Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Giáo sư Richard Madsen: Trung Quốc theo đuổi các cuộc đàm phán với Vatican là nhằm tiêu diệt Giáo Hội tại Hoa Lục

Giáo sư Richard Madsen: Trung Quc theo đui các cuc đàm phán vi Vatican là nhm tiêu dit Giáo Hi ti Hoa Lc
J.B. Đng Minh An dch2/15/2017


Mặc dù có những điểm hội tụ về lợi ích giữa Trung Quốc và Vatican trong việc bổ nhiệm các giám mục, hy vọng của hai bên rất khác nhau: Tòa Thánh muốn làm cho Giáo Hội tại Hoa Lục trở thành một phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc; trong khi đó, Bắc Kinh trái lại “thực sự hy vọng tiêu diệt bằng được Giáo Hội này.” Đây là kết luận của giáo sư Richard Madsen, sau bài viết của Đức Hồng Y Thang Hán về tương lai của cuộc đối thoại Trung quốc -Vatican từ quan điểm Giáo Hội học. Giáo sư Richard Madsen, là một nhà xã hội học về tôn giáo của Đại học San Diego (California), đã từng hợp tác lâu dài với Đại học Phục Đán (复旦大学) ở Thượng Hải. Dưới đây là toàn văn bài viết của Giáo sư Richard Madsen. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem ở đây: Richard Madsen: In China-Holy See dialogue, Beijing wants to destroy, or at least weaken the Church. Bản dịch Việt ngữ của J.B. Đặng Minh An.

Tôi không có bất kỳ thông tin nội bộ nào về tình trạng của các cuộc đàm phán giữa Vatican và Bắc Kinh. Tôi đã được đọc các báo cáo khác nhau từ các phương tiện truyền thông quốc tế, truyền thông Trung Quốc, và các phương tiện truyền thông hữu quan của Giáo Hội. Dựa trên những nghiên cứu của tôi trong nhiều năm qua về tình hình Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, đây là những gì tôi nhận định.

Trước tiên, tôi sẽ cẩn thận về giả định cho rằng một thỏa thuận đã đạt được cho đến khi có thông báo chính thức về thoả thuận này. Năm 1999, trên báo chí người ta tường thuật rộng rãi rằng việc bình thường hóa quan hệ Vatican - Trung Quốc sắp xảy ra; và rồi đột nhiên mọi chuyện sụp đổ, dẫn đến một giai đoạn mới đầy những mâu thuẫn giữa lãnh đạo Giáo Hội và chính quyền Trung Quốc. Vào thời điểm đó, theo như tôi được biết (từ một người tham dự chặt chẽ trong các cuộc đàm phán), trở ngại chính là vấn đề về tình trạng của Giáo Hội “không chính thức” hoặc “hầm trú”. Điều này, tôi nghĩ rằng, vẫn còn là một trở ngại lớn.

Tuy nhiên, lần này có những yếu tố khác có thể dẫn đến một cuộc đàm phán thành công. Thứ nhất, mục tiêu ban đầu có vẻ tương đối khiêm tốn hơn rất nhiều. Vào năm 1999, nội dung của các cuộc đàm phán là một giải pháp trọn gói cho toàn bộ các vấn đề bao gồm cả việc thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Lần này, các nỗ lực dường như nhắm vào các bước tương đối khiêm tốn hơn. Mặc khác, lần này có chút giao thoa về lợi ích giữa hai bên trong các vấn đề liên quan.

Hai bên đều nhắm đến vấn đề giao tiếp và kiểm soát hàng giáo phẩm Công Giáo tại Trung Quốc. Chế độ Tập Cận Bình muốn thiết lập một chế độ “pháp quyền” sâu rộng hơn tại Trung Quốc. Nó muốn kiện toàn hệ thống thực thi pháp luật để mang lại một khả năng trung ương tập quyền hiệu quả hơn tại Trung Quốc. Trong khi đó, Vatican muốn củng cố những gì ta có thể gọi là việc thực thi những quy tắc về giáo luật. Tòa Thánh muốn giao tiếp tốt hơn với các giám mục Công Giáo và các thành viên Giáo Hội để chắc chắn rằng các giám mục và các linh mục duy trì đạo lý và luân lý Công Giáo chính thống và tôn trọng ít nhất là các nguyên tắc cơ bản của giáo luật.

Một phần quan trọng của vấn đề là việc bổ nhiệm các giám mục. Phần lớn các giám mục do Chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm trong Giáo Hội chính thức trên thực tế cũng được Vatican chấp thuận. Việc nhìn nhận này diễn ra thông qua các cuộc đàm phán phức tạp, kín đáo giữa các quan chức Giáo Hội và các quan chức Trung Quốc trong một cách thức thực ra không bên nào cảm thấy hoàn toàn hài lòng. Các cuộc đàm phán này có tính chất chín bỏ làm mười. Việc thương thảo không dựa trên các tuyên bố công khai, và các thủ tục phê duyệt chính thức. Thành công của những thương thảo này phụ thuộc nhiều vào những ý kiến của địa phương. Đồng thời, Vatican lại có rất ít các thông tin hoàn hảo khi tiến hành các đàm phán này. Có một đại diện của Vatican tại Hương Cảng, tương đương với một vị sứ thần hay một vị đại sứ, nhưng không chính thức, và công việc của ngài là trở thành một kênh thông tin liên lạc với Giáo Hội tại Trung Quốc. Nhưng bản thân ngài không được phép của chính phủ Trung Quốc để thăm Hoa Lục; và ngài chỉ có thể dựa vào các thông tin thu thập được bởi các vị khách không chính thức đến và đi từ Hương Cảng. Nếu Vatican có thể hợp thức hoá kênh liên lạc này thì sẽ tốt hơn nhiều và nhiều người cảm thấy lý thú khi quan sát xem liệu các cuộc đàm phán với Trung Quốc có dẫn đến điều này hay không.

Cũng sẽ là tốt nếu có một thủ tục chính thức phê duyệt các giám mục có thể chấp nhận được cho cả Vatican và chính phủ Trung Quốc. Các cuộc đàm phán hiện nay dường như tập trung vào việc thiết lập một quy trình chính thức như vậy. Trong quá khứ đã có một đề xuất gọi là “mô hình Việt Nam”, trong đó Vatican đề xuất ba ứng cử viên và nhà cầm quyền chọn một vị trong số đó. Tin tức báo cáo từ Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc lại muốn điều ngược lại, đề nghị của Trung Quốc là chính phủ chọn ba ứng viên và Vatican được chọn một. Điều này tất nhiên mang lại cho chính phủ Trung Quốc nhiều quyền lực hơn trong việc bổ nhiệm Giám Mục. Liệu Vatican chấp nhận đề nghị này hay tìm cách sửa đổi đôi chút đang là một mối quan tâm của nhiều người.

Một vấn đề khác là tình trạng của các giám mục là những người gần đây đã được chính quyền Trung Quốc chấp thuận, nhưng bị Vatican từ chối. Có tám giám mục hiện trong tình trạng này. Khi chấp nhận được tấn phong mà không cần sự chấp thuận của Vatican, họ đã bị vạ tuyệt thông. Chính phủ Trung Quốc muốn các vạ tuyệt thông phải được tha và các giám mục này phải được Tòa Thánh phê chuẩn chính thức. Trong khuôn khổ của năm Thánh Lòng Thương Xót được công bố bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, Vatican dường như sẵn sàng để tha các vạ tuyệt thông này và thậm chí sẵn sàng công nhận một cách chính thức ít nhất là bốn người trong số các giám mục này. Bốn người còn lại đã vi phạm nghiêm trọng giáo luật, họ có vợ hoặc bạn gái, hay thậm chí làm những việc khác không thể chấp nhận được đối với Giáo Hội. (Do không có thông tin chính xác, Vatican không có kiến thức rõ ràng về vấn đề này.) Một số người nói rằng đã có một sự thúc đẩy để kết thúc các cuộc đàm phán trước khi Năm Thánh Lòng Thương Xót kết thúc vào cuối tháng Mười Một năm ngoái. Nhưng lòng thương xót thì làm gì có giới hạn và chẳng có ngày hết hạn đâu. Tôi đã nghe một số dấu hiệu cho thấy rằng Vatican không muốn bị ràng buộc bởi một hạn chót nào cả.

Vấn đề cuối cùng, khó khăn nhất, là vấn đề về tình trạng của các giám mục thuộc Giáo Hội không chính thức hay còn gọi là Giáo Hội “thầm lặng”. Các vị là những người tuyên xưng lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng, nhưng không được sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc. Nhiều người trong số các vị đã phải chịu đựng lao tù hay phải chịu đựng rất nhiều các hình thức bách hại khác vì đức tin của họ. Vatican muốn có một sự giao tiếp và giám sát tốt hơn đối với các ngài. Nhiều người trong số các vị đã được tấn phong giám mục theo đúng những quy định về tình trạng bức bách theo đó các giám mục thầm lặng có quyền lựa chọn người kế nhiệm mình mà không qua quá trình phê chuẩn bình thường của bộ máy hành chính của Vatican. Các ngài thường hành xử độc lập và trong một số trường hợp Vatican có thể có những nghi ngại về tính chính thống hay khả năng lãnh đạo của các ngài. (Thu thập các thông tin về các vị này khó khăn hơn nhiều so với trường hợp các giám mục của Giáo Hội chính thức.) Chính quyền Trung Quốc cũng muốn kiểm soát tốt hơn các ngài bởi vì nó không thích các tác nhân độc lập như thế. Nhưng mặc dù có một sự hội tụ lợi ích giữa Vatican và chính quyền Trung Quốc, cũng có một sự phân kỳ rất đáng kể. Vatican muốn tôn trọng và thừa nhận sự nhiệt tâm tông đồ và lòng trung thành của các giám mục, nhưng chính phủ muốn ngăn chặn các ngài và thậm chí xem các ngài như một mối đe dọa về chính trị.

Điều đáng quan tâm và có tính chất định đoạt đối với các cuộc đàm phán giữa Vatican và Trung Quốc là liệu hai bên có thể đồng ý với nhau hay không về tình trạng của các giám mục và các tín hữu thuộc Giáo Hội thầm lặng. Nếu các tín hữu thầm lặng cảm nhận rằng Vatican đang bỏ rơi họ, thì họ có thể xem đây là một sự phản bội của Tòa Thánh đối với Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc và sẽ gây ra những chia rẽ nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rất hồ hởi phấn khởi trước viễn tượng này. Các hành động của nhà cầm quyền Bắc kinh trong những năm qua cho thấy nó thèm khát muốn nhìn thấy Giáo Hội tại đất nước này suy yếu, và những chia rẽ sâu đậm hơn trong Giáo Hội sẽ giúp nó thực hiện điều này.

Mặc dù có thể có một số hội tụ lợi ích giữa Vatican và chính phủ Trung Quốc về một số khía cạnh liên quan đến việc quản lý Giáo Hội Công Giáo, chắc chắn là có sự phân kỳ trong niềm hy vọng cho tương lai của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Các nhà đàm phán phải ý thức rõ về điều này.

Lá thư mới của Đức Hồng Y Thang Hán xác nhận sự hiểu biết này. Tuy nhiên, điều mới lạ đối với tôi là họ có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề đầu tiên trong những vấn đề tôi đã đề cập mà không lý gì đến hai điều còn lại. Tôi nghĩ rằng ba vấn đề phải là một “gói”. Nhưng có lẽ người ta chú trọng hơn đến sự hội tụ lợi ích trong việc thiết lập một phương pháp chính thức để lựa chọn các giám mục. Đức Hồng Y Thang Hán cho rằng việc này sẽ xây dựng lòng tin để từ đó cho phép tiến đến giải pháp cho các vấn đề khác. Và ngài cho rằng thậm chí dù không hoàn thiện nhưng “tự do cơ bản” vẫn tốt hơn. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng những hy vọng của hai bên là rất khác nhau: Một bên hy vọng sẽ làm cho Giáo Hội trở thành một phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc; còn bên kia thực sự hy vọng tiêu diệt cho bằng được Giáo Hội này. Tôi hy vọng rằng các nhà đàm phán Vatican hiểu được điều này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét