Trang

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Hai sưu tập cuối cùng của sách Thánh Vịnh - Tv 90,1-2

Hai sưu tập cuối cùng của sách Thánh Vịnh - Tv 90,1-2

Hai phần cuối cùng của sách Thánh Vịnh, sưu tập IV gồm các thánh vịnh 90 tới 106 và sưu tập V gồm các thánh vịnh 107 tới 150, bao gồm phần ba của sách Thánh Vịnh nghĩa là sưu tập hai của các “thánh vịnh Giavít”, vì gọi tên Thiên Chúa là Giavê.
Trong số 17 thánh vịnh của sưu tập IV có 10 thánh vịnh “mồ côi”, nghĩa là không có tựa đề hay đề tựa. Liên quan tới việc chỉ định các tác giả do các tựa đề cung cấp chúng ta có thánh vịnh 90 được gán cho ông Môshê, hai thánh vịnh 101, là thánh vịnh vương quyền và thánh vịnh 103 là lời than van công cộng, được gán cho vua Đavít. Thêm vào đó là thánh vịnh 102 là lời than van của một “kẻ khổ đau héo hắt”.
Từ các tựa đề cũng có ít chỉ dẫn liên quan tới văn thể. Thánh vịnh 90 là lời cầu nguyện; thánh vịnh 98 là một thánh thi; hai thánh vịnh 100-101 là thánh vịnh, trong khi thánh vịnh 103 là một lời cầu than van. Đáng chú ý là hai ghi chú phụng vụ: “cho ngày sabát” cho thánh vịnh 92,  và “lời tạ ơn” cho thánh vịnh 100. Trong khi hai thánh vịnh 92 và 100 dẫn đưa vào toàn sưu tập của các thánh vịnh vương quyền, 93-99.
Các thánh vịnh vương quyền 93-99 là nhân tố ý nghĩa nhất của sưu tập IV, và chúng là các sáng tác thi ca đuợc hát có đệm đàn huyền cầm. Chúng đáng được để ý không chỉ vì giá trị thơ văn, mà nhất là vì nội dung giáo thuyết của chúng.
Không có tựa đề, trừ thánh vịnh 98 đuợc gọi là thánh vịnh, các thánh vịnh vương quyền này của Giavê được nhận ra bởi công thức đức tin “Giavê thống trị” (93,1; 96,10; 99,1) hay bởi kiểu gọi “vua” được gán cho Thiên Chúa của Israel (95,3; 98,6) hoặc kiểu gọi “thẩm phán của trái đất” (94,2).
Có thể nhận ra một gợi hứng hai mặt trong việc công bố  vương quyền của Thiên Chúa trong sưu tập này: một gợi hứng có tính cách cử hành phụng tự đưa chúng ta vào trong môi trường phụng vụ của Đền thờ thứ nhất giống như  thánh vịnh 47: đó là các thánh vịnh 93 và 99; gợi hứng thứ hai có tính cách cứu rỗi cánh chung, là đặc thái của truyền thống ngôn sứ Isaia II, các thánh vịnh 96-98.
Trong các thánh vịnh vương quyền này của Giavê ngoại trừ thánh vịnh 94 dùng các lý do than van công cộng cũng như cá nhân, tiếng nói của cá nhân hiển nhiên hoàn toàn vắng bóng.
Ngoài các thánh vịnh vương quyền còn có các thánh vịnh Halleluja. Chúng được gọi như thế vì chúng mở đầu hay kết thúc, hoặc mở đầu và kết thúc với công thức phụng vụ “Halleluija” có nghĩa là “Anh em hãy chúc tụng Giavê”. Đa số các thánh vịnh này ở trong sưu tập thứ V của sách Thánh Vịnh, trong khi sưu tập thứ IV chỉ có một nhóm nhỏ, tức các thánh vịnh từ 104 tới 106 có công thức “Halleluja” ở cuối. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng vì các cuốn sách kinh thánh cổ xưa viết liền nhau nên đôi khi việc gán công thức gặp khó khăn, nghĩa là chúng ta không biết công thức “Halleluija” kết thúc thánh vịnh đi trước hay mở đầu thánh vịnh tiếp theo.
Trong số 3 thánh vịnh Halleluija  kết thúc sưu tập IV hai thánh vịnh sau cùng tức thánh vịnh 105 và 106 là các phụng vụ chúc tụng lòng trung thành của Giavê, song song và rất giống thánh vịnh 78. Chúng muốn dậy hai bài học của lịch sử cứu độ: một bài học trong chìa khóa tích cực tung hô lòng trung thành của Thiên  Chúa, thánh vịnh 105; bài học kia tiêu cực lên án các bất trung liên tục của dân Israel, thánh vịnh 106.
Trong nhóm nhỏ 3 thánh vịnh “Halleluija” này cần nêu bật thánh vịnh 104. Nó là một sáng tác thơ họa huyền cầm có giá trị văn chương cũng như nội dung tôn giáo cao. Dưới hình thức một suy niệm cá nhân như được diễn tả trong các câu đầu và trong các câu kết luận, thánh vịnh cử hành các việc kỳ diệu của thụ tạo, đồng thời cử hành sự trợ giúp khôn ngoan và sốt sắng mà Đấng Tạo Hoá cống hiến cho tất cả mọi thụ tạo của Ngài.
Nhưng vì công thức dẫn nhập đặc thù của nó “Hãy chúc tụng Giavê, hồn tôi hỡi”, thánh vịnh 104 đưa chúng ta tới việc nói tới thánh vịnh 103 đi trước được dẫn nhập bởi cùng một công thức như vậy.
Cũng như thánh vịnh 104 cần coi thánh vịnh 103 như là một trong các viên ngọc của sách Thánh Vịnh vì tư tưởng tu đức cao vượt của nó, vì tâm tình tôn giáo sâu xa cũng như vì ý thức thơ phú tế nhị thấm nhập và tính cách độc đáo của sáng tác văn chương. Nó là một bài thánh thi nảy sinh từ kinh nghiệm cá nhân nội tại và muốn cử hành lòng thương xót vĩ đại của Thiên Chúa của Israel, là Đấng cúi xuống trên sự bần cùng khốn nạn to lớn của con người.
Sưu tập IV của sách Thánh Vịnh mở đầu với thánh vịnh 90. Trong hình thái nó là một lời than van công cộng như các câu 13-15 cho thấy, cũng như bởi lý do sự tin tưởng của câu mở đầu. Tuy nhiên, khác với các thánh vịnh khác cùng loại, tình hình than van ở đây xem ra không phải là một trong các tai ương hay việc lật đổ chính trị ập xuống trên quốc gia được tuyển chọn, nhưng là điều kiện bấp bênh khốn khó của mọi kiếp người nói chung. Điều này giải thích sự hiện diện trong thánh vịnh các đề tài đặc thù của nền văn chương khôn ngoan (cc.11-12), như trong thánh vịnh 39 đề cập tới cùng vấn đề. Chắc hẳn soạn giả đã sử dụng lại các chất liệu có trước và không gắn liền chúng một cách khéo léo với phần còn lại của thánh vịnh. Điều này giải thích sự khấp khểnh của thánh vịnh, nhưng không giảm thiểu gợi hứng tôn giáo và nhân bản cao của nó. Tuy có nhiều lý do để than van con người cựu ước ý thức được sự bất an trong cuộc sống của mình, và không cảm thấy bị hư mất. Nó tìm thấy các lý do có giá trị giúp hy vọng và có được niềm ủi an nơi sự toàn thiện của Thiên Chúa và sự sẵn sàng tha thứ của Ngài. Niềm tin của nó bảo đảm rằng nhờ ơn thánh Chúa sự nhục nhã có thể biến thành chiến thắng, buồn khổ có thể biến thành niềm vui. Việc gán thánh vịnh cho ông Môshê như viết trong tựa đề có lẽ đã được gợi ý bởi vài yếu tố của sách Sáng Thế, các chươg 1-3, hay sách Đệ Nhị Luật, các chương 32-33, hiện diện trong thánh vịnh. Tuy nhiên thời gian sáng tác chắc hẳn thuộc thời hậu lưu đầy.
Văn thể là lời than van công cộng với việc sử dụng các đề tài thánh thi và khôn ngoan. Thánh vịnh gồm phần dẫn nhập, các câu 1-2; lời than van trình bầy trường hợp, các câu 3-12; lời cầu, các câu 13-15; và phần kết luận, các câu 16-17.
Phần mở đầu thánh vịnh 90 trình bầy hai đề tài: thứ nhất là ân huệ mà Giavê Thiên Chúa đã cho thấy trong quá khứ đối với dân Ngài là sự tin tưởng và nó đuợc dùng như tiền đề cho các lời xin của sự khẩn nài sau cùng. Đề tài thứ hai là sự vĩnh cửu của Thiên Chúa có giọng điệu thánh thi và được dùng như nền tảng cho lòng tin tưởng đó. Việc nhắc tới lòng lành của Thiên Chúa như phần dẫn nhập của lời than van công cộng có thể tìm thấy trong thánh vịnh 44“ Lạy Thiên Chúa, tai chúng con đã từng được nghe truyện cha ông vẫn thường kể lại về công trình Chúa đã làm nên thời các cụ thuở xa xưa ấy,  rằng tự tay Ngài trục xuất chư dân, còn họ, Ngài đem trồng vào đất chúng; Ngài làm tiêu hao nhiều nước nhiều miền và cho họ được thêm lớn mạnh. Vì đâu có phải nhờ gươm giáo mà họ chiếm đất đai, đâu phải cánh tay họ đem được thắng lợi về. Nhưng chính là nhờ tay hữu Chúa, tay mạnh mẽ và ánh tôn nhan Ngài, vì Ngài yêu thích họ.” (Tv 44,2-4).; hay cho phần dẫn nhập than van cá nhân thánh vịnh 22: “Thế nhưng Chúa ngự nơi đền, vinh quang của Ít-ra-en là Ngài. Xưa tổ phụ vẫn hoài cậy Chúa, họ cậy trông, Ngài đã độ trì, van nài liền được cứu nguy,
đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài.” (Tv 22,4-6).
 “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn. Ngay cả khi đồi núi chưa được dựng nên, địa cầu và vũ trụ chưa được tạo thành,
Ngài vẫn là Thiên Chúa, từ muôn thuở cho đến muôn đời.”
“Lậy Chúa Adonay”: Thiên Chúa của Israel được kêu cầu với tước hiệu này “Chúa của con, Chủ của con” ở câu mở đầu và câu kết theo luật bao gồm của kiểu hành  văn. Tên gọi Adonay nêu bật quyền là Đấng Tối Cao của Thiên Chúa một cách tốt hơn, không phải chỉ đối với dân Ngài mà cũng đối với toàn nhân loại nữa. Thánh vịnh 8 cũng mở đầu với cùng lời kêu cầu Adonay (Tv 8,2) và lập lại ở cuối và cử hành sự hiện diện tạo dựng tuyệt vời của Danh Thánh Chúa “trên toàn trái đất” (Tv 8,10).
“Ngài là một nơi trú ẩn của con”: ban đầu từ ma ôn ám chỉ “nơi trú ẩn” cho dã thú; rồi được dùng để ám chỉ  nơi ở đặc biệt của Thiên Chúa, trên trời (x. Đnl 26,15: Tv 68,6), cũng như trong thánh điện (x. 2 Sb 36,15; Tv 26,8). Từ đó nó có nghĩa cứu rỗi trong nghĩa “nơi ẩn trú của sự cứu rỗi” (Tv 71,3; 91,9). Tác giả thánh vịnh 46 dịnh nghĩa Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta. Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo. Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu, dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục, núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng, ta cũng chẳng sợ gì.” (Tv 46,2-4).
“Trước khi các núi được sinh ra”: là kiểu nói song song với “ra ánh sáng” dịch sát chữ là “được sinh ra”, không nhất thiết khiến nghĩ tới một thần thoại vũ trụ quan liên quan tới việc thế giới nảy sinh, trong nơi tạo dựng nó qua lời toàn năng của Thiên Chúa như kể trong chương 1 sách Sáng Thế. Ở đây chỉ đơn thuần là việc dùng các hình ảnh của thể văn thánh thi mà không chú ý tới nội dung văn chương của nó. Giống như trong chương 38 sách Gióp so sánh việc tạo dựng biển với hình ảnh đứa bé “ra khỏi lòng mẹ”.
“Từ muôn thuở cho đến muôn đời”: diễn tả sự vĩnh cửu của Thiên Chúa từ trước và sau này, được khẳng định không chỉ trái nghịch với các quan niệm thần học của thế giới đông phương bao quanh, nhưng nhất là để nêu bật, ít nhất ở đây, nền tảng niềm hy vọng của dân Israel. Thiên Chúa của họ trổi vượt trên cuộc sống tạm bợ của con người cũng như trên sự vững chãi bề ngoài của các núi và của vũ trụ được tạo thành nói chung. Giavê Thiên  Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất như ngôn sứ Isaia khẳng định trong chương 48: “Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp, hỡi Ít-ra-en, kẻ Ta đã gọi! Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên, Ta cũng là cùng tận. Chính tay Ta đã thiết lập địa cầu, tay hữu Ta đã trải rộng trời cao. Ta gọi chúng, chúng cùng nhau trình diện.” (Is 48,12-13)
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét