Ô nhiễm không khí tại Ấn Độ và Trung Quốc
Đã có nhiều bản tin nói về nạn ô nhiễm bầu không khí tại nhiều
nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Á châu. Hôm 14.02, kết quả một cuộc nghiên cứu
sâu rộng về đề tài này đã được công bố tại New Delhi bên Ấn Độ cho thấy: phẩm
chất bầu không khí tại Ấn Độ bị ô nhiễm đến độ trở thành một trong những nguyên
nhân giết người đứng hàng đầu tại Ấn.
Cuộc nghiên cứu này đang được hai học viện uy tín Hoa Kỳ thực
hiện cho biết là hằng năm, có khoảng 1,1 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không
khí tại Ấn, tương đương với số nạn nhân ô nhiễm tại Trung Quốc láng giềng.
Nhưng trong lúc con số nạn nhân ô nhiễm tại Trung Quốc không tăng trưởng nhiều
những năm gần đây, thì con số tại Ấn lại tăng vọt.
Trong những năm từ 1990 đến 2015, con số các nạn nhân chết
vì bụi li ti gọi là PM 2,5 trong không khí tại Ấn đã tăng lên gần 50%. Các chất
bụi li ti này có rất nhiều trong không khí các thành thị, đi vào phổi của dân
chúng qua đường hô hấp, có khả năng gia tăng các loại bệnh về tim mạch và ung
thư phổi.
Theo nghiên cứu vừa nói trên, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc
gia đứng hàng đầu trong danh sách các nước ô nhiễm nhất thế giới. Nhưng các biện
pháp chống ô nhiễm áp dụng tại Trung quốc từ hai thập niên vừa qua, đã giúp nước
này giới hạn con số nạn nhân chết vì ô nhiễm ở mức độ cách đây 12 năm.
Trong khi đó, con số người chết vì ô nhiễm tại Ấn Độ đã từ
737.400 người dạo năm 1990 nhảy vọt lên 1,09 triệu vào năm 2015. Tình hình
không có một viễn tượng nào sáng sủa hơn tại Ấn Độ, một quốc gia có trên 1 tỷ
250 triệu dân sống tùy thuộc vào than đốt, vốn là nguồn thải ra các chất bụi li
ti bay trong bầu không khí các thành thị.
Ông Sumant Sinha, chủ tịch hãng sản xuất năng lượng đổi mới Ấn
Độ ReNew Power cảnh báo rằng: than đốt không phải một sớm một chiều mà bỏ được.
Sự ô nhiễm không khí vì than đốt sẽ còn rất cao ở Ấn trong một thời gian lâu
dài nữa. Các nguồn sản xuất năng lượng đổi mới không phát triển mau lẹ đến độ thay
chỗ than đốt được và cũng khó mà tin rằng năng lượng đổi mới có thể giải quyết
được vấn đề này.
Hồi mùa thu năm ngoái, New Dehli đã phải sống một thời điểm
ô nhiễm cao độ. Trong suốt 10 ngày thủ đô Ấn Độ đã bị bao phủ bởi một bầu không
khí mờ ảo vì lớp sương bụi ô nhiễm
(AFP 14.02.2017)
Mai Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét