Phỏng vấn bá Anne-Marie Pelletier về các bài suy niệm
buôỉ đi Đáng Thánh Giá
Phỏng vấn bà Anne-Marie Pelletier, tác giả các bài suy niệm
buổi đi đàng Thánh Giá tối thứ sáu Tuần Thánh
Các bài suy niệm trong buổi đi đàng Thánh Giá ngày thứ sáu
Tuần Thánh tại đấu truờng Colosseo năm nay do bà Anne-Marie Pelletier, chuyên
viên Thánh Kinh người Pháp soạn thảo. Bà đã muốn dành nhiều chỗ cho nữ giới
trong các suy niệm của mình, bằng cách trích các tác phẩm của thánh nữ Catarina
thành Siena, Etty Hillesum, và trong số các chứng nhân của thời đại chúng ta bà
nhắc tới các đan sĩ Tibhirine. Trong nỗi khổ đau của Chúa Giêsu ngày nay người
ta nhận ra các khổ đau của mọi nạn nhân nam nữ của bạo lực, của các trẻ em bị
hãm hiếp, hạ nhục, tra tấn và ám sát.
Sau đây chúng tôi xin gủi tới quý vị bài phỏng vấn bà dành
cho phóng viên Tiziana Campisi của chương trình ý ngữ đài Vaticăng.
Hỏi: Thưa bà Anne-Marie bà đã có cảm tường gì khi được mời
viết các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá của ĐTC Phanxicô tại hí trường
Colosseo tối thứ sáu Tuần Thánh?
Đáp: Tôi đã rất ngạc nhiên và bị lạc hướng, và tự hỏi tại
sao mình lại phải viết các lời được đọc trong một lúc quan trọng như thế trong
phụng vụ của Giáo Hội. Ban đầu tôi hơi hoảng hốt bởi tư tưởng phải dùng các lời
của mình để diễn tả mầu nhiệm Thập Giá, điều mà Chúa Kitô định nghĩa là giờ của
Ngài – nghĩa là thực tại có thể cảm nhận nhất, định đoạt nhất – và dùng các lời
ấy nhân danh Giáo Hội công giáo, làm sao để từng người có thể nhận ra họ trong
đó. Rồi tâm tình đầu tiên này biến thành một niềm vui lớn với tư tưởng là năm
nay một phụ nữ lên tiếng trong các suy niệm của Đường Thánh Giá tại Colosseo.
Tôi đã lập tức trực giác rằng đây là một dịp lớn cho các phụ nữ, nhưng cũng là
cho Giáo Hội. Nói cho cùng, một biến cố, khá tự nhiên, nếu ta nghĩ rằng trong
các đoạn Tin Mừng về cuộc Khổ Nạn có các phụ nữ, và còn hơn thế nữa nhất là các
phụ nữ ở lại dưới chân Thập Giá, và trong lúc Phục Sinh, ngay từ ban đầu, lại
cũng có các phụ nữ. Như vậy, tất cả các biến cố này đều gắn liền một cách mật
thiết với sự hiện diện của nữ giới, và đối với tôi xem ra là điều tự nhiên tiếng
nói của một phụ nữ có thể diễn giải suy niệm của Giáo Hội trong buổi đi
Đàng Thánh Giá này.
Hỏi: Đâu là các đề tài bà muốn khai triển trong buổi đi
Đàng Thánh Giá này?
Đáp: Tôi đã không nghĩ tới điều tôi muốn nói hay điều tôi đã
muốn thông truyền. Tư tưởng của tôi đã là ở trên con đường này, tìm bước theo
Chúa Giêsu lên đồi Golgotha. Đây là một chiều kích tư tưởng của Thiên
Chúa chứ không phải của chúng ta, vì thế tôi đã tìm có môt thái độ lắng nghe và
thinh lặng để đi tới một mâu thuẫn ngoại thường cho chính tôi và cho người
khác, mâu thuẫn được hiện thực trong giờ của cuộc Khổ Nạn, điều mà Thánh Kinh định
nghĩa là giờ chưa từng được nghe của Thiên Chúa, và nó đụng chạm một cách mạnh
mẽ và sâu xa toàn hoạt động của thế giới hiện đại của chúng ta.
Hỏi: Mười bốn chặng đường Thánh Giá của bà là các chặng
truyền thống. Tại sao bà lại có lựa chọn này?
Đáp: Tôi đã đi từ sự kiện Đường Thánh Giá có các quy chiếu
khác nhau và không có một lược đồ bắt buộc nào, và tôi đã chọn các lúc đối với
tôi xem ra chúng đặc biệt có ý nghĩa. Vì thế tôi đã quyết định đưa vào cả biến
cố Phêrô chối Chúa, và cảnh quan Philatô sau khi hội ý với quyền bính Do thái
cũng tuyên bố Đức Kitô phải bị đóng đanh. Đối với tôi thật rất là quan trọng
muốn nhớ lại trong trạng huống này rằng người Do thái và người ngoại giáo đồng
loã với nhau trong việc kết án tử Chúa Giêsu. Chúng ta biết rằng trong dòng lịch
sử các kitô hữu đã bị cám dỗ gán trách nhiệm liên quan tới cái chết của Chúa
Kitô cho dân Do thái. Tuy nhiên, các văn bản như đã được viết ra, giúp chúng ta
hiểu rằng thật ra chúng ta đang đứng trước một thảm kịch tinh thần khổng lồ, trong
đó người Do thái và người ngoại giáo hiệp nhất trong cùng một việc khước
từ Chúa Kitô, trong cùng bạo lực đưa tới việc kết án tử Ngài. Ngoài ra, tôi
cũng nghĩ rằng trong chặng trong đó Chúa Giêsu bị lăng nhục, chế nhạo và khiêu
khích bởi các tư tế và lính tráng, thách đố “hãy tự cứu lấy mình” ở trong con
tim của tất cả mọi người, bao gồm cả các kitô hữu nữa. Chúa Kitô Đấng đã cứu
thoát tất cả mọi người nam nữ trong sự tuyệt vọng và trong bệnh tật của họ,
trong lúc này không biểu lộ quyền năng của Ngài và tất cả các hình ảnh liên
quan tới sự toàn quyền của Thiên Chúa sụp đổ trong lúc của cuộc Khổ Nạn. Tất cả
mọi dấu chỉ bị đảo lộn. Điều chúng ta gọi là quyền lực được vén mở hiện diện
trong sự yếu đuối tột cùng, trong sự bất lực của Chúa Kitô bị đóng đanh vào Thập
Giá. Vì vậy đối với tôi xem ra quan trọng dừng lại trên lúc này của cuộc Khổ Nạn
và mời gọi suy gẫm nó.
Hỏi: Các suy gẫm của bà lấy hứng từ đâu?
Đáp: Một cách nền tảng tôi sẽ nói chúng lấy hứng từ kinh
nghiệm tín hữu của tôi, từ kinh nghiệm của cuộc chiến đấu của đức tin. Bởi vì
khi chúng ta đứng trước - như trong trường hợp của cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu
- đứng trước tư tưởng tuyệt đối này của Thiên Chúa, mỗi người trong chúng
ta đều cảm thấy lạc lõng và khó bước vào cái luận lý của Thánh Kinh của cái “đã
phải như thế”. Đây đã là sự quen thuộc của tôi với cái luận lý đó, được
miêu tả trong bài thánh thi mà chúng ta tìm thấy trong thư gửi tín hữu
Philiphê - một trong các văn bản tôi ưa thích - “Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa
vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy
thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7). Văn bản
đã giúp tôi bước vào lắng nghe các biến cố của Đường Thánh Giá.
Hỏi: Thưa bà, đâu là chặng trong đó bà cảm thấy mình sống
nó nhất?
Đáp: Thật khó trả lời. Mỗi chặng đều nói lên một điều gì đó
mạnh mẽ và định đoạt. Có lẽ chặng ông Simong vác đỡ thánh giá Chúa, bởi vì tôi
đã bị đánh động bởi các chi tiết tôi đã không bao giờ ghi nhận trước đó. Chúa
Giêsu ngã xuống đất, giao thoa với môt người qua đường, và ông ta bị lính bắt
buộc vác Thập Giá. Ông Simong người thành Cirene là một người Libi, và tôi nhận
ra rằng ông ta không thuộc những người đợi chờ sự an ủi của Israel, như Phúc Âm
nói. Ông được giới thiệu với chúng ta như một người bất ngờ giao thoa con đường
của Chúa Kitô, và như thế xa lạ với các biến cố đang xảy ra. Ông đứng trước một
người bị kết án, thân thể bầm dập vì bị tra tấn, mặt biến dạng không còn hình
tượng người ta nữa, như sách ngôn sứ Isaia nói về người tôi tớ. Nhưng Simong
Cirene không quay nhìn về phiá bên kia, ông đơn sơ chấp nhận giúp Chúa
Giêsu. Đối với tôi, ở đây chúng ta đứng trước một cử chỉ rất đánh động,
tôi sẽ nói là thuộc các cử chỉ mà Vasilij Grossman lấy lại tư tưởng của triết
gia Emmanuel Lévinas gọi là “lòng tốt nhỏ bé”, nghĩa là sự chuyển động cuả lòng
cảm thương trước nỗi khổ đau của người khác. Ông Simong thành Cirene đã biết có
phản ứng đơn sơ này cứu giúp Chúa Giêsu trong lúc đó, mà không biết là mình gặp
gỡ con đường của Con Thiên Chúa. Tất cả những điều đó theo tôi minh nhiên
tốt Phúc Âm thánh Mátthêu nói rằng khi lịch sử kết thúc nhân loại sẽ bị phán xử
bởi khả năng có các cử chỉ trợ giúp và cảm thương đối với người ngoại kiều, đối
với ai trần trụi hay tù nhân. Nói cách khác, mỗi người đã thực thi lòng cảm
thương như thế, cả khi không ý thức là đã săn sóc thân mình của Chúa
Kitô, và vì thế bước vào trong sự cứu rỗi mà Thiên Chúa trao ban.
Hỏi: Có một sứ điệp mà bà muốn trao ban qua các văn bản
suy niệm của bà hay không?
Đáp: Một cách nền tảng tôi đã tìm gây ý thức trên sự kiện
các biến cố thê thảm của cuộc Khổ Nạn có cái gì nhân bản: Chúa Kitô bị kết án tử,
bị đặt dưới bạo lực của loài người. Các biến cố như thế dậy chúng ta rằng
chúng ta phải thành công đạt điều mà ĐTC Phanxicô gọi là “niềm vui của Tin Mừng”.
Chúng ta đang đứng trước thực tại của một sự thất bại, của khổ đau chiến
thắng, của vương quốc sự chết. Nhưng như là kitô hữu chúng ta được dẫn đưa tới
chỗ khám phá ra rằng trong tất cả những điều đó có chiến thắng của Thiên Chúa
trên tội lỗi, trên bạo lực, trên cái chết. Đó là lý do tại sao Đàng Thánh Giá
cũng phong phú lời cầu nguyện tạ ơn. Tôi nghĩ rằng trong thế giới chúng
ta đang sống ngày nay - một thế giới bị sự dữ và cái chết tống tiền - thật là
quan trọng ý thức rằng là kitô hữu là trái nghịch với sự tống tiền ấy của bạo lực,
cái chết và ý thức rằng tình yêu mạnh hơn. Tình yêu thương đến từ
Thiên Chúa chiến thắng mọi sự. Tôi nghĩ rằng kitô hữu ngày nay có bổn phận
làm chứng cho điều này.
Hỏi: Trong các suy niệm bà cũng trích thánh nữ Catarina
thành Siena và Etty Hillesum nữa, có đúng thế không?
Đáp: Vâng, đúng thế. Ngoài hai phụ nữ này cũng có tiếng nói
của các người khác trong các suy niệm của tôi. Đối với tôi thật là quan trọng
làm vang vọng lên tiếng nói của cả hai người, cũng như tiếng nói của Dietrich
Bonhoeffer, của các đan sĩ Tibhirine hay của thần học gia chính thống Christos
Yannaras. Thật ra, tôi nghĩ rằng toàn nhân loại được mời gọi trên đồi Golgotha
và đương nhiên là toàn thể Giáo Hội nữa, trong sự khác biệt của nó. Như thế,
chúng ta tất cả cùng nhau bước đi trên con đường này, hướng tới sự hiểu
biết những gì xảy ra dọc con Đường Thập Giá.
Hỏi: Các đan sĩ Tibhirine được nhắc tới trong một lúc đặc
biệt có phải thế không?
Đáp: Phải, bởi vì thảm cảnh của bạo lực kìm kẹp nhân loại,
là thảm cảnh của các người vô tội chịu đựng bạo lực ấy và thảm cảnh của Chúa
Kitô cùng với họ. Nhưng các đan sĩ Tibhirine dậy chúng ta rằng bạo lực của kẻ
khác - khiến cho chúng ta sợ hãi và có thể nghiền nát chúng ta – thực ra là một
bạo lực ở trong trái tim mỗi một người, và vì thế lời cầu nguyện đích thực là
được giải thoát khỏi bạo lực của các người khác, nhưng cả bạo lực của chính
chúng ta nữa. Cả điều này nữa đối với tôi xem ra quan trọng phải nhấn mạnh,
qua lịch sử của các đan sĩ Tibhirine.
Hỏi: Trong chặng cuối cùng bà đã nêu bật sự hiện diện của
các phụ nữ, có đúng vậy không?
Đáp: Vâng. Tôi đã muốn rằng chặng thứ 14 được dành cho thứ bẩy
Tuần Thánh. Tin Mừng chỉ cống hiến cho ngày đó ít lời và các lời này liên quan
tới các phụ nữ. Đó là các phụ nữ đã từ mộ trở về sau khi liệm xác Chúa Giêsu, họ
đi chuẩn bị vải để có thể cuốn xác Chúa sau ngày Shabát. Cả khi phụng vụ của
chúng ta không dành một vang vọng lớn cho nó, nhưng tôi nghĩ rằng Thứ Bẩy Tuần
Thánh là một lúc nền tảng. Nó là lúc cầm trí, thinh lặng; nó chuẩn bị cho chúng
ta nhận biết sự phục sinh. Và nó cũng là một lúc nữ tính, cho thấy các phụ nữ bị
thử thách bởi cái chết của Chúa Giêsu, đồng thời họ tiếp tục có một thái độ của
sự sống: họ chuẩn bị vải để đi thờ kính xác Chúa Kitô và họ có một thái độ rất
khác với thái độ của các môn đệ làng Emmaus. Các môn đệ này thất vọng và lạc hướng,
trái lại các phụ nữ không cho thấy như vậy, họ chuẩn bị vải một cách đơn sơ, và
như thế sẵn sàng tiếp nhận sự ngạc nhiên lớn lời loan báo của sự Phục Sinh.
(SD 8-4-2017)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét