27/02/2017
Thứ Hai tuần 8 thường
niên.
Bài Ðọc I: (Năm I) Hc
17, 20-28
"Hãy trở về với
Thiên Chúa và hãy nhận biết công minh của Người".
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa đã ban đường
công chính cho người sám hối, nâng đỡ những kẻ mất niềm tin, và hướng dẫn họ đi
vào đường chân lý.
Hãy trở về với Thiên
Chúa và hãy từ bỏ tội lỗi. Hãy kêu cầu trước tôn nhan Chúa, hãy chấm dứt những
điều xúc phạm, hãy trở về cùng Chúa, hãy lánh xa những điều gian ác, và hãy chê
ghét những điều xấu xa. Hãy nhận biết công minh và sự xét xử của Thiên Chúa.
Hãy đứng vững và cầu xin với Thiên Chúa Tối Cao.
Hãy thông công vào đời
sống các thánh, và cùng với kẻ sống hãy xưng tụng Thiên Chúa. Ðừng ỷ lại vào sự
sai lầm của bọn gian ác. Hãy thú nhận tội lỗi trước khi chết, vì chết rồi, thì
không còn thú tội được nữa. Ngươi hãy thú nhận tội lỗi khi còn sống, hãy thú nhận
tội lỗi khi còn sống và còn khoẻ mạnh.
Hãy ca tụng Thiên Chúa
và ngươi sẽ được vinh hiển trong tình xót thương của Người. Lòng nhân lành của
Chúa và sự tha thứ của Người đối với những kẻ trở lại với Người thật lớn lao dường
nào!
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5.
6. 7
Ðáp: Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa
(c. 11a).
Xướng: 1) Phúc thay
người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy. Phúc thay
người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian.
- Ðáp.
2) Tôi xưng ra cùng
Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói:
"Tôi thú thực cùng Chúa điều gian ác của tôi, và Chúa đã tha thứ tội lỗi
cho tôi". - Ðáp.
3) Bởi thế nên mọi người
tín hữu sẽ nguyện cầu cùng Chúa, trong thời buổi khốn khó gian truân. Khi sóng
cả ba đào ập tới, chúng sẽ không hại nổi những người Này. - Ðáp.
4) Chúa là chỗ dung
thân, Chúa giữ tôi khỏi điều nguy khổ; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ.
- Ðáp.
Alleluia: Ga 1, 14 và
12b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 10, 17-27
"Ngươi hãy đi
bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu vừa
lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: "Lạy
Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời:
"Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình
Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng
trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ". Người
ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ". Bấy giờ
Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi
chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người
nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng
người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều
của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: "Những
người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao". Các môn đệ kinh ngạc vì
những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các
con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao.
Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa".
Các ông càng kinh ngạc
hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú
nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không
phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Khôn ngoan
đích thực
Trong truyền thống
Kinh Thánh, Vua Salômôn vẫn được coi như mẫu người biết sống khôn ngoan, bởi vì
nhà vua hiểu rằng ai có được khôn ngoan là chiếm hữu được bí mật, là chiếm hữu
được ý nghĩa cuộc sống, và đó mới là kho tàng quý báu nhất. Người khôn ngoan
như thế là người biết đặt vấn đề về ý nghĩa của đời mình, bởi vì có nhiều tiền
bạc, danh vọng, quyền bính để làm gì, nếu sống mà không có lý tưởng và mục đích
tuyệt đối để đeo đuổi, và bởi vì chỉ có cái đức mới theo con người sau cái chết
và thực sự lợi ích cho con người.
Ðây cũng là ý nghĩa của
trình thuật kể lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giàu có,
như được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay.
Trong truyền thống Do
Thái, của cải giàu sang là bằng chứng sự hiện diện và chúc lành của Thiên Chúa,
còn nghèo khổ là dấu chỉ xa cách Thiên Chúa và bị Ngài chúc dữ. Chúa Giêsu sửa
sai quan niệm duy vật đó của người Do Thái, bằng cách đảo lộn bậc thang giá trị
của tâm thức trần gian. Thánh Matthêu và Luca trình bày điều đó qua Hiến Chương
Tám Mối Phúc Thật, còn thánh Marcô thì lồng khung nó trong con đường của Chúa
Giêsu tiến về thập giá và Núi Sọ, trên con đường ấy thái độ sống đúng đắn nhất,
đó là tín thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa và Lời Ngài.
Qua cuộc đối thoại với
người thanh niên giàu có, Chúa Giêsu cho thấy việc tuân giữ lề luật mà thôi
không bảo đảm cho ơn cứu rỗi của con người. Muốn được cứu rỗi, phải chia sẻ của
cải cho người nghèo khó để được phần trên trời và bước theo Chúa Giêsu. Nói
khác đi, đối với Chúa Giêsu, việc tuân giữ luật lệ không đủ để được ơn cứu rỗi;
muốn được ơn cứu rỗi, cần phải sống tin yêu, phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa,
nghĩa là có được kho tàng trên trời, và yêu thương tha nhân bằng cách cho đi những
gì mình có, dù đó là của cải vật chất hay tinh thần.
Chúa Giêsu không dạy
chúng ta khinh thường của cải trần gian, nhưng Ngài chỉ khuyến cáo chúng ta rằng
của cải trần gian có thể là một chướng ngại trầm trọng cho ơn cứu rỗi. Khi nó
không được dùng để phục vụ tha nhân, thì của cải có thể trở thành dụng cụ của
ích kỷ, nguồn gốc của bất chính hoặc phô trương lừa gạt. Của cải có thể trở
thành sự dữ, khi nó khép kín con tim và tâm trí chúng ta trong ngục tù của ích
kỷ và hưởng thụ, khi nó ngăn cản chúng ta sống yêu thương và quảng đại, khi nó
không cho chúng ta sống hoàn toàn tự do khỏi mọi tù ngục trói buộc con người.
Lời mời gọi của Chúa
Giêsu: hãy bán của cải, chia cho người nghèo, rồi đi theo Ngài, là một lời mời
gọi cách mạng, có sức biến đổi tấm lòng và cuộc đời cũng như có sức biến đổi thế
giới. Theo Chúa Giêsu là có can đảm từ bỏ tất cả: từ bỏ tội lỗi, từ bỏ kiểu
cách sống trái với Tin Mừng yêu thương, từ bỏ tâm thức hẹp hòi ích kỷ, từ bỏ những
người thân thương và từ bỏ chính mạng sống của mình nữa. Nhưng tất cả những từ
bỏ ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta chọn Chúa Giêsu và tiến bước theo Ngài. Và đó
chính là sự khôn ngoan đích thực của chúng ta.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 8 TN1,
Năm Lẻ
Bài đọc: Sir
17:20-24; Mk 10:17-27.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy làm việc
lành phúc đức để giúp đỡ mọi người.
Hầu như niềm tin của tất
cả các tôn giáo lớn đều dạy “ở hiền gặp lành và ở ác gặp ác.” Giáo thuyết của
Phật Giáo dạy: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người,”
có nghĩa việc giúp cho một người quan trọng hơn là việc xây tháp chín tầng để
kính nhớ Phật. Trong Kitô Giáo, Đức Giêsu đã cho chúng ta biết trước tiêu chuẩn
Ngài sẽ dùng để phán xét trong Ngày Tận Thế: “việc gì anh em làm cho một trong
những kẻ bé mọn nhất là làm cho Ta.”
Các bài đọc hôm nay tập
trung trong sự quan trọng của việc làm phúc. Trong bài đọc I, tác giả sách Huấn
Ca dẫn chứng cho chúng ta lý do phải làm lành lánh dữ là vì Thiên Chúa nhìn thấy
tất cả. Ngài ghi nhớ tất cả những việc lành chúng ta làm và thưởng công xứng
đáng. Trong Phúc Âm, khi một người chạy đến hỏi Chúa Giêsu về con đường nên trọn
lành, Ngài bảo anh hãy về bán tài sản để giúp đỡ người nghèo, rồi trở lại theo
Ngài. Khi làm như thế là anh sắm cho mình một kho tàng trên trời; nhưng anh buồn
rầu bỏ đi vì quá tiếc của.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Việc từ thiện ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người.
1.1/ Thiên Chúa nhìn thấy
tất cả những gì con người làm: Người Việt-nam
chúng ta tin “trời cao có mắt.” Tác giả sách Huấn Ca tin không một điều gì con
người làm mà Thiên Chúa không biết: “Những điều bất chính chúng làm không giấu
Người được, mọi tội lỗi chúng phạm đều lộ ra trước mặt Đức Chúa. Việc từ thiện
ai làm thì tựa như dấu ấn đối với Người, ân đức của người ta, Người giữ mãi như
con ngươi trong mắt.” Nếu một người tin Thiên Chúa hay Ông Trời nhìn thấy mọi sự,
họ phải cố gắng làm điều lành, tránh điều dữ; nếu không họ sẽ phải trả giá cho
những điều bất chính họ làm, vì “ác giả, ác báo.”
1.2/ Thiên Chúa sẽ ân thưởng
xứng đáng những ai làm phúc: Truyền thống
các tôn giáo lớn đều tin “ở hiền gặp lành.” Cho dù những tôn giáo không tin có
cuộc sống đời sau, họ vẫn tin ông Trời sẽ phù hộ cho những ai mạnh tay làm phúc
cho người nghèo khổ. Họ sẽ được chúc lành, làm ăn nên, con đàn cháu đống, và sống
lâu trăm tuổi. Tác giả sách Huấn Ca cũng dạy sự ban thưởng của Thiên Chúa cho
những người giúp kẻ hoạn nạn: “Cuối cùng, Người sẽ đứng lên và ban thưởng, và
phần thưởng ấy, Người sẽ đặt trên đầu chúng.” Không những thế, truyền thống
Do-thái còn tin ai làm việc lành, sẽ đền bù tội lỗi của mình: “ai sám hối thì
Người ban cho ơn trở về, và những kẻ sờn lòng nản chí, Người cũng sẽ ủi an.”
2/ Phúc Âm: Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được
một kho tàng trên trời.
2.1/ Tôi phải làm gì để
được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Bối cảnh
quan trọng của cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu với chàng thanh niên và các môn đệ
là “phải làm gì để đạt được cuộc sống đời đời.” Anh thanh niên đã tin có cuộc sống
đời đời và anh muốn biết cách làm sao để đạt được cuộc sống này. Sau khi đã hỏi
anh về những giới răn quan trọng, nhưng không đòi nhiều cố gắng lắm để vượt
qua, Chúa Giêsu đi vào điểm then chốt. Người bảo anh ta: "Anh chỉ thiếu có
một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho
tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi." Chúa Giêsu đòi anh phải lựa chọn một
trong hai: cuộc sống đời đời hay cuộc sống đời này. Nghe lời đó, anh ta sa sầm
nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Anh muốn bắt cá hai tay:
được cả đời này và đời sau.
2.2/ Người giàu có khó
vào Nước Thiên Chúa. Sau khi người giàu có bỏ
đi, Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: "Những người
có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Nghe Người nói thế, các môn
đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: "Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật
khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên
Chúa."
Trước tiên, chúng ta cần
làm sáng tỏ vấn đề: Chúa Giêsu không kết tội người giàu. Ngài không bảo người
giàu có không thể vào Nước Thiên Chúa; nhưng Ngài bảo "những người có của
thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!" Tại sao giàu có làm cho con người
khó vào Nước Thiên Chúa? Chúng ta có thể liệt kê 3 lý do chính sau đây:
(1) Giàu có làm con
người quên đi mục đích cuộc đời, để rồi chỉ biết tập trung mọi thời gian và cố
gắng để thu quét của cải và hưởng thụ.
(2) Giàu có làm con
người chỉ biết đánh giá trị mọi sự trên đồng tiền, và bỏ quên tập luyện những
giá trị tinh thần hay vĩnh cửu. Ví dụ, họ chỉ dành thời giờ cho những việc mang
lại lợi nhuận vật chất, mà không chịu bỏ thời giờ học Kinh Thánh để biết về
Thiên Chúa và những lời dạy dỗ khôn ngoan của Ngài.
(3) Giàu có làm con
người kiêu căng, phách lối, và khinh thường người khác. Họ quên đi rằng “Ở đời
muôn sự của chung.” Mọi người đều có quyền hưởng của cải Thiên Chúa ban như một
phương tiện để sinh sống khi còn ở đời này. Họ không có quyền tích trữ của cải
trong khi tha nhân đói khát, chứ chưa nói việc đánh cắp công ơn Thiên Chúa và
khinh thường tha nhân.
2.3/ Tại sao các môn đệ sững
sờ và sửng sốt? Hai lần trong trình thuật đề
cập tới thái độ ngạc nhiên của các môn đệ về những lời giảng dạy của Chúa
Giêsu, và các ông hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”
Lý do các ông ngạc
nhiên vì truyền thống Do-thái tin giàu có là dấu hiệu Thiên Chúa chúc phúc cho
những người biết kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, cùng với các ơn lành
khác như con đàn cháu đống và sống lâu trăm tuổi. Nếu sự thịnh vượng là dấu hiệu
của mối liên hệ tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, tại sao Chúa Giêsu lại đảo
ngược niềm tin truyền thống? Chúa Giêsu chắc chắn không nói tới việc giàu có do
Thiên Chúa chúc lành, Ngài muốn nói tới việc con người tự vơ vét làm giàu, mà
không cần biết có công bằng hay không. Ngài cũng muốn đề cập đến việc con người
không biết quản lý các tài sản mà Thiên Chúa đã trao phó cho họ.
Vì thế, con người sẽ bị
Thiên Chúa phán xét về cách thâu nhận tài sản, công bằng hay bất công, và cách
tiêu xài của cải, đúng hay không đúng. Vì con người chỉ là quản lý chứ không phải
chủ nhân của tài sản, Thiên Chúa là chủ nhân của tài sản. Người càng giàu sẽ bị
Thiên Chúa phán xét càng nhiều. Nếu họ không biết cách tiêu xài, sự giàu có sẽ
sinh thiệt hại cho họ nhiều hơn làm lợi ích.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta hãy cố gắng
làm việc lành nhiều để đền bù tội lỗi của mình, vì đó là cơ hội Thiên Chúa ban
và Ngài kể là làm cho chính Ngài.
- Chúng ta cần xác tín
vào sự quan phòng của Thiên Chúa, để rồi đừng mặc sức vơ vét của cải cho mình
và cho gia đình. Hãy bằng lòng với những gì Thiên Chúa trao ban và học biết
cách xử dụng để sinh lời cho Thiên Chúa.
- Hãy biết dành thời
giờ để chú trọng vào những giá trị cao hơn vật chất: sự hiểu biết và lòng yêu mến
Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu, và việc rao giảng Tin Mừng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Mc 10,17-27
MỐI ƯU TƯ CHÍNH ĐÁNG
“Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để
được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10,17)
Suy niệm: Dù đủ điều kiện để vui
hưởng một cuộc sống sung túc, tốt lành, nhưng người thanh niên này vẫn cứ băn
khoăn về cuộc sống đời đời. Chỉ nguyên nỗi ưu tư ấy đã là điểm son cho hành
trình làm người của anh, bởi thông thường ít ai nghĩ đến cuộc sống đời đời ấy
trong khi thủ đắc ngần ấy những tiêu chí thành đạt cho cuộc sống trần thế. Ai
là người có đủ khả năng giải đáp cho ưu tư của anh? Anh đã may mắn gặp được Đức
Giê-su, Người Thầy sẽ chỉ dẫn anh phương cách đưa đến sự sống đời đời. Tiếc
thay anh bỏ cuộc vì chính sự sung túc của mình! Mối ưu tư của anh ban đầu là chính
đáng và hợp lý, nhưng anh không đủ dũng khí sử dụng đến cùng phương tiện đưa
đến mục tiêu sự sống đời đời ấy. Rồi đây anh cứ phải mãi ưu tư về sự sống đời
đời của mình cùng với đống của cải trước mắt.
Mời Bạn: Muốn
được sự sống đời đời thì cũng phải chấp nhận phương thế để đạt được nó: Tuy
nhiên, từ bỏ của cải vật chất để sống tinh thần siêu thoát, sử dụng của cải ấy
để mua lấy Nước Trời là việc chẳng dễ dàng chút nào. Với sức riêng, ta khó
cưỡng lại sức lôi cuốn của tiền bạc của cải. Thế nhưng, với ơn Chúa nâng đỡ,
mọi sự đều có thể.
Sống Lời Chúa: Hằng
ngày tôi sẽ suy niệm câu Lời Chúa: “Vì được cả thế giới mà thiệt mất
mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,36)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã
ban cho con của cải vật chất để con sử dụng hằng ngày. Xin ban cho con biết sử
dụng của cải mình đang có - vật chất cũng như tinh thần - để giúp đỡ anh chị em
bên cạnh đang cần tới sự cho đi của con. Amen.
(5 phút lời Chúa)
Tôi phải làm gì? (27.2.2017 – Thứ hai Tuần 8 Thường niên)
Lòng gắn bó với của cải đã là một trở ngại khiến anh mất tự do. Không phải vì anh chiếm hữu nhiều của cải, nhưng thực ra, vì của cải đã chiếm hữu anh.
Suy niệm:
“Thưa Thầy nhân lành, tôi
phải làm gì để được sự sống đời đời?”
Một anh thanh niên vội vã
chạy đến, quỳ trước mặt Đức Giêsu
và hỏi Ngài như thế khi
Ngài vừa lên đường.
Rõ ràng anh đang háo hức
và thao thức
tìm kiếm một lối sống phù
hợp ở đời này,
để nhờ đó được hưởng hạnh
phúc vững bền mãi mãi.
Anh đã đến với Thầy Giêsu
tốt lành để hỏi câu hỏi này,
và anh thực sự chờ nơi
Thầy câu trả lời.
Thầy nhắc anh về những
giới răn liên quan đến tha nhân.
Đây là những điều anh đã
biết, và hơn nữa,
anh thú nhận mình đã giữ
chúng từ khi còn nhỏ (c. 20).
Thầy Giêsu như bị cuốn
hút bởi con người đạo đức của anh.
Đưa mắt nhìn anh, Thầy
đem lòng yêu mến (c. 21).
Đúng là anh đã không làm
hại gì đến tha nhân.
Nhưng anh còn thiếu một
điều quan trọng, đó là:
Đi. Bán những gì mình có.
Cho người nghèo.
Rồi đến. Và theo Thầy
Giêsu.
Thầy mời anh đi một vòng,
rồi trở lại.
Lúc trở lại với Thầy, anh
sẽ nhẹ hơn nhiều,
vì mọi của cải đã được
phân phát cho người nghèo khó.
Thầy Giêsu muốn anh trở
nên môn đệ của mình,
sau khi đã trở nên tay
trắng, không còn gì để nương tựa.
Anh thanh niên sẽ có kho
tàng trên trời,
khi anh được giải phóng
khỏi kho tàng của anh dưới đất.
Tiếc thay anh đã từ chối
lời mời của vị Thầy có lòng mến anh,
và đã chỉ cho anh điều
phải làm.
Lúc nãy anh chạy đến với
Thầy, bây giờ anh lại bỏ đi (c. 22).
Lúc nãy anh háo hức, vui
tươi, bây giờ anh sa sầm nét mặt.
Anh không ngờ Thầy lại
đòi hỏi tận căn đến thế.
Anh mong sự sống vĩnh
cửu, anh thích làm môn đệ Thầy Giêsu,
nhưng anh lại không muốn
bỏ chỗ dựa là của cải đời này.
Lòng gắn bó với của cải
đã là một trở ngại khiến anh mất tự do.
Không phải vì anh chiếm
hữu nhiều của cải,
nhưng thực ra, vì của cải
đã chiếm hữu anh.
Thầy Giêsu chắc còn buồn
hơn anh thanh niên,
vì Thầy bị mất một người
mà Thầy ưng gọi làm môn đệ.
Đến bao giờ anh thanh
niên mới nguôi ngoai nỗi buồn?
Lời mời của Thầy tốt lành
vẫn đeo đuổi tâm trí anh.
Anh vẫn suốt đời thiếu
một điều.
Khi về nhà, khi tiếp xúc
với của cải dư dật,
có khi nào anh lại thao
thức đặt câu hỏi :
Tôi phải làm gì để được
thừa hưởng sự sống đời đời?
Có khi nào anh nghĩ đến
chuyện chia sẻ cho người nghèo?
Có khi nào anh lại muốn
đến với Thầy Giêsu?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho
tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần
nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý
là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG HAI
Khát Khao Kết Hợp Mật
Thiết Với Đức Kitô
Trong suốt cả Mùa
Chay, lời mời gọi này của phụng vụ vẫn âm vang trong lòng chúng ta: “Hãy nhớ rằng
người là tro bụi, và người sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Nếu chúng ta đủ khiêm
tốn nhìn nhận thân phận của mình, chúng ta có thể nhận hiểu tính khẩn thiết
trong tiếng gọi của Thiên Chúa: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Ước gì tiếng gọi đó vẫn
luôn đồng hành với chúng ta mỗi ngày trong suốt Mùa Chay. Ước gì tiếng gọi đó
làm thay đổi cách nghĩ của chúng ta, thay đổi cách cư xử của chúng ta. Uớc gì
tiếng gọi đó thúc giục chúng ta biết khao khát cầu nguyện nhiều hơn nữa và kết
hiệp với Đức Kitô mật thiết hơn nữa trong chính nội tâm của mình. Ước gì tiếng
gọi đó giúp chúng ta nhận hiểu nhu cầu phải hy sinh và tiết chế. Ước gì – đối với
chúng ta – tiếng gọi đó của Thứ Tư Lễ Tro trở thành vừa là một đòi hỏi của con
tim vừa là một ân phúc dồi dào nhận được từ Thiên Chúa. Ước gì tiếng gọi đó
thúc đẩy chúng ta biết chú ý đến các nhu cầu của người khác: bạn hữu, gia đình
và cả những người ở xa. Ước gì tiếng gọi đó thôi thúc tất cả chúng ta dấn thân
thực hiện những công việc từ thiện cụ thể.
Một Mùa Chay nữa lại đến.
Đây là “thời gian thuận tiện” để quay về với Thiên Chúa. Đây là “ngày cứu độ”.
Tuy nhiên, ‘thuận tiện” hay “cứu độ” đến mức nào còn tùy thuộc vào thái độ đáp
trả của chính chúng ta.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 27 -2
Hc 17, 20-28; Mc
10, 17-27.
Lời Suy Niệm: “Thưa Thầy nhân
lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
Tất cả mọi con người
đang sống trên trần gian này đều ý thức được rằng cuộc sống ở đời này dù đang sống
bất cứ trong hoàn cảnh nào đi nữa cũng chỉ là đời sống tạm mà thôi. Cần phải chọn
cho mình một đường đi để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Điều này Chúa
Giêsu đã chỉ dạy cho mỗi người chúng ta là phải biết hy sinh những gì mình đang
có để giúp cho người nghèo.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn biết chia sẻ của cải và lương thực cho nhau, đặc biệt đối với
những người nghèo khó, bị bỏ rơi bên lề xã hội, để được sống xứng đáng với phẩm
giá và nhân vị của mình.
Mạnh Phương
27 Tháng Hai
Ðám Ðông Dưới Chân Thập Giá
Một trong những bức
tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, sống vào thế kỷ 17,
đó là bức tranh "Ba Thập Giá". Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút
ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa
Giêsu trỗi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà
gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét. Tác giả như muốn nói rằng không trừ
một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giêsu.
Nhìn kỹ vào đám
đông, người ta thấy có một gương mặt gần như mất hút vào trong bóng tối, nhưng
một vài nét cũng đủ để cho các nhà chuyên môn chẩn đoán rằng đó chính là khuôn
mặt của danh họa Rembrandt. Tại sao giữa đám đông của những kẻ đang đằng đằng
sát khí khi tham dự vào cuộc thảm sát Chúa Giêsu, Rembrandt lại chen vào khuôn
mặt của mình? Câu trả lời duy nhất mà người ta có thể đưa ra giải thích về sự
hiện diện của tác giả giữa đám người lý hình: đó là ý thức tội lỗi của chính
ông. Rembrandt muốn thú nhận rằng chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc
treo Chúa Giêsu lên thập giá. Và qua sự có mặt của ông, tác giả cũng muốn nói với
mỗi người chiêm ngắm bức tranh rằng: họ cũng dự phần vào việc đóng đinh Chúa
Giêsu.
Dưới cái nhìn lịch sử
thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hành động tội ác của những
người Do Thái và La Mã cách đây hai ngàn năm. Phêrô đã chối bỏ Ngài. Philatô đã
rửa tay để chối bỏ trách nhiệm của ông. Những người Do Thái đã cuồng tín kêu
gào đóng đinh Ngài vào thập giá. Các binh sĩ La Mã đã đánh đập, hành hung Ngài
và cuối cùng treo Ngài lên thập giá.
Dưới cái nhìn của người
có niềm tin, thì cái chết của Ðức Kitô trên thập giá là một Mầu Nhiệm. Mầu Nhiệm
bởi vì chúng ta lkhông thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải
qua một thân phận đớn đau như thế? Mầu Nhiệm bởi vì một cách nào đó, người có
niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy. Chúng ta
tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của
chúng ta mà Ngài đã phải bị treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay,
cho dầu cách xa hai ngàn năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả
hoặc chính một cái đóng đinh vào thân thể Ngài. Khi chúng ta chối bỏ người anh
em, khi chúng ta đối xử tệ bạc với người anh em, khi chúng ta chối bỏ chính
mình mà quên sự đau khổ của người xung quanh, đó chính là lúc chúng ta dự phần
vào việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập giá.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét