Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV dâng Thánh lễ với các Hồng y,
kết thúc mật viện
Sáng thứ Sáu 9/5/2025, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô XIV đã chủ sự
Thánh Lễ tại nhà nguyện Sistine cùng với các hồng y để tạ ơn Chúa và bế mạc Mật
nghị. Trong Thánh Lễ có sự hiện diện của các hồng y cử tri và một số hồng y
trên 80 tuổi.
Mở đầu bài giảng, Đức Tân Giáo Hoàng Lêô nói ứng khẩu một
chia sẻ ngắn bằng tiếng Anh, sau đó ngài đọc bài giảng đã được soạn bằng tiếng
Ý.
Ngài nói: tôi muốn lặp lại lời trong Thánh Vịnh Đáp Ca: “Hát lên mừng
CHÚA một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công". Quả thật,
không chỉ với tôi mà với tất cả chúng ta. Các Hồng y anh em, trong buổi cử hành
sáng nay, tôi mời anh em nhận ra những kỳ công Chúa đã thực hiện, những phúc
lành mà Người không ngừng tuôn đổ trên tất cả chúng ta qua Thừa tác vụ Phêrô.
Anh em đã gọi tôi vác thập giá ấy, được chúc lành với sứ mạng
đó, và tôi biết mình có thể tin cậy vào từng người trong anh em để đồng hành
cùng tôi, khi chúng ta tiếp tục bước đi như một Giáo hội, một cộng đoàn những
người bạn của Chúa Giêsu, như những tín hữu loan báo Tin Mừng, công bố Phúc Âm.
Sau đó, ngài bắt đầu bài giảng bằng tiếng Ý:
“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Với
lời tuyên xưng này, Phêrô – được Thầy đặt câu hỏi về niềm tin của ông và của
các môn đệ – đã tóm gọn kho tàng đức tin mà Giáo hội, qua hai ngàn năm, vẫn
trung thành gìn giữ, đào sâu và truyền lại nhờ vào việc kế nhiệm Tông đồ.
Chính Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống –
nghĩa là Đấng Cứu Độ duy nhất và là Đấng mặc khải khuôn mặt của Chúa Cha.
Nơi Người, Thiên Chúa đã tự mặc khải cho nhân loại, để trở
nên gần gũi và dễ tiếp cận, qua ánh mắt ngây thơ của trẻ nhỏ, sự hồn nhiên của
người thanh niên, và diện mạo trưởng thành của người lớn (x. Gaudium et spes,
22). Sau khi sống lại, Người đã hiện ra với các môn đệ bằng thân xác vinh hiển
của mình, và qua đó, Người bày tỏ một mẫu gương nhân loại thánh thiện mà chúng
ta có thể noi theo, cùng với lời hứa về một định mệnh vĩnh cửu vượt quá mọi giới
hạn và khả năng của con người.
Trong câu trả lời của mình, Phêrô nắm bắt cả hai khía cạnh:
hồng ân của Thiên Chúa và hành trình hoán cải để được Người biến đổi – hai chiều
kích không thể tách rời của ơn cứu độ – được trao phó cho Giáo hội để loan báo
cho phần rỗi của toàn thể nhân loại. Hai điều này được trao cho chính chúng ta,
là những người được Người tuyển chọn từ trước khi thành hình trong dạ mẹ (x. Gr
1,5), được tái sinh qua Bí tích Thánh tẩy, và – vượt lên trên những giới hạn và
không do công trạng bản thân – được đưa đến nơi này và từ đây được sai đi để
rao giảng Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo (x. Mc 16,15).
Cách riêng, khi qua sự tuyển chọn của anh em, Thiên Chúa kêu
gọi tôi kế vị Tông đồ Phêrô, thì chính Người trao cho tôi kho tàng ấy, để – với
ơn trợ giúp của Chúa – tôi trở nên người quản lý trung tín (x. 1Cr 4,2) vì lợi
ích của toàn thể Thân Thể Mầu Nhiệm là Giáo hội. Nhờ đó, Giáo hội sẽ ngày càng
trở thành thành trì được xây trên núi cao (x. Kh 21,10), là chiếc tàu cứu độ vượt
qua sóng gió lịch sử, là ngọn hải đăng soi chiếu đêm tối trần gian. Không phải
nhờ vào sự huy hoàng của các cơ cấu hay sự đồ sộ của những công trình – như
chính ngôi nhà nguyện mà chúng ta đang hiện diện đây – nhưng là nhờ vào sự
thánh thiện của các thành viên, của “dân riêng mà Thiên Chúa đã tuyển chọn, để
loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi bóng tối để bước
vào ánh sáng diệu huyền của Người” (1Pr 2,9).
Tuy nhiên, trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô còn có một
câu hỏi khác của Đức Giêsu: “Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16,13). Đây
không phải là một câu hỏi tầm thường, mà liên quan sâu xa đến sứ vụ của chúng
ta: sứ vụ giữa lòng thực tại mà chúng ta đang sống, với mọi giới hạn và tiềm
năng, với những thao thức và xác tín của thời đại.
“Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16,13). Suy ngẫm về bối
cảnh này, chúng ta có thể nhận ra hai câu trả lời tiêu biểu, tương ứng với hai
thái độ khác nhau.
Thứ nhất là câu trả lời của thế gian. Thánh Mátthêu ghi nhận
rằng cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ diễn ra tại Xêdarê Philípphê –
một thành phố trù phú, nổi tiếng với những cung điện lộng lẫy, nằm dưới chân
núi Hermon giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nhưng đồng thời cũng là trung
tâm quyền lực tàn ác và là nơi đầy những phản bội, bất trung. Bối cảnh ấy phản
ánh một thế giới xem Đức Giêsu như một nhân vật chẳng mấy quan trọng – cùng lắm
là một nhân vật khác lạ, khiến người ta ngạc nhiên vì lối nói và hành động bất
thường. Nhưng khi sự hiện diện của Người bắt đầu làm chướng tai gai mắt vì đụng
chạm đến lương tri và kêu gọi lối sống công chính, thì thế gian ấy sẵn sàng khước
từ và loại trừ Người.
Thứ hai là câu trả lời của đám đông dân chúng. Đối với họ, Đức
Giêsu không phải là một “kẻ lừa bịp”; nhưng là người ngay thẳng, can đảm, nói lời
chính trực như các ngôn sứ lớn trong lịch sử Israel. Họ đi theo Người, ít nhất
là khi điều đó không gây quá nhiều phiền toái hay rủi ro. Tuy nhiên, họ chỉ xem
Người như một con người mà thôi, và vì thế, khi cơn nguy khốn xảy đến trong Cuộc
Thương Khó, họ cũng bỏ Người mà đi.
Điều đáng chú ý là cả hai thái độ trên vẫn còn rất thời sự.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp những quan điểm này – dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ
khác – nơi rất nhiều người thời nay.
Ngày nay, không thiếu môi trường cho rằng đức tin Kitô giáo
là điều phi lý, chỉ dành cho kẻ yếu đuối, kém hiểu biết; trong khi đó, họ lại đặt
niềm tin vào các “bảo đảm” khác như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực
hay lạc thú.
Chính trong những bối cảnh như thế, việc làm chứng và loan
báo Tin Mừng trở nên khó khăn. Người tín hữu có thể bị chế giễu, chống đối,
khinh thường hoặc cùng lắm là được dung thứ một cách thương hại. Tuy nhiên,
cũng chính vì thế mà sứ vụ loan báo Tin Mừng lại càng trở nên cấp thiết hơn, bởi
thiếu vắng đức tin thường đi kèm với bi kịch đánh mất ý nghĩa cuộc đời, quên
lãng lòng thương xót, vi phạm phẩm giá con người dưới những hình thức nghiêm trọng,
khủng hoảng gia đình và muôn vàn vết thương khác mà xã hội đang gánh chịu.
Ngay cả hôm nay, vẫn có những nơi Đức Giêsu được kính phục
như một con người phi thường, một nhà lãnh đạo có sức hút, một “siêu nhân”; và
điều này không chỉ nơi những người không tin, mà còn nơi rất nhiều người đã
lãnh nhận bí tích Rửa tội – những người trên thực tế sống như thể không có
Thiên Chúa.
Đây là thế giới được trao phó cho chúng ta, nơi mà, như Đức
Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở, chúng ta được mời gọi làm chứng cho
niềm tin vui mừng vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Vì thế, cũng chính chúng ta cần
lập lại với lòng xác tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt
16,16).
Trước hết, cần phải tuyên xưng điều ấy trong mối tương quan
cá nhân với Người, bằng việc dấn thân trong hành trình hoán cải mỗi ngày. Đồng
thời, như một Giáo hội hiệp nhất, chúng ta cùng nhau sống mối dây thuộc về Chúa
và đem Tin Mừng của Người đến với mọi người (x. Lumen gentium, 1).
Tôi nói điều này trước hết cho chính bản thân mình – với tư
cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô – khi bắt đầu sứ vụ Giám mục của Giáo hội Rôma,
Giáo hội được kêu gọi chủ tọa trong đức ái toàn thể Giáo hội hoàn vũ, theo lời
diễn tả nổi tiếng của Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia (x. Thư gửi các tín
hữu Rôma, Lời chào). Ngài, khi bị xiềng xích áp giải đến Rôma – nơi ngài sẽ
chịu tử đạo – đã viết cho các tín hữu đang sống tại đó: “Tôi sẽ thật sự là môn
đệ của Đức Giêsu Kitô khi thế gian không còn thấy thân xác của tôi” (Thư gửi
tín hữu Roma, IV, 1). Ngài nói đến việc bị thú dữ xé xác nơi đấu trường –
điều sau đó đã xảy ra –, nhưng lời của ngài còn gợi mở một chân lý sâu xa hơn:
Ai thi hành sứ vụ trong Hội Thánh thì phải biết “biến mất để còn lại Đức Kitô”,
phải trở nên nhỏ bé để Chúa được nhận biết và tôn vinh (x. Ga 3,30), phải dấn
thân đến tận cùng để không ai bị mất cơ hội nhận biết và yêu mến Người.
Nguyện xin Thiên Chúa ban cho tôi ân sủng đó – hôm nay và
mãi mãi – nhờ lời chuyển cầu đầy dịu dàng của Đức Maria, Mẹ của Hội Thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét