Trang

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

07/09/2017 :Thứ năm tuần 22 thường niên

07/09/2017
Thứ năm đầu tháng, tuần 22 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Cl 1, 9-14
"Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, và đem chúng ta vào nước Con yêu dấu của Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, từ ngày chúng tôi nghe biết về anh em, chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh em, xin cho anh em được đầy sự hiểu biết thánh ý Chúa, với tất cả sự khôn ngoan và sự thông hiểu thiêng liêng, để anh em ăn ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự, và sinh hoa kết quả trong mọi việc lành, cùng phát triển trong sự nhận biết Thiên Chúa. Ðược củng cố bằng một sức mạnh dồi dào, chiếu theo quyền năng cả sáng của Người, anh em nhẫn nại và vui mừng khoan dung trong mọi sự. Anh em cảm tạ Chúa Cha, Ðấng đã làm cho anh em xứng đáng lãnh phần gia nghiệp các thánh trong ánh sáng. Người đã cứu chúng ta thoát khỏi quyền lực u tối, đem chúng ta về nước Con yêu dấu của Người, trong Ngài chúng ta được ơn cứu rỗi nhờ máu Ngài, và được ơn tha tội.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 2-3ab. 3cd-4. 5-6
Ðáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: 1) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
2) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. - Ðáp.
3) Hãy ca mừng Chúa với cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

Alleluia: 2 Tx 2, 14
Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được chiếm lấy vinh quang của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Chúa Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Ghênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng.
Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.
Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Ðừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Sự hiện diện và tác động của Chúa

Ý nghĩa của mẻ cá và ơn gọi của các môn đệ đầu tiên được Luca ghi lại trong Tin Mừng hôm nay sẽ được sáng tỏ, nếu chúng ta nắm bắt được quan niệm của người Do thái về biểu tượng của nước, nhất là của biển cả. Người Do thái tin rằng biển cả là nơi cư ngụ của Satan và những lực lượng chống đối Thiên Chúa. Trong niềm mong đợi chung, người Do thái tin rằng chỉ có Ðấng Cứu Thế được Thiên Chúa sai đến mới có đủ uy quyền để chế ngự biển cả và giải thoát tất cả những ai đang bị chôn vùi trong đó.
Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ thấy được quyền năng giải thoát của Ngài khi thực hiện mẻ cá lạ lùng trước mặt các ông. Chiếc lưới được thả vào lòng biển khơi để vớt cá lên, đó là hình ảnh của công cuộc cứu thoát mà Ngài đang thực hiện. Ngài đến là để lôi kéo con người khỏi vực sâu của tội lỗi và sự dữ. Chính trong ý nghĩa ấy, Chúa Giêsu dùng kiểu nói "đánh lưới người" mà Ngài sẽ trao phó cho các môn đệ và Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập; trở thành ngư phủ đánh lưới người có nghĩa là tham dự vào công trình cứu rỗi của Chúa Giêsu.
Qua mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng tự sức họ, họ không thể làm được gì. Thánh Phêrô đã ý thức được điều đó: "Chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả". Thánh Phêrô không chỉ nói lên cái giới hạn bất toàn của con người, mà còn nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình: "Lạy Thầy, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi". Ý thức về thân phận ấy và sống cho đến cùng thân phận ấy là cả một cuộc chiến đấu cam go. Hơn ai hết, thánh Phêrô đã cảm nghiệm được sự yếu đuối mỏng giòn của con người khi chối Thầy; cả cuộc đời ngư phủ đánh lưới người của Phêrô chỉ trở thành hữu hiệu với ý thức ấy. Càng thấy mình yếu hèn, con người càng sống gắn bó với Chúa; càng thấy mình vô dụng, con người càng trở nên hữu hiệu trong quyền năng của Chúa. Ra đi tản mát khắp nơi để trở thành ngư phủ đánh lưới người, tất cả các môn đệ đều nhớ lại bài học của mẻ cá lạ ấy và tâm niệm lời Chúa Giêsu: "Không có Thầy, các con không làm được gì".
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng nhìn vào tác động của Chúa qua Giáo Hội. Ngài vẫn hiện diện trong con thuyền Giáo Hội, và ngoài mọi suy nghĩ, tính toán của chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục thực hiện những điều cả thể, ngay cả những lúc Giáo Hội tưởng mình bị bó tay không làm được gì. Lời nhắn nhủ của Ðức Hồng Y Etchegaray đáng cho chúng ta suy nghĩ: Người ta dễ chú ý đến tiếng động của cây rừng ngã đổ, mà lại quên đi âm thanh nhỏ bé của những mầm non đang mọc lên.
Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm tin vững vào sự hiện diện và tác động của Chúa trong Giáo Hội. Xin Ngài ban cho chúng ta đôi mắt tinh tường bén nhạy để nhận ra biết bao điều cả thể Ngài đang thực hiện trong những biến cố âm thầm, mất mát, thua thiệt của Giáo Hội.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 22 TN1
Bài đọcCol 1:9-14; Lc 5:1-11.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải khôn ngoan tìm ra và trung thành làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Nhiều người có khuynh hướng chỉ làm theo ý riêng mình, và rất khó chịu khi phải làm theo ý người khác; nhưng thực tế chứng minh, không phải lúc nào ý riêng mình cũng mang lại hậu quả tốt đẹp. Vì thế, con người phải luôn mở rộng tâm hồn, dùng khôn ngoan và hiểu biết để nhận ra và thi hành ý mang lại kết quả tốt đẹp nhất.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc khuyến khích con người tìm ra và thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô cầu xin cho các tín hữu Colossê có đủ khôn ngoan và hiểu biết để am thường thánh ý Thiên Chúa, và có sức mạnh để thực thi thánh ý của Ngài; vì hiệu quả của những người làm theo thánh ý Thiên Chúa là sẽ sinh hoa kết quả trong cuộc sống đời này, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa ở đời sau. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mở mắt, mở trí, và mở lòng cho Phêrô và các môn đệ nhận ra uy quyền, tình yêu, và thánh ý của Thiên Chúa cho các ông trong cuộc đời. Ngài muốn các ông đổi nghề: thay vì đánh cá, giờ chú trọng đến việc rao giảng Tin Mừng để chinh phục các linh hồn về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa.
1.1/ Am tường thánh ý Thiên Chúa: Thánh Phaolô mở đầu Thư Colossê bằng lời cầu nguyện: "chúng tôi cũng không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người, với tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết mà Thánh Thần ban cho."
Để có thể am tường thánh ý Thiên Chúa, thánh Phaolô đề cập tới hai trong bảy quà tặng của Thánh Thần là khôn ngoan (sophia) và hiểu biết (synesis); chứ không phải bất kỳ sự khôn ngoan hay hiểu biết nào của con người. Khôn ngoan của Thánh Thần là khôn ngoan biết mọi sự theo kế hoạch của Thiên Chúa, và nhất là hướng về đích điểm của cuộc đời là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Hiểu biết của Thánh Thần bao gồm việc làm sao biết áp dụng những khôn ngoan học được vào cuộc đời để sinh lợi ích cho mình và cho tha nhân.
Một khi đã tìm ra thánh ý của Thiên Chúa, con người cần thi hành thánh ý đó cho đến cùng, cho dù có phải hy sinh và chịu đựng gian khổ. Thánh Phaolô tin: "Nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả."
1.2/ Làm theo thánh ý Thiên Chúa: sẽ đem lại cho con người hai phần thưởng.
(1) Sẽ sinh hoa kết quả: "Anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi, và làm đẹp lòng Người về mọi phương diện, sẽ sinh hoa trái là mọi thứ việc lành, và mỗi ngày một hiểu biết Thiên Chúa hơn." Sống theo thánh ý Thiên Chúa bảo đảm con người đi đúng đường và sinh lợi ích trong cuộc đời này.
(2) Sẽ được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa: Đức Kitô vừa là người mặc khải cho con người biết ý định của Thiên Chúa, vừa là người đổ máu ra để thanh tẩy tội lỗi cho con người. Nhờ Đức Kitô mà "anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi."
2/ Phúc Âm: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.
2.1/ Sứ vụ giảng dạy và huấn luyện tông-đồ của Đức Kitô: Trình thuật kể: "Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Gennesareth, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông."
Dân chúng chen lấn nhau để có thể đến gần nghe Chúa Giêsu giảng dạy: Khao khát được lắng nghe Lời Chúa nằm trong bản năng của con người. Chúa Giêsu có ý cho Phêrô nhìn thấy sự khao khát của con người để được nghe Lời Chúa. Phêrô có thể đã quá bận rộn với công việc kiếm ăn, nên không còn nhạy cảm với nhu cầu này. Chúa Giêsu cũng đang có sẵn kế hoạch cho Phêrô, Ngài muốn ông đổi nghề thành kẻ thu phục linh hồn con người về cho Thiên Chúa. Những gì ông có kinh nghiệm trong nghề chài lưới như: vất vả, kiên nhẫn ... sẽ giúp ông trong nghề thu phục linh hồn con người. Đây cũng là bài học cho các mục tử: phải đáp ứng nhu cầu căn bản này hơn hết các nhu cầu khác. Khi dân chúng không muốn nghe các mục tử giảng dạy, lý do có thể vì họ không hiểu hay không tìm được sự hấp dẫn của Lời Chúa qua cách thế giảng dạy của các mục tử.

2.2/ Đức Kitô chọn người để tiếp tục sứ vụ giảng dạy: Giảng xong, Người bảo ông Simon: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá." Ông Simon đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."
(1) Làm theo thánh ý Thiên Chúa: thách đố con người, trước tiên, phải bỏ ý mình. Là người có biết bao kinh nghiệm về chài lưới, vất vả cả đêm không bắt được con nào, và đã giặt giũ lưới xong; Phêrô giờ phải làm theo ý của một người không có kinh nghiệm về chài lưới, lại bắt thả vào giờ cá không ăn, và trước bao nhiêu dân chúng và bạn đồng nghiệp. Tuy thế, Phêrô cũng vâng lời làm, không phải vì tin sẽ bắt được cá, nhưng vì lời truyền uy quyền của Chúa Giêsu.
Hiệu quả của việc làm theo thánh ý Thiên Chúa: "Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm."
(2) Phản ứng của Phêrô và các bạn: Họ kinh ngạc khi chứng kiến mẻ lưới lạ lùng xảy ra. Phêrô, Giacôbê và Gioan là những người thuyền chài kinh nghiệm, các ông không ngờ trên đời còn có người hiểu biết và kinh nghiệm hơn mình. Đây lại là bài học cho con người nữa: Có khôn ngoan, hiểu biết và kinh nghiệm đến đâu chăng nữa, cũng vẫn phải mở lòng để học hỏi và đón nhận những tinh hoa của người khác mỗi ngày, nhất là những gì đến từ Thiên Chúa. Ngài vẫn không ngừng mở mắt con người để đón nhận những ngạc nhiên mỗi ngày. Người tự mãn bằng lòng với những gì mình có, sẽ không cần phải học hỏi, và sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội để trau dồi kiến thức trong cuộc đời.
Ông Simon Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!" Ông nhận ra Chúa Giêsu không phải là một con người bình thường, nhưng có uy quyền của Thiên Chúa. Ông cũng nhận ra Chúa Giêsu biết tất cả những gì ông suy nghĩ trước khi ông thả lưới bắt cá; vì thế, ông chấp nhận thân phận yếu đuối, hèn hạ của mình, và khiêm nhường quì gối xuống xin tránh xa ông. Bấy giờ Đức Giêsu lợi dụng cơ hội và bảo ông Simon: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta." Một khi đã nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa, con người chỉ còn một cách là bỏ hết mọi sự mà theo Người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần học hỏi và cầu nguyện để xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu đâu là thánh ý Ngài muốn cho chúng ta trong cuộc đời; đồng thời xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta thực hiện.
- Hiệu quả của việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa sẽ bảo đảm cho chúng ta sinh hoa kết quả ở đời này, và được chung hưởng vinh quang với Thiên Chúa đời sau.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

07/09/2017
THỨ NĂM TUẦN 22 TN
Lc 5,1-11

DỰA VÀO LỜI THẦY
“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” (Lc 5,5)

Suy niệm: Không thầy đố mày làm nên.” Phê-rô rất ý thức sự thật này qua lời tuyên bố đầy xác tín: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng được gì, nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Ông gác qua kinh nghiệm đánh cá dày dạn của mình và nghe theo lời Thầy trong chính chuyện… đánh cá! Phê-rô đã thể hiện cái tâm “tầm đạo” của ông bằng thái độ cởi mở, hoàn toàn phá chấp, sẵn sàng lắng nghe. Và ông trúng đậm: một mẻ cá đầy đến gần rách cả lưới! Nhưng đó mới chỉ là ‘khúc dạo đầu’ có tính tượng trưng thôi; từ đây Phê-rô bỏ mọi sự mà theo Đức Giê-su để trở thành một tay ‘đánh lưới người’. Từ đây, ông lấy lời của Thầy làmđộng lực và điểm tựa cho cả cuộc đời ông.

Mời Bạn: Đâu là động lực mạnh nhất đang lèo lái tư tưởng và hành động của con người hôm nay? Phải chăng đó là tinh thần độc tôn lợi nhuận của nền kinh tế toàn cầu hoá? Phải chăng đó là chủ nghĩa hưởng thụ, hưởng lạc được hỗ trợ bởi đủ thứ tiện nghi và dịch vu, và được quảng bá bởi cả một cỗ máy truyền thông đồ sộ? Phải chăng đó là tham vọng quyền lực dẫn người ta đến chỗ phe cánh kình chống triệt hạ nhau, sẵn sàng dùng mọi phương tiện miễn sao đạt mục đích của mình?

Chia sẻ: Là môn đệ của Đức Ki-tô, ta phải làm gì để Lời Chúa thật sự trở thành “ngọn đèn soi cho con bước,” trở thành động lực sâu xa nhất của đời ta?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày bạn dành thời giờ suy niệm Lời Chúa, để Lời Chúa thấm nhập và dẫn dắt mọi việc của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Thầy dạy đích thực. Xin cho con luôn biết nghe và thực hành Lời Chúa.
(5 phút Lời Chúa)

T nay anh s bt người (7.9.2017 – Th năm Tun 22 Thường niên)
Chúa vn gi tôi ra khi li mòn quen thuc, khi nhng điu tưởng như không th đi. Tôi có sn sàng lên đường theo Ngài không?

Suy nim:
Chẳng ai ngờ cuộc đời Simon có thể chuyển hướng.
Ông đã có nghề nghiệp ổn định và đã lập gia đình.
Thế giới của ông là hồ Ghênêxarét,
là những con cá quẫy đuôi trong lưới,
là gia đình cần phải chăm nom.
Ông yêu vợ con, ông yêu biển cả.
Chúa đã đặt ông vui sống trong thế giới ấy,
nên chỉ có Ngài mới có thể kéo ông ra,
và bất ngờ đưa ông vào một thế giới mới,
một đại dương bao la hơn nhiều,
một gia đình rộng lớn hơn vạn bội.
Chỉ Chúa mới có thể
làm trái tim ông say mê một Ai khác,
yêu một Ai đó hơn những người ông đã từng yêu.
Ðức Giêsu đã đến với Simon thật tự nhiên.
Ngài chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy.
Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá,
Simon có nhiều lý do để khước từ.
Ông có thể nhân danh kinh nghiệm của mình
để thấy tốt hơn nên chờ dịp khác,
hay nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơn.
Nhưng Simon đã vâng lời, chỉ vì tin Lời Thầy Giêsu,
Lời đầy quyền uy, Lời trừ được quỷ (Lc 4,30).
Lời mạnh mẽ đã chữa cho mẹ ông khỏi bệnh (4,39).
Mẻ cá lạ lùng, mẻ cá chỉ có trong mơ.
Mẻ cá làm Simon run rẩy nhận ra mình tội lỗi,
và nhận ra Ðấng ở gần bên.
Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới:
“Ðừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ bắt người.”
Simon lại có nhiều lý do hơn để từ chối.
Chuyện gia đình bề bộn, tương lai bấp bênh.
Kẻ quen bắt cá đâu có khả năng bắt người.
Kẻ tội lỗi đâu xứng với sứ mạng.
Nhưng một lần nữa, Simon dám tin vào Lời Chúa,
để cho Chúa tự do lôi kéo mình.
Ông đã bỏ lại bao điều ông yêu mến.
Khi bỏ lại hai thuyền đầy cá,
ông tin rằng những mẻ cá mới đang đợi ông.
Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc,
khỏi những điều tưởng như không thể đổi.
Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG CHÍN
Liên Kết Với Cây Nho
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, mối kết hiệp thiêng liêng giữa cành và cây phải được củng cố. Bản thân người được kêu gọi và Chúa Kitô phải hiệp nhất ngày càng thâm sâu hơn. Và điều này nhất thiết có nghĩa rằng đương sự phải có kỷ luật sống và biết hy sinh – cách riêng phải biết học hỏi và cầu nguyện. Chính sự hy sinh sẽ giải phóng trái tim chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhiệt thành bám chặt vào Lời Chúa. Chính sự hy sinh sẽ thúc đẩy chúng ta quên mình để phục vụ anh chị em mình. Như thánh Gioan viết: “Cành nào sinh hoa trái, thì sẽ được cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn”. (Ga 15,2). Vì vậy, bạn đừng nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa khi phải đối diện với những thử thách hay khổ đau – bởi vì Chúa “cắt tỉa” những ai Người yêu mến để người ấy sinh hoa trái dồi dào hơn.
Để nên một với Đức Kitô, chúng ta phải đón nhận trọn vẹn Lời của Người. Lời này được chuyển đạt cho chúng ta qua Thánh Kinh và qua truyền thống Giáo Hội. Giáo Hội gìn giữ và giới thiệu Lời Chúa trong tất cả vẻ tinh ròng, nhất quán và trong tất cả sức mạnh của Lời đó. Nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ đoàn sủng của quyền giáo huấn, Giáo Hội có thể chuyển trao Tin Mừng cho mọi thế hệ. Thật vậy, một thái độ vâng phục trong tình yêu đối với quyền giáo huấn đích thực của Giáo Hội sẽ đảm bảo cho chúng ta nắm bắt được Lời của Thiên Chúa. Bởi nếu không bám vào Lời Chúa, chúng ta sẽ không thể kết hiệp với Đức Kitô – sự kết hiệp đem lại cho ta sự sống. Trung thành với quyền giáo huấn của Giáo Hội, đó là một điều kiện tất yếu để có thể nhận hiểu đúng các “dấu chỉ của thời đại”. Nhờ đó chúng ta được ở trong mối liên kết với Cây Nho trao ban nguồn sống.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 07-9 Thứ Năm tuần 22 thường niên
Cl 1, 9-14; Lc 5, 1-11
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên. Cho chúng ta thấy Chúa thường chọn gọi môn đệ khi họ đang làm việc, Ngài không phân biệt họ là ai và đang làm nghề gì, miễn là họ đang có một công việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình. Điều này giúp cho chúng ta phải biết chuẩn bị cho mình một cái nghề, để có thu nhập nuôi sống bản thân mình, để khỏi ăn bám vào người khác, hây cộng đoàn. Để khi Chúa gọi, chúng ta sẽ sẵn sàng lên đường. Chúa sẽ hướng dẫn công việc của chúng ta đi vào con đường của Ngài; để nâng cao đời sống cho mình và cho cả tha nhân .


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
7 Tháng Chín
Chân Phước Frederick Ozanam
(1813 -1853)

Vì tin tưởng ở giá trị vô cùng của mỗi một con người, Frederick đã phục vụ người nghèo ở Balê và đã lôi cuốn những người khác phục vụ người nghèo trên thế giới. Qua tổ chức St. Vincent de Paul, công việc của Chân Phước Frederick còn tiếp tục cho đến ngày nay.

Frederick là con thứ năm trong 14 người con của ông bà Jean và Marie Ozanam, và là một trong ba người còn sống cho đến tuổi trưởng thành. Khi là thiếu niên, anh nghi ngờ tôn giáo của mình. Việc đọc sách thánh và cầu nguyện dường như không giúp ích gì, nhưng sau những lần thảo luận với Cha Noirot của Ðại Học Lyons đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề.

Frederick muốn học về văn chương, mặc dù cha anh, một bác sĩ, muốn anh trở thành một luật sư. Frederick vâng theo ý cha và năm 1831 anh đến Balê học luật tại đại học Sorbonne. Khi một vài giáo sư chế nhạo giáo huấn Công Giáo trong các bài giảng, Frederick lên tiếng bảo vệ Giáo Hội.

Một câu lạc bộ về biện luận do Frederick thành lập đã thay đổi hướng đi cuộc đời anh. Trong câu lạc bộ này, người Công Giáo, người vô thần và người chủ trương bất-khả-tri tranh luận về những vấn đề xảy ra hàng ngày. Có một lần, sau khi Frederick nói về vai trò của Kitô Giáo trong nền văn minh, một hội viên lên tiếng: "Này ông Ozanam, chúng ta hãy thành thật với nhau và hãy thiết thực. Tôi hỏi ông, ngoài việc thảo luận ông còn làm gì để chứng tỏ đức tin của ông?"

Frederick đau điếng bởi câu hỏi ấy. Sau đó anh quyết tâm rằng lời nói phải đi đôi với hành động. Và cùng với một người bạn, anh đến thăm những người nghèo ở chung cư Balê và giúp đỡ bất cứ gì họ có thể. Không bao lâu một nhóm người thiện chí nhằm giúp đỡ những ai có nhu cầu được thành lập dưới sự bảo trợ của tổ chức St. Vincent de Paul do Frederick đứng đầu.

Nghĩ rằng đức tin Công Giáo cần phải được một nhà thuyết giảng nổi tiếng giải thích các giáo huấn, Frederick nài nỉ Ðức Tổng Giám Mục Balê chỉ định Cha Lacordaire, nhà thuyết giảng đại tài của Pháp thời ấy, đến giảng trong Tuần Thánh ở Vương Cung Thánh Ðường Notre Dame. Người ta tham dự rất đông và từ đó trở đi đã trở thành một truyền thống hàng năm ở Balê.

Sau khi tốt nghiệp đại học Sorbonne, Frederick dạy luật tại Ðại Học Lyons. Ngài cũng đậu bằng tiến sĩ văn chương. Sau đó, vào ngày 23-6-1841, ngài kết hôn với Amelie Soulacroix, và trở về Sorbonne dạy văn chương. Là một giảng viên đáng kính nể, Frederick đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên. Trong khi đó, tổ chức St. Vincent de Paul lan tràn khắp Âu Châu. Riêng ở Balê có tới 25 chi nhánh.

Vào năm 1846, Frederick, Amelie và cô con gái Marie đến nước Ý; ở đây Frederick hy vọng sẽ phục hồi sức khỏe yếu kém của mình. Và họ đã trở lại Ý vào năm sau đó. Cuộc cách mạng 1848 đã khiến nhiều người ở Balê cần đến sự giúp đỡ của tổ chức St. Vincent de Paul. Số người thất nghiệp lên đến 275,000. Chính phủ yêu cầu Frederick và các cộng tác viên của ngài trông coi tổ chức giúp đỡ người nghèo của chính phủ. Các hội viên St. Vincent de Paul ở khắp Âu Châu tuốn đến Balê để giúp đỡ.

Sau đó Frederick thành lập tờ báo, Thời Ðại Mới, để bảo vệ sự công chính cho người nghèo và giới lao động. Nhiều người Công Giáo không vui với những bài viết của Frederick. Cho rằng người nghèo là "tư tế của dân tộc," Frederick nói rằng sự đói khát và mồ hôi của người nghèo tạo thành một hy lễ có thể đền bù tội lỗi nhân loại.

Vào năm 1852, sức khỏe yếu kém buộc Frederick phải trở về Ý với vợ và cô con gái. Ngài từ trần ngày 8-9-1853. Trong tang lễ của Frederick, Cha Lacordaire mô tả ngài như "một trong những tạo vật được đặc ân trực tiếp xuất phát từ bàn tay Thiên Chúa, mà trong con người ấy Thiên Chúa đã nối kết sự nhạy cảm với kỳ tài để khích động thế giới."

Frederick được phong chân phước năm 1997. Vì ngài có viết một tuyệt tác nhan đề Thơ Thánh Phanxicô Trong Thế Kỷ 13, và vì cảm nhận của ngài về phẩm giá của người nghèo rất gần với tư tưởng của Thánh Phanxicô, nên thật thích hợp để coi ngài là một trong những "vĩ nhân" của dòng Phanxicô.

Lời Bàn

"Ai chế nhạo người nghèo là xúc phạm đến Thiên Chúa" (Cách Ngôn 17:5). Frederick Ozanam không bao giờ coi thường người nghèo trong bất cứ sự phục vụ nào mà ngài có thể thi hành. Ðối với ngài, mỗi một người, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em đều thật đáng quý. Sự phục vụ người nghèo đã dạy cho Frederick những điều về Thiên Chúa mà ngài không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác.

Lời Trích

Giáo sư Bailly, giám đốc linh hướng cho chi nhánh đầu tiên của tổ chức St. Vincent de Paul, nói với Frederick và các cộng sự viên về đức ái, "Cũng như Thánh Vinh Sơn, các bạn cũng sẽ nhận ra rằng người nghèo giúp các bạn nhiều hơn là các bạn giúp họ."


Trích NguoiTinHuu.com


07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực

Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.

Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn... Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.

Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này... Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống... Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm... Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.

Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?

Hạnh phúc là một cái gì vô cùng tương đối... Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.

Chúng ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.

Một chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.

Của cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiều hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang... Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.

Người Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.

Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.

Trích sách Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét