05.05 Diễn biến bầu Giáo Hoàng: Hai Hồng Y nổi bật trước
giờ bỏ phiếu. Lời công bố Habemus Papam
VietCatholic Media 04/May/2025
1. Đức Hồng Y Pizzaballa và Đức Hồng Y Eijk nổi lên như
các ứng cử viên tiềm năng cho sứ vụ Giáo Hoàng
Khi Cơ Mật Viện Hồng Y đến gần, ngày càng có nhiều suy đoán về việc ai sẽ kế
nhiệm Đức Thánh Cha Phanxicô làm Đức Giáo Hoàng tiếp theo.
Một ứng cử viên tiềm năng là Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Thượng phụ La tinh
của Giêrusalem. Một nhóm Kitô hữu trẻ từ Palestine, do Cha Firas Abedrabbo, cựu
thư ký riêng của Đức Hồng Y Pizzaballa, dẫn đầu, đã có mặt tại Rôma, ban đầu là
để tham dự lễ tuyên thánh cho Chân phước Carlo Acutis nhưng thay vào đó lại có
mặt tại tang lễ của Đức Giáo Hoàng. Nhóm này cho biết họ ủng hộ việc bầu Đức Hồng
Y Pizzaballa lên ngôi Giáo Hoàng.
Theo Cha Firas Abedrabbo, Đức Hồng Y là người giữ vững lập trường ở Thánh Địa.
Ngài là một nhà ngoại giao khôn ngoan, thông thạo tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Ả Rập
và tiếng Do Thái (cổ và hiện đại). Đức Hồng Y Pizzaballa là người bảo vệ tín lý
vững chắc.
Cha Firas Abedrabbo nhận xét rằng một số quan sát viên thông thạo về Vatican cả
quyết theo kinh nghiệm của họ rằng các thành viên của các dòng tu, được đào tạo
theo các đặc sủng riêng của các dòng tu đó, không phải là các papabili lý tưởng.
Tuy nhiên, vị linh mục này khẳng định rằng vị Hồng Y “người Ý to lớn, nhanh
trí, thực tế” này là một ngoại lệ.
Một số quan sát viên cũng đề cập đến Đức Hồng Y Wim Eijk, Tổng Giám Mục
Utrecht, Hòa Lan. Họ cho rằng ngài không phải là thành viên của một dòng tu, và
điều này nói lên rất nhiều lợi thế của ngài.
Việc đào tạo những vị cho đời sống tu trì nhấn mạnh đến đặc sủng độc đáo của
dòng tu, thường dẫn đến công tác tông đồ chuyên biệt. Đức Cố Giáo Hoàng
Phanxicô nói rằng các mục tử phải “có mùi như đàn chiên của họ”. Theo nghĩa đó,
nhiều người tin rằng các linh mục triều có nhiều khả năng thể hiện phẩm chất đó
hơn so với những vị trong các dòng tu.
Đức Hồng Y Eijk được thụ phong vào những năm 1980 tại Hòa Lan, thời điểm và địa
điểm của sự thế tục hóa sâu sắc. Ngài không có ảo tưởng về xã hội thế tục và miễn
nhiễm với sự cám dỗ muốn tỏ ra vui vẻ với chủ nghĩa hư vô hậu hiện đại.
2. Điều gì xảy ra vào ngày đầu tiên của Cơ Mật Viện?
Vào buổi sáng ngày 7 Tháng Năm, ngày Cơ Mật Viện khai mạc, các Hồng Y sẽ cử tri
cử hành Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Vào buổi chiều lúc 4:30 chiều, các
ngài tập trung tại Nhà nguyện Pauline trong Điện Tông tòa và long trọng diễn
hành đến Nhà nguyện Sistina, nơi các ngài sẽ họp cho đến khoảng 7:30 tối.
Các Hồng Y tuyên thệ tuân thủ các quy tắc được nêu trong “Universi Dominici
Gregis”, đặc biệt là những quy tắc yêu cầu giữ bí mật. Các ngài cũng tuyên thệ
không ủng hộ sự can thiệp vào cuộc bầu cử của bất kỳ chính quyền thế tục nào hoặc
“bất kỳ nhóm người hoặc cá nhân nào muốn can thiệp vào cuộc bầu cử vị Giáo
Hoàng Rôma”. Cuối cùng, các cử tri tuyên thệ rằng bất kỳ ai được bầu sẽ thực hiện
“munus Petrinum” hay “Sứ vụ Phêrô” của mục tử toàn thể Hội Thánhvà sẽ “khẳng định
và bảo vệ mạnh mẽ các quyền và tự do về tinh thần và thế tục của Tòa thánh”.
Sau khi tuyên thệ, mọi người không liên quan đến Cơ Mật Viện đều được lệnh rút
lui với những từ tiếng Latin “Extra omnes”, “Mọi người ra ngoài!” Sau đó, Nhà
nguyện Sistina và cả nhà trọ Santa Martha bị đóng cửa đối với những người không
được phép của Đức Hồng Y Nhiếp Chính Kevin Farrell. Bên ngoài Cơ Mật Viện, Đức
Hồng Y nhiếp chính được hỗ trợ bởi Đức Tổng Giám Mục Edgar Peña Parra, Phụ Tá
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, người chỉ đạo nhân viên Vatican bảo vệ tính toàn vẹn
và an ninh của Cơ Mật Viện.
Sau khi mọi người khác rời đi, một giáo sĩ được hội đồng Hồng Y chọn trước đó sẽ
đưa ra một bài suy ngẫm “về bổn phận nghiêm trọng mà các Hồng Y cử tri phải
gánh vác và do đó là nhu cầu hành động với ý định đúng đắn vì lợi ích của Giáo
hội hoàn vũ, solum Deum prae oculis habentes [chỉ có Chúa trước mắt bạn].” Khi
hoàn thành, ngài rời Nhà nguyện Sistina cùng với người chủ trì các nghi lễ phụng
vụ của Đức Giáo Hoàng, để chỉ còn lại các Hồng Y cử tri. Thời gian trong nhà
nguyện là để cầu nguyện và bỏ phiếu trong im lặng, không phải để đọc diễn văn vận
động tranh cử. Các cuộc đàm phán và tranh luận sẽ diễn ra bên ngoài nhà nguyện.
Nếu muốn, các Hồng Y có thể ngay lập tức bắt đầu quá trình bầu cử và tổ chức một
cuộc bỏ phiếu vào buổi chiều của ngày đầu tiên.
Hiện nay, Hồng Y Đoàn có 135 Hồng Y cử tri nhưng có 2 vị không thể đến được vì
lý do sức khoẻ, nên chỉ có 133 Hồng Y bỏ phiếu. Người được bầu làm Giáo Hoàng
phải được ít nhất là 89 phiếu.
Nếu không vị nào nhận được đủ số 89 phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu vào buổi
chiều của ngày đầu tiên, các Hồng Y sẽ họp lại vào sáng hôm sau.
3. Điều gì xảy ra sau khi các Hồng Y bầu được Đức Giáo Hoàng? Lời công bố
Habemus papam
Theo tin tưởng phổ biến hiện nay, vào khoảng ngày này tuần sau, chúng ta sẽ có
nhiều khả năng được nghe lời công bố Habemus papam.
Habemus papam hay Papam habemus, nghĩa là “Chúng ta đã có Đức Giáo Hoàng” là lời
thông báo theo truyền thống do vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế loan báo bằng tiếng
Latinh, đưa ra khi Cơ Mật Viện bầu ra được một vị Tân Giáo Hoàng.
Vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế công bố Habemus papam phải là một Hồng Y cử tri và
tham gia Cơ Mật Viện để khi có Tân Giáo Hoàng, ngài có mặt sẵn ở đó để đưa ra lời
loan báo Habemus papam. Nếu ngài không phải là Hồng Y cử tri hay vì lý do gì đó
không thể tham gia Cơ Mật Viện, như đau yếu chẳng hạn, thì Hồng Y Đoàn sẽ quyết
định chọn một vị khác thường là vị Hồng Y cao niên nhất trong số các Hồng Y phó
tế đang có mặt trong nhà nguyện Sistina.
Hồng Y Đoàn cũng phải chọn một vị khác nếu như chính vị Hồng Y trưởng đẳng phó
tế ấy được bầu làm Tân Giáo Hoàng.
Trong Cơ Mật Viện hiện nay, hầu như chắc chắn là Đức Hồng Y Dominique Mamberti,
là vị Hồng Y trưởng đẳng phó tế hiện nay, sẽ công bố Habemus papam.
Ngài sẽ đi trước Đức Tân Giáo Hoàng ra ban công trung tâm của Đền Thờ Thánh
Phêrô. Ở đó ngài sẽ long trọng công bố trước thế giới danh tính vị Tân Giáo
Hoàng trong lời loan báo Habemus papam.
Lời loan báo ấy bằng tiếng Latinh theo định dạng sau
Annuntio vobis gaudium magnum;
Habemus Papam:
Eminentissimum ac Reverendissimum Dominum,
Dominum
Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalem
qui sibi nomen imposuit.
Dịch ra tiếng Việt có nghĩa là
Tôi báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao;
chúng ta vừa có một vị Giáo Hoàng:
vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất,
Đức
Là Hồng Y của Giáo hội Rôma thánh thiện
người đã lấy hiệu là.
Nội dung thông báo một phần được lấy cảm hứng từ Phúc âm Luca 2:10–11, ghi lại
lời thiên thần báo tin cho những người chăn chiên về sự ra đời của Đấng Mêsia:
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:
Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là
Đấng Kitô Đức Chúa”
Việc áp dụng công thức này có từ khi Đức Hồng Y Odo Colonna được bầu làm Đức
Giáo Hoàng Martin Đệ Ngũ vào năm 1417. Ngài được các Hồng Y và đại diện từ các
quốc gia khác nhau chọn làm Tân Giáo Hoàng tại Công đồng Constance trong bối cảnh
Giáo Hội có đến 3 ngụy Giáo Hoàng. Do đó, thông báo này có thể được hiểu là:
“Cuối cùng, chúng ta đã có một Đức Giáo Hoàng và chỉ một!”
Công thức chúng tôi vừa nêu ở trên chỉ là một định dạng, nghĩa là, các vị công
bố Habemus Papam có thể sửa lại chút đỉnh.
Trong cuộc bầu cử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 16 Tháng Mười, 1978, Đức
Hồng Y Pericle Felici nói như sau, toàn bộ bằng tiếng Latinh:
Tôi xin báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao; chúng ta vừa có một vị Giáo
Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và có uy tín nhất, Đức Hồng Y Karol Wojtyła của
Giáo hội Rôma thánh thiện, người lấy hiệu là Gioan Phaolô.
Trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, ngày 19 tháng 4 năm 2005 – đầu
tiên Đức Hồng Y Jorge Medin nói bằng tiếng Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Anh câu
“Anh chị em thân mến”. Rồi ngài nói bằng tiếng Latinh,
Tôi xin báo một tin vui trọng đại cho anh chị em; chúng ta vừa có một Vị Giáo
Hoàng: vị lãnh đạo đáng kính và uy tín nhất, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, của
Giáo hội Rôma, người lấy hiệu là Bênêđíctô XVI.
Trong cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 13 tháng 3 năm 2013 - Đức Hồng
Y Jean-Louis Tauran nói bằng tiếng Latinh:
Tôi xin báo cho anh chị em một niềm vui lớn lao; chúng ta có một vị Giáo Hoàng:
vị lãnh đạo đáng kính và uy tín nhất, Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Giáo
hội Rôma, người lấy hiệu là Phanxicô.
Sau thông báo, Đức Tân Giáo Hoàng được giới thiệu với mọi người, và ngài sẽ ban
phước lành Urbi et Orbi đầu tiên cho dân thành Rôma và toàn thế giới.
Danh hiệu Giáo Hoàng ban đầu có ý định Công Giáo hóa tên khai sinh của vị Tân
Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng John Đệ Nhị, được bầu vào năm 533, là người đầu tiên
làm như vậy vì tên khai sinh của ngài là Mercurius, theo tên vị thần Mercury của
Rôma. Hiện nay, danh hiệu Giáo Hoàng thường được coi là sự tôn vinh các Giáo
Hoàng trước đó và là dấu hiệu cho thấy đường lối công việc của vị tân Giáo
Hoàng.
Nếu danh hiệu Giáo Hoàng lần đầu tiên được sử dụng như trong trường hợp Đức
Giáo Hoàng Phanxicô, lời công bố Habemus Papam sẽ không nhắc đến cụm từ Đệ Nhất.
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran chỉ đơn giản nói danh hiệu của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô là Franciscum thay vì Franciscum primi.
Nếu danh hiệu Giáo Hoàng của vị mới được bầu trùng với danh hiệu Giáo Hoàng của
vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài, lời công bố Habemus Papam cũng không nhắc đến
con số theo sau danh hiệu ấy. Tháng 10, 1978 đã xảy ra trường hợp như vậy. Danh
hiệu Giáo Hoàng của Đức Karol Wojtyła là Gioan Phaolô II. Danh hiệu của vị tiền
nhiệm cũng là Gioan Phaolô. Vì thế, Đức Hồng Y Pericle Felici công bố danh hiệu
Giáo Hoàng của ngài là Gioan Phaolô thay vì Gioan Phaolô II.
4. Cơ Mật Viện có thể kéo dài bao lâu?
Cơ Mật Viện kéo dài cho đến khi một vị tân Giáo Hoàng được bầu. Cơ Mật Viện cuối
cùng kéo dài hơn năm ngày là vào năm 1831: Cơ Mật Viện này kéo dài 54 ngày. Vào
thế kỷ 13, Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng đến một năm rưỡi trước khi Đức
Innôcentê Đệ Tứ được bầu. Tòa Thánh cũng trống ngôi Giáo Hoàng trong ba năm rưỡi
trước khi Đức Grêgôriô Mười lên ngôi. Kể từ đó, 29 Cơ Mật Viện đã kéo dài một
tháng hoặc hơn. Thường thì chiến tranh hoặc bất ổn dân sự ở Rôma đã gây ra những
thời kỳ gián đoạn kéo dài này. Đôi khi sự chậm trễ là do chính các Hồng Y gây
ra, những người được hưởng quyền lực và phần thưởng tài chính trong điều kiện
Tòa Thánh không có Giáo Hoàng. Những sự lạm dụng này đã dẫn đến các quy tắc chi
phối thời kỳ gián đoạn và yêu cầu phải triệu tập Cơ Mật Viện nhanh chóng.
Các Cơ Mật Viện năm 2005 và 2013 đã kết thúc trong vòng 24 giờ.
Chuyện gì xảy ra sau ngày đầu tiên?
Nếu không vị nào nhận được số 89 phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu vào buổi tối
ngày đầu tiên, vào ngày hôm sau, các Hồng Y cử hành Thánh lễ lúc 8:15 sáng tại
Nhà nguyện Pauline và sau đó họp lại tại Nhà nguyện Sistina lúc 9:30 sáng. Sau
khi đọc Kinh Nhật tụng, các ngài lại bỏ phiếu. Nếu các ngài lại không thành
công, các ngài sẽ bỏ phiếu lại ngay lập tức. Từ đó trở đi, có thể có hai cuộc bỏ
phiếu vào buổi sáng (bắt đầu lúc 9:30 sáng) và hai cuộc bỏ phiếu vào buổi chiều
(bắt đầu lúc 4:50 chiều).
Nếu cuộc bỏ phiếu thứ hai trong một buổi diễn ra, các tài liệu từ hai cuộc bỏ
phiếu trong một buổi sẽ được đốt cùng một lúc. Do đó, hai lần một ngày, sẽ có
khói đen vào khoảng giữa trưa, hay 5 giờ chiều giờ Việt Nam; và 7 giờ tối hay nửa
đêm theo giờ Việt Nam, từ ống khói trên đỉnh Nhà nguyện Sistina được gắn vào bếp
lò cho đến khi một Đức Giáo Hoàng được bầu.
Khói trắng có thể xuất hiện vào những thời điểm này hoặc sớm hơn, khoảng 10:30
sáng hay 3:30 chiều giờ Việt Nam, hoặc 5:30 chiều hay 10:30 tối giờ Việt Nam, nếu
một vị Giáo Hoàng được bầu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên vào buổi sáng hoặc buổi
chiều.
Nếu sau ba ngày các Hồng Y vẫn chưa bầu được ai, các cuộc bỏ phiếu có thể bị
hoãn lại tối đa một ngày để cầu nguyện và thảo luận giữa các cử tri. Trong thời
gian nghỉ này, một bài giảng ngắn gọn sẽ được đưa ra bởi vị Hồng Y trưởng đẳng
phó tế. Sau đó, bảy cuộc bỏ phiếu khác sẽ diễn ra, tiếp theo là một cuộc đình
chỉ và một bài giảng ngắn gọn của vị Hồng Y trưởng đẳng linh mục. Sau đó, bảy
cuộc bỏ phiếu khác sẽ diễn ra, tiếp theo là một cuộc đình chỉ và một bài giảng
ngắn gọn của vị Hồng Y trưởng đẳng giám mục. Sau đó, cuộc bỏ phiếu sẽ tiếp tục
cho bảy lần bỏ phiếu khác.
Nếu không có ứng cử viên nào nhận được ít nhất 89 phiếu sau cuộc bỏ phiếu này,
“Universi Dominici Gregis”, được ban hành năm 1996, cho phép bỏ qua yêu cầu về
số phiếu đa số hai phần ba, cụ thể là vị nào nhận được hơn một nửa tức là 67
phiếu thì đắc cử.
Sự đổi mới này đã bị chỉ trích, là trái ngược với truyền thống hàng thế kỷ. Giả
sử một vị được một nhóm khoảng 67 Hồng Y ủng hộ nhưng không đủ 89 phiếu. Các Hồng
Y trong nhóm này có thể giữ vững lập trường trong khoảng 10 đến 12 ngày cho đến
khi quy tắc thay đổi từ 89 xuống còn 67. Nhóm thiểu số bị ép phải nhượng bộ, vì
mọi người đều biết rằng cuối cùng thì đa số sẽ thắng thế. Trong trường hợp như
vậy, thiểu số chắc chắn sẽ nhượng bộ thay vì gây phẫn nộ cho các tín hữu và làm
phật lòng người chắc chắn sẽ trở thành Giáo Hoàng.
Các Hồng Y tham dự Cơ Mật Viện năm 2005 nói với John Allen của tờ Crux rằng họ
rất ý thức được thực tế rằng sẽ khó có thể ngăn cản bất kỳ ai có hơn quá bán ủng
hộ.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không giải thích trong “Universi Dominici
Gregis” lý do tại sao ngài thực hiện thay đổi này. Có lẽ ngài sợ một Cơ Mật Viện
dài. Bằng cách cung cấp cho các Hồng Y nơi ở thoải mái hơn, ngài đã giảm yếu tố
khó chịu khiến các Cơ Mật Viện dài làm nản lòng. Cho phép các Hồng Y bầu một vị
Giáo Hoàng với đa số quá bán làm giảm khả năng Cơ Mật Viện kéo dài trong nhiều
tháng.
Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã đảo ngược sáng kiến của Thánh Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II và quay trở lại với yêu cầu tuyệt đối là đa số hai phần
ba. Đức Bênêđíctô cũng chỉ thị rằng nếu các Hồng Y bị bế tắc sau 33 hoặc 34 cuộc
bỏ phiếu (tùy thuộc vào việc có bỏ phiếu vào ngày đầu tiên hay không), sau khi
đã mất 13 ngày, thì các cuộc bỏ phiếu vòng hai giữa hai ứng cử viên hàng đầu sẽ
được tổ chức. Thủ tục này cũng có vấn đề, bởi vì nếu không ứng cử viên nào có
thể nhận được hai phần ba phiếu bầu, thì Cơ Mật Viện sẽ bị bế tắc và không có
khả năng chọn ứng cử viên thứ ba làm người thỏa hiệp. Hai Hồng Y hàng đầu không
thể bỏ phiếu trong các cuộc bỏ phiếu vòng hai, mặc dù các ngài vẫn ở trong Nhà
nguyện Sistina, nơi các Cơ Mật Viện được tổ chức. Các quy tắc mới của Đức
Bênêđíctô cũng không nói phải làm gì nếu hai ứng cử viên cứ tiếp tục không nhận
đủ 89 phiếu.
5. Đức Hồng Y Gerhard Müller kêu gọi các Hồng Y vượt qua chủ nghĩa bè phái
Đức Hồng Y Gerhard Müller kêu gọi một đường lối sâu sắc hơn, dựa trên đức tin để
vượt qua chủ nghĩa bè phái khi các Hồng Y chuẩn bị cho Cơ Mật Viện bầu Đức Giáo
Hoàng sắp tới, CNA Deutsch đưa tin.
Đức Hồng Y cảnh báo chống lại bất kỳ “suy nghĩ có tính chất phân loại mọi người
thành bạn bè hay thù địch” thành những người “ủng hộ tôi” hoặc “chống lại tôi”.
Ngài gọi sự chia rẽ như vậy đặc biệt “có hại cho Giáo hội, vốn theo bản chất là
dấu chỉ, là công cụ” của sự hiệp nhất và sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa
con người.
Đức Hồng Y Müller, người từng giữ chức Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin từ năm
2012 đến năm 2017, đưa ra góc nhìn sâu sắc về khái niệm “ngoại vi” được Đức
Giáo Hoàng Phanxicô phổ biến.
Cảnh báo về sự tương phản về mặt ý thức hệ giữa “trung tâm và ngoại vi”, ngài
nói với EWTN Đức rằng thế giới là một hình cầu mà mỗi người đều đứng cách đều
trung tâm của nó — và Bí tích Thánh Thể, dù được cử hành ở Amazon hay Đền Thờ
Thánh Phêrô, vẫn là nghi lễ thiêng liêng giống nhau, đoàn kết các tín hữu trên
toàn thế giới trong một đức tin chung.
6. Đức Hồng Y Singapore xin cầu nguyện cho Cơ Mật Viện phân định được vị
Giáo Hoàng nào mà Giáo Hội cần
Trong một lá thư mục vụ do Tổng giáo phận Singapore công bố, Đức Hồng Y William
Goh hay Ngô Thành Tài đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho các Hồng Y tham gia
bầu người kế vị Thánh Phêrô.
Trước tiên, Đức Cha Goh lưu ý rằng các thành viên của Hồng Y đoàn đang tổ chức
các phiên họp chung “để lắng nghe quan điểm và đánh giá” về tình hình hiện tại
và “những gì Giáo hội cần làm sau Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.
“Do đó, điều cấp thiết và quan trọng là tất cả anh chị em hãy cầu nguyện cho
chúng tôi để chúng tôi có thể nhận ra được Đức Giáo Hoàng nào mà Giáo hội cần
trong thời đại ngày nay, bởi vì mỗi Đức Giáo Hoàng đều mang theo những đặc sủng
riêng của mình”, vị giám mục nhấn mạnh.
Đức Hồng Y đã yêu cầu mọi người cầu nguyện “để chúng ta có thể chọn được ứng
viên phù hợp làm người kế vị Thánh Phêrô để lãnh đạo Giáo hội trong thế giới phức
tạp này”.
Cụ thể, Đức Hồng Y khuyến khích tổ chức “chuỗi chín ngày, kinh mân côi và lòng
sùng kính lòng thương xót Chúa để cầu nguyện sốt sắng, không ngừng nghỉ, để các
Hồng Y được Chúa Thánh Thần hướng dẫn bầu ra một Đức Giáo Hoàng tốt lành, thánh
thiện, nhân từ, khôn ngoan và mạnh mẽ”.
ngài nói thêm, một Vị Giáo Hoàng, “sẽ không chỉ là người chăn chiên theo thánh
ý Chúa Kitô mà còn phải can bảo đảm vệ kho tàng đức tin được truyền lại cho
Giáo hội qua nhiều thời đại”.
7. Đức Giáo Hoàng tiếp theo cần một chính sách tốt hơn với Trung Quốc
Nina Shea, nhà hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ có bài nhận định nhan đề “The Next
Pope Needs a Better China Policy”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng tiếp theo cần một
chính sách tốt hơn với Trung Quốc”.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần
trình bày của Kim Thúy
Cải cách chính sách của Vatican đối với Trung Quốc nên là ưu tiên của Đức Giáo
Hoàng tiếp theo. Đường lối hiện tại được định hình bởi thỏa thuận gây tranh cãi
năm 2018 của Vatican với Trung Quốc về việc chia sẻ quyền lực với Bắc Kinh
trong việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo. Nó làm tổn hại nghiêm trọng đến
Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc và làm xói mòn thẩm quyền tôn giáo và đạo đức của
Đức Giáo Hoàng.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, là kiến trúc sư của
thỏa thuận với Trung Quốc và là người nhiệt tình nhất. Bắc Kinh đã không che đậy
khi ám chỉ rằng ngài là lựa chọn hàng đầu của Trung Quốc cho Vị Giáo Hoàng tiếp
theo. Tại một cuộc họp báo vào ngày 22 tháng 4—một ngày sau khi Đức Thánh Cha
Phanxicô qua đời—phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến đã đưa ra viễn
cảnh “cải thiện quan hệ Trung Quốc-Vatican” thông qua quan hệ đối tác “tiếp tục”,
và không ai trong số các ứng cử viên Giáo Hoàng hàng đầu có nhiều kinh nghiệm
làm việc với Trung Quốc hơn Đức Hồng Y Parolin.
Trong một diễn biến có thể gây trở ngại cho mong muốn của Bắc Kinh, tại Thượng
Hải và Hà Nam, chính quyền địa phương đã bổ nhiệm Giám Mục trái phép trong thời
gian Tòa Thánh trống ngôi Giáo Hoàng cho hai linh mục Ngô Kiến Lâm (Wu Jianlin,
吴建林)
và Lý Kiến Lâm (Li Janlin, 李建林). Diễn biến này chắc chắn có ảnh hưởng sâu sắc đến khả
năng các Hồng Y cử tri lựa chọn Đức Hồng Y Pietro Parolin vào ngôi Giáo Hoàng.
Tuy nhiên, những ai có kinh nghiệm với các nước cộng sản đều không ngạc nhiên
trước cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa trung ương và địa phương. Trái lại,
điều đó càng nhấn mạnh đến khó khăn trong việc thực thi các thỏa thuận với
Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp chính quyền trung ương của nước này thật
tình muốn thực hiện các thỏa thuận ấy.
Thỏa thuận này gây nguy hiểm cho các giáo sĩ trung thành ở Trung Quốc. Một lời
nhắc nhở rõ ràng về thực tế này đã diễn ra vào tháng trước khi các cơ quan an
ninh nhà nước Trung Quốc giam giữ vô thời hạn Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn của giáo
phận Công Giáo Ôn Châu mà không có thủ tục tố tụng hợp lệ. Đây là lần thứ tám vị
giáo sĩ thầm lặng sáu mươi mốt tuổi bị giam giữ trong bảy năm qua.
Ít nhất mười giám mục Công Giáo ở Trung Quốc hiện đang bị giam giữ vô thời hạn
hoặc bị hạn chế chức vụ vì phản đối sự kiểm soát của chính phủ đối với Giáo Hội
Công Giáo của họ. Vatican âm thầm chấp nhận và che đậy sự đàn áp này và sau thỏa
thuận năm 2018, đã rút lại sự ủng hộ của mình đối với Giáo Hội thầm lặng.
Ngoài những giám mục bị gạt ra ngoài lề này, còn có những giám mục đã qua đời
trong bảy năm qua và để lại tình trạng trống tòa. Vatican và Trung Quốc chỉ
thay thế khoảng một chục vị trong số họ, để lại khoảng ba mươi giáo phận trống
tòa. Tuy nhiên, Vatican, giống như Bắc Kinh, khẳng định rằng thỏa thuận đang có
hiệu quả và đã gia hạn vào tháng 10 năm ngoái thêm bốn năm nữa.
Trung Quốc ngay lập tức bắt đầu sử dụng thỏa thuận này để gây áp lực buộc các
giám mục tham gia Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, một nhóm do Ban Công
tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Các thành viên được
yêu cầu phải đưa ra lời cam kết về “tính độc lập” khỏi Đức Giáo Hoàng. Không có
Đức Giáo Hoàng nào công nhận hiệp hội này là hợp pháp.
Đức Hồng Y Parolin đã hợp tác thúc đẩy giáo sĩ Công Giáo vào Hiệp hội Yêu nước.
Năm 2019, Vatican đã ban hành các hướng dẫn mục vụ thiết lập tư cách thành viên
hiệp hội là chuẩn mực mới cho giáo sĩ Trung Quốc, nhưng cũng cho phép phản đối
vì lý do lương tâm. Đồng thời, để cho Trung Quốc đi đầu trong việc bổ nhiệm các
giám mục.
Kết quả là, các giáo sĩ thể hiện lòng trung thành chính trị với Chủ tịch Tập Cận
Bình được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, và những người từ chối từ bỏ liên kết
tôn giáo với Đức Giáo Hoàng sẽ bị đàn áp. Giáo phận Thượng Hải là một ví dụ điển
hình về điều này. Kể từ thế kỷ XVII, Thượng Hải đã là giáo phận lớn nhất và
quan trọng nhất của Trung Quốc. Đó là giáo phận của Hồng Y Ignaxiô Cung Phần
Mai, giám mục Công Giáo Trung Quốc đầu tiên trên thế giới, người đã phải chịu đựng
ba mươi ba năm tù vì từ chối từ bỏ Đức Giáo Hoàng. Nhờ thỏa thuận với Trung Quốc,
giáo phận đáng kính này hiện nằm trong tay Hiệp hội Yêu nước, với sự ban phước
của Đức Giáo Hoàng.
Trong mười bốn năm qua, hai giám mục được Vatican chấp thuận của Thượng Hải đã
bị đàn áp. Đức Cha Giuse Hình Văn Chi đã biến mất một cách bí ẩn khỏi tầm nhìn
của công chúng vào năm 2011 sau khi phục vụ với tư cách là Giám Mục Phụ Tá
trong sáu năm với sự chấp thuận của chính phủ. Ngài đã mất lòng tin của đảng
sau khi tuyên bố rằng ngài sẽ “trung thành phục vụ” Đức Giáo Hoàng tại lễ tấn
phong giám mục của mình và sau khi liên tục phản đối tư cách thành viên Hiệp hội
Yêu nước. Năm sau, Đức Cha Tađêô Mã Đạt Thanh được bổ nhiệm làm giám mục Thượng
Hải với sự chấp thuận của cả Vatican và Bắc Kinh. Tại Thánh lễ tấn phong, ngài
đã công khai rời khỏi Hiệp hội Yêu nước, viện dẫn lời của Thánh Ignaxiô: “Chúng
ta phải chọn một cách sẽ phục vụ Chúa với vinh quang lớn hơn”. Ngài đã bị quản
thúc tại gia vào ngày hôm đó tại một chủng viện, nơi ngài vẫn bị giam giữ mà
không có bất kỳ thủ tục hợp pháp nào. Cả quyền tự do của ngài và của Giám Mục
Hình Văn Chi đều không nằm trong thỏa thuận của Vatican.
Vào ngày 4 tháng 4 năm 2023, hội đồng giám mục của Hiệp hội Yêu nước đã đơn
phương bổ nhiệm Giám mục Giuse Thẩm Bân, chủ tịch của cái Hội Đồng ấy, lãnh đạo
giáo phận Thượng Hải. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không được nói gì về vấn đề này,
nhưng ngài vẫn chấp thuận việc bổ nhiệm Thẩm Bân ba tháng sau đó. Đức Hồng Y
Parolin nhanh chóng ca ngợi Thẩm Bân là một “mục tử đáng kính” và tuyên bố sai
lệch rằng sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng là “để sửa chữa sự bất thường về
giáo luật” vì “lợi ích lớn hơn của giáo phận”. Ngài cũng hy vọng rằng việc hợp
tác với Trung Quốc có thể “ủng hộ một giải pháp công bằng và khôn ngoan” cho
các Giám mục Giuse Hình Văn Chi và Tađêô Mã Đạt Thanh. Những hy vọng đó đã bị dập
tắt khi vào ngày 28 tháng 4 vừa qua, khi chính quyền ở Thượng Hải đã bỏ qua các
ngài để chiếm đoạt chức Giám Mục Phụ Tá, trắng trợn lợi dụng thời gian trống
ngôi Giáo Hoàng để một lần nữa vi phạm thỏa thuận và “bầu” một linh mục yêu nước
làm giám mục mới và đơn phương bổ nhiệm ông ta làm Giám Mục Phụ Tá của Thẩm
Bân. Hà Nam cũng hành động tương tự.
Giám mục Thẩm Bân thể hiện lòng nhiệt thành của đảng, với địa vị mới của mình,
hứa hẹn sẽ chuyển đổi mạnh mẽ Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng
vấn vào tháng 8 năm 2023, ông ta kiên quyết rằng đàn chiên của mình phải từ chối
thẩm quyền của Giáo Hoàng, khi nhấn mạnh rằng họ phải “tuân thủ nguyên tắc độc
lập và tự chủ trong việc điều hành Giáo hội”. Vài tháng trước, Thẩm Bân đã gặp
gỡ các giáo sĩ Hương Cảng trong một cuộc họp mà ông mở đầu bằng cách ca ngợi Đại
hội toàn quốc lần thứ XX “được tổ chức thành công” gần đây của Đảng Cộng sản
Trung Quốc và nói rằng “tinh thần” của đại hội sẽ hỗ trợ cho mục tiêu “Hán hóa”
Giáo hội tại Trung Quốc của Hiệp hội Yêu nước. Ông cũng khẳng định “tư tưởng của
Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc cho kỷ nguyên mới”,
báo hiệu sự pha trộn đáng lo ngại giữa tín lý Công Giáo và ý thức hệ cộng sản
khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng điều chỉnh tôn giáo theo học thuyết của đảng.
Thẩm Bân đã gây sốc cho các giáo sĩ Hương Cảng, khi tuyên bố: “Cần phải hợp tác
cùng với chính phủ thúc đẩy việc dịch và diễn giải Kinh thánh”.
Thượng Hải không phải là ngoại lệ. Kể từ khi có thỏa thuận, các chức vụ giám mục
ở các địa phương khác đã được lấp đầy bởi những kẻ cuồng tín của Đảng Cộng sản
Trung Quốc, được Vatican chấp thuận, trong khi các giám mục trung thành bị đàn
áp. Ví dụ, theo yêu cầu của Bắc Kinh vào năm 2018, Vatican đã yêu cầu Đức Cha
Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) của giáo phận Mân Đông từ chức để
nhường chỗ cho một giám mục bị vạ tuyệt thông, người sau đó đã được Đức Thánh
Cha Phanxicô phục hồi và chấp thuận. Vào tháng Giêng, Đức Cha Quách Hy Cẩm được
chụp ảnh lần cuối khi bị nhốt trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ.
Vatican từ lâu đã áp dụng chính sách Ostpolitik của mình là không chỉ trích
Trung Quốc. Nhưng vào năm 2018, khi Giáo triều bắt đầu thúc đẩy thỏa thuận, họ
bắt đầu tích cực ca tụng Bắc Kinh. Năm đó, hiệu trưởng Viện Hàn lâm Khoa học
Giáo Hoàng đã gây chú ý khi ngài ca ngợi người Trung Quốc vì “là quốc gia trên
thế giới thực hiện tốt nhất học thuyết xã hội của Giáo hội”. Hồng Y Parolin đã
nhiều lần thúc đẩy tuyên truyền của Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo năm 2020,
ngài đã thẳng thừng phủ nhận “cuộc đàn áp” Giáo hội tại Trung Quốc, nói rằng chỉ
có “các quy định được áp đặt và liên quan đến tất cả các tôn giáo”.
Đức Hồng Y cũng khẳng định sai rằng “Hán hóa” ám chỉ “một cách không nhầm lẫn”
đến “hội nhập văn hóa”, tức là hoạt động truyền giáo tiếp nhận nghệ thuật địa
phương và các hoạt động văn hóa được chấp thuận trong lòng sùng đạo Kitô. Tuy
nhiên, Hán hóa theo Đảng Cộng sản Trung Quốc đòi hỏi các bài giảng phải tập
trung vào những câu nói của Tập Cận Bình và trẻ em phải được “bảo vệ” khỏi việc
khai tâm tôn giáo. Kể từ ngày 1 tháng 5, người nước ngoài và người Trung Quốc
không được phép cùng nhau tham gia các hoạt động tôn giáo, cùng với các hạn chế
khác.
Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã cáo buộc Hồng Y Parolin “thao
túng” Đức Thánh Cha Phanxicô để phê duyệt thỏa thuận bằng cách tuyên bố sai sự
thật rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 đã phê duyệt dự thảo. Trong một bài đăng
trên blog vào tháng 10 năm 2020, Hồng Y Hương Cảng đã không ngần ngại nói:
“Parolin biết ông ta đang nói dối, ông ta biết rằng tôi biết ông ta là kẻ nói dối,
ông ta biết rằng tôi sẽ nói với mọi người rằng ông ta là kẻ nói dối.”
Bắc Kinh đã lợi dụng thỏa thuận này, và Giáo Hội Công Giáo đang phải chịu đau
khổ vì điều đó. Chúng ta cần một chính sách tốt hơn—một chính sách không chia sẻ
quyền lực quan trọng của Đức Giáo Hoàng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo Giáo Hội
Công Giáo với một chính phủ vô thần và ủng hộ việc duy trì Giáo hội thông qua một
tổ chức ngầm trung thành. Điều đó đã quá hạn từ lâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét