởng tượng Chúa Giêsu đang nói với bạn những lời này.

Tại sao con lại nhầm lẫn về sự phấn khởi?  Con hãy để Ta lo mọi việc cho con và mọi thứ sẽ lắng đọng lại.  Ta bảo thật cho con rằng mỗi hành động của việc chân thành, không đắn đo, hoàn toàn phó thác vào Ta, có tác dụng giúp con mong muốn và giải quyết các tình huống khó khăn.  Quy phục Ta không có nghĩa là đập phá, khóc lóc và tuyệt vọng.  Hãy tìm đến Ta với lời kêu cầu của con thì con sẽ được giải thoát vì Ta ở cùng con.  Quy phục có nghĩa là lặng lẽ khép lại đôi mắt cách lặng lẽ, hãy hướng tâm trí con khỏi những điều khổ ải và hướng về cùng Ta bởi vì Ta là Đấng duy nhất mà con nên kiếm tìm.  Giống như trẻ thơ đang say ngủ trong vòng tay mẹ hiền.  Ta làm rất nhiều điều cho linh hồn khi trong nhu cầu tâm linh và vật chất của nó hướng về Ta, nhìn Ta và nói:  “Con đang nghĩ về Chúa”, sau đó con hãy nhắm mắt lại và nghỉ ngơi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét