Trang

Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Đức Hồng Y Parolin, các điều chủ yếu trong triều giáo hoàng Phanxicô: Chống nghèo đói, tạo hòa bình, và bắc cầu

Đức Hồng Y Parolin, các điều chủ yếu trong triều giáo hoàng Phanxicô: Chống nghèo đói, tạo hòa bình, và bắc cầu


Vũ Văn An
28/Aug/2017
Ngày 10 Tháng Năm, 2017, tại Tòa Đại Sứ Ý bên cạnh Tòa Thánh, trong một cuộc thảo luận Bàn Tròn nhân dịp phát hành số 4,000 của tạp chí La Civilta Cattolicá, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khánh Tòa Thánh, đã cho biết ba chữ chủ yếu của triều giáo hoàng hiện nay: chống nghèo đói, cả vật chất lẫn tinh thần; tạo hòa bình và bắc các cây cầu.

Vì chủ đề của số báo trên đề cập tới quan điểm của Magellan, nhà thám hiểm thế giới thế kỷ 16, nên Đức Hồng Y Parolin cho rằng “Ở nguồn cội cuộc mạo hiểm phi thường của Ferdinand Magellan, và những nhân vật tương tự mà lịch sử từng biết đến, là thái độ bắt nguồn từ lòng tín thác vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Nói chung, những nhà thám hiểm mãnh liệt khát mong một điều gì đó vĩ đại hơn, tức, viết lên một trang sử mới cho cuộc mạo hiểm của nhân loại”.

Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh ba thái độ của các nhà thám hiểm nói trên: một cảm thức nôn nóng, một lòng khiêm nhu thấy mình chưa hoàn toàn và một lòng can đảm dám tưởng tượng. Ba thái độ này đem lại “sự tự do nội tâm” giúp họ “bám trụ giữa đại dương để sẵn sàng tìm hiểu căn kẽ một chân trời luôn thay đổi, chứ không chịu lui về các hải cảng an toàn vốn bảo đảm thứ thanh bình biểu kiến mà thực ra chỉ ngăn cản họ can đảm tiếp nối cuộc hành trình dài của lịch sử”.

Đó quả là một dẫn nhập tuyệt diệu để đi vào triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, một triều hoàng cũng có 3 điều chủ yếu như đã nói ở trên.

Đức Hồng Y Parolin cho rằng ngày nay, ba điều chủ yếu ấy cũng là “ba tọa độ qúy giá để hiểu thái độ và nền ngoại giao giáo hoàng của Đức Phanxicô trước các thách đố khẩn trương của thời đại ta”. Ba “yếu tố qui chiếu” này được sợi chỉ xuyên suốt nối kết, tức “luôn lưu tâm tới các tình huống khó khăn vật chất và tinh thần đang gây thương tích cho nhân loại thời nay”.

Ngài cũng đề cập tới một đặc điểm nữa là sự mẫn cảm của Đức Phanxicô, diễn tả cụ thể là thực tại luôn tốt hơn ý niệm, Ta thấy ta trong thực tại, trong một cuộc sống cụ thể, trước khi đối phó với các ý niệm và hệ thống tư tưởng khác nhau. Nói cách khác, tôi phải chấp nhận người khác, như họ là và tại nơi họ hiện hữu, thì tôi mới có thể cùng họ làm cuộc hành trình huynh đệ tiến tới sự thật và hòa giải.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh cũng phân tích khía cạnh “địa chính trị của cuộc hành trình từ ngoại vi đi vào trung tâm”. Ngài nói: “Chúng ta cũng đang mục kích một loại “cách mạng Copernicus” mới dưới ánh sáng Tin Mừng… Chúng ta biết Đức Giáo Hoàng hết sức lưu tâm tới các khu ngoại vi của thời đại ta, cả về phương diện hiện sinh lẫn phương diện địa dư. Ngài bắt đầu bằng một sự kiện đơn giản: cảnh nghèo, sự yếu đuối của con người thời nay và các yếu điểm của một xã hội phi cơ cấu và phi trung tâm, đang gây thương tích cho phẩm giá con người nhân bản”.

Chiến thuật truyền thông mới

Trên bình diện liên hệ quốc tế, Đức Hồng Y Parolin nhận xét 3 thách đố sau đây được chính Đức Phanxicô tiếp nhận: “dấn thân cho hòa bình, giải giới hạch nhân, bảo vệ môi trường”. Một loạt các viễn tượng hoàn cầu khác phát sinh từ các thách đố này là “cổ vũ nền văn minh gặp gỡ, đồng hành với hiện tượng di dân, chia sẻ của cải của trái đất và phẩm giá việc làm, nhất là đối với các thế hệ trẻ”.

Giống Magellan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng tìm cách mở ra một lối truyền thông và gặp gỡ mới, nhất là bắc những cây cầu lý tưởng giữa lục địa này và lục địa kia, giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, giữa các hệ thống và tư tưởng luật pháp thường xa cách nhau”.

Đức Hồng Y Parolin cho hay: 3 điểm chủ yếu nói trên đây “điều hướng một đường đi có tính bản thân, xã hội và hoàn cầu. Đường đi này sẽ khó khăn, nếu ta tự cầm giữ mình trong nhà tù dửng dưng; đường đi này sẽ không thể thể hiện được, nếu ta tin rằng hòa bình đơn giản chỉ là một không tưởng; nhưng đường đi này sẽ khả hữu, nếu ta chấp nhận thách thức biết tin tưởng nơi Thiên Chúa và nơi con người, và nếu ra dấn thân vào việc tái thiết một tình huynh đệ chân thực, trong khi chăm sóc Tạo Thế”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét