Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

10-07-2017 : THỨ HAI - TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN

10/07/2017
Thứ Hai tuần 14 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) St 28, 10-22a
"Ông thấy một cái thang dựng đứng, thấy các thiên thần lên xuống trên thang, và nghe Thiên Chúa phán".
Trích sách Sáng Thế.
Trong những ngày ấy, ông Giacóp ra khỏi xứ Bersabê, đi sang thành Haran. Khi ông tới một nơi kia, mặt trời đã lặn, ông muốn ngủ đêm lại đó, nên ông lấy một hòn đá nơi ấy mà gối đầu và ngủ tại đó. Ông chiêm bao thấy một cái thang, chân thang chấm đất và đầu thang chạm đến trời: các thiên thần lên xuống trên thang ấy.
Chúa ngự trên đầu thang và phán rằng: "Ta là Thiên Chúa Abraham tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa Isaac: Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi đất ngươi đang ngủ đây. Dòng dõi ngươi sẽ đông đúc như bụi trên mặt đất. Ngươi sẽ tràn sang đông, tây, nam, bắc, và nhờ ngươi và dòng dõi ngươi, mọi dân tộc trên thế giới này sẽ được chúc phúc. Bất cứ ngươi đi đâu, Ta sẽ gìn giữ ngươi và Ta sẽ dẫn ngươi vào đất này: Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta đã thi hành điều Ta hứa với ngươi".
Khi Giacóp tỉnh giấc mộng, ông nói: "Quả thực Chúa ngự nơi này mà tôi không biết". Ông run sợ mà nói rằng: "Nơi này đáng kinh hãi là dường nào! Ðây chẳng khác gì đền của Thiên Chúa và cửa thiên đàng". Sáng ngày Giacóp chỗi dậy, ông lấy hòn đá đã dùng gối đầu mà dựng lên làm bia ghi dấu, rồi đổ dầu lên trên. Ông gọi tên thành ấy là Bêthel, khi trước thành này gọi là Luza.
Giacóp đã khấn rằng: "Nếu Thiên Chúa ở với con và gìn giữ con trên đường con đang đi, ban cho con cơm ăn áo mặc, và nếu con trở về nhà cha con bằng yên, thì Chúa sẽ là Thiên Chúa của con và hòn đá con dựng lên làm bia ghi dấu đây sẽ gọi là Nhà của Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 90, 1-2. 3-4. 14-15ab
Ðáp: Lạy Chúa con, con tin cậy ở Ngài (c. 2b).
Xướng: 1) Bạn sống trong sự che chở của Ðấng Tối Cao, bạn cư ngụ dưới bóng của Ðấng Toàn Năng, hãy thưa cùng Chúa: "Chúa là chiến lũy, nơi con nương náu; lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài".- Ðáp.
2) Vì chính Ngài sẽ cứu bạn thoát lưới dò của kẻ bẫy chim, và thoát khỏi quan ôn tác hại. Ngài sẽ che chở bạn trong bóng cánh của Ngài, và dưới cánh Ngài, bạn sẽ nương thân: lòng trung tín của Ngài là mã giáp và khiên thuẫn. - Ðáp.
3) Vì người quý mến Ta, Ta sẽ giải thoát cho, Ta sẽ che chở người bởi lẽ người nhìn biết danh Ta. Người sẽ kêu cầu Ta và Ta sẽ nhậm lời; Ta sẽ ở cùng người trong lúc gian truân. - Ðáp.

Alleluia: Tv 144, 14cd
Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 18-26
"Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến, nó sẽ sống lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đang nói, thì có một vị kỳ mục kia đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống lại". Chúa Giêsu chỗi dậy, và cùng với các môn đệ, đi theo ông ấy. Và này có người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm, tiến lại đàng sau Người và chạm đến gấu áo Người. Vì bà nghĩ thầm rằng: Nếu tôi được chạm đến áo Người thôi, thì tôi sẽ được khỏi. Chúa Giêsu ngoảnh lại, trông thấy bà ta, liền phán rằng: "Này con, hãy vững lòng. Ðức tin của con đã cứu thoát con". Và người đàn bà được khỏi bệnh.
Khi Chúa Giêsu đến nhà vị kỳ mục, và thấy những người thổi kèn và đám đông đang xôn xao, thì bảo rằng: "Các ngươi hãy lui ra, con bé không có chết đâu, nó ngủ đó thôi". Họ liền nhạo cười Người. Và khi đã xua đám đông ra ngoài, Người vào cầm tay đứa bé và nó liền chỗi dậy. Tin này đồn đi khắp cả miền ấy.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Thiên Chúa Yêu Thương Con Người
Với tựa đề: "Nơi Chúa, họ tin tưởng", tuần báo Kinh Tế Viễn Ðông số tháng 6/1996 dành hai trang để nói về sự hồi sinh tôn giáo tại Việt Nam. Tựa đề của bài báo lấy lại dòng chữ mà người Mỹ vốn cho in trên đồng tiền của họ: "Nơi Chúa, chúng tôi đặt tin tưởng". Nếu với người Mỹ, Chúa là một ngôi vị cá biệt, thì Chúa theo tạp chí Kinh Tế Viễn Ðông lại là thể hiện của một nhu cầu tôn giáo cơ bản nhất của con người, không gì có thể dập tắt nổi.
Con người khao khát Thiên Chúa, hay đúng hơn Thiên Chúa đã tạo dựng con người, với nỗi khao khát vô biên ấy. Con người không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Ngài. Thiên Chúa yêu thương con người, tình yêu của Ngài vượt trên mọi thước đo, mọi dự đoán, mọi tưởng tượng của con người, đó là tất cả những gì Chúa Giêsu đã đến để mạc khải cho con người.
Tin Mừng hôm nay ghi lại một vài cử chỉ của Chúa Giêsu đối với con người: một vị kỳ mục đến xin Ngài cứu đứa con vừa chết, người đàn bà mắc bệnh loạn huyết chi khấn thầm và sờ đến gấu áo của Ngài, cả hai đại diện của đủ mọi tầng lớp mà Chúa Giêsu gặp gỡ hàng ngày. Ngài không loại trừ bất cứ hạng người nào, bất cứ giai cấp nào trong xã hội, bởi vì tất cả đều là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa. Vị kỳ mục đã tìm đến với Chúa, người đàn bà đã len lỏi giữa đám đông để sờ vào Ngài, đó là hình ảnh của sự tìm kiếm mà con người không ngừng thực hiện để đến với Chúa. Nhưng thật ra, chính Thiên Chúa mới là Ðấng đi bước trước để đến với con người. Phép lạ đã diễn ra như một kết quả của lòng tin: "Ðức tin của con đã cứu chữa con", nhưng cũng chính niềm tin đã giúp con người khám phá ra phép lạ Thiên Chúa không ngừng thực hiện vì yêu thương con người.
Qua một cơn hải trình cam go, những người có niềm tin đã nhìn vào sự sống sót của mình như một phép lạ của tình thương. Những giờ phút hãi hùng trong cuộc sống, những thử thách phải trải qua, những đau khổ phải gánh chịu, đó là những phách mạnh trong bản trường ca về tình yêu Thiên Chúa. Có trải qua những giờ phút ấy, chúng ta mới nhận ra được cánh tay đỡ nâng của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một đức tin sáng suốt để chúng ta không ngừng nhận ra tình yêu của Chúa và dâng lời cảm tạ Chúa.

Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 14 TN1, Năm lẻ
Bài đọcGen 28:10-22; Mt 9:18-26.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa quan tâm đến cuộc sống con người.
Nhiều người trong chúng ta tự hỏi: Làm sao Thiên Chúa có thể nghe một lúc biết bao những lời cầu xin dâng lên Ngài, và làm sao Ngài có thể nhớ hết những lời cầu xin này mà ban ơn? Kinh Thánh chứng minh: nhiều lần Thiên Chúa dùng các thiên thần như những sứ giả để chuyển đến Ngài những lời cầu xin của con người, và chuyển đến con người những mệnh lệnh của Thiên Chúa. Các thiên thần hộ thủ là những người có bổn phận trực tiếp với con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm đến con người, nhất là trong những lúc lo âu, tuyệt vọng, và chết chóc. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật giấc mơ chiếc thang bắc từ đất lên tới trời, với sứ thần của Thiên Chúa lên xuống trên chiếc thang này để làm những sứ giả giữa Thiên Chúa và con người. Trong giấc mơ, Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac; đồng thời Ngài cũng hứa sẽ bảo vệ Jacob ở mọi nơi và trong tất cả việc ông làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chữa lành hai bệnh nhân "không sạch:" Một người bị băng huyết nhưng với một niềm tin vững mạnh tới và sờ vào tua áo của Ngài. Một em bé đã chết, nhưng nhờ lòng tin của người cha, đã được Chúa Giêsu cho sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa xác tín lời chúc lành của Isaac cho Jacob.
1.1/ Giấc mơ chiếc thang của Jacob: Trình thuật kể: "Jacob ra khỏi Beer Sheba và đi về Haran. Cậu đến một nơi kia và nghỉ đêm tại đó vì mặt trời đã lặn. Cậu lấy một hòn đá ở nơi đó để gối đầu và nằm ngủ ở đó. Cậu chiêm bao thấy một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các sứ thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống."
Jacob đang trên đường trốn chạy Esau, anh ông; vì ông đã theo kế hoạch của mẹ, tước đoạt quyền trưởng nam của Esau. Jacob sợ anh sẽ kiếm kế trả thù, nên phải chạy trốn để bảo toàn tính mạng. Chiêm bao là một cách thường xuyên Thiên Chúa dùng để mặc khải ý định của Ngài, như chúng ta sẽ thấy được dùng thường xuyên trong trình thuật của Giuse, con của Jacob. Chiếc thang được dùng để nối kết giữa Trời và đất; và các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Họ đem lệnh truyền từ Thiên Chúa xuống con người và dâng lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu nhắc lại biến cố chiếc thang nối liền giữa trời và đất này cho Nathanael; trong đó, Chúa Giêsu ví mình như chiếc thang mà các thiên thần sẽ lên xuống (Jn 1:51). Lời hứa của Thiên Chúa với Jacob gồm hai phần.
- Phần thứ nhất, Thiên Chúa lặp lại lời Ngài đã hứa với Abraham và Isaac về việc ban Đất Hứa và con đàn cháu đống: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Abraham, tổ phụ ngươi, và là Thiên Chúa của Isaac. Đất ngươi đang nằm, Ta sẽ ban cho ngươi và giòng dõi ngươi. Giòng dõi ngươi sẽ nhiều như bụi trên đất; ngươi sẽ lan tràn ra khắp đông tây nam bắc. Nhờ ngươi và giòng dõi ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc."
- Phần thứ hai là lời hứa của Thiên Chúa sẽ bảo vệ Jacob: "Này Ta ở với ngươi; ngươi đi bất cứ nơi nào, Ta sẽ giữ gìn ngươi, và Ta sẽ đưa ngươi về đất này, vì Ta sẽ không bỏ ngươi cho đến khi Ta hoàn thành điều Ta đã phán với ngươi." Qua lời hứa này, Thiên Chúa muốn chứng tỏ cho Jacob biết Ngài không bị giới hạn vào không gian hay thời gian; Jacob không phải lo sợ bất cứ một kẻ thù nào cả. Lời hứa này được thực hiện khi Jacob sang Ai-cập đoàn tụ với Giuse, con mình, và khi chết được mang về an nghỉ trong phần đất của tổ tiên mà Thiên Chúa đã hứa.
Khi Jacob tỉnh giấc, ông nói: "Quả thật, có Đức Chúa ở nơi này mà tôi không biết!" Đất Canaan mà Jacob đang nằm là vùng đất của Dân Ngoại. Nêu lên điều này, tác giả Sách Sáng Thế muốn chứng minh chỉ có Thiên Chúa của Do-thái là Thiên Chúa thật. Ngài hiện diện ở mọi nơi, ngay cả những vùng được coi là chỗ linh thiêng của Dân Ngoại.
1.2/ Hành động của Jacob sau khi tỉnh giấc mơ.
(1) Đặt tên cho nơi đó là Bethel: Jacob phát sợ và nói: "Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác." Sáng hôm sau, Jacob dậy sớm, lấy hòn đá cậu đã gối đầu, dựng lên làm trụ và đổ dầu lên đầu trụ. Cậu đặt tên cho nơi đó là Bethel; trước đó, tên thành ấy là Luz. Sự kiện đặt viên đá và đổ dầu lên trên là hành động thánh hiến nơi thánh như thánh đường chúng ta hay làm hiện nay. Nhà của Thiên Chúa sẽ được dựng nên tại Bethel, và trở thành Đền Thờ của vương quốc Israel sau này. Bethel chỉ cách Jerusalem khoảng 10 km về phía Nam, và là một vị thế chiến lược rất quan trọng.
(2) Lời khấn hứa của Jacob cũng gồm hai phần:
+ Phần của Thiên Chúa: Ông khấn: "Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an... "
+ Phần của Jacob: "Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Thiên Chúa, và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười." Thói quen dâng cúng một phần mười lợi tức cho Thiên Chúa, được mô tả rõ ràng trong Sách Lêvi, có nguồn gốc từ đây.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu hy sinh việc giữ Lề Luật để chữa lành cho hai bệnh nhân không sạch.
2.1/ Chúa chữa lành người đàn bà bị loạn huyết: Luật không cho phép đụng vào người phụ nữ đang bị chảy máu như người đàn bà này, vì không sạch (Lv 15:25). Có lẽ vì lý do để tránh cho Chúa Giêsu trở thành không sạch "cách công khai," mà một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Chúa Giêsu, và sờ vào tua áo của Người, vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu!"
Trong trình thuật dài hơn của Marcô, Chúa Giêsu quay lại hỏi "Ai đã sờ vào áo Ta?" Trình thuật của Matthew chỉ tường thuật phần sau của câu truyện: Chúa Giêsu quay lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
2.2/ Chúa cho con gái viên thủ lãnh đã chết được sống lại: Luật cũng không cho phép đụng vào xác chết, ai đụng vào xác chết sẽ trở thành không sạch. Biết như thế, nhưng một vị thủ lãnh vẫn đến gần bái lạy Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống." Đức Giêsu đứng dậy đi theo ông ấy, và các môn đệ cũng đi với Người.
Đức Giêsu đến nhà viên thủ lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói: "Lui ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Nhưng họ chế nhạo Người. Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi dậy.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa hằng quan tâm đến cuộc sống của con người. Chúng ta hãy luôn giữ thái độ tin tưởng và cầu xin với Ngài trong mọi trạng huống của cuộc đời: khi vui cũng như lúc sầu khổ.
- Chúng ta không bao giờ được phép tuyệt vọng cho dù hoàn cảnh có bi đát đến đâu chăng nữa. Nếu Thiên Chúa có thể cho kẻ đã chết sống lại, không gì là không thể đối với Ngài.
- Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa: Ngài luôn bảo vệ con cái Ngài dù họ lưu lạc bất cứ nơi nào.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


10/07/17    TH HAI TUN 14 TN
Mt 9,18-26

TIẾP XÚC VỚI NGUỒN SỰ SỐNG


“…Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu là nó sẽ sống… Tôi chỉ cần sờ vào được tay áo của Ngài thôi là sẽ được cứu….” (Mt 9,18.21)

Suy niệm: Với quyền năng siêu việt, Thiên Chúa có thể thực hiện những điều kỳ diệu, mà không cần qua trung gian, cũng chẳng cần những tiếp xúc đụng chạm. Thế nhưng, Thiên Chúa vô hình lại muốn con người nhận biết Ngài và được cứu độ qua Con Một của Ngài nhập thể làm người, nhờ đó con người dễ dàng tiếp xúc gặp gỡ Ngài cách hữu hình, và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, cũng như được Ngài thi ân giáng phúc. Chứng từ của người đàn bà bị bệnh hoại huyết mười hai năm được khỏi bệnh và của em bé đã tắt thở được hồi sinh chứng thực rằng hễ ai được Ngài đụng chạm đến, sẽ được chữa lành, được cứu sống.
Mời Bạn: Một trong những căn bệnh của thế giới ngày nay là coi thường những tiếp xúc. Sau khi về trời, Chúa Kitô tiếp tục hiện diện với con người qua các bí tích. Ngài muốn gặp gỡ tiếp xúc với con người, mong được con người đáp trả. Thế mà, nhiều Ki-tô hữu chủ trương giữ đạo tại tâm, không cần đến các bí tích. Sống đạo như thế là tự tách mình ra khỏi nguồn mạch sự sống là Chúa Ki-tô.

Chia sẻ: Việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích, nhất là Thánh Thể đem lại lợi ích gì cho cuộc sống?

Sống Lời Chúa: Thường xuyên gặp gỡ Chúa qua Lời Ngài và qua các bí tích, nhất là Thánh Thể và Hoà giải.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa mong muốn được tiếp xúc với chúng con và Chúa đang mong chờ sự đáp trả. Xin ban thêm cho chúng con lòng yêu mến, để chúng con siêng năng gặp gỡ Chúa qua các bí tích. Amen.
(5 phút Lời Chúa)

Cm ly tay (10.7.2017 – Th hai Tun 14 Thường niên)
Bàn tay là điu kỳ diu Thiên Chúa tng ban cho con người. Bao ân sng đến vi tôi qua bàn tay đón ly Mình Thánh Chúa. Bao điu tt đp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nh.


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của những bàn tay.
Vị thủ lãnh của hội đường có cô con gái mới chết,
nhờ ai đó giới thiệu, ông lật đật chạy đến với Đức Giêsu.
Lòng tin của ông thật là mạnh, diễn tả qua câu nói:
“Xin Ngài đến đặt bàn tay lên cháu, là nó sẽ sống” (c. 18).
Ông tin Đức Giêsu có thể cho con ông được hoàn sinh.
Ông mời Ngài đến nhà mình chỉ để làm một chuyện là đặt bàn tay.
Đặt bàn tay trên một xác chết còn ấm để làm cho nó sống lại.
Như thế ông tin vào uy quyền của Đức Giêsu, thể hiện qua bàn tay.
Ngài cũng là một ngôn sứ như Êlia hay Êlisa trong Kinh Thánh.
Các vị này đều có khả năng hoàn sinh kẻ chết (1V 17, 17-24; 2V 4, 32-37).
Đức Giêsu đã mau mắn nhận lời đến nhà ông.
Ngài hiểu được nỗi đau của một người cha khi mất đứa con gái nhỏ.
Khi đến nhà thì đám tang đã bắt đầu với những người thổi kèn,
và một đám đông hiếu kỳ gây ồn ào náo động.
Đức Giêsu tiến vào nhà và bảo người ta lui ra khỏi phòng của cô bé:
“Con bé có chết đâu, nó đang ngủ đấy!” (c. 24).
Khi đám đông bị tống ra rồi, thì Ngài đi vào nơi cô bé nằm.
Ngài không đặt bàn tay trên cô như yêu cầu của người cha.
Nhưng Ngài cầm lấy bàn tay cô bé, và cô bé đã trỗi dậy (c. 25).
Ngài đã đụng đến một xác chết và Ngài đã làm cho nó phục sinh.
Đám tang trở thành đám tiệc, làm sao cảm được niềm vui của người cha?
Đức Giêsu đem sự sống trở lại, để sự sống thắng cái chết.
Trên đường đến nhà vị thủ lãnh, một phụ nữ bị băng huyết đến gặp Ngài.
Không gặp diện đối diện, nhưng bà lén đến từ phía sau lưng,
bởi lẽ căn bệnh lâu năm này đã làm cho bà ra ô uế, không được đụng đến ai.
Cũng như vị thủ lãnh, bà có một niềm tin sắt đá:
“Tôi chỉ cần sờ được vào áo choàng của Ngài thôi, là sẽ được cứu” (c. 21).
Chẳng phải bà tin vào sức mạnh của cái áo choàng như một thứ ma thuật,
nhưng bà tin vào quyền năng của người mặc chiếc áo đó.
Bà đã dám đưa tay ra và sờ vào tua áo choàng của Ngài (c. 20).
Đức Giêsu nhận ra cái đụng chạm đầy lòng tin của bà.
Chính Ngài quay lại, thấy bà và bắt đầu trò chuyện.
“Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu con” (c. 22).
Lòng tin của bà đã được nhìn nhận, và bà được cứu từ giờ ấy.
Ơn chữa lành đến từ một bàn tay dám đưa ra chạm đến Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là về chuyện của những bàn tay.
Bàn tay quyền năng của Đức Giêsu, bàn tay lạnh giá của cô bé nằm đó,
bàn tay rụt rè, e ngại, nhưng cũng rất quả quyết của người phụ nữ ốm đau.
Bàn tay là điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người.
Bao ân sủng đến với tôi qua bàn tay đón lấy Mình Thánh Chúa.
Bao điều tốt đẹp tôi trao cho tha nhân qua bàn tay bé nhỏ.
Chỉ mong tay tôi đừng bị ô nhơ và đừng khép lại trước người đang xin.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10 THÁNG BẢY
Hậu Quả Cay Đắng Của Sự Tự Do Sai Quấy
Trên hành trình đào sâu nhận thức về mầu nhiệm quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta thường phải đối diện với vấn nạn này: Nếu Thiên Chúa hiện diện và điều hành mọi sự, thì làm sao con người có thể tự do được? Và nhất là, đâu là ý nghĩa và vai trò của tự do trong đời sống chúng ta? Và đâu là hậu quả cay đắng của tội lỗi gây ra do sự tự do sai quấy? Làm sao có thể hiểu tất cả những điều này trong ánh sáng của sự quan phòng thần linh?
Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Công Đồng Vatican I: “Tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo thành thì Ngài giữ gìn và điều khiển với sự quan phòng của Ngài – sự quan phòng mở rộng từ chân trời này đến chân trời kia và cai quản mọi sự một cách tốt đẹp (Kn 8,1). Mọi sự đều phơi bày rõ ràng trước mắt Ngài (Dt 4,13), kể cả những gì diễn ra trong sáng kiến tự do của tạo vật” (DS 3003).
Mầu nhiệm quan phòng thần linh tác động trên tất cả thế giới tạo vật một cách thâm sâu. Trong tư cách là một diễn tả của sự khôn ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, kế hoạch quan phòng đến trước chính công cuộc sáng tạo. Trong tư cách là một diễn tả quyền lực của Thiên Chúa, nó hướng dẫn và triển khai công cuộc ấy. Một cách nào đó, chúng ta thậm chí có thể nói rằng sự quan phòng được thực hiện trong chính công việc của nó. Đó là một sự quan phòng siêu việt, nhưng đồng thời nó cũng hiện diện trong mọi sự. Điều này áp dụng cho giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta vừa mới nhắc lại trên đây, nhất là khi vận dụng vào con người với lý trí và tự do của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-7
St 28, 10-22a; Mt 9, 18-26.

Lời suy niệm: “Một vị thủ lãnh đến gần bái lạy Người và nói: Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên cháu, là nó sẽ sống.”
Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta nghe được hai câu chuyện: Câu chuyện đầu tiên là có một vị thủ lãnh có người con gái đã chết, đến bái lạy Chúa Giêsu, xin Người đến đặt tay trên cháu để cháu được sống. Câu chuyện thứ hai là một người đàn bà mang bệnh loạn huyết đã 12 năm, cố sờ vào gấu áo của Người. Cho chúng ta thấy được: vị thủ lãnh và người đàn bà đến với Chúa với sự bất toàn, nhưng cả hai đều đặt trọn niềm tin vào quyền năng yêu thương của Chúa Giêsu, cả hai đều đã toại nguyện.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con vững tin vào quyền năng yêu thương tha thứ của Chúa, để chúng con đặt trọn niềm tin vào Chúa, biết chạy đến bái lạy Chúa để những bất toàn nơi chúng con cũng được Chúa làm cho thành toàn.
Mạnh Phương


10 Tháng Bảy
Lời Lãi Cả Thế Gian Ðể Làm Gì?
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một hướng đi cho cuộc đời: đó là nguồn hạnh phúc lớn lao cho con người.
Thông thường, những kẻ than thân trách phận, những con người bất mãn trong cuộc sống, những kẻ chán đời, không phải là những kẻ nghèo khổ, những người kiếm cơm kiếm gạo từng ngày, mà chính là những con người dư dả, giàu sang.
Thi sĩ Anh, Lord Byron, mặc dù sống trên nhung lụa, vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằn, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù có một đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang, vẫn phải thốt lên: "Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa của cuộc sống là vô nghĩa và khởi đầu của cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn".
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ thứ 19, sau một quãng đời sống trong nhung lụa và vinh quang, đã ghi lại trong tập nhật ký của mình nhân ngày sinh 83 như sau: "83 năm của đời tôi đã đi qua, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và chán chường khi nhìn lại quá khứ".
Tại sao những con người trên đây đã tỏ ra đắng cay và thất vọng về cuộc sống? Thưa là bởi vì họ đã không tìm ra được mục đích của cuộc đời. Một cuộc đời không có mục đích thì chẳng khác nào một công trình xây dựng không đồ án. Với tất cả mọi vật liệu, nhưng nếu không có đồ án, người ta không thể kiến thiết được bất cứ công trình nào.
Một cuộc sống không có mục đích, một cuộc sống không có lý tưởng thường cũng chỉ kéo theo cay đắng, buồn sầu, bất mãn... Chúa Giêsu đã chẳng nói với chúng ta: "Lời lãi cả thế gian để làm gì, nếu để mất linh hồn?".Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, phúc cho những ai hiền lành, phúc cho những ai khóc lóc, phúc cho những ai đói khát công chính, phúc cho những ai có lòng thương xót, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai kiến tạo hòa bình, phúc cho những ai bị bách hại vì Nước Trời... Trước khi công bố Hiến Chương của Hạnh Phúc ấy, Chúa Giêsu hẳn phải là con người hạnh phúc. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này.
Ngài đã sống như một con người đau khổ. Ngài đã không trốn chạy khỏi đau khổ. Ngài đã không cất lấy đau khổ khỏi cuộc đời này.
Hạnh phúc của Ngài chính là tiếp nhận đau khổ, là đi vào cõi chết, nhưng không tiếp nhận đau khổ và đi vào cõi chết như một ngõ cụt, trái lại khai thông con đường dẫn đến sự sống. Cuộc đời đã có một hướng đi. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét