Trang

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 38

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ, bài 38
Vũ Văn An
30/Aug/2017


Chương mười hai: Các tân biên cương

Đầu thế kỷ 16, sự việc khá ảm đạm đối với Giáo Hội Công Giáo. Các câu truyện gây tai tiếng về tình dục và tài chánh của các linh mục Công Giáo làm công luận nổi giận, làm gia tăng các tri cảm về một Giáo Hội ngạo mạn và giả hình. Trong nội bộ, Giáo Hội bị xâu xé bởi các cuộc tranh luận thần học gắt gao và các bất đồng rộng rãi từ trong dân chúng. Các kỹ thuật truyền thông mới nhất tức nghề in có nghĩa: các cuộc tranh luận kia không chỉ được giữ kín nơi các nhà chuyên môn, mà còn nhanh chóng trở thành cuộc tranh cãi ai cũng biết.

Một thế hệ mới các nhà tư tưởng và tranh đấu gây áp lực đòi cải tổ triệt để, và sức kiên nhẫn của họ cuối cùng không còn nữa, đã nổ thành cuộc Cải Cách Thệ Phản. Cuộc khởi nghĩa do Martin Luther châm ngòi này mau chóng tràn qua khắp lục địa và kết quả là Giáo Hội Công Giáo vĩnh viễn mất phân nửa Âu Châu.

Khi thế giới cận đại bắt đầu thành hình, một phần được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của khoa học thực nghiệm, người ta bắt đầu thay đổi cách suy nghĩ gần như về mọi sự, kể cả đức tin tôn giáo và các cơ cấu thẩm quyền cổ truyền. Tác động tiêu cực của hiện tượng này đối với Đạo Công Giáo hết sức lớn lao: hàng triệu người vốn sinh ra trong Giáo Hội đã rời khỏi, ơn gọi làm linh mục hay tu dòng sa sút trông thấy, và cả hình ảnh công cộng lẫn thế giá tinh thần của Giáo Hội đều bị tả tơi. Nhiều quan sát viên tin rằng đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thế kỷ qua của Giáo Hội, nếu không muốn nói là mọi thời, và nhiều người còn sợ Giáo Hội đang lao vào một đêm tối vĩnh viễn.

Thế nhưng, bất chấp các đe dọa trên, Giáo Hội Công Giáo vẫn đã khôi phục lại. Đức Giáo Hoàng Phaolô III triệu tập Công Đồng Trent trong các năm 1546 tới 1563. Công Đồng này đã kích thích cả một đợt canh tân được biết dưới danh nghĩa Phản Cải Cách. Việc giáo dục tôn giáo cả hàng giáo sĩ lẫn hàng giáo dân, nhất là ở các vùng thôn quê, đã được cải thiện đáng kể, tiếp theo việc cho công bố nhiều tài liệu giáo lý và các sách thủ bản cho các vị giải tội. Kỷ luật giáo sĩ được thắt chặt hơn. Vai trò “các giám mục vắng mặt” bị bãi bỏ, khi các giám mục buộc phải sống tại giáo phận của mình và đích thân giám sát các công việc của giáo hội địa phương của mình. Các dòng tu mới được thành lập, trong đó có Dòng Capuchin, Dòng Ursuline, và nhất là Dòng Tên, với một tinh thần truyền giáo cuồng nhiệt và một cam kết sống đơn giản và tự hy sinh cao độ. Các vị thánh huyền nhiệm vĩ đại như Thánh Têrêxa thành Avila và Gioan Thánh Giá phát động các phong trào linh đạo mới bắt nguồn từ việc hồi hướng nội tâm đối với Chúa Kitô, chứ không chỉ những điều bên ngoài thuộc phạm vi phụng vụ và bí tích. Các thúc đẩy mới này cũng xuất hiện hàng loạt trong nghệ thuật và âm nhạc Công Giáo, cố gắng phục hồi cho bằng được một cảm thức tôn kính và thánh thiêng. Một thế hệ giám mục mới xuất hiện, được thúc đẩy đem các cải tổ này vào áp dụng. Nổi bật nhất là Thánh Charles Borromeo vĩ đại của Milan, vị thánh, cho tới tận nay, vẫn được coi là lý tưởng mà mọi giám mục Công Giáo khắp thể giới phải noi theo.

Tinh thần canh tân trên đặt Giáo Hội Công Giáo vào chỗ đóng góp một cách đầy nghị lực vào Thời Đại Khám Phá ở Âu Châu suốt trong mấy thế kỷ kế tiếp. Khi các người khai phá và lập cư Âu Châu bén rễ vào Mỹ Châu, Phi Châu và Á Châu, các nhà truyền giáo Công Giáo cũng đã theo sát gót chân họ, nhất là các dòng tu như Dòng Tên, Dòng Đa Minh và Dòng Phanxicô, nhằm dựng tại đó những ngọn cờ đức tin phấp phới. Bản án lịch sử đối với chủ nghĩa thực dân Âu Châu là một bản án lẫn lộn, nhưng sự thật vẫn là: một thế kỷ hay gần như thế của Phong Trào Cải Cách Thệ Phản xem ra đã hút hết máu sống ra khỏi Giáo Hội Công Giáo, nhưng thực ra, Giáo Hội này đang trải nghiệm một cuộc lớn mạnh chưa từng thấy trong lịch sử của nó. Lần đầu tiên, Giáo Hội trở thành “công giáo” thực sự, nghĩa là “phổ quát”, không phải chỉ trên danh nghĩa, mà thực sự trải rộng cùng khắp địa cầu.

Đầu thế kỷ 21, giống như đầu thế kỷ 16, cũng thành hình một thời kỳ sóng gío cho Giáo Hội. Bắt đầu với thập niên 1960, sự xuất hiện của chủ nghĩa duy tục ở khắp các nẻo đường Tây Phương bắt đầu xâm thực các sào huyệt hậu Cải Cách của Giáo Hội. Sự ác cảm mà chủ nghĩa duy tục tạo nên đối với thẩm quyền tôn giáo, và nhất là đối với Giáo Hội Công Giáo, đã gia tốc đáng kể trong suốt một thập niên qua do nhiều tai tiếng và tranh luận gây ra, nhất là do các tiết lộ liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục và che đậy chúng. Riêng năm 2010 mà thôi, tức ở cao điểm các tai tiếng lạm dụng tình dục ở Đức, khoảng 180,000 người Công Giáo Đức đã chính thức ghi danh rút chân ra khỏi Giáo Hội. Theo hệ thống thuế nhà thờ của nước này, mọi thành viên của một tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký với chính phủ và cũng phải chính thức từ bỏ tư cách thành viên của mình thì mới khỏi phải đóng thứ thuế này. Phần lớn các chuyên viên tin rằng con số đào ngũ chính thức chỉ là một phần nhỏ, trong khi các người Công Giáo, tuy ra khỏi Giáo Hội, nhưng không chính thức làm thế về phương diện hành chánh, đông hơn nhiều.

Vấn đề là liệu thời kỳ khủng hoảng trên có là khúc dạo đầu cho một cuộc tái sinh hay không.

Có dấu hiệu canh tân nào không?

Có thể có. Ở một phần tư cuối cùng của thế kỷ 20, Đạo Công Giáo đã thu lượm được nhiều thành quả lớn lao ở bên ngoài Tây Phương. Các ước lượng đương thời cho thấy giữa thế kỷ này, trọn ba phần tư dân số Công Giáo hoàn cầu, dự phóng vào khoảng một tỷ rưỡi, sẽ sống ở nam bán cầu. Phần lớn sự gia tăng này là do các yếu tố dân số học, phản ảnh sự phát triển dân số nói chung của thế giới đang phát triển suốt trong thế kỷ 20. Thế nhưng, ở một số vùng, nhất là ở Phi Châu và một phần Đông Nam Á, sự phát triển của Đạo Công Giáo vượt quá sự phát triển dân số nói chung. Điều này cho thấy sự thành công của các cố gắng truyền giáo. Ở Phi Châu, chẳng hạn, dân số nói chung tăng 304 phần trăm giữa năm 1950 và năm 2000, nhưng số người Công Giáo tăng tới 712 phần trăm.

Một lần nữa, cuộc khủng hoảng sâu xa đối với Giáo Hội ở một phần của thế giới đã khai diễn cùng một lúc với sự gia tăng khổng lồ ở một phần khác. Mặc dù được xây dựng trên nền tảng vững chắc của các nhà truyền giáo ngoại quốc, song phần lớn sự lớn mạnh phi thường này được thúc đẩy bởi các nhà lãnh đạo Công Giáo bản địa. Thậm chí, người ta còn nói tới một thứ “truyền giáo ngược” (reverse mission) lúc các giáo sĩ và giáo dân Công Giáo hăng hái ở nam bán cầu mơ ước được đáp trả ơn phúc họ từng nhận được từ các thế hệ truyền giáo Tây Phương trước đây bằng cách làm sống lại đức tin cho Âu Châu và Bắc Mỹ. Người ta có thể thấy điều này đang diễn ra tại Hoa Kỳ, nơi một trong sáu vị linh mục hiện nay sinh ở ngoại quốc và hàng năm Giáo Hội ở đây tiếp nhận thêm 300 tân linh mục quốc tế. Các dấu hiệu thời đại này đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngay khi viết những dòng này, John Allen cho hay tại giáo xứ của người bà 98 tuổi của anh ở vùng nông thôn phía Tây Kansas, cha xứ là một vị linh mục trẻ trung xuất thân từ Miến Điện.

Khắp Nam bán cầu, một thế hệ các nhà lãnh đạo Công Giáo mới đang xuất hiện; họ xác tín sâu sắc rằng thời điểm lịch sử của họ đã tới. Họ không còn coi họ như những người hợp tác tỉnh nhỏ nữa, mà là các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Công Giáo năng động nhất và phát triển nhanh nhất trên hành tinh này. Họ tin rằng những địa danh như Mumbai, Manila, Abuja, và Buenos Aires, đối với Đạo Công Giáo của thế kỷ này, sẽ là điều mà Milan, Paris, và Leuven vốn là trong các thế kỷ 15 và 16: các trung tâm hàng đầu của viễn kiến thần học mới mẻ, các khuôn mẫu mục vụ mới mẻ, và giai cấp lãnh đạo chính trị mới mẻ trong Giáo Hội hoàn cầu.

Điều gì đang diễn ra tại Phi Châu?

Sự lớn mạnh của Đạo Công Giáo ở Phi Châu trong thế kỷ 20 hết sức gây ấn tượng. Từ cái nền chỉ có 1.9 triệu người Công Giáo vào năm 1900, tổng số này tăng tới 130 triệu người vào năm 2000, tức tăng 6708 phần trăm. Quả hết sức đáng lưu ý khi dựa vào các dự phóng trung hạn của Phân Bộ Dân Số Liên Hiệp Quốc và dựa vào giả thiết cho rằng sự gia tăng dân số của Đạo Công Giáo cũng cùng một nhịp như sự gia tăng dân số hoàn cầu nói chung để đưa ra các con số ước lượng cho năm 2050.

Thực vậy, đến năm 2050, 3 cường quốc Phi Châu sẽ giành được chỗ đứng trên bảng liệt kê các quốc gia Công Giáo lớn nhất thế giới: Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Uganda, và Nigeria. Ba đại cường này sẽ thay thế cho Tây Ban Nha và Ba Lan, vốn là các hòn đá góc của thế giới Kitô Giáo Tây Phương cổ thời. Sự xuất hiện của ba cường quốc này cũng cho thấy điều này nữa những phần trên bản đồ Công Giáo có thể chịu ảnh hưởng hơn hết của “thời điểm Phi Châu” đang ló dạng trong Giáo Hội là Pháp và các vùng nói tiếng Anh, vì tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thứ hai ở Cộng Hòa Dân Chủ Phi Châu, trong khi tiếng Anh giữ vai trò này tại Nigeria và Uganda.

Các ơn kêu gọi cũng đang nở rộ. Thí dụ, người ta vốn cho rằng Chủng Viện Tưởng Nhớ Bigard ở miền đông nam Nigeria, với số sinh viên ghi danh lên tới 1,100 người là chủng viện Công Giáo lớn nhất trên thế giới hiện nay. Một mình chủng viện này đã gần bằng 1 phần năm mọi chủng viện ở Hoa Kỳ gom lại. Thế nhưng, bất kể mùa gặt gây ấn tượng này, vẫn không có chuyện thặng dư linh mục tại Phi Châu, phần lớn vì người Phi Châu được rửa tội nhanh hơn họ được chịu chức linh mục. Thực vậy, tỷ số linh mục so với người Công Giáo rửa tội ở Âu Châu và Bắc Mỹ là gần 1 vị cho 1,300 giáo dân, thì ở Phi Châu, tỷ số ấy là gần 1 vị cho 5,000 giáo dân. Một cách đặc trưng, sự gia tăng nhanh chóng trong một giáo hội địa phương thường làm cho việc thiếu linh mục ra xấu thêm hơn là cải thiện nó, vì hố phân cách giữa số giáo dân và số giáo sĩ sẽ còn trở nên bi đát hơn nữa.

Giải thích hiện tượng gia tăng này, các tín hữu thường cho rằng Chúa Thánh Thần đang khuấy động ở Phi Châu. Còn các nhà xã hội học về tôn giáo thì rút ra ba nhân tố có tính thực nghiệm hơn sau đây:

• Phi Châu là lục địa cuối cùng nơi mà các tôn giáo bộ lạc cổ thời đang tan rã và người ta chọn lựa giữa các tôn giáo lớn hiện có của hoàn cầu, tức Kitô Giáo hay Hồi Giáo. Mặc dù mọi ngành của Kitô Giáo đều cảm nhận được một mức độ phát tiển vững mạnh, nhưng sự lớn mạnh của Phái Ngũ Tuần được kể là cảm kích nhất.

• Phi Châu có tỷ lệ sinh sản cao, và những việc gia tăng dân số này làm gia tăng số thành viên của Giáo Hội. Về phương diện dân số học, bất cứ thủy triều nào cũng nâng cao mọi con thuyền.

• Ở cuối thế kỷ 20, các cố gắng truyền giáo ở Phi Châu đã trở nên của người bản địa một phần lớn, thay vì được các nhà truyền giáo ngoại quốc tổ chức và cung cấp nhân viên, một biện pháp dĩ nhiên làm gia tăng con số thành viên một cách nhanh chóng hơn nhiều. Một triệu người Công Giáo Nigeria không thể tạo ra một nhà truyền giáo mới người Ái Nhĩ Lan, nhưng chắc chắn họ tạo nên nhiều tân linh mục người Nigeria.

Chân dung Đạo Công Giáo ở Phi Châu ra sao?

Phi Châu là địa điểm khởi đầu cho một trong những đặc điểm của Đạo Công Giáo tại phần lớn các nước đang mở mang: nó tổng hợp các lập trường rất cổ truyền hay rất bảo thủ về một số vấn đề, nhất là luân lý tính dục, và các lập trường khá tự do hay cấp tiến về một số vấn đề khác nhất là công bằng kinh tế và liên hệ quốc tế. Trong khi các người Công Giáo ở Tây Phương sa lầy trong các cuộc tranh luận về phá thai, đồng tính luyến ái, và hôn nhân đồng tính, thì các vấn đề này không gây được mấy xôn xao nơi các giới Công Giáo Phi Châu. Theo một cuộc Thăm Dò Hoàn Cầu của Pew năm 2006, đến 98 phần trăm Kitô hữu Nigeria tin rằng đồng tính luyến ái “không bao giờ được biện minh” cả và hàng ngũ giáo dân Công Giáo tại nước này chia sẻ sự đồng thuận xã hội căn bản này.

Thế nhưng, ở cả đỉnh lẫn ở đáy Giáo Hội Phi Châu, cũng có nhiều thái độ xã hội và chính trị cởi mở hơn, được phần lớn người Tây Phương coi là nghiêng nhiều về cánh tả. Thực vậy, đa số người Công Giáo Phi Châu chủ trương các quan điểm sau đây:

• Họ hoài nghi đối với thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản và việc hoàn cầu hóa;
• Họ cảnh giác trước ảnh hưởng hoàn cầu của Hoa Kỳ và cả của Trung Quốc nữa;
• Họ ủng hộ Palestine và, do đó, đôi khi chỉ trích Do Thái;
• Họ ủng hộ Liên Hiệp Quốc;
• Họ chống chiến tranh và cảnh giác đối với việc can thiệp quân sự của bất cứ siêu cường nào;
• Họ ủng hộ vai trò mạnh mẽ của nhà nước trong nền kinh tế.

Các giám mục và các nhà thần học Công Giáo Phi Châu thường coi mình như những tòa án và người bênh vực cho các quan điểm trên, cả trong Giáo Hội hoàn vũ lẫn đấu trường chính trị quốc tế. Một trong các đặc tính khác biệt của văn hóa Công Giáo Phi Châu là một số lượng thì giờ và năng lượng khá cao của nó đã được đầu tư vào các vấn đề đối ngoại trên này, tức làm thế nào để Giáo Hội tiếp cận các vấn đề rộng lớn hơn của thời đại, ngược với các cuộc tranh luận nội bộ Công Giáo vẫn thường làm cho Giáo Hội ở Tây Phương phải bận tâm. Do đó, việc xuất hiện của Phi Châu là điềm báo trước một đóng góp nhiều nghị lực hơn của Công Giáo vào sự việc của thế giới.

Đâu là các vấn đề có tính chủ đề hàng đầu đối với Đạo Công Giáo Phi Châu? 

Trước bối cảnh các quan tâm rộng lớn về công bằng xã hội của Giáo Hội, Đạo Công Giáo ở Phi Châu dành một chỗ quan trọng cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Phần lớn các nhà kinh tế học tin rằng các quốc gia giầu có ở Tây Phương có thể hoàn toàn thanh thỏa Các Mục Tiêu Thiên Niên Kỷ chống nghèo đói của Liên Hiệp Quốc, mở rộng các thị trường của họ, loại bỏ mọi trợ cấp, và đóng Thuế Tobin đầy đủ, nhưng điều này tạo được rất ít khác biệt nơi các quốc gia đang phát triển nếu việc chuyển nhượng thịnh vượng do đó mà có kết cục chỉ nằm trong túi của giai cấp ưu tú chính trị và kinh doanh thối nát. Năm 2004, Viện Ngân Hàng Thế Giới tường trình rằng các quốc gia kiểm soát được nạn tham nhũng và cải thiện được tinh thần thượng tôn pháp luật có thể tăng thu nhập của cả nước lên gấp 4 lần ; họ gọi đây là “tiền chia cổ phần 400 phần trăm nhờ quản trị”. Thành thử, bất cứ cuộc thăm dò các giám mục, các nhà thần học và giáo dân Công Giáo nào cũng đều thấy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, kể cả việc tạo nên một thế hệ mới các nhà lãnh đạo Phi Châu sẵn sàng biết nghĩ tới ích chung hơn là làm giầu cho mình, cho bộ lạc hay mạng lưới bảo hộ của mình, là quan tâm công bằng xã hội hàng đầu. Đã đành, phần lớn người Phi Châu sẽ nói thêm rằng tệ nạn tham nhũng được các quyền lợi thương mại và chính trị Tây Phương nâng đỡ và tiếp tay, nhưng việc này cũng không vì thế mà làm cho nó trở thành ít là vấn đề của họ hơn.

Một ưu tiên có tính cốt lõi khác đối với các nhà lãnh đạo Công Giáo Phi Châu là mối liên hệ với Hồi Giáo, nhất là tại các vùng thuộc lục địa này nơi có số đông đảo người Công Giáo và Hồi Giáo sống gần gũi bên nhau. Người Công Giáo Phi Châu thường có một thái độ hơi khác đối với cách tiếp cận nói chung của Giáo Hội đối với Hồi Giáo. Họ không cảm thấy mặc cảm tội lỗi bao nhiêu trước các lầm lỗi lịch sử mà Tây Phương từng phạm chống lại người Hồi Giáo, như các thập tự chinh chẳng hạn; có chăng, họ chỉ cảm thấy mình là nạn nhân của hiện tượng “hồi giáo hóa” hung hãn mà thôi. Thành thử, các nhà lãnh đạo Công Giáo Phi Châu sẵn lòng xác quyết quyền lợi của họ nhiều hơn, và nhấn mạnh điều này: đối thoại phải là con đường hai chiều.

Đức Hồng Y John Onaiyekan của Abuja, chẳng hạn, tin rằng sự yếu ớt chính trong cách tiếp cận Hồi Giáo của Giáo Hội Công Giáo là nó đã quá lệ thuộc vào người Công Giáo ở Trung Đông, nơi phần đông người Công Giáo lớn lên trong các cộng đồng Kitô Giáo nhỏ xíu bị bao vây bởi một đa số Hồi Giáo áp đảo. Đức Hồng Y Onaiyekan cho rằng trong một bối cảnh như thế, những người Công Giáo này ắt hẳn chỉ có thể có những hoài mong tối thiểu nơi các người hàng xóm Hồi Giáo mà thôi. Như chính lời ngài nói: “miễn là họ đừng sát hại chúng tôi, mọi sự đều tốt cả”. Theo ngài hoài mong này quá thấp. Người Công Giáo cần nhấn mạnh rằng người Hồi Giáo phải thừa nhận tự do tôn giáo như một vấn đề nguyên tắc, chứ không phải chỉ là cử chỉ miễn cưỡng đối với các công dân bậc nhì.

Đâu là các thách đố lớn đang đặt ra cho Giáo Hội ở Phi Châu? 

Dù Đạo Công Giáo Phi Châu chưa bị rúng động bởi tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em theo mức độ đã diễn ra ở Bắc Mỹ hay ở phần lớn các nước Âu Châu, nhưng hiện có nhiều tường trình liên tiếp ở một số nơi trên lục địa này, nhất là tại các vùng quê, cho thấy luật độc thân linh mục bị vi phạm nhiều hơn được tuân giữ. Trong nhiều năm qua, cũng có những phúc trình cho rằng các sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại một số nước Phi Châu gặp khó khăn trong việc nhận diện các ứng viên giám mục vì nạn vi phạm luật độc thân rộng rãi này. Thiết lập sự thật đối với các tri cảm này là điều khó khăn vì thiếu các cuộc thăm dò xã hội đáng tin cậy, và các nhà cầm quyền trong Giáo Hội có tiếng là không chịu giải quyết vấn đề. Người ta sẽ nhận được các câu trả lời khác nhau tùy thuộc họ hỏi ai: các nhà truyền giáo Tây Phương có xu hướng cho rằng hiện có vấn đề lớn lao, trong khi các linh mục và giám mục địa phương thì chối là không có vấn đề gì lớn lao cả; thường các vị sau cho biết thêm rằng về vấn đề giáo sĩ lạm dục tình dục, họ không cần các bài học luân lý của Tây Phương.

Cuối thập niên 1990, cũng có những lời tố cáo nghiêm trọng cho rằng ở một số quốc gia Phi Châu, các linh mục đã lạm dụng thẩm quyền của mình để cưỡng ép các nữ tu phải làm tình với họ, một phần vì các linh mục này thấy các nữ tu “an toàn” hơn về phương diện HIV/AIDS. Giữa các năm 1994 và 1998, 5 bản tường trình viết tay khác nhau đã được gửi về Vatican bởi các vị lãnh đạo các dòng nữ; các vị này mô tả nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, trong đó, có những vụ quá đáng trong đó, các linh mục hiếp dâm các nữ tu rồi dụ họ phải phá thai. Một lần nữa, thật khó có thể lên tài liệu cho tầm cỡ lớn lao của việc lạm dụng này cũng như hoàn cảnh xẩy ra đã hơn 20 năm qua nay có còn tiếp diễn nữa không. Tuy nhiên, nguyên việc các tri cảm loại này nay vẫn còn dai dẳng đủ cho thấy Đạo Công Giáo ở Phi Châu có thể đang phải đương đầu với một thách đố trầm trọng về kỷ luật giáo sĩ, nhất là trong một thời đại trong đó bất cứ hình thức giáo sĩ lạm dụng nào cũng không thể dấu diếm lâu được.

Một thách đố mục vụ chủ yếu khác đối với các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Phi Châu là sức lôi cuốn lâu dài của thực hành tôn giáo cổ truyền của người bản địa, nhất là ma thuật và trò phù thủy. Trong khi người bắc bán cầu có thể coi ma thuật phần lớn như một hình thức vô hại của nền linh đạo Tân Thời (new Age spirituality) thì ở khắp nam bán cầu, người ta coi ma thuật và phù thủy là chuyện có thật nhưng thuộc ma qủy, thành thử đáp ứng thích đáng là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Bolaji Idowu, một học giả Methodist thuộc sắc dân Yoruba ở Nigeria, từng viết rằng “ở Phi Châu, điều vô ích là đặt câu hỏi liệu có phù thủy hay không… Đối với người Phi Châu thuộc mọi tầng lớp, trò phù thủy là một thực tại khẩn trương”.

Nó cũng là một vấn đề sống chết. Ở Nigeria, một phụ nữ cao niên bị chém đầu năm 2007 sau khi bị tố cáo đã đặt bùa ểm cho thành viên của một bộ lạc. Ngược lại, kẻ giết bà đã châm ngòi cho một vụ chém giết liên sắc tộc khiến 8 người bị thiệt mạng. Trong nhiều năm qua, những tục thờ cúng bí mật tại một trăm khuôn viên đại học của Nigeria, với những danh xưng như Black Axes (Rìu Đen) và Pyrates (Cướp Biển), thường thực hành juju hay ma thuật đen, để làm kẻ thù khiếp sợ, và những vụ xô xát đầy bạo động giữa các tục thờ cúng này đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Năm 2007, một bọn dân làng ở Kenya đã đánh đập một cụ già 81 tuổi cho đến chết vì hồ nghi cụ đã sát hại 3 đứa cháu của cụ bằng trò phù thủy.

Tháng Hai năm 2007, Đại Học Công Giáo của Đông Phi Châu tại Nairobi, Kenya, tổ chức một hội nghị chuyên đề về thách đố mục vụ đối với trò phù thủy. Các chuyên viên cảnh cáo rằng trò phù thủy đang “tiêu diệt” Giáo Hội Công Giáo ở Phi Châu vì các giáo sĩ hoài nghi, do Tây Phương giáo dục, không chịu đáp ứng một cách thích đáng các nhu cầu thiêng liêng của người dân.

Michael Katola, một giảng sư về thần học mục vụ cho hay: “Điều quan trọng là Giáo Hội phải hiểu các nỗi sợ sệt của người dân, chứ đừng gán các nỗi sợ này cho mê tín dị đoan. Trò phù thủy là một việc có thực; nó không phải chuyện mê tín. Nhiều cộng đồng ở Kenya biết rõ các sức mạnh có thật”. Katola cảnh cáo rằng các đáp ứng mục vụ không thích đáng đang đẩy một số người Phi Châu về phía Phái Ngũ Tuần.

Nữ Tu Bibiana Munini Ngundo nói rằng Giáo Hội Công Giáo chưa lưu ý đủ tới “việc chữa lành toàn diện”, khiến người ta phải đặt tin tưởng vào các thầy bói và thầy ma thuật. Cha Clement Majawa ở Malawi liệt kê 14 loại trò phù thủy đang được thực hành tại Phi Châu và cho rằng việc Giáo Hội bác bỏ “chỉ leo thang vấn đề” mà thôi.

Ngài nói thêm: “Vì Chúa Kitô trong các sách Tin Mừng từng gặp ma qủy, nên điều thích đáng là các Kitô hữu phải chấp nhận trò phù thủy là chuyện có thật”.

Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét