01/07/2018
Chúa Nhật tuần 13 Thường Niên năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: G Kn 1,
13-15; 2, 23-25
"Bởi ác quỷ
ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian".
Trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa không tạo dựng
sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho
có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự
chết, và không có địa ngục ở trần gian.
Vì chưng, công chính
thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để
sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian:
kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4.
5-6. 11-12a và 13b
Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c.
2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy
Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người
đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của
Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài
chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm
lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi
lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ
tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7.
9. 13-15
"Sự dư thừa của
anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cũng
như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về
mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng
phải vượt trổi trong việc phúc đức này.
Vì anh em biết lòng quảng
đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận
nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ
để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho
đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu
thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự
đồng đều như lời đã chép rằng: "Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có
ít, cũng không thiếu".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia! -
Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời
đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 5, 21-43
"Hỡi em bé, Ta
bảo em hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã
xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và
lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến.
Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối,
xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra
đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai
năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên
giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong
đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao
tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà
cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức
mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm
đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn
Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn
quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự
thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự
thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an
và được khỏi bệnh".}
Người còn đang nói,
thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi,
còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa
nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ
tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em
Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc
lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế?
Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người
đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người
vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha,
Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức
thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt
kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé
ăn.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chia Sẻ Với
Những Người Túng Thiếu
Ðau khổ, bệnh tật, chết
chóc: bởi đâu đến? Diệt được không? Làm thế nào? Ba bài Kinh Thánh hôm nay gợi
lên nhiều suy nghĩ. Cho dù Lời Chúa chỉ dễ hiểu đối với những ai có lòng tin;
nhưng khách quan cũng có thể nâng đỡ suy nghĩ của con người. Ít ra đó cũng là
quan điểm của tác giả bài đọc I hôm nay.
A. Thiên Chúa Ðã Không
Làm Ra Sự Chết
Thật vậy, vào khoảng nửa
thế kỷ I trước khi Ðức Yêsu Kitô ra đời, một người trí thức Dothái sống lưu lạc
ở Alexandria, thủ đô văn hóa của thế giới Hylạp thời bấy giờ. Ông gặp gỡ nhiều
luồng tư tưởng triết học ngoại giáo. Họ luôn đề cập đến các sự dữ ở đời. Họ
chưa phân biệt như Gabriel Marcel sau này ở thời đại chúng ta, triết gia công
giáo này bảo không nên đặt sự dữ thành "vấn đề", vì nếu là vấn đề thì
phải có giải pháp; và rõ ràng cho đến nay không có giải pháp nào xóa bỏ được sự
dữ. Tốt hơn hãy coi nó là "mầu nhiệm", và đối với mầu nhiệm, con người
đừng tìm cách khắc phục nhưng hãy đưa mình vào để cảm nghiệm.
G. Marcel là triết
gia, nên nói tiếng nói của triết học. Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay chỉ
là một người Dothái trí thức không biết luật pháp Môsê và mạc khải của Thiên
Chúa. Ông muốn đem Lời Chúa nói với những người chỉ quanh quẩn với các lý luận
triết học. Ông khẳng định không úp mở: Thiên Chúa không làm ra sự chết. Người
chỉ làm ra sự sống. Nơi Người chỉ có tích cực, đến nỗi Người chẳng vui gì khi
sinh linh hư diệt.
Như vậy thế giới này
là công trình của một ông thiện và một ông ác, của một thần lành và một thần dữ
như có thứ triết học chủ trương sao? Chắc chắn tác giả của chúng ta không nghĩ
như vậy. Quan niệm lưỡng nguyên coi vạn vật là con đẻ của hai nguyên lý lành-dữ
bị chính triết học phi bác, ít ra nơi những suy tư nghiêm chỉnh. Tác giả là người
Dothái có mạc khải của Thiên Chúa. Ông nhớ đến trang đầu tiên trong sách Khởi
nguyên nói rằng: Thiên Chúa dựng nên vạn vật và Người thấy chúng thật tốt lành.
Và ông viết: " Những gì được sinh thành ra trong vũ trụ đều lương hảo".
Ông diễn tả đúng niềm tin như Lời Chúa mạc khải.
Tuy nhiên ông phải nói
cho người Hylạp hiểu: vì sao lại có sự dữ, là đau khổ, bệnh tật và nhất là sự
chết? Sự chết bao trùm mọi sự dữ ở đời. Nó không có mặt trong trời đất khi
Thiên Chúa sinh thành vạn vật. Nó đã từ đâu tới để đến nỗi bây giờ nó gieo rắc
đau thương, bệnh tật và tang tóc ở mọi nơi? Nhất là nơi con người. Phải nói rằng
chỉ nơi con người ta sự chết mới được cảm nghiệm như là sự dữ. Và người ta lấy
tâm trạng của mình để phóng lên trên sự vật, khiến chúng ta có thể nói: người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Ở đây không phải là chỗ
để chúng ta tranh luận triết học. Nhưng người ta không sai lầm lắm đâu khi quan
niệm rằng chính ý thức về sự chết là sự dữ ở nơi mình mà con người đâm ra nhìn
thấy các khía cạnh tiêu cực nơi ngoại vật. Một em bé thơ ngây không dễ yếm thế
như những người đã có kinh nghiệm đau khổ. Ít ra chúng ta nên tập suy nghĩ rằng:
những sự dữ bên ngoài không quan trọng và chủ yếu như sự dữ ngay trong con người
chúng ta. Và có thể nói như thánh Phaolô: Tạo vật đang rên xiết vì còn phải chờ
ngày con cái Thiên Chúa xuất hiện nơi chúng ta. Hoặc như tác giả hôm nay viết
trong bài sách Khôn ngoan: Tử thần không có quyền bá chủ cõi trần (khi cõi trần
này được tạo dựng).
Vậy chhính con người
mang sự chết và bè lũ của nó là đau khổ, bệnh tật đến sao? Cũng không phải. Con
người linh ư vạn vật. Khi do Chúa tạo thành, con người cũng là tạo vật thật tốt
lành. Và phải tốt lành hơn mọi vật khác. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh
tạo hóa, theo như bản chất của Người. Con người cũng phải bất hoại vì lẽ Thiên
Chúa không làm ra sự chết và Người không vui khi sinh linh hư diệt. Tác giả chỉ
tìm thấy nguyên do sự chết nơi con người trong mạc khải của chính Thiên Chúa. Ở
chương 3 sách Khởi nguyên, chúng ta đã được nghe biết về câu truyện cám dỗ và
sa ngã của nguyên tổ loài người. Vì tội lỗi của Adam-Evà mà sự chết đã xâm nhập
vào thế gian. Nó là hình phạt của tội lỗi. Và tội lỗi do tên cám dỗ mang lại.
Do đó tác giả viết: "Còn chết, có nhập vào trần gian, ấy là do quỷ đố kỵ".
Tác giả bài sách Khôn
ngoan đã chỉ vắn tắt lập lại giáo lý của sách Khởi nguyên, của truyện Thiên
Chúa dựng nên vạn vật và nhất là con người. Người đã sinh thành con người tốt
lành và bất tử, với điều kiện loài người không phạm tội. Nhưng chính vì không
trung thành với Người, Adam-Evà đã phạm tội và đã chuốc lấy hình phạt được báo
trước: đó là sự chết và bè lũ đi theo nó, là đau khổ và tật bệnh.
Tác giả có làmcho các
triết gia Hylạp suy nghĩ không? Ông đã làm phận sự của người dân có mạc khải của
Thiên Chúa. Dĩ nhiên chỉ ai có niềm tin mới biết đón nhận; nhưng khi con người
nhận thấy các suy tư của mình lúng túng trong những điều khó hiểu như các thắc
mắc về đau khổ, bệnh tật và chết chóc mà chúng ta thường gọi chung là sự dữ, Lời
Chúa có thể là ánh sáng cho những tâm hồn thiện chí và có khả năng nâng đỡ suy
tư của con người.
Chúng ta cám ơn Chúa
vì có sẵn đức tin. Chúng ta hôm nay hiểu hơn giáo lý về sự dữ. Chúng ta sẽ bắt
chước tác giả sách Khôn ngoan, khi có dịp đã không ngần ngại chia sẻ với mọi
người chung quanh niềm tin của mình để góp phần suy nghĩ với họ về mọi cái xảy
ra trong cuộc sống con người. Hơn nữa, nhờ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn
có thể đi xa hơn. Sau khi đã biết sự chết bởi đâu đến, chúng ta còn được mạc khải
về đường lối giải thoát cứu độ.
B. Chúa Yêsu Kitô Ðã Cứu
Người Ta Khỏi Chết
Ít khi chúng ta thấy
các tác giả thánh lồng hai câu truyện vào với nhau như trong bài Tin Mừng hôm
nay. Có cả một câu truyện dài tường thuật việc một người phụ nữ khỏi bệnh lồng
trong câu truyện Chúa đến chữa một em bé sống lại. Câu truyện nào quan trọng
hơn? Nhất là có tương quan mật thiết nào giữa hai câu truyện không? Có thể nói
cả hai chỉ nhằm đề cao một chủ đề cho thấy hành trình của đức tin cứu độ.
Thật vậy, có một nét
chung rất bề ngoài của hai câu truyện. Người phụ nữ đã bị bệnh 12 năm và trở
thành nan trị. Em bé đó cũng 12 tuổi và đã chết. Cả hai trường hợp đều nói lên
tình trạng nan giải của nhân loại tội lỗi. Nhưng rồi cả hai đều đã được cứu
thoát nhờ việc tiếp xúc với Ðức Yêsu. Người phụ nữ thì rờ vào áo Người; còn em
bé thì được Người cầm tay đỡ dậy. Tuy nhiên điều mà có lẽ thánh Marcô muốn chú
trọng hơn cả trong hai câu truyện là từ tình trạng bệnh tật, chết chóc đến trạng
thái khỏe mạnh, sống vui, con người phải làm một cuộc hành trình đức tin.
Có lẽ vì vậy mà tác giả
đã dừng lại lâu ở trên đường đi. Và rõ ràng ông đã coi thường con đường bề
ngoài dẫn Ðức Kitô đi. Ông chú ý vào con đường tâm hồn dẫn người ta đến với Người.
Khởi đầu, ông Yairô đến
xin Người lại nhà ông đặt tay lên đứa con sắp chết. Lúc ấy Người đang ở giữa
đám đông. Không ai có thái độ nào khác thường đối với Người. Nhưng Yairô đã đến
sấp mình dưới chân Người. Ðó là cử chỉ thờ lạy; đó là hành vi đức tin, nổi bật
hẳn lên giữa đám đông chưa biết nhận ra con người thật của Ðức Kitô. Có thể niềm
tin kia còn mơ hồ vì Yairô đã xin Người đến nhà ông và đặt tay trên con bệnh.
Ông nhớ lại nhiều hình ảnh về các tiên tri. Có lẽ ông đã thấy nhiều pháp sư có
khả năng chữa bệnh như vậy. Dù sao ông đã có niềm tin. Và chút niềm tin này đủ
để Ðức Yêsu lên đường đi cứu độ.
"Người ta chen cả
vào Người", để Người thật sự là Ðấng Emmanuel tức là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi;
và cũng để Người sống như mọi người và để người ta phải đón nhận Người trong
nhân tính khiêm cung khó nghèo.
Người phụ nữ bị bệnh
12 năm có niềm tin ấy. Bà coi thường luật "dơ và sạch" cấm bà động
vào người ta. Bà âm thầm nói lên niềm tin ở trong lòng trước khi sờ vào áo Người.
Bao nhiêu kẻ khác chen vào Người mà Người không để ý, nhưng ơn cứu độ ở nơi Người
đón nhận ai là kẻ có lòng tin đến với Người. Người cảm thấy mãnh liệt có một kẻ
tin đụng vào mình. Người là Ðấng được sai đến để "khơi nguồn và viên thành
đức tin" như lời thư Hipri nói. Thế nên Người lên tiếng, làm nổi khuôn mặt
của kẻ có niềm tin lên. Người suy tôn kẻ ấy và đồng thời muốn khơi dậy nhiều niềm
tin như vậy.
Khốn nỗi, thế gian
luôn muốn chọc phá công việc cứu độ của Thiên Chúa và dập tắt ngọn lửa lòng tin
mà Ðức Yêsu vừa nhóm lên. Người nhà viên trưởng hội đường đến báo tin em bé đã
chết rồi và bảo ông Yairô đừng phiền hà Ðức Yêsu nữa. Nếu không có phép lạ vừa
xảy ra cho người phụ nữ được khỏi bệnh; nếu không có những lời Ðức Yêsu vừa cổ
võ lòng tin của bà; và nhất là nếu không có chính lời Người giờ đây bảo ông: Ðừng
sợ, hãy tin mà thôi. Ông Yairô có lẽ đã theo lời người ta khuyên và đã xin Người
đừng mất công đến nhà ông làm gì nữa. Nhưng may Người đã "viên thành"
đức tin cho ông. Ông cứ để Người đi.
Người chỉ để cho
Phêrô, Yacôbê và Yoan đi theo. Người muốn cho ba môn đệ đặc biệt này được chứng
kiến một việc để sau này đức tin được nâng đỡ khi thấy Người rũ rượi cầu nguyện
nơi vườn Ghếtsêmani.
Thế gian lại đặt thêm
chướng ngại vật trên con đường đức tin. Những tiếng khóc lóc kêu la ầm ĩ và nhất
là những tiếng cười nhạo báng khi nghe Người nói: "Em bé chỉ ngủ
thôi", là tất cả những hình ảnh về sự thiếu lòng tin và sự cứng lòng tin của
thế gian muốn vây hãm và làm cản bước hành trình đức tin của những người đi
theo Ðức Yêsu.
Nhưng khi Người cầm
tay cho em bé đã nằm chết mà Người chỉ coi như đang "ngủ" được chỗi
"dậy" thì niềm tin của Người trở thành hoàn toàn. Nói đúng ra, niềm
tin vào Người sẽ chỉ hoàn toàn, khi người ta tin Người đã "ngủ" và chỗi
"dậy" trong mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Người. Khi ấy không những
người ta tin Người có phép làm cho kẻ chết sống lại, mà còn làm cho mọi kẻ tin
Người sẽ được sống đời đời. Bây giờ Người trở thành sự sống lại và sự sống cho
những ai tin Người. Người là Ðấng chiến thắng sự chết và cứu người ta khỏi đau
khổ đời đời. Và như vậy như lời Phaolô nói: Cũng như chỉ vì một người mà sự tội
đã đột nhập trần gian, và vì tội, thì sự chết nữa... Cũng vậy, công đức của một
người đã thành giải án tuyên công đem lại sự sống cho hết mọi người hết thảy
(Rm 5,12.18). Và bài sách Khôn ngoan hôm nay phải có bài Tin Mừng này mới đầy đủ.
Chúng ta cám ơn mạc khải của Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Người là Ðấng đã chiến
thắng sự chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ tin
vui mừng ấy với hết mọi người, đặc biệt với những người khổ đau. Và ở đây,
chúng ta được bài thư Phaolô hướng dẫn.
C. Chúng Ta Hãy Chia Sẻ
Với Những Người Túng Thiếu
Thánh Tông đồ khuyên
giáo dân Côrintô rộng rãi trong việc lạc quyên cho anh em tín hữu ở Yuđêa. Sự
việc nay đã qua rồi. Nhưng lý lẽ thánh tông đồ đưa ra vẫn luôn hợp thời.
Không phải giáo dân
Côrintô giàu có gì. Cho dù bấy giờ họ không gặp cảnh túng đói như tín hữu ở
Yêrusalem, nhưng dân Chúa ở mọi nơi vẫn là thành phần nghèo khó trong xã hội.
Tuy nhiên người có đức tin phải nhìn đời bằng cách khác. Cho dù về vật chất họ
có nghèo, nhưng về tinh thần và lòng đạo đức, họ là những người giàu có. Bởi vì
Ðức Yêsu Kitô đã trở nên nghèo khó để làm giàu cho họ. Người đã từ bỏ tất cả,
ngay đến bản thân mình trong mầu nhiệm thập giá, để trở nên giàu có mọi ơn
Thánh Thần cho những ai tin Người. Theo nguyên tắc, mọi tín hữu khi chịu phép Rửa
đã nhận được tất cả mọi Lời Hứa của Thiên Chúa. Họ được "trổi trang về mọi
mặt: về lòng tin, về lời nói, về trí tri, về sốt sắng mọi kiểu, về lòng mến...".
Họ có cả Nước Trời làm gia nghiệp. Thế thì họ không thể chật hẹp về lòng thương
. Có sẵn lòng chia sẻ với người túng thiếu hơn, họ mới tỏ ra biết quý hóa các
ơn cao trọng họ đang mang trong mình.
Chia sẻ bao nhiêu?
Thánh Tông đồ đáp: miễn sao có sự đồng đều! Không ai buộc làm cho kẻ khác được
thư thái, còn mình lại bị túng quẫn. Nhưng sự dư giả của mình phải đắp vào sự
thiếu thốn của người khác để rồi ra sự dư giả của họ sẽ bồi vào sự thiếu thốn của
mình, và như thế là có đồng đều.
Lập trường của thánh
Tông đồ như vậy rất rõ. Người có đức tin phải thấy mình được Thiên Chúa ban cho
quá nhiều ơn cao cả. Lòng họ phải rộng rãi. Họ phải biết sống chia sẻ, làm sao
trong anh em có sự đồng đều.
Một lập trường như thế
còn là lời kêu gọi chúng ta trong thế giới hiện nay mà các chênh lệch về của cải
đang tăng thêm nhiều đau khổ cho xã hội loài người. Ðó là kêu gọi đòi hỏi, gắt
gao. Chúng ta không dễ tự nguyện nghe theo. Phải nhìn vào gương Chúa Yêsu: giàu
có như Người mà vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó ngõ hầu chúng ta được
nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người.
Giờ đây Người sắp hiện
diện giữa chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ. Người dùng bánh rượu là những thứ
thô sơ để làm dấu chỉ cuộc tử nạn phục sinh của Người. Người trở nên khó nghèo
trong mầu nhiệm Thánh giá và Thánh Thể này, để chúng ta được nhận lấy sự sống của
chính Thiên Chúa và mọi phúc lộc khác đi theo sự sống này. Chúng ta được nên
giàu có khác thường. Chúng ta phải rộng rãi, sẵn lòng chia sẻ với mọi người để
có sự đồng đều. Như vậy cũng chẳng tiêu diệt được hết các đau khổ, tật bệnh, chết
chóc của đời này đâu. Nhưng không kể phần hạnh phúc cụ thể mà sự chia sẻ của
chúng ta sẽ đem lại cho người này người khác, chúng ta còn chứng tỏ đã hiểu
nguyên do đích thực của sự chết và sự dữ, cũng như giải pháp đích thực cho các
đau khổ và sự chết đời đời nằm ở chân lý nào. Chúng ta hòa mình và sống trong
"mầu nhiệm" đau khổ chứ không chỉ nhìn các đau khổ ở đời như một
"vấn đề" triết học khách quan. Và chúng ta làm được như vậy nhờ có Lời
Chúa hôm nay.
Ðặc biệt, nhờ vào lòng
tin nơi Chúa Yêsu Kitô, đấng đã chiến thắng sự chết để ban cho chúng ta sự sống
hạnh phúc bất diệt. Chúng ta hãy sốt sắng dọn lòng trí đón nhận Người trong mầu
nhiệm cử hành giờ đây nơi bàn thờ.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 13 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Wis
1:13-15, 2:23-24; II Cor 8:7, 9, 13-15; Mk 5:21-43.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có toàn quyền trên đau khổ và sự chết.
Theo Sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Ngài mong muốn
cho mọi loài tồn tại; nhưng con người luôn phải đương đầu với đủ loại đau khổ
và cái chết. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân của đau khổ và cái chết?
Sách Sáng Thế tường thuật biến cố cám dỗ và sự sa ngã của con người trong vườn
Địa Đàng. Vì con người lạm dụng quyền tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa và nghe
lời quỷ dữ, nên tội lỗi và sự chết đã đột nhập vào thế gian và tác hại trên con
người.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh ý hướng và quyền năng của Thiên Chúa trong việc
tạo dựng và quan phòng vũ trụ. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan xác quyết:
Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành và tiền định cho muôn loài được trường
tồn; nhưng quỉ dữ cám dỗ con người và là nguyên nhân của đau khổ và sự chết.
Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Corintô giúp đỡ Giáo Hội tại
Jerusalem để duy trì sự sống trong trận đói đang xảy ra tại đây. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có toàn quyền trên đau khổ và sự chết qua việc chữa
lành người phụ nữ bị loạn huyết và cho con gái ông Jairus sống lại.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sáng tạo con người và cho họ được trường tồn bất
diệt.
1.1/ Thiên Chúa muốn con
người được sống trường sinh bất tử: Tác giả
Sách Khôn Ngoan, dựa theo trình thuật tạo dựng thế giới và con người trong Sách
Sáng Thế, quả quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, không một loài
nào là xấu hay mang những nọc độc trong người. Vì Thiên Chúa tạo dựng, nên mọi
loài hiện hữu; nếu Thiên Chúa không tạo dựng, không loài nào có cả. Thiên Chúa
tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và muốn cho con người được sống trường
sinh bất tử. Ngài không sáng tạo cái chết, cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu
vong.
1.2/ Lý do tại sao con
người phải chết: Tác giả Sách Khôn Ngoan ý
thức rõ sự hiện hữu của cái chết và cố gắng đi tìm nguyên nhân của nó, vì Thiên
Chúa không tạo dựng nên cái chết. Ông tìm ra nguyên nhân là: "Chính vì
quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm
mùi cái chết."
Sách Sáng Thế tường thuật rõ ràng cám dỗ của quỉ dữ và sự sa ngã của con
người trong vườn Địa Đàng. Vì lý do này mà tội lỗi đã xâm nhập con người và làm
cho họ phải chết. Sách Sáng Thế cũng tường thuật sự lan tràn của tội lỗi nơi
con người: Cain giết Abel, em ông; Lụt Hồng Thủy là hậu quả của tội lỗi con người
đã xúc phạm đến Thiên Chúa quá nhiều; việc xây tháp Babel không thành vì Thiên
Chúa làm cho con người không hiểu nhau...
Không những nọc độc của tội lan tràn và cư ngụ trong con người, mà tất cả các tạo
vật của Thiên Chúa đều bị ảnh hưởng bởi tội của con người. Trước khi phạm tội,
con người sống chung với muôn thú. Sau khi phạm tội, chúng rời xa con người. Nọc
độc của rắn lửa hay bò cạp, phản ứng hung hăng của muông thú, các thiên tai, động
đất, bão lụt ... đều là những hậu quả từ sự phạm tội của con người.
2/ Bài đọc II: Người tín hữu phải có tinh thần tương thân, tương ái.
Bối cảnh lịch sử của Bài Đọc II là Phaolô muốn tổ chức cuộc lạc quyên để giúp
các tín hữu tại Jerusalem, đang chịu một nạn đói dữ dội. Thánh Phaolô muốn các
tín hữu Corintô hiểu lý do tại sao họ phải đóng góp; ông muốn họ rộng lượng
giúp đỡ các anh/chị/em đang lâm cảnh túng thiếu.
2.1/ Chúng ta phải giúp đỡ
mọi người trong cảnh túng thiếu: Ngài cho họ
ít là hai lý do để đóng góp:
(1) Đã nhận lãnh nhưng không, cũng phải cho đi nhưng không: Ngài nói:
"Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu
biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học
được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp
lạc quyên này nữa." Thánh Phaolô muốn các tín hữu biết ngài đã hy sinh rất
nhiều thời gian, tài năng, và sức khỏe để giúp các tín hữu Corintô có đức tin
và hiểu biết về Thiên Chúa. Để trả ơn, họ phải hăng hái đóng góp cho các tín hữu
tại Jerusalem.
(2) Gương của Đức Kitô: Ngài nói: "Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý,
nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho
anh em trở nên giàu có." Ví dụ: Chúa chọn mang kiếp phàm nhân để chịu đau
khổ, hầu mang lại ơn cứu độ cho con người. Chỉ cần một ơn cứu tử này thôi, con
người có hy sinh tất cả những gì mình có cũng chưa báo đền được. Đó là chưa kể
biết bao ơn lành Đức Kitô mang lại cho con người qua cái chết của Ngài.
2.2/ Tha nhân sẽ giúp lại
khi chúng ta lâm cảnh khốn khó: Con người
ích kỷ thường kiếm đủ mọi lý do để biện minh cho việc từ chối đóng góp: phải
mua cái này, đang cần cái kia, phải để dành cho con cái ăn học, cần tiết kiệm để
lo cho tuổi già hay khi bệnh tật ... Thánh Phaolô biết rõ những điều này, nên
ngài cắt nghĩa: "Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người
khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện
tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu,
để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu.
Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà
người được ít thì không thiếu."
Lịch sử xoay vần, không ai sung sướng mãi, cũng như không ai khổ cực mãi. Kinh
ngiệm của biến cố 30 tháng tư năm 1975 là một trường hợp điển hình: Cả thế giới
xúc động về những đau khổ của người tỵ nạn Việt-nam phải đổ xô ra biển cả để
tìm đường sinh sống, nên đã giúp đỡ đồng bào ta có nơi ăn, chốn ở, và định cư
nơi quốc gia đệ tam. Giờ đây, hầu hết chúng ta đã ổn định cuộc sống, chúng ta
phải góp phần phát triển các quốc gia đã giúp đỡ chúng ta: những người bản xứ
nghèo, những người di dân mới tới, những đồng bào bị thiên tai bão lụt trong nước.
Làm ngơ trước những nhu cầu này là vô ơn với Thiên Chúa và những người ân nhân
của chúng ta. Hơn nữa, cuộc đời chúng ta chưa hết, mọi sự khó đếu có thể xảy
ra, ai sẽ giúp đỡ khi chúng ta lâm nạn?
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ.
3.1/ Chúa làm cho con gái
ông Trưởng Hội Đường Jairus được sống lại: Trình
thuật Chúa chữa con gái của ông được xen kẽ bởi trình thuật Chúa chữa người đàn
bà bị loạn huyết. Chúng ta sẽ phân tích 3 phản ứng trong trình thuật này:
(1) Phản ứng của ông Jairus Trưởng Hội Đường: Niềm tin của ông được biểu lộ qua
hành động ông sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khỏan nài xin: "Con bé nhà
tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống."
Là một Trưởng Hội Đường, ông Jairus phải là người có danh giá và địa vị; thế mà
ông lại sụp lạy công khai một nhà rao giảng mà các kinh sư và luật sĩ khinh thường.
Thấy niềm tin và lòng thương xót của ông dành cho con, Chúa Giêsu chấp nhận về
nhà ông để chữa lành em bé.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài muốn ông Jairus phải tiếp tục tin tưởng, ngay
trong khi vừa nghe hung tin về cái chết của con gái mình: "Ông đừng sợ, chỉ
cần tin thôi." Để dạy các môn đệ luôn tin tưởng và can đảm đối diện với
cái chết, Ngài không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông
này là ông Gioan.Người bắt tất cả những kẻ không có lòng tin ra ngoài hết, rồi
dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm
lấy tay nó và nói: "Talitha qum," nghĩa là: "Này bé, hãy trỗi dậy
đi!" Lập tức em bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Mọi
người hiện diện sững sờ, kinh ngạc. Đức Giêsu ngiêm cấm họ không được để một ai
biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
(3) Phản ứng của những người chung quanh: Họ không tin Chúa Giêsu có uy quyền
làm cho người chết sống lại. Vì thế, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến
bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" Khi thấy Chúa
Giêsu và các môn đệ tiến vào nhà và Ngài bảo họ: "Sao lại náo động và khóc
lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Họ chế nhạo Người.
3.2/ Chúa chữa lành một
bà bị băng huyết 12 năm: "Có một bà kia
bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều
đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác."
(1) Phản ứng của bà bị băng huyết: Bà đã nghe đồn về Chúa Giêsu, và đây là cơ hội
ngàn năm một thuở để Bà xin Chúa cứu. Tại sao Bà không can đảm đến xin Ngài chữa
lành mà lại sờ vào tua áo của Ngài? Có ít nhất hai lý do ngăn cản Bà: Thứ nhất,
đây là thứ bệnh đàn bà, có lẽ Bà cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận bệnh của Bà
trước đám đông chăng? Hơn nữa, Bà cũng muốn tránh cho Chúa khỏi phải trở nên
không sạch, vì Lề Luật ngăn cấm không cho đụng tới những người có bệnh như thế.
Thứ hai, Chúa Giêsu đang bận rộn trên đường đi chữa bệnh, và cả một đám đông
chen lấn theo sau Ngài; làm sao một phụ nữ yếu đuối như Bà có thể chen lại đám
đông? Vì thế, Bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu."
Với niềm tin đó, Bà chạy theo và sờ vào tua áo Chúa; tức khắc, máu cầm lại, và
bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi
mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo
tôi?" Và Đức Giêsu ngó quanh để tìm người đã làm điều đó. Đây là giây phút
giao linh giữa người được tin và người tin. Giống như tình yêu, hai kẻ yêu nhau
không cần phải nói; chỉ một hành động được làm từ một trong hai người, họ có thể
hiểu tình yêu người khác dành cho mình. Người đàn bà loạn huyết sợ phát run
lên, vì Bà không ngờ hành động bí mật của Bà bị phát hiện. Bà đến phủ phục trước
mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng rằng Ngài sẽ la mắng Bà, nhưng
Chúa Giêsu nói với Bà: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy
về bình an và khỏi hẳn bệnh."
Trình thuật này phải giúp chúng ta tin tưởng vững mạnh vào Ngài khi mang bệnh
phần hồn cũng như phần xác. Chúa thấu hiểu sức mạnh của lòng tin chúng ta dành
cho Ngài, và Ngài sẽ ban ơn cần thiết để chữa lành. Ngài cũng thấu hiểu mọi bí
mật trong tâm hồn chúng ta; vì thế, chúng ta hãy thú nhận và đừng giấu diếm chi
cả. Chúng ta sẽ hưởng được bình an thực sự khi làm như thế.
(3) Phản ứng của các môn đệ: Các môn đệ dùng sự suy nghĩ của con người để thưa
với Chúa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ''Ai
đã sờ vào tôi?" Khi nói như thế, các môn đệ đã tỏ vẻ khinh thường Thầy
mình, và không hiểu những gì xảy ra trong lãnh vực đức tin. Phản ứng của Chúa
Giêsu hôm nay phải dạy chúng ta biết thận trọng khi phán xét những điều thuộc
lãnh vực tinh thần. Đừng bao giờ lấy sự khôn ngoan con người để phán xét những
sự thuộc về Thiên Chúa; nhưng phải biết khiêm nhường và lấy đức tin để hiểu những
sự thuộc về Thiên Chúa và phán xét tha nhân.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ
- Chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống và tiêu diệt
sự chết.
- Để bảo vệ sự sống, chúng ta phải can đảm sống theo nền "văn minh tình
thương" và loại bỏ nền "văn hóa sự chết," như lời ĐGH
Gioan-Phaolô II kêu gọi.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
01/07/2018 - CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B
Mc 5,21-24.35-43
CHỈ CẦN TIN THÔI
“… đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,37)
Suy niệm: Nick Vujicic, một người Úc gốc Serbia từ khi sinh ra đã không có tay
và chân. Từ nhỏ anh đã từng tuyệt vọng và có ý định tự tử, nhưng nhờ tình
thương của cha mẹ và nhờ đức tin, anh đã vượt qua mọi trở ngại của một người
khuyết tật và sống rất lạc quan. Anh đi khắp thế giới để làm chứng về niềm tin
vào Đức Giê-su của mình. Trong lần đến Việt Nam vào ngày 23/5/2013, trên sân vận
động Mỹ Đình Hà Nội, anh đã lớn tiếng tuyên xưng niềm tin đó trước hàng ngàn
khán giả. Anh đã sống niềm tin của mình cách thiết thực nhất, đó là sự tin tưởng,
tha thứ và yêu thương. Khi Chúa Giê-su chữa lành người phụ nữ bị băng huyết đã
mười hai năm và cho con gái ông trưởng hội đường đã chết được sống lại, chính
Ngài đã xác quyết điều này: “…đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.
Mời Bạn: Trong cuộc sống hằng ngày, những thử thách của bệnh tật và đau khổ
luôn làm chúng ta lo lắng và mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta cũng thường bị cám
dỗ đi tìm lời giải đáp ở những việc mê tín dị đoan. Chính Chúa đang mời gọi bạn
hãy sống phó thác và đặt trọn niềm tin vào Ngài.
Chia sẻ: Bạn đã từng bị thử thách trong đời sống đức tin. Mời bạn
chia sẻ: cảm nghiệm của bạn trong hoàn cảnh đó. Bạn đã vượt qua những thử thách
đó thế nào?
Sống Lời Chúa: Khi gặp thử thách, đau khổ, bạn tâm niệm Lời Chúa: “Mọi
âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
giữa những gian lao và thử thách của cuộc sống, xin ban cho con thêm sức mạnh
và đức tin; để con có đủ can đảm sốngphó thác và đặt trọn niềm tin nơi Chúa.
Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đụng đến áo (01.7.2018 – Chúa nhật 13 Thường niên, Năm B)
Suy Niệm
Giữa đám đông chen lấn
chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào
áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.”
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến
Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy chỗi dậy.”
Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Chỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy chỗi dậy.”
Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Chỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ
có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng
con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối
trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa
thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin
cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
1 THÁNG BẢY
Đấng Cầm Quyền Tối
Cao
Luôn Ân Cần Săn Sóc
Các biểu tượng cổ xưa
của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng
từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator”
(cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự
hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục
tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần
linh.
Thật vậy, người mục tử
là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn
ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài
người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền
lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách
Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân
trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là,
nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền
bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc
đàn chiên của mình.
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-6
Chúa Nhật XIII Thường
niên
Kn 1,
13-15;2,23-24; 2Cr 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43
LỜI SUY NIỆM: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy
về bình an và khỏi hẵn bệnh.”
Trong cả hai phép lạ
đã được Chúa Giêsu thực hiện, cho chúng ta thấy được quyền năng của Chúa luôn
luôn là sẵn sàng ban cho những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa. Trong việc người
con gái của ông trưởng hội đường được sống lại và người mang bệnh loạn huyết được
chữa lành đều do có lòng tin, dù cả hai đều đến với Chúa với sự bất toàn, sau
những thất bại của họ; nhưng đối với Chúa, Chúa không quan tâm đến điều đó, cho
dù là cái bất toàn của chúng ta đi nữa. Nhưng khi con người tin vào Chúa và chạy
đến với Chúa; Thì với Chúa, Chúa cũng sẽ làm cho nó thành toàn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin
cho chúng con luôn nhận ra bản thân chúng con, ý muốn và những lời cầu xin của
chúng con đều bất toàn trước mặt Chúa. Nhưng xin cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con luôn trông cậy và đặt trọn niềm tin vào Chúa. Để chúng con nhận
được mọi ơn lành của Chúa ban.
Mạnh Phương
1 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù
Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng
câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một
trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô
gái và chặt đứt hai hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau
đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có
gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc
người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một
chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu
hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà
liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả
được thù rồi".
"Lấy ân trả
oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có
cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như
thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau điều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ
có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù. Lấy hận thù để tiêu diệt hận
thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù
và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động
và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu
hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng
duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề
ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể được tiêu diệt được hận
thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần theo đuổi mỗi ngày. Thay
vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự hận thù trong tâm hồn
chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét