Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

25-02-2017 : THỨ BẢY - TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

25/02/2017
Thứ Bảy tuần 7 thường niên


BÀI ĐỌC I:   Hc 17, 1-13  (Hl 1-15)
"Thiên Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa".
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa dùng đất mà dựng nên con người và tạo tác con người theo hình ảnh của Chúa. Người lại làm cho nó trở nên hình ảnh Chúa và ban cho nó được quyền hành như Người đã có. Người cũng ban cho nó số ngày và thời gian, ban cho quyền hành trên trần gian. Người bắt mọi loài phải kính sợ nó, và cho nó thống trị các thú dữ chim trời. Rồi từ đó, Người tạo dựng một nội trợ giống như nó, Người cũng ban cho cả hai có trí, lưỡi, mắt, mũi và tâm hồn để suy tưởng, cho họ đầy sự hiểu biết và trí năng. Người tạo cho họ trí thông minh và cho lòng họ biết cảm giác, chỉ cho họ biết phân biệt lành dữ. Người đặt mắt Người vào lòng họ, chỉ cho họ thấy sự huy hoàng các công trình của Người, để họ ca tụng thánh danh Người, và họ được vinh hiển trong những việc lạ lùng của Người, hầu họ cao rao sự vĩ đại của những kỳ công Người. Người ban thêm cho họ sự thông minh và cho họ thừa hưởng luật trường sinh. Người thiết lập với họ một giao ước vĩnh cửu, chỉ cho họ biết công minh thẩm phán. Và mắt họ đã nhìn thấy sự huy hoàng vinh hiển của Người, tai họ đã nghe tiếng Người. Rồi Chúa phán với họ: "Các ngươi hãy lánh xa mọi gian ác". Và Người truyền cho mỗi người trong họ biết những giới răn liên quan đến tha nhân. Đường lối của họ luôn luôn ở trước mặt Chúa và không hề ẩn náu khỏi mắt Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 102, 13-14. 15-16. 17-18a.
Đáp: Lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người  (x. c. 17).
Xướng: 1) Cũng như người cha yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. Người hiểu biết chỗ gây hình của chúng ta, Người nhớ rằng tro bụi là chính chúng ta! - Đáp.
2)  Thân con người, cuộc đời như nắm cỏ, như bông hoa ngoài đồng nội, nó nở ra. Một cơn gió vừa lướt trên hoa, hoa không còn nữa, không ai còn nhận thấy chỗ ở của hoa! - Đáp.
3)  Nhưng lòng yêu thương của Chúa vẫn còn tồn tại, tự thuở này tới thuở kia cho những ai kính sợ Người, và đức công minh Chúa còn dành để cho con cháu họ, cho những ai giữ lời minh ước của Người. - Đáp.
ALLELUIA:  Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Mc 10, 13-16
"Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


Suy niệm : Thương yêu trẻ em
Ðức Giáo Hoàng Piô X khi nhậm chức Giám mục giáo phận Mantova, Ngài đã nghĩ đến người mẹ hiền và trở về thăm mẹ như để nói lên lòng biết ơn. Trong câu chuyện thân mật với mẹ, Ngài vừa nói vừa khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: "Mẹ xem chiếc nhẫn Giám mục của con có đẹp không?" Người mẹ mỉm cười đưa chiếc nhẫn cũ kỹ trên bàn tay đầy vết nhăn cho con xem và nói: "Nếu không có chiếc nhẫn này, thì đâu có chiếc nhẫn Giám mục của con".
Thật thế, nếu cha mẹ không để tâm giáo dục con cái, làm sao chúng có thể nên người, nhất là nên người con của Chúa được.
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy những cha mẹ tìm cách đem con cái đến với Chúa Giêsu để xin Ngài đặt tay và chúc lành cho chúng. Chúa Giêsu rất thương mến trẻ em, Ngài tỏ ra không hài lòng vì các Tông đồ ngăn cản không cho các cha mẹ đem các trẻ em đến với Ngài. Trái ngược với quan niệm coi khinh trẻ em của các tác giả đạo đức Do Thái, Chúa Giêsu đề cao trẻ em như kiểu mẫu đón nhận Nước Trời: "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào". Nơi khác, Ngài bảo vệ trẻ em một cách quyết liệt: "Ai làm cớ cho một trong những trẻ nhỏ này sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển còn hơn".
Cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh dưỡng và giáo dục con cái, để chúng được hạnh phúc đời này, nhất là được hạnh phúc đời sau. Tuy nhiên, có những cha mẹ chỉ lo làm giàu, chứ không quan tâm xây dựng đạo đức cho con cái, cũng có những cha mẹ khoán trắng việc giáo dục đức tin của con cái cho các vị lãnh đạo tinh thần và thiêng liêng, mà quên rằng đó là nhiệm vụ trước tiên của cha mẹ do Bí tích Hôn phối và tình thương yêu đòi buộc. Con cái sống trong gia đình nhiều hơn các nơi khác, và cha mẹ cũng hiểu biết tính tình con cái hơn bất cứ ai khác, đó là những thuận lợi để cha mẹ góp phần vào việc giáo dục con cái.
Nhưng để có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả, cha mẹ phải lo trau dồi kiến thức, cách riêng về tôn giáo, và sống đạo gương mẫu, sao cho con cái thực sự là nguồn hạnh phúc của gia đình và là triều thiên của chính cha mẹ.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả các cha mẹ. Xin Ngài soi sáng để các cha mẹ hiểu biết và yêu mến Chúa nhiều hơn, đồng thời nhiệt tâm giáo dục con cái và dẫn đưa chúng đến với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 7 TN1, Năm Lẻ
Bài đọcSir 17:1-15; Mk 10:13-16.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa là Cha.
Cuộc đời của mỗi người có hai phần rõ rệt: phần một khi sống dưới mái ấm gia đình với sự che chở và bảo bọc của cha mẹ và các anh/chị/em; phần hai khi phải bươn chải vào đời để tự kiếm sống và xây dựng cho mình một mái ấm gia đình. Tương xứng với hai phần này là hai thái độ khác nhau. Khi còn sống với cha mẹ, chúng ta chẳng phải lo lắng gì cả, tối ngày chỉ biết vui chơi, ăn uống, học hành... mà chẳng cần biết tiền bạc từ đâu ra. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng và sống nhờ cha mẹ, cha mẹ bảo sao chúng ta nghe và làm như vậy. Nhưng khi rời mái ấm gia đình, thái độ của chúng ta hầu như thay đổi hoàn toàn. Chúng ta phải tự lo lắng lấy hết mọi sự, phải làm lụng để kiếm ăn, và phải đương đầu với biết bao tính toán và nguy hiểm trong đời. Những điều này làm cho chúng ta mất hết vẻ hồn nhiên của tuổi trẻ, dè dặt trong khi giao tiếp, không dễ tin những hứa hẹn của người đời, và khó chịu khi ai làm phiền chúng ta.
Các bài đọc hôm nay dạy chúng ta phải biết giữ lại những đức tính tốt của trẻ thơ trong mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca mô tả cách chi tiết những điều Thiên Chúa đã và đang làm cho con người. Chúng ta phải có khôn ngoan để nhận ra Thiên Chúa vẫn đang quan phòng cuộc đời mỗi người chúng ta. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khó chịu khi thấy các môn đệ xua đuổi trẻ em khi chúng đến với Ngài. Ngài đưa ra một điều kiện để được vào Nước Trời: Phải mở lòng đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn của một trẻ thơ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.
1.1/ Thiên Chúa làm mọi sự cho con người: Thoạt đọc trình thuật hôm nay, một người có thể nhận ra điều này: hầu hết tất cả chủ từ của cả bài thơ là Thiên Chúa, hay “Người;” và túc từ của bài thơ hay người nhận lãnh là con người. Các động từ diễn tả các hành động khác nhau Thiên Chúa làm cho con người. Một số những sự thật tác giả muốn chúng ta phải nhìn nhận:
- Người dựng nên và điều khiển cuộc đời chúng ta là Thiên Chúa, chứ không phải chúng ta. Ngài nắm giữ vận mạng và đếm từng ngày sống của chúng ta trên trái đất.
- Con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Người, và ban cho con người sức mạnh để cùng cai quản trái đất với Người.
- Thiên Chúa dựng nên các quan năng trong thân thể con người cho một mục đích. Con người phải dùng nó để nhận ra những điều tốt, xấu, uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
- Ngài dạy dỗ những điều khôn ngoan, ban cho con người Luật đem lại sự sống, và ký kết một giao ước muôn đời với con người.
1.2/ Con người có bổn phận ca khen Danh Thánh Thiên Chúa: Có thể nói tất cả những gì con người có đều do Thiên Chúa làm ra và ban cho con người hưởng dùng; vì thế, thái độ thích ứng của con người là phải biết cám ơn, ca khen, và rao truyền những gì Người làm cho mọi người, để tất cả đều nhận ra và ca khen Người. Ngoài ra, bổn phận của con người còn phải dùng những của cải Thiên Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, nhất là những người nghèo khổ.
Nếu không nhận ra những điều Thiên Chúa làm, con người sẽ nghĩ ngược lại: tất cả những gì có trong trái đất đều là ngẫu nhiên; vì thế, họ sẽ tha hồ vơ vét làm của riêng để tận hưởng. Vì không nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, họ sống như không có ngày mai, và hậu quả là bị hư đi và không đạt được đích điểm mà Người đã tiền định cho họ.
2/ Phúc Âm: “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào."
Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu những đức tính của trẻ thơ có, rồi áp dụng chúng vào những người đi tìm Nước Thiên Chúa. Chúng ta chỉ xét tới trường hợp chung của trẻ thơ, chứ không để ý tới trường hợp những trẻ thơ ngoại lệ.
(1) Thành thật: Trẻ thơ thấy sao nói vậy, chúng không dấu và không sợ ai buồn lòng. Tục ngữ Việt-nam có câu: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ.” Câu này có nghĩa khi đi ra đường, một người cần hỏi kinh nghiệm của người già; nhưng khi về nhà, một người hỏi trẻ em là biết hết những gì đã xảy ra. Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta phải có đức tính này trong các mối liên hệ: “Có thì nói có, không thì nói không; thêm bớt điều gì là do ác quỉ gây nên.”
(2) Khiêm nhường: Trẻ thơ biết chúng không biết nên rất ham học hỏi tìm tòi. Chúng rất hay hỏi mà không sợ người khác cười nhạo vì những câu hỏi ngớ ngẩn. Chúng xấu hổ khi người khác khen ngợi. Chúng rất dễ hòa đồng với người khác và làm bạn mau chóng, chỉ cần thả chúng xuống nhà ai khoảng thời gian ngắn là chúng có thể chơi chung với nhau rồi. Người lớn thường đối xử với nhau khác, họ cần phải biết gia thế người khác và phải mất thời gian khá lâu để trở thành bạn.
(3) Vâng lời: Trẻ em rất dễ vâng lời. Cha mẹ, anh chị, các thầy cô, và người lớn nói sao, chúng làm như vậy. Chúng không tranh luận cãi lại, cũng chẳng tìm hiểu lý do tại sao phải làm như vậy. Người lớn không hành động như thế, họ luôn tìm hiểu lý do phải làm, và nhiều khi còn tìm những lý do để không phải làm.
(4) Tin tưởng: Trẻ thơ rất tin tưởng nơi cha mẹ, nhưng không dễ tin người ngoài. Đối với chúng, cha mẹ nói gì, chúng tin là có, dẫu là những điều huyền thoại như: ông già Noel; chú cuội, chị Hằng; Bạch Tuyết và 7 chú lùn... Thiên Chúa cũng muốn chúng ta đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Ngài; tất cả những Ngài đã nói, sẽ xảy ra; và những gì Ngài đã hứa, Ngài sẽ ban cho con người.
(5) Yêu mến: Trẻ thơ không biết hận thù, chúng yêu mến cha mẹ và những người làm ơn cho chúng. Nếu chúng giận dỗi, chúng sẽ làm hòa mau chóng vì chúng rất dễ quên. Người lớn không dễ dàng tha thứ. Có những mối hận họ sẽ không bao giờ quên, và để được tha thứ, họ đòi nhiều điều kiện.
Tất cả những đức tính trên đây của trẻ thơ Chúa Giêsu đòi chúng ta cần có trong mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân để được vào Nước Trời. Điều quan trọng giúp chúng ta có thể làm được là chúng ta phải nhìn ra được tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Sợ bị thiệt hại và nguy hiểm là những lý do khiến chúng ta dè dặt trong cách giao tiếp; nhưng một khi chúng ta biết có một Người luôn quan tâm và bảo vệ, chúng ta sẽ không sợ hãi và tin tưởng hơn trong cách đối xử với tha nhân.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa là Cha uy quyền và thương yêu, Ngài vẫn đang điều khiển và dẫn dắt cuộc đời mỗi người chúng ta đến đich điểm mà Ngài đã tiền định.
- Chúng ta đừng để những khó khăn trong cuộc đời biến chúng ta thành những người kiêu ngạo, ích kỷ, bản gắt, nghi ngờ... Không ai có thể làm hại chúng ta khi Thiên Chúa vẫn đang chúc lành và bảo vệ chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

25/02/17     TH BY TUN 7 TN
Mc 10,13-16

NHẬN LẤY TÌNH THƯƠNG


“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mc 10,14)

Suy niệm: Thời đó, người ta không coi trọng con trẻ, cho rằng sự hiện diện của trẻ em chỉ thêm quấy rầy người lớn. Vì thế, ta dễ hiểu lý do tại sao các môn đệ ngăn cấm các em đến với Thầy mình. Thế nhưng, chỉ với bốn câu ngắn thôi, Tin Mừng hôm nay đã cho ta cảm nhận được tình thương rất thật của một vị Thiên-Chúa-làm-người dành cho trẻ em: Thầy Giê-su đã “ôm lấy” các em, “đặt tay chúc lành” cho chúng; Ngài còn lấy trẻ em làm hình mẫu cho việc đón nhận Nước Trời. Qua bài học cụ thể này, Thầy Giê-su dạy rằng muốn là công dân Nước Trời cao quý, ta phải có tâm hồn khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng cậy trông với Chúa là Cha như con trẻ. Ước gì mỗi người chúng ta có thể thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” khi nhận ra các ân huệ của Thiên Chúa ban cho mình trong đời.

Mời bạn đến với Thầy Giê-su! Để kiến tạo mối tương quan thân thiết giữa một bên là người cảm nhận được tình thương và bên kia, Đấng trao ban tình thương, mời bạn cũng đưa dẫn đến với Thầy Giê-su những người mà bạn thương mến và gợi nhắc với họ rằng, họ cũng được Tình Thương ấy đợi chờ. Bạn cũng đừng quên dẫn trẻ em đến với Thầy Giê-su, dạy cho các em biết mình được Thiên Chúa yêu thương biết bao!

Sống Lời Chúa – Cầu nguyện với Thánh vịnh 131: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi! Đường cao vọng, chẳng đời nào bước, việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu; hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con hồn lặng lẽ an vui.”

(5 phút lời Chúa) 

Ngài ôm các tr em (25.2.2017 – Th by Tun 7 Thường niên)
Phi hc cách đón ly Nước Tri như tr thơ, nghĩa là đón ly như mt quà tng mà mình không xng, đón ly vi s ng ngàng, ca ngi, tri ân. 


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu với trẻ em.
Chắc các em còn nhỏ nên cần có người đưa các em đến với Ngài.
Đó có thể là cha mẹ hay một người trong gia tộc.
Những người đưa các em đến phải có lòng tin vào Đức Giêsu.
Họ đưa con của họ đến gặp Đấng mà họ tin là Người của Thiên Chúa.
Họ không mong Thầy Giêsu chữa bệnh hay cho con mình bánh kẹo.
Điều họ mong là được Ngài chạm tay vào chúng (c. 13).
Một cái chạm tay rất nhẹ của Thầy, một cái chạm nhẹ của Thiên Chúa.
Họ mong có sự tiếp xúc giữa chính tay Thầy với thân xác con cái họ.
Ơn phúc lành đến qua tay, qua sự tiếp xúc đơn sơ.
Thầy Giêsu rất vui lòng làm chuyện đó.
Nhưng các môn đệ lại không nghĩ như vậy.
Họ nghĩ chơi với trẻ em chỉ tổ mất thì giờ, bị quấy rầy vì ồn ào, lộn xộn.
Vả lại, trẻ em thì đâu có xứng đáng để được gặp Thầy.
Bởi vậy họ đã ngăn cấm không cho các em đến với Đức Giêsu.
Nói chung họ vẫn chưa hiểu ra bài học mới đây của Thầy (Mc 9, 36-37).
Khi thấy các môn đệ ngăn cản, Thầy Giêsu đã nổi giận thực sự.
Chắc Ngài giận vì không hiểu được sao các ông vẫn hẹp hòi đến thế,
sao các ông vẫn chưa đổi được cái nhìn của mình về trẻ em.
“Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (c. 14).
 Đây là một mệnh lệnh nghiêm chỉnh và có giá trị mãi.
Trẻ em có chỗ trong trái tim Giêsu.
Thầy Giêsu dù bận bịu nhưng vẫn có giờ cho các em gặp gỡ.
Ngài không coi chuyện chơi với các em là phiền phức.
Chúng ta chẳng những không được ngăn cản,
mà còn phải giúp đưa các em đến với Thầy Giêsu.
Chúng ta là cha mẹ, là thầy của các em,
nhưng mặt khác chúng ta lại là học trò để học hỏi nơi các em.
“Vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (c. 14).
Chúng ta cần học nơi các em lòng biết ơn, sự cậy dựa và khiêm nhu.
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em,
thì sẽ chẳng được vào” (c. 15).
Như thế phải học cách đón lấy Nước Trời như trẻ thơ,
nghĩa là đón lấy như một quà tặng mà mình không xứng,
đón lấy với sự ngỡ ngàng, ca ngợi, tri ân.
Hãy nhìn Thầy Giêsu bồng các em nhỏ trên cánh tay (c. 16; Mc 9, 36).
Hãy nhìn nét mặt hạnh phúc của Thầy.
Thầy chẳng những chạm đến các em, mà còn bồng các em.
Thầy còn trịnh trọng chúc lành bằng cách đặt hai bàn tay trên các em.
Rõ ràng Thầy Giêsu quý các em, và Ngài không muốn ta làm hư các em.
Thế giới hôm nay có bao điều ngăn cản không cho trẻ em gặp Chúa.
Bao trẻ thơ đã bị lạm dụng từ nhỏ, bị ngược đãi, bị bắt làm nô lệ,
bị thất học, bị bỏ rơi, bị ném vào cuộc đời quá sớm.
Bao trẻ thơ bị suy dinh dưỡng, bị bệnh tật và chết khi còn trong lòng mẹ.
Bao trẻ thơ thèm được chút hơi ấm của tình thương gia đình.
Nhất là có những trẻ em đã sớm mất tuổi thơ
và dính vào thói hư của người lớn như nghiện ngập, phạm tội hình sự.
Hãy giúp các em làm quen với Giêsu và đừng làm gương xấu cho các em.
Hãy đón tiếp các em để gặp được chính Thầy Giêsu
và gặp được chính Thiên Chúa (Mc 9, 37).
Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG HAI
Tin Tưởng Vào Thiên Chúa, Đấng Cứu Thoát
Người It-ra-en thường ôn lại đêm tối của cuộc Xuất Hành, và hoài niệm ấy giúp khích lệ họ tin tưởng vào Thiên Chúa – Đấng cứu thoát họ.
Giáo Hội – cùng với Tông Đồ Phao-lô – nhìn về đêm Phục Sinh. Ở đó, Giáo Hội tìm thấy niềm khích lệ giữ vững đức tin của mình – một đức tin vốn xuất phát từ mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô: “Vì nếu anh em tuyên xưng …rằng Đức Giêsu là Chúa và chân thành tin rằng Thiên Chúa đã phục sinh Người từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9).
Với những lời ấy, Thánh Phao-lô muốn dạy chúng ta ý thức hơn về nhu cầu cần được cứu độ của mình. Chúng ta cần phải kêu cầu sự giải cứu ấy, sự giải cứu đến từ mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: “Bất cứ ai kêu cầu danh Chúa sẽ được cứu độ” (Rm 10, 13).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 25 -2
Hc 17, 1-13; Mc 10, 13-16.

Lời Suy Niệm: Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”
Nơi những người lớn thường tự đánh mất những tính đơn sơ trong khi khóc cũng như lúc cười, khi nghe cũng như lúc đối thoại với người khác; khi cho cũng như khi nhận... Tất cả đều có sự tính toán hơn thua, lợi và bất lợi cho bản thân mình.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang mời gọi chúng con trở nên như trẻ nhỏ. Xin Chúa ban ơn cho chúng con những ơn cần thiết trong mọi lúc và mọi nơi để chúng con thực hiện được điều Chúa đang mong ước nơi chúng con.
Mạnh Phương





25 Tháng Hai
Dân Thành Athènes
Ngày kia, triết gia Esopos người Hy Lạp ngồi bên vệ đường trước cổng thành Ethènes. Một người khách lạ tình cờ đi qua dừng lại hỏi ông như sau: "Dân thành Athènes như thế nào?".
Triết gia bèn trả lời: "Xin ông cho tôi biết ông đến từ đâu và dân tình ở đó như thế nào?". Người khách lạ nhíu mày cằn nhằn: "Tôi đến từ Argos và dân Argos toàn là một lũ người láo khoét, trộm cắp, cãi cọ suốt ngày".
Một cách bình thản, triết gia Esopos mỉm cười đáp: "Tôi rất lấy làm buồn để báo cho ông biết rằng rồi ra ông sẽ thấy dân thành Athènes còn tệ hơn thế nữa".
Ngày hôm sau, một người khách lạ khác đi qua và cũng dừng lại đặt một câu hỏi: "Dân thành Athènes như thế nào?". Người khách lạ ấy cũng cho biết mình đến từ Argos là nơi mà ông cho là quê hương yêu dấu mà ông buộc lòng phải rời xa, bởi vì dân chúng Argos là những người rất dễ thương, dễ mến...
Lần này, triết gia Esopos cũng biểu đồng tình với người khách lạ như sau: "Này ông bạn đáng mến, tôi rất vui mừng cho ông biết rằng ông sẽ nhận thấy dân thành Athènes cũng dễ thương dễ mến như thế".
Câu chuyện mang tính cách ngụ ngôn trên đây muốn nói với chúng ta rằng cách thẩm định người khác tùy thuộc ở tình cảm của mỗi người. Cùng một con người ấy, cùng một khung cảnh ấy, nhưng có người ưa, có kẻ chê. Sự khác biệt trong cách thẩm định ấy thường không nằm trong người khác hoặc cảnh vật khác, mà chính là ở tâm trạng của mỗi người. Thi sĩ Nguyễn Du đã có lý khi bảo rằng: "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Người Kitô chúng ta luôn được mời gọi để có cái nhìn lạc quan về các biến cố và con người, nghĩa là chúng ta được mời gọi để luôn có cái nhìn tích cực về người khác và các biến cố. Một thất bại rủi ro xảy đến ư? Người Kitô hãy cố gắng khám phá ra những đường nét dễ thương dễ mến trong khuôn mặt, trong cách cư xử của người đó. Chúng ta hãy làm như loài ong: từ giữa bao nhiêu vị đắng cay của cánh hoa, loài ong chỉ rút ra toàn mật ngọt...
Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã ghi trong nhật ký của Ngài như sau: "Do bản chất, tôi vui vẻ và sẵn sàng chỉ thấy những khía cạnh tốt đẹp của sự vật và con người hơn là phê bình chỉ trích và đưa ra những phán đoán độc hại... Mỗi một cử chỉ khiếm nhã đối với bất cứ ai, nhất là những người nghèo hèn, thấp kém, hoặc bất cứ một chỉ trích phá hoại nào, đều làm cho tôi đau lòng".
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét