24/06/2018
Chúa Nhật tuần 12 Thường Niên năm B
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ.
Lễ Trọng.
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 12 Thường niên, năm B
CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN B
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ
(Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80)
Chủ đề: SỨ VỤ NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG
“Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân
để đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6)
để đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6)
Trong phụng vụ Kitô giáo, Giáo Hội thường mừng kính các vị thánh vào ngày
tôn phong hiển thánh hoặc ngày sinh nhật trên trời, tức là ngày chết. Còn về
sinh nhật dưới thế, ngoại trừ Đức Giêsu được mừng vào 25/12 và Đức Trinh Nữ
Maria được mừng vào ngày 8/9, thì chỉ thánh Gioan Tẩy Giả được diễm phúc mừng
ngày chào đời vào hôm nay 24/6. Sở dĩ đặc biệt như thế vì thánh nhân chào đời để
hướng tới một sứ vụ đặc biệt, đó là chuẩn bị con đường cho Đức Giêsu đến, giới
thiệu Người cho dân chúng, và làm chứng cho “Sự Thật” bằng chính cái chết của
mình. Các bài đọc hôm nay làm nổi bật sứ vụ của thánh nhân.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Is
49,1-6):
Bài đọc I trích sách Ngôn Sứ Isaia đệ II (các chương 40-55), gọi là sách
An Ủi, được viết trong thời lưu đày ở Babylon. Bài đọc I hôm nay nhấn mạnh việc
Israel được đặt “làm ánh sáng cho muôn dân” để chiếu tỏa ơn cứu độ cho mọi người.
Trong cảnh lưu đày tuyệt vọng nơi đất khách, Dân tưởng nhớ Sion vì họ không thể
nào cất tiếng thờ phượng Đức Chúa nơi quê người (x. Tv 136), và họ trông chờ
vào những người còn ở quê hương sẽ cứu thoát họ. Trong bối cảnh đó, ngôn sứ
Isaia đã nhắc nhớ dân rằng niềm hy vọng cứu thoát của Israel, tương lai của dân
tộc là chính họ, chứ không phải số ít người vẫn ở lại trong đất Israel.
Ngay chính lúc tưởng rằng không còn gì để hy vọng khi họ phải sống trong
cảnh nô lệ lầm than, họ cũng không được phép quên rằng họ là dân được Chúa tuyển
chọn từ thuở đời đời, từ khi “còn trong lòng mẹ.” Họ còn được Thiên Chúa yêu
thương, chở che, giữ gìn như “mũi tên nhọn, được cất trong ống tên của Người”.
Sở dĩ có hoàn cảnh lưu đày hiện tại là do họ bất trung nên Đức Chúa thanh luyện
họ để họ hoán cải mà quay về với Chúa, rồi cuối cùng họ được trao phó cho một sứ
vụ lớn là tái lập các chi tộc nhà Giacóp, đưa những người Israel sống sót trở về,
và nhất là trở thành ánh sáng chiếu soi và đem ơn cứu độ cho mọi dân tộc trên
khắp cùng bờ cõi trái đất.
Nếu họ trung thành với sứ vụ như thế, chẳng bao lâu nữa họ sẽ được hồi
hương mà qui tụ những người sống sót thuộc các chi tộc Giacóp lại. Lúc này, Dân
Chúa không chỉ là những anh chị em của họ thuộc vương quốc Giuđa trước kia,
nhưng còn là mọi người thuộc vương quốc Israel phía bắc cũng như các dân tộc
khác, những người theo chân đoàn người lưu đày về Sion thờ phượng Đức Chúa.
2. Bài đọc 2 (Cv
13,22-26):
Cuộc đời của Thánh Phaolô, kể từ khi được Chúa kêu gọi ở Đamát, là sống sứ
vụ làm chứng. Bài đọc II cho chúng ta thấy rằng khởi đi từ chính kinh nghiệm đức
tin của dân Israel qua việc họ được Thiên Chúa tuyển chọn, Thánh Phaolô muốn
minh chứng rằng Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu Độ. Trong lịch sử
cứu độ, dù có những bước thăng trầm tùy theo thái độ và hành động của Dân trước
mặt Thiên Chúa, nhưng từng bước, Người đã làm cho gia đình Giacóp trở thành một
dân lớn bên Aicập, rồi qua biến cố xuất hành, vượt biển Đỏ, hành trình trong sa
mạc, tiến vào đất hứa, là một hành trình làm chứng về Đức Chúa trung tín và yêu
thương Dân Người. Từ những chi tộc nhỏ bé ban đầu nay họ đã trở thành một đất
nước hùng mạnh được cai trị bởi các vua lừng danh thuộc nhà Đavít, và từ đó mà
có lời hứa ban Đấng Cứu Độ là Đức Kitô, xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít. Lời hứa
sẽ được thực hiện khi đến thời đến buổi.
Khi Đấng Cứu Độ mà Đức Chúa hứa ban là Đức Giêsu đã đến, thánh Gioan Tẩy
Giả đã đóng vai trò làm người chuẩn bị con đường cho Người, rồi Thánh nhân đã
giới thiệu Người cho dân chúng, và dần dần rút lui vào trong sân khấu bằng cái
chết làm chứng.
3. Bài Tin Mừng (Lc
1,57-66.80):
Bài Tin Mừng thuật lại biến cố Gioan chào đời. Kể từ lúc đầu thai, chào đời
cho đến ngày sinh nhật trên trời, cuộc đời của Gioan là cuộc đời làm chứng cho
tình yêu, lòng thương xót và ân huệ của Thiên Chúa, như tên của ông: Gioan có
nghĩa là “Ân huệ Thiên Chúa ban”. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện
đối với bà Êlisabét, khi ban cho bà người con lúc đã cao niên. Gioan sinh ra
trong hoàn cảnh đặc biệt, nên sứ vụ của ông sau nay cũng rất đặc biệt.
Trong bối cảnh đó, lời chúc mừng của láng giềng, cũng như lời chúc tụng tạ
ơn Thiên Chúa của ông Giacaria làm cho mọi người ý thức một cách sâu sắc về sứ
vụ tương lai của Gioan. Người con vừa được ra đời từ cung lòng già nua chết
chóc của người mẹ và trong sự câm lặng của người cha, nhưng lại đem niềm hỉ
hoan cho mọi người và tỏ lộ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: Gioan sẽ trở
thành “tiếng hô” loan truyền về Đấng Ban sự Sống và ơn Cứu Độ.
Quả thật, sứ vụ của Gioan là “chuẩn bị con đường cho Chúa Giêsu”. Là “tiếng
người hô trong hoang địa” kêu gọi người ta “chịu Phép Rửa tỏ lòng sám hối để được
ơn tha tội”. Gioan biết mình là ai, đóng vị trí nào trong chương trình của
Thiên Chúa, khi loan báo về “Ðấng quyền thế hơn tôi”; đứng trước Đấng ấy, ông
Gioan khiêm tốn tự nhận “tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.
Gioan không đến để hoàn tất lời hứa, nhưng cuộc đời và sứ vụ của Gioan là chuẩn
bị mọi sự để làm chứng cho lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn tất nơi chính
Chúa Giêsu Kitô.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để đem ơn cứu độ của Ta đến
tận cùng cõi đất. Dân Do thái được Thiên Chúa tuyển chọn làm Dân riêng
để qua họ mọi dân nước có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng cứu độ và yêu mến
Người. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Do thái luôn được ưu đãi so với
các dân tộc khác. Thiên Chúa vẫn để họ phải trải qua những kinh nghiệm đau
thương, thậm chí ê chề, nhục nhã để thanh luyện niềm tin của họ. Nhưng mỗi khi
phải đương đầu với những bi đát đó, niềm tin của họ mau chóng bị lung lay và nhất
là họ dễ dàng quên đi sứ vụ trở nên “ánh sáng cho muôn dân” của mình. Kinh nghiệm
đức tin đó giúp ta hiểu rằng: thử thách là cần thiết để thanh luyện đức tin, chứ
không phải là cơn cám dỗ khiến người tín hữu quên đi sứ vụ của mình. Trong mọi
hoàn cảnh, chúng ta vẫn có thể làm chứng cho Chúa và loan báo Tin Mừng cứu độ.
2. Ông Gioan đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em
tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho
Người.” Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả chỉ là người chuẩn bị, là kẻ dọn đường
cho Đấng Cứu Thế, cũng như giới thiệu Chúa cho mọi người. Như vậy, dù người ta
theo ông rất đông nhưng ông biết chỗ đứng của mình và tự nhận ông mãi mãi chỉ
là một vai phụ: hình bóng của ông càng “nhạt nhòa” bao nhiêu thì hình ảnh Đức
Kitô càng được tỏa sáng bấy nhiêu: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”.
Sứ vụ của Gioan cũng chính là sứ vụ của mỗi Kitô hữu trong tương quan với Đức
Giêsu Kitô: người dọn đường cho Chúa đến. Để làm được điều đó, cần có sự khiêm
tốn và hy sinh bản thân mình.
3. Miệng lưỡi ông Dacaria lại mở ra, ông nói được, và chúc
tụng Thiên Chúa.Chịu cảnh son sẻ trong khi tuổi đời già nua khiến người đời
khinh chê là một thử thách lớn đối với Êlizabét và Dacaria nhưng điều đó không
làm cho ông bà mất đi lòng kính sợ và niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Sự câm lặng
vì một phút cứng tin nơi Giacaria, trong suốt thời gian con trẻ Gioan được cưu
mang, đã không khơi lên trong lòng ông một nỗi niềm oán hận hay thù nghịch với
Thiên Chúa. Trái lại, đó chính là thời gian để từng bước gợi lên trong ông tâm
tình chúc tụng tạ ơn trước kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa đang thực hiện.
Cũng thế, những khó khăn thử thách trong cuộc sống hằng ngày mãi là cơ hội quý
báu giúp người tín hữu hiểu ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đang thực hiện
trên cuộc đời của mỗi người: tất cả là “ân huệ” Thiên Chúa ban. Nhờ đó, cuộc đời
mỗi người sẽ trở thành bài ca ngợi khen tình Chúa. Đó là cách đơn giản nhưng rất
hữu hiệu mà ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được để làm chứng cho Chúa.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thánh
Gioan Tẩy Giả đã chu toàn cách trọn vẹn sứ mạng loan báo Đức Kitô và làm chứng
cho sự thật. Đó cũng là ơn gọi của người Kitô hữu giữa thế giới hôm nay. Cùng với
Thánh Gioan, cộng đoàn chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa tâm tình ngợi khen và cầu
xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu và làm chứng cho Chúa Kitô. Chúng ta
hiệp ý cầu xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và nỗ lực thực
thi sứ mạng Chúa trao trong tinh thần khiêm tốn, yêu thương và phục vụ.
2. “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian.” Chúng ta hiệp ý cầu
xin cho lời giới thiệu Đấng Cứu Thế của Thánh Gioan năm xưa được tiếp tục loan
báo và đón nhận, để con người thời đại biết thành tâm sám hối và sống theo Tin
Mừng.
3. Bàn tay Thiên Chúa luôn phù hộ người Chúa tuyển chọn. Chúng ta hiệp ý
cầu xin cho Đức Hồng Y Gioan Baotixita và tất cả những ai đang quảng đại sống đời
dâng hiến luôn can đảm và nhiệt thành làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các
linh hồn.
4. “Gioan càng lớn lên, thì tinh thần càng vững mạnh.” Chúng ta hiệp ý cầu
xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, được ngày càng lớn lên trong lòng
tin - cậy - mến, cùng thêm nhiều ân sủng cần thiết cho đời sống chứng tá hằng
ngày.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã tuyển chọn và
ban cho Thánh Gioan Tẩy Giả muôn ân huệ hầu chu toàn sứ mệnh Chúa trao. Xin nhận
lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn trung thành sống ơn gọi nên
thánh, để xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời mai sau. Chúng con cầu xin
nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Lectio Divina:
Sinh Nhật Gioan Tẩy Giả (B)
Chủ Nhật 24 Tháng Sáu,
2018
Sinh nhật người
dọn đường cho Chúa
Mt 14:13-21
1.
Chúng ta hãy lắng
đọng trong cầu nguyện – Statio
Lời cầu nguyện của
Đức Hồng Y Mercier với Chúa Thánh Thần
Lạy Chúa, Đấng đã hướng
dẫn những tín hữu Chúa, soi sáng tâm hồn họ với ánh sáng Chúa Thánh Thần, xin
ban cho chúng con cùng Thần Khí Chúa để chúng con có thể có ước muốn làm điều tốt
đẹp và luôn vui hưởng sự ủi an của Người.
Nguyện xin cho sự vinh
quang, tôn thờ, tình yêu và ân sủng của Chúa Thánh Thần Đời Đời, Đấng đã đem đến
thế gian Đấng Cứu Độ cho linh hồn chúng con. Và nguyện xin cho sự vinh
quang và danh dự của Thánh Tâm Chúa đáng tôn thờ, Đấng đã yêu thương chúng con
với một tình yêu vô hạn. Lạy Đức Chúa Thánh Thần rất yêu dấu của linh hồn
con, con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy soi sáng tâm trí con, dẫn dắt con,
yên ủi con và tăng sức mạnh cho con. Xin hãy tỏ cho con biết con cần phải
làm gì. Xin ban cho con chỉ thị của Chúa. Con nguyện hứa sẽ tuân hành tất
cả mọi mệnh lệnh và ý muốn của Chúa trong con. Con nguyện lãnh nhận lấy tất
cả những gì Chúa cho phép xảy đến với con. Xin chỉ dạy con Thánh Ý của
Chúa. Lạy Đức Chúa Thánh Thần, con suy phục Chúa.
2.
Đọc và tìm hiểu lời
Chúa – Lectio
Trích Tin Mừng theo
thánh Luca (1:57-66,80)
Khi đến ngày sinh, bà
Êlisabéth sinh hạ một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng
nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến
làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó.
Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan”. Họ bảo bà rằng:
“Không ai trong họ hàng bà có tên đó”. Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi
tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: “Tên nó là Gioan”. Và mọi người đều bỡ ngỡ.
Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa. Mọi người lân cận đều
kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết
thảy những ai nghe biết đều để bụng nghĩ rằng: “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?
Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó”.
Con trẻ lớn lên, mạnh
mẽ trong lòng: nó ở trong hoang địa cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Israel.
3.
Suy gẫm Lời Chúa
– Meditatio
3.1 Chìa khóa
để dẫn đến bài đọc
Đoạn Tin Mừng này là một
phần của câu chuyện được gọi là thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trong một
cách đặc biệt, đoạn này theo sau đoạn Tin Mừng về chuyến Viếng Thăm bà
Êlisabéth “trong nhà ông Giacaria” (Lc 1:40) sau biến cố Truyền Tin của Thiên
Thần, sứ giả của sáng tạo mới.
Thật ra, biến cố Truyền
Tin mở màn trong một cách mừng vui vì lời hứa của Thiên Chúa với Dân Riêng của
Người được thực hiện (Lc 1:26-38). Niềm vui mừng của thời đại mới, tràn
ngập Đức Maria, giờ đây ngập tràn trái tim của bà Êlisabéth. Bà vui mừng
với lời chào của Đức Maria (Lc 1:41). Mặt khác, Đức Maria “ngợi khen
Thiên Chúa” (Lc 1:46) bởi vì Người đã làm những việc tuyệt vời trong bà, cũng
giống như Người đã làm những điều kỳ diệu cho Dân Người trong việc cần sự cứu rỗi.
Khái niệm “thời gian tới
hồi viên mãn” nhắc nhở chúng ta rằng thực tế này không chỉ nói về bà Êlisabéth
sắp đến lúc khai hoa nở nhụy, mà cũng mặc khải điều gì đó về chương trình của
Thiên Chúa. Thật ra, thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng khi thời gian tới
hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến “sinh làm con một người phụ nữ,
và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được
ơn làm nghĩa tử” của Thiên Chúa (Gl 4:4).
Trong Tin Mừng của
Chúa Giêsu, thực sự nói về việc thời gian viên mãn, đặc biệt là trong Tin Mừng
theo Gioan. Hai trong số những lần này là lần tại tiệc cưới Cana (Ga
2:1-12) và lần thống khổ trên thập giá nơi Chúa Giêsu thốt lên rằng “mọi sự đã
hoàn tất” (Ga 19:30). Trong việc thực hiện thời gian viên mãn Chúa Giêsu
mở ra một kỷ nguyên mới của ơn cứu rỗi. Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả mở
màn cho kỷ nguyên cứu rỗi này. Trong thực tế, trước sự xuất hiện của Đấng
Cứu Thế, ông đã hân hoan và nhảy mừng trong lòng mẹ, bà Êlisabéth (Lc
1:44). Sau đó, ông sẽ xác định mình là người bạn của chú rể (Chúa Giêsu)
hân hoan và hớn hở bởi vì đám cưới của chú rể với cô dâu, Giáo Hội (Ga 3:29).
Người con trai sẽ
không được đặt tên theo cha mình là Giacaria, mà là Gioan. Giacaria nhắc
nhở chúng ta rằng Thiên Chúa không hề quên dân riêng của Người. Trong thực
tế, tên của ông có nghĩa là “Thiên Chúa ghi nhớ”, bởi vì các lời hứa của Thiên
đang được thực hiện. Sứ vụ tiên tri của Gioan đã cho thấy lòng thương xót
của Thiên Chúa. Thật ra, ông sẽ được gọi là Giohanan, đó là “Thiên Chúa
là Đấng Thương Xót”. Lòng thương xót này được thể hiện trong chuyến thăm
viếng Dân Riêng, một cách chính xác “như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn
sứ mà phán hứa tự ngàn xưa” (Lc 1:67-70). Vì vậy, tên gọi cho biết nhiệm
vụ của trẻ sắp được sinh ra. Ông Giacaria sẽ viết tên con trẻ trên một tấm
bảng nhỏ để cho mọi người đều thấy và ai nấy đều bỡ ngỡ (Lc 1:63). Tấm bảng
nhỏ này là tiếng vang lại của một dòng chữ khác, được viết bởi quan Philatô để
đóng trên cây thập giá của Chúa Giêsu. Dòng chữ này mặc khải tên sứ vụ của
Đấng Chịu Đóng Đinh: “Giêsu Nagiarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19:19).
Dòng chữ này cũng gây nên sự ngưỡng mộ với những ai có mặt tại Giêrusalem vào
ngày lễ.
Gioan là kẻ dọn đường
cho Chúa Giêsu về mọi thứ. Đã từ lúc mới sinh và thời thơ ấu của mình,
ông chỉ về Chúa Kitô: “Đứa trẻ này sẽ là ai?” Ông là “tiếng kêu
trong hoang địa” (Ga 1:23), thúc đẩy mọi người để chuẩn bị dọn đường cho
Chúa. Ông không phải là Đấng Cứu Thế (Ga 1:20), ông nói ra điều này với lời
rao giảng của mình và hơn hết cả là phong cách sống khổ hạnh của ông trong
hoang địa. Trong khi đó, cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh.
Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1:80).
3.1.1. Một
vài câu hỏi để hướng dẫn cho sự suy niệm và thực hành của chúng ta:
– Điều gì đã làm
bạn cảm động nhất trong đoạn Tin Mừng và trong phần suy gẫm?
– Ông Gioan tự
nhận mình là bạn của chàng rể. Theo bạn, hình ảnh này mang ý nghĩa gì?
– Gioan Tẩy Giả
được Giáo Hội luôn xem như là mẫu mực. Ông là người dọn đường cho
Chúa. Điều này có điểm nào thích hợp với đời sống hàng ngày của chúng ta
không?
4. Cầu nguyện:
Chúng ta hãy chúc tụng
Chúa cùng với Giacaria (Lc 1:68-79)
Chúc tụng Đức Chúa là
Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm cứu chuộc
dân Người.
Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,
Người đã cho xuất hiện
Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,
như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ
mà phán hứa tự ngàn xưa:
sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,
thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;
sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên
và nhớ lại lời xưa giao ước;
Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
và cho ta chẳng còn sợ hãi,
để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,
mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
Hài Nhi hỡi, con sẽ
mang tước hiệu
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.
là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:
con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,
bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ
là tha cho họ hết mọi tội khiên.
Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.
5.
Chiêm Niệm:
Chúng ta hãy tôn
vinh lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa trong thinh lặng:
Sáng danh Đức Chúa
Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần.
Như đã có trước vô
cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét