Trang

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Đức Gioan Phaolô II và dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các quyền con người

Đức Gioan Phaolô II và dấn thân của Tòa Thánh trong việc bảo vệ các quyền con người

Chiều ngày 28 tháng 7 vừa qua Đức Ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu Strasbourg, đã thuyết trình về  đề tài “Việc thăng tiến các quyền con người  trong hoạt dộng quốc tế của Toà Thánh”, trong khuôn khổ các buổi diễn thuyết tại Rovereto, tỉnh Trento, bắc Italia. Buổi diễn thuyết do Hiệp hội “Campana dei Caduti Maria dolens “Chuông tử sĩ Đức Maria khổ đau”, tổ chức. Đây là hiệp hội cổ võ giáo dục các thế hệ trẻ yêu chuộng hoà bình và tôn trọng nhân quyền qua các hoạt động văn hoá và ngoại giao.
Trong phần đầu bài tham luận Đức Ông đã duyệt qua các giáo huấn của các Giáo Hoàng Pio VI, Gregorio XVI, Pio IX, Leo XIII, Biển Đức XV, Pio XII, Gioan XXIII, và của Công Đồng Chung Vaticăng II. Từ chỗ dè dặt Toà Thánh đi đến chỗ công khai bênh vực các quyền con người. Tiếp đến Đức Ông đã trình bầy lập trường của ĐGH Phaolô VI và của thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Nếu triều đại của chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI củng cố các chiếm hữu của Thông điệp Pacem in terris của thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII liên quan tới các quyền con người, và ghi nhận các thử áp dụng đầu tiên từ phiá Toà Thánh trong các tương quan đa chiều, thì với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II các quyền con người trở thành la bàn hướng dẫn hướng đi của  Toà Thánh trên biển của cuộc sống cộng đoàn quốc tế. Cần ghi nhận rằng việc lựa chọn này không bắt nguồn từ một việc đơn thuần sử dụng ngôn ngữ phổ biến, lại càng không dựa trên việc duyệt xét cơ may chính trị. Sự lựa chọn của Đức Gioan Phaolô II có các lý do thần học sâu rộng. Bằng chứng là Thông điệp lớn đầu tiên Redemptor hominis công bố ngày mùng 4 tháng 3 năm 1979, tức 6 tháng sau khi được bầu làm Chủ Chăn Giáo Hội công giáo hoàn vũ. Thông điệp đầu tiên này là một loại cánh cửa trang nghiêm dẫn vào huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II. Thông điệp Đấng Cứu Độ con người chứa đựng suy tư về đề tài con người, mà Đức Gioan Phaolô II đã làm chín mùi cho tới lúc đó như là giáo sư đại học và là mục tử, khởi hành từ các giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticăng II, mà ngài đã góp phần soạn thảo. Với một công thức sẽ trở thành nổi tiếng, nhưng ban đầu đã không dễ dàng được nhận ra và hiểu, Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng “Con người là con đường của Giáo Hội”; còn hơn thế nữa “Con người là con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo Hội”. Gốc rễ của khẳng định này là thần học: mỗi một người được nối liền với Chúa Kitô một cách không thể lià tan, và vì thế việc phục vụ con người là điểm giao thoa của việc loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, là con đường bí tích rộng mở cho thế giới, là diễn văn của Giáo Hội và là việc đối thoại với tất cả mọi người thiện chí.
** Đó là điểm neo thần học quan niệm của Đức Gioan Phaolô II về các quyền con người, là đề tài được khai triển rộng rãi trong số 17 của Thông điệp Đấng Cứu Độ con người, và trong đó chúng ta đã có thể nhận ra các liệt kê sẽ được khai triển trong suốt triều đại của ngài, cách riêng là các tư tưởng mà Đức Gioan Phaolô II sẽ diễn tả ra trong tháng 10 cùng năm 1979 trước Diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Trong các trang của Thông điệp Đấng Cứu Độ con người  ta nhận thấy có một sự ủng hộ công việc của Liên HIệp Quốc và các nguyên tắc chứa đựng trong Bản Tuyên Ngôn Nhân  Quyền 1948 như chưa từng xảy ra cho tới lúc đó trên bình diện huấn quyền giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô II nói: “Nỗ lực tuyệt diệu đã được hoàn thành để khai sinh ra Liên Hiệp Quốc… hướng tới chỗ định nghĩa và thiết lập các mục tiêu và các quyền bất khả xâm phạm của con người, bắt buộc các quốc gia thành viên nghiêm chỉnh tuân hành chúng. Như thế các quyền con người được đặt định trở thành “nguyên tắc nền tảng của hoạt động cho thiện ích của con người…. Một cách vĩnh viễn “nền hoà bình được giản lược vào việc tôn trọng các quyền bất khả xâm phạm của con người”, và vì thế việc thăng tiến các quyền con người được gắn liền mật thiết với sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.
Việc tôn trọng các quyền con người là nền tảng của bất cứ dự án nào muốn được định nghĩa là duy nhân bản. Cố ý ám chỉ tình hình của các chế độ độc tài cộng sản Đức Gioan Phaolô II khẳng định rằng: “Việc tôn trọng này cũng là “tiêu chuẩn của tất cả mọi chương trình, mọi chế độ, mọi chính quyền”.
Chúng ta nhận thấy có ba trục quan trọng trong cấu trúc tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II liên quan tới đề tài nhân quyền: trước hết là việc chân thành chấp nhận các tư tưởng trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1948, nảy sinh từ việc thừa nhận một tính cách đồng bản tính của các quyền con người với nguyên tắc thần học về phẩm giá của từng bản vị con người; thứ hai, việc thăng tiến nhân quyền được hiểu như chiều kích nòng cốt sứ mệnh của Giáo Hội trên thế giới, và như vậy như là phần toàn vẹn của việc loan báo Tin Mừng; thứ ba, việc tôn trọng các quyền con người như là thước đo tính cách hợp pháp của các hệ thống và chế độ chính trị khác nhau.
Bên cạnh 3 trục tư tưởng chính này còn có thêm một trục tư tưởng thứ tư nữa, đã chỉ được vạch ra trong Thông điệp Đấng Cứu Độ con người, nhưng sẽ được đào sâu trong các can thiệp tiếp theo, nghiã là mối dây nối kết nội tại giữa các quyền con người như là cá nhân và các quyền của việc đào tạo nhân bản nền tảng (gia đình, xã hội và quốc gia), phát xuất từ chiều kích cơ cấu xã hội của con người. Liên quan tới điều này hồi năm 1983 như là hoa trái suy tư của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1980 về gia đình, sẽ được công bố “Hiến chương các quyền của gia đình”, trong đó có khẳng định rằng như là xã hội tự nhiên gia đình có các quyền riêng và bất khả xâm phạm. Đề tài các quyền của các quốc gia sẽ được Đức Gioan Phaolô II  khai triển trong diễn văn đọc tại trụ sở UNESCO ngày mùng 2 tháng 6 năm 1980, và sẽ là đối tượng của sự chú ý đặc biệt trong diễn văn đọc truớc Diễn đàn Liên Hiêp Quốc lần thứ hai ngày mùng 5 tháng 10 năm 1995.
** Trong cấu trúc này tự do tôn giáo có một ý nghĩa chính: nó là việc diễn tả đặc biệt phẩm giá siêu việt của con người, quyền bất khả xâm phạm của lương tâm, và có một chiều kích xã hội nội tại – thật thế tôn giáo được tuyên xưng một cách bình thường bên trong một cộng đoàn – thường gắn liền với nền văn hoá của một quốc gia. Việc tôn trọng tự do tôn giáo như thế trở thành một loại giấy quỳ đo đọ kiềm cho biết mức độ của việc tôn trọng đích thực các quyền con người  từ phía một chế độ chính trị, và việc bảo vệ nó đến lượt mình trở thánh một điểm không thể khước từ trong hoạt động của Toà Thánh trên trường quốc tế.
Sự quý chiếu quyền tự do tôn giáo cũng bước vào trong nền chính trị thoả hiệp: sự kiện người ta nhắc tới một cách rõ ràng nhiều thoả hiệp do Toà Thánh ký kết thật ý nghĩa đối với chính sự tiến triển của dụng cụ thoả hiệp. Như sẽ được ghi nhận diễn văn của Đức Giáo Hoàng cũng đã được ghi dấu bởi điều kiện thê thảm, trong đó các quốc gia phải sống gồm cả Ba Lan, dưới gông cùm của chủ thuyết xã hội chủ nghĩa thực thụ, các quốc gia trong đó các quyền con người chỉ được công bố bằng miệng, nhưng không hề được tôn trọng. Trong giai đoạn đầu này của triều đại giáo hoàng việc công bố các quyền con người được trực tiếp gắn liền với việc đòì hỏi tự do cho những ai bị áp bức dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Như vậy chỉ chưa đầy 2 năm sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã có cách trình bầy một giáo lý hoàn toàn về nhân quyền, khởi đầu từ một suy tư có tính cách thần học, có lẽ lần đầu tiên gắn liền một cách có hệ thống sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới – nghĩa là việc loan báo Tin Mừng – với việc tôn trọng và thăng tiến nhân quyền.
Quan điểm này đã gợi hứng cho toàn triều đại của Đức Gioan Phaolô II. Đề tài các quyền con người đã thường xuyên được nêu lên trong Diễn văn đầu năm nói với Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh: đây là một thói quen phân biệt một cách rõ ràng các diễn văn của Đức Gioan Phaolô II với các diễn văn của Đức Phaolô VI, như đã trình bầy trước đây. Thế rồi cũng có thể kể đến nhiều sứ điệp  cho Ngày Hoà Bình Thế Giới mùng 1 tháng giêng và rất nhiều văn bản và tài liệu khác nữa.
** Nhưng điều đáng chú ý hơn nữa là ghi nhận việc quy chiếu các quyền con người từ từ trở thành một trong các tiêu chuẩn chính gợi hứng cho hoạt động của Đức Giáo Hoàng và nền ngoại giao của Toà Thánh trên trường quốc tế. Việc nhắc tới các quyền con người trở lại một cách đều đặn dọc dài một chuỗi các chuyến tông du, là một trong các dụng cụ đặc thù, qua đó Đức Gioan Phaolô II đã giải thích sứ vụ Phêrô của ngài. Không phải đề tài các quyền con người luôn luôn là trung tâm các diễn văn của ngài: dĩ nhiên sứ điệp của Đức Gioan Phaolô II tập trung vào việc loan báo đức tin.
Tuy nhiên, việc quy chiếu các quyền bất khả xâm phạm của con người  trở thành một nét thường hằng. Nó càng có ý nghĩa khi được nói lên trong các bối cảnh khó khăn dưới chiều kích tôn trọng các quyền con người, như xảy ra trong các chuyến tông du tại Chile năm 1987, hay tại Cuba năm 1998.
Từ các giáo huấn bước sang các hoạt động trong bối cảnh quốc tế, đề tài tôn trọng các quyền con người,  đặc biệt quyền của các công nhân, và một lần nữa quyền tự do tôn giáo, đã thật quan trọng trong việc đối diện với các quyền bính chính trị tại quê hương của ngài, dọc dài các năm khi nảy sinh ra công đoàn Độc Lập Liên Đới Solidarnosc, của luật giới nghiêm và việc chuyển tiếp từ chế độ cộng sản độc tài sang chế độ dân chủ. Thế rồi suy tư về tương quan giữa các quyền con người và các quyền của các quốc gia cho  phép hiểu lập trường của Toà Thánh trong tiến trình khủng hoảng của nước Jugoslavia và việc mau mắn thừa nhận nền độc lập của Slovenia và Croazia.
Dây nối kết nội tại giữa việc tôn trọng quyền quốc tế, tôn trọng các quyền con người và việc xây dựng hoà bình  sẽ là nền tảng các sáng kiến của Đức Gioan Phaolô II trong dịp chiến tranh đầu tiên của vùng Vịnh hồi năm 1991 và dịp chiến tranh thứ hai năm 2003, với một sáng kiến ngoại giao sâu rộng từ phiá Đức Giáo Hoàng, nhưng rất tiếc đã không được thành công, trong việc khẩn thiết kêu gọi đừng can thiệp quân sự vào Iraq.

Nói chung trong triều đại của Đức Gioan Phaolô II việc nhắc nhớ tôn trọng các quyền nền tảng của con người, bao gồm cả việc diễn tả phẩm giá siêu việt của nó, trở thành chìa khoá đọc hiểu tương quan Giáo Hội – thế giới. Chúng ta có thể tổng kết với các lời chính Đức Gioan Phaolô II sẽ nói vài năm sau đó với Toà Án Nhân Quyền Strasbourg, rằng: Giáo Hội mạnh mẽ bảo vệ các quyền con người, bởi vì Giáo Hội coi đó như là phần cần thiết của việc thừa nhận phải được trao ban cho phẩm giá con người, đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên  Chúa và đã được Chúa Kitô cứu chuộc”.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét