23/02/2017
Thứ Năm tuần 7 thường niên
Thánh Pôlycarpô, giám mục, tử đạo.
Lễ nhớ
* Thánh
Pôlicáp là môn đệ của thánh Gioan và là chứng nhân cuối cùng của thời các Tông
Đồ.
Người đã chết trên giàn hoả thiêu, giữa hí trường Miếcna, trước mặt dân chúng.
Đang lúc đó, người
dâng lời tạ ơn Chúa “vì mình đã được xét là xứng đáng được kể vào số các chứng
nhân (tử đạo) và được chia sẻ chén đắng của Chúa Kitô”. Hôm đó là ngày 23 tháng
02 năm 155, thánh nhân được tám mươi sáu tuổi.
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc
5, 1-10
"Ngươi hãy mau
mau quay về với Chúa".
Trích sách Huấn Ca.
Ngươi đừng cậy vào gia
sản bất chính và đừng nói: "Ðời sống của tôi thật là đầy đủ". Vì
chưng trong thời báo oán trả ân, cái đó có ích gì? Khi còn mạnh khoẻ, chớ chạy
theo đam mê của lòng ngươi và đừng nói: "Ai làm gì được tôi?", hoặc
"Trong các việc tôi làm, ai có thể bắt tôi suy phục được?" Bởi vì chắc
chắn Thiên Chúa sẽ báo oán ngươi. Ngươi đừng nói rằng: "Tôi đã phạm tội,
nào có sao đâu?" Ðấng Tối Cao là Ðấng xét xử nhẫn nại. Ngươi chớ yên tâm về
tội đã được tha, để rồi chồng chất tội này trên tội nọ. Và ngươi cũng đừng nói:
"Lòng nhân từ của Chúa thật lớn lao, Người thứ tha muôn vàn tội lỗi của
tôi", vì lòng nhân từ và cơn thịnh nộ rất gần nhau, và cơn thịnh nộ của
Người đè nặng trên những kẻ tội lỗi. Ngươi hãy mau mau quay về với Chúa và đừng
lần lựa rày mai; vì cơn thịnh nộ của Người sẽ đến bất ưng và huỷ diệt ngươi
trong thời báo oán. Ngươi đừng ỷ lại vào những của bất chính, vì chưng trong thời
báo oán trả ân, nó sẽ chẳng ích gì cho ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4
và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39,
5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai
không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối của tội nhân, không
ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy
ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng
bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả
công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được
như vậy; họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công
chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia: Tv 144, 13cd
Alleluia, alleluia! -
Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa
làm. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 9, 40-49
(Hl 41-50)
"Thà con mất một
tay mà được vào cõi sống, còn hơn đủ cả hai tay mà phải vào hoả ngục".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các
con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng
đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin
Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
"Nếu tay con nên
dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống,
còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu
chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được
vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt
con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước
Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ
rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.
"Muối là vật tốt,
nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy
có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Sẵn
Sàng Hy Sinh
Vào thời trước, có một
đoàn thám hiểm từ Âu Châu lên đường đi tìm vùng đất mới. Vị trưởng đoàn cho mọi
người biết hễ ai chạm đến vùng đất mới trước tiên, người đó sẽ làm chủ vùng đất
ấy. Một người trong nhóm quyết chiếm vùng đất mới bằng mọi giá. Ông tận lực
chèo thuyền, nhưng một chiếc thuyền bạn đã bắt kịp và đang tiến lên phía trước
gần sát bờ. Là một con người có ý chí sắt đá và gan dạ, ông đã can đảm lấy chiếc
rìu chặt đứt bàn tay trái của ông, rồi ném lên bờ. Thế là bàn tay ông đã chạm đến
đất trước tiên, do đó vùng đất này thuộc về ông.
Câu truyện trên đây
giúp chúng ta hiểu rõ hơn Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: "Nếu tay con
làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh,
còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục". Ðiều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây
là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội
mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo
nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng
qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả
để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay. Chẳng hạn, hy
sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như
hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu
đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy
sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời, nếu
chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ cho công cuộc
truyền giáo.
Chính Chúa Giêsu đã
làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến
toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa
Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính
mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 7 TN1,
Năm Lẻ
Bài đọc: Sir
5:1-8; Mk 9:41-50.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những điều
nên làm và nên tránh trong cuộc đời.
Thế gian này chỉ là chỗ
tạm dung, không phải là chỗ định cư đời đời. Mục đích Thiên Chúa cho con người
sống trong thế gian khoảng một thời gian là để cho con người luyện tập đức tin
và tình yêu vào Thiên Chúa, trước khi cho con người về hưởng hạnh phúc muôn đời
với Người trên Thiên Đàng. Nhiều người đã không nắm vững mục đích này, nên họ lấy
thế gian làm chỗ định cư, và họ sống như không có nguồn cội và đích điểm. Nhiều
tín hữu tuy biết đích điểm, lại không biết cách làm sao để đạt đích.
Các bài đọc hôm nay nhắc
nhở các tín hữu nhớ lại đích điểm của cuộc đời, và cho họ những bài học cụ thể
cần phải làm để đạt đích. Trong bài đọc I, Sách Huấn Ca nhắc nhở cho con người
biết Đấng nắm giữ vận mạng con người. Ngài cho con người rất nhiều cơ hội để nhận
ra mục đích của cuộc đời, nhưng họ phải biết lợi dụng những cơ hội để làm lành
tránh dữ, trước khi tới ngày Ngài cất họ ra khỏi thế gian. Trong Phúc Âm, Chúa
Giêsu dạy các tín hữu những gì cần làm và cần tránh trong cuộc đời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đừng khinh thường lòng thương xót và những cơ hội Thiên
Chúa ban.
1.1/ Đừng cậy dựa vào của
cải thế gian hay sức lực của con người: Ba
điều tác giả Sách Huấn Ca khuyên con người phải tránh.
(1) Cậy dựa vào tiền bạc
của cải: “Đừng cậy vào tài sản của con, và đừng nói: "Tôi có đủ cả rồi!"...
Đừng cậy dựa vào của cải bất chính, vì điều đó chẳng ích gì cho con ngày con gặp
bất hạnh.” Ai cũng biết sức mạnh của kim tiền, nó có khả năng làm tối mặt mọi
người để con người quên đi mục đích của cuộc đời. Người tín hữu cần nhắc nhở
mình, tiền bạc là của thế gian, khi chết họ phải để lại cho thế hệ sau hưởng
dùng. Tại sao phí cả cuộc đời để vơ vét những gì mình không mang theo được? Tại
sao không dành thời gian để phát triển và học hỏi những gì mình có thể mang
theo?
(2) Ước muốn, đam mê:
“Đừng chiều theo ước muốn và sức lực của con, mà thoả mãn những đam mê của lòng
mình.” Thiên Chúa ban cho con người những ước muốn để thực hiện những điều Ngài
dựng nên và quan phòng. Con người không được dùng nó cho những mục đích bất
chính, để rồi trí óc con người không còn ham muốn những mục đích cao quí mà
Thiên Chúa đã quan phòng.
(3) Sức riêng mình: “Đừng
nói: "Ai làm gì được tôi?" Vì Đức Chúa là Đấng công minh sẽ trừng phạt.
Đừng nói: "Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?" Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại
đó! Đừng ỷ được tha thứ mà khinh nhờn, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác.”
Con người không dựng nên và điều khiển trái đất này. Họ cần khiêm nhường nhận
ra uy quyền của Thiên Chúa, Đấng dẫn đưa mọi vật tới mục đích như Ngài mong ước.
1.2/ Đừng khinh thường
cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: Cả hai khuynh
hướng cực đoan con người cần tránh xa: thứ nhất, Thiên Chúa rất từ bi nhân hậu,
Ngài sẽ xóa bỏ mọi tội lỗi con người mà không cần con người phải ăn năn sám hối;
thứ hai, Thiên Chúa rất công bằng, Ngài sẽ không tha thứ những tội lỗi quá nặng
nề của con người đã xúc phạm tới Ngài. Điều chúng ta có thể đoan chắc là Thiên
Chúa rất từ bi nhân hậu; nhưng cũng rất mực công bằng. Ngài sẽ trả cho mỗi người
theo việc làm của họ.
Vì vậy, mọi người cần
phải trở về với Thiên Chúa càng sớm càng tốt, đừng đánh bạc cuộc đời của mình để
rồi sẽ mất tất cả. Hơn nữa, càng trở về sớm với Thiên Chúa bao nhiêu, con người
càng thấy cuộc đời có ý nghĩa và đáng sống bấy nhiêu. Tác giả khuyên mọi người:
“Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày
khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con
sẽ phải tiêu vong.”
2/ Phúc Âm: Hãy làm lành và tránh tội.
2.1/ Thiên Chúa kể những
gì chúng ta làm cho anh/chị/em là chúng ta làm cho chính Ngài: Chúng ta thực sự chẳng thêm được gì cho Thiên Chúa; nhưng
Ngài kể những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho Ngài, và Ngài sẽ thưởng
công cho chúng ta. Tại sao chúng ta cần công trạng? Thưa bởi vì những hình phạt
do tội lỗi gây nên. Khi xưng tội, Thiên Chúa tha tội; nhưng hình phạt chúng ta
vẫn phải đền. Vì thế, chúng ta cần phải ra sức giúp đỡ tha nhân để đền bù hình
phạt do tội lỗi gây nên. Việc đền tội các linh mục ra chỉ là tượng trưng. Chúng
ta không biết hình phạt do tội lỗi gây ra nặng tới mức nào; nên cứ làm việc
lành nhiều cho chắc ăn.
2.2/ Điều xấu chúng ta
làm cho anh/chị/em, chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hình phạt tương xứng. Có hai điều Chúa Giêsu muốn nói tới ở đây:
1) Gương mù cho những
người bé mọn: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải
sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” Danh-từ
Hy-lạp để chỉ “bé mọn” dùng ở đây là “mikros;” nó có thể hiểu cả bé mọn
về phần xác như trẻ em, hay bé mọn về phần linh hồn như những người không hiểu
biết nhiều. Chúa Giêsu có ý muốn nói gương mù ảnh hưởng trên hai loại người này
rất nặng nề, vì trí khôn hay đức tin của họ chưa vững vàng đủ để có thể vượt
qua. Họ có thể mất đức tin vì gương mù của chúng ta.
2) Hậu quả của tội:
Chúng ta không thể hiểu những câu này theo nghĩa đen vì: (1) Nếu cứ mỗi lần phạm
tội và phải làm những điều này, con người sẽ không còn gì để cắt hay móc mà vứt
đi. (2) Hỏa ngục là nơi ở của các linh hồn phải hư đi. Hình phạt nặng nhất là họ
không được nhìn thấy Thiên Chúa. Vì xác loài người chưa sống lại, nên hồn con
người không có thân xác để có thể cảm thấy sức nóng của lửa. Những câu này là một
lối diễn tả của Chúa để nói lên hình phạt nặng nề của tội nếu con người không
biết làm chủ các giác quan của mình. Thiên Chúa ban cho con người một thân xác
để sinh ích cho bản thân và cho tha nhân, chứ không phải dùng nó để phạm tội.
2.3/ Cần luyện tập các
nhân đức trong cuộc đời: Bản dịch của Việt-nam
hơi tối nghĩa và dài dòng, nguyên nghĩa Hy-lạp có thể dịch “Quả thật, ai nấy sẽ
được muối bằng lửa.” Trình thuật của Matthew sáng sủa tuy dài hơn, vì phân biệt
hai biểu tượng “muối” và “ánh sáng” (Mt 5:13-15). Mục đích của việc Chúa dùng
biểu tượng để chỉ những đức tính của người Kitô hữu. Họ đã được trang bị để có
những đức tính này. Họ phải luyện tập và thực hành để những người chưa tin nhận
ra những tốt lành của đạo và tin vào Cha trên trời. Trong trình thuật hôm nay,
muối được ví với nhân đức hiền hòa: “Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và
sống hoà thuận với nhau.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Cuộc đời mỗi người
chúng ta đi về một hướng nhất định dù chúng ta có biết hay không. Tại sao chúng
ta không để giờ học hỏi để nhận ra mục đích cao trọng này?
- Biết đích điểm thôi
chưa đủ, chúng ta còn phải biết những gì nên làm và những gì nên tránh nữa thì
mới mong đạt đích. Chịu khó đọc Kinh Thánh mỗi ngày và thi hành những gì Thiên
Chúa dạy sẽ giúp chúng ta phải chuẩn bị thế nào cho ngày về với Ngài.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Th. Pô-li-cáp, giám mục, tử đạo Mc 9,41-50
KHỐN CHO KẺ LÀM GƯƠNG XẤU
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã,
thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (Mc 9,42)
Suy niệm: Trẻ nhỏ giống như mầm
non mới mọc, lộc chồi mới nhú. Thật tinh khiết đến độ gần như linh thánh, và
cũng thật nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương bởi những tác động xấu của môi
trường. Chúa Giêsu đã lên án rất nặng với những người làm gương xấu cho trẻ nhỏ
- cột cối đá ném xuống biển – vì nó
gây tác hại rất lớn trong đời sống, không những cho chính người đó, người tín
hữu khác và nhất là cho những anh em lương dân đang muốn tìm biết Thiên Chúa.
Gương xấu là bản chỉ dẫn sai đường, là ngọn đèn đã cháy luôn cả tim. Đó là lý
do khiến Chúa Giêsu dùng lời nói thật nặng nề – móc mắt, chặt
tay, chặt chân – để diễn tả đến thái độ dứt khoát quyết
liệt đến tận cùng đối với gương xấu.
Mời Bạn: Chắc chắn là bạn lên án những người gây gương mù gương
xấu cho người khác, đặc biệt là cho các em nhỏ. Nhưng bạn nên tự vấn lương tâm
có thể cũng có những lúc bạn đã từng trở thành gương xấu cho người khác.
Sống Lời Chúa: Trước hết, bạn làm gương tốt cho những người thân
trong gia đình bạn bằng cách chu toàn bổn phận của người cha, người mẹ thật
tốt, của người con ngoan, bạn hiền.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhìn đến
gia đình chúng con, xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt, biết
yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ. Xin Chúa hãy đến như ngọn lửa
hồng chiếu sáng đời con để chúng con luôn mang trong tim một ước mơ nóng bỏng
đó là trở thành một tấm gương sáng phản chiếu ngọn lửa tình yêu của Chúa. Amen.
(5 phút lời Chúa)
Làm cớ cho anh sa ngã (23.2.2017 – Thứ năm Tuần 7 Thường niên)
Cắt đứt với một thói quen xấu lâu năm, hay cắt đứt tương quan tội lỗi với một người, những điều ấy nhiều khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay.
Suy niệm:
Khi nghe một người chịu
tháo khớp vì mắc bệnh tiểu đường,
chúng ta chẳng ngạc nhiên
mấy.
Mất đi bàn chân mà
kéo dài được sự sống
thì còn hơn là
giữ lại mà phải chết.
Có bao nhiêu người chịu
giải phẫu mỗi ngày.
Họ chấp nhận cắt bỏ
một phần thân thể bị hư hoại,
để mong giữ lại được cả
mạng sống.
Tuy việc cắt bỏ luôn đi
kèm với đau đớn và mất mát suốt đời,
nhưng người ta vẫn vui vì
thấy mình còn sống.
Bài Tin Mừng hôm nay có
thể làm ta ngạc nhiên và không vui.
Bài này có nhiều câu
được lặp lại như một điệp khúc.
“Nếu tay anh làm cớ cho
anh sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…
Nếu chân anh làm cớ cho anh
sa ngã, thì anh hãy chặt nó đi…
nếu mắt anh làm
cớ cho anh sa ngã thì anh hãy móc nó đi…”
Có cần phải chặt
tay, chặt chân hay móc mắt không ?
Có cần phải hiểu các
câu này của Chúa theo nghĩa đen không?
Nếu hiểu theo nghĩa đen,
chắc khó mà có một kitô hữu lành lặn.
Bởi vậy chúng ta thường
dễ bỏ qua hay hiểu theo nghĩa bóng,
và có nguy cơ làm
yếu đi sứ điệp mà Đức Giêsu muốn chuyển tải.
Giá Trị tối hậu
mà Đức Giêsu muốn chúng ta coi trọng
đó là Sự Sống vĩnh
hằng, là Nước Thiên Chúa (cc. 43-47).
Để có được Giá Trị
này, ta phải chấp nhận hy sinh nhiều giá trị khác.
Hơn nữa, chúng ta lại
càng phải từ bỏ hy sinh
những gì cản trở
khiến ta không thể đạt tới mục đích mình theo đuổi.
Tay, chân, mắt là những
bộ phận rất quan trọng trong cơ thể.
Chúng là những chi
thể không thể thiếu để có một đời sống bình thường.
Tuy nhiên, chúng có
thể trở thành duyên cớ khiến ta vấp phạm, sa ngã.
Sa ngã ở đây
là thứ sa ngã đưa chúng ta vào cõi chết đời đời,
nơi toàn bộ cuộc đời
chúng ta bị đổ vỡ nát tan không sao hàn gắn.
Vì cuộc đời của
chúng ta là vô giá,
một cuộc đời đã được
chuộc bằng chính Máu Con Thiên Chúa,
một cuộc đời mà
chính chúng ta đã dày công xây đắp,
nên việc cắt bỏ những
điều phá hoại cuộc đời ấy là chuyện tự nhiên.
Chặt tay, chặt chân hay
móc mắt là những điều kinh khủng, gây đau đớn.
Bị què tay, què
chân hay chột mắt ở đời này là điều chẳng ai mong.
Nhưng Đức Giêsu mời chúng
ta nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu,
để có can đảm cắt đứt với
những thụ tạo đang làm hư hỏng đời ta.
Cắt đứt với một thói
quen xấu lâu năm,
hay cắt đứt tương
quan tội lỗi với một người,
những điều ấy nhiều
khi còn khó hơn việc móc mắt hay chặt tay.
Chúng ta chỉ có
thể sống Lời Chúa hôm nay
nếu chúng ta không bị hút
bởi khoái lạc trần gian ngay trước mắt.
Xin Chúa giúp ta thực
hiện những cuộc giải phẫu mỗi ngày,
để đau đớn của đoạn
tuyệt hôm nay đem lại hạnh phúc trọn vẹn mãi mãi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng,
khoái lạc
là những điều hấp dẫn
chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự
do ngước lên cao
để sống cho những giá trị
tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho
tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần
nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý
là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG HAI
Tấn Công Vào Tận
Sào Huyệt Của Tội Lỗi
Thánh Vịnh 91 rung lên
âm hưởng từ kinh nghiệm được mô tả trong cuộc Xuất Hành của It-ra-en. Quả thế,
thánh vịnh này được lặp lại trong phụng vụ Lễ Phục Sinh. Đó là một khúc ca về
niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đấng giải cứu và che chở bất cứ ai tự
đặt mình trong sự bảo vệ của Ngài:
“Hỡi ai nương tựa Đấng
Tối Cao
và núp bóng Đấng quyền
năng tuyệt đối,
hãy thưa với Chúa rằng:
‘Lạy Thiên Chúa, Ngài
là nơi con náu ẩn,
là đồn lũy chở che,
con tin tưởng vào Ngài.’”
(Tv 91, 1 – 2).
Trên con đường tiến về
với Thiên Chúa, mọi tín hữu – giống như gã Aramean lang thang – là một lữ khách
phải đi qua bao rủi ro và nguy hiểm. Như tác giả thánh vịnh nói: “Bạn có thể giẫm
lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long.” (câu 13). Nhưng hễ ai
tin, thì Thiên Chúa sẽ giải cứu và đưa vào mối quan hệ mật thiết với chính Ngài
– và đấy là mục tiêu của tất cả chúng ta là những lữ khách trên con đường dương
thế. Tin Mừng Luca cho chúng ta thấy rõ ràng rằng Giáo Hội – được hướng dẫn bởi
Đức Giêsu là Chúa của mình – bắt đầu cuộc hành trình cứu độ, cuộc hành trình
đưa về sự giải phóng đích thực. (cf. Lc 4, 1 – 13).
Giao ước mới của Đức
Kitô cung ứng cho chúng ta sự tự do khỏi sự dữ – tức khỏi sự tội và sự chết.
Con đường giải phóng ấy bắt đầu với chiến thắng của chúng ta trên những cám dỗ.
Vì cám dỗ dẫn đến sự tội, và vượt qua cám dỗ tức là vượt qua tội lỗi ở tận gốc
rễ của nó! Và cái gốc rễ mà chúng ta phải chặt bằng rìu trước hết là thói ích kỷ
và kiêu căng nơi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình” (Lc 9, 23).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 23 -2
Thánh Pôlycarpô,
giám mục tử đạo
Hc 5, 1-10; Mc 9,
41-50.
Lời Suy Niệm: “Ai cho anh em uống
một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó
sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Điều này giúp cho mọi
Kitô hữu, mỗi khi giúp đỡ và cọng tác với bất cứ ai đang thi hành việc loan báo
Tin Mừng cũng như trong mọi công tác tông đồ thêm niềm hy vọng được Chúa ghi nhận.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho mỗi người chúng con luôn biết thực hiện điều này, không những đối với những
người thuộc về Chúa mà còn đối với tất cả mọi người đang sống chúng quanh chúng
con không có cùng một niềm tin. Để tất cả đều được Chúa thương nhận và ban phúc
lành.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-02
Thánh POLYCARPÔ
Giám mục tử đạo
(...... - 155)
Từ khi thánh Inhaxiô
qua đời, thánh Polycarpô đã trở thành khuôn mặt sáng giá nhất của kitô giáo
đông phương. Ngài đã trở thành giám mục Smyrna khoảng năm 96.
Thánh Inhaxiô, sau khi
gặp Ngài đã viết cho Ngài rằng: - "Hãy giúp đỡ người khác như Chúa
đã trợ giúp Ngài... Hãy cầu nguyện không mệt mỏi... hãy như các lực sĩ mang lấy
các yếu đau của mọi người, bởi vì người lực sĩ chiến thắng bất kể mọi cú đánh
xâu xé thân mình".
Thực sự suốt cả đời,
Polycarpô đã là một chiến sĩ chiến đấu cho đức Kitô. Đến lượt Ngài, Ngài cũng
đã đào luyện các môn đệ của mình trong số đó có giám mục Lyon là thánh Irênê,
người còn nhớ: - "Tôi không bao giờ quên bước đi trịnh trọng, nét mặt uy
nghiêm, cuộc sống trong trắng của Ngài và nhận những lời khuyên thánh thiện
Ngài dạy dỗ dân chúng".
Lúc đã quá tám mươi tuổi,
thánh Polycarpô đi Rôma nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Anicêtô về ngày thích
đáng để kỷ niệm lễ phục sinh. Sau đó Ngài trở lại Smyrna để chịu tử đạo. Cuộc
bách hại đã nghiêm trọng và Ngài sẵn sàng hiến đời mình. Nhưng bạn bè thân thiết
xin Ngài hãy sống vì đoàn chiên, nên Ngài đã nhận ẩn mình ở miền quê. Các binh
sĩ lùng tìm Ngài đã khám phá ra hai người giúp việc của Ngài và tra tấn dã man
đến độ một trong hai người, khi quá đau đớn, đã tố cáo Ngài.
Và đã quá trễ khi họ đến
căn nhà tại miền quê. Thấy họ đến, thánh Polycarpô đã nói: - Xin cho ý Chúa được
thể hiện.
Và Ngài từ chối không
muốn trốn đi. Ngài đi xuống tìm đón các binh sĩ, đàm thoại với họ, cho họ ăn uống,
vì họ mệt nhọc tìm kiếm Ngài quá lâu và cuối cùng thì những binh sĩ này đã hoàn
thành nhiệm vụ của họ. Thánh Polycarpô xin họ để giờ cho Ngài cầu nguyện. Ngài
nói lớn với Thiên Chúa như người ta nói chuyện với cha mình, Ngài ký thác cho
Chúa những anh em của mình, giàu cũng như nghèo, mọi Kitô hữu rải rác trên khắp
thế giới. Suốt hai giờ liền, người ta nghe Ngài cầu nguyện như vậy.
Các binh sĩ kinh ngạc
khi nghe Ngài cầu nguyện như thế và coi như là một phá hoại, khi họ ép buộc phải
bắt giam một con người quảng đại và can đảm. Nhưng trung thành với mệnh lệnh họ
dẫn cụ già đi.
Trên đường họ gặp chỉ
huy và vị chỉ huy mời Polycarpô lên xe mình, ở đó ông muốn làm cho Ngài chối bỏ
Thiên Chúa. Ông nói rằng: - Ngài xem này, xấu xa gì khi nói vài lời người
ta yêu cầu và dâng một của lễ cho các thần minh của chúng ta... Sau đó Ngài được
cứu thoát.
Trước sự từ chối của
Polycarpô, viên lãnh binh đánh đập Ngài. Vị giám mục già nua té xuống đường, bị
thương, Ngài chỗi dậy và đi theo các binh sĩ.
Một đám đông chờ đợi
thánh Polycarpô tại vận động trường là nơi vui chơi, diễn ra cả các trò chơi
tiêu khiển lẫn những cuộc vui hành hình.
Nhà cầm quyền khuyên
nhủ Ngài: - Hãy thương lấy thân mà khinh miệt ông Kitô tôi sẽ trả tự do cho
ông.
Nhưng thánh Polycarpô
trả lời: - Đã tám mươi sáu năm tôi phụng sự đức Kitô và người chỉ ban sự lành
cho tôi, làm sao tôi có thể phạm thượng tới Thiên Chúa và Đấng cứu chuộc tôi được
?
Dân chúng la hét ghê rợn,
nhà cầm quyền nói: - Tôi có nhiều thú dữ, tôi sẽ thải ông cho chúng ăn thịt.
Thánh Polycarpô điềm
tĩnh trả lời: - Ông hãy cho chúng tới đây.
Nhà cầm quyền mất bình
tĩnh nói: - Vì ông khinh thú dữ, tôi sẽ thiêu sống ông, nếu ông không đổi ý.
Vị tử đạo trả lời: -
Ông đe tôi bằng thứ lửa chỉ thấy có một lúc . Ong không biết thứ lửa đời đời
dành cho bọn bất lương sao ?
Và mặt Ngài sáng rực
ánh sáng trên trời. Viên nhiếp chính cho người hô lớn ba lần: - Polycarpô xưng
mình là Kitô hữu.
Nghe vậy, lương dân và
người Do thái đòi mạng Ngài, Họ tố cáo: - Nhà đại tiến sĩ của Á Châu, cha các
Kitô hữu, kẻ phá hoại các đề thờ thần minh của chúng ta đó.
Ba ngày trước, thánh
Polycarpô đã được thị kiến thấy gối mình bốc lửa và đã tin cho các bạn biết
mình sẽ bị thiêu. Bây giờ Ngài nghe dân chúng la ó: - Đốt nó đi.
Và dân chúng vơ chất củi
thành giàn thiêu, Ngài điềm nhiên xem họ làm. Khi mọi sự đã xong Ngài cởi áo, cởi
giày, cầu nguyện. Ngài thờ lạy Chúa cứu thế và tạ ơn Người đã cho mình được chết
vì đạo.
Binh sĩ đốt lửa. Ngọn
lửa bao quanh thánh Polycarpô và thân thể Ngài sáng chói như vàng bạc. Người ta
ngửi thấy mùi hương thơm quí giá.
Sau cùng một mũi giáo
đâm vào thân xác đang bốc cháy và các Kitô hữu thấy linh hồn Ngài như cánh chim
bồ câu bay thẳng lên trời cao.
(daminhvn.net)
23 Tháng Hai
Ánh Sáng Hồi Phục
Mới đây tại trường
đại học y khoa Stanford bên Hoa Kỳ đã sáng chế ra một loại cửa sổ nhân tạo đặt
trong các phòng hồi sức, nhằm giúp cho bệnh nhân chóng được hồi phục. Người vẽ
kiểu cho loại cửa sổ nhân tạo này là một phó nhòm thuộc tiểu bang California.
Ông đã chứng kiến cái cảnh thoi thóp thở của cha mình, khi nhìn lên trần bảng của
phòng hồi sức chỉ thấy toàn một màu trắng với những lỗ đen. Các bác sĩ cho biết,
vì phải nằm lâu ngày trong căn phòng thiếu cửa sổ, thiếu ánh sáng tự nhiên, cho
nên không những bệnh nhân khó hồi phục mà còn để lộ những triệu chứng của bệnh
tâm thần.
Với cánh cửa sổ
nhân tạo nói trên, nhờ một hệ thống điện toán tinh vi, bệnh nhân có thể cảm thấy
như đang tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài. Trong 24 giờ đồng hồ, ánh sáng trên
khung cửa nhân tạo thay đổi 650 lần. Bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh mặt trời
lên cũng như những áng mây bay qua khung cửa. Tất cả đều nhằm để giúp cho bệnh
nhân cảm thấy mình gần gũi với thiên nhiên và nhờ đó cảm thấy bớt cô đơn.
Trong tương lai gần
đây, người ta cũng có thể tạo ra cảnh trăng lên cũng như các vì lấp lánh trên
khung cửa.
Con người cũng như vạn
vật cần có ánh sáng để sống. Riêng với con người, ánh sáng không những cần cho
sự sống của thân xác, mà còn giúp cho con người khỏi cô đơn. Bóng tối dễ làm
cho con người cô đơn và sợ hãi...
Có nhiều thứ bóng tối
trong cuộc sống chúng ta. Bóng tối của ích kỷ, của ganh ghét, của hận thù, của
đam mê... Càng giam mình trong bóng tối ấy, chúng ta càng cảm thấy cô đơn và
càng trở nên bệnh hoạn. Người càng sống ích kỷ, người càng nghiền ngẫm đắng
cay, hận thù, người đó càng hạ giảm nhân tính của mình...
Chúng ta cần có ánh
sáng để sống, để lớn lên trong tình người cũng như để chữa trị những băng hoại
trong tâm hồn. Có ánh sáng của Lời Chúa để soi sáng dẫn từng đường đi nước bước
của chúng ta. Có những ánh sáng của những nghĩa cử hằng ngày. Không có một
nghĩa cử nào qua đi mà không thêm một chút ánh sáng để giúp chúng ta hồi phục
vì những vết thương đau trong cuộc sống. Một hành động bác ái, một biểu lộ tin
yêu dù nhỏ mọn đến đâu cũng là một tia sáng mang hy vọng đến cho tăm tối cô đơn
trong tâm hồn chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét