Trang

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Giáo Hội và đất nước Colombia 1/2

Giáo Hội và đất nước Colombia 1/2

Thứ tư mùng 6 tháng 9 ĐTC Phanxicô đã lên đường viếng thăm mục vụ Colombia cho tới ngày 11 tới đây.  Ngài là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm mục vụ Colombia.
Trong sứ điệp Video gửi nhân dân Colombia nhân chuyến viếng thăm này ĐTC Phanxicô khẳng định rằng ngài đến Colombia như người hành hương hy vọng và hoà bình, để cùng họ cử hành niềm tin nơi Chúa và cũng để học nơi lòng bác ái và sự kiên trì của họ trong nỗ lực tìm kiếm hoà bình và hoà hợp.
ĐTC cám ơn tổng thống và HĐGM Colombia đã mời ngài viếng thăm nhân dân và đất nước này. Ngài cũng cám ơn từng người dân Colombia tiếp đón ngài trong con tim và tất cả những ai đã làm việc nhiều để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này.
Nhắc lại khẩu hiệu của chuyến công du là “Chúng ta hãy đi bước đầu tiên” ĐTC nói nó nhắc nhở cho mọi người biết rằng cần luôn luôn đi bước đầu tiên cho bất cứ sinh hoạt và dự án nào. Nó cũng thúc đẩy chúng ta hãy là những người đầu tiên yêu thương, xây dưng các cây cầu và tạo dựng tình huynh đệ.  Đi bước đầu tiên khích lệ chúng ta đi ra để gặp gỡ tha nhân, giang tay ra cho họ, và trao đổi dấu chỉ hoà bình. Hoà bình là điều Colombia đang tìm kiếm và làm việc từ bao lâu nay để đạt được nó. Một nền hoà bình ổn định, lâu dài để chúng ta có thể nhìn nhau và đối xử với nhau như anh em, chứ không phải như kẻ thù. Hoà bình nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta tất cả đều là con cái của cùng một Cha, là Đấng yêu thương chúng ta và an ủi chúng ta. Tôi hân hạnh viếng thăm vùng đất giầu lịch sử, văn hoá, đức tin, các người nam nữ đã cương quyết và kiên trì làm việc để khiến cho nó trở thành một nơi, trong đó ngự trị sự hoà hợp và tình huynh đệ, trong đó Tin Mừng được nhận biết và yêu mến, trong đó nói anh chị em không phải là một dấu chỉ xa lạ nhưng một kho tàng đích thực cần che chở và bênh vực. Thế giới ngày nay cần có các cố vấn của hoà bình và đối thoại. Cả Giáo Hội cũng được mời gọi cho nhiệm vụ này, để thăng tiến sự hoà giải với Chúa và với các anh em, nhưng cũng hoà giải với môi sinh, là một công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà chúng ta đang khai thác một cách rừng rú.
Ước chi chuyến viếng thăm này giống như một vòng tay ôm huynh đệ cho từng người trong anh chị em, và ước chi anh chị em cảm nhận được sự ủi an và hiền dịu của Chúa.
Anh chị em Colombia thân mến, tôi ước mong sống các ngày này với anh chị em với tâm hồn tươi vui, với lòng biết ơn Chúa. Tôi ôm anh chị em trong vòng tay với lòng trìu mến, và tôi xin Chúa chúc lành cho anh chị em, che chở đất nước của anh chị em và ban hoà bình cho nó. Và tôi xin Mẹ chúng ta là Trinh Nữ Thánh lo lắng cho anh chị em. Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho tôi.
** Như đã nói, ĐTC Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ ba viếng thăm Colombia. Vị đầu tiên là ĐGH Phaolo VI công du Colombia trong các ngày tử 22 tới 25 tháng 8 năm 1968. Đã có nhiều biến cố,trong đó ngoài các cuộc gặp gỡ theo nghi thức, đáng ghi nhớ là lễ truyền chức cho 200 Linh mục và Phó tế, thánh lễ cho nông dân, khánh thành Hội nghị khoáng đại của Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM và làm phép trụ sở CELAM. Ngoài ra Đức Phaolô VI cũng đã gặp gỡ các vị đại diện các Giáo Hội Kitô và cộng đoàn Do thái.
Vị thứ hai là ĐGH Gioan Phaolô II công du Colombia trong các ngày từ mùng 1 tới mùng 8 tháng 7 năm  1986. Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm các thành phố Bogota, Chiquinquirá, Cali, Tumaco, Popayan, Pereira, Chinchiná, Medellin, Armero, Lerida, Bucaramanga, Cartegena và Barranquilla. Đã có khoảng 30 biến cố trong đó có lễ nghi thánh hiến dân nước Colombia cho Đức Mẹ, các cuộc gặp gỡ với dân nghèo các khu xóm ổ chuột tại Bogota và Medellin, với Hội nghị các tu sĩ châu Mỹ Latinh, với các Giám Mục Liên HĐGM châu Mỹ Latinh CELAM, với các thổ dân, viếng mộ thánh Pietro Claver và sứ điệp gửi các tù nhân toàn nước qua Radio.
Vị  Giáo Hoàng thứ ba thăm Colombia  là ĐTC Phanxicô. Trong ngày đầu ĐTC sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo chính trị xã hội và HĐGM Colombia cũng như Ban thường vụ của Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh gọi tắt là CELAM, rồi chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại Công viên Simon Bolivar trong thủ đô Bogotá.
Thứ sáu mùng 8 ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Villavicencio cách thủ đô Bogotà 94 cây số và chủ sự Thánh Lễ phong Chân Phước cho hai vị Tôi tớ Chúa là Jesus Emilio Jaramillo Monsalve, GM Arauca, và Pedro Maria Ramirez Ramos, linh mục giáo phận tại khu đất trống Catama bên ngoài thành phố Villavicencio. Vào ban chiều ĐTC sẽ chủ toạ cuộc gặp gỡ hoà giải quốc gia  và kính viếng Thánh Giá Hoà Giải tại công viên các vị lập quốc, nơi có bảng tổng kết số các nạn nhân bị bắt cóc, bị sát hại hay chết vì mìn chống người trong cuộc nội chiến dài từ năm 1964 tới năm 2016.
Thứ bẩy mùng 9 ĐTC sẽ đi thăm tổng giáo  phận Medellin cách thủ đô Bogotà 215 cây số, và sẽ chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu tại phi trường Enrique Olaya Herrera. Ban chiều ngài sẽ thăm các trẻ em tàn tật tại nhà gia đình Hogar San Jose truớc khi đến trung tâm Macarena để gặp gỡ các linh mục tu sĩ nam nữ, chủng sinh  và các gia đình của họ.
Chúa Nhật ĐTC sẽ viếng thăm tổng giáo phận Cartagena, làm phép các viên đá xây nhà cho người không nhà và trung tâm Talita Kum lo cho các nạn nhân nạn buôn người. Buổi trưa ĐTC đọc kinh Truyền Tin gần nhà thờ thánh Pietro Claver thăm đền thánh. Vào ban chiều ngài chủ sự Thánh Lễ cho tín hữu trong khu vực hải cảng Contecar, trước khi từ giã Colombia để về Roma.
** Colombia rộng hơn 1 triệu 130 ngàn cây số vuông có hơn 48 triệu dân, 93,9% theo công giáo. Giáo Hội có 78 giáo phận, 4.397 giáo xứ và 2.769 trung tâm mục vụ. Nhân lực của Giáo Hội gồm 128 Giám Mục, 7.236 Linh Mục giáo phận, 2.324 linh mục dòng, 593 Phó tế  vĩnh viễn, 3.416 đại chủng sinh, 1.058 tu huynh, 13.874 nữ tu, 369 thành viên các tu hội đời, 33.358 thừa sai giáo dân, 55.376 giáo lý viên. Tính bình quân mỗi linh mục phải trông coi khoảng hơn 4.700 giáo dân. Giáo Hội cũng có 4.167 trung tâm giáo dục tổng cộng có  gần 1,7 triệu học sinh sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điểu khiển 1.762 trung tâm bác ái xã hội.
Trước khi người Tây Ban Nha tới đô hộ, Colombia là vùng đất của thổ dân Muisca chuyên sống về nghề nông. Người thám hiểm Tây Ban Nha đầu tiên đặt chân lên đất Colombia năm 1499 là ông Alonso de Ojeda. Thành phố đầu tiên được thành lập năm 1525 là Santa Marta. Tiếp theo đó là thành phố Cartagena năm 1533 và Santa Fe de Bogotà năm 1538.
Sau khi người Muisca bị thua trận vùng này được gọi là Vương quốc mới của Granada và tuỳ thuộc phó vương quốc Peru bao gồm nước Colombia hiện nay, Venezuela, Ecuador và Panamá. Trong các năm 1717-1739 Phó vương quốc Granada được thành lập, tách rời khỏi Phó vương quốc Perù.  Năm 1781 xảy ra cuộc nổi loạn đầu tiên chống người Tây Ban Nha tại miền bắc  Colombia, nhưng bị đàn áp đẫm máu. Tháng 8 năm 1819 người Tây Ban Nha thua trận tại Boyacá. Tháng 12 cùng năm Simón Bolivar anh hùng của nền độc lập tiến vào Bogota và thành lập cộng hoà Colombia vĩ đại. Nhưng tên gọi và cấu trúc như hiện nay đã chỉ có từ năm 1886.
Cuộc sống chính trị tại Colombia đã bị ghi dấu từ lâu đời bởi sự đụng độ giữa phe cấp tiến và phe bảo thủ và từ thập niên 1960 Colombia đã lâm cảnh nội chiến giữa các lực lượng vũ trang cách mạng Colombia viết tắt là FARC và Quân đội giải phóng quốc gia viết tắt là ELN. Thêm vào đó còn có các nhóm dân quân cực hữu thuộc lực lượng Tự vệ thống nhất Colombia viết tắt là AUC, bị giải tán sau các thoả hiệp với chính quyền năm 2005.
Ngày 23 tháng 6 năm 2016 sau gần 4 năm thương thuyết và sau các thất bại hồi thập niên 1980 và 1990 thoả hiệp hoà bình đã được ký kết tại La Habana thủ đô Cuba, chấm dứt 52 năm nội chiến giữa quân đội chính phủ và lực lượng FARC.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét