19/02/2017
Chúa Nhật tuần 7 thường niên năm A
(phần I)
Bài Ðọc I: Lv 19,1-2.
17-18
"Hãy yêu
thương bạn hữu như chính mình".
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng:
"Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên
thánh, vì Ta là Ðấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Ðừng giữ lòng thù ghét anh
em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Ðừng tìm báo oán, đừng
nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính
mình. Ta là Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 102, 1-2.
3-4. 8 và 10. 12-13.
Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng 1) Linh hồn tôi
ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người.
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Ðáp.
Xướng 2) Người đã tha
thứ cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng
ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. Ðáp.
Xướng 3) Chúa là Ðấng
từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với
chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
Ðáp.
Xướng 4) Cũng như từ
đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người
cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 3,
16-23
"Tất cả là của
anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô,
và Ðức Kitô thuộc về
Thiên Chúa".
Trích thư thứ nhất của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Anh
em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự
trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ
huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền
thờ ấy.
Ðừng có ai lừa dối mình.
Nếu có ai trong anh em cho mình là người khôn ngoan ở đời này, thì kẻ ấy hãy
nên điên dại để được khôn ngoan: vì sự khôn ngoan của thế gian này là sự điên dại
đối với Thiên Chúa, vì có lời chép rằng: "Chính Người bắt chợt những người
khôn ngoan ngay trong xảo kế của họ". Lại có lời khác rằng: "Chúa biết
tư tưởng của những người khôn ngoan là hão huyền". Vậy đừng có ai còn tự
phô trương nơi loài người. Vì tất cả là của anh em, dù là Phaolô, hay Apollô,
hoặc Kêpha, hoặc thế gian, sự sống hay sự chết, hoặc hiện tại hay tương lai. Tất
cả là của anh em, nhưng anh em thuộc về Ðức Kitô, và Ðức Kitô thuộc về Thiên
Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống
đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 5, 38-48
"Các con hãy
yêu thương thù địch các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe bảo: 'Mắt đền mắt, răng đền
răng'. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại,
nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa. Và ai muốn kiện
con để đoạt áo trong của con, thì hãy trao cho nó cả áo choàng nữa. Và ai bắt
con đi một dặm, thì con hãy đi với nó hai dặm. Ai xin, thì con hãy cho. Ai muốn
vay mượn, thì con đừng khước từ.
"Các con cũng đã
nghe dạy rằng: 'Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch'. Còn Thầy, Thầy bảo
các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ
ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con, để các con
nên con cái Cha các con ở trên trời, là Ðấng làm cho mặt trời mọc lên trên người
lành cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Vì
nếu các con yêu thương những kẻ yêu thương các con, thì còn có công gì? Nào những
người thu thuế không làm như vậy ư? Và nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con
mà thôi, thì các con có làm gì hơn? Nào dân ngoại không làm như vậy sao? Vậy
các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Ðấng trọn lành".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Hãy Yêu Thù Ðịch
Trong các Chúa Nhật
thường niên, Lời Chúa muốn giáo dục chúng ta về đời sống đạo đức hằng ngày. Hôm
nay lời giáo huấn ấy quy tụ nơi các quan hệ đối với người anh em. Ðó là những
bài học về đức ái huynh đệ, nhưng dưới một số khía cạnh nào trong đời sống
thôi; vì đức bác ái mênh mông bát ngát, nói làm sao hết được! Những khía cạnh
mà Lời Chúa hôm nay dạy bảo chúng ta có giá trị thực tế. Chúng ta nên quan tâm
tìm hiểu.
A. Hãy Yêu Ðồng Loại
Như Chính Mình
Bài sách Lêvi cho
chúng ta có cảm tưởng như Dân Chúa bấy giờ đang sống ở thời Môsê và dưới chân
núi Sinai. Nhưng đó chỉ là khung cảnh giả tạo để tăng thêm uy tín cho lời giáo
huấn. Tác giả thực ra đã sống sau thời Môsê rất nhiều, có lẽ vào thời sau Lưu
đày. Ông mượn khung cảnh núi Sinai để làm cho giáo huấn của ông được uy tín của
Nhà Lập pháp và Lập nước Israel và trong lúc ông này được vinh quang hơn hết.
Con cái Israel đã chẳng thấy khuôn mặt của Môsê đầy ánh vinh quang khi ở trên
núi Sinai sao? Có lẽ chẳng bao giờ con cái Israel sẵn sàng nghe Lời Chúa bằng
thời ấy. Do đó nhiều tác giả Thánh Kinh Cựu Ước đã mượn khung cảnh núi Sinai để
đem ra những lời khuyên nhủ Dân Chúa. Hôm nay tác giả sách Lêvi nhờ Môsê ở núi
Sinai truyền Lời Chúa cho Dân.
Ông bắt đầu bằng những
lời rất ý nghĩa: "Hãy là thánh vì Ta là Thánh". Ðó là tiền đề. Có chấp
nhận mới có thể đi xa hơn. Có biết ơn gọi của mình, Dân Chúa mới chấp nhận các
đòi hỏi của ơn gọi ấy.
Vậy ngay từ đầu, Thiên
Chúa đã cho con cái Israel hiểu: Người là Thánh và Dân của Người phải nên thánh
để xứng đáng với Người. Nhưng thánh là gì? Ðối với những con người thực tế như
con cái Israel, Thiên Chúa không nói những từ trừu tượng. Người diễn tả và biểu
lộ ý nghĩ của Người một cách rất cụ thể. Ngay với Môsê, khi gặp ông lần đầu
tiên ở Sinai, Người đã dùng ngôn ngữ thực tế và trao đổi với ông, Người gọi ông
từ trong bụi gai cháy. Người bảo ông đứng lại, cởi dép ra, không được lại gần;
vì Người là Ðấng Thánh, không người nào có thể đến gần. Như vậy Người là Ðấng
xa cách với mọi loài khác, là Ðấng khác hẳn mọi thọ tạo, là Ðấng chẳng có gì
chung với tất cả những gì chúng ta thường thấy. Người là Ðấng khác hẳn mọi
loài. Nhất là sánh với các thần tượng mà loài người vẫn tôn thờ, Người là Ðấng
khác hẳn. Người là Thánh theo nghĩa đó. Không được dùng các quan niệm thông thường
để nói về Người. Muốn hiểu Người, cứ xem việc Người làm. Người toàn năng tuyệt
đối khi đưa Dân ra khỏi Aicập. Bao nhiêu thần tượng Aicập chỉ là hư vô trước
quyền năng của Người. Sóng nước biển khơi vâng lệnh Người răm rắp. Chẳng bao giờ
thấy như vậy. Thiên Chúa thật là Thánh, nghĩa là thật khác hẳn mọi quan niệm của
loài người. Chỉ biết Người toàn năng...
Ðang khi đó Người lại ở
gần, ở sát con cái Israel. Người bộc lộ tâm sự của Người với họ. Người ký kết với
họ một Giao ước, để xây dựng những tương quan mật thiết với Dân Người. Ðấng
Thánh vì thế vừa thật xa vừa thật gần, vừa khác hẳn lại vừa mật thiết. Có thể
nói theo bản chất thì Người khác lạ, nhưng vì chiếu cố và chạnh thương, Người
trở nên thân mật với Dân Người.
Và Người cũng đòi Dân
Người phải như vậy. Họ phải nên thánh vì Người là Ðấng Thánh. Họ phải khác hẳn
với mọi dân khác để mật thiết gắn bó với Người. Ðó là ý nghĩa cụ thể của lệnh
truyền. Nó bao hàm rất nhiều đòi hỏi, nhưng tất cả đều phát xuất từ yêu cầu làm
sao để Israel xứng đáng với ơn gọi là Dân được tuyển chọn, được tách khỏi mọi
dân khác để trở thành Dân Riêng của Chúa và chia sẻ sự sống thánh của Người.
Hôm nay, sau khi tuyên
bố họ phải thánh vì Thiên Chúa là Ðấng Thánh, bài sách Lêvi đưa ra một đòi hỏi
cụ thể: họ không được thù ghét anh em trong lòng.
Chúng ta quá quen với
những từ ngữ này. Chúng ta đọc câu trên với những quan niệm của chúng ta. Nhưng
tư tưởng của Kinh Thánh không như vậy. "Thù ghét" ở đây là cắt đứt mọi
liên lạc đồng bào với người anh em. Và chữ "trong lòng" nói lên ý
nghĩa tự ý mình, chứ không căn cứ vào các điều kiện khách quan. Do đó lệnh truyền
trên có nghĩa là: người trong Dân Chúa không được tự tiện cắt đứt tình đồng bào
ruột thịt với người anh em. Họ không được bắt đầu coi anh em như "kẻ ngoại"
và như người ngoại. Họ phải giữ anh em như ở lại trong cùng một bọc với mình để
thật sự người ấy là đồng bào của mình.
Hiểu như vậy, lệnh
truyền mới sâu xa và mới có tính cách Thánh Kinh. Thiên Chúa đã không lựa chọn một
cá nhân, nhưng một Dân tộc. Người ký kết giao ước với cả Dân tộc ấy; và người
ta chỉ có thể được tham gia các ân huệ của Người khi ở trong Dân tộc ấy. Do đó
muốn là người ở trong Dân Chúa, người ta phải ở trong cùng bọc với anh em; phải
mật thiết liên kết với anh em; không được hất anh em ra khỏi lòng mình.
Nhưng nhỡ xảy ra truyện
xích mích với anh em thì phải thế nào? Bài sách Lêvi hôm nay dường như chú trọng
đến vấn đề đó. Tác giả nhấn mạnh không được để "lòng" mình tự tiện xử
tệ với anh em. Hãy cứ theo công bình để khỏi mắc tội, tức là hãy chờ đợi công
lý xét xử. Do đó không được trả thù vì trả thù là không công nhận có công lý;
và cũng không được cưu thù vì cưu thù là muốn đi quá công lý, khi công lý đã
làm xong phận sự của mình. Như vậy chẳng lúc nào người ta được hất anh em ra khỏi
lòng mình, nhưng luôn phải yêu mến đồng loại như chính mình. Lý do của lệnh
truyền này, một lần nữa, là chính Thiên Chúa. Người là Thánh; Người muốn chọn một
Dân thánh. Người khác hẳn mọi loài; và Người muốn Dân Người cũng sống khác mọi
dân khác. Khác ở chỗ nào, nếu chẳng phải là ở chỗ không dân nào có Chúa mình ở
gần như Dân Chúa và vì thế cũng không người dân nước nào sống gần gũi đồng bào
của mình như người dân trong Nước Chúa. Họ vừa sống mật thiết với Thiên Chúa vừa
sống thân cận với nhau. Họ là Dân có lòng mến Chúa yêu Người.
Giáo lý của Cựu Ước đã
sâu xa như vậy, thì Tân Ước sẽ thêm điều gì?
B. Hãy Yêu Thù Ðịch
Mở đầu bài Tin Mừng
hôm nay, Chúa Yêsu lập tức đã cho chúng ta thấy uy tín của Người. "Các
ngươi đã nghe bảo: mắt thế mắt, răng thay răng. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: đừng
cự lại người ác". Rõ ràng Người đã tự đặt mình đứng đối diện với tất cả Luật
pháp và các Tiên tri. Không những Người có uy quyền như tất cả họ gộp lại, mà
tiếng nói của Người còn giá trị hơn tất cả tiếng nói của họ. Xưa họ bảo thế
này, nay Người dạy như sau... Người không dạy gì đối lập đâu, vì Người đến
không phải để bãi bỏ nhưng để làm nên trọn.
Xưa, Luật pháp dạy: mắt
thế mắt, răng thay răng, tức là ăn miếng trả miếng. Cắt nghĩa tốt ra, thì đó là
công bình. Và sánh với thời Cain và Lamek, thì đó đã là tiến bộ rõ ràng vì Cain
có được báo thù gấp bảy thì Lamek gấp bảy với bảy mươi (Kn 4,24). Nhưng nay
Chúa Yêsu dạy: đừng cự lại người ác; tức là không những không được báo thù mà
còn phải nhịn nhục.
Chính điều này làm cho
giáo lý của Chúa trổi hơn lời dạy của tiền nhân. Nhưng cũng chính điều này là một
vấp phạm cho nhiều người. Và người ta đã thử tìm nhiều cách để hiểu Lời Chúa
theo ý riêng mình. Ðang khi đó, những thí dụ Chúa đưa ra tiếp theo, không cho
phép ai có thể xuyên tạc được ý của Người.
Người bảo hãy giơ má nữa
cho kẻ đã vả mình một má. Chúng ta chỉ có thể hiểu đúng ý của Người khi giải
thích đây là một thí dụ về sự nhẫn nhục. Và gương nhẫn nhục lớn nhất vẫn là
thái độ của Người Tôi tớ trong sách Isaia đã tiên báo về Ðấng Cứu chuộc loài
người trong mầu nhiệm Tử nạn. Người Tôi tớ nói: Tôi đã giơ lưng cho người đánh
đập và chìa má cho kẻ nhổ râu. Tôi đã không giấu mặt tránh nhục nhằn và khạc nhổ
(Ys 50,5-6). Lời Chúa nói hôm nay cũng chỉ muốn gợi lại hình ảnh này, và mời gọi
các tín hữu nhớ lại Gương Ðức Kitô trong mầu nhiệm Thánh giá. Người đã có thái
độ nào đối với những người hung ác? Gặp những trường hợp như vậy, các môn đệ của
Chúa nếu muốn nên giống Thầy mình không thể còn muốn giữ luật của người xưa!
Cũng như "có kẻ
muốn kiện ngươi để đoạt áo lót, thì hãy bỏ cả áo choàng cho nó". Luật xưa
không cho phép người ta giữ áo choàng của người đem nó đi cầm nó qua đêm, kẻo họ
không có gì đắp cho khỏi lạnh (Tl 24,13). Họ mà kêu đến Chúa thì Người sẽ xót
thương và xử thẳng với kẻ bất nhân kia. Nay gợi lên những tư tưởng này, Chúa
Yêsu muốn cho các môn đệ khi gặp hoàn cảnh mất mát của cải, biết trở thành con
người "đáng thương xót" để được lòng Chúa xót thương.
Cũng như "ai bắt
ngươi làm phu đi một dặm thì hãy đi với nó hai dặm". Chúng ta cũng chỉ hiểu
được lời này khi nhớ tới câu truyện ông Ximon vác đỡ Thánh giá Chúa Yêsu. Hôm ấy
ông ở ngoài đồng về. Mấy người lính bắt ông cúi xuống đỡ cây Thập giá cho Chúa.
Còn bao nhiêu truyện bắt phu như vậy? Và có rất nhiều truyện tương tự. Ở trong
những hoàn cảnh như thế, các môn đệ của Chúa phải làm như ông Ximon, chia sẻ
Thánh giá với Chúa, tham gia vào cuộc Tử nạn của Người.
Do đó các lời dạy
trong bài Tin Mừng hôm nay đều quy chiếu vào mầu nhiệm cứu thế. Luân lý của
Kitô giáo lấy mầu nhiệm Chúa Kitô làm căn bản. Giáo huấn của Người chỉ dễ hiểu
khi người ta đã tin mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh của Người. Chúa nhật trước
chúng ta đã thấy như vậy. Và hôm nay chúng ta càng thâm tín hơn. Có như thế,
chúng ta mới hiểu được lệnh truyền cuối cùng và cũng là giáo huấn cao điểm của
bài Tin Mừng hôm nay: hãy yêu mến thù địch, và khẩn cầu cho những kẻ bắt bớ.
Chắc chắn khi viết những
lời này tác giả Matthêo đã nhìn ngắm Chúa trong mầu nhiệm Thánh giá. Ông còn nhớ
cả hình ảnh của một Stêphanô lúc tử đạo đã cầu nguyện cho kẻ ném đá mình. Ðó là
những thái độ Kitô giáo nhất để diễn tả lòng bác ái huynh đệ.
Bài sách Lêvi dạy con
cái Israel phải yêu thương gắn bó với đồng bào. Bài Tin Mừng Matthêô đi xa hơn
đề ra những thái độ phải có đối với người ác và làm khổ mình. Từ thái độ nhẫn
nhục bắt chước Người Tôi tớ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Khổ nạn, đến thái độ từ
bỏ tất cả để được lòng thương xót của Thiên Chúa, lúc nào người môn đệ cũng chấp
nhận đồng hành với kẻ ác với tâm trạng của một Ximon vác đỡ Thập giá và một
Stêphanô biết cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình. Nhờ vậy họ mật thiết kết hợp
với Ðức Kitô trong mầu nhiệm cứu thế và họ mới nên trọn lành như Cha trên trời
là Ðấng trọn lành.
Với một giáo lý như vậy,
lẽ ra đời sống của các cộng đoàn Kitô giáo phải rất tốt đẹp. Thế mà ngay ở thời
thánh Phaolô, cộng đoàn Côrinthô cũng đã tỏ ra có nhiều thiếu sót. Những lời
thư của Thánh Tông đồ gửi cho họ giúp chúng ta hiểu thêm việc thi hành luật bác
ái yêu người.
C. Hãy Nên Ðiên Rồ Ðể
Ðược Thành Khôn Ngoan
Giáo dân Côrinthô thời
ấy thiếu sự hiệp nhất. Một đàng họ không còn nhận thấy tính cách khác biệt của
Tin Mừng cứu độ; và đàng khác họ chia rẽ nhau vì tự phụ bám vào Tông đồ này,
Tông đồ kia. Họ thiếu sót tư cách để là Dân Thiên Chúa.
Ở đây thánh Phaolô
không nhắc lại giáo huấn của sách Lêvi. Người đi xa hơn. Người không trình bày
chân lý cộng đoàn tín hữu là Dân của Thiên Chúa. Người nói đến cái quý nhất
trong Dân Chúa ngày xưa là Ðền thờ. Và người bảo tín hữu: anh em là Ðền thờ của
Thiên Chúa.
Thật vậy, Chúa Yêsu đã
để cho thân xác Người bị đập đánh và đóng đinh trên Thập giá. Người để nó bị huỷ
hoại để ba ngày sau sẽ dựng nó lại nên Ðền thờ đầy Thánh Thần không còn bao giờ
huỷ hoại nữa. Tất cả những ai tin Người nơi mầu nhiệm Tử nạn - Phục Sinh đều được
Người đem vào làm chi thể của Thân thể Người. Và đó là Ðền thờ mới của Thiên
Chúa để ai tôn thờ sẽ tôn thờ trong chân thật. Do đó Hội Thánh, cộng đoàn tín hữu
là Ðền thờ của Thiên Chúa; và Ðền thờ Thiên Chúa là vật thánh; ai huỷ hoại Ðền
thờ ấy, Thiên Chúa cũng sẽ huỷ hoại kẻ ấy. Thế nên, người ta không được chia rẽ
nhau ở trong Hội Thánh; họ không được làm xáo trộn Ðền thờ của Thiên Chúa. Họ
phải mật thiết kết hợp với nhau như những viên đá sống động gắn bó với nhau
trong toà nhà Thiên Chúa.
Hai yếu tố đã gây nên
cảnh bất hoà trong giáo đoàn Côrinthô thì có hai chân lý giáo dân ở đây phải nắm
giữ để sửa chữa lỗi lầm. Họ đã thèm sự khôn ngoan của thế gian, không còn nhận
ra tính cách ưu việt của Tin Mừng. Thế thì họ hãy nên điên rồ đi, thứ điên rồ của
Thánh giá Chúa Yêsu, để được nên khôn ngoan thật sự, vì sự khôn ngoan của thế
gian chỉ là sự điên rồ trước mắt Thiên Chúa; còn chính sự điên rồ của Thánh giá
mới là sự khôn ngoan cứu độ.
Còn việc người ta tự
phụ là môn đệ của Phaolô, Apollô hay Kêpha, thì quả là do thiếu hiểu biết. Người
Kitô hữu đã không được đưa vào Nước Trời sao? Tất cả mọi sự đã không được ban
cho họ khi họ trở thành chi thể của Chúa Yêsu phục sinh sao? Mọi người, mọi sự
đã thuộc về họ ở trong Chúa Yêsu Kitô. Họ chỉ còn phải luôn thuộc về Người để họ
mãi mãi thuộc về Thiên Chúa. Trong một viễn tượng như thế, làm sao còn có thể
tưởng tượng được những quang cảnh chia rẽ và thiếu bác ái?
Cộng đoàn chúng ta có
hơn giáo đoàn Côrinthô ngày trước không? Ðức bác ái huynh đệ và tình hiệp thông
duy nhất giữa chúng ta thế nào? Nếu chúng ta muốn tỏ ra thật sự là cộng đoàn
môn đệ của Chúa, chúng ta phải thương yêu nhau. Lời sách Lêvi nhắc nhở chúng ta
nhớ lại tình đồng bào của những người con Chúa. Bài Tin Mừng Matthêô dạy chúng
ta thái độ khi ở với những người chưa tốt theo gương Chúa Yêsu trong mầu nhiệm
cứu thế. Thánh Phaolô trong thư Côrinthô khuyên chúng ta gắn bó với Chúa Yêsu
như chi thể trong một thân thể và lúc đó chúng ta sẽ nhận ra và kính trọng nhau
như Ðền thờ của Thiên Chúa.
Giờ đây chúng ta được
phúc vây quanh bàn tiệc Thánh Thể để được hiệp nhất với Chúa Yêsu và với nhau.
Chúng ta tham dự vào Bí tích này là để có tinh thần của Chúa trong mầu nhiệm cứu
thế. Chính ơn Thánh Thể sẽ thêm sức cho chúng ta lướt thắng mọi khó khăn để duy
trì và phát triển tình đồng bào với mọi người. Chúng ta hãy tham dự sốt sắng mầu
nhiệm Tình yêu để gia tăng tình yêu trong đời sống hằng ngày.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật VII Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Lev
19:1-2, 17-18; 1 Cor 3:16-23; Mt 5:38-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trở nên thánh thiện là ơn gọi và bổn phận của chúng ta.
Người tín hữu chúng ta
để ý rất nhiều đến công cuộc chuộc tội của Chúa Giêsu, mà rất ít khi chịu để ý
đến công cuộc thánh hóa của Ngài. Hậu quả của thái độ này là chúng ta chú ý rất
nhiều đến việc xưng tội và việc chữa lành, nhưng rất ít khi chịu để ý đến việc
thánh hóa và trau dồi bản thân sao cho càng ngày càng trở nên thánh thiện hơn.
Thái độ này cũng giam hãm chúng ta trong vòng tội lỗi – ăn năn – tha thứ; nhưng
không giúp chúng ta thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó, để đạt tới đỉnh trọn lành mà
Thiên Chúa đã tiền định và trang bị cho chúng ta.
Các bài đọc hôm nay
kêu gọi chúng ta trả sự quan tâm đặc biệt cho việc trở nên thánh thiện. Trong
bài đọc I, Đức Chúa truyền cho dân qua Moses: “Các ngươi phải thánh thiện, vì
Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Trong bài đọc II,
thánh Phaolô ý thức rất rõ công cuộc thánh hóa của Chúa Giêsu qua việc gởi Chúa
Thánh Thần đến cho con người. Ngài thánh hóa con người trước tiên bằng sự thật,
Lời mà Đức Kitô đã giảng dạy; sau đó là các quà tặng Ngài ban cho con người qua
các bí-tích mà Đức Kitô đã thiết lập. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu phân biệt rõ
ràng hai lối sống: theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa và theo sự khôn ngoan của
con người. Để trở nên thánh thiện, con người phải sống theo lối sống khôn ngoan
của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của
các ngươi, Ta là Đấng Thánh.
1.1/ Tại sao phải trở nên
thánh thiện? Đức Chúa phán với ông Moses rằng:
"Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Israel và bảo chúng: Các ngươi phải
thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” Từ lời
truyền này, một người có thể rút ra lý do phải trở nên thánh thiện: Thiên Chúa
là Đấng rất mực thánh thiện, Ngài không thể sống chung với tội lỗi; mà dân
chúng Israel là dân riêng của Ngài, họ cũng phải trở nên thánh thiện nếu họ muốn
Ngài là Thiên Chúa của họ.
Truyền thống Do-thái
tin bất cứ người nào nhìn thấy Thiên Chúa đều phải chết, ngoại trừ những người
Thiên Chúa chọn và thánh hóa họ. Một ví dụ dẫn chứng là trình thuật về ơn gọi của
Isaiah. Khi nhìn thấy Đức Chúa là Thiên Chúa xuất hiện với ông trong Đền Thờ,
ông đã hoảng hốt kêu lên: "Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người
môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức
Vua là Đức Chúa các đạo binh!" Nhưng Thiên Chúa đã thánh hóa ông bằng cách
sai một trong các thần Seraphim bay về phía ông, tay cầm một hòn than hồng người
đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và
nói: "Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội"
(Isa 6:5-7).
1.2/ Làm thế nào để trở
nên thánh thiện? Theo trình thuật hôm nay,
tác giả liệt kê 2 điều quan trọng:
(1) Phải sống theo sự
thật: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở
trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó.” Trước hết và trên
hết là phải bảo đảm mọi người phải sống theo sự thật. Điều này đòi buộc một người
phải sửa lỗi tha nhân trong tình huynh đệ, chứ không phải cứ thinh lặng để
anh/chị/em ở trong đường sai trái. Nếu không sửa lỗi, một người sẽ phải chịu
trách nhiệm về sự hư đi của người anh/chị/em mình.
(2) Phải yêu thương đồng
loại như chính mình: Ngay từ thời Cựu Ước, lệnh truyền phải yêu thương Thiên
Chúa (Dt 6:5) và yêu thương tha nhân như chính mình (Lev 19:18) đã được nhấn mạnh
rồi; chứ không phải chờ đến Tân Ước. Chúa Giêsu chỉ liên kết hai giới răn thành
một để giúp cho con người dễ nhận ra nền tảng của chúng. Dân của Thiên Chúa
không được trả thù, không được oán hận tha nhân; nhưng phải yêu thương và giúp
đỡ mọi người. Đó là con đường để trở nên thánh thiện như Thiên Chúa.
2/ Bài đọc II: Anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa
ngự trong anh em.
2.1/ Tại sao phải trở nên
thánh thiện? Phaolô chất vấn các tín hữu
Corintô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh
Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì
Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy
chính là anh em.” Nhắc lại thần học về thân thể của thánh Phaolô sẽ giúp chúng
ta hiểu những gì ngài muốn trình bày ở đây: Qua bí-tích Rửa Tội, người tín hữu
được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, và được trở nên
chi thể của một thân thể là Giáo Hội với đầu là Đức Kitô.
Là những chi thể, người
tín hữu được lãnh nhận chính Thánh Thần của Đức Kitô. Là những viên gạch, người
tín hữu cũng là những thành phần của Đền Thờ Thiên Chúa. Những chi thể tội lỗi
sẽ ảnh hưởng đến toàn thân thể của Giáo Hội; những viên gạch hư hại sẽ ảnh hưởng
đến toàn thể Đền Thờ của Thiên Chúa. Vì thế, nếu các tín hữu muốn ở trong thân
thể của Đức Kitô hay Đền Thờ của Thiên Chúa, họ phải trở nên thánh thiện; nếu
không Thiên Chúa sẽ gạt họ ra ngoài.
2.2/ Làm thế nào con người
được coi là phá hủy Đền Thờ của Thiên Chúa? Phaolô
liệt kê hai điều:
(1) Sống dối gian,
không theo sự thật: Vấn đề chính của các tín hữu Corintô là tính tự hào về sự
khôn ngoan theo thói đời. Để giúp họ nhận ra những tai hại của thái độ này,
Phaolô trình bày về lối sống theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Đừng ai tự lừa
dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì
hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự
điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan
bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều
biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.”
Chúng ta có thể rút ra
hai điều quan trọng từ những lời này. Thứ nhất, sống thánh thiện đòi phải trở
nên điên rồ trước mặt thế gian, vì người tín hữu phải sống hoàn toàn ngược lại
những giá trị mà thế gian tôn thờ như: quyền lực, danh vọng, tiền của, và những
ham muốn xác thịt. Thứ hai, nếu con người nhất định sống theo sự khôn ngoan
theo kiểu của thế gian, họ sẽ không bao giờ có thể trở nên thánh thiện được.
(2) Sống ích kỷ và
chia rẽ: Câu cuối cùng của trình thuật hôm nay đòi phải được cắt nghĩa cẩn thận:
“Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là
Phaolô, hay Apolllo, hay Kêpha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại
hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức
Kitô lại thuộc về Thiên Chúa.”
- Khôn ngoan theo kiểu
thế gian dẫn tới việc chia rẽ, vì ai cũng muốn bảo vệ ý kiến và quyền lợi của
mình, và sự chia rẽ làm suy giảm sức mạnh của chính cá nhân và của đoàn thể.
Khôn ngoan theo kiểu Thiên Chúa quy tụ muôn người, sự đoàn kết làm tăng sức mạnh
của cá nhân và của đoàn thể, vì “hợp quần gây sức mạnh.”
- Khôn ngoan theo
kiểu thế gian làm con người rời xa Đức Kitô và Thiên Chúa, nguyên ủy của mọi hoạt
động hiện tại và tương lai, sự sống và sự chết. Vì vậy, đừng ai tự hào vì có
khôn ngoan của thế gian, nhưng tự hào vì đã sống theo sự khôn ngoan của Thiên
Chúa, theo gương mẫu của Đức Kitô.
3/ Phúc Âm: Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng
hoàn thiện.
3.1/ Cần phân biệt hai lối
sống: theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa và của
thế gian: Luật “Mắt đền mắt, răng đền răng” được gọi là Lex Talionis, một luật
được coi là lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Người ta tìm thấy Luật này
trong bộ luật của Hammurabi, ông cai trị Babylon từ 2285-2242 BC. Từ đó đến
nay, Luật này trở thành căn bản cho hầu hết các bộ luật của các quốc gia trên
thế giới. Điều tốt của Luật này là nó bảo đảm sự công bằng cho mọi người; nhưng
điều xấu là nó thường gia tăng hận thù, và dẫn tới những cuộc chiến đẫm máu
hơn.
Luật của Chúa Giêsu dạy
các môn đệ trong trình thuật hôm nay tiếp tục bài giảng về Nước Trời. Ngài dạy
cho các môn đệ một lối sống không chỉ dựa trên công bằng; nhưng đặt căn bản trên
bác ái, hy sinh, chịu đựng và tha thứ: “Thầy bảo anh em: đừng chống cự người
ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu
ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu
có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy
cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” Điều đầu tiên chúng ta nhận ra
là lối sống này hoàn toàn ngược lại với lối sống theo sự khôn ngoan của con người.
Nó có thể xóa tan mọi hận thù và làm cho con người trở thành bạn hữu. Nhiều người
cho là không thể làm được; nhưng Thiên Chúa chẳng truyền những gì mà con người
không thể làm. Ngài đòi các tín hữu hãy để tình yêu từ Ngài thấm nhập vào họ,
hãy đặt niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng của Ngài, trước khi họ có thể thực
hiện những điều Ngài truyền.
3.2/ Tại sao cần phải
theo lối sống khôn ngoan của Thiên Chúa? Chúa
Giêsu cho các môn đệ một lý do rất rõ ràng cho lối sống anh hùng này: “Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người
cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa
xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Trở nên hoàn thiện như
Thiên Chúa phải là đích điểm của cuộc sống con người; tuy nhiên, đây là một tiến
trình của cả đời người luyện tập. Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lý do để đả phá lối
sống theo sự khôn ngoan của thế gian:
(1) “Vì nếu anh em yêu
thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu
thuế cũng chẳng làm như thế sao?” Con cái Thiên Chúa không thể sống như những
người thu thuế: cũng ăn gian nói dối để vun quén cho mình những lợi nhuận như họ.
(2) “Nếu anh em chỉ
chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người
ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” Con Thiên Chúa không thể sống như người ngoại
đạo: chỉ biết thương xót cứu trợ cho những người đồng đạo.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được kêu gọi
để mỗi ngày một trở nên thánh thiện hơn. Đích điểm của sự trọn lành chính là
Thiên Chúa.
- Để trở nên thánh thiện,
chúng ta phải từ bỏ lối sống theo sự khôn ngoan của thế gian, để sống theo sự
khôn ngoan của Thiên Chúa. Phải sống theo sự thật và yêu thương mọi người.
- Trở nên thánh thiện
là công việc của Thiên Chúa: Ngài ban Lời Chúa để soi sáng và ban Thánh Thần để
thánh hóa con người bên trong qua các bí-tích. Nếu Thiên Chúa không trợ giúp,
không một phàm nhân nào có thể trở nên thánh thiện trước mặt Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Mt 5,38-48
LUẬT BAO DUNG CỦA CHÚA
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và
hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho
những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,43-44)
Suy niệm: Báo chí mới đưa tin một
vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra, lập tức hàng trăm, có khi hàng ngàn “còm sĩ”
anh hùng bàn phím lao lên mạng “ném đá” đòi xử thật nặng; có người còn tiếc rẻ
vì hung thủ chưa đủ 18 tuổi để lãnh án tử hình. Đành rằng tội phạm thì phải xét
xử theo pháp luật đúng người đúng tội, thế nhưng hiện tượng trên đây tố giác
rằng vẫn tồn tại trong con người thời nay một não trạng bất nhẫn và bất khoan
dung đối với đồng loại. Luật Mô-sê được kể là khá khoan dung: trong một xã hội
mà người ta đòi trả thù gấp 7 lần (St 4,15) thì Luật chỉ đòi “mắt đền răng”. Nhưng
như thế vẫn còn là lạc hậu so với luật Tân Ước của Chúa Ki-tô. Ngài dạy “yêu
kẻ thù” và “cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em”. Có
như thế, chúng ta mới trở nên hoàn thiện giống như Cha chúng ta là Thiên Chúa,
Đấng ngự trên trời.
Mời Bạn: Lấy oán báo oán
chỉ khơi
sâu thêm vực thẳm hận thù. Chỉ có tình yêu mới có thể lấp đầy “hố tử thần” của
hận thù đó. Lý thuyết là như vậy, các nhà hiền triết, các vị sáng lập các tôn
giáo đều đồng ý như thế. Thế nhưng tội ác loài người quá lớn, sự thù hận đã ăn
rễ quá sâu trong con tim con người, nên chỉ có tình yêu vô cùng lớn của Thiên
Chúa và cái chết của Đức Ki-tô, vị Thiên Chúa làm người, mới đủ sức đền bù mọi
thứ oán thù đó.
Sống Lời Chúa: Kết hợp với Chúa Ki-tô
luôn tha thứ cho kẻ xúc phạm bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, vì Chúa đã tha
thứ tội nợ của chúng con, chúng con cũng tha cho kẻ xúc phạm chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)
TRỞ NÊN CON CÁI CHA (19.2.2017 – Chúa nhật 7 Thường niên, Năm A)
Kitô hữu là người dám đi lại con đường của Ðức Giêsu, chấp nhận bị sự ác vùi dập và nuốt chửng, mà trên môi vẫn nói lời tha thứ.
Suy niệm:
Khi dạy chúng ta đừng
chống cự người ác,
Ðức Giêsu không đòi loại
bỏ cảnh sát và pháp luật;
cũng không lên án những
cuộc chiến tranh tự vệ.
Ngài chỉ muốn mời gọi các
Kitô hữu
hãy tránh thái độ báo
thù, ăn miếng trả miếng.
Tha thứ là ra khỏi vòng
luẩn quẩn của oán thù,
là mở ra con đường để
người kia hoán cải.
Có một vị rất tâm đắc với
bài Tin Mừng này,
đó là Gandhi, người được
dân Ấn Độ coi là đại thánh.
Ông là cha đẻ của chủ
trương bất bạo động,
để giành lại độc lập cho
đất nước từ tay người Anh.
Ông nói: “Bất bạo động là
luật của loài người,
bạo động là luật của loài
thú.”
Chúng ta thường sợ mang
tiếng là hèn nhát, khiếp nhược,
sợ kẻ ác thắng thế khi
thấy ta lùi bước.
Chúng ta ít dám tin vào
sức mạnh của Tình Yêu.
Chính Tình Yêu chứ không
phải bạo lực
mới có thể làm trái tim
con người tan chảy.
Ðức Giêsu mời gọi ta yêu
thương và cầu nguyện cho kẻ thù
để trở thành con cái Cha
trên trời.
Chúng ta không chỉ trở
thành con Cha vào ngày Rửa tội.
Chúng ta trở thành con
Cha hơn
nhờ những hành vi tha thứ
yêu thương mỗi ngày.
Chúng ta thật là con, vì
giống Cha,
Ðấng cho nắng ấm, mưa rơi
trên kẻ lành người dữ.
Chúng ta thường khó quên
một xúc phạm đã qua,
những chuyện cũ vẫn làm
tim ta đau nhói.
Cần nhìn lên Cha trên
trời,
Ðấng để cho cỏ lùng mọc
chung với luau,
Ðấng mà ta phải nài xin
ơn tha thứ mỗi ngày.
Chỉ Ngài mới làm ta quên
được điều tưởng như không thể quên.
Thế giới hôm nay có nhiều
sự ác và người ác.
Chúng ta phải tiêu diệt
sự ác bằng sự thiện,
hoán cải người ác bằng
tha thứ yêu thương.
Kitô hữu là người dám đi
lại con đường của Ðức Giêsu,
chấp nhận bị sự ác vùi
dập và nuốt chửng,
mà trên môi vẫn nói lời
tha thứ.
Nhưng cuối cùng là phục
sinh, là niềm vui, hy vọng.
Chúng ta có dám tin rằng
rốt cuộc
chân lý, tình yêu và sự
thiện sẽ chiến thắng không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con
quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi
tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao
dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình
an, trong sáng,
không một biến cố nào làm
xáo trộn,
không một đam mê nào
khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi
gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những
người thù ghét con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG HAI
Khám Phá Tận Sâu Thẳm
Con Người Mình
Làm thế nào chúng ta
có thể hoán cải, trở về với Thiên Chúa? Hoán cải bắt đầu bằng việc nhìn lại nội
tâm mình và lắng đọng tâm hồn trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Rồi, trái tim
và lương tâm bạn có thể bắt đầu sực tỉnh.
“Hãy vào phòng, đóng
kín cửa lại”, Đức Giêsu đã dạy chúng ta như thế (Mt 6, 6). Hoán cải trở về với
Thiên Chúa – điều đó không thể xảy ra giữa những xao động chộn rộn của lòng trí.
Cần phải hồi tâm và qui hướng về Chúa. Chúng ta phải khám phá ra con người thật
của mình ở mức độ cao nhất và sâu xa nhất.
Tại sao phải khám phá
ra con người thật, cao nhất và sâu xa nhất? Bởi vì sự nhận hiểu này về con người
có liên hệ với thế giới tạo vật. Trong tương quan với tất cả tạo vật chung
quanh mình, con người là chủ. Con người được kêu gọi làm chủ mọi vật và thống
trị trái đất. Đây là mệnh lệnh đầu tiên mà con người nhận được từ Đấng Tạo Hóa.
Thiên Chúa không chỉ
trao cho con người địa vị thống trị tạo vật, Ngài còn định hình con người theo
chính hữu thể Ngài. Vì con người cũng là tinh thần, nên con người có thể đạt đến
tầm mức mà mọi tạo vật khác không thể đạt đến được. Bản tính căn bản của con
người – vừa tinh thần vừa thể xác – không cho phép con người tìm kiếm ý nghĩa
cuối cùng duy chỉ nơi những gì là vật chất.
Khát vọng thâm sâu nhất
của con người không thể được lấp đầy bởi thế giới vật chất hữu hình này. Con
người cũng không thể gặp được hạnh phúc sâu xa đích thực ngay cả nơi việc chinh
phục tạo vật và nơi việc tăng triển khả năng khám phá và sáng tạo của mình. Đức
Giêsu đã nêu dấu hỏi: “Được cả thế gian thì ích gì?” (Mt 16, 26). Không, con
người không thể lấp đầy khát vọng của mình bằng con đường ấy.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 19 -2
Chúa Nhật VII thường
niên
Lv 19,1-2.17-18;
1Cr 3, 16-23; Mt 5, 38-48.
Lời Suy Niệm: “Anh em đã nghe
Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em:
Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới
được trở nên con cái của Cha anh em. Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người
công chính cũng như kẻ bất chính.”
Trong đời sống xã hội
con người thường cư xử với nhau công bằng dựa trên pháp lý. Nhưng đối với người
Kitô hữu, Chúa muốn chúng giữ luật công bằng với lòng bác ái. Nhờ vậy, con người
mới tôn trọng và gìn giữ được phẩm giá và nhân vị cho nhau.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa
đã đến và đã hoàn thiện các điều Luật. Xin cho chúng con khi sống với nhau thực
hành sự công bằng bác ái luôn đi đôi với nhau; để xã hội được bình an và hạnh
phúc hơn.
Mạnh Phương
19 Tháng Hai
Thiên Chúa Quan Phòng
Người Do Thái thường
nói đến sự Quan Phòng của Thiên Chúa bằng mẩu chuyện như sau: Có hai người bộ
hành đi lên đường đi đến một phương xa. Họ dùng một con lừa để chuyên chở hành
lý. Ðể cho con lừa có bạn, họ mang theo một chú gà cồ. Và đêm đến họ đốt đuốc để
soi đường.
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Một người bộ hành là một tín hữu rất đạo đức. Trên miệng ông lúc nào cũng có câu nói: "Thiên Chúa là Ðấng tốt lành trong tất cả mọi sự". Người bạn đồng hành của ông thì lại là một người rất cứng lòng tin. Ông rất bực mình mỗi khi ông nghe người bạn ông thốt lên những lời ca tụng lòng thiện hảo của Thiên Chúa. Lên đường chừng vài phút đồng hồ, ông đã cảnh cáo người bạn có lòng tin như sau: "Rồi đây anh sẽ thấy anh tin Chúa đến độ nào".
Trước khi mặt trời
lặn, họ đến một ngôi làng nhỏ. Họ tìm một nơi để qua đêm. Họ gõ cửa khắp nơi,
nhưng không có ai đón tiếp họ. Cuối cùng họ đành phải ra khỏi làng và tìm đến
bìa rừng để qua đêm. Trong cảnh màn trời chiếu đất, người bạn cứng lòng tin mới
thốt lên: "Nào, Chúa của anh có tốt không?". Người bạn đồng hành luôn
tin tưởng ở Chúa quan phòng bình tĩnh đáp lại: "Ðây là chỗ tốt nhất Chúa
dành cho chúng ta ngủ qua đêm này". Ðêm đó, họ nằm ngủ dưới một gốc cây lớn
nằm sát bìa rừng. Họ cột chú lừa vào một gốc cây gần đó. Họ chưa kịp đốt lên ngọn
đuốc thì một tiếng mạnh từ xa vang lại. Thì ra, chỉ trong chớp nhoáng, một chú
sư tử đã đến cắn xé con lừa và mang đi. Vừa thương tiếc cho chú lừa, vừa lo sợ
cho thân phận của mình, hai người bộ hành chỉ còn biết leo lên cây để tránh tai
họa.
Vừa tức giận, vừa mỉa
mai, người bạn cứng lòng tin mới thốt lên: "Nào, Chúa của anh còn tốt nữa
không?". Người tín hữu ngoan đạo dõng dạc tuyên bố: "Nếu con sư tử
không bắt gặp con lừa trước, thì chắc chắn nó đã bổ nhào trên chúng ta rồi.
Chúa là Ðấng tốt lành".
Một vài phút sau,
con gà cồ bỗng kêu la thất thanh. Hai người bộ hành mới trèo cao hơn. Họ nhận
ra con gà cồ đang nằm trong nanh vuốt của một chú mèo rừng. Người bạn cứng lòng
tin chưa kịp thốt ra một lời cay đắng nào, thì người tín hữu ngoan đạo đã chúc
tụng như sau: "Tiếng kêu thất thanh của con gà cồ lại một lần nữa giúp
chúng ta thoát nguy hiểm. Cám ơn Chúa là Ðấng tốt lành".
Họa vô đơn chí. Chỉ
vài phút sau đó, một cơn gió mạnh ùa đến, ngọn đuốc bỗng tắt ngụm đưa hai người
vào trong cảnh tối tăm ghê rợn. Lần này con người cứng lòng tin lại lên tiếng mỉa
mai như sau: "Xem chừng như Chúa của anh làm việc phụ trội trong đêm
nay". Lần này, người tín hữu ngoan đạo chỉ biết giữ thing lặng.
Sáng hôm sau, hai
người mon men trở lại làng để mua thức ăn. Họ mới hay biết rằng đêm hôm đó một
băng cướp đã vào làng và họ đã vơ vét tất cả tài sản của dân làng. Nhìn cảnh tượng
hoang tàn của ngôi làng và nhìn lại sự toàn vẹn của mình, người tín hữu ngoan đạo
mới đắc thắng giải thích cho người bạn như sau: "Anh đã chứng kiến từ đầu
đến cuối. Giá như đêm hôm qua, chúng ta thuê được một chỗ trọ trong làng, thì
có lẽ chúng ta cũng không thoát khỏi tay của bọn cướp. Nếu cơn gió lớn không
làm tắt ngọn đuốc của chúng ta, thì hẳn bọn chúng đã nhìn thấy chúng ta. Bạn thấy
chưa, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa là Ðấng thiện hảo".
Tin ở Thiên Chúa quan
phòng không có nghĩa là bảo rằng tất cả mọi tai họa rủi ro xảy đến trong cuộc sống
đều do Chúa gửi đến, nhưng có nghĩa là, khi đứng trước một bất hạnh mà mình
không thể tránh khỏi, chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa thiện hảo và quyền năng
đến độ có thể biến sự bất hạnh ấy thành khởi điểm của một hồng ân cao cả hơn.
Trong ánh sáng Phục
Sinh của Ðức Kitô, chúng ta được mời gọi để nhìn vào biến cố trong cuộc sống bằng
cái nhìn lạc quan và tin tưởng ấy. Cái chết ô nhục của Ðức Kitô trên thập giá
quả là một bất hạnh và là một tội ác, nhưng Thiên Chúa quyền năng và yêu thương
đã biến thành khởi điểm của nguồn ơn cứu thoát.
Giữa muôn nghìn thử
thách và đớn đau của cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa đang
dành cho chúng ta một ân huệ cao cả hơn ngoài sự chờ đợi của chúng ta. Chúng ta
hãy xưng tụng tình yêu quan phòng của Ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét