27/08/2017
Chúa Nhật 21 thường niên năm A
(phần II)
Phụng vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật tuần 21 thường niên, năm A
CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN A
Is
22,19-23 ; Rm 11,33-36 ; Mt 16,13-20
CHỦ ĐỀ: ĐỊA
VỊ VÀ QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ
“Phêrô,
nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”
(Mt
16,18)
I. CÁC
BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I: Is 22,19-23
Trong đời sống của Dân Thiên Chúa, địa vị
và quyền bính được thiết lập là để phục vụ Chúa và Dân. Thế nhưng có những người
lại sử dụng quyền bính được Chúa trao để mưu lợi ích riêng mình, với thái độ tự
cao tự mãn. Bài đọc I nhắc lại lời sấm của Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ
Isaia, nhằm chống lại thái độ kiêu căng tự mãn của viên quan cai đền thờ
Giêrusalem tên là Sebna. Đức Chúa quyết định sẽ truất phế Sebna và tuyển chọn
Eliakim, con trai của Helkia, để thay vào vị trí đó. Việc thay thế này được diễn
tả qua ngôn ngữ với các hành động mang tính biểu tượng: “Áo thụng của ngươi, Ta
sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của người,
Ta sẽ trao vào tay nó...” Đức Chúa còn thực hiện một hành vi đầy tính biểu
trưng cho việc trao ban quyền lực: “chìa khóa nhà Đavít, Ta sẽ đặt trên vai nó”
và chỉ rõ hiệu năng của quyền được trao ban khi Đức Chúa khẳng định liền sau
đó: “nó mở (cửa) ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được.”
Chính trong biến cố tuyên tín của Phêrô
tại Cêsarêa Philipphê, biểu tượng trao ban chìa khóa này lại được Đức Giêsu
dùng khi trao ban quyền tối thượng cho ông Phêrô trong tư cách là tảng đá góc
mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh của Người.
2. Bài đọc II : Rm 11,33-36
Bài dọc II ca ngợi đường lối cứu độ nhiệm
mầu của Thiên Chúa. Trong đoạn trước đó ở Rm 11,22-25, với cái nhìn bằng con mắt
đức tin, Phaolô cho thấy rằng vì dân Israel đã không vâng phục nên dân ngoại được
thương xót nhờ tin. Giờ đây đến lượt vì dân ngoại đã được thương xót, nên
Israel cũng sẽ được xót thương. Phaolô lý luận rằng dân ngoại mà còn được
thương xót, huống hồ là Israel là Dân đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Dựa vào lời
các ngôn sứ (Is 59,20; Gr 31,33-34), Phaolô khẳng định rằng Dân mà Thiên Chúa
đã chọn sẽ không bị ruồng bỏ vĩnh viễn nhưng sẽ được cứu độ, vì họ là con cháu
các Tổ phụ.
Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn
là một mầu nhiệm: “quyết định của Người ai dò cho thấu, đường lối của Người ai
theo dõi được”, nhưng Thánh Phaolô vẫn xác tín rằng “Thiên Chúa muốn cứu độ tất
cả mọi người”, vì “muôn vật đều do Người mà có , nhờ Người mà tồn tại và quy hướng
về Người”. Suy niệm về điều này, vị Tông đồ dân ngoại phải thốt lên: “Xin tôn
vinh Thiên Chúa đến muôn đời. Amen”.
3. Bài Tin Mừng: Mt 16,13-20
Mt 16,13-20 thuật lại sự kiện ông Phêrô
tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu tại Xêsarêa Philipphê, và sau đó ông được Đức
Giêsu trao quyền cai quản Hội Thánh. Từ đầu Tin Mừng đến nay, những gì thánh
Matthêu trình thuật về Đức Giêsu qua lời nói và hành động của Người, cũng như
qua các sự kiện liên quan đến Người là nhằm giúp dân chúng và độc giả nhận ra
căn tính của Đức Giêsu: “Người là ai?”.
Thời điểm này, sau một thời gian dài các
môn đệ được đồng hành với Thầy Giêsu: được nghe những bài giảng, chứng kiến những
phép lạ, thấy Chúa trừ quỷ, nhận ra cách rõ nét những tương quan khác nhau giữa
Đức Giêsu với đám đông, với vua Hêrôđê, với nhóm Biệt phái hay nhóm Xađốc, và
nhất là khi chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất trong sứ vụ của Mình,
đó là cuộc khổ nạn và chết, Đức Giêsu mới đặt ra câu hỏi “Người ta nói Thầy là
ai?”. Đây không phải là một câu hỏi liên quan đến tri thức hiểu biết về Đức
Giêsu, nhưng là một câu hỏi phản tỉnh khiến người ta xác định rõ mối tương quan
cá vị với Người: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”. Ông Simon Phêrô đã tuyên tín: “Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.”
Lúc này, lời tuyên xưng “Thầy là Đấng
Kitô” rất cần thiết, nhằm chuẩn bị cho các ông đón nhận các biến cố trung tâm
trong sứ vụ của Đức Giêsu sẽ xảy ra sau đó: khổ nạn và chịu chết. Đồng thời,
qua lời tuyên xưng này, các ông bước vào một giai đoạn mới, với một tương quan
cá vị để kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu. Ơn gọi làm môn đệ và sự đáp trả bằng
đời sống của các ông đối với Đức Giêsu từ nay về sau hệ tại vào lời tuyên xưng
này.
Nhờ lời tuyên xưng này, ông đã được được
Đức Giêsu tuyển chọn như Tảng đá mà trên đó Đức Giêsu sẽ xây Hội thánh của Người.
Đồng thời trao cho ông “chìa khóa Nước Trời” như là một biểu tượng trao ban quyền
bính cai quản Nước Trời ở trần gian. Quyền bính này không phải để làm lợi bản
thân mình, nhưng để dấn thân phục vụ đến mức đi trên con đường khổ nạn và chịu
chết như Thầy là Đức Giêsu đã đi. Như vậy, các môn đệ khi hiểu được bản chất và
sứ vụ của Thầy Giêsu để đưa ra một lời tuyên xưng xác tín, thì cũng hiểu được bản
chất và sứ vụ môn đệ của mình, rồi thi hành sứ vụ đó cách đúng đắn.
II. GỢI
Ý MỤC VỤ
1. Hình ảnh “chiếc chìa khóa được trao”
trong bài đọc thứ nhất cũng như bài Tin Mừng là biểu tượng của địa vị và quyền
bính kèm theo địa vị ấy. Theo đường lối của người đời, địa vị và quyền bính quyền
lực là thống trị. Theo đường lối của Thiên Chúa, địa vị là một sự tuyển chọn
nhưng không và quyền bính kèm theo là phương thế hỗ trợ để giúp chu toàn địa vị.
Hệ quả đương nhiên kéo theo của địa vị và quyền bính chỉ để phục vụ. Tôi đang
hành xử địa vị và quyền bính của mình theo đường lối nào?
2. “Quyết định của Người ai dò cho thấu,
đường lối của Người ai theo dõi được”. Cách thức mà Thiên Chúa dùng để cứu độ vẫn
là một mầu nhiệm. Tôi có biết cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa vì ân huệ được làm con
Chúa và được ban các phương thế để đón nhận ơn cứu độ của Chúa? Tôi có sẵn sàng
góp phần để làm “mọi sự cho quy hướng về Người” hay không?
3. “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?”
Là Kitô hữu, chúng ta không thể theo Đức Giêsu cách hời hợt nửa vời. Chúng ta cần
“biết” Đức Giêsu là ai. “Biết” không phải chỉ trên phương diện tri thức, thuộc
các bài giáo lý, nắm các tư tưởng thần học, nhưng là một sự kết hợp để bước vào
trong tương quan cá vị với Người. Đối với tôi, giờ này “Đức Giêsu là ai?” vẫn
là câu hỏi mở ra cho mỗi người chúng ta. Một câu trả lời đúng đắn sẽ dẫn tới một
tương quan liên vị đích thực, và câu trả lời đó sẽ quyết định lối sống thích hợp
của từng người. Nếu tôi tin nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, thì tôi có sẵn sàng
tín thác đời mình cho Người, đi theo con đường Người đã đi, và có lối sống đáp
trả phù hợp qua việc dấn thân phục vụ Người và tiếp tục sứ vụ của Người?
III. LỜI
NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa
đã qui tụ những người tin vào Con của Người là Đức Giêsu Kitô trong một Hội
Thánh, và đặt dưới quyền dẫn dắt của Thánh Phêrô cùng các đấng kế vị. Ý thức ơn
gọi và sứ mạng của mình trong Hội Thánh, chúng ta cùng thành tâm cảm tạ Chúa và
tha thiết dâng lời cầu xin:
1. “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội
Thánh của Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh được
dồi dào ơn thiêng, luôn mạnh khỏe xác hồn để tích cực góp sức xây dựng và phát
triển Hội Thánh Chúa trên nền tảng đức tin tông truyền.
2. Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo
Con Người là ai?” Chúng ta cùng cầu xin cho các linh mục của Tổng giáo phận
Sàigòn trong những ngày tĩnh tâm sắp tới có thời gian gặp gỡ riêng tư với Chúa
để trả lời câu hỏi ấy, và thêm xác tín về ơn gọi cùng sứ vụ của mình.
3. Thánh Phêrô thưa với Chúa: “Thầy là Ðức
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi kitô hữu giữa thế
giới hôm nay, luôn mạnh dạn tuyên xưng và làm chứng cho niềm tin Kitô của mình
qua lời nói, việc làm và bằng đời sống yêu thương phục vụ.
4. Chúa Giêsu đã trao quyền cầm buộc và
tháo cởi cho Phêrô và Hội Thánh. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng
đoàn chúng ta biết tôn trọng quyền bính của Hội Thánh, hết lòng yêu mến và tích
cực cộng tác với các chủ chăn để phát triển cộng đoàn.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã qui tụ tất cả
chúng con thành một đàn chiên duy nhất để đón nhận hồng ân cứu độ. Xin thương
nghe lời chúng con cầu nguyện và đổ xuống muôn ơn lành, giúp chúng con luôn
trung thành và sống xứng đáng với ơn gọi cao quý của mình. Chúng con cầu xin nhờ
Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
SCĐ CHÚA NHỰT XXI TN NĂM A
CHỦ ĐỀ :
NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM CHÚA TRAO
"Thầy
sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời"
(Mt 16,19)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Thiên Chúa trao nhiệm vụ
cai quản đền thờ cho Sobna.
- Đáp ca : Lời cầu xin Chúa cho kẻ khiêm
nhường đang chăm lo công việc Chúa giao.
- Tin Mừng : Đức Giêsu trao nhiệm vụ
lãnh đạo Hội Thánh cho Phêrô.
I. DẪN
VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Trong anh chị em đang hiện diện ở đây,
có người làm cha, có người làm mẹ, có người làm con… người nào cũng có trách
nhiệm trong gia đình.
Đối với giáo xứ, có người được giao trọng
trách trong Hội đồng giáo xứ, trong ban trị sự khu xóm, trong các giới các đoàn
thể. Những người khác không có chức tước, nhưng cũng có trách nhiệm xây dựng
giáo xứ và Giáo Hội. Ai cũng có trách nhiệm.
Đối với xã hội và đất nước cũng thế…
Không ai được quyền chỉ lo cho mình hoặc chờ người khác lo cho mình. Ai ai cũng
có trách nhiệm với người khác.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin
Chúa giúp mỗi người chúng ta ý thức trách nhiệm của mình, và xin Ngài giúp sức
để chúng ta chu toàn trách nhiệm ấy.
II. GỢI
Ý SÁM HỐI
- Chúng ta thiếu sót rất nhiều về trách
nhiệm đối với gia đình.
- Chúng ta còn thiếu sót hơn nữa trong
trách nhiệm đối với xã hội và Giáo Hội.
- Nhất là chúng ta có khuynh hướng ích kỷ,
lo cho bản thân nhiều hơn lo cho người khác.
III. LỜI CHÚA
1.
Bài đọc I (Is 22,19-23)
Thời vua Eâdêkia làm vua nước Giuđa (thế
kỷ thứ 8 trước công nguyên), Sobna làm quan cai đền thờ. Vì ông này không xứng
đáng nên bị cách chức, và chức vụ này được trao cho một người khác tên là
Eâliakim.
Những điều đáng chú ý trong chuyện này
là :
- Chính Thiên Chúa trao trách nhiệm cho
con người : mặc dù Eâliakim phục vụ cho vua Eâdêkia, nhưng trách nhiệm của
Eâliakim không phải do vua trao, mà do chính Thiên Chúa.
- Khi Thiên Chúa trao trách nhiệm cho ai
thì Ngài cũng ban cho người đó những trợ giúp cần thiết để có thể chu toàn trách
nhiệm : Ngài trao cho Eâliakim "áo choàng" và "đai lưng", tức
là những thứ bề ngoài để người lãnh trách nhiệm có một tư cách được người ta
nhìn nhận ; Ngài cũng trao cho Eâliakim "chìa khóa", nghĩa là thẩm
quyền để hành xử trong phạm vi trách nhiệm của mình ; Ngài còn hứa "sẽ
đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh", nghĩa là che chở, trợ giúp để ông
thi hành trách nhiệm.
2.
Đáp ca (Tv 137)
Lời cầu xin Chúa cho kẻ khiêm nhường
đang chăm lo công việc Chúa giao : "Lạy Chúa, xin đừng bỏ rơi công cuộc
tay Chúa".
3.
Tin Mừng (Mt 16,13-23)
Đức Giêsu trao cho Phêrô "chìa khóa
Nước Trời", nghĩa là ông được làm người quản trị của Hội Thánh mà Ngài sẽ
thành lập. Việc trao trách nhiệm này có một số điều đáng ta lưu ý :
- Phêrô được giao trách nhiệm sau khi
tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu : "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng
sống" à Người lãnh trách nhiệm của Chúa phải có đức tin vào Chúa.
- Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ hỗ
trợ cho trách nhiệm của Phêrô : "Điều gì con cầm buộc… trên trời cũng cầm
buộc ; điều gì con tháo cởi… trên trời cũng tháo cởi".
- Tuy nhiên người lãnh trách nhiệm không
hẳn là người hoàn toán xứng đáng, thánh thiện : vừa được trao trách nhiệm cao cả,
đã can gián Chúa chịu nạn chịu chết và bị Ngài quở trách nặng lời :
"Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy".
4.
Bài đọc II (Rm 11,33-36) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô ca tụng sự khôn ngoan vô
cùng của Chúa : "Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của
Thiên Chúa. Sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người
làm sao dò được"
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Mỗi người chúng ta cũng là một viên đá sống
động
Bài Tin Mừng hôm nay kể rằng Thánh Phêrô
đã được Đức Giêsu chọn làm tảng đá để xây dựng Hội Thánh của Ngài trên đó.
Nhưng ngoài tảng đá Phêrô, Chúa còn xây dựng Hội Thánh của Ngài trên tảng đá
nào khác nữa không ? Đây là một câu hỏi thú vị. Câu hỏi thú vị này lại có câu
trả lời thú vị không kém, mà lại là câu trả lời của chính tảng đá Phêrô : Thưa
có, mỗi kitô hữu cũng là một viên đá để xây dựng Hội Thánh. Nguyên văn câu nói
của Phêrô trong thư thứ nhất của ngài là : "Hãy để Thiên Chúa dùng anh em
như những viên đá sống động mà xây nên Đền thờ thiêng liêng" (1 Pr 2,5)
Như thế, thánh Phêrô không dành độc quyền
xây dựng Hội Thánh mà chia quyền ấy cho mọi kitô hữu. Công đồng Vaticanô II
cũng nói không khác với Phêrô : mọi kitô hữu đều có sứ mạng xây dựng Hội Thánh,
mỗi người trong cương vị của mình, hoàn cảnh của mình và theo khả năng của
mình.
Có một bài cầu nguyện rất đặc biệt mà
tôi đã đọc trong một quyển sách. Tôi không còn nhớ tựa đề quyển sách đó, cũng
không nhớ tên tác giả, nhưng vẫn nhớ nội dung lời cầu nguyện ấy mặc dù không nhớ
kỹ từng lời. Đó là lời cầu nguyện của một viên gạch. Viên gạch này nằm sát chân
tường. Đôi khi nó nhìn lên những viên gạch khác và trong lòng nó chợt nảy ra những
so sánh, những ước ao, và nó cầu nguyện như sau :
Lạy Chúa, con chỉ là một viên gạch tầm
thường nằm sát dưới chân tường.
Con không được như viên gạch xây cửa, ở
ngay tầm mắt người ta.
Con không được như viên gạch xây mặt tiền,
hãnh diện nhìn người qua kẻ lại và sung sướng được người ta khen đẹp.
Con không được như viên gạch trong phòng
khách, hàng ngày được người ta lau chùi đánh bóng.
Con chỉ là một viên gạch tầm thường nằm
sát chân tường.
Nhưng viên gạch ấy đã suy nghĩ, rồi nó cầu
nguyện thêm :
Nhưng lạy Chúa, con vui vì chỗ ở của
con, con vui với nhiệm vụ của con. Con mừng vì con cũng có góp phần trong ngôi
nhà xinh đẹp này. Không có phần nhỏ bé và âm thầm của con thì bức tường sẽ đổ,
ngôi nhà sẽ sập. Mặt tiền xinh đẹp kia không còn, cánh cửa xinh đẹp kia không
còn, phòng khách xinh đẹp kia cũng không còn.
2. Xây nhà trên đá
Bài Tin Mừng về việc Chúa chọn Phêrô làm
đá tảng xây dựng Hội Thánh khiến ta liên tưởng tới một đoạn Tin Mừng khác, Đức
Giêsu nói về việc xây nhà trên đá (Mt 7,24-27).
Xây nhà trên đá là gì ? Thưa là biết lắng nghe Lời Chúa
và nhất là sau đó đem Lời Chúa ra thi hành. Đức Giêsu bảo người đó là người
khôn. Còn kẻ nào không lắng nghe Lời Chúa và nhất là không thi hành lời Chúa
thì giống như người ngu xây nhà trên cát.
Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm xây dựng Giáo Hội,
xây dựng giáo xứ, xây dựng xã hội và xây dựng gia đình. Việc xây dựng đầu tiên,
làm nền tảng cho mọi cuộc xây dựng tiếp theo, chính là nỗ lực lắng nghe và sống
Lời Chúa.
3. Đừng là gánh nặng cho nhau, mà hãy là đá để thành chỗ
dựa cho nhau
Trong cuộc sống chung, khi mọi việc đều êm xuôi tốt đẹp
thì hòa thuận yêu thương nhau rất là dễ, hạnh phúc như đang bao bọc chung quanh
mình. Nhưng khi khó khăn xảy đến thì mọi người đều buồn phiền, bực bội, gắt gỏng…
Một chuyện nhỏ cũng có thể gây nên một xung đột lớn. Tại sao thế ?
Thưa vì trong những lúc khó khăn như thế, người ta chỉ
còn nghĩ đến nỗi khổ của mình mà không còn nghĩ đến người khác, người ta chỉ nhớ
rằng người khác phải có trách nhiệm với mình mà quên rằng mình cũng có trách
nhiệm với người khác.
Ai nấy cũng đã khổ rồi, sao còn vô tình làm khổ nhau thêm
? Phải chi mỗi người nhớ đến trách nhiệm của mình để đến an ủi người khác, san
xẻ gánh nặng của người khác, và trở thành chỗ dựa cho người khác thì tốt hơn biết
mấy !
Hạnh phúc không phải do thụ động chờ mà tới. Hạnh phúc phải
do con người xây dựng, người này xây dựng cho người kia, mọi người xây dựng cho
nhau.
4. Chuyện minh họa
a/ Trách nhiệm âm thầm
Có một người làm công, ngày ngày đi quét lá rừng rụng xuống,
gom lại một nơi rồi hốt đi. Một hôm một đoàn người lên rừng chơi, thấy người
quét lá họ rất đỗi ngạc nhiên, và họ càng ngẩn ngơ khi biết rằng chính Hội đồng
Thành phố đã thuê với số lương 7000 đồng một tháng.
Sau một hồi vãng cảnh,
đoàn người trở về. Một số người tìm đến ông Chủ tịch Hội đồng thành phố đề nghị
hủy bỏ phụ khoản chi tiêu cho việc quét lá rừng vì quá vô ích. Ông Chủ tịch
cũng như Hội đồng chẳng hiểu căn do của phụ khoản kia, vì họ chỉ làm theo truyền
thống, nên cuối cùng quyết định không thuê người quét lá rừng nữa.
Ngay giữa thành phố
có một cái hồ rộng lớn, nước trong xanh, cây to in bóng mát, người qua lại dập
dìu. Mọi người ca tụng nó là viên ngọc trai điểm trang cho thành phố. Nhưng lạ
thay, một tháng sau ngày người quét lá rừng nghỉ việc, nước hồ trở nên đục ngầu
bẩn thỉu, không còn thấy bóng người hóng gió ngoạn cảnh, quán xá bên bờ hồ vắng
tanh... Cả thành phố trở nên buồn tẻ mà không hiểu tại đâu. Hội đồng Thành phố
nhóm ngay phiên họp bất thường để tra xét hiện tượng trên. Và sau cùng họ tìm
ra nguyên nhân : do người phu quét là rừng nghỉ việc nên lá rừng rụng xuống,
gió đùa lá bay tứ tung trên mặt đường, rồi rơi xuống hồ nước trong xanh, gây
nên tình trạng ô nhiễm...
Và ngay hôm đó họ
tái dụng người phu quét lá với số lương còn cao hơn xưa. (Trích
"Phúc")
b/ Trung thành với trách nhiệm
Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng tiểu bang
Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế. Khi đó Hội
đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp để họ có thể
về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói : "Không biết
hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần hoãn họp.
Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin thắp nến
lên" (Drinkwater).
V. LỜI NGUYỆN
CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để tiếp tục
công cuộc cứu độ của Người. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.
1- Đức Thánh Cha là đấng kế vị Thánh
Phêrô / và thay mặt Chúa Giêsu / hướng dẫn dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian
/ Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa luôn gìn giữ Người khỏi mọi hiểm nguy / và
giúp đỡ Người chu toàn trọng trách của mình.
2- Các Đức Giám mục là những đấng kế vị
các thánh tông đồ / là thầy dạy chân lý cho các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu
xin Chúa luôn soi sáng / hướng dẫn / và nâng đỡ các ngài trong đời sống mục vụ
/ vốn đầy dẫy những khó khăn và đau khổ.
3- Tuyên xứng đức tin phải là việc làm
thường xuyên của những người tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các
kitô hữu / luôn hiên ngang sống đức ái đã lãnh nhận / bất chấp những thử thách
cam go trong cuộc sống thường ngày.
4- Bổn phận của người kitô hữu là luôn
yêu mến / vâng lời / và bênh vực Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng
đoàn giáo xứ chúng ta / luôn trung thành với Hội Thánh / mến yêu hàng giáo phẩm
/ nhất là biết tích cực cộng tác với các ngài trong việc xây dựng nhiệm thể
Chúa Kitô.
CT : Lạy Chúa, theo Thánh Gioan Tông đồ,
tin không phải là tuân giữ một số điều răn, nhưng là gắn bó và dấn thân theo
Chúa. Xin cho tất cả chúng con biết cố gắng sống trọn vẹn niềm tin mà thánh Gioan
đã nhắc nhở chúng con. Chúng con cầu xin nhờ…
VI.
TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Trong kinh Lạy
Cha hôm nay, khi đọc câu "Xin cho Nước Cha trị đến", chúng ta hãy tha
thiết cầu xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết nghĩ đến trách nhiệm của mình
trong việc xây dựng Nước Chúa.
VII. GIẢI
TÁN
Chúng ta đã ý thức trách nhiệm của mình
đối với Giáo Hội, xã hội và gia đình. Anh chị em hãy ra về và cố gắng chu toàn
những trách nhiệm ấy.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật
XXI Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 27 Tháng 8, 2017
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí
Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các
môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện
diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Người. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc
của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng
để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ
Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng
cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch
của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải
cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2.
Bài Đọc
a)
Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 16:13-14: Chúa Giêsu muốn biết ý kiến của dân chúng
Mt 16:15-16: Chúa Giêsu thách đố các môn đệ, và ông Phêrô
trả lời thay cho tất cả mọi người
Mt 16:17-20: Câu trả lời long trọng của Chúa Giêsu nói với
ông Phêrô
b)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này,
Chúa Giêsu đặt câu hỏi liên quan đến việc dân chúng nghĩ Người là ai: “Người ta bảo Con Người là ai?” Sau khi biết ý nghĩ của đám đông, Chúa muốn
biết ý kiến các môn đệ của Người. Ông
Phêrô, đại diện cho tất cả mọi người đã tuyên xưng đức tin của ông. Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của Phêrô. Trong bài đọc, chúng ta hãy chú ý đến những
gì tiếp theo đó: “Lời xác tín nào Chúa
Giêsu đã trao cho Phêrô?”
c)
Phúc Âm:
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành
Cêsarêa Philíphê, Người hỏi các môn đệ rằng:
“Người ta bảo Con Người là ai?”
14 Các ông thưa: “Người thì bảo
là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên
tri nào đó.” 15 Chúa Giêsu nói với các
ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là
ai?” 16 Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” 17 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon, con ông Giôna, con có phúc, vì chẳng
phải xác thịt hay máu huyết mặc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời. 18 Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được.
19 Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất,
trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.” 20 Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng
nói với ai rằng Người là Đức Giêsu Kitô.
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá
nhân.
a)
Điểm nào trong bài Tin Mừng đánh động bạn nhất? Tại sao?
b)
Ý kiến của dân chúng về Đức Giêsu là gì?
Ý kiến của các môn đệ và ông Phêrô về Chúa Giêsu là gì?
c)
Ý kiến của tôi về Đức Giêsu là gì?
Tôi là ai đối với Chúa Giêsu?
d)
Phêrô là tảng đá theo hai nghĩa.
Đó là gì? (Mt 16:21-23)
e)
Tôi là loại đá nào đối với những người khác? Cộng đoàn chúng ta là loại đá nào?
f)
Trong đoạn Tin Mừng có nhiều ý kiến liên quan đến Chúa Giêsu và một số
cách để bày tỏ đức tin. Ngày nay, cũng
có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến Chúa Giêsu. Ý kiến
của cộng đoàn chúng ta về Chúa Giêsu ra sao?
Từ điều này đưa ra kết luận cho sứ vụ của chúng ta là gì?
5.
Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong
bài Tin Mừng.
a)
Bối cảnh của đoạn Phúc Âm chúng ta xuất hiện trong Tin Mừng Mátthêu:
*
Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô nhận được những lời giải
thích khác nhau và có khi còn trái ngược nhau trong một số Giáo Hội Kitô
giáo. Trong Giáo Hội Công Giáo, đây là nền
tảng cho sự ưu việt của Phêrô. Đây là lý
do tại sao, không phải trong thực tế, làm giảm bớt tầm quan trọng của đoạn Phúc
Âm, thật là tiện lợi để đặt nó trong bối cảnh Tin Mừng của Mátthêu, trong các
văn bản khác, những phẩm chất tương tự nói về Phêrô, hầu như tất cả, được quy
cho các người khác. Chúng không độc quyền
thuộc về Phêrô.
*
Tốt hơn là chúng ta nên nhớ rằng Tin Mừng của Mátthêu được viết vào cuối
thế kỷ thứ nhất cho cộng đoàn người Do Thái cải đạo sống trong khu vực xứ
Galilê và Syria. Họ là những cộng đoàn
chịu nhiều đau khổ và là các nạn nhân của nhiều nghi kỵ về niềm tin của họ vào
Đức Kitô. Tin Mừng của Mátthêu cố gắng
giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng và khẳng định với họ trong đức tin vào Chúa
Giêsu, Đấng Cứu Thế, Người được sai đến để hoàn thành những lời hứa của Cựu Ước.
b)
Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Mt 16:13-16: Ý kiến của dân chúng và của các môn đệ về
Chúa Giêsu
Chúa Giêsu hỏi về ý kiến của dân chúng
và của các môn đệ liên quan đến Người.
Các câu trả lời khá là đa dạng.
Gioan Tẩy Giả, tiên tri Êlia, tiên tri Giêrêmia, hay một tiên tri nào
đó. Khi Chúa Giêsu hỏi về ý kiến của các
môn đệ, Phêrô trở thành phát ngôn viên và nói:
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Câu trả lời của Phêrô có nghĩa là ông nhận ra
rằng trong Đức Giêsu, lời tiên tri của Cựu Ước được ứng nghiệm và trong Đức
Giêsu, chúng ta có sự mặc khải chắc chắn của Chúa Cha cho chúng ta. Lời tuyên xưng này của Phêrô không phải là mới
lạ. Trước hết, sau khi đi trên mặt biển,
các môn đệ khác đã tuyên xưng cùng một đức tin:
“Quả thật Thầy là Con Thiên Chúa!” (Mt 14:33). Trong Tin Mừng của Gioan, Máctha đã tuyên
xưng lời này giống như Phêrô: “Thầy là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã phải đến thế gian” (Ga 11:27).
Mt 16:17: Câu trả lời của Chúa Giêsu nói với
Phêrô: “Phêrô, con thật có phúc!”
Chúa Giêsu công bố Phêrô là “Có Phúc!” bởi
vì ông đã nhận lãnh sự mặc khải từ Chúa Cha.
Trong trường hợp này, phản ứng của Chúa Giêsu không phải là điều mới lạ. Trước hết, Chúa Giêsu đã công bố điều vui mừng
tương tự với các môn đệ đã được thấy và nghe những điều mà trước đây không ai biết
(Mt 13:16), và đã ngợi khen Chúa Cha vì Người mặc khải Con Người cho những kẻ
bé mọn và không mặc khải cho những kẻ khôn ngoan (Mt 11:25). Phêrô là một trong những kẻ bé mọn này mà
Chúa Cha đã mặc khải cho. Nhận thức về sự
hiện hữu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu chẳng phải vì “từ xác thịt hay máu huyết”,
đó là, nó không phải là kết quả của nỗ lực con người, nhưng chính ra là ân sủng
mà Thiên Chúa ban cho những ai mà Người muốn.
Mt 16:18-20: Các thẩm quyền của Phêrô
Ông Phêrô nhận lãnh ba thẩm quyền từ Đức
Giêsu: (i) Làm tảng đá hỗ trợ, (ii) Nhận chìa khóa Nước Trời, và (iii) Làm nền tảng
của Giáo Hội.
i)
Làm tảng đá: Simon, con ông
Giôna, nhận được từ Đức Giêsu một tên mới là Kêpha, và có nghĩa là Đá. Đây là lý do tại sao ông được gọi là Phêrô. Phêrô phải là tảng đá, đó là, ông phải là nền
tảng vững chắc cho Giáo Hội để các cửa của địa ngục sẽ không thắng được. Với những lời này từ Chúa Giêsu nói với
Phêrô, Mátthêu khuyến khích các cộng đoàn ở Syria và Paléstine, đang chịu đau
khổ và là nạn nhân của các cuộc bách hại, để thấy trong Phêrô là một người lãnh
đạo người ta tìm kiếm sự hỗ trợ, để chính họ căn cứ liên quan đến nguồn gốc của
họ. Mặc dù là những cộng đoàn yếu kém và
bị bách hại, họ đã có một cơ sở vững chắc, bảo đảm bởi Lời của Chúa Giêsu. Tại thời điểm đó, các cộng đoàn đã có những sự
gắn bó thương mến mạnh mẽ với những người đã gầy dựng, những người cùng xứ sở của
cộng đoàn. Vì thế, Cộng Đoàn Syria và
Paléstine nuôi dưỡng sự gắn bó hiệp nhất của họ với con người Phêrô. Cộng đoàn Hy Lạp với con người Phaolô. Một số cộng đoàn tại Á Châu, với con người của
người môn đệ Chúa yêu và các cộng đoàn khác với con người Gioan của sách Khải
Huyền. Tự xác định với những nhà lãnh đạo
cùng xứ sở của họ đã giúp cho các cộng đoàn nuôi dưỡng căn tính và tâm linh của
họ tốt đẹp hơn. Nhưng điều này cũng có
thể là một nguyên nhân gây ra tranh chấp, như trong trường hợp của cộng đoàn
Côrintô (1Cr 1:11-12).
Làm tảng đá như là căn bản của đức tin gợi
lên Lời của Chúa gửi đến những người đang sống lưu vong ở Babylon: “Hỡi ai theo đuổi sự công chính, hỡi kẻ đi
tìm ĐỨC CHÚA, hãy nghe Ta! Hãy đưa mắt
nhìn lên tảng đá: từ tảng đá này, các
ngươi đã được đẽo ra; hãy đưa mắt nhìn vào hầm đá: từ hầm đá này, các ngươi đã được lấy ra. Hãy ngước mắt nhìn tổ phụ Ábraham và Sara,
người đã sinh ra các ngươi; vì khi được Ta gọi, Ábraham chỉ có một mình, nhưng
Ta đã ban phúc lành cho nó, và cho nó trở nên đông đảo” (Is 51:1-2).
Áp dụng cho Phêrô, phẩm lượng của nền tảng-đá này cho thấy một sự khởi đầu
mới của dân Thiên Chúa.
ii)
Chìa khóa Nước Trời: Phêrô nhận lấy
chìa khóa Nước Trời để cầm buộc và tháo cởi, đó là, để hòa giải người ta với
nhau và với Thiên Chúa. Này, ở đây một lần
nữa cùng một quyền năng cầm buộc và cởi bỏ, được ban cho không chỉ với Phêrô, nhưng
cũng cho các môn đệ khác (Ga 20:23) và cho những cộng đoàn của các ông (Mt
18:18). Một trong những điểm mà Tin Mừng
của Mátthêu khẳng quyết là hòa giải và tha thứ (Mt 5:7, 23-24, 38-42-48;
66:14-15-35). Tại Syria, trong những thập
niên 80 và 90, bởi vì tin vào Chúa Giêsu, đã có nhiều căng thẳng trong các cộng
đoàn và chia rẽ trong gia đình. Một số
chấp nhận Người là Đấng Mêssia và những người khác thì không, và điều này là
nguyên nhân gây ra căng thẳng và xung đột.
Mátthêu nhất quyết hòa giải. Việc
hòa giải đã và tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các phối
hợp viên của cộng đoàn thời bấy giờ. Bắt
chước Phêrô, họ phải cầm buộc và tháo cởi, đó là, làm tất cả mọi việc có thể để
có được sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, xây dựng tình huynh đệ thật sự “Bảy
mươi lần bảy!” (Mt 18:22).
iii)
Giáo Hội: Từ ngữ Giáo Hội, trong
tiếng Hy Lạp là eklésia, xuất hiện 105 lần trong Tân Ước, hầu như độc quyền
trong sách Tông Đồ Công Vụ và trong các Thư Mục Vụ. Chỉ ba lần trong các sách Phúc Âm, một lần
duy nhất trong sách Tin Mừng của Mátthêu.
Chữ này có nghĩa đen là “được mời đến” hoặc “được chọn”. Nó cho thấy người ta được mời gọi đến bởi Lời
của Chúa, và những người tìm cách sống với thông điệp Nước Trời mà Đức Giêsu đã
mang đến cho chúng ta. Giáo hội hoặc cộng
đoàn không phải là Nước Trời, nhưng là một công cụ hay một chỉ dấu của Nước Trời. Nước Trời thì rộng lớn hơn nhiều. Trong Giáo Hội, trong cộng đoàn, điều gì sẽ xảy
ra khi một nhóm người để cho Thiên Chúa ngự trị và để cho Thiên Chúa là “Chúa”
của đời sống họ, là sự hiện diện của sự chịu quy phục hoặc là nên chịu quy phục
dưới mắt của mọi người.
c)
Phần đào sâu hơn:
i)
Hình ảnh của Thánh Phêrô:
Phêrô, một ngư phủ đánh cá, đã trở thành
kẻ đi lưới người (Mc 1:17). Ông đã kết
hôn (Mc 1:3). Ông là một người tốt bụng,
rất nhân bản. Ông là một người lãnh đạo
tự nhiên trong số mười hai môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Đức Giêsu tôn trọng khả năng lãnh đạo này và
làm cho Phêrô thành người chăm sóc cho cộng đoàn đầu tiên của Người (Ga 21:17). Trước khi tham gia vào cộng đoàn của Chúa
Giêsu, Phêrô được gọi là Simon, con ông Giôna (Simao Bar Jona) (Mt 16:17). Chúa Giêsu gọi ông là Kêpha hay là Tảng Đá
(Ga 1:42), người sau này trở thành Phêrô (Lc 6:14).
Bằng vào bản chất và cá tính của ông,
Phêrô có thể làm được tất cả mọi việc, ngoại trừ pietra – tảng đá. Ông có can đảm nói, nhưng trong lúc gặp nguy
hiểm ông đã để cho mình bị chi phối bởi sự sợ hãi và chạy trốn. Ví dụ, vào thời điểm Chúa Giêsu đi trên mặt
biển, Phêrô đã xin “Lạy Chúa, xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với
Ngài”. Chúa Giêsu trả lời: “Phêrô, con cứ đến!” Phêrô bước ra khỏi thuyền và bước đi trên mặt
biển. Nhưng ngay khi ông thấy một con
sóng cao, ông đâm sợ, mất lòng tin, và bắt đầu chìm và ông la lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” Chúa Giêsu đã trấn an ông và đã cứu ông (Mt
14:28-31).
Trong Bữa Tiệc Ly, Phêrô thưa với Chúa
Giêsu: “Lạy Thầy, dầu có phải chết với
Thầy, con cũng không chối Thầy!” (Mc
14:31), nhưng chỉ vài giờ sau đó, trong dinh Thượng Tế, trước mặt người tớ gái,
khi Chúa Giêsu đã bị bắt, Phêrô đã chối Chúa, thề rằng ông không hề có liên hệ
gì với Đức Giêsu (Mc 14:66-72).
Khi Chúa Giêsu ở trong Vườn Cây Dầu,
Phêrô đã tuốt gươm (Ga 18:10), nhưng cuối cùng lại chạy trốn, bỏ lại Chúa Giêsu
một mình (Mc 14:50). Bằng vào bản chất,
Phêrô không phải là tảng đá!
Nhưng ông Phêrô này, rất yếu đuối và rất
con người, giống như chúng ta, ông trở nên tảng đá, bởi vì Chúa Giêsu cầu nguyện
cho ông và nói: “Phêrô, Thầy đã cầu nguyện
cho con, để con khỏi mất lòng tin, và một khi con đã trở lại, hãy làm cho anh
em con nên vững mạnh!” (Lc
22:31-32). Đây là lý do tại sao Đức
Giêsu có thể nói: “Con là Đá (Phêrô) và
trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16:18). Chúa Giêsu giúp ông trở thành tảng đá. Sau khi Phục Sinh, tại Galilê, Chúa Giêsu hiện
ra với Phêrô và hỏi ông hai lần: “Phêrô,
con có yêu mến Thầy không?” Và Phêrô đã
thưa lại hai lần: “Lạy Thầy, Thầy biết
con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-16). Khi Chúa Giêsu lặp lại câu hỏi lần thứ ba,
Ông Phêrô đã buồn bã. Có lẽ ông nhớ rằng
ông đã chối Chúa Giêsu ba lần. Với câu hỏi
lần thứ ba này ông thưa lại: “Lạy Thầy,
Thầy biết hết mọi sự! Thầy biết con yêu
mến Thầy rất nhiều!” Và vào lúc ấy Chúa
Giêsu trao phó cho ông việc chăm sóc các chiên con của Người, nói rằng: “Phêrô, hãy chăm sóc các chiên con của Thầy!”
(Ga 21:17). Với sự giúp đỡ của Chúa
Giêsu, độ cứng của đá tăng tiến trong Phêrô và được mặc khải vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, sau khi Chúa Thánh
Thần hiện xuống, Phêrô mở cửa căn phòng nơi mà tất cả mọi người tề tựu, đã bị
khóa kín vì lo sợ người Do Thái (Ga 20:19), ông thu hết can đảm và bắt đầu công
bố với dân chúng về Tin Mừng của Chúa Giêsu (Cv 2:14-40). Và ông đã không ngừng nghỉ làm việc ấy! Nhờ vào sự rao giảng can trường về biến cố Phục
Sinh này, ông đã bị tống ngục (CV 4:3).
Trong khi xét xử, ông đã bị cấm không được công bố Tin Mừng (Cv 4:18),
nhưng ông Phêrô đã không tuân theo lệnh cấm này. Ông nói:
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời
người phàm!” (Cv 4:19; 5:29). Ông đã bị
bắt một lần nữa (Cv 5:1826). Ông đã bị
đánh đòn (Cv 5:40). Nhưng ông đã
nói: “Cám ơn. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục!” (xem Cv 5:42).
Tông truyền nói rằng vào cuối cuộc đời
ông, tại Rôma, ông Phêrô đã bị bắt và bị kết án tử hình, và xử chết treo trên
thập giá. Ông đã yêu cầu được đóng đinh
ngược đầu xuống đất. Ông tin rằng ông
không xứng đáng được chết như Chúa Giêsu.
Phêrô đã trung tín với chính mình cho đến chết!
ii)
Kết thúc bối cảnh: Mt 16:21-23
Phêrô đã thú nhận: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!” Ông đã tưởng tượng một Đấng Thiên Sai vinh hiển,
và Chúa Giêsu đã sửa ông: “Thật là cần
thiết cho Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ và chết tại Giêrusalem.” Bằng cách nói “thật là cần thiết”, Người cho
thấy rằng sự đau khổ đã được ứng trước trong các lời Ngôn Sứ (Is 53:2-8). Nếu ông Phêrô chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng
Mêssia và Con Thiên Chúa, ông cũng phải chấp nhận Người là Đấng Thiên Sai Tôi Tớ,
Đấng sẽ bị giết chết. Không những chỉ là
sự chiến thắng vinh quang, mà cũng là cuộc hành trình tiến về thập giá! Nhưng ông Phêrô không chấp nhận việc chỉnh sửa
và tìm cách ngăn cản Người.
Phản ứng của Chúa Giêsu thật đáng ngạc
nhiên: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Con đang là một trở ngại trên con đường Ta đi
bởi vì những gì con đang suy nghĩ không phải là lối suy nghĩ của Thiên Chúa mà
là như người phàm”. Satan là một trong
những kẻ ngăn cách chúng ta khỏi con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng
ta. Nói theo nghĩa đen, Chúa Giêsu
nói: “Hãy lui ra sau Ta” (Hãy xéo
đi!). Phêrô đã muốn đặt mình ở phía trước
và định hướng đi. Chúa Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta!” Người cho thấy rằng Đấng định hướng đường đi
và chỉ đạo không phải là Phêrô, mà là Chúa Giêsu. Môn đệ phải theo Thầy. Ông phải sống trong sự chuyển đổi liên tục.
Lời của Chúa Giêsu cũng là một nhắc nhở
cho tất cả những ai hướng dẫn hoặc chỉ đạo một cộng đoàn. Họ phải “theo” Chúa Giêsu và không đặt mình
vào phía trước Người như Phêrô đã muốn làm.
Không, chỉ có họ mới có thể chỉ ra phương hướng hoặc đường đi. Nếu không, giống như Phêrô, họ không phải là
tảng đá hỗ trợ, nhưng họ trở thành tảng đá cản đường. Vì thế, một số các nhà lãnh đạo của cộng đoàn
vào thời Mátthêu, đầy rẫy những mơ hồ.
Không những thế, thậm chí ngày nay điều này cũng đang xảy ra giữa chúng
ta!
6.
Thánh Vịnh 121
Chúa là Đấng hỗ trợ tôi
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân
trật bước,
xin Người chớ ngủ quên.
Đấng gìn giữ Israel,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ
Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc
làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải
cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con,
được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà
còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng
sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến
muôn thuở muôn đời.Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét