Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

01-07-2018 : (phần II) CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN năm B


01/07/2018
Chúa Nhật tuần 13 Thường Niên năm B
(phần II)

Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 13 thường niên, năm B
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN B
Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cor 8,7.9.13-15;
Mc 5,21-43
NGUỒN GỐC CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG

“Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy trỗi dậy”
(Mc 5,42)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I – Kn 1,13-15; 2,23-24
Cái chết vẫn luôn là một điều hết sức khó hiểu cho con người mọi thời đại, bởi vì mãi cho đến ngày hôm nay vẫn chưa một người nào có thể cưỡng lại nổi sức mạnh vũ bão của cái chết. Ngay từ thế kỷ I trước công nguyện, khi suy tư về cái chết đầy nghiệt ngã, tác giả sách Khôn ngoan đã không uổng công để thử đưa ra một định nghĩa chỉ mang tính lý thuyết về cái chết, nhưng đặt nó trong thế đối lập với sự sống đến từ Thiên Chúa.
Tác giả này khẳng định: sự chết không thể có ở nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chỉ tạo nên sự sống để mang lại hạnh phúc cho con người. Nhưng chính vì sự ganh tị của quỷ dữ mà cái chết đã xâm nhập vào thế gian, và điều quan trọng là “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”.
2. Bài đoc II – 2Cor 8,7.9.13-15
Trong một nỗ lực không mệt mỏi nhằm quyên góp để cứu trợ giáo đoàn tại Giêrusalem đang lâm cơn đói kém do mất mùa, Thánh Phaolô đã kêu gọi lòng bác ái của giáo đoàn tại Côrintô khi chỉ ra cho họ thấy nét độc đáo của lòng bác ái nơi chính Đức Giêsu Kitô: “Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có.” Nói cách khác, sự giàu có mà cộng đoàn Côrintô đang có được chính là do việc tự nguyện chấp nhận trở nên nghèo khó của Đức Kitô.
Trên nền tảng đó, thánh Phaolô còn cho thấy rằng: thực thi việc bác ái không phải chỉ vì muốn nên giống Đức Kitô, nhưng còn là một bổn phận nhằm tái lập thế quân bình cần thiết cho đời sống cộng đoàn của các Kitô hữu: “Sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại chỗ thiếu thốn của anh em.” Như vậy, “kẻ dược nhiều, thì cũng không dư, mà kẻ có ít, cũng không thiếu.”
3. Bài Phúc âm – Mc 5,21-43
Qua hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm cho người đàn bà bị xuất huyết và con gái ông Giairô, thánh Marcô muốn chứng tỏ rằng: bệnh tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người, hơn nữa những nỗ lực yếu ớt từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự phong tỏa của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt.
Máu vốn là nguyên lý của sự sống, mà “người đàn bà bị bệnh xuất huyết mười hai năm” nghĩa là sự sống đang từng bước giảm sút nghiêm trọng nơi bà để nhường chỗ cho sự thống trị của cái chết. Và hình ảnh cơn hấp hối đang hoành hành trên đứa bé gái con của ông Giairô càng làm rõ nét hơn thế lực của sự chết mà không ai có thể cưỡng lại được.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng là Sự Sống và cũng là Đấng mang lại sự sống. Sự xuất hiện của Ngài đồng nghĩa với sự biến mất của bệnh tật và sự chết. Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Ngài mới có thể giúp con người phục hồi được thể trạng từ những căn bệnh nan y và nhất là dành lại sự sống từ trong cõi chết.
II. GỢI Ý MỤC VỤ             
1. Lời khẳng định của tác giả sách Khôn ngoan như muốn làm mới lại một chân lý dường như đã trở nên cũ kỹ: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn… Ngài chẳng vui mừng khi người sống phải chết.” Theo quan điểm đó, đúng là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
2. Dư giả và thiếu thốn là một kiểu nói khác để phản ánh thân phận của con người khi phải đối diện với sự sống và cái chết: dư giả thì sống còn thiếu thốn thì chết. Đang khi theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn bị cám dỗ để làm cho sự chênh lệch “dư giả - thiếu thốn” (giàu - nghèo) này càng trở nên nghiêm trọng, thì người Kitô hữu lại được thánh Phaolô mời gọi để nỗ lực góp phần làm giảm bớt đi sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng một thế giới “đồng đều” hơn, bình đẳng hơn trên nền tảng của đức ái Kitô giáo.
3. Cái chết đã trở thành một qui luật, khi mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống của kiếp nhân sinh. Và con người, chỉ với những nỗ lực trong khả năng của mình, không bao giờ có thể cưỡng lại nổi sức mạnh của cái chết. Nhưng nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, sự chết đã nhường chỗ sự sống, và như thế con người có cơ hội để đặt chân vào ngưỡng cửa của cõi phúc trường sinh với một điều kiện là tin vào Đức Giêsu Kitô. Do vậy, kiên vững trong niềm tin là điều kiện tiên quyết giúp người tín hữu có thể, cùng với Đức Kitô, chiến thắng sự chết để khải hoàn bước vào sự sống đời đời bên Thiên Chúa.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG                      
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, Người không ngừng ban sự sống và hạnh phúc cho con người. Trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ và tin tưởng nơi Chúa, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo tin mừng sự sống cho mọi người. Xin cho các thành phần trong Hội Thánh được dồi dào sức sống của Chúa Phục Sinh, và luôn nhiệt tâm chu toàn sứ mạng Chúa trao bằng đời sống cầu nguyện và dấn thân phục vụ.
2. “Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để họ sống vĩnh viễn.” Chúng ta cùng cầu xin cho con người trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay, nhận biết rằng chỉ có Chúa mới đem cho họ sự sống và hạnh phúc đích thực.
3. Ðức Kitô đã mang lấy thân phận nghèo khó, để chúng ta nên giàu có. Xin cho mọi kitô hữu luôn ý thức trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong tinh thần nghèo khó và đời sống yêu thương phục vụ, hầu đem lại hạnh phúc cho mọi người chung quanh.
4. Đức Giêsu nói với ông trưởng hội đường: “Ðừng sợ, hãy cứ tin.” Xin cho từng người trong cộng đoàn chúng ta biết tin tưởng chạy đến với Chúa mỗi khi gặp gian nan thử thách, để được Người chữa lành mọi bệnh tật xác hồn, và ban muôn ân huệ trong cuộc sống.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con luôn vững bước trong niềm tin, để mai sau được cùng với Đức Kitô chiến thắng sự chết và khải hoàn tiến vào cõi sống đời đời ở bên Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.



Chủ đề :
Chúa là chủ tể sự sống

"Này bé, Ta truyền cho con : Chỗi dậy đi" (Mc 5,41)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Kn 1,13-15 ; 2,23-24) : "Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn".
- Đáp ca (Tv 29) : "Chúa đã cho hồn tôi ra khỏi âm phủ".
- Tin Mừng (Mc 5,21-43) : Đức Giêsu trả lại sức sống cho một phụ nữ và cứu sống con gái ông Giairô.

I. Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Chúng ta rất sợ sự chết, chúng ta đau buồn khi một người thân phải chết, và chúng ta sợ hãi khi nghĩ đến ngày chúng ta chết. Tuy nhiên, đức tin dạy chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta là để cho chúng ta được sống, và đàng sau cái chết thể xác là một cuộc sống vĩnh cửu.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Lời Chúa để củng cố niềm tin của chúng ta, đồng thời hãy sốt sắng cầu xin Chúa cho chúng ta biết sống ở đời này như thế nào để sau đó được sống hạnh phúc muôn đời với Chúa.

II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta quá lo lắng cho cuộc sống thể xác mà không chăm lo cuộc sống linh hồn.
- Nhiều khi đức tin của chúng ta bị lung lay khi chứng kiến bệnh tật và cái chết của những người thân.
- Cúng ta sớm quên những người thân đã qua đời.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Kn 1,13-15 ; 2,23-24)
Sách Khôn ngoan được soạn khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên. Đây là một sưu tập những tư tưởng khôn ngoan của các bậc hiền triết của nhiều thế hệ.
Trích đoạn sách Khôn ngoan này chứa đựng chân lý nền tảng về sự sống và sự chết :
- Thiên Chúa tạo dựng loài người giống hình ảnh Ngài, để cho loài người được sống vĩnh viễn.
- Nhưng sở dĩ có sự chết là vì tội lỗi.

2. Đáp ca (Tv 29)
Tv này ca tụng Thiên Chúa như là chủ tể của sự sống. Những ai vì tội lỗi mà bị đẩy đến ngưỡng cửa sự chết nhưng biết kêu cầu Ngài thì sẽ được Ngài cứu sống.

3. Tin Mừng (Mc 5,21-43)
Trích đoạn này gồm hai phép lạ, và cả hai đều liên quan đến sự sống :
- Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đang mất dần sự sống : máu là nguyên lý sự sống, mà bà này đã bị mất máu liên tục 12 năm, nghĩa là sức sống đang dần dần rời xa bà. Vì thế khi Đức Giêsu làm cho bà hết bệnh, là Ngài trả lại sức sống cho bà.
- Đứa con gái ông Giairô thì đã chết, sự sống đã hoàn toàn rời khỏi nó. Nhưng Đức Giêsu đã làm cho nó sống lại.
Cả hai trường hợp được cứu sống đều nhờ đức tin : đức tin của người phụ nữ loạn huyết và đức tin của ông Giairô.
Trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta còn nghe một lời giáo huấn rất ý nghĩa của Đức Giêsu : Cái chết thể xác chỉ là một giấc ngủ.

4. Bài đọc II (2 Cr 8,7.9.13-15)
Mục đích của Phaolô khi viết đoạn thư này cho tín hữu Côrintô là nhằm lạc quyên giúp cho giáo đoàn Giêrusalem đang bị nạn đói.
Phaolô đưa những lý do động viên họ quảng đại bố thí :
- Hãy noi gương quảng đại của Đức Giêsu : dù giàu sang, Ngài đã tự ý trở thành nghèo khó để làm cho loài người được giàu có.
- Tín hữu phải biết chia xẻ cho nhau để ai nấy đều có mức sống đồng đều với nhau : sự dư dả của người này bù đắp sự túng thiếu của người kia. Có như thế, "Kẻ được nhiều thì cũng không dư, mà kẻ có ít thì cũng không thiếu".

IV. Gợi ý giảng

* 1. Đức tin nối lại nhịp cầu đã gãy
Giả sử như chúng ta đã đi hết nửa đoạn đường, sắp bước chân qua cầu để sang bờ bên kia đi tiếp đoạn đường còn lại, thì bỗng chiếc cầu sụp đổ rơi tòm xuống sông. Khi đó chúng ta làm thế nào ? Chắc là muốn quay trở về đoạn đường cũ.
Người đàn bà mắc bệnh loạn huyết và Ông Giakêu cũng lâm vào một tình cảnh khó xử như vậy :
. Loạn huyết là một chứng bệnh dơ dáy. Người Do thái không chỉ thấy nó dơ dáy về mặt thể lý mà còn coi nó là một thứ ô uế luân lý. Cho nên có luật cấm những kẻ mắc bệnh đó không được đụng chạm tới người khác, chạm tới ai thì người ấy kể như bị lây ô uế đó. Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết này cũng không dám cất tiếng kêu xin Đức Giêsu vì sợ người ta biết mình bệnh và xua đuổi mình. Bà định im lặng rờ vào mình Đức Giêsu. Nhưng vậy là phạm luật thánh, là có tội : thật là khó xử.
- Còn ông Giairô thì xin Chúa đến chữa trị cho con gái mình đang bệnh nặng. Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì ông được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa nữa !
Cả bà loạn huyết và ông Giairô đều như sắp bước qua cầu thì chiếc cầu sụp gãy. Thế nhưng họ không quay trở lại bỏ dở đoạn đường. Họ vẫn cố gắng tiến bước :
. Bà loạn huyết không dám rờ vào mình Đức Giêsu thì rờ vào cái tua áo của Ngài vậy.
. Còn ông Giairô thì trong lúc chới với đó đã nghe Đức Giêsu an ủi "Đừng sợ, cứ tin". Và kết quả là bà kia dứt bệnh, Con gái ông Giairô sống lại. Đức tin của họ đã nối lại nhịp cầu gãy.
Trên đây là 2 trường hợp giúp chúng ta hiểu bản chất của đức tin và sức mạnh của đức tin.
. Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin, đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi.
. Đức tin, một nhân đức căn bản của đạo, phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người, vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ, bởi vì trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa thì có thể là được hết mọi sự.
- Như Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai, nhưng vâng lệnh Chúa ông đưa con lên núi sát tế và lòng đau như cắt mà vẫn tin rằng Chúa sẽ thực hiện lời hứa làm cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và quả thực Chúa đã làm ông thành tổ phụ những người tin.
- Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước biển, và ông đã đi được bao lâu ông còn tin vào Chúa. Nhưng khi ông bắt đầu hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.
Chúng ta là những tín hữu, nghĩa là những kẻ tin Chúa. Bấy lâu nay chúng ta vẫn tin Chúa. Nhưng có lẽ bấy lâu nay tin Chúa là điều dễ dàng đối với ta, tin Chúa ta được bình an, tin Chúa đời ta thoải mái, gia đình ta yên vui, việc làm của ta xuôi chảy.
- Có một người mẹ kia có một đứa con nhỏ rất dễ thương, vừa biết nói chuyện dã học đọc kinh, hát thánh ca. Rồi nó lâm bệnh, người mẹ cầu nguyện hết sức, nhưng nó vẫn chết. Từ đó người mẹ không còn cầu nguyện nữa, hình như chị đã hết tin.
- Chúng ta cũng đã từng dự những đám táng : khi chiếc quan tài được hạ huyệt, người ta khởi sự lấp đất lại và trong lúc đó cũng khởi sự đọc kinh Tin Kính "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại". Biết bao người đã vừa đọc câu đó mà nước mắt ròng ròng.
- Cũng có một ông kia từ ngày gia đình làm ăn sa sút đã đem tượng Chúa quăng ra ngoài sân và từ đó không còn giữ đạo.
- Và biết bao người đã thành thật thú nhận cùng cha giải tội : "con đã ngã lòng rồi !" Cũng như có biết bao người những khi buồn khổ đời không cầu nguyện
Chúng ta hãy cầu xin Chúa thật nhiều cho những người đáng thương kể trên. Và cầu xin cho chính chúng ta được một đức tin vững chắc để không phải chỉ tin Chúa ngày hôm nay khi đời ta còn bình an, vui vẻ. Nhưng vẫn còn đủ sức để tin nếu mai ngày chúng ta rơi vào một hoàn cảnh khó khăn thử thách. Xin Chúa giúp chúng con vẫn cứ tin luôn, tin rằng chúa luôn thương yêu chúng con. Xin Chúa giúp chúng con vẫn cứ tin luôn cho dù gặp bao gian nguy.


* 2. Đừng sợ
Đức Giêsu nói với ông Giairô : "Đừng sợ. Chỉ cần tin thôi !"
Ông Giairô đã đi tìm Đức Giêsu khi con gái ông hấp hối. Khi mời được Ngài theo ông về nhà thì lòng ông tràn trề hy vọng, nhưng có lẽ cũng hồi hộp lo âu vì không biết về tới có còn kịp không. Đang lúc gấp như vậy thì kẹt chuyện người đàn bà loạn huyết khiến cuộc hành trình bị tạm dừng. Chắc ông Giairô sốt ruột thêm. Cuối cùng thì chuyện người đàn bà ấy cũng giải quyết xong và Đức Giêsu tiếp tục cùng ông về nhà. Hy vọng lại sáng lên. Đột nhiên, người nhà chạy đến báo tin : "Con gái ông chết rồi. Làm phiền Thầy chi nữa". Tất cả hy vọng chợt tắt ! Thế là hết. Còn làm gì được nữa. Tiếp tục dẫn Đức Giêsu về nhà chỉ là làm phiền Ngài thêm thôi. Chắc lúc đó Ông Giairô định nói lời cám ơn Đức Giêsu để mau về nhà lo chuyện mai táng cho con gái.
Nhưng, đúng lúc đó, Đức Giêsu nói một câu rất là khích lệ : "Đừng sợ. Chỉ cần tin thôi". Nhờ câu này, Giairô tiếp tục đưa Đức Giêsu về nhà. Và sau đó là phép lạ. Sau nay nghĩ lại, Ông Giairô hẳn là rất vui mừng vì khi đó ông đã không tuyệt vọng.
Xin Chúa hãy thường xuyên nói vào tai con "Đừng sợ, Chỉ cần tin thôi". Con rất cần nghe lời động viên đó, vì rất nhiều lần con thấy không còn làm gì hơn được nữa nên muốn buông xuôi bỏ cuộc.

3. Hình thức lề luật
- Bài Tin mừng hôm nay thuật lại 2 việc làm của Đức Giêsu. Những việc này không chỉ nhằm chứng tỏ quyền năng của Chúa trên bệnh hoạn và sự chết, mà còn cho chúng ta thấy thái độ và lập trường của Chúa đối với những luật lệ khắc khe và khô cứng của đạo Do thái thời đó.
- Trước hết là việc Chúa chữa cho một người đàn bà mắc bệnh loạn huyết. Theo luật Do thái, người nào mắc chứng bệnh này thì đương nhiên bị liệt vào hàng dơ dáy, ô uế, cho nên không được vào Đền thờ, không được tham dự các lễ nghi phượng tự, và cũng không được đụng tới ai vì hễ ai mà bị người ô uế đụng phải thì cũng trở thành người ô uế luôn. Khỏi cần nói nhiều, chúng ta cũng hiểu bà này đau khổ như thế nào. Trong cơn đau khổ, bà đã nảy ra một ý tưởng táo bạo là tìm cách đụng vào gấu áo Đức Giêsu. Ý định này táo bạo ở chỗ là việc đó trái lề luật, và cũng chẳng ai chịu cho bà ta đụng vào mình đâu vì sợ bị lây nhiễm sự ô uế. Vì thế mà bà này phải làm một cách lén lút. Dù vậy Đức Giêsu vẫn biết. Khi Đức Giêsu hỏi "Ai đã đụng đến ta ?" thì bà ta sợ hãi vì thấy việc làm của mình đã bị bại lộ. Nhưng bà ta ngạc nhiên hết sức vì Đức Giêsu chẳng hề quở trách bà một lời nào, trái lại còn làm cho bà khỏi bệnh, và còn an ủi bà "Con hãy đi bình an".
- Sang câu chuyện của ông Giairô. Ông là Trưởng Hội Đường, nghĩa là một viên chức tôn giáo, một người có trách nhiệm bảo vệ luật đạo. Trước đó ông đã đến xin Đức Giêsu đến nhà ông chữa trị cho con gái ông sắp chết. Đang khi Đức Giêsu cùng đi với ông về nhà thì xảy ra câu chuyện của người đàn bà mắc bệnh loạn huyết mà ta vừa nói ở trên. Bà này đã đụng vào Đức Giêsu nên theo luật thì Đức Giêsu đã trở thành người ô uế. Nếu Đức Giêsu mà vào nhà ông thì cũng theo luật đó, tới phiên nhà ông cũng bị lây nhiễm ô uế luôn. Và việc đó sẽ gây hậu quả to lớn bởi vì như ta đã biết, ông là Trưởng Hội đường, nếu ông không giữ luật mà còn để nhà ông bị Đức Giêsu làm thành ô uế thì có thể ông mất chức luôn. Đang lúc đó thì lại xảy thêm một diễn tiến nữa : Người nhà ông chạy đến cho hay là con gái ông đã chết rồi, đừng làm phiền Đức Giêsu nữa. Trước những sự kiện dồn dập như thế, ông Giairô không còn ý định mời Đức Giêsu về nhà mình nữa. Nhưng Đức Giêsu bảo ông : "Đừng sợ gì cả (nghĩa là : Ông đừng sợ làm phiền tôi, cũng đừng sợ bị lây ô uế), điều cần nhất là lòng tin". Giairô đã tin Chúa, không còn ngại sợ gì nữa, mời Chúa về nhà, Đức Giêsu cầm lấy tay đưa đứa bé đã chết và truyền cho nó sống lại. Thêm một chi tiết đáng lưu ý : Theo luật thì xác chết cũng là một thứ ô uế, ai đụng tới xác chết thì sẽ bị nhiễm ô uế. Nhưng ta đã thấy, một lần nữa Đức Giêsu đã tỏ ra bất chấp...
- Sau khi nghe giải thích 2 việc làm táo bạo của Đức Giêsu, chúng ta nghĩ sao về Chúa ? Có phải Ngài chủ trương phá bỏ tất cả mọi lề luật không ? Chắc chắn là không, bởi vì Ngài đã từng tuyên bố rõ : "Các ngươi tưởng là Ta đến để huỷ bỏ lề luật ư ? Không, Ta không phá bỏ mà ta làm cho trọn lề luật. Ta nói thật : cho dù trời đất có qua đi, nhưng không một chấm một phết nào của lề luật sẽ qua đi, cho đến khi tất cả được nên trọn". Nghĩa là những việc là của Đức Giêsu, thoạt xem thì có vẻ như chống đối lề luật, thực chất là nhằm làm cho lề luật được kiện toàn. Thời đó, người ta chỉ giữ luật theo cái hình thức, Đức Giêsu muốn cho cái hình thức ấy có thêm cái tinh thần, chính đó mới là cái cốt tuỷ của lề luật, đó mới là điều quan trọng. Có lần Đức Giêsu đã nói thẳng với bọn luật sĩ và biệt phái chỉ biết chăm lo giữ cái hình thức khô cứng của lề luật mà không để ý gì đến tinh thần lề luật. Chúa nói rằng : "Các ngươi chỉ là những cái mồ mã. Bên ngoài thì sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì chứa toàn những sự thối tha". Khi bàn về sự tinh sạch và ô uế, Đức Giêsu đã khẳng định rằng tinh sạch hay ô uế thật là do lòng người chứ không do hình thức bên ngoài. Ngài nói : "Cái gì làm cho người ta ra ô uế ? Không phải những cái từ bên ngoài vào (như đồ ăn, thức uống chẳng hạn), mà là cái từ bên trong bài tiết ra".
- Như vậy, lập trường của Đức Giêsu rất rõ ràng : Điều quan trọng cốt lõi của mọi khoản lề luật chính là cái tinh thần của nó. Kẻ nào chỉ bo bo lo giữ cái hình thức bề ngoài mà quên cái tinh thần cốt lỗi của lề luật thì cũng như những cái mồ mã tô vôi bề ngoài thì đẹp nhưng bề trong thì xấu xa hôi thối.
Bây giờ chúng ta đã hiểu ý Chúa rồi. Chúng ta sẽ sống làm sao ?
- Thứ nhất là việc dự lễ : Bên các nước tiến bộ, ngày nay có một vấn đề được đặt ra, khá ngộ nghỉnh : người ta hỏi có được phép ngồi ở nhà dự Thánh Lễ được truyền qua màn ảnh vô tuyến truyền hình, khỏi cần đi đến nhà thờ được không ? Giáo hội đã trả lời dứt khoát là không được. Bởi vì dự lễ kiểu đó chỉ là một hình thức cho có cho rồi, chẳng có một chút tâm tình tôn thờ, yêu mến, kết hợp với Thánh Thể. Chuyện bên Tây thì vậy, nhưng bên ta cũng có chuyện tương tự như vậy : Nhiều người đi dự lễ nhưng không muốn vào nhà thờ cho dù trong nhà thờ vẫn còn chỗ. Họ đứng ở ngoài, miễn sao là có hướng vào nhà thờ, mắt nhìn về phía bàn thờ. Vậy thì có khác gì xem lễ qua Tivi đâu ? chỉ là hình thức, chẳng có tâm tình.
- Thứ hai là luật thánh hóa ngày Chúa nhật : Điều răn thứ ba dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật. Nhiều người nghĩ rằng thánh hóa ngày Chúa nhật chỉ là đi xem lễ. Từ quan niệm đó, ai mà có dự lễ gọi thì kể là xong hết bổn phận. Còn ai lỡ kẹt chuyện gì đó không đi xem lễ được thì cũng kể như mình đã lỡ, thôi đành vậy. Chúng ta hiểu điều răn thứ ba như vậy là hời hột quá, chỉ phớt qua một hình thức bề ngoài là dự lễ thôi. Thực ra điều răn này dạy ta phải thánh hóa ngày Chúa nhật. Thánh hóa là làm cho ngày đó nên thánh thiện. Mà muốn làm cho ngày đó nên thánh thiện thì dự lễ chỉ là một việc, ngoài ra còn dành nhiều thời giờ của ngày đó để làm những việc Chúa muốn, như đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn, làm thêm những việc lành, lưu ý đến kẻ khác hơn bằng cách dùng ngày nghỉ đó để tới lui thăm viếng, truyện trò, an ủi nhau, giúp đỡ nhau v.v...
- Thứ ba là việc sống đạo giữa đời : Mọi lề luật được đặt ra không phải chỉ là để cho có "hình thức, mà để giúp cho con người có thể sống đạo tốt hơn. Nhưng sống đạo là gì ? Không phải chỉ là chu toàn một số hình thức đạo đức như đọc kinh, dự lễ, chịu các bí tích. Sống còn là làm việc, là làm ăn buôn bán, giao tế, biết xử sự tốt, trước những và chạm, khó khăn xảy ra hàng ngày. Giáo Hội thường nói "Sống đạo giữa đời". HĐGMVN còn nói rõ hơn : sống đạo là "Sống Tin mừng giữa lòng dân tộc". Cho nên chỉ mới có đọc kinh xưng tội, dự lễ thì chưa phải là sống đạo, mà chỉ là giữ một số hình thức của luật đạo thôi. Khi nào chúng ta biết để ý làm ăn theo lương tâm của người Kitô hữu, cư xử với mọi hạng người theo tinh thần bác ái của Tin mừng thì mới đúng là chúng ta sống đạo thật sự.
10 điều luật Chúa và 6 điều luật Hội Thánh ai trong chúng ta cũng thuộc lòng từ nhỏ. Hình thức bề ngoài của những luật đó là đọc kinh, dự lễ, xưng tội, ăn chay v.v.... Nhưng tinh thần của chúng là "10 điều răn ấy tóm về 2 điều này thôi : mến Chúa và yêu người". Chúng ta hãy cố gắng đem tinh thần yêu thương ấy vào tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta, không những chỉ có các sinh hoạt ở nhà thờ mà còn các sinh hoạt làm ăn, buôn bán, giao tế, buồn vui sướng khổ hằng ngày nữa. Đó mới thực sự là sống đạo giữa đời.

Chuyện kể rằng một bà già bị đau răng, bà đã làm Tuần chín ngày để kính thánh Antôn, vì người ta nói : Thánh Antôn "chuyên trách" về bệnh này.
Hết tuần chín ngày bà vẫn còn đau. Lúc đó một vị linh mục đến thăm. Bà liền hỏi :
- Xin Cha nói cho con biết : có phải thánh Antôn chuyên trách bệnh đau răng không ?
Vị linh mục nói :
- Bà hãy nghe tôi : Đây là địa chỉ của nha sĩ. Hãy đến đó và nói là tôi giới thiệu, họ sẽ làm không công cho bà.
Bà già la lên :
- Trời đất ơi, một ông linh mục vô thần.
Thánh Antôn tự nhủ :
- Kể ra cũng đau lòng, để nhận lời cầu nguyện của bà, chính ta đã gởi cho bà vị linh mục này. Thế mà !
*
Nếu bà già trong câu chuyện suy niệm bài Tin mừng hôm nay, chắc bà sẽ không làm cho thánh Antôn phải thất vọng. Người phụ nữ xuất huyết trong bài Tin mừng và bà già đau răng trong câu chuyện trên, cả hai đều tin tưởng vào Chúa. Nhưng niềm tin của họ có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Bà già đau răng thì cầu nguyện rồi chờ phép lạ. Bà không chịu làm gì nữa.
Ông Giairô cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông.
Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này : "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói : "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".
Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.
Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người.
- Trong tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga.2,7)
- Trong phép lạ về bánh, Người chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc.6,35-43).
- Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga.9,1-40).
Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Ngạn ngữ Tây phương có câu : "Hãy tự giúp mình trước rồi Trời sẽ giúp sau".
*
Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con với trái tim của người cha người mẹ. Chúa để chúng con hoàn toàn tự do đáp lại tình yêu Chúa. Xin cho chúng con luôn biết sống ngoan nguỳ, thảo hiếu, đẹp lòng Chúa. Xin dạy chúng con biết cộng tác với ơn Chúa, để được Chúa ban ơn trợ giúp trong những cơn gian nan khốn khó. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

5. Chuyện minh họa
a/ Một bà cụ năng đến nhà thờ cầu nguyện. Một cậu bé lấy làm ngạc nhiên liền theo dõi. Cậu nấp sau bàn thờ nghe bà cầu nguyện lớn tiếng : "Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng."
Bà cầu nguyện suốt ba ngày vẫn những lời ấy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ  sau bàn thờ : "Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai."
Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng về điều đã nghe. Bà không chấp nhận nổi những gì bà đã cầu nguyện.
b/ Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến, bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng quá cố. Người này thân hành chở bà đến một sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói : "Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs". Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp : "Ông nhà thật đáng hưởng sự ưu đãi đó". Bà đáp : "Nhưng ông chỉ cần nơi ấy 3 ngày thôi mà !"

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu có thể chữa mọi bệnh tật và làm cho kẻ chết sống lại nữa. Chúng ta hãy tin tưởng và cầu xin Người :

1. Lạy Đức Giêsu / Chúa luôn ở với Hội thánh mọi ngày cho đến tận thế / Xin cho giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Hội thánh / luôn tin tưởng và duy trì sự hiệp thông với Chúa trong mọi nơi mọi lúc.
2. Lạy Đức Giêsu, nhiều nhà cầm quyền trên thế giới không tin có Chúa, không tin quyền năng của Chúa, mà còn chế giễu công việc của Chúa / Xin giúp họ thoát khỏi lầm lạc và tìm ra sự thật về Chúa.
3. Lạy Đức Giêsu, Chúa vẫn có mặt ở khắp nơi trên thế giới / nhưng còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa và chưa tin tưởng Chúa / xin Chúa tỏ quyền năng Chúa cho họ / để họ tìm đến với Chúa.
4. Lạy Đức Giêsu, anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng con đã được biết Chúa và biết quyền năng của Chúa / Xin giúp chúng con được đức tin mạnh mẽ hơn / để chúng con giới thiệu Chúa cho mọi người.
Chủ tế  : Lạy Chúa, Chúa đã sai Đức Kitô đến cứu thoát chúng con khỏi tội lỗi và chết đời đời, xin cho chúng con biết tin tưởng và chạy đến với Người, mỗi khi gặp bệnh tật và sự chết đe dọa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...

VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Theo chủ đề của Lời Chúa hôm nay, trong Kinh lạy Cha sau đây, chúng ta hãy xin Thiên Chúa là Cha giúp chúng ta luôn vâng theo ý Ngài trong lúc mạnh khoẻ cũng như khi bệnh tật, lúc còn sống cũng như khi sắp chết.
- Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ phải chết muôn đời…"
- Trước lúc rước lễ : Đức Giêsu đã phán "Ta là bánh hằng sống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời". Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn cho sốt sắng để rước lấy bánh hằng sống ấy. "Đây Chiên Thiên Chúa…"
VII. Giải tán
Anh em hãy ra đi, và bằng cách sống của mình mà loan báo cho mọi người biết rằng ngoài cuộc sống thể xác này còn có cuộc sống muôn đời đang chờ đợi chúng ta.

Lm. Carolo HÔ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật XIII Thường Niên (B)
Chủ Nhật 1 Tháng Bảy, 2018

Chúa Giêsu chữa lành hai người phụ nữ
Chiến thắng quyền lực sự chết và mở ra con đường mới đến Thiên Chúa
Mc 5:21-43

  1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.                  Bài Đọc

  1. a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong Chúa Nhật thứ mười ba Thường Niên tuần này, Giáo Hội muốn chúng ta suy gẫm về hai phép lạ Chúa Giêsu làm cho hai người phụ nữ.  Phép lạ đầu tiên được làm trên một người phụ nữ bị coi là ô uế bởi vì bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm.  Phép lạ thứ hai được làm cho một bé gái mười hai tuổi vừa mới chết.  Theo lối suy nghĩ vào thời bấy giờ, bất kỳ người nào chạm đến máu hoặc thi thể người chết thì bị xem là ô uế.  Máu và cái chết là những yếu tố để người ta bị loại trừ!  Vì thế hai người phụ nữ này bị thiệt thòi, bị loại ra khỏi hoạt động của cộng đồng.  Ngày nay cũng thế, chúng ta có những loại người bị loại trừ hoặc cảm thấy bị loại trừ khỏi việc dự phần trong cộng đoàn Kitô hữu.  Đâu là những nguyên nhân đã khiến cho người ta bị loại trừ ngày nay, khỏi Giáo Hội và cả xã hội?
Máccô mô tả hai phép lạ khá sinh động.  Văn bản khá dài.  Đang khi đọc, bạn hãy nghĩ là mình đang ở trong đám đông vây quanh Chúa Giêsu trên đường đến nhà trưởng hội đường Giairô.  Khi đang đi bộ trong im lặng, bạn hãy cố gắng chú ý đến nhiều thái độ của những người có liên quan đến trong phép lạ: Giairô, cha của bé gái, đám đông, người phụ nữ bị chứng xuất huyết, các môn đệ và bé gái.  Bạn hãy tự hỏi thái độ của bạn lúc ấy sẽ như thế nào.
  1. b) Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:
Mc 5:21-24:  Điểm khởi hành:  Con gái Giairô đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ta và đám đông theo sau
Mc 5:25-26:  Tình trạng của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết bất thường
Mc 5:27-28:  Lý luận của người phụ nữ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu
Mc 5:29:  Người phụ nữ thành công trong việc bà ấy cầu xin và được chữa lành
Mc 5:30-32:  Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ
Mc 5:33-34:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ được chữa lành bởi vì đức tin của mình
Mc 5:35-36:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Giairô
Mc 5:37-40:  Đến nhà Giairô và phản ứng của đám đông
Mc 5:41-43:  Bé gái được sống lại

  1. c) Phúc Âm:
21 Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. 22 Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy 23 và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. 24 Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
25 Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. 26 Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. 27 Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, 28 vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. 29 Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. 30 Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” 31 Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” 32 Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. 33 Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. 34 Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.
35 Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” 36 Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. 37 Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. 38 Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, 39 Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. 40 Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. 41 Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” 42 Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. 43 Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
3.                  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.                  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

  1. a) Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã đánh động bạn nhất? Tại sao?
  2. b) Thái độ của người phụ nữ chạm vào áo Chúa Giêsu là gì? Điều gì đã cho bà sức mạnh để chạm vào Chúa?
  3. c) Tại sao các môn đệ không thể hiểu được những gì đang xảy ra giữa Chúa Giêsu và đám đông?
  4. d) Giairô là ai? Thái độ của Chúa Giêsu ra sao đối với Giairô, vợ ông và con gái ông?
  5. e) Một người phụ nữ được chữa lành và gia nhập vào trong đời sống cộng đoàn. Một bé gái được cứu sống lại từ cõi chết.  Những hoạt động này của Chúa Giêsu hôm nay dạy cho chúng ta điều gì về cuộc sống chúng ta trong gia đình và trong cộng đoàn?

5.                  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

  1. a) Bối cảnh hôm qua và ngày nay:

  1. i) Trong suốt quyển Tin Mừng của mình, Máccô tiếp tục cung cấp những dự kiện liên quan đến con người của Chúa Giêsu. Thánh sử đã cho thấy mầu nhiệm Nước Trời được phản chiếu trong quyền năng mà Chúa Giêsu thay mặt các môn đệ thực hiện trên đám đông, và hơn hết cả, thay mặt cho những người bị loại trừ và gạt ra ngoài lề xã hội.  Tuy nhiên, quyền năng này càng được thực hiện thì các môn đệ càng không hiểu, và rõ ràng là các ông phải thay đổi ý tưởng của họ về Đấng Thiên Sai.  Nếu không, việc không thể thấu hiểu của các ông sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và các ông có nguy cơ gia tăng khoảng cách rời xa Đức Giêsu.

  1. ii) Trong những năm của thập niên 70, khi mà Máccô đang viết quyển Tin Mừng của ông, có một sự căng thẳng rất lớn trong các cộng đoàn Kitô hữu giữa những người Do Thái cải đạo và các người ngoại mới nhập đạo. Một số người Do Thái, nhất là những người đã từng thuộc nhóm Biệt Phái, tiếp tục trung thành vời việc tuân giữ lề luật về sự thanh khiết như trong nền văn hòa ngàn năm của họ, và vì thế, rất khó cho họ để sống chung với các tín hữu dân ngoại, bởi vì họ nghĩ những dân ngoại đã sống trong một tình trạng tạp chất.  Như vậy, câu chuyện về hai phép lạ được thực hiện bởi Chúa Giêsu trên hai người phụ nữ đã giúp rất nhiều trong việc khắc phục những điều cấm kỵ lỗi thời.

  1. b) Lời bình luận về văn bản:

Mc 5:21-24:  Điểm khởi hành:  Con gái Giairô đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ta và đám đông theo sau.
Đám đông tụ họp cùng với Chúa Giêsu là người vừa trở về từ bên kia bờ hồ.  Giairô, ông trưởng hội đường, van xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu cho con gái ông đang hấp hối.  Chúa Giêsu đi với ông ấy và đám đông theo sau, chen lấn Người tứ phía bởi vì tất cả đều cùng muốn ở gần với Chúa Giêsu khi Người sắp sửa làm phép lạ.  Đây là điểm khởi hành của hai cảnh sau đây:  việc chữa lành của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết mười hai năm và việc sống lại của bé gái mười hai tuổi.

Mc 5:25-26:  Tình trạng của người phụ nữ bị bệnh xuất huyết bất thường
Mười hai năm xuất huyết!  Vì lý do này, người phụ nữ đã bị loại trừ bởi vì trong những năm tháng ấy máu đã khiến một người ra ô uế cũng như bất cứ ai đã chạm vào người đó.  Máccô nói rằng người phụ nữ đã tiêu hết tiền của, tìm thày chạy thuốc mà bệnh không thuyên giảm, trái lại bệnh còn tệ hơn.  Một tình trạng không thuốc chữa!

Mc 5:27-28:  Lý luận của người phụ nữ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu
Bà ấy đã nghe nói về Đức Giêsu.  Một tia hy vọng mới nhen nhúm trong tim bà.  Bà tự nhủ:  “Miễn sao tôi chạm tới áo Người, thì tôi sẽ được lành”.  Người phụ nữ đã suy nghĩ ngược lại!  Đây là dấu hiệu của lòng dũng cảm tuyệt vời.  Nó cũng là dấu hiệu của sự thật rằng người phụ nữ đã không hoàn toàn đồng ý với những gì mà các người có thẩm quyền giảng dạy.  Người phụ nữ đi vào giữa trong đám đông đang chen lấn Chúa Giêsu từ phía, và gần như là len lén, thành công trong việc chạm vào áo Chúa Giêsu.

Mc 5:29:  Người phụ nữ thành công trong việc bà ấy cầu xin và được chữa lành
Vào chính lúc ấy, người phụ nữ cảm thấy trong cơ thể mình đã được chữa lành.  Cho đến ngày nay, tại Palestine, trên một đoạn đường quanh co gần hồ Galilê và gần Cápharnaum, chúng ta co thể đọc được dòng chữ này trên một hòn đá:  “Ở đây, tại nơi này, người phụ nữ bị cho là ô uế nhưng tràn đầy đức tin, đã chạm vào áo Chúa Giêsu và đã được chữa lành!”

Mc 5:30-32:  Phản ứng của Chúa Giêsu và của các môn đệ
Chúa Giêsu cũng cảm thấy có sức mạnh đã xuất phát từ mình:  “Ai đã chạm đến áo Ta?”  Các môn đệ phản ứng:  “Thầy coi đám đông chen lấn Thầy tứ phía; vậy mà Thầy còn hỏi: ‘Ai đã chạm đến Ta?’”  Ở đây một lần nữa chúng ta thấy có một sự bất đồng nho nhỏ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.  Chúa Giêsu có một độ bén nhạy mà các môn đệ không nhìn thấy.  Các ông phản ứng như mọi người khác và không hiểu phản ứng khác biệt của Chúa Giêsu:  Nhưng Chúa Giêsu đã không bỏ qua và tiếp tục hỏi.

Mc 5:33-34:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ được chữa lành bởi vì đức tin của mình
Người phụ nữ nhận ra rằng bà ta đã bị phát hiện.  Đây là thời khắc khó khăn và nguy hiểm cho bà.  Theo sự tin tưởng vào thời ấy, bất cứ ai bị ô uế, giống như người phụ nữ này, đi giữa đám đông, sẽ làm tất cả mọi người ra ô uế chỉ bằng cách chạm vào bà ta.  Một người như thế đã khiến tất cả mọi người ra ô uế trước Thiên Chúa (Lv 15:19-30).  Hình phạt cho việc này là bà ta sẽ bị lôi ra ngoài và bị ném đá.  Mặc dù vậy, người phụ nữ đã có can đảm để làm những gì bà đã làm. Thế mà người phụ nữ, sợ hãi và run rẩy, liền sụp lạy dưới chân Người và thú nhận với Người tất cả sự thật.  Khi ấy Chúa Giêsu loan báo phán quyết cuối cùng của mình:  “Hỡi con… đức tin con đã chữa con; hãy về bình an và được khỏi bệnh!”  Thật là những lời đẹp đẽ và rất nhân bản!  Bằng cách nói “Hỡi con”, Chúa Giêsu đã đón chào người phụ nữ vào gia đình mới, vào trong cộng đoàn đang tụ tập chung quanh Người.  Những gì bà ấy nghĩ tới đã xảy ra.  Chúa Giêsu nhận ra rằng không có đức tin của người phụ nữ ấy thì Người không thể làm phép lạ.

Mc 5:35-36:  Cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Giairô
Ngay vào lúc ấy, người nhà ông Giairô đến nói với ông rằng con gái ông đã chết rồi.  Không cần phải làm phiền đến Chúa Giêsu nữa.  Đối với họ, cái chết là một ngăn cách to lớn và Chúa Giêsu không vượt qua nổi!  Chúa Lắng nghe, nhìn ông Giairô và khuyến khích ông hãy giống như người phụ nữ, nghĩa là hãy tin rằng đức tin có thể đạt được bất cứ điều gì người ta tin.  Chúa Giêsu nói với ông:  “Ông đừng sợ; hãy cứ tin!”

Mc 5:37-40:  Đến nhà Giairô và phản ứng của đám đông
Chúa Giêsu tách ra khỏi đám đông và chỉ cho một vài môn đệ đi với Người.  Khi họ đến nhà ông Giairô, Chúa thấy người ta khóc lóc kêu la trước cái chết của bé gái!  Người bảo họ:  “Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”.  Người trong nhà chế diễu Người.  Họ biết phân biệt khi nào một người đang ngủ và khía một người đã chết.  Đó là nụ cười chế diễu của ông Abraham và bà Sara, đó là tiếng cười của những kẻ không thể tin rằng không có điều gì mà Thiên Chúa không làm được! (Ga 17:17; 18:12-14; Lc:1:37).  Đối với họ cũng vậy, cái chết là một trở ngại không thể vượt qua.  Lời của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.  Trong thời của Máccô, tình trạng của cộng đoàn dường như là một xác chết.  Họ đã phải nghe những lời:  “Quý vị chưa chết đâu!  Quý vị đang ngủ!  Hãy tỉnh dậy đi!”  Chúa Giêsu không màng đến lời chế diễu và bước vào phòng, nơi em bé đang nằm, chỉ có Người, ba môn đệ và cha của đứa bé.

Mc 5:41-43:  Bé gái được sống lại
Cháu Giêsu cầm lấy tay đứa bé và nói rằng:  “Talitha, Koumi!” Và em bé đứng dậy.  Thật là sửng sốt kinh ngạc!  Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh và bảo mang thức ăn đến cho em.  Việc chữa lành của hai người phụ nữ!  Một là em bé mười hai tuổi và một người bị bệnh xuất huyết và đã bị loại trừ trong mười hai năm!  Việc loại trừ của bé gái bắt đầu từ tuổi mười hai bởi vì đó là khi cô bé bắt đầu có chu kỳ kinh nguyệt.  Cô bé bắt đầu chết!  Đức Giêsu có quyền năng cao cả hơn và khiến em sống lại:  “Hãy chỗi dậy!”


  1. c) Phần phụ chú: Những người phụ nữ trong Phúc Âm

Vào thời Tân Ước, những người phụ nữ đã chịu thiệt thòi bởi một lý do đơn giản vì họ là phụ nữ (xem LV 15:19-27; 12:1-5).  Những người phụ nữ đã không được tham gia vào đời sống công khai của hội đường và họ không thể là chứng nhân.  Đó là lý do tại sao nhiều phụ nữ phản đối việc kỳ thị như thế.  Ngay cả vào thời tiên tri Ét-ra, khi mà người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội nặng nề hơn (xem Er 9:1-2; 10:2-3), việc phản đối đã tăng lên, như trong trường hợp của các bà Giuđitha, Étthơ, Rúth, Naomi, Suzanna, phụ nữ Sulamite, và những người khác.  Việc phản kháng này được lặp lại và hoan nghênh bởi Chúa Giêsu.  Dưới đây là một số ví dụ về sự không tuân thủ và đối kháng của giới phụ nữ trong đời sống thường nhật và sự thừa nhận họ của Chúa Giêsu:

Cô gái mãi dâm đã có can đảm thách thức lề luật của xã hội và tôn giáo.  Cô bước vào nhà của một người Biệt Phái để gặp gỡ Chúa Giêsu.  Khi cô gặp Người, cô gặp được tình yêu, sự tha thứ và được bảo vệ khỏi người Biệt Phái.  Người phụ nữ lưng bị còng rạp đã không nghe thấy tiếng la lối của ông trưởng hội đường.  Bà muốn được chữa lành, dù rằng đó là ngày Sabbát.  Chúa Giêsu chào đón bà như người thân và che chở bà trước ông trưởng hội đường (Lc 13:10-17).  Người phụ nữ bị coi như là ô uế vì bà bị mất máu, đã có can đảm để đi vào giữa đám đông và nghĩ trái ngược lại những gì thày giảng về tín lý đã giảng dạy.  Thày giảng đã nói rằng:  “Bất cứ ai đụng chạm vào bà ta thì sẽ trở nên ô uế!”  Nhưng bà nói rằng:  “Nếu tôi có thể chỉ chạm vào áo Người, thì tôi sẽ được lành!” (Mc 5:28).  Bà ấy đã không bị quở trách và được chữa lành.  Chúa Giêsu nói rằng việc khỏi bệnh của bà là hoa trái của đức tin (Mc 5:25-34).  Người phụ nữ Samaritan, kẻ bị khinh bỉ và bị coi là dị giáo, đã có con đảm để tiếp cận Chúa Giêsu và đổi hướng cuộc đối thoại khởi sự từ Người (xem Ga 4:19-25).  Trong Tin Mừng của Gioan, bà ta là người đầu tiên nghe được bí mật rằng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai (Ga 4:26).  Người phụ nữ dân ngoại từ miền Tyrô và Siđôn không chấp nhận sự loại trừ của mình và nói lên điều ấy theo phong cách khiến Chúa Giêsu phải lắng nghe bà (Mc 7:24-30).  Các bà mẹ có con nhỏ thách thức các môn đệ, được đón chào và chúc phúc bởi Chúa Giêsu (Mt 19:13-15; Mc 10:13-16).  Những người phụ nữ thách đố nhà chức trách và đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu (Mc 15:40; Mt 27:55-56,61), cũng là những người đầu tiên được trải nghiệm sự hiện diện của Chúa Giêsu sau khi sống lại (Mc 16:5-8; Mt 28:9-10).  Trong số họ là bà Maria Mađalêna, người bị xem là đã bị ám bởi bảy quỷ và đã được chữa lành bởi Chúa Giêsu (Lc 8:2).  Bà là người đã được lệnh loan báo Tin Mừng về sự sống lại đến các tông đồ (Ga 20:16-18).  Máccô nói rằng:  “các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa.  Lại có nhiều phụ nữ đã cùng với Người đi lên Giêrusalem, cũng có mặt tại đó” (Mk 15:41).  Máccô sử dụng ba từ ngữ quan trọng để xác định cuộc đời của những phụ nữ này: đi theo, giúp đỡ, đi lên Giêrusalem.  Ba từ ngữ này mô tả người môn đệ lý tưởng.  Các bà là mẫu mực cho các môn đệ khác là những kẻ đã chạy trốn!

6.                  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 103 (102)
Hãy cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những điều Người đã làm cho chúng ta!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà,
ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
CHÚA phân xử công minh,
bênh quyền lợi những ai bị áp bức,
mặc khải cho Môisê biết đường lối của Người,
cho con cái nhà Ísrael
thấy những kỳ công Người thực hiện.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,
chẳng trách cứ luôn luôn,
không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét xử,
không trả báo ta xứng với lỗi lầm.
Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,
tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái,
CHÚA cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.
Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì,
hẳn Người nhớ: ta chỉ là cát bụi.
Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Nhưng ân tình CHÚA thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn.
Người xử công minh cả với đời con cháu,
cả những ai giữ giao ước của Người
và nhớ tuân hành mệnh lệnh Người ban.
CHÚA đặt ngai báu trên trời cao thẳm,
quyền đế vương bá chủ muôn loài.
Chúc tụng CHÚA đi, hỡi muôn vì thiên sứ,
bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người,
luôn sẵn sàng phụng lệnh.
Chúc tụng CHÚA đi, toàn thể thiên binh,
hằng hầu cận và tuân hành thánh ý.
Chúc tụng CHÚA đi, muôn vật Chúa tạo thành,
thuộc quyền Người thống trị khắp nơi nơi.
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi!

7.                  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét