25/08/2017
Thứ Sáu tuần 20 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) R
1, 1. 3-6. 14b-16. 22
"Bà Nôêmi cùng
nàng dâu người Moab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem".
Khởi đầu sách truyện
Bà Ruth.
Khi các quan án cầm
quyền, thì dưới thời một quan án kia, trong xứ xảy ra nạn đói kém. Có một người
thành Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa, đem vợ và hai con sang cư ngụ trong miền Môab.
Và Elimêlech, chồng bà
Nôêmi, qua đời, để bà lại với hai con. Hai con bà cưới hai thiếu nữ Môab làm vợ:
một tên là Orpha, còn người kia tên là Ruth. Họ chung sống ở đó được mười năm,
thì cả hai người chồng là Mahalon và Kêlion cũng qua đời, còn lại mình bà Nôêmi
không chồng con. Bấy giờ bà Nôêmi cùng với hai nàng dâu định bỏ đất Môab trở về
quê hương, vì nghe nói Chúa thương dân Người, và ban cho họ lương thực.
Bà Orpha hôn mẹ chồng
và ở lại đó. Còn bà Ruth thì đi theo mẹ chồng. Bà Nôêmi bảo bà Ruth rằng:
"Kìa, chị dâu con đã ở lại với dân mình và các thần minh của họ, con hãy ở
lại với chị con". Bà Ruth thưa lại rằng: "Xin mẹ đừng bắt con bỏ mẹ
mà ở lại, vì mẹ đi đâu thì con cũng đi theo đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của
con, và Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con".
Vậy bà Nôêmi cùng nàng
dâu người Môab là bà Ruth, từ nơi di cư trở về thành Bêlem, vào đầu mùa gặt
lúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 145, 5-6. 7.
8-9a. 9bc-10
Ðáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Phúc thay
người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên
Chúa của mình: Người là Ðấng đã tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng
đang chứa đựng. - Ðáp.
2) Người là Ðấng trả lại
quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu
gỡ những người tù tội. - Ðáp.
3) Thiên Chúa mở mắt
những kẻ đui mù. Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên
Chúa yêu quý các bậc hiền nhân, Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. - Ðáp.
4) Thiên Chúa nâng đỡ
những người mồ côi quả phụ, và làm rối loạn đường lối đứa ác nhân. Thiên Chúa sẽ
làm vua tới muôn đời. Sion hỡi, Thiên Chúa của ngươi sẽ làm vua tự đời này sang
đời khác. - Ðáp.
Alleluia: Mt 11, 25
Alleluia, alleluia! -
Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã mạc khải những mầu nhiệm
nước trời cho những kẻ bé mọn. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu
mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt
phái nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau
lại. Ðoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy,
trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?" Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng:
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết
trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai
cũng giống giới răn ấy, là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.
Toàn thể lề luật và sách các tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Giới Răn Yêu
Thương
Tuần báo Newsweek số
ra ngày 10/8/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ tại Nhật, đó là "Sư
máy". Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ: đầu
cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu
kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi đưa lên, một tay thì gõ mõ. Mỗi vị sư máy có thể
cầu kinh không biết mỏi mệt, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái
Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này được đưa ra nhằm đáp ứng cho nhu cầu
ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy
nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận: những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một
điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương.
Yêu thương là đặc điểm
của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là yêu thương. Chỉ
có con người được tạo dựng theo và giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực
sự được mời gọi yêu thương mà thôi.
Tin Mừng hôm nay nhắc
lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người. Trả lời cho thắc mắc của luật sĩ,
Chúa Giêsu đã thu tóm tất cả lề luật thành một giới răn duy nhất là mến Chúa và
yêu người. Hai mệnh lệnh này là một giới răn duy nhất, bởi vì không thể kính mến
Chúa mà lại ghét bỏ hình ảnh của Ngài là con người, cũng như không thể yêu
thương con người mà lại không nhận ra và yêu mến Thiên Chúa là nguồn mạch tình
yêu chân thật. Tách biệt hai mệnh lệnh ấy là chối bỏ tình yêu. Các luật sĩ và
các biệt phái thời Chúa Giêsu quả là những người đạo đức: họ ăn chay, cầu nguyện
và tỏ ra yêu mến Thiên Chúa hơn ai hết; thế nhưng Chúa Giêsu đã điểm mặt họ là
những kẻ giả hình, bởi vì lòng yêu mến Chúa nơi họ không được thể hiện bằng
tình yêu đối với tha nhân. Chúa Giêsu còn gọi họ là những mồ mả tô vôi, bên
ngoài thì bóng loáng, nhưng bên trong thì thối rữa. Có thể so sánh thái độ giả
hình ấy với một người máy: người máy có thể làm được nhiều cử chỉ ngoạn mục,
nhưng không có một tâm hồn để yêu thương thực sự.
Yêu thương là kiện
toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của Ðạo. Ði Ðạo, sống Ðạo, giữ
Ðạo, xét cho cùng chính là yêu thương; không yêu thương thì con người chỉ còn
là một thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người đã suốt đời sống và suy
tư về tình yêu, vào cuối đời, ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức:
"Thiên Chúa là Tình Yêu", và ngài dẫn giải: "Ai nói mình yêu mến
Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối, bởi vì kẻ không yêu thương
người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Ðấng nó không thấy".
Nguyện xin cho cuộc sống
của chúng ta ngày càng được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Ðạo là
Yêu Thương.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Sáu Tuần 20 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Ruth
1:1, 3-6, 14b-16, 22; Mt 22:34-40.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Mến Chúa, yêu người.
Ngày xưa, khi còn ở Việt-nam,
các con dâu rất sợ mẹ chồng và sợ làm dâu cho gia đình chồng, vì có những bà mẹ
chồng rất khắc nghiệt. Họ quan niệm phải trả thù con dâu, vì ngày xưa khi làm
dâu, họ cũng từng bị đối xử như vậy. Ngày nay, bên các xứ Âu Mỹ này, các mẹ chồng
lại sợ con dâu, và nhiều còn gọi là "bà dâu." Họ sợ con dâu bầy ra những
lý do để cho họ vào viện dưỡng lão, và nhất là sợ con dâu sẽ ly dị để con trai
mình phải ở góa. Cả hai thái cực đều quá đáng, và cả mẹ chồng lẫn con dâu Công
Giáo cần phải thay đổi thái độ. Khi đối xử với nhau xung khắc như thế, họ đã
không giữ giới răn "mến Chúa yêu người" như Chúa dạy. Ngoài ra, họ
còn đặt con trai hay người chồng của họ vào vị thế phải điên đầu chọn lựa giữa
"bên tình, bên hiếu." Chọn bên nào cũng không được vì Thiên Chúa đòi
phải chọn cả hai.
Các Bài Đọc hôm nay
cung cấp các chất liệu cho mọi người, cách riêng mẹ chồng con dâu, những chất
liệu để suy tư. Trong Bài Đọc I, tác giả cho chúng ta một mẫu gương tuyệt vời về
mối liên hệ giữa mẹ chồng Naomi và con dâu Ruth. Bà Naomi phải cư xử với con
dâu đặc biệt thế nào, đến nỗi khi con trai của Bà chết rồi mà nàng Ruth có thể
thưa với Bà: "Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về không theo mẹ nữa, vì mẹ
đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của
mẹ là Thiên Chúa của con." Trong Phúc Âm, khi một kinh sư đến hỏi thử Chúa
Giêsu: "Thưa Thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn trọng
nhất?" Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng hai giới răn: Mến Chúa, yêu người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa
của con.
1.1/ Hoàn cảnh đáng
thương của bà Naomi: Tác giả kể: "Vào
thời các thủ lãnh cai trị, một nạn đói xảy ra trong xứ. Có một người cùng với vợ
và hai con trai bỏ Bethlehem miền Judah mà đến ở trong cánh đồng Moab. Rồi ông
Elimelech, chồng bà Naomi, chết đi, còn lại bà Naomi và hai đứa con. Hai người
này lấy vợ Moab, một người tên là Orpah, người kia tên là Ruth. Họ ở lại đó chừng
mười năm. Rồi Mahlon và Chilion cả hai đều chết, còn lại bà Naomi mất chồng, mất
con."
Không thể sống trong cảnh
góa bụa nơi đất khách quê người, bà Naomi quyết định bỏ cánh đồng Moab để trở về
quê hương là Bethlehem, vì Bà nghe nói là Đức Chúa đã viếng thăm dân Người và
cho họ có bánh ăn ở đó.
1.2/ Sự trung thành và
kính mến mẹ chồng của bà Ruth.
(1) Lời khuyên của bà
Naomi cho hai nàng dâu người Moab: Trước khi lên đường, bà Naomi gọi hai người
con dâu tới mà nói với họ: vì hai con trai của Bà đã chết, và Bà cũng chẳng có
người con trai nào nữa cho họ kết hôn; nên họ không có bổn phận phải đi theo
Bà. Họ có thể ở lại quê hương của họ và tái hôn như lòng họ mong muốn.
(2) Phản ứng của hai
nàng dâu ngoại quốc: Hai người con dâu lại oà lên khóc. Orpah ôm hôn từ giã mẹ
chồng, còn Ruth thì cứ khắng khít theo bà. Bà Naomi nói: "Kìa chị dâu con
trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu
con mà về đi!" Ruth đáp: "Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không
theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của
con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con."
Đây là một lời khuyên
xứng đáng được người Do-thái cho vào lịch sử vì những lý do sau:
+ Tình cảm đặc biệt giữa
mẹ chồng và nàng dâu: Mối liên hệ này thường không tốt đẹp. Để nàng Ruth có thể
thốt lên những lời này, nhất là khi chồng nàng không còn nữa, đòi bà Naomi phải
chiếm được cảm tình đặc biệt của con dâu mình.
+ Mối liên hệ giữa người
Do-thái và người Moab: Truyền thống Do-thái có thói quen khinh thường mọi dân tộc
khác; họ không muốn có liên hệ gì với những người dân ngoại. Để nàng Ruth có thể
thốt lên câu "dân của mẹ là dân của con,'' đòi bà Naomi đối xử với con dâu
mình như một người Do-thái. Hơn nữa, đây cũng là điềm tiên báo khi Đấng Cứu Thế
đến, sẽ không còn chia cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại như thánh Phaolô mô
tả.
+ Tình người giữa hai
mẹ con dẫn nàng Ruth tới chỗ chấp nhận "Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của
con." Cuộc sống của bà Naomi đã trở nên gương sáng cho nàng Ruth biết và
tin vào Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Hai điều răn quan trọng nhất
2.1/ Kính mến Thiên Chúa
trên hết mọi sự: Khi nghe tin Đức Giêsu đã
làm cho nhóm Sadducees phải câm miệng, thì những người Pharisees họp nhau lại.
Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa
Thầy, trong sách Luật Moses, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức
Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết
linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ
nhất."
Đây là điều răn thứ nhất
trong Thập Giới mà Thiên Chúa ban cho người Do-thái qua ông Moses trên núi
Sinai. Người Do-thái gọi điều răn này là Shema; và để cho khỏi
quên, họ viết vào giấy rồi đeo nó trên đầu như thẻ kinh, và đựng vào hai cái hộp
nhỏ để đeo trên hai cánh tay mỗi khi cầu nguyện. Ngoài ra họ còn dán trên cửa
nhà và cửa thành, để nhắc nhở cho những ai qua lại phải nhớ. Một giới răn quan
trọng và được dán khắp mọi nơi như thế, mà các kinh-sư và biệt-phái còn hỏi
Chúa Giêsu! Chúng ta không tìm thấy lý do nào khác ngoài lý do họ khinh thường
Chúa.
Điều răn này tuy dễ để
nhớ, nhưng không dễ để thi hành, cho cả người Do-thái xưa lẫn các Kitô hữu ngày
nay. Người Do-thái biết phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng vẫn đúc
bê vàng để thờ hay chạy theo các thần ngoai bang khác. Người tín hữu ngày nay vẫn
đặt các thứ thần khác lên trên Thiên Chúa như các thần: tiền, danh vọng, chức
quyền, khoái lạc ... Họ có thể bỏ lễ Chủ Nhật hay các việc thờ phượng để làm việc,
coi football, đi du lịch ...
2.2/ Yêu người thân cận
như chính mình: "Còn điều răn thứ hai,
cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả
Luật Moses và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." Hai luật
"mến Chúa, yêu người" không thể tách rời nhau, nhưng bổ xung cho
nhau. Thánh Gioan tuyên bố: Ai nói mình mến Chúa mà không yêu anh em là kẻ nói
dối, và sự thực không có nơi người ấy.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Khi con dâu thương mẹ
chồng là nàng thương chồng. Điều răn thứ tư dạy phải thảo hiếu cả bố mẹ ruột lẫn
bố mẹ chồng; đừng ích kỷ chỉ biết thảo hiếu bố mẹ ruột của mình mà thôi.
- Khi mẹ chồng thương
con dâu là thương con trai mình. Các bà mẹ đừng bao giờ để con trai mình phải
chọn giữa mẹ và vợ. Thiên Chúa muốn con mình vừa phải thảo hiếu cha mẹ, vừa phải
trung thành với vợ cho đến chết.
- Kính mến Thiên Chúa
là phải yêu thương tha nhân và giữ các giới răn của Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
25/08/17 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Thánh Lu-y
Mt 22,34-40
ĐIỀU RĂN LỚN NHẤT
“Thưa
Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?” (Mt 22,36)
Suy niệm: Cũng đặt vấn nạn về điều
răn lớn nhất, nhưng Tin Mừng theo Lu-ca cho ta một câu hỏi lý thú và sâu sắc:
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Lc
10,25). Câu trả lời của Đức Giê-su cho thấy điều răn quan trọng nhất và có ý
nghĩa nhất trong toàn bộ cuộc sống con người là điều răn yêu thương: yêu thương
Thiên Chúa trước hết và trên hết, rồi đến yêu thương người lân cận như Đức
Giê-su đã yêu thương ta. Yêu mến Chúa nên yêu thương người lân cận, và yêu
thương người lân cận chứng tỏ ta có lòng yêu mến Chúa. Chính lòng yêu thương
Chúa và tha nhân ấy làm ta trở nên giống Chúa, được chia sẻ phẩm chất của Ngài,
nghĩa là có sự sống đời đời như Ngài.
Mời bạn nhìn
và thử nhẩm tính xem có bao nhiêu phận người, là có bao nhiêu cuộc đời, với nhiều
phương cách diễn tả tình yêu mến: gia đình, bạn bè, hàng xóm, già – trẻ... Nếu
“mỗi giây phút trong cuộc sống không sống
trong tình yêu Thiên Chúa là một khoảnh khắc mất đi, một hành động không có ý
nghĩa khi không được hoàn tất trong tình yêu Thiên Chúa,.. Các bạn là dấu hiệu
của tình yêu Thiên Chúa mọi nơi, mọi lúc.” (O. Benzi).
Sống Lời Chúa: Hôm nay, khi bắt đầu làm việc gì, tôi đặt hết lòng
mình vào công việc với lòng yêu mến Thiên Chúa và với ý hướng phục vụ anh chị
em.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi thời khắc
trong cuộc sống của con, nếu đong đầy và thấm nhuần tình yêu với Chúa và mọi
người, thì tốt đẹp biết bao! Xin khơi dậy và giúp con làm triển nở tình yêu mà
Chúa đã gieo vào cuộc sống con hôm nay. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Điều răn trọng nhất (25.8.2017 – Thứ sáu Tuần 20 Thường niên)
Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu. Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em. Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Suy niệm:
Theo truyền thống hội
đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.
365 điều cấm làm và 248
điều phải làm.
Giữa một rừng điều răn
như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:
“Điều răn nào trọng nhất
trong Luật Môsê?” (c. 36).
Đức Giêsu đã trả lời bằng
một câu trong kinh Shema,
kinh mà người Do thái
phải đọc mỗi ngày.
“Ngươi phải yêu
mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
với tất cả trái tim
ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).
Và Ngài còn thêm một điều
răn thứ hai nữa (c. 39).
“Ngươi phải yêu
mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).
Tất cả Luật Môsê nằm
trong hai điều răn đó.
Hai điều răn được gói
trong một động từ yêu.
Mọi điều cấm làm và mọi
điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.
Các bạn trẻ thường nghĩ
yêu là chuyện dễ.
Nhưng yêu với tất cả trái
tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,
nghĩa là yêu với trọn cả
con người mình, thì điều đó không dễ.
Đối với người Do thái,
trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.
Yêu mến Thiên Chúa bằng
tất cả trái tim của mình
là để cho Ngài chi phối
mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.
Tất cả đều nhằm làm cho
Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.
Yêu người thân cận như
chính mình cũng là điều rất khó.
Có bao người làm chúng ta
đau khổ và bị xúc phạm.
Yêu thương và tôn trọng
họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.
Nhưng chúng ta cũng dễ
coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.
Chúng ta lạnh lùng trước
nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,
đôi khi dùng tha nhân như
phương tiện lót đường để ta tiến thân.
Nói chung, dù yêu Chúa
hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,
trao đi chính mình và
chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.
Đức Giêsu đã tóm Luật
Môsê trong động từ yêu mến.
Và Ngài đã hoàn thiện
Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.
Kitô hữu chẳng những yêu
mến Thiên Chúa với trọn con người mình,
mà còn được mời yêu mến
Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,
trên mọi của cải, trên
những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.
Kitô hữu là người mang
mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,
“Đấng đã yêu mến tôi và
hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),
đến nỗi họ có thể tuyên
xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”
Đức Giêsu cũng không chỉ
đòi yêu tha nhân như chính mình.
Ngài còn đòi ta phải yêu
như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).
Một tình yêu tha thứ đến
vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,
một tình yêu phục vụ như
người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.
Kitô hữu tự bản chất là
người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.
Tình yêu đích thực với
Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.
Tình yêu đối với anh em
lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.
Chỉ mong đời tôi đong đưa
giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.
Cầu nguyện:
Con đã yêu Chúa quá muộn màng!
Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa
cổ kính,
vừa luôn mới mẻ,
con đã yêu Chúa quá muộn
màng!
Bấy giờ Chúa ở trong con
mà con thì ở ngoài,
con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.
Con thật hư hỏng,
khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.
Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con
mà con lại không ở với Chúa.
Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,
trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.
Chúa đã gọi con, đã gọi to
và phá tan sự điếc lác của con.
Chúa đã soi sáng
và xua đi sự mù lòa của con.
Chúa đã tỏa hương thơm ngát
để con được thưởng thức,
và giờ đây hối hả quay về với Chúa.
Con đã nếm thử Chúa
và giờ đây con đói khát Người.
Chúa đã chạm đến con,
nên giờ đây con nóng lòng
chạy đi tìm an bình nơi Chúa.
(Thánh Âu-Tinh)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
25 THÁNG TÁM
Một Kế Hoạch Hoạt Động
Mục Vụ
Đâu là ý nghĩa của cuộc
họp Thượng Hội Đồng bất thường 1985? Hai mươi năm sau ngày bế mạc Công Đồng, thật
hữu ích – hay đúng hơn, thật cần thiết – việc nhìn lại chiều hướng của Giáo Hội.
Điều này càng đặc biệt đúng bởi vì chúng ta đã chứng kiến một số xu hướng hay
những giải thích về Vatican II có thể dẫn chúng ta đi lạc ra khỏi con đường đã
được Công Đồng hoạch định cho chúng ta.
Và đó chính là chỉ nam
căn bản cho kỳ Thượng Hội Đồng, một biến cố thu hút rất nhiều sự chú ý của giới
truyền thông và chiếm được sự quan tâm lớn lao của công luận. Như tôi đã nhấn mạnh
vào dịp bế mạc kỳ Thượng Hội Đồng, tinh thần tập thể của các giám mục được biểu
lộ một cách đặc biệt đậm nét trong tiến trình của kỳ Thượng Hội Đồng.
Trong biến cố quan trọng
này, chúng ta đã trông thấy Giáo Hội – qua các giám mục – đã qui tụ lại để tái
xác nhận công cuộc to lớn của Công Đồng Vatcan II. Hai mươi năm sau khi Vatican
II bế mạc, các giám mục tụ họp lại để xem xét các kết quả của Công Đồng, để xem
Giáo Hội đã triển khai những sáng kiến và những chỉ dẫn của Vatican II như thế
nào suốt hai thập kỷ qua. Chúng ta nhận thấy cần phải dừng lại để suy tư – nhờ
đó có thể đánh giá một cách khách quan tình trạng của Giáo Hội trong ánh sáng của
Lời Chúa và với sự giúp đỡ của ơn Chúa.
Chúng ta đã qui tụ lại
với sự tỉnh thức mới mẻ trong Thánh Thần để chúng ta có thể nhận ra “các dấu chỉ
của thời đại” và phác họa một kế hoạch hoạt động mục vụ dựa theo tinh thần hàm
chứa trong các văn kiện Công Đồng. Chúng ta muốn nhận ra những gì mình đã thực
sự đạt được và những bước nào còn phải được xúc tiến để thực hiện công cuộc lớn
lao này của Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 25- 8
Thánh Luy. Thánh Giuse Calasanz, linh mục
R 1, 1.3a-6.14b-16.22; Mt 22, 34-40.
Lời suy niệm: Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”
Mặc dầu những người Pharisêu và thông luật đến hỏi Chúa Giêsu để thử Người. Nhưng Chúa Giêsu vẫn kiên trì trong việc giáo huấn. Về điều răn đứng đầu và quan trọng nhất, Người dẫn chứng trong Sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những điều này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng.” (Đnl 6,5-6). Còn điều răn thứ hai Người trích dẫn Sách Lêvi: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.” (Lv 19,8).
Lạy Chúa Giêsu. Kính Chúa và yêu người. Chúa đã gom lại như là một điều luật. Xin cho tất cả chúng con chu toàn lề luật này để được Chúa yêu và chúng con biết yêu nhau như Chúa yêu chúng con.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
Gương Thánh Nhân
Ngày 25-8 - Thánh LUY
(1214 - 1270)
Thánh Luy sinh ngày 25 tháng 4 năm 1214. Cha Ngài là vua Luy VIII và mẹ Ngài là bà Blanche de Castille. Ngài được rửa tội tại Poissy. Để ghi nhớ ơn phúc rửa tội, Ngài thường ký tên là Luy de Poissy.
Ngay từ tuổi ấu thơ, Luy đã được hấp thụ từ nơi người mẹ thánh thiện và đầy nghị lực một nền giáo dục hoàn hảo. Chúng ta sẽ còn nhớ mãi lời khuyên mà người mẹ đạo đức đã nói với con mình: - Con ơi, mẹ yêu con trên hết mọi sự, nhưng mẹ thà thấy con chết ngay bây giờ trước mặt mẹ, còn hơn thấy con phạm một tội trọng mất lòng Chúa.
Năm Luy lên 12 tuổi vua cha từ trần, sau 3 năm trị vì. Ngài lên nối ngôi cha. Vì từ nhỏ tuổi mẹ Ngài nắm quyền nhiếp chính. Để bảo đảm, vị thái hậu tinh tế này đã đưa con tới Reims để được phong vương ngày 01 tháng 12 năm 1226. Nhưng điều bà tiên đoán đã xảy ra. Nhiều lãnh Chúa đã chống lại quyền cai quản của thái hậu. Họ không tới dự lễ phong vương. Trong hoàn cảnh này, thái hậu Blanche đã tỏ ra có tâm hồn cương nghị, quyết đương đầu với mọi thử thách. Cũng trong thời gian đầy sóng gió này, ưu tư lớn lao nhất của bà là huấn luyện lòng đạo đức cho người con yêu quí của mình.
Năm lên 20 tuổi, Luy vâng lời mẹ kết hôn với quận công Marguerite miền Provence. Quận công cũng là người nổi tiếng về lòng đạo đức, tinh thần và sắc đẹp. Châm ngôn của nàng là:
- Hoàng hậu của trần gian nhưng là tớ nữ của trời cao.
Năm sau, khi tới tuổi trưởng thành, Luy lãnh lấy quyền cai quản quốc gia. Những người nặng tinh thần thế tục, nghĩ rằng một khi thoát ách của thái hậu, Luy sẽ thông minh theo nếp sống lạc thú xa hoa. Họ lầm. Vua thánh Luy lại càng tỏ ra đạo đức hơn. Hàng ngày Ngài trung thành đọc kinh nhật tụng, tham dự thánh lễ và thăm viếng các nhà thương. Ngoài những ngày giữ chay theo luật buộc, Ngài ăn chay suốt mùa vọng, mọi thứ sáu trong năm và mọi ngày vọng mừng Đức Mẹ.
Có người kêu trách nếp sống đạo đức của Ngài, lấy lẽ rằng nó làm hại cho việc nước. Thánh nhân trả lời: - Nhiều người kỳ cục quá, họ cho việc siêng năng cầu nguyện của ta là một trọng tội và rồi họ sẽ chẳng nói năng gì nếu ta để giờ đi săn bắn vui chơi.
Đi đôi với lòng đạo đức, vua thánh Luy còn bày tỏ lòng thương người một cách đặc biệt. Mỗi chiều thứ bảy, Ngài có thói quen rửa chân cho một số người nghèo khổ tật bệnh và mời họ ăn cơm do chính Ngài thủ tiếp. Vị đại thần bực bội vì thói quen này. Một lần kia Ngài hỏi ông: - Một là bị phong cùi, hai là phạm một tội trọng ngươi chọn đàng nào ?
Viên quan trả lời : - Hạ thần thích 30 tội trọng hơn là bị cùi
Và vua trả lời : - Ngươi dại dột quá, nhà ngươi không biết rằng: còn có một bệnh nào ghê tởm bằng tội trọng, vì phạm tội trọng thì giống hệt như quỉ sứ.
Lòng quảng đại của Vua Luy còn lan rộng tra ngoài biên giới quốc gia. Vua Baudoin II, hoàng đế Contantinôple xin vua Luy trợ giúp và để đền ơn, ông đã biếu cho thánh Luy những báu vật liên quan đến cứu thế, như mão gai mà quân lính đã đội đầu Chúa Giêsu.
Thần dân dưới quyền vua thánh thiện được hưởng an bình thịnh vượng. Dầu vậy ngay vào năm 1242, Hugues de Lusingan nổi loạn, chống lại nhà vua, với sự trợ giúp của đứa con ghẻ là Henry III, vua nước Anh Vua Luy tỏ ra là một người có khả năng lãnh đạo, Ngài đã dẹp tan cuộc nổi loạn với chiến thắng ở Taillebourg.
Cùng với chí can trường, vua Luy còn triệu tập đoàn binh thánh giá hai năm sau đó. Cuộc xuất chinh mang lại thành quả ban đầu với chiến thắng tại Damietta, miền Châu thổ sông Nil. Nhưng vào tháng 4 năm 1250 Ngài trở thành kẻ chiến bại và bị bắt làm tù binh. Được thả, thánh nhân qua Palestina cho đến khi mẹ Ngài qua đời ngày 26 tháng 11 năm 1252, Ngài mới trở về tiếp tục công cuộc trị nước.
10 năm sau, vua Luy xuất chinh lần thứ hai. Tháng 7 năm 1270 Ngài cùng binh sĩ từ Aigues Mortes tới Africa. Nhưng ít tuần sau đó, Ngài mắc bệnh đậu lào và qua đời tại Tunis ngày 15 tháng năm 1270. Một đời sống với Chúa, thánh Luy đã chết trong bình an với lời nguyện dâng mình: - Con tiến vào nhà Chúa, con sẽ tôn thờ Chúa trong thánh điện Ngài và con sẽ tôn vinh danh Chúa.
(daminhvn.net)
25 Tháng Tám
Giấc Mơ Của Một Thi
Sĩ
Thi sĩ Sully
Prudhomme, người Pháp đã có lần tưởng tượng ra một giấc mơ như sau:
Ông mơ thấy một nhà
nông bảo ông hãy cầm cày lấy đất, trồng lấy lúa, gặt lấy thóc, làm lấy gạo mà
ăn. Ông mơ thấy người thợ dệt bảo ông hãy đánh lấy chỉ, dệt lấy áo mà mặc. Ông
mơ thấy người thợ nề bảo ông hòa lấy vữa, xây lấy nhà mà ở. Còn gì nữa? Ông đã thấy
mọi người bỏ ông, xa lánh ông, để ông trơ trọi với cảnh vật. Ông kinh hãi. Ông
kêu cầu, khẩn hứa nhưng chỉ thấy mãnh thú xuất hiện trên đường.
Có lẽ không có bao
nhiêu người đã mơ giấc mơ nói trên. Nhưng chắc chắn nhiều người chỉ nghĩ đến
mình, tưởng rằng một mình có thể sống giữa vũ trụ, không cần đến ai, không cần
ai giúp đỡ.
Không ai là một hòn đảo.
Chúng ta đều bị ràng buộc với mọi người, chúng ta đổi công việc của chúng ta với
công việc của người khác, chúng ta phụng sự người vì người đã phụng sự chúng
ta.
Nhưng chúng ta không
chỉ sống trong tình liên đới về mặt vật chất. Con người còn liên đới nhau về mặt
hạnh phúc và đau khổ. Không ai hạnh phúc một mình và không ai một mình có thể
chịu nổi sự đau khổ. Nhờ người, ta mới vui và nhờ người, ta mới trút bớt những
cơ cực của ta. Thế giới này quá nặng khiến một người có thể mang nổi và sự khổ
cực của vũ trụ quá lớn cho một trái tim.
Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét