28/08/2017
Thứ hai tuần 21 thường niên
Thánh Âu-tinh, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ
* Thánh nhân sinh năm 354 tại Ta-gát,
châu Phi. Người đã trải qua giai đoạn thanh xuân đầy náo động cả về đạo lý lẫn
cách sống cho tới khi được thánh Am-rô-xi-ô thanh tẩy cho năm 387.
Người trở về quê hương và sống một cuộc đời khắc khổ. Rồi
người được chọn làm giám mục giáo phận Híp-pôn.
Trong suốt ba
mươi bốn năm làm giám mục, người đã tận tụy chăm sóc
đoàn chiên. Nhưng đáng kể nhất là tư tưởng và chứng tá đời sống của người đã
lan tỏa. Người đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và phục vụ
Hội Thánh. Đối với người, Hội Thánh là cộng đoàn tín hữu Híp-pôn và đồng thời
cũng là Thân Thể Chúa Kitô trải rộng khắp thế giới. Người qua đời năm 430.
Bài Ðọc I: (Năm
I) 1 Tx 1, 1-5. 8b-10
"Anh em đã từ
bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, để trông đợi Con của Người, Ðấng mà Người cho
sống lại".
Khởi đầu thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Phaolô, Silvanô và
Timôthêu kính gửi giáo đoàn Thêxalôni-ca trong Thiên Chúa Cha và trong Chúa
Giêsu Kitô. Nguyện chúc cho anh em được ân sủng và bình an.
Tôi hằng tạ ơn Thiên
Chúa cho mọi người anh em; trong khi tôi cầu nguyện, tôi hằng nhớ đến anh em
không ngừng, tôi nhớ đến sự nghiệp của lòng tin, công việc của lòng bác ái, sự
vững lòng trông cậy của anh em vào Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, trước mặt
Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Hỡi anh em là những kẻ
được Thiên Chúa yêu mến, tôi từng biết anh em được Chúa tuyển chọn, bởi vì Tin
Mừng của chúng tôi ở nơi anh em, không phải chỉ với lời nói mà thôi, mà là với
quyền năng, với Thánh Thần, và với lòng xác tín, như khi chúng tôi còn ở giữa
anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em.
Trong mọi nơi, lòng
tin của anh em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói
thêm làm gì nữa. Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào,
và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng
sống và chân thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, (Ðấng mà Người đã
làm cho từ cõi chết sống lại) là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi
cơn thịnh nộ sắp đến.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 149,
1-2. 3-4. 5-6a và 9b
Ðáp: Chúa yêu thương dân Người (c. 4a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng
Chúa một bài ca mới, hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ.
Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân, con cái Sion hãy hân hoan vì vua
của họ. - Ðáp.
2) Họ hãy hoà nhạc để
ngợi khen Người, hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa
yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. - Ðáp.
3) Các tín đồ hãy mừng
rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên
lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. - Ðáp.
Alleluia: 2 Cr 5,
19
Alleluia, alleluia! -
Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hoà thế gian với Người, và đã đặt lời giải
hoà trên môi miệng chúng tôi. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 23,
13-22
"Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình!
Vì các ngươi đóng cửa nước trời không cho người ta vào: vì các ngươi không vào,
mà kẻ muốn vào, các ngươi cũng chẳng để cho vào.
"Khốn cho các
ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi đọc kinh cho dài để
nuốt tài sản của các bà goá, bởi thế, các ngươi sẽ chịu phán xét nặng hơn.
"Khốn cho các
ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình! Vì các ngươi rảo khắp biển khơi
và lục địa, để tìm cho được một người tòng giáo, nhưng khi đã cho người đó tòng
giáo, các ngươi làm cho nó trở thành con cái hoả ngục gấp hai lần các ngươi.
"Khốn cho các
ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà
thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời
thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái
nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị
gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ
đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn?
"Vậy ai lấy bàn
thờ mà thề, thì lấy cả bàn thờ và mọi sự để trên bàn thờ mà thề. Kẻ nào lấy đền
thờ mà thề, thì lấy cả đền thờ và Ðấng ngự trong đền thờ mà thề. Và kẻ nào lấy
trời mà thề, thì lấy ngai toà Thiên Chúa và Ðấng ngự trên ngai toà ấy mà thề".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Kết Án Tội
Mù Quáng
Toàn chương 23 Phúc Âm
thánh Mátthêu ghi lại những lời kết án của Chúa Giêsu đối với các Luật sĩ và Biệt
phái. Nhưng trước khi công bố 7 lời kết án đó, tác giả Mátthêu ghi lại nhận định
chung của Chúa Giêsu (c.1-12): Chúa Giêsu, Ngài đề ra luật sống mới cho tất cả
những ai muốn theo Ngài, Ngài là vị thầy duy nhất thay thế Môsê và các vị thầy
nhân loại khác, Ngài muốn cho các môn đệ đừng rơi vào thái độ của những Luật sĩ
và Biệt phái: mù quáng, giả hình, vụ hình thức, chú trọng đến cái phụ thuộc mà
bỏ quên giáo lý làm linh hồn cho những hình thức bên ngoài.
Ba lời lên án của Chúa
Giêsu trong Tin Mừng hôm nay có cùng một điểm chung là sự mù quáng. Vì mù
quáng, các Luật sĩ và Biệt phái chẳng những không được vào Nước Trời, mà còn cản
trở những ai muốn vào đó; vì mù quáng, họ chỉ muốn khoe khoang lòng nhiệt thành
tông đồ của họ, chứ không thực sự nhằm đến ơn cứu rỗi của những người họ muốn
đưa về cùng Chúa; vì mù quáng, họ thay đổi luật Chúa theo ý riêng để có lợi cho
cá nhân, chứ không thực sự màng đến luật Chúa.
Ðó là ba lời kết án của
Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã tự ví mình như người chăn chiên nhân lành đi tìm
chiên lạc, như thầy thuốc cần cho bệnh nhân, như một Vị Thiên Chúa quyền năng sẵn
sàng tha thứ và giải phóng con người tội lỗi. Thế nhưng, Ngài đã không sợ đưa
ra những lời kết án mạnh mẽ, thẳng thắn: "Khốn cho các ngươi", không
phải vì Ngài không còn lòng nhân từ và tha thứ, nhưng vì sự cứng lòng chai đá của
con người đã đến mức tột cùng; không hoán cải khỏi thái độ giả hình, mù quáng,
lạm dụng tôn giáo, con người không thể hưởng được tình yêu thương nhân từ của
Thiên Chúa.
Ước gì Lời Chúa hôm
nay thức tỉnh chúng ta khỏi thái độ mù quáng, khép kín, tư lợi, và cho chúng ta
biết sống khiêm tốn, chân thành trước mặt Chúa và đối với anh em, để chúng ta xứng
đáng hưởng chúc lành của Chúa.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thánh Augustinô, Tiến Sĩ Hội Thánh
Bài đọc: 1
Jn 4:7-16; Mt 23:8-12
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa là sự thật và tình yêu hoàn hảo nhất.
Để hiểu Lời Chúa hôm nay, tôi thiết nghĩ, tìm hiểu đôi nét về cuộc đời của Thánh
Augustinô sẽ giúp làm sáng tỏ các điều còn ẩn giấu trong đó. Augustinô là một
người rất thông minh và giỏi lý luận. Tuy là người có đạo từ nhỏ, nhưng không
dùng Kinh Thánh để đi tìm Thiên Chúa. Ông bị lung lay niềm tin vào chạy theo bè
rối Manicheanism. Ông rất thích học triết học La-Hy, đặc biệt Neoplatonism của
Plotinus, và thuật hùng biện của họ; vì ông nghĩ ông có thể dùng sự khôn ngoan
và lý luận của mình để tìm ra sự thật.
Nhưng Augustinô đã lầm to, ông không thể tự mình tìm ra sự thật; ông phải nhờ đến
sự giúp đỡ của Thiên Chúa mới có thể hiểu biết về Ngài, như ông đã tự thú, “Bị
thúc đẩy để suy tư về chính con, con được dẫn vào chiều sâu thẳm nhất của linh
hồn con dưới sự hướng dẫn của Ngài. Con đã có thể làm được điều đó chỉ vì Ngài
là người giúp đỡ con.” Giống như Thánh Thomas Aquinas, Augustinô gọi sự giúp đỡ
từ Thiên Chúa là “ánh sáng bất biến;” một thứ ánh sáng khác hẳn với mọi thứ ánh
sáng khác được cảm nhận bởi giác quan. Nó là ánh sáng soi sáng và hướng dẫn
linh hồn để hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Không có ánh sáng này, con người
không thể hiểu những sự thật của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể soi sáng trực tiếp
trên trí tuệ con người vì Ngài dựng nên họ.
Augustinô thú nhận ông đã tìm cách để có sức mạnh cần thiết để chiêm ngắm Thiên
Chúa, nhưng ông không thể tìm được cho đến khi ông tìm đến Đức Kitô, người
trung gian giữa Thiên Chúa và con người, vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa muôn
đời. Chính Đức Kitô đã mặc khải, "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống;
không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Jn 14:6). Ngài là Lời đã hoá
thành xác thịt, là sự khôn ngoan của Thiên Chúa qua đó Thiên Chúa tạo dựng mọi
sự. Ngài có thể cung cấp cho chúng ta, con cái của Ngài, sữa khôn ngoan.
Khi đã cảm nghiệm được sự dịu ngọt và bình an của Thiên Chúa, Augustinô đã đau
đớn thú nhận những lời này, “Con biết Ngài muộn màng quá, Ôi sắc đẹp cổ kính
nhưng luôn mới! Ngài đã ở trong con, nhưng con đã ở ngoài và con đi tìm Ngài ở
bên ngoài. Trong những xấu xa của con, con đã gieo mình vào những tạo vật do
Ngài sáng tạo. Những tạo vật này, nếu Ngài không tạo dựng chúng sẽ không bao giờ
hiện hữu, ngăn ngừa con đến với Ngài. Ngài đã gọi, đã thét lên, và đã phá vỡ bệnh
điếc của con. Ngài đã chớp, đã chiếu sáng, và đã làm tiêu tan sự mù loà của
con. Ngài đã thở hương thơm của Ngài trên con; con đã hít lấy và khao khát
Ngài. Con đã nếm thử Ngài, và giờ đây con đói khát Ngài hơn nữa. Ngài đã đụng
chạm con và con đã tiêu tan trong bình an của Ngài.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tình yêu.
1.1/ Thiên Chúa yêu
thương chúng ta trước: Tác giả Thư Gioan thứ
nhất dạy chúng ta nhiều điều quan trọng về tình yêu:
(1) Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ vì yêu
thương con người, và nếu Ngài ghét bỏ điều gì, điều đó sẽ không có mặt trong cuộc
đời. Mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa: tình yêu vợ chồng, tình yêu cha
mẹ, anh em, bạn hữu...
(2) Ai yêu thương, người ấy được Thiên Chúa sinh ra: Thiên Chúa dựng nên con
người giống hình ảnh (selem) và đức tính (demut) của Ngài (Gen
1:26; 5:1-3). Con người giống Thiên Chúa nhất ở đức tính con người biết yêu
thương. Thánh Gioan xác tín: “Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh
ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên
Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.”
(3) Cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đã biểu lộ bằng nhiều cách trong
vũ trụ và trong lịch sử; nhưng theo thánh Gioan, cách biểu lộ tuyệt vời nhất là
Ngài đã hy sinh cho chúng ta Người Con Một: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế
gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”
(4) Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên
Chúa trước, nhưng chính Thiên Chúa là Người đi bước trước. Ngài yêu thương con
người khi họ chẳng có gì đáng yêu cả, khi họ vẫn còn là các tội nhân: “Chính
Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho
chúng ta.”
1.2/ Chúng ta cũng phải
yêu thương nhau: Như đã nói trên, điều làm
cho con người giống Thiên Chúa nhất là họ biết yêu thương: họ biết yêu thương
đáp trả tình yêu Thiên Chúa và biết yêu thương nhau. Thánh Gioan truyền cho các
tín hữu của Ngài: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như
thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” Tính hỗ tương của tình yêu còn được
nhấn mạnh hơn nữa trong Tin Mừng Gioan: “Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy
cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Jn
15:9). “Như Thầy yêu mến anh em thế nào, anh em cũng phải yêu mến nhau như vậy”
(Jn 13:34).
Có nhiều loại tình yêu khác nhau trong cuộc đời như tình yêu lãng mạn giữa trai
gái, tình yêu chung thủy giữa vợ chồng, tình yêu huynh đệ giữa anh em hay những
người chung chí hướng, tình yêu thương xót khi gặp người đau khổ... Đức Giáo
Hoàng Benedict trong Thông Điệp Deus Caritas Est, # 10-11, cho rằng
tất cả tình yêu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng tất cả tình yêu này đều bất
toàn so với tình yêu của chính Thiên Chúa, vì cách nào đó chúng vẫn còn tính vị
kỷ. Tình yêu hoàn hảo nhất mà con người cần đạt đến là tình yêu của Thiên Chúa,
vì với tình yêu này, con người có thể yêu thương tha nhân như chính Thiên Chúa
đã yêu thương chúng ta. Với tình yêu này, con người có thể đáp ứng những đòi hỏi
của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthew, chương 5, là yêu thương ngay cả kẻ thù,
làm ơn và cầu nguyện cho những người bách hại chúng ta...
2/ Phúc Âm: “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là
"ráp-bi", vì anh em chỉ có một Thầy.”
2.1/ Giá trị giới hạn của
kiến thức và tình yêu của con người: Tục ngữ
Việt-Nam dạy, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.” Lời nói có thể chỉ cho con
người biết điều đúng sai, nhưng gương sáng có sức hấp dẫn để người khác làm
theo như vậy. Người lãnh đạo hoàn hảo là người biết dùng cả lời nói lẫn hành động
để hướng dẫn những người dưới quyền mình làm theo những gì họ muốn. Tuy nhiên,
nếu không tìm thấy một người lãnh đạo hoàn toàn như thế, người lãnh đạo chỉ bằng
lời nói cũng có thế giá giới hạn của họ như Chúa Giêsu đã công nhận giá trị dạy
dỗ của các Kinh-sư và Biệt-phái.
2.2/ Giá trị vĩnh cửu của
sự thật và tình yêu của Thiên Chúa: Chúa
Giêsu đã tố cáo những tật xấu của các luật-sĩ và Pharisees:
(1) Họ là những người làm luật và kiểm soát những người lỗi phạm luật; vì thế họ
đặt ra rất nhiều luật đến độ quá chi li không cần thiết, chẳng hạn cách thức rửa
tay trước khi ăn hay đóng thuế thập phân những lá cây như bạc hà. Chúa buộc tội:
“Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không
buồn động ngón tay vào.”
(2) Họ làm việc cốt để cho thiên hạ thấy: Tất cả những việc đạo đức họ làm
không vì Thiên Chúa, nhưng để cho người đời trông thấy để khen ngợi họ. Tuy việc
đeo hộp kinh và mang tua áo trong khi cầu nguyện là việc luật buộc phải làm để
nhắc nhở họ phải không ngừng nhớ tới Thiên Chúa là Chúa của họ (hộp kinh: Exo
13:16, x/c Deut 6:8, 11:18; tua áo: Num 15:37-41, Deut 22:12); nhưng để kéo sự
chú ý của người khác, họ thi nhau làm những hộp kinh lớn hơn và đeo những tua
áo dài hơn.
(3) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường:
Trong các đám tiệc, chỗ nào quan trọng nhất là chỗ của họ, chẳng hạn ngồi bên
trái hay phải của chủ nhà hay cùng bàn với những nhân vật quan trọng. Trong hội
đường Do-thái, những ghế trên đầu là những ghế dành cho những người già cả và vị
vọng. Họ muốn những ghế này để tỏ cho thiên hạ biết mình quan trọng và chú ý tới
cách ăn mặc của họ cũng như các việc họ làm.
(4) Họ thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ
gọi là “rabbi.” Người luật sĩ và Pharisees quan niệm dân chúng phải đối xử với
họ như những công dân bậc nhất, hơn cả cha mẹ, vì cha mẹ chỉ có công về phần
xác; trong khi họ có công về phần tinh thần và tinh thần quan trọng hơn thân
xác.
Tại sao Chúa Giêsu ngăn cấm không cho các môn đệ gọi ai là "rabbi,"
“cha,” hay “người lãnh đạo”? Ở đây Chúa muốn nhắc nhở cho các môn đệ đừng tôn
thờ ai như thần tượng của mình để bắt chước họ ngòai một mình Thiên Chúa. Sau
cùng, Chúa nhắc nhở con người về tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa: “Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ
bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG
- Cuộc đời của thánh Augustinô phải là bài học kinh nghiệm cho chúng ta, nhất
là những người trẻ, biết rằng: Đừng mong tìm được sự thật của Thiên Chúa ngoài
Kinh Thánh. Nói cách khác, nếu muốn biết các sự thật vĩnh cửu, chúng ta phải học
Kinh Thánh.
- Muốn đến với Thiên Chúa, chúng ta phải ngang qua Đức Kitô. Một cuộc sống cầu
nguyện và kết hợp mật thiết với Đức Kitô sẽ giúp chúng ta am tường về Thiên
Chúa, như thánh Thomas Aquinas nhận định, “Tôi học được nhiều hơn hết từ Thập
Giá của Đức Kitô.”
- Đừng dại nhận ai là thần tượng của đời mình, ngoài Thiên Chúa. Ngài là Người
có quyền tối thượng trên hết mọi sự và yêu thương chúng ta nhất.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
28/08/2017
THỨ HAI TUẦN 21 TN
Mt
23,13.15-22
ĐỪNG DẪN ĐƯỜNG MÙ QUÁNG
“Khốn
cho các người,
những kẻ dẫn đường mù quáng.” (Mt
23,16)
Suy niệm: Khi
lạc
mất
trong rừng
già hay giữa
biển
khơi,
ta rất
cần
có người
dẫn
lối
để biết phương hướng thoát hiểm, sống còn. Cuộc đời là một hành trình mà
ta cần
được dẫn đường chỉ lối để biết đi đâu về đâu. Có một người dẫn đường khôn ngoan và
sáng suốt
là yếu
tố
bảo
đảm cho sự sống còn. Nhưng nếu người dẫn đường lại mù quáng thì ngược lại tình hình sẽ tệ hại vô cùng. Đức Giê-su là Đường để nhân loại đi về với Chúa Cha, quê
hương
đích
thực,
suối
nguồn
sự
sống
và bình an vĩnh cửu. Đi theo Đức Giê-su, chúng
ta được
mời
gọi
trở
nên những
người
dẫn
đường cho người khác. Đi
theo và học
với
Ngài để khỏi trở nên người dẫn đường mù quáng,
thành tai hoạ cho mình và
cho người
khác.
Mời Bạn: Hầu
như
mỗi
người
chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào, cũng
có vai trò dẫn dắt đối với những ai đó (cha mẹ đối với con cái, anh chị đối với các em, thượng cấp đối với thuộc cấp, người cao niên đối với người trẻ…) Và vì thế chúng ta có bổn phận phải làm gương sáng và đưa ra những lời hướng dẫn đúng đắn và kịp thời. Không thể khước từ bổn phận này, nhớ rằng ta đã lãnh
nhận cây
nến
sáng trong ngày chịu Phép Rửa.
Chia sẻ: Kinh nghiệm của bạn trong vai trò
dẫn
dắt
người
khác. Những
yếu
tố
nào thường
ảnh
hưởng
nhiều
nhất
đến sự thành công hay thất bại của bạn trong vai trò
này?
Sống Lời Chúa: Tránh gây gương xấu trong bất luận trường hợp nào, nhưng cố gắng làm gương sáng cho người khác.
Cầu
nguyện: Lạy Chúa,
xin cho con biết
nỗ
lực
trở
nên hoàn thiện, để có
thể
giúp dẫn dắt những người mà
Chúa gửi đến cho con. Ước gì
con không làm cho bất cứ ai phải hư mất. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Đạo đức giả (28.8.2017 – Thứ hai Tuần 21 Thường niên)
Những lời tố giác của Đức Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo vẫn đặt câu hỏi cho chúng ta thời nay, mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Suy niệm:
Trong Bài Giảng trên núi,
Đức Giêsu đã nói đến Các Mối Phúc.
Ngài chúc mừng những ai
thuộc về Nước Trời bằng các lời Phúc cho.
Còn trong chương 23 của
Tin Mừng Mátthêu,
Đức Giêsu lại 7 lần dùng
lối nói Khốn cho,
khi nói với giới lãnh đạo
Do Thái giáo là các kinh sư và nhóm Pharisêu.
Đức Giêsu không phải là
người đầu tiên dùng lối nói khó chịu này.
Các ngôn sứ thời xưa như
Amốt hay Isaia (Am 6, 1; Is 5, 8-24)
cũng đã lắm khi dùng lối
nói này để tố cáo những người quyền thế.
Mục đích của các ngôn sứ
là vạch trần những sai phạm của họ,
và cảnh báo cho mọi người
biết mà tránh xa.
Đức Giêsu đã nói như một
vị ngôn sứ.
Khi nói khốn cho,
Ngài không có ý nguyền rủa hay kết án ai,
cho bằng nói lên sự đau
xót, thậm chí giận dữ đến độ trách phạt.
“Khốn cho ngươi, hỡi
Khoradin! khốn cho ngươi, hỡi Bétsaiđa!”
Đức Giêsu đã nói như thế
với các thành phố từ chối Ngài (Mt 11, 21).
“Khốn cho kẻ nào nộp Con
Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26, 24).
Đây không phải là một lời
chúc dữ cho Giuđa,
hay kết án anh phải đời
đời hư mất.
Đúng hơn đây diễn tả một
tiếc nuối xót xa về tội của người môn đệ.
Vào thời thánh Mátthêu
viết sách Tin Mừng, từ sau năm 70,
có một sự xung đột nghiêm
trọng giữa các Kitô hữu gốc Do Thái
với những nhà lãnh đạo Do
Thái giáo lúc bấy giờ.
Bài Tin Mừng hôm nay phản
ánh sự căng thẳng đó.
Các vị kinh sư và những
người pharisêu đầy quyền lực
không muốn đồng bào của
mình tin vào một ông Giêsu bị đóng đinh.
Ai tin sẽ bị trục xuất
khỏi hội đường (x. Ga 9, 22).
Như thế họ đã khóa cửa
Nước Trời để chẳng ai vào được, kể cả họ (c. 13).
Các vị kinh sư và nhóm
Pharisêu hăng say trong việc truyền giáo.
Họ muốn làm cho dân ngoại
trở thành Dân Chúa.
Tiếc thay, sau khi đã vào
đạo rồi, những người tân tòng này
có thể trở nên cứng nhắc
vì nệ luật, và rơi vào thói giả hình.
Họ “trở thành con cái của
hỏa ngục gấp đôi các ông” (c. 15).
Đức Giêsu cũng tố cáo sự
phân biệt quá chi li về giá trị những lời thề.
Đối với Ngài, thề nhân
danh Đền thờ hay vàng trong Đền thờ,
nhân danh bàn thờ hay lễ
vật trên bàn thờ (cc. 16-20),
thì cũng chẳng khác gì
thề nhân danh chính Thiên Chúa (cc. 21-22).
Tất cả lời thề đều phải
được giữ như nhau, đều ràng buộc như nhau.
Những lời tố giác của Đức
Giêsu đối với giới lãnh đạo Do Thái giáo
vẫn đặt câu hỏi cho chúng
ta thời nay.
Làm sao để tôn giáo mở
đường cho con người gặp gỡ Thiên Chúa,
chứ không khép lại hay
gây cản trở?
Làm sao để người tân tòng
thực sự trở thành con cái Nước Trời?
Làm sao để chúng ta khỏi
sa vào những chi li thái quá của luật lệ?
Những lời của Đức Giêsu
mời gọi chúng ta nhìn lại mình và thay đổi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
khi đến với nhau,
chúng con thường mang những mặt nạ.
Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.
Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt
dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa,
chúng con cũng thường mang mặt nạ.
Có những hành vi đạo đức bên ngoài
để che giấu cái trống rỗng bên trong.
Có những lời kinh đọc trên môi,
nhưng không có chỗ trong tâm hồn,
và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,
tự ru ngủ và đánh lừa mình,
mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.
Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,
đã ăn sâu vào da thịt chúng con,
để chúng con thôi đánh lừa nhau,
đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,
để chúng con được lớn lên trong bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
28 THÁNG TÁM
Bên Thềm Thiên Niên
Kỷ Thứ Ba
Một vấn đề quan trọng
khác mà các nghị phụ Thượng Hội Đồng đặc biệt ưu tư, đó là nhu cầu huấn luyện
và đào tạo các linh mục tương lai. Giáo Hội của thiên niên kỷ thứ ba sẽ được ủy
thác trong tay và trong sự săn sóc mục vụ của những thế hệ linh mục mới. Đời sống
và sứ vụ của họ phải là một sự diễn dịch sống động các giáo huấn của Công Đồng.
Họ phải đảm nhận trách nhiệm lớn lao – đó là triển khai các giáo huấn của Công
Đồng trong đời sống của dân Thiên Chúa.
Tiếng gọi đại kết cũng
là một tiếng gọi hết sức thúc bách. Thực vậy, các nghị phụ nhấn mạnh vai trò của
Công Đồng Vatican II trong việc thúc đẩy phong trào đại kết. Chúng ta chứng kiến
những bước tiến chắc chắn và đều đặn hướng về hiệp nhất, một số kết quả đầy triển
vọng đã bắt đầu hiện lộ ra. Tôi đã tham dự buổi cầu nguyện cùng với mười quan
sát viên đến từ các nhóm và các Giáo Hội khác nhau để tham gia vào cuộc đối thoại
thần học với Giáo Hội Công Giáo.
Tất cả những vấn đề ấy
nằm ở trung tâm ưu tư của Thượng Hội Đồng, và đã dấy lên một sự hưởng ứng sôi nổi.
Một lần nữa, Thánh Thần đã nói với Giáo Hội với “tiếng nói như nước lũ” (Kh
1,15; 2,7.11.17.29; 3,6.13.22). Chúng ta hãy chú ý lắng nghe Ngài.
Bản Báo Cáo Chung Kết của
Thượng Hội Đồng là một tổng hợp quan trọng các suy tư và các điểm nhắm cho
tương lai mà mọi người được kỳ vọng hướng tới. Đây không phải là những từ ngữ
suông. Đây là một nỗ lực mời gọi cầu nguyện, lắng nghe và áp dụng. Đây là những
hướng dẫn cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong những năm cuối cùng của thiên
niên kỷ thứ hai. Chúng ta hãy lắng nghe Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Gương Thánh Nhân
28 Tháng Tám
Thánh Augustine
(354-430)
Thánh Augustine
(354-430)
Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi,
làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen
thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân.
Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.
Dù khi xa cách Thiên
Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh
liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết
mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế
gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.
Từng đắm chìm trong sự
cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng
của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về,
ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt.
Thời đại của ngài thực sự sa sút -- về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa
sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng:
là bản tính khắt khe của loài người.
Cuộc đời ngài, do
thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các
vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. "Tôi tự
nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa.
Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm
không nổi, chịu đựng không thấu" (Giêrêmia 20:9).
Lời Bàn
Trong thời đại chúng
ta, Thánh Augustine vẫn còn được xưng tụng và vẫn còn bị kết án. Ngài là vị
ngôn sứ của thời đại ngày nay, thúc giục chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng thoát
ly thực tế và can đảm đối diện với trách nhiệm và phẩm giá của mỗi một người.
Lời Trích
"Thật quá trễ
để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao
giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, con ở bên
ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dáng đẹp đẽ
mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã
giữ con xa Ngài - những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả.
Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng
vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn - và con khao
khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng
cháy vì sự bình an của Ngài" (Tự
Thú của Thánh Augustine).
Trích từ NguoiTinHuu.com
28 Tháng Tám
Con Yêu Chúa Quá Muộn Màng
"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ: Ôi vẻ đẹp của
ngàn xưa nhưng muôn thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung.
Con yêu mến Chúa quá trễ: Chúa ở bên trong tâm hồn, còn
con, con sống hời hợt bên ngoài và chỉ chú tâm tìm kiếm Chúa ở đó.
Chúa hiện diện ở trong con nhưng con không sống ở trong
Chúa. Nhiều tạo vật đã kềm hãm khiến con sống xa Chúa.
Chúa đã gọi tên con, Chúa đã lớn tiếng kêu gọi con, Chúa
đã đâm thủng đôi tai giả điếc làm ngơ của con.
Chúa đã tỏa ánh sáng chiếu soi và đã phá tan màn đêm tối
dày đặc nơi con.
Chúa thở ra hơi thơm ngào ngạt, con hít vào và con khao
khát Chúa. Chúa đã chạm đến con và con luôn cảm thấy nung nấu được hưởng sự
bình an của Chúa".
Trên đây là một đoạn
trong quyển "Tự Thú" của thánh Augustinô, vị thánh Giáo Hội mừng kính
hôm nay. Sau khi ăn năn trở lại, ngài đã nhận lãnh Phép Rửa vào năm 33 tuổi, chỉ
sau đó 3 năm ngài được phong chức linh mục, 5 năm sau đó được đề cử làm giám mục
thành Hippone.
Duyệt qua cuộc sống của
thánh Augustinô, chúng ta có thể nói: Ngài là một tội nhân đã trở thành thánh
nhân nhờ được Thiên Chúa đến gõ cửa lòng bằng câu nói mạnh mẽ của thánh Phaolô:
"Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô, nhưng hãy mặc lấy Ðức Giêsu
Kitô".
Và kể từ đó, có thể
nói được là Tình Yêu Thiên Chúa không bao giờ buông tha ngài, trái lại tạo
trong tâm hồn ngài một sự khắc khoải và khao khát để đáp trả lại lời mời gọi
yêu thương của Thiên Chúa.
Ngoài lời mời gọi và
thôi thúc của Tình Yêu Thiên Chúa, quãng đầu cuộc đời của Augustinô, một tội
nhân trở thành thánh nhân, có lẽ được vẽ lại bằng những nét chấm phá và những
bàn tay cộng tác với ơn Chúa trong việc hoán cải như sau:
Trước tiên, cường độ của
sức sống nơi ngài trên con đường thụt lùi xa lìa Thiên Chúa cũng như cường độ
mãnh liệt hơn của sức sống ấy trên con đường tiến về Thiên Chúa.
Tiếp đến, những dòng
nước mắt sầu đau và những kinh nguyện thành tâm của mẹ ngài, bà thánh Mônica
dâng lên Thiên Chúa trong kiên tâm, bền chí ròng rã bao năm trời.
Và sau cùng là sự hướng
dẫn tận tình của thánh Giám Mục Ambrôsiô.
Tất cả những yếu tố
trên cộng lại đã giúp chuyển tình yêu cuộc sống thành một cuộc sống cho và vì
Tình Yêu, như thánh nhân đã tự thú trong đoạn sách được trích dẫn ở trên:
"Lạy Chúa, con yêu mến Chúa quá trễ, ôi vẻ đẹp của ngàn xưa, nhưng muôn
thuở vẫn còn tươi mát, trẻ trung".
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét