29/06/2018
Thứ Sáu tuần 12 thường niên
THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ.
Lễ Trọng. lễ HỌ. Cầu cho giáo dân
* Thánh
Phêrô và thánh Phaolô không giống nhau về tính khí, cũng không giống nhau về phạm
vi hoạt động. Hoàn cảnh các vị gặp Chúa đã tạo nên nét đặc biệt cho sứ vụ tông
đồ của mỗi vị. Rồi tài ba của thánh Phaolô quả là có một không hai trong Kitô
giáo.
Nhưng
hai vị liên kết với nhau nhờ lòng tin sâu xa và lòng yêu mến nhiệt thành đối với
Đức Kitô. Các vị đã đổ máu mình để làm chứng cho Chúa Kitô tại Rôma; có lẽ thánh
Phêrô năm 64 và thánh Phaolô năm 67.
Bài Ðọc
I: Cv 12, 1-11
"Bây
giờ tôi biết thật Chúa đã cứu tôi khỏi tay Hêrôđê".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, vua Hêrôđê làm khổ mấy người trong Hội thánh. Ông đã dùng gươm
giết Giacôbê anh của Gioan. Ông thấy việc ấy đẹp lòng người Do-thái, nên lại
cho bắt cả Phêrô. Bấy giờ là ngày lễ Bánh Không Men. Bắt được người, vua cho tống
ngục, giao cho bốn đội binh, mỗi đội bốn người canh giữ, có ý đợi sau lễ Vượt
Qua, sẽ điệu người ra cho dân. Phêrô bị giam trong ngục, nhưng Hội thánh vẫn
luôn luôn cầu nguyện cùng Chúa cho người. Ðến khi vua Hêrôđê sắp điệu người ra,
thì đêm ấy, Phêrô phải mang xiềng xích, nằm ngủ giữa hai tên lính, và có quân
canh giữ trước cửa ngục. Bỗng có thiên thần Chúa đứng kề bên, một luồng ánh
sáng chiếu giãi vào ngục; thiên thần đập vào cạnh sườn Phêrô, đánh thức người dậy
mà rằng: "Hãy chỗi dậy mau". Xiềng xích liền rơi khỏi tay người.
Thiên thần bảo người rằng: "Hãy thắt lưng và mang giày vào". Người
làm y như vậy. Thiên thần lại bảo rằng: "Hãy khoác áo vào mà theo
ta".
Người
liền đi ra theo thiên thần, mà chẳng biết việc thiên thần làm có thật chăng,
người tưởng như trong giấc mộng. Qua khỏi chặng thứ nhất và chặng thứ hai, thì
đến cửa sắt thông ra thành. Cửa ấy tự nhiên mở ra. Thiên thần và Phêrô rảo qua
một phố nọ, rồi thiên thần biến đi. Phêrô hoàn hồn và nói rằng: "Bây giờ
tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu
của dân Do-thái".
Ðó là
lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Chúa đã cứu tôi khỏi điều lo sợ
(c. 5b).
Xướng:
1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc; miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người.
Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.
2)
Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu
khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi điều lo sợ. - Ðáp.
3)
Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người
đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. -
Ðáp.
4)
Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ.
Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức
ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: 2 Tm 4, 6-8. 17-18
"Từ
đây triều thiên công chính đã dành cho cha".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con
thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến
đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức
tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Ðấng
phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy, nhưng không phải cho
cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện. Nhưng có
Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả
Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện
cho Người được vinh quang muôn đời. Amen.
Ðó là
lời Chúa.
Alleluia:
Mt 16, 18
Alleluia,
alleluia! - Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa
ngục sẽ không thắng được. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 16, 13-19
"Con
là Ðá, Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời".
Tin Mừng
Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy,
Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng:
"Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là
Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri
nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy
là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống".
Chúa
Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải
xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.
Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời.
Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới
đất, trên trời cũng cởi mở".
Ðó là
lời Chúa.
Suy Niệm: Hủy bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới
Kinh
Thánh có nhiều đoạn về hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô; nhưng phụng vụ đọc
cho chúng ta nghe 3 bài này trong thánh lễ hôm nay. Chắc chắn phải có một hay
nhiều ý tứ nào đó. Chúng ta được tự do tìm hiểu. Và nếu chúng ta đồng ý, chúng
ta thử xếp đặt lại thứ tự 3 bài đọc như sau để có một phương hướng suy nghĩ.
Trước hết bài Phúc âm gợi lên vinh dự của hai thánh Tông đồ được đặt làm rường
cột cho Hội Thánh Chúa, rồi bài sách Công vụ cho chúng ta thấy các ngài được bảo
hộ mạnh mẽ như thế nào khi thi hành sứ vụ; và cuối cùng bài Thánh thư kêu gọi
chúng ta hết thảy hãy tin tưởng phấn đấu như các ngài đã hy sinh không mỏi mệt.
A. Là
Những Tông Ðồ Ðược Ðặc Cách
Bài
Tin Mừng chỉ nói đến vinh dự đặc biệt đã được dành cho Phêrô. Nhưng vinh dự ấy
một ngày kia cũng sẽ được trao tặng Phaolô qua lời Chúa phán với Hananya: Hãy
đi tìm Saulô, vì nó là lợi khí Ta chọn để mang Danh Ta ra trước mặt các dân ngoại.
Và Hananya đã ra đi làm theo lệnh Chúa, vì ông hiểu Phaolô đã được đặc cách,
như Phêrô và các Tông đồ trước đây.
Phêrô
hôm ấy cùng đi theo Chúa với đồng bạn... Cuộc truyền giáo của Chúa ở Galilê đã
sửa soạn hoàn tất. Ngài sắp phải qua Yuđê để chịu thương khó. Ngài ý thức mọi sự
và mọi việc. Ðể đánh dấu khúc quanh lịch sử quan trọng này, Chúa Yêsu đột xuất
qua hỏi môn đệ: Người ta nói Con Người là ai? Ngài muốn đo kết quả của 3 năm
truyền giáo. Ngài muốn biết môn đệ đã hiểu Ngài đến mức nào?
Người
thì bảo Ngài là Yoan Tẩy giả; kẻ lại nói Ngài là Êlya; nhiều người khác nữa thì
tưởng Ngài là Yêrêmya hay một tiên tri nào đó. Như vậy chung chung thiên hạ đã
lờ mờ nghĩ rằng Ngài là Thiên sai cứu thế vì dư luận Dothái thời đó cho rằng
các vị tiên tri như thế sẽ trở lại trong thời Ðấng Thiên sai và có thể một
trong những vị đó sẽ chính là Ðấng muôn dân trông đợi. Ở đây chúng ta chỉ chú ý
điều này: một mình sách Tin Mừng Matthêô nhắc đến tên tiên tri Yêrêmya, có lẽ
muốn ngầm nói rằng: Ðấng Thiên sai sẽ đau khổ và bị bắt bớ như nhà Tiên tri đã
có cuộc đời gian nan khổ sở, mà Chúa nhật XII Thường niên chúng ta đã nghe nói.
Dù sao phần đông người ta vẫn chưa dám khẳng định dứt khoát Ðức Yêsu Kitô là
ai.
Còn
chính các môn đệ?
Chúa
đã hỏi thẳng các ông. Chưa ai dám lên tiếng thưa, thì Phêrô đã nói: "Thầy
là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chắc chắn mọi người đã phải giật
mình. Chính Chúa Yêsu cũng thấy rõ không phải xác thịt đã nói lên được điều đó.
Con người tự nhiên không thể biết được như vậy. Quả là Cha trên trời đã mạc khải
cho Phêrô, đã nói qua miệng lưỡi người Tông đồ này. Vì lời tuyên xưng kia thật
là chính xác, là chính sự thật, vượt quá mọi hiểu biết và suy tư của con người.
Chỉ có Cha trên trời biết Con, thế mà cho đến nay Người chưa mạc khải ra. Ðúng
hơn, Người đã có lần công bố Yêsu Kitô là Con Chí Ái, nhưng Thánh Thần chưa được
ban xuống cho loài người thì làm sao ai hiểu được điều đó. Thế mà miệng lưỡi của
Phêrô vừa nói lên niềm tin chính xác mà chỉ sau này, khi đã được tràn đầy Thánh
Thần, Hội Thánh mới có thể tuyên xưng.
Như vậy
Phêrô đã được ơn mạc khải đặc biệt. Chúa Cha đã tỏ ra đặc cách Phêrô. Thế thì
luôn luôn thi hành Thánh ý Người, Ðức Yêsu liền tuyên bố sẽ chọn Phêrô làm nền
tảng để xây Hội Thánh của Người. Và quả thật tên của Phêrô như đã được tiền định
vì Phêrô trong tiếng Dothái có nghĩa là Ðá. Vậy Phêrô sẽ là đá tảng xây nên Hội
Thánh. Và Ðá này sẽ được củng cố để ngay sức mạnh hỏa ngục dấy lên cũng không
lung lay nổi. Nhưng không phải để Phêrô đè đầu thiên hạ; Hội Thánh của Ðức Kitô
là để cứu thế. Và cứu thế, trước hết là tha tội. Thế nên Ðức Kitô lại tiếp: Ta
sẽ ban cho con chìa khóa Nước Trời để con đóng mở cho người ta ra vào.
Chúng
ta mừng cho Phêrô đã được những vinh dự như vậy. Ðó là những ơn hoàn toàn nhưng
không mà Thiên Chúa đã ban cho người, vì hạnh phúc của tất cả chúng ta. Sự lựa
chọn hoàn toàn chỉ vì tình thương. Cũng như sau này, đang khi Phaolô hung hăng
phi ngựa trên con đường Ðama để bắt đạo, Ðức Kitô đã từ trời cao phán gọi người,
khiến người tức khắc ngã quỵ để rồi khi ngẩng lên, đã trở thành vị Tông đồ dân
ngoại.
Nhiều
người đã muốn thử giải thích vì những lý do tâm lý, xã hội và tôn giáo nào đã
khiến hai thánh Tông đồ được lựa chọn một cách đột xuất, và được trao phó những
sứ mạng cao cả như vậy? Nhưng chẳng có câu trả lời nào thỏa đáng, ngoại trừ
công nhận chính mạc khải của lòng nhân nghĩa Chúa.
Do
đó, ngày lễ hai thánh Tông đồ, trước hết chúng ta phải tuyên xưng điều ấy:
chính Thiên Chúa đã đặc cách hai ngài. Và việc này khiến chúng ta phải hân hoan
tạ ơn, bởi vì Hội Thánh chúng ta được xây trên nền tảng của hai ngài, mà hai
ngài được Chúa đặc cách như vậy, thì tòa nhà Hội Thánh của chúng ta tốt đẹp,
vinh dự và bảo đảm biết bao? Ngôi nhà của chúng ta không những vững bền mà còn
đầy phúc, vì nền tảng của nó là hai vị Tông đồ đã được tuyển chọn một cách tuyệt
diệu. Chúa Cha và Chúa Yêsu Kitô đã tỏ ra vô vàn ưu ái và rộng rãi, quyền năng
đối với nền tảng của tòa nhà Hội Thánh chúng ta. Chúng ta phải hân hoan cảm mến.
Và phải tiếp tục xem hai vị Tông đồ ưu tú đó đã thi hành sứ mệnh thế nào.
B.
Các Ngài Tiếp Tục Ðược Chúa Bảo Hộ
Bài
sách Công vụ cho thấy Lời Chúa nói với Phêrô khi đặt người làm nền tảng Hội
Thánh, luôn luôn thực hiện. Phêrô quả thật là Ðá vững vàng trong mọi sóng gió.
Hêrôđê bấy giờ bắt đạo. Hành động và thái độ của nhà vua rất đẹp lòng người
Dothái. Hêrôđê liền mạnh tay, truyền bắt giam chính Phêrô, thủ lãnh của Hội
Thánh mới. Sức mạnh của hỏa ngục rõ ràng mạnh mẽ. Nhưng bài sách nghe đọc hôm
nay cho thấy Phêrô bình tĩnh lạ thường. Dường như ông không nhúc nhích. Mặc cho
người ta cùm tay trói chân, và đặt lính gác trong ngoài cửa ngục, ông như chìm
đắm trong suy nghĩ nhớ đến giáo đoàn và hiệp ý cầu nguyện với tất cả nhiệm thể.
Bỗng dưng xiềng xích ở tay chân mở ra. Có người bảo Phêrô mặc áo, thắt lưng và
xỏ giầy vào. Rồi bảo ông đi theo. Ông không ngần ngại khoan thai cất bước, chẳng
cần tìm hiểu. Hai người tiến bước dễ dàng; đi đến đâu, người vật dường như đều
nhường bước. Kể cả cửa sắt có lính canh gác, cũng tự động mở ra mời hai người
ra phố. Ðến lúc thần Chúa biến đi, Phêrô mới nhận ra: quả thật Chúa đã giải cứu
mình.
Và về
sau, khi suy nghĩ lại sự việc, ông mới thấy câu chuyện thật là mầu nhiệm. Ông
đã bị bắt vào dịp lễ Bánh không men và cũng đã được giải thoát trong dịp ấy.
Chúa Yêsu cũng đã bị nộp, bị giết và được Thiên Chúa cho sống lại vào dịp lễ
Bánh không men. Phải chăng sự việc đã chẳng có ngụ ý rằng: đầy tớ không trọng
hơn Thầy và đường Thầy đi thì tớ cũng sẽ phải theo. Phêrô phải đi theo đường của
Chúa và sẽ đưa Hội Thánh Chúa đi vào. Ðó là con đường bị bắt, bị nộp, bị giết...
nhưng sẽ dẫn tới phục sinh vinh quang. Và những người đi trên con đường ấy đều
như thể chiên cừu bị đưa đi xén lông mà không hề kêu la. Phêrô trong câu truyện
bị bắt hôm nay đã bắt chước Chúa Yêsu, hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa.
Và nếu chúng ta có đọc lại cuộc đời của Phaolô, chúng ta cũng thấy như vậy.
Những
lời đầu tiên trong bài thư hôm nay xác định điều đó. Phaolô thấy mình là
"tửu tế đã tiến", tức là cuộc đời mình đã trở thành lễ tế. Ðó là thứ
rượu người ta dâng khi thuyền rời bến... Và chính Chúa Yêsu cũng đã nói với
Hananya khi sai ông đi gặp Saulô. Ta sẽ tỏ cho nó biết tất cả những gì nó sẽ phải
chịu vì Danh Ta. Nên tất cả cuộc đời của Phaolô là chiến đấu trong cuộc chiến
chính nghĩa. Người đã chạy đến cùng đường... Và nhìn lại người có thể đếm trên
con đường ấy: bao nhiêu lần đắm tàu, nhịn đói, chịu khát, bị đánh, bị tù. Sức mạnh
của hỏa ngục cũng tung ra mạnh mẽ, nhưng Ơn Chúa vẫn đủ cho Phaolô cũng như cho
Phêrô. Ðến nỗi ngày hôm nay, nhắc lại việc tử đạo của hai ngài Hội Thánh hân
hoan cử hành một ngày vinh quang.
Quả
thật hôm nay chúng ta kính nhớ cuộc chiến vẻ vang của hai thánh Tông đồ. Gian
khổ các ngài đã chịu thật là sức mạnh của hỏa ngục. Nhưng Chúa đã bảo hộ các
ngài. Các ngài đã đưa con thuyền Giáo hội vượt xa qua bao sóng gió... Con thuyền
ấy cứ mỗi ngày một lớn. Và nhìn khắp mặt biển trần gian, không chỗ nào mà ta không
thấy nó. Có chỗ nó đang ung dung rẽ sóng. Chỗ khác, nó lại như thuyền của các
Tông đồ gặp bão trên mặt hồ Tibêria. Chính trong những trường hợp khó khăn này,
khuôn mặt của Phêrô và Phaolô như lại nổi lên, nhắc lại Lời Chúa hứa sẽ ở cùng
Hội Thánh mãi mãi và sức mạnh của hỏa ngục sẽ chẳng làm gì được.
Chúng
ta hãy lưu ý tỉ mỉ hơn đến điều nhắn nhủ của các ngài.
C.
Các Ngài Kêu Gọi Chúng Ta Tin Tưởng
Ðối với
chúng ta, các ngài có một tình yêu thương đặc biệt. Bài thư Phaolô gửi cho
Timôthê làm chứng điều ấy. Phêrô chắc chắn cũng đồng ý khuyên nhủ chúng ta như
vậy. Vì hôm nay là lễ của hai ngài, Giáo hội nhắc nhớ lại cuộc đời phấn đấu
kiên trung và thành quả của các ngài. Sự kiện này nào muốn nói lên gì khác hơn
việc kêu gọi chúng ta hãy bắt chước các ngài.
Phaolô
nói với Timôthê, tức là với tất cả chúng ta. Chúa đã phù hộ và ban sức mạnh cho
người. Chúa sẽ cứu và độ người vào Nước trên trời. Và hoàn lại cho người triều
thiên công chính, không phải cho người mà thôi, nhưng còn cho hết mọi người đầy
lòng mến yêu trông đợi cuộc hiển linh của Chúa. Nói tắt, hai thánh Tông đồ đã
muốn cho chúng ta cũng mến Chúa và tin tưởng phấn đấu cho Chúa.
Vì thế
chúng ta phải nhìn lại đời sống các ngài để thấy từ đầu các ngài đã đón nhận ơn
Chúa thế nào và đã tiếp tục làm sao để đi đến vinh quang ngày nay. Các ngài đã
được Chúa chiếu cố một cách đặc biệt và đã được Người tiếp tục bảo hộ. Có thể
nói các ngài chẳng có công trạng nào hết: Phêrô rõ ràng là người không có gì cả;
còn Phaolô đã có lần khẳng định mọi điều người có theo xác thịt, thì người đã bỏ
đi hết và coi như phân bón để được tình yêu nhưng không của Ðức Yêsu Kitô.
Ðó là
thái độ căn bản của Kitô giáo. Người ta phải hủy bỏ con người cũ và mọi sự thuộc
về nó để mặc lấy con người mới là Thần trí của Ðức Yêsu Kitô hầu chỉ còn sống
cho Thiên Chúa. Khi đó người ta mới là người của Chúa và là lợi khí để Người
dùng vào việc xây dựng Nước Trời. Và triều thiên công chính mới để dành cho người
ấy.
Chúng
ta có nên sợ trở thành những con người như vậy không? Có lẽ nhiều người ngại
ngùng khi nghe nói đến thái độ từ bỏ. Nhưng ai có gì lắm mà sợ phải bỏ? Ðàng
khác điều quan trọng là từ bỏ con người cũ; chứ từ bỏ những sự vật chất đâu đã
là điều khó lắm. Và con người cũ là tinh thần không muốn đón nhận mạc khải của
Chúa, không để cho Lời Chúa đi vào tâm hồn và sinh động ở trong đó để dần dần đổi
mới chúng ta từ bên trong. Cả Phêrô và Phaolô đều đã bắt đầu đi vào đường lối của
Chúa khi đón nhận lời mạc khải. Phêrô đã để Chúa Cha nói lên ở trong mình.
Phaolô đã để lời Chúa Yêsu lọt vào tai khiến mình quỵ xuống và trở nên con người
mới. Chúng ta phải bắt đầu nên thánh từ thái độ đầu tiên ấy: tức là đón nhận lời
mạc khải, đón nhận ơn Chúa vào mình và để cho chính ơn Chúa từ đó làm việc nơi
chúng ta.
Giờ
đây Chúa cũng đến với chúng ta trong thánh lễ. Mình Máu Thánh Chúa đến tăng cường
cho Lời Chúa chúng ta vừa nghe. Ai đón nhận Lời Chúa và Mình Thánh Chúa thật sự,
sẽ để Người tiếp tục sống trong mình. Chính Người sẽ hoàn thành công việc của
Người nơi chúng ta như nơi hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng ta hãy cầu
xin hai thánh cho chúng ta biết bắt chước các ngài.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
Bài đọc: Acts 12:1-11; 2 Tim 4:6-8, 17-18; Mt 16:13-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành làm chứng nhân cho Thiên
Chúa tới cùng.
Hội
Thánh được xây dựng vững chắc trên hai cột trụ; vì nếu chỉ xây trên một cột trụ,
sẽ không đứng vững, giống như người chỉ có một chân. Phêrô rao giảng cho dân
Do-thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại. Phêrô lo tổ chức và bảo vệ Hội Thánh,
Phaolô lo phát triển và bành trướng Hội Thánh.
Các
Bài Đọc hôm nay nói lên sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho
hai ông. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô
khỏi ngục tù. Trong Bài Đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa,
ông đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung
thành giữ vững đức tin. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô được Thiên Chúa soi sáng để
nhận ra và tuyên xưng đức tin vào Đức Kitô, Ngài đã chính thức thiết lập Giáo Hội
trên Đá Tảng Phêrô; và Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội khỏi mọi quyền lực của thế
gian và ma quỉ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Ông Phêrô được thiên
sứ giải thoát khỏi ngục tù.
1.1/
Giáo Hội bị bách hại: Chúa
Giêsu đã báo trước cho các tông-đồ: “Tôi tớ không trọng hơn chủ và môn đệ không
hơn Thầy. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” Sau khi Chúa Giêsu
về trời, Giáo Hội tại Jerusalem bị bắt bớ dữ dội, bắt đầu bằng cuộc tử đạo tiên
khởi của phó tế Stephanô. Trình thuật hôm nay liệt kê cuộc bắt bớ của vua
Herode: “Thời kỳ ấy, vua Herode ra tay ngược đãi một số người trong Giáo Hội.
Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng
người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ
Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính
canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân
chúng.”
Chúa
Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Họ sẽ giết chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan
tác.” Phêrô, Giacôbê, và Gioan được coi như những môn đệ thân tín nhất của Chúa
Giêsu; giờ đây Giacôbê đã bị giết, Phêrô bị cầm tù. Vì thế, Giáo Hội không ngừng
dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.
1.2/
Thiên sứ giải thoát Phêrô: Đức
Kitô biết đau khổ do bắt bớ và tù đày cần thiết để tôi luyện niềm tin của các
tông-đồ và để bành trướng đức tin; nên Ngài để cuộc bách hại xảy ra. Nhưng Ngài
cũng biết Giáo Hội của Ngài cần sự lãnh đạo của Phêrô, nên Ngài sai một thiên sứ
tới để giải thoát ông khỏi ngục tù, như Ngài sẽ làm tương tự với Phaolô sau
này.
– Xiềng
xích và lính canh trở nên vô hiệu trước quyền lực của Thiên Chúa: Trình thuật kể:
“Trong đêm trước ngày bị vua Herode đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người
lính, và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên
sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, và ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập
vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo: “Đứng dậy mau đi!” Xiềng xích liền
tuột khỏi tay ông.”
–
Phêrô làm theo lệnh thiên sứ một cách vô thức: “Thiên sứ nói tiếp: “Thắt lưng lại
và xỏ dép vào!” Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông: “Khoác áo choàng vào
và đi theo tôi!” Ông liền theo ra, mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật
hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến. Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng
canh thứ hai, thiên sứ và ông tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra
trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, thì bỗng nhiên thiên sứ
bỏ ông mà đi.” Tất cả những việc này xảy ra khi lính vẫn canh và cửa tù vẫn
khóa.
–
Phêrô ý thức mình đã được cứu thoát: “Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn và nói:
“Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu
tôi thoát khỏi tay vua Herode, và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải
chịu.”” Khi Thiên Chúa muốn, Ngài vô hiệu hóa mọi quyền lực thế gian.
2/ Bài
đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn
đợi vòng hoa dành cho người công chính.
2.1/ Chiến
đấu cho chính nghĩa: Giống
như Chúa Giêsu khi sắp rời bỏ thế gian để về cùng Thiên Chúa, Ngài dành thời
gian để kiểm điểm những gì Ngài đã làm, những gì sắp xảy đến, và vinh quang
Ngài sẽ được hưởng trong tương lai; Phaolô cũng thế.
(1)
Nhìn lại quá khứ: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường,
đã giữ vững niềm tin.”
+ Cuộc
thi đấu cao đẹp: Thế gian là một bãi chiến trường để Thiên Chúa thử luyện đức
tin của con người. Nhìn lại quá khứ, Phaolô biết mình đã cố gắng hết sức vượt
qua các gian khổ để chu toàn sứ vụ Đức Kitô đã trao phó cho ngài.
+ Đã
chạy hết chặng đường: Cuộc đời con người có thể ví như một cuộc chạy Marathon,
có nguồn gốc từ quốc gia Hy-lạp. Đây là một cuộc chạy đường dài rất gian khổ,
đòi người chạy phải có sức khỏe dẻo dai để chịu đựng. Nhiều người ghi danh,
không nhằm chạy nhanh để đạt đích trước, nhưng chỉ cần thử xem mình có thể dẻo
dai để về tới đích hay không. Nhiều người không chịu nổi phải bỏ cuộc dọc đường.
+ Đã
giữ vững niềm tin: Đây là điều tối quan trọng để lãnh phần thưởng từ Đức Kitô.
Nếu ai chạy đến đích mà đánh mất niềm tin ở dọc đường, người ấy sẽ không được
lãnh nhận phần thưởng từ Đức Kitô.
(2)
Kiểm điểm hiện tại: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra
đi.” Thánh Phaolô được Đức Kitô hiện ra cho biết trước: ông sẽ bị bắt ở
Jerusalem để làm chứng cho Ngài; không những thế, ông sẽ còn làm chứng cho Đức
Kitô tại Rôma nữa. Nhiều tín hữu khóc thương ngăn cản; nhưng ông vẫn quyết chí
lên Jerusalem để chịu bắt bớ như Đức Kitô đã từng trải qua.
(3)
Hy vọng tương lai: Con người chiến đấu là cho một mục đích. Giống như lực sĩ thắng
giải được khoác vòng hoa chiến thắng, Phaolô biết rõ mình cũng sẽ được Đức Kitô
đeo vòng hoa chiến thắng cho như vậy. Ngài nói: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng
hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng
đó cho tôi trong Ngày ấy.”Phaolô dùng kinh nghiệm cá nhân để động viên tinh thần
các môn đệ: “Và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình
mong đợi Người xuất hiện.” Nếu Timothy, Titô, hay bất cứ một tín hữu nào trung
thành giao chiến tới cùng, họ cũng sẽ lãnh nhận phần thưởng của các chứng nhân
từ Đức Kitô.
2.2/
Phaolô chiến thắng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa: Ông biết rõ con người yếu đuối của mình,
nhất là qua biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus; nhưng ông cũng biết
sức mạnh của Thiên Chúa hoạt động để nâng đỡ các yếu đuối của ông. Ông xác tín
niềm tin này nhiều lần, và trong trình thuật hôm nay: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh,
Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và
tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư
tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào
vương quốc của Người ở trên trời. “
3/
Phúc Âm: “Còn anh em, anh
em bảo Thầy là ai?”
3.1/ Người
môn đệ phải biết Thầy của mình là ai:
(1)
Kiến thức về Đức Kitô: Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Caesarea Philippi,
Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ
thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elijah, có người lại cho là ông
Jeremiah hay một trong các vị ngôn sứ.” Vua Herode đã từng nghĩ Chúa Giêsu là
Gioan Tẩy Giả sống lại từ cõi chết. Elijah là một tiên tri làm nhiều phép lạ
như Chúa Giêsu; truyền thống tin ông sẽ trở lại trước thời Đấng Thiên Sai, vì
ông chưa chết. Jeremiah là tiên tri rất khí khái dám nói và làm chứng cho sự thật,
mà không lui bước trước bất cứ quyền lực nào của vua chúa. Tất cả các nhận định
này chỉ nói lên một khía cạnh của Đức Kitô, nhưng chưa nói lên được căn tính của
Ngài.
(2) Mối
liên hệ của người môn đệ với Đức Kitô: Chúa Giêsu không chỉ bằng lòng với những
gì các môn đệ biết về Ngài qua người khác; nhưng Ngài muốn các ông nghĩ sao về
Ngài, nên Ngài hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon
Phêrô, đại diện cho các tông đồ, tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa
hằng sống.” Đây là câu trả lời mà Chúa Giêsu muốn nghe: Ngài chính là Đấng
Thiên Sai mà các ngôn sứ đã nói tới; đồng thời, Ngài cũng là Người Con Một của
Thiên Chúa hằng sống. Chỉ khi nghe được lời tuyên xưng này từ miệng các môn đệ,
Chúa Giêsu mới hoàn thành sứ mệnh mặc khải của Ngài.
3.2/ Hội
Thánh được xây dựng trên Tảng Đá là Phêrô: Đức Giêsu nói với ông Phêrô: “Này anh Simon, con ông Jonas, anh
thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng
là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Thánh Phaolô cắt nghĩa rõ ràng điều này
hơn: Không ai tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần soi
sáng. Thánh Thần được gởi tới cho các tông-đồ là do sự can thiệp của Chúa Giêsu
với Chúa Cha.
Nhận
ra niềm tin xác thực của Phêrô, Chúa Giêsu thành lập Giáo Hội khi Ngài nói với
Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng
đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.”
Trong Kinh Thánh, khi Thiên Chúa đổi tên cho ai, Ngài tin tưởng và trao sứ vụ
cho người ấy. Ví dụ, Abraham từ Abram, Phaolô từ Saul, và Phêrô từ Simon … Chúa
Giêsu muốn trao quyền điều khiển Giáo Hội vào tay Phêrô và các người kế vị ông.
Tảng Đá đây không phải là con người yếu đuối của Phêrô với ba lần chối Thầy;
nhưng là đức tin của ông vào Đức Kitô sau nhiều lần sa ngã và chịu gian khổ.
Đức
tin của Giáo Hội được đặt trên niềm tin nền tảng của các tông-đồ. Đức tin này
được ví như “đá,” có nghĩa vững chắc và không thay đổi với thời gian. Nhiều người
chỉ trích Giáo Hội cổ hủ, cứng nhắc, không chịu theo thời … nhưng cũng chính vì
điều này mà Giáo Hội được thiết lập. Nếu Giáo Hội cũng thay đổi để được con người
chấp nhận, hòa giải nhượng bộ trước áp lực của ma quỉ và thế gian, Giáo Hội sẽ
không tồn tại đến ngày hôm nay.
Chúa
Giêsu trao chìa khóa Nước Trời để nói lên quyền cầm buộc và tháo cởi: “Thầy sẽ
trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời
cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ
tháo cởi như vậy.” Công dụng của chìa khóa là để mở ra và đóng lại, cho phép
vào và từ chối không cho vào. Giáo Hội dùng quyền này để tha thứ hay cầm buộc hối
nhân nơi tòa cáo giải.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức
Kitô cần cả Phêrô lẫn Phaolô. Ngài muốn hai ông hợp tác để củng cố, bảo vệ, và
phát triển Giáo Hội. Chúng ta cũng phải biết cộng tác với nhau trong việc mở
mang Nước Chúa.
– Để
có thể làm việc cho Đức Kitô và bảo vệ Giáo Hội, chúng ta không chỉ cần biết về
Đức Kitô, nhưng phải sống mối liên hệ với Ngài.
–
Giáo Hội không phải chỉ là Đức Thánh Cha và hàng Giáo Phẩm; nhưng là tất cả các
tín hữu ở khắp nơi. Tất cả đều có bổn phận trong việc mở mang Nước Thiên Chúa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
29/06/2018 – THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Th. Phê-rô và Phao-lô, tông đồ
Mt 16,13-19
CÙNG MỘT ĐỨC TIN
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” (Mt 16,16)
Suy niệm: Là hai cột
trụ của Giáo Hội, đứng chung trong một mái nhà, nhưng Phê-rô và Phao-lô là hai
mẫu người đối nghịch nhau trong tính cách cũng như trong quan điểm về loan báo
Tin Mừng. Dẫu vậy, hai ngài lại có một điểm chung, đó là lòng yêu mến, say mê
dành cho Đức Ki-tô. Phao-lô tâm sự với giáo đoàn Phi-líp-phê: “Đối với tôi, sống
là Đức Ki-tô” (Pl 3,8); Phê-rô thì tuyên xưng: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo
ai?” (Ga 6,68). Chính lòng yêu mến, say mê dành cho Đức Ki-tô ấy đã làm cho các
ngài xứng đáng trở thành hai cột trụ chống đỡ tòa nhà Giáo Hội trước những sóng
gió của thế gian, nhất là tạo nên sự hiệp nhất để giữ vững một đức tin tông
truyền.
Mời Bạn: Bạn và
tôi vẫn có những khác biệt nhất định “bá nhân, bá tánh.” Nhưng chúng ta lại là
con cùng một Cha trên trời, có cùng một thầy Giê-su dạy dỗ, và tuyên xưng cùng
một đức tin. Sự khác biệt tạo nên tính đa dạng, phong phú giúp chúng ta bổ túc
cho nhau và liên kết chúng ta nên một. Chính sự hiệp nhất là dấu chỉ cho thấy sự
hiện diện của một Thiên Chúa Ba Ngôi, và là dấu chỉ chúng ta là môn đệ Chúa
Ki-tô.
Chia sẻ: Bạn ứng xử
thế nào khi phải đối diện với những mâu thuẫn lớn nhỏ trong cộng đoàn? Có biết
đối thoại để tìm ra tiếng nói, giải pháp hài hoà?
Sống Lời Chúa: Để vượt
qua những lúc bất đồng chính kiến, hãy tập tâm niệm “xin cho con sống vì Danh
Chúa.”
Cầu
nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đón nhận thánh
ý Chúa Cha trong mọi sự. Xin cho chúng con biết sống vì Chúa hơn là vì chúng
con, để chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Amen.
(5
Phút Lời Chúa)
Anh
là tảng đá (29.6.2018 – Thứ Sáu, Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô tông đồ)
Suy
niệm:
Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.
Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ
con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.
Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.
Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga
21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)
Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C
11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức
Giêsu” (Gl 6, 1-7)
Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.
Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.
Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự :
gia đình, sự nghiệp, người yêu.
Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.
Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.
Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29
THÁNG SÁU
Phê-rô
và Phao-lô: Chết Cho Đức Tin
Giáo
Hội công bố cái chết tử đạo của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô. Và qua việc
tưởng niệm cái chết của các ngài, chúng ta cử hành chính cuộc sống của các
ngài. Thật vậy, cái chết không phải là kết cục của cuộc sống. Cái chết tựa như
dấu ấn cuối cùng mà Thiên Chúa đóng trên toàn bộ cuộc hiện hữu trần thế của con
người.
Do
đó, cái chết của hai Thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô cũng đồng thời trình bày lịch
sử đời sống của các ngài. Cuộc sống của mỗi vị càng có ý nghĩa phi thường do bởi
mối quan hệ của các ngài với Đức Kitô, Đấng đã gọi các ngài đi theo Người. Đức
Kitô đã gọi Simon, con của Giôna, một ngư phủ ở Galilê, và đặt tên cho ông là
Phê-rô – nghĩa là “đá”. Người cũng đã gọi Sao-lô thành Tarsus, vốn là một kẻ
bách hại các Kitôhữu, và biến ông thành Phao-lô: vị Tông Đồ của các dân ngoại,
“một khí cụ do Ta tuyển chọn” (Cv 9,15).
Đời sống
của các ngài thật rất phi thường – nhờ ở quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng
đã giúp các ngài làm chứng cho Đức Kitô chịu đóng đanh và phục sinh: “Người sẽ
làm chứng về Thầy; cả anh em nữa, cũng làm chứng về Thầy…” (Ga 15,26-27).
Cái
chết thảm khốc mà cả Phê-rô và Phao-lô đã trải qua ở Rôma vào thời Nê-ron chính
là tiếng nói cuối cùng của chứng tá ấy. Cái chết của các ngài – cái chết đổ máu
vì đức tin – là sự hoàn thành trọn vẹn sứ mạng làm chứng của các ngài. Chính vì
cái chết tử đạo ấy mà các ngài vẫn còn sống mãi một cách đặc biệt trong sự tưởng
niệm của Giáo Hội. Trước hết, các ngài vẫn tiếp tục sống trong Thiên Chúa, Đấng
“không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt
22,32). Các ngài vẫn sống trong Thiên Chúa cũng như tất cả chúng ta hiện đang sống
trong Thiên Chúa.
–
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
29/ 6
THÁNH
PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Cv
12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.16b.17-18; Mt 16, 13-19.
Lời
suy niệm: “Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống.”
Với lời tuyên xưng đức tin của Phêrô sau khi được Chúa Giêsu hỏi các ông về Người,
và lời xác nhận của Chúa Giêsu về lời tuyên xưng đó: “Này anh Simon con ông
Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mạc khải cho anh điều
ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Điều này đòi hỏi chúng ta phải
có bổn phận học biết về Chúa Giêsu qua các Sách Tin Mừng của Mátthêu, của
Máccô, của Luca, của Gioan và của Phaolô, để chúng ta xây dựng niềm tin của
chúng ta ngày thêm vững mạnh.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa không chỉ là Đấng Cứu Độ, Chúa còn là Chúa của lịch sử, là
hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của loài thọ tạo, là Đấng Sáng Tạo
vũ trụ, nhờ Chúa và vì Chúa tất cả được tạo thành. Trong Chúa, Thiên Chúa muốn
quy tụ tấ cả, Chúa là Đức Chúa vì vinh quang của Chúa Cha. Xin cho mỗi người
chúng con ham thích học hỏi về Chúa để thêm lòng yêu mến Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
29-06: Thánh PHÊRÔ TÔNG ĐỒ
Phêrô
là tên mà Chúa đặt cho Simon, có nghĩa là “Đá” Simon và Anrê em ông là những
dân chài chất phác ở biển Galilea. Anrê theo làm môn đệ của thánh Gioan tẩy giả.
Lần kia, khi Chúa Giêsu đi qua, thánh Gioan đã giới thiệu với hai môn đệ của
mình là Anrê và Gioan: “Đây là Con Thiên Chúa”.
Anrê
và Gioan liền theo Chúa Giêsu. Về nhà, Anrê nói lại với Phêrô rằng: mình đã gặp
Đấng thiên sai. Hai anh em dẫn nhau đến gặp Chúa Giêsu. Nhìn họ với cặp mắt thần
linh, Chúa Giêsu bảo: – Anh là Simon, nhưng từ nay tên là Phêrô (Ga 1,35-42)
Simon
Phêrô gắn bó với Chúa Giêsu mặc dầu vẫn tiếp tục nghề chài lưới. Ông đến được
tiệc cưới tại Cana và được chứng kiến phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu cho thấy
thiên tính của Người.
Vài
tháng sau, Phêrô và Anrê giặt lưới bên bờ hồ, Chúa Giêsu lên một chiếc thuyền để
giảng dạy dân chúng. Sau đó Người nói với Phêrô: – Ra khơi mà thả lưới đánh cá.
Sau một
đêm làm việc mà không bắt được gì. Nhưng bây giờ Phêrô vẫn mau mắn vâng lời. Kết
quả thật lạ lùng, mẻ cá nhiều quá đến như muốn làm rách lưới. Bối rối trước sự
lạ và cảm thấy mình bất xứng không đáng ở gần Chúa Giêsu, Phêrô quỳ sụp dưới
chân Người mà nói: – “Xin hãy xa tôi vì tôi là kẻ tội lỗi”.
Chúa
Giêsu trả lời: – “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới bắt người” .
Rồi
đây ông sẽ lôi kéo nhiều tâm hồn về với Chúa như số cá nhiều vô kể ông đã lưới
được. Ông đã từ bỏ tất cả: gia đình, thuyền lưới mà theo Chúa Giêsu. Khi chọn
12 tông đồ, Chúa Giêsu đặt ông đứng đầu cả nhóm, vào đầu tháng 4, sau khi hoá
bánh ra nhiều, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ qua bên kia bờ hồ. Gió nổi lên
dữ dội: Chúa Giêsu đến với các ông. Mệt nhọc chèo chống ngược gió trong đêm tối,
các ông tưởng là bóng ma và lên tiếng kêu la. Chúa Giêsu trấn an: – “Hãy vững
lòng, chính là Ta, đừng sợ”.
Phêrô
liền kêu ngay: – “Lạy Thày, xin truyền cho tôi được đi trên mặt nước mà đến với
thày”.
Người
bảo: – “Hãy đến đây”.
Và
Phêrô gieo mình đến với Chúa Giêsu. Nhưng sau phút giây tin tưởng ban đầu, thấy
gió thổi mạnh, ông sợ và bắt đầu chìm xuống hốt hoảng ông kêu cứu: – “Lạy Chúa
xin cứu tôi”. Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông và trách ông đã yếu tin (Mt
6,22-33)
Hôm
sau, Chúa Giêsu đề cập đến mầu nhiệm Thánh Thể lần đầu tiên. Một số môn đệ bỏ
đi, lúc đó Người quay lại hỏi các tông đồ xem có muốn bỏ đi không ? Phêrô trung
tín đáp lời: – “Lạy Ngài, chúng tôi sẽ bỏ đi theo ai, Ngài có những lời mang đến
sự sống đời đời” (Ga 6,67-68)
Một
năm sau Chúa Giêsu đặt vấn đề với các tông đồ: – “Còn các anh, các anh nói tôi
là ai ?”
Mau mắn,
Phêrô đã chứng tỏ đức tin của mình: – “Ngài là đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Đáp lại,
Chúa Giêsu đã khen thưởng Phêrô và hứa hẹn: – “Và Ta, Ta bảo ngươi. Ngươi là đá
và trên đá này. Ta sẽ xây Hội Thánh của ta, và quyền môn Âm phủ sẽ không thắng
nổi. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khoá nước trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc,
thì cũng sẽ bị cầm buộc trên Trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi thì cũng
sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt 16,13-19)
Phêrô
đã nhận được lời khen thưởng và lời hứa hẹn rất cao trọng. Nhưng khi nghe Chúa
Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới, ông đã vội vàng can ngăn, khiến Chúa
Giêsu phải quở trách ông. Đức tin của ông chưa thực sự kiên vững như đá. Phải
còn qua nhiều thăng trầm nữa, Phêrô mới thực sự trở thành mẫu người thủ lãnh của
Giáo hội.
Nhằm
đào tạo ông, Chúa Giêsu đã cho ông trực tiếp tham gia vào cuộc phục sinh cho
con gái ông Giairô (Mc 5,37). Bấy giờ, Người dẫn các ông lên núi để cho chứng
kiến cuộc biến hình đầy uy nghi sáng láng như mặt trời, áo Người với Môsê và
Elia ; đã nghe tiếng nói từ trời cao nhắn nhủ: – “Ngài là con chí ái của ta, kẻ
Ta đã sủng mộ, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17,1-8).
Những
săn sóc đặc biệt kia phải gây ảnh hưởng mạnh nơi tâm hồn Phêrô. Một lần kia khi
có người thanh niên giàu có đến gặp Chúa Giêsu mà không theo Chúa được chỉ vì của
cải. Phêrô đã mạnh dạn thưa: – “Này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thày” (Mt
19,27)
Đối với
ông chỉ có điều này là quan trọng. Còn nhiều điều ông chưa hiểu được, chẳng hạn
như việc Thày khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ ngày thứ năm tuần
thánh (Ga 13,7)
Tuy
nhiên Phêrô vẫn xác tín vào điều kiện cấp thiết phải trung kiên theo Chúa. Ông
đã thưa với Chúa trọn cả tâm tình quả cảm của mình: – “Tôi sẽ thí mạng sống tôi
vì thày”.
Dĩ
nhiện nhiệt tình còn phải được chứng nghiệm bởi việc làm. Phêrô chưa biết, chưa
lượng định nổi khả năng của mình. Đầy cảm thông Chúa Giêsu báo trước cho ông biết
rằng: – “Quả thật, ta bảo ngươi: gà sẽ không gáy cho tới lúc ngươi sẽ chối Ta
ba lần” (Ga 13,36-38)
Cuộc
khổ nạn của Chúa Giêsu bắt đầu, Phêrô rút gươm chém đứt tai một binh lính để
mong bảo vệ Thày. Sau hành vi bộc phát ấy, Phêrô như nhụt hết nhuệ khí cùng với
lưỡi gươm, ông trút trở lại bao theo lời thày, đúng như lời tiên tri báo trước,
ba ần ông đã chối thày. Gà lên tiếng gáy, Chúa Giêsu nhìn lại và Phêrô bừng tỉnh
và hối hận nước mắt chảy dài (Ga 18,1-27)
Sau
cuộc khổ nạn và tử nạn, Chúa Giêsu sống lại, hiện ra nhiều lần. Tại bờ hồ
Tibêria, Người đã hiện ra với Phêrô và các bạn khi họ đang thả lưới đánh cá.
Gioan nhận ra Người và nhắn nhủ cho Phêrô biết: – “Chúa đó”.
Với một
nhiệt tình xưa, Phêrô vội cuốn áo gieo mình xuống biển đến gặp thầy. Ba lần
Chúa Giêsu đã hỏi ông: – Con có mến Thày không ?
Phêrô
trả lời: – Lạy Chúa, Chúa thông biết mọi sự, Chúa biết tôi yêu mến Chúa
Ba lần
xác quyết tình yêu xóa bỏ ba lần chối Chúa. Lúc ấy Chúa Giêsu trao phó sứ mệnh
cho ông: – “Hãy chăn dắt đoàn chiên Ta”.
Và
Người thêm: – “Khi ngươi còn trẻ, ngươi tự thắt lưng mình và đi đâu tuỳ ý,
nhưng khi đã về già, ngươi sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho và
lôi đi nơi ngươi không muốn” (Ga 21,15-18)
Từ
đây Phêrô lãnh nhiệm vụ điều khiển cộng đoàn. Ngài đã đề nghị chọn một tông đồ
thế chân cho Giuda. Ngày lễ Hiện xuống, Ngài là tông đồ đầu tiên công khai rao
giảng Tin Mừng, Chúa Kitô phục sinh 3000 người trở lại sau bài giảng ấy. Thật
là một mẻ lưới lạ lùng.
Tại cửa
đền thờ, Phêrô thấy một người què từ lúc mới sinh, Ngài nói với hắn: – “Vàng bạc
tôi không có, song có gì tôi cho anh: nhân danh đức Giêsu Kitô người Nazareth,
anh hãy bước đi.
Người
què liền khỏi bệnh và nhảy lên vì vui sướng. Sau phép lạ này, thánh Phêrô giảng
lần thứ hai cho dân. Lần này số người trở lại lên tới 5000 người. Thành công lớn
lao này một cho các đầu mục trong dân bực tức. Họ cấm các tông đồ không được
rao giảng về Chúa Kitô nữa. Nhưng đầy can đảm thánh Phêrô trả lời: – Vâng lời
các ông hơn là vâng lời Thiên Chúa có phải lẽ không ?
Các
tín hữu quây quần bên các thánh tông đồ, họ mang của cải đặt dưới chân các Ngài
để mưu ích chung cho mọi người. Annaya và Saphira tiếc của còn muốn nên danh
giá. Vợ chồng hắn nói dối là đã dâng hết, khiến lần lượt họ ngã chết ngay dưới
chân Phêrô (Cv 5,1-11). Các phép lạ Ngài thực hiện ngày càng nhiều: tại Lyda,
Ênêa liệt giường được lành mạnh, tại Giophê, chị Tabihta đã chết hai ngày được
sống lại. Bóng của Ngài cũng chữa lành các bệnh nhân.
Thánh
Phêrô rảo khắp xứ Giudea rao giảng nước Chúa. Ngài bị Hêrôđê ra lệnh tống giam,
nhưng đã được cứu thoát cách lạ lùng. Ngài chủ tọa công đồng Gierusalem, quyết
định rằng: các lương dân gia nhập Kitô giáo không phải giữ luật cắt bì.
Thánh
Phêrô còn đi rao giảng bên ngoài đất Palestina, Ngài tới Antiôkia, xây dựng Giáo
hội tại đây. Sau đó Ngài đi Rôma và biến nơi này thành trung tâm của Kitô giáo.
Thời Nêrô cầm quyền, Giáo hội bắt đầu bị bách hại. Thánh Phêrô bị tù và được giải
cứu bởi các lính gác trở lại đạo. Ngài trốn đi khỏi thành.
Nhưng
vừa tới cửa, Ngài gặp thấy Chúa Giêsu vác thập giá tiến vào, thánh tông đồ hỏi
Chúa: – Thày đi đâu dây ?
– Ta
vào Roma để chịu đóng đinh một lần nưã.
Thánh
tông đồ đã hiểu, Ngài trở vào thành để lãnh nhận án đóng đinh thập giá. Theo chứng
của Origênê, thánh Phêrô đã xin được đóng đinh lộn đầu xuống đất vì thấy mình
không đáng được chết cùng một cách như Thày.
+ Mộ
Ngài được tìm thấy tại chính đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày nay.
**********************************
Ngày 29-06: Thánh PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Ngày 29-06: Thánh PHAOLÔ TÔNG ĐỒ
Phaolô
thành Tarsê không phải là vị thánh của hết mọi người. Nhiều Kitô hữu tốt cảm thấy
đối nghịch với Ngài vì thấy Ngài cứng cỏi, khô khan, thiếu hòa giải. Những người
đương thời với Ngài cũng cảm nghĩ về Ngài như vậy. Không kể chi đến các bạn đồng
liêu của Ngài. Ngay đến các thánh trong Giáo hội như Phêrô, Marcô và Barnaba đếu
có lần xích mích với Ngài. Dịu dàng như Giacôbê mà cũng phải khuyên thánh nhân
phải biết khéo léo hơn.
Nhưng
rồi cuối cùng, tất cả đều phải nhìn nhận Ngài với niềm kính phục và tình thương
mến. Đó là kinh nghiệm chung đối với những ai lúc đầu cảm thấy đối nghịch với
Phaolô, rồi sau đó ngỡ ngàng khi biết rõ Ngài trong các thư tín và sách công vụ
sứ đồ. Ngài thật là một con người bất khuất, trung tín và rất thân tình với anh
em. Sớm hay muộn, sau khi cởi bỏ lớp vỏ sần sùi bên ngoài đi người ta thấy rõ
tính chất nhân bản và sự thánh thiện hàm ẩn của Ngài.
Thánh
Phaolô sinh tại thành Tarse một thành phố trù phú miền nam Tiểu Á.
Cha mẹ
Ngài là những người thế giá, có quyền công dân Rôma. Ngài được giáo dục để trở
thành một người biệt phái đúng nghĩa. Ngài được thày Gamaliel dạy dỗ thần học.
Người người đều kỳ vọng ở người than niên thông minh này khi anh về Giêrusalem
khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu bị đonh đinh. Kỳ vọng ấy đã thành sự, nhưng
theo một đường lối không lường trước được. Mọi người đều biết là anh Phaolô đã
có mặt trong cuôc tử đạo thánh Stephanô và đã nghe Ngài cầu nguyện cho những kẻ
sát hại mình.
Chẳng
bao lâu sau trên đường về Damas, Saolê (tên cũ của Phoalô) đã được thấy Chúa
Giêsu phục sinh. Người biến đổi Phaolô từ một kẻ bách hại thành một lãnh tụ
Kitô giáo.
Ngay
sau khi lãnh nhận bí tích thanh tẩy, Phaolô, lui vào sa mạc để suy nghĩ cầu
nguyện trong hai năm. Sau đó Ngài trở lại Damas. Như vậy phải đợi ba năm sau,
Phaolô mớilên Giêrusalem bàn luận với các tông dồ. Và thánh nhân lại trở về
Tarsê. Trong khoảng 10 năm (34 – 44). Chúng ta không thấy Phaolô xuất hiện. Đây
phải là khoảng thời gian mà với sự trợ lực của Thiên Chúa, trí khôn của thánh
nhân xây dựng cây cầu nối giữa Do thái giáo với Kitô giáo, giữa dân Do thái với
dân ngoại. Việc nối kết này là món quà lớn lao nhất thánh nhân đã trao tặng cho
thế giới.
Dĩ
nhiên thánh Phaolô không phải là người đầu tiên rửa tội cho một lương dân.
Thánh Phêrô đã rửa tội cho Cornêliô. Thánh Philipphê đã rao giảng Tin Mừng ở
Samaria và rửa tội cho hoạn quan người Ethiôpia. Nhưng việc rao giảng có hệ thống
cho những người không phải là Do thái chỉ bắt đầu ở Antyiôkia vào đầu thập niên
40. Thánh Barnaba được các tông đồ sai đi xem xét tình hình. Nhưng thánh nhân
đã đi xa hơn. Ngài nghĩ tới Phaolô còn đang sống âm thầm ở Rarse và đến tìm
ông. Thánh Phaolô trở về Antiôkia với thánh Barbnaba. Từ đó thánh nhân hiến trọn
đời cho công cuộc truyền giáo. Ngài bỏ vai trò của Maria và lãnh lấy vai trò của
Mattha. Nhà học giả và chiêm niệm trở thành thầy dạy và nhà giảng thuyết.
Hết
cuộc hành trình này tiếp đến cuộc hành trình khác, thánh Phaolô không ngừng bước
chân đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã đi truyền giáo ở Chypre, Tiểu Á và
Maceđonia, Hy Lạp. Mỗi khi Ngài đi đến đâu là ở đó nổi lên cơn giông tố nhiệt
tình một bên và ghen ghét bên kia, nhốt tù, bị ném đá, đánh đập, bị đắm tàu và
yếu đau và cả đến thất vọng nữa, nhưng Ngài vẫn tiếp tục công việc. Mỗi khi đến
nói chuyện ở hội đường, Ngài trích thánh kinh, ở công trường, Ngài trích thơ
văn cổ và từ nơi đó phát sinh một trung tâm Kitô giáo. Trong 12 năm trời, Ngài
đã biến đổi cộng đoàn Do thái nhỏ bằng thành bào thai của một tôn giáo hoàn cầu.
Năm
57, thánh Phaolô trở về Giêrusalem. Bạn bè xin Ngài đừng đi. Họ biết rằng: hội
đồng công tọa ghét Ngài, ghét cây ghét đắng mà Giáo hội nhỏ bé không đủ sức bảo
vệ cho Ngài, Ngài vẫn bất khuất ra đi và trong vòng một tuần lễ, mọi sự xem ra
đều ổn thỏa, nhưng rồi lộn xộn xảy ra, Phaolô lại được cứu thoát khỏi bọn đấu tố,
nhờ sự can thiệp của đội lính canh người Rôma. Tiếp sau đó là hai năm tù tội (bất
công vì nhà cầm quyền Rôma muốn được qùa hối lộ). Trong thời gian này, Phaolô vẫn
dùng cơ hội thuận tiện để rao giảng Tin Mừng.
Bị áp
bức bởi Festô, Phaolô nại đến sự che chở của hoàng đế (đối với công dân Rôma)
và được gởi về Rôma. Con tàu bị bão đánh và bể nát ở bờ biển Malta. Dip này cho
thấy tài điều khiển bẩm sinh của Phaolô trong trường hợp khẩn trương. Tới mùa
Xuân năm 60 (hay 61 ) đoàn người tới thủ đô. Thánh Phêrô đã có mặt ở đây và
Phaolô lui vào bóng tối. Về những chuyến du hành của Phaolô đi Tây Ban Nha và về
cận Đông, chúng ta không có đủ tài liệu. Truyền thống nói tới việc Ngài bị tù tội
lần thứ hai dưới thời Nêrô và cho biết Ngài bị chém đầu khoảng năm 66 ở Tre
Fontana.
Khi
Phaolô tới Roma, Phêrô đã có mặt, Tin Mừng đã được rao giảng, bí tích đã được cử
hành, cólẽ Phúc âm đã được Marcô khởi soạn. Vậy đâu là phần đóng góp của Phaolô
như là cột trụ Chúa Giáo hội ?
Trước
hết phải kể đến nhiệt tâm và gương mẫu cuộc sống của thánh nhân. Nhưng phần
chính yếu thánh nhân mang lạị là nền tảng vững chắc về tri thức của Giáo hội
giúp con thuyền của ngư phủ đương đầu với bão tố. Ngài không thích mơ hồ, nhưng
quan tâm tới từng hệ luận tàng ẩn bên trong giáo thuyết. Thực ra nói “giáo thuyết
của Phaolô” thì không chính xác lắm, Ngài không sáng nghĩ ra giáo thuyết. Nhưng
Ngài khai sáng ra những gì đã lãnh nhận được. Chẳng hạn khi nói ” Chúa Giêsu là
đức Kitô” Ngài dựa ra một giải thích hoàn toàn mới mẻ về Cựu ước, với những ý
niệm: Giáo hội là Israel mới, ơn thánh thay thế luật Môisê. Đức Kitô là Adam mới,
là “hình ảnh” hoàn hảo của Thiên Chúa.
Từ lời
gọi “Saolê, Saolê, sao ngươi tìm bắt TA ?” Ngài đã khai triển giáo thuyết về
nhiệm thể: “đức Kitô là tất cả mọi sự trong mọi người” (Cl 3,11). Từ dụ ngôn những
người làm vườn nho, Ngài diễn nghĩa cho thấy Israel cũ và Giêrusalem cũ bị thay
thế bởi Giêrusalem mới “nơi không còn lương dân hay Do thái, man rợ hay
Scythia, nô lệ hay tự do”
Có lẽ
giáo thuyết về công giáo tính của Giáo hội là phần đóng góp tiêu biểu nhất của
Phaolô, khiến Ngài được mệnh danh là tông đồ dân ngoại. Thánh Phêrô còn ngập ngừng
chứ như thánh Phaolô thì không chịu thỏa hiệp. Chính Ngài cho thấy rõ thế nào
và tại sao Giáo hội phải là công giáo phổ quát và công giáo tính bao hàm những
gì.
(daminhvn.net)
29
Tháng Sáu
Ngài Là Cha Tôi
Truyện
cổ Roma thường ghi lại các cuộc chiến thắng khải hoàn của các vị Hoàng đế. Sau
một lần thắng trận, các vị hoàng đế thường hướng dẫn các đoàn quân tiến qua các
ngã phố cho dân chúng tung hô.
Lần
kia, các đường phố đều đông nghẹt. Người ta phải dựng một khán đài đặc biệt để
hoàng gia có thể theo dõi cuộc diễu hành. Khi hoàng đế và quân đội tiến đến gần
khán đài nơi hoàng hậu và các công chúa, hoàng tử đang chờ đợi, người ta kinh
ngạc vô cùng vì vị hoàng tử nhỏ nhất đã rời khỏi khán đài và chạy vụt đến chiến
xa của hoàng đế.
Những
người vệ binh có trách nhiệm giữ an ninh hai bên đường đã chận hoàng tử lại. Họ
giải thích cho cậu biết rằng: xa giá đang tiến lại gần chính là xa giá của
hoàng đế. Không ai được phép đến gần… Vị hoàng tử nhỏ điềm nhiên trả lời: “Ngài
là hoàng đế của các ông, còn đối với tôi thì ngài là cha tôi”.
“Ngài
là cha tôi”: đó phải là danh xưng mà chúng ta có quyền sử dụng để gọi Thiên
Chúa. Ðó cũng là danh xưng nói lên mối liên hệ mật thiết mà Thiên Chúa luôn muốn
thắt chặt với từng người trong chúng ta.
“Ngài
là cha tôi”: danh xưng ấy cũng cho phép chúng ta khẳng định về giá trị của con
người chúng ta. Dù chúng ta có bất tài, yếu hèn, tội lỗi đến đâu, chúng ta vẫn
có thể gọi Chúa là Cha.
“Ngài
là cha tôi”: danh xưng ấy không cho phép chúng ta thất vọng về chính mình. “Hãy
trở nên chính mình”. Ðó là mệnh lệnh mà Thiên Chúa dành cho từng người chúng
ta. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta và yêu thương chúng ta vì những
cá biệt của từng người.
Hôm
nay chúng ta mừng trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hai trụ cột của
Giáo hội, nhưng đồng thời cũng là hai tính khí khác nhau, có khi lại xung khắc
nhau.
Một
người xuất thân từ một dân chài, nóng nảy, cục mịch. Một người xuất thân là một
thư sinh học rộng, hiểu sâu.
Hai
trình độ khác nhau, hai tính tình khác nhau, nhưng mẫu số chung nối kết hai tâm
hồn: đó là cuộc gặp gỡ với Ðức Kitô. Cuộc gặp gỡ ấy cũng diễn ra trong hai trường
hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người của Ðức Kitô sau ba
lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Ngài sau những lần truy lùng gắt gao các
môn đệ của Ngài… Một người đã nhận ra tình yêu của Ngài qua những giọt nước mắt
của sám hối, một người đã gặp gỡ Ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
Hai
tính khí khác nhau, hai trực giác khác nhau, hai đường hướng hoạt động tông đồ
khác nhau, nhưng đã gặp gỡ nhau trong tình yêu Chúa và bổ túc cho nhau để xây dựng
Giáo hội của Chúa.
Hai
thánh tông đồ Phêrô và Phaolô vừa là hình ảnh đa diện phong phú của Giáo Hội, vừa
là biểu trưng của Tình Yêu của Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương
chúng ta trong sự yếu hèn, thiếu sót của chúng ta. Tình yêu đó không đòi hỏi
chúng ta phải chối bỏ con người tự nhiên của chúng ta. Trái lại Chúa muốn sử dụng
tất cả những khuyết điểm, những giới hạn của con người chúng ta để làm nổi bật
sức mạnh và sự khôn ngoan của Ngài.
(Lẽ
Sống)
Lectio
Divina: Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ
Thứ
Sáu 29 Tháng Sáu, 2018
Đức
Giêsu nói với ông Phêrô: “Này con là Đá!”
Tảng
Đá của hỗ trợ và của cản lối
Mt:
16:13-23
1.
Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với
cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong
ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp cho các môn đệ
khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và
cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi
niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin
hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa
trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày
và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.
Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để giống như hai môn đệ từ Emmau,
chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những
người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình
anh em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức
Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến
với chúng con. Amen.
2.
Bài Đọc
a)
Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn bản
phụng vụ của ngày lễ các Thánh Phêrô và Phaolô được lấy từ sách Tin Mừng theo
thánh Mátthêu 16:13-19. Trong phần bình luận của chúng ta, chúng tôi cũng
bao gồm các câu 20-23, bởi vì trong toàn bộ của văn bản, các câu 13-23, Chúa
Giêsu quay về phía thánh Phêrô và hai lần gọi ông là “đá”. Một lần Chúa gọi
ông là đá nền tảng (Mt 16:18) và một lần là tảng đá cản đường (Mt 16:23).
Cả hai câu nói bổ sung cho nhau. Trong khi đọc Tin Mừng, chúng ta nên chú
ý đến thái độ của ông Phêrô và những lời trang trọng mà Chúa Giêsu nói với ông
trong cả hai lần.
b)
Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt
16:13-14: Chúa Giêsu muốn biết người ta nghĩ gì về Người.
Mt
16:15-16: Chúa Giêsu hỏi các môn đệ và ông Phêrô tuyên xưng đức tin của
mình: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa!”
Mt
16:17-20: Sau đó, chúng ta có câu trả lời trang trọng của Chúa Giêsu dành
cho ông Phêrô (câu nói chính cho ngày lễ hôm nay).
Mt
16:21-22: Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của Đấng Cứu Thế, nhưng ông Phêrô
phản ứng và từ chối chấp nhận ý nghĩa ấy.
Mt
16:22-23: Câu trả lời long trọng của Chúa Giêsu dành cho ông Phêrô.
c)
Phúc Âm:
13 Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt
thành Cêsarêa Philípphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người
là ai?” 14 Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy
Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó.”
15 Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần
các con, các con bảo Thầy là ai?” 16 Simon Phêrô thưa rằng:
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống.”
17 Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi
Simon con ông Giôna, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mặc khải
cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 18 Vậy Thầy
bảo cho con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy,
và cửa địa ngục sẽ không thắng được. 19Thầy sẽ trao cho con
chìa khóa Nước Trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc,
và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.” 20 Rồi
Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.
21 Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho
các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các
kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống
lại.
22 Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt
đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” 23 Nhưng
Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Con
cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là
của loài người.”
3.
Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời
Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.
Một vài câu hỏi gợi ý
Để
giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.
a) Điều gì trong đoạn Tin Mừng làm
tôi chú ý nhất?
b) Người ta nghĩ Đức Giêsu là ai?
Phần ông Phêrô và các môn đệ thì nghĩ Chúa Giêsu là ai?
c) Đối với tôi, Chúa Giêsu là
ai? Tôi là ai đối với Chúa Giêsu?
d) Phêrô có nghĩa là tảng đá theo
hai cách: hai nghĩa đó là gì?
e) Cộng đoàn chúng ta thì thuộc loại
tảng đá nào?
f) Trong đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy
có một số ý kiến về Đức Giêsu là ai và một số cách bày tỏ đức tin. Ngày
nay cũng vậy, có một số ý kiến về Đức Giêsu là ai. Ý kiến của cộng đoàn
chúng ta về Đức Giêsu là gì? Sứ vụ ngụ ý dành cho chúng ta là loại sứ vụ
gì?
5.
Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành
cho những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề.
i)
Bối cảnh:
Trong
phần tường thuật Tin Mừng của mình, thánh Mátthêu đã dùng cùng trình tự của Tin
Mừng theo thánh Máccô. Tuy nhiên, ông cũng trích dẫn một tài liệu được
thánh Luca và ông biết đến. Hiếm khi ông đưa ra những dữ kiện hoàn toàn của
ông, như trong bài Tin Mừng hôm nay. Bài Tin Mừng này và cuộc đối thoại
giữa Chúa Giêsu và ông Phêrô được giải thích theo nhiều cách khác nhau, thậm
chí còn theo những chiều hướng đối nghịch trong các giáo hội Kitô giáo khác
nhau. Trong Giáo Hội Công Giáo, văn bản này là cơ sở cho tính ưu việt của
ông Phêrô. Dù sao chăng nữa, cũng không có bất kỳ điều gì làm giảm bớt tầm
quan trọng của văn bản này, tốt nhất là đặt nó vào trong bối cảnh của Tin Mừng
Mátthêu, nơi mà ở những chỗ khác, phẩm chất được gán cho ông Phêrô cũng là gán
cho những người khác. Chúng không hẳn là riêng cho ông Phêrô.
ii)
Lời bình giải về văn bản:
a)
Mt 16:13-16: Các ý kiến của dân chúng và của các môn đệ về Đức Giêsu.
Chúa
Giêsu muốn biết người ta nghĩ gì về Người. Câu trả lời khá là đa dạng:
là Gioan Tẩy Giả, là tiên tri Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Khi
Chúa Giêsu hỏi ý kiến của các môn đệ, ông Phêrô nhân danh các ông mà thưa rằng:
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!” Câu trả lời của ông Phêrô
không có gì mới mẻ. Vào một dịp trước đó, khi Chúa Giêsu đi trên mặt nước,
các môn đệ đã tuyên xưng đức tin một cách tương tự: “Quả thật Thầy là Con
Thiên Chúa!” (Mt 14:33). Đây là lời thừa nhận rằng trong Đức Giêsu, những
lời tiên tri của Cựu Ước đã được thực hiện. Trong Tin Mừng của thánh
Gioan, bà Máctha cũng đã tuyên xưng tín điều tương tự: “Thầy là Đấng
Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:27).
b)
Mt 16:17: Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho ông Phêrô: Hỡi
Simon, con ông Giôna, con thật có phúc!
Chúa
Giêsu tuyên bố rằng ông Phêrô thật là “có phúc” bởi vì ông đã được mặc khải bởi
Đức Chúa Cha. Câu trả lời của Chúa Giêsu cũng chẳng mới lạ gì. Vào
một dịp trước đây, Đức Giêsu cũng đã thực hiện việc công bố cùng một niềm ân
phúc cho các môn đệ vì các ông đã được nghe và được thấy điều mà trước đây
không ai được nghe và thấy (Mt 13:16), và Người ca tụng Đức Chúa Cha vì Người
đã mặc khải Con Thiên Chúa cho những kẻ bé mọn mà không mặc khải cho những bậc
khôn ngoan thông thái (Mt 11:25). Ông Phêrô là một trong những kẻ bé mọn
mà chính Chúa Cha đã mặc khải cho. Việc nhận thức rằng Thiên Chúa hiện diện
trong con người Đức Giêsu không phải “đến từ xác thịt và máu”, đó không phải là
kết quả của sự nghiên cứu hoặc nỗ lực của loài người, mà là một ân sủng mà
Thiên Chúa tự ý ban cho người đó.
c)
Mt 16:18-20: Tư cách khả năng của ông Phêrô: Là nền đá
tảng và giữ chìa khóa cửa Nước Trời.
1. Là Tảng Đá: ông
Phêrô phải là đá, đó là, ông phải là nền tảng vững chắc cho Hội Thánh, để Giáo
Hội có thể đứng vững trước các cuộc tấn công của cửa địa ngục. Qua những
lời này của Chúa Giêsu nói với ông Phêrô, thánh Mátthêu khuyến khích các cộng
đoàn đang bị bách hại và đau khổ tại Syria và Paléstine, là những người đã chứng
kiến sự lãnh đạo của ông Phêrô được đánh dấu từ lúc đầu. Dù rằng yếu ớt
và bị đàn áp, họ đã có một nền tảng vững chắc, được bảo đảm bởi Lời của Chúa
Giêsu. Vào những ngày ấy, các cộng đoàn được gieo trồng một mối quan hệ
tình cảm rất vững chắc với các nhà lãnh đạo đã tạo lập ra cộng đoàn. Do
đó, các cộng đoàn tại Syria và Paléstine đã vun trồng mối quan hệ của họ với
con người Phêrô; những người thuộc cộng đoàn Hy Lạp thì với thánh Phaolô; một số
cộng đoàn ở tiểu Á thì với Người Môn Đệ Chúa Yêu và những cộng đoàn khác thì với
thánh Gioan của sách Khải Huyền. Xác định căn tính của mình với nhà lãnh
đạo của xứ sở họ đã giúp cho cộng đoàn phát triển tốt hơn trong phần bản sắc và
tâm linh. Nhưng điều này cũng có thể làm phát sinh xung đột như trong trường
hợp của cộng đoàn Côrintô (1Cr 1:11-12).
Là nền
đá tảng của đức tin, gợi nhớ lại trong trí Lời Chúa nói với dân chúng trong thời
gian lưu đày ở Babylon: “Hỡi ai theo đuổi sự công chính, hỡi kẻ đi tìm Đức
Chúa, hãy nghe Ta! Hãy đưa mắt nhìn lên tảng đá: từ tảng đá này,
các ngươi sẽ được đẽo ra; hãy đưa mắt nhìn vào hầm đá: từ hầm đá này, các
ngươi sẽ được lấy ra. Hãy ngước mắt nhìn tổ phụ Ápraham và Sara, người đã
sinh ra các ngươi; vì khi được Ta gọi, Ápraham chỉ có một mình, nhưng Ta đã ban
phúc lành cho nó, và cho nó trở nên đông đảo” (Is 51:1-2). Khi được áp dụng
cho ông Phêrô, phẩm chất của nền đá tảng này hướng đến một khởi đầu mới cho dân
riêng của Thiên Chúa.
2. Chìa khóa của Nước Trời:
ông Phêrô nhận lãnh chìa khóa Nước Trời để cầm buộc và tháo gỡ, có nghĩa là, để
hòa giải con người với Thiên Chúa. Cùng một quyền lực cầm buộc và tháo gỡ
cũng được trao cho các cộng đoàn (Mt 18:8) và các môn đệ (Ga 20:23). Một
trong những điểm mà Tin Mừng Mátthêu khẳng định là ơn hòa giải và tha thứ (Mt
5:7,23-24,38-42,44-48; 6:14-15). Thực tế là vào những năm của thập niên
80 và 90, có rất nhiều căng thẳng và chia rẽ giữa các gia đình trong cộng đoàn
tại Syria vì đức tin vào Chúa Giêsu. Có một số người chấp nhận Ngài là Đấng
Mêssia trong khi những kẻ khác thì không, và điều này là nguồn gốc của nhiều
quan điểm trái ngược và xung đột. Thánh Mátthêu khẳng định về việc hòa giải.
Sự hòa giải tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các điều
phối viên của cộng đoàn. Giống như ông Phêrô, họ cũng phải ràng buộc và
tháo gỡ, có nghĩa là, làm việc để mang lại sự hòa giải, chấp nhận lẫn nhau, và
xây dựng tình huynh đệ đích thực.
3. Hội Thánh: từ
ngữ Hội Thánh, tiếng Hy Lạp là ekklesia, được tìm thấy 105 lần
trong Tân Ước, hầu như luôn tìm thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ và các Thánh
Thư. Chúng ta chỉ tìm thấy chữ này ba lần trong các sách Tin Mừng và chỉ
trong sách Tin Mừng của Mátthêu mà thôi. Từ ngữ này có nghĩa là “cộng
đoàn được gọi” hay là “cộng đoàn được tuyển chọn”. Từ ngữ này áp dụng cho
những người tụ tập lại, được mời gọi bởi Lời Thiên Chúa, những người tìm kiếm để
sống sứ điệp về Nước Trời được đem đến bởi Chúa Giêsu. Giáo Hội không phải
là Nước Trời, mà là một khí cụ và là một dấu chỉ của Nước Trời. Nước Trời
thì cao trọng hơn. Trong Giáo Hội, cộng đoàn, tất cả mọi người phải trông
thấy hoặc nên thấy những gì sẽ xảy ra khi một nhóm người để cho Thiên Chúa cai
trị và chiếm hữu đời sống của mình.
d)
Mt 16:21-22: Chúa Giêsu hoàn chỉnh những gì thiếu sót trong câu trả lời của
ông Phêrô, và Phêrô phản ứng bằng cách không chấp nhận.
Thánh
Phêrô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”
Để phù hợp với ý tưởng thịnh hành thời bấy giờ, ông đã tưởng tượng ra một Đấng
Cứu Thế vinh quang. Chúa Giêsu đã sửa ông: “Thật là cần thiết cho Đấng
Cứu Thế phải chịu đau khổ và sẽ bị giết chết tại Giêrusalem”. Với những
chữ “cần thiết”, Chúa nói rằng sự đau khổ đã được dự kiến trong những lời tiên
tri (Is 53:2-8). Nếu các môn đệ chấp nhận Chúa Giêsu như là Đấng Cứu Thế
và là Con Thiên Chúa, thì các ông cũng phải chấp nhận Người như là Đấng Mêssia
Tôi Tớ phải chịu chết. Không những chỉ có chiến thắng vinh quang mà cũng
còn phải qua con đường thập giá! Nhưng ông Phêrô không chịu nghe lời sửa
dạy của Chúa Giêsu và cố gắng thuyết phục Người.
e)
Mt 16:23: Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ông Phêrô: Tảng đá cản đường
Câu
trả lời của Chúa Giêsu thật đáng ngạc nhiên: “Satan, lui lại đàng sau Thầy!
Con cản lối Thầy, vì tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà
là của loài người!” Satan là một trong những kẻ đã lôi kéo chúng ta ra khỏi
con đường mà Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta. Chúa Giêsu, theo đúng
nghĩa đen, nói rằng: “Hãy lui lại đàng sau Thầy!” (theo tiếng
Latin, vada retro!). Ông Phêrô muốn lèo lái và chỉ đường.
Chúa Giêsu nói: “Hãy lui lại đàng sau Thầy!” Đức Giêsu là người chỉ
đường và giữ nhịp chứ không phải ông Phêrô. Người môn đệ phải đi theo sau
thầy mình. Người ấy phải sống trong sự chuyển đổi liên tục. Lời của
Chúa Giêsu cũng là một thông điệp cho tất cả những ai đang đứng đầu cộng
đoàn. Họ phải “đi theo” Chúa Giêsu và không thể đi ở phía trước như ông
Phêrô đã muốn đi. Không phải chỉ có họ mới là những người có thể vạch ra
đường hướng hay cách thức. Mà trái lại, giống như ông Phêrô, thay vì phải
là tảng đá hỗ trợ, họ có thể trở thành tảng đá cản đường. Như có một số
người lãnh đạo cộng đoàn tại thời ông Mátthêu. Mơ hồ rằng hình như cũng
có những chuyện tương tự xảy ra giữa chúng ta ngày nay.
iii)
Phụ chú Tin Mừng liên quan đến ông Phêrô:
Chân
dung thánh Phêrô.
Thánh
Phêrô được biến đổi từ một ngư phủ đánh cá sang một ngư phủ đi lưới người (Mc
1:7). Ông đã lập gia đình (Mc 1:30). Ông là một người tốt bụng và rất
nhân bản. Ông có khuynh hướng đảm nhận vai trò lãnh đạo cách tự nhiên
trong số mười hai môn đệ của Chúa Giêsu. Đức Giêsu tôn trọng khả năng
thiên phú này và chọn Phêrô làm người lãnh đạo cho cộng đoàn đầu tiên của mình
(Ga 21:17). Trước khi gia nhập cộng đoàn của Chúa Giêsu, Phêrô có tên là
Simon con ông Giôna (Mt 16:17). Chúa Giêsu đặt tên cho ông là Kêpha có
nghĩa là Đá, và từ đó trở thành tên Phêrô (Lc 6:14).
Cách
tự nhiên, ông Phêrô có thể là bất cứ điều gì, ngoại trừ là đá. Ông dũng cảm
trong lời nói, nhưng trong giờ phút lâm nguy ông trở thành kẻ sợ hãi và trốn chạy.
Ví dụ, khi Đức Giêsu đi trên mặt nước, ông Phêrô đã hỏi: “Lạy Thầy Giêsu,
con cũng có thể đi trên mặt nước mà đến với Thầy không?” Chúa Giêsu trả lời:
“Cứ đến, Phêrô!” Ông Phêrô liền từ thuyền bước xuống và bắt đầu đi trên mặt
nước. Nhưng khi một làn gió lớn thổi lên, ông đã sợ và bắt đầu
chìm. Khi ấy ông kêu lên: “Lạy Chúa, xin cứu con với!” Chúa
Giêsu nắm lấy tay ông và cứu ông (Mt 14:28-31). Trong bữa Tiệc Ly, ông
Phêrô đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, con sẽ không bao giờ chối Chúa!”
(Mc 14:31); thế mà chỉ ít giờ sau đó, tại dinh thượng tế, trước mặt một cô tớ
gái, khi Chúa Giêsu đã bị bắt, ông Phêrô đã chối Chúa Giêsu và thề độc rằng ông
không biết Người là ai (Mc 14:66-72). Trong vườn Cây Dầu, khi Chúa Giêsu
bị bắt, ông thậm chí còn dùng đến gươm đao (Ga 18:10), nhưng sau đó bỏ trốn, để
lại một mình Chúa Giêsu (Mc 14:50). Ông Phêrô tự nhiên không là một tảng
đá! Thế nhưng là một ông Phêrô yếu hèn và con người, cũng như chúng ta,
đã trở nên tảng đá bởi vì Chúa đã cầu nguyện cho ông: “Phêrô, Thầy đã cầu
nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại,
hãy làm cho anh em của con nên vững mạnh” (Lc 22:31-32). Đó là lý do tại
sao Chúa Giêsu đã có thể nói: “Con là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng
đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16:18). Chúa Giêsu đã giúp
ông trở thành tảng đá. Sau khi sống lại, ở Galilêa, Chúa Giêsu đã hiện ra
với ông Phêrô và hỏi ông hai lần: “Phêrô, con có yêu mến Thầy
không? Và ông Phêrô đã thưa lại hai lần: “Lạy Chúa, Chúa biết con
yêu mến Chúa” (Ga 21:15,16). Khi Chúa Giêsu hỏi cùng câu hỏi đến lần thứ
ba với ông, Phêrô đã buồn. Chắc ông đã nhớ đến việc mình đã chối Chúa ba
lần. Vì vậy, ông đã trả lời: “Lạy Chúa, Chúa biết tất cả mọi sự!
Chúa biết rằng con yêu mến Chúa!” Đến lúc đó Chúa Giêsu mới trao phó cho
ông việc chăm sóc đàn chiên: “Phêrô, hãy chăm sóc chiên của Thầy!” (Ga
21:17). Với sự giúp đỡ của Chúa Giêsu, sức mạnh của tảng đá tăng triển
trong con người Phêrô và ông đã tự tỏ lộ vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Vào ngày hôm ấy, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các môn đệ, ông Phêrô đã mở
các cánh cửa của căn phòng trên lầu nơi tất cả các ông đã cùng tụ họp đàng sau
các cánh cửa khép kín vì sợ người Do Thái (Ga 20:19), và được truyền cho lòng
can đảm, đã bắt đầu công bố Tin Mừng của Chúa Giêsu cho dân chúng (Cv
2:14-40). Từ đó ông không bao giờ ngừng nghỉ! Trong câu chuyện về
việc công bố dũng cảm này về sự sống lại, ông đã bị tống ngục (Cv 4:3).
Trong khi bị thẩm vấn, ông đã bị cấm không được loan báo về Tin Mừng của Chúa
Giêsu nữa (Cv 4:18), nhưng ông Phêrô đã không tuân theo lệnh cấm. Ông
đáp: “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người!” (Cv
4:19; 5:29). Ông lại bị bắt lần nữa (Cv 5:18,26). Ông đã bị đánh
dòn (Cv 5:40). Nhưng ông đã nói: “Cảm ơn quý vị rất nhiều.
Nhưng chúng tôi phải tiếp tục giảng dạy! (xem Cv 5:42).
Truyền
thống cho chúng ta biết rằng vào cuối đời của ông, khi ở thành Rôma, ông Phêrô
đã lại có một khoảnh khắc sợ hãi. Nhưng sau đó ông đã trở lại, bị bắt và
bị kết án tử hình đóng đinh trên thập giá. Tuy nhiên, ông đã xin cho được
đóng đinh ngược đầu xuống đất. Ông nghĩ rằng mình không xứng đáng để chết
trong cùng một cách như Thầy mình, Đức Giêsu. Ông Phêrô đã sống thật với
chính mình cho đến phút cuối cùng.
6.
Thánh Vịnh 103 (102)
Chúc
tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc
tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
CHÚA
phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
mặc khải cho Môisen biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
mặc khải cho Môisen biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ít-ra-en
thấy những kỳ công Người thực hiện.
CHÚA
là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như
trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Người
quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Nhưng
ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
cả những ai giữ giao ước của Người
và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
cả những ai giữ giao ước của Người
và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.
CHÚA
đặt ngai báu trên trời cao thẳm,
quyền đế vương bá chủ muôn loài.
Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
quyền đế vương bá chủ muôn loài.
Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
Chúc
tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!
7.
Lời Nguyện Kết
Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn
ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của
chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho
chúng con. Nguyện xin cho chúng con, cũng được trở nên giống như Đức
Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời
Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp
nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét