Trang

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Trong mỗi con người, có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống


Trong mi con người, có du n ca Thiên Chúa, ngun gc ca s sng

Trong mỗi con người, “có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống.” ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh đến điều này trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 24 tháng 6 với khoảng 20 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. Dựa trên các sự kiện liên quan đến sự chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả, ĐTC suy tư về ý nghĩa của sự sống và đức tin, và khẳng định rằng “trong việc hình thành một đứa trẻ, cha mẹ đóng vai trò người cộng tác của Thiên Chúa.”  Ngài cũng mời gọi kiến tạo gia đình thành đền thờ của sự sống và tìm lại cảm giác ngạc nhiên, kinh ngạc và biết ơn trước sự chào đời của mỗi đứa trẻ như những người dân Do thái trong bài Tin mừng lễ thánh Gioan Tẩy Giả.
Mở đầu bài huấn dụ, ĐTC nhắc đến biến cố thánh Gioan Tẩy giả chào đời đem lại niềm vui và sự kinh ngạc cho mọi người. ĐTC nói:
 “Phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta cử hành lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả. Sự chào đời của thánh nhân là biến cố chiếu sáng cuộc đời của cha mẹ ngài, ông bà Dacaria và Elisabét, và mang lại niềm vui và sự kinh ngạc cho bà con và láng giềng thân cận. Hai vị thân sinh cao niên của thánh Gioan đã mơ về ngày có con và cũng đã chuẩn bị cho ngày ấy, nhưng giờ đây họ không còn chờ đợi nữa: họ cảm thấy mình bị loại trừ, bị khinh khi và thất vọng, vì họ không có con. Trước lời loan báo về việc chào đời của người con trai (x.Lc 1,13), ông Dacaria vẫn không tin, bởi vì theo luật tự nhiên ông không còn khả năng có con nữa: họ đã già, đã cao tuổi. Vì sự cứng lòng của ông, Thiên Chúa đã làm cho ông không nói được trong suốt thời gian vợ ông mang thai đứa con (x. câu 20). Đó là một tín hiệu. Nhưng Thiên Chúa không dựa vào kiểu lý luận của chúng ta và vào những khả năng con người giới hạn của chúng ta. Chúng ta cần học tín thác và im lặng trước mầu nhiệm của Thiên Chúa và suy gẫm trong sự khiêm nhường và thinh lặng việc làm của Chúa, Đấng tự mặc khải mình trong lịch sử và nhiều lần vượt khỏi sự tưởng tượng của chúng ta.
Và giờ đây, sự việc được thực hiện, giờ đây bà Elisabét và ông Dacaria kinh nghiệm rằng “không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1,37), và họ vui mừng biết bao. Trang Tin mừng hôm nay (Lc 1,57-66.80) loan báo sự chào đời của đứa con và rồi dừng lại ở thời khắc đặt tên cho con trẻ. Bà Elisabét chọn một tên khác lạ với truyền thống của gia đình; bà nói: “Đứa bé được đặt tên là Gioan” (câu 60), món quà được ban tặng nhưng không và giờ đây thật bất ngờ, bởi vì Gioan nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ơn”. Đứa trẻ này sẽ là sứ giả, chứng tá của ân sủng của Thiên Chúa cho dân nghèo mong đợi với niềm tin khiêm nhường ơn cứu độ của Chúa. Ông Dacaria khẳng định việc chọn tên đó, ngoài sự chờ đợi của mọi người, khi viết trên một tấm bảng – bởi vì ông bị câm –và “vào giây phút đó miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được bình thường và chúc tụng Thiên Chúa” (câu 64).
ĐTC tiếp tục giải thích về ý nghĩa việc sinh ra của thánh Gioan: “Tất cả biến cố chào đời của thánh Gioan Tẩy Giả được bao trùm bởi niềm vui kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn. Sự kinh ngạc, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn: dân chúng kính sợ Thiên Chúa “và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđêa” (câu 65). Dân chúng trung thành nhận ra rằng có điều gì vĩ đại đã xảy ra, ngay cả nó có vẻ khiêm nhường và bị ẩn dấu, và họ tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào?” (câu 66). Người dân trung thành của Thiên Chúa có thể sống niềm tin với niềm vui, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và biết ơn. Nhưng chúng ta quan sát những người dân đang bàn tán về sự việc kỳ diệu này, phép lạ của sự chào đời của Gioan, và họ vui mừng, hân hoan, với sự kinh ngạc, ngạc nhiên và lòng biết ơn. Và quan sát điều này, chúng ta tự hỏi: đức tin của tôi thì thế nào? Nó là một đức tin vui tươi, hay là một đức tin luôn luôn như nhau, một đức tin đều đều? Tôi có cảm thấy kinh ngạc khi nhìn thấy các công trình của Thiên Chúa, khi tôi nghe về những việc loan báo Tin mừng hay về đời sống của một vị thánh, hay khi tôi nhìn thấy những con người tốt lành: tôi có cảm thấy ân phúc, trong nội tâm, hay không có gì lay chuyển trái tim tôi? Tôi có cảm thấy sự an ủi của Thần Khí hay tôi đóng kín lòng mình lại? Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình, khi xét mình: Đức tin của tôi thế nào? Nó có vui tươi không? Có mở ra với sự ngạc nhiên về Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Chúa của sự ngạc nhiên không? Tôi có cảm nếm trong tâm hồn cảm nghiệm về sự ngạc nhiên cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa,tình cảm biết ơn hay không? Chúng ta hãy nghĩ về những từ này, những từ của một tâm hồn có niềm tin: niềm vui, cảm giác kinh ngạc, cảm giác ngạc nhiên và biết ơn.”
Cuối cùng, ĐTC cầu xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta hiểu rằng trong mỗi con người có dấu ấn của Thiên Chúa, nguồn gốc của sự sống. Ngài xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta, giúp chúng ta luôn ý thức rằng trong việc hình thành một đứa con, các bậc cha mẹ hành động như những người cộng tác của Thiên Chúa. Một sứ vụ thật sự cao trọng khi kiến tạo mỗi gia đình thành một đền thờ sự sống và đánh thức niềm vui, sự ngạc nhiên và lòng biết ơn khi mỗi đứa trẻ chào đời.
Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã nhắc tới lễ phong chân phước  tại Assuncion, Paraguaycho nữ tu Maria Felicia Chúa Giêsu Thánh Thể, dòng kín Cát minh,  tục danh là Maria Felicia Guggiari Echeverría. Chân phước Maria Felicia sống vào tiền bán thế kỷ 20, gắn bó nhiệt thành với phong trào Công giáo Tiến hành và chăm sóc cho người già, các bệnh nhân và tù nhân. Kinh nghiệm tông đồ phong phú này, được nâng đỡ từ Thánh Thể hàng ngày, đã thúc đẩy chị dâng mình cho Chúa. Chị đã đón nhận bệnh tật cách an bình và qua đời ở tuổi 34. Chứng tá của chân phước trẻ tuổi này là lời mời gọi tất cả các bạn trẻ, đặc biệt các bạn trẻ Paraguay, sống cuộc sống với sự rộng lượng, lòng nhiệt thành và niềm vui. ĐTC mời gọi mọi người vỗ tay chúc mừng các nữ tu Chiquitunga và người dân nước Paraguay. (Rei 24/06/2018)
Hồng Thủy



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét