13/09/2015
Chúa Nhật 24 Quanh
Năm Năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật XXIV Thường Niên - năm B
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN-B
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35
ĐẤNG KITÔ
– TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA –
– TÔI TRUNG CỦA THIÊN CHÚA –
“Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Đoạn
sách ngôn sứ Isaia trích từ bài ca thứ ba về người Tôi Trung (Is 50,4-11). Bài
ca làm nổi bật những phẩm chất của người Tôi Trung. Dù bị địch thủ chống đối và
đe dọa, người Tôi Trung vẫn giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa vì ý thức
rằng Ngài vẫn luôn ở với mình trong hoàn cảnh nào.
Trước
hết, người Tôi Trung chấp nhận để Thiên Chúa can thiệp hành động nơi cuộc đời
mình. Thiên Chúa đã mở miệng người Tôi Trung để biết nói năng mà an ủi những
người rã rời, kiệt sức thế nào (c. 4a), thì cũng chính Thiên Chúa mở tai người
Tôi Trung để biết lắng nghe giáo huấn của Ngài (cc 4b-5a). Dù Thiên Chúa can
thiệp vào hai giác quan quan trọng của người Tôi Trung để thi hành sứ vụ của
Thiên Chúa, một sứ vụ tiềm ẩn nhiều thử thách, nhưng người Tôi Trung hoàn toàn
đón nhận mà chẳng hề kêu ca hay phản kháng (c. 5b). Quả vậy, người Tôi Trung là
người để cho Thiên Chúa chiếm hữu và hành động trên đời mình.
Sau
nữa, người Tôi Trung đón nhận tất cả những gì xảy đến trong đời mình với tâm
tình phó thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa. Người Tôi Trung chấp nhận nhiều
hành động sỉ nhục khác nhau cách thanh thản lạ thường và đáng kinh ngạc, chỉ
với một xác tín cơ bản và sâu xa rằng “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi”
(Is 50,7). Ơn phù trợ của Thiên Chúa là động lực và là sức mạnh giúp người Tôi
Trung can đảm đón nhận mọi thiệt thòi xảy đến trong đời mình.
Cuối
cùng, dù bị tố cáo, kiện tụng, người Tôi Trung không hề lo sợ vì xác tín rằng
Thiên Chúa luôn ở với mình để bảo vệ mình. Công lý của người Tôi Trung hoàn toàn
nằm trong tay Thiên Chúa. Một khi được Thiên Chúa, Đấng luôn ở kề bên, kể là
công chính thì người Tôi Trung không những không sợ bất cứ người nào kiện tụng
gì nữa, mà còn thách thức bất kỳ ai muốn kiện tụng mình: “Này, có Đức Chúa là
Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?” (Is 50,9).
2. Bài đọc 2:
Bối
cảnh cộng đoàn Giacôbê cho thấy có sự bất bình đẳng, kỳ thị giữa các Kitô hữu
khi họ đến dự các buổi hội họp cộng đoàn. Tại đó xảy ra sự đối xử thiên vị giữa
người giàu và người nghèo, trong đó người ta trọng người giàu mà coi thường
người nghèo (Gc 2,1-4). Tác giả thư Giacôbê nhân sự kiện đó mà trình bày về
cách sống đức tin: đức tin sống và đức tin chết.
Đức
tin sống là đức tin đi kèm với hành động. Một đức tin hành động vừa đem lại lợi
ích cho tha nhân, vừa là phương tiện cứu độ dành cho người thực hành (Gc 2,14).
Hành động của đức tin, theo cái nhìn của tác giả thư Giacôbê, là việc làm bác
ái, nhất là đối với những người kém may mắn.
Trái
lại, một đời sống đức tin mà thiếu việc thực hành bác ái đối với tha nhân là
những người đang cần sự trợ giúp, thì đức tin đó chẳng có ích gì cả (cc.15-16).
Một đức tin như thế bị coi như đức tin chết (c. 17). Đức tin đó không thể mang
lại ơn cứu độ (c. 14).
Người
ta chỉ có thể đo lường được đức tin thông qua hành động, cụ thể là hành động
bác ái đối với những người đang cần sự giúp đỡ. Một đức tin không có hành động
thật khó để biện minh (c. 18). Vì thế, đức tin và hành động luôn phải song
hành.
3. Bài Tin Mừng:
Đoạn
Tin Mừng Máccô hôm nay như là bản lề, đánh dấu nửa chặng đường sứ vụ của Chúa
Giêsu cùng với các môn đệ, trong đó các môn đệ buộc phải bày tỏ nhận thức của
các ngài về căn tính của Đức Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc
8,29a). Vậy, Đức Giêsu thật sự là ai trong nhận thức của các môn đệ?
Trước
hết, câu trả lời của Phêrô, đại diện cho các môn đệ, cho thấy nhận thức của các
ông không giống với nhận thức của đám đông dân chúng. Trong mắt các ông, Chúa
Giêsu không phải là Gioan Tẩy Giả, cũng không phải là Êlia hay một ngôn sứ nào
đó, tức những người được xem như sứ giả của Thiên Chúa đến để loan báo về một
Đấng Mêsia sẽ đến. Câu tuyên tín của Phêrô, “Thầy là Đấng Kitô” (8,29) xác
quyết Chúa Giêsu không phải là sứ giả dọn đường mà chính là Đấng Mêsia được
Thiên Chúa sai đến. Đây thật là lời xác quyết chính xác về vai trò thật sự của
Chúa Giêsu.
Tuy
nhiên, phản ứng của Phêrô sau khi nghe Chúa Giêsu hé lộ sứ mạng thật sự của
Đấng Mêsia cho thấy lúc này các môn đệ chưa hiểu đúng về vai trò của Đấng Kitô
(8,32). Các ông chỉ nhận thức và chờ đợi một Đấng Kitô mang tính chính trị, có
nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giành lại nền độc lập từ tay ngoại bang. Đấng
Kitô phải là Đấng dùng quyền năng để khuất phục kẻ thù và mang lại sự tự do và
thịnh vượng cho dân tộc.
Sau
nữa, ngay từ khi bước vào sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã phải trải qua cơn cám
dỗ của Satan trong hoang địa về căn tính và sứ mạng của Người (1,12). Giờ đây,
việc Phêrô kéo riêng ra và can ngăn Người thực hiện sứ mạng của mình gợi nhớ
lại hình ảnh cám dỗ của Satan (8,33). Thay vì làm một môn đệ đi theo Đức Giêsu
(Mc 1,17.20; 8,34), Phêrô lại đóng vai trò của Satan, kẻ cám dỗ Đức Giêsu đi
vào con đường khác với thánh ý của Thiên Chúa dành cho Người.
Vậy,
Đấng Kitô là ai? Đó là Đấng được Thiên Chúa xức dầu, được sai đi để thi hành
thánh ý Chúa Cha, trong đó có cả việc chấp nhận đau khổ và cái chết. Đấng Kitô
như thế mới thật sự là Tôi Trung của Thiên Chúa. Một Đấng Kitô không qua khổ
giá và cái chết thì không phải là Đấng Kitô theo ý định của Thiên Chúa. Đó chỉ
là một Đấng Kitô theo ý của loài người (8,33b).
II. GỢI Ý ÁP
DỤNG
1/ Bài ca
thứ ba trong sách ngôn sứ Isaia ca ngợi những phẩm chất nổi bật của người Tôi
Trung của Thiên Chúa: Đó là người để cho Chúa hành động trên đời mình, đón nhận
tất cả những nghịch cảnh xảy đến trong đời mình với niềm xác tín rằng Chúa là
Đấng hằng ở bên để bênh vực và phù hộ. Tôi có muốn trở thành người tôi trung
của Chúa? Tôi có sẵn sàng để Chúa dùng tôi để thực hiện ý định của Ngài? Tôi có
trung thành với Chúa dù bất cứ chuyện gì xảy đến trong đời tôi? Tôi có tin rằng
Chúa là Đấng hằng ở bên tôi, để bênh vực và che chở tôi?
2/ Đoạn
thư Giacôbê đề cao một đức tin sống thể hiện ra nơi hành động bác ái, nhất là
đối với những người kém may mắn, bị coi thường, loại trừ. Tôi đang sống đức tin
thế nào? Một đức tin sống động thể hiện qua hành động bác ái đối với tha nhân,
hay một đức tin cằn cỗi, khô khan, đang chết dần vì thiếu tình thương?
3/ Đứng
trước câu hỏi về căn tính của Thầy, dù Phêrô, đại diện các môn đệ, đã tuyên tín
về tư cách Mêsia của Đức Giêsu, nhưng nhận thức của các ông về Người chỉ mang
tính nhân loại. Đức Kitô là người Tôi Trung được Thiên Chúa xức dầu và sai đi
để thực thi thánh ý Ngài. Còn tôi, tôi biết gì về Đức Giêsu? Người là ai đối
với tôi? Danh hiệu “Đấng Kitô” có ý nghĩa gì đối với đời tôi? Tôi có muốn trở
thành tôi trung của Thiên Chúa để được Ngài tấn phong và sai đi để thực hiện
thánh ý Ngài?
III. LỜI NGUYỆN
CHUNG
Chủ tế: Anh
chị em thân mến! Đức Giêsu đã đến trong thế gian và trải qua nhiều đau khổ để
thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha. Với quyết tâm từ bỏ mình, vác
thập giá mà đi theo Chúa, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời cầu nguyện.
1. Thánh
Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành
phần Hội Thánh, luôn trung thành tuyên xưng một đức tin tông truyền, và can đảm
làm chứng cho niềm tin ấy bằng đời sống hy sinh quên mình và dấn thân phục vụ.
2. Chúa
Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai?” Chúng ta cùng cầu nguyện cho
các dân tộc và những ai chưa tin Chúa Kitô, biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần
soi dẫn hầu nhận biết và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc trần
gian.
3. “Ai
muốn theo tôi, phải vác thập giá mình mà theo.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho
những người đang đau khổ được sức mạnh và quyền năng Chúa nâng đỡ, thêm can đảm
đón nhận thánh giá đời mình hầu được thông phần vào cuộc thương khó của Chúa.
4. Ðức
tin không có việc làm là đức tin chết. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người
trong cộng đoàn chúng ta biết diễn tả đức tin tinh tuyền bằng một đức ái sống
động, luôn nhạy bén cảm thông và quảng đại chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn
ở chung quanh.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa đã sai Con Một yêu dấu đến trần gian để cứu chuộc
nhân loại. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và ban mọi ơn lành giúp chúng con
luôn trung thành theo bước Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn
đời. Amen.
Chủ
đề :
Người Tôi Tớ đau khổ
"Tư tưởng của anh
không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là
của loài người"
(Mc 8,33)
(Mc 8,33)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Is
50,5-9a) : Hình ảnh Người Tôi Tớ Giavê bản thân vô tội nhưng phải chịu rất
nhiều đau khổ vì tội loài người.
- Tin Mừng (Mc
8,27-35) : Đức Giêsu loan báo cho các môn đệ biết Ngài sắp chịu nạn chịu
chết.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Ai mà không thích sung sướng
và sợ đau khổ. Tuy nhiên có những thứ khổ rất đáng kính trọng, chẳng hạn cha mẹ
chịu cực chịu khổ để nuôi dạy con cái. Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta biết
chính Đức Giêsu cũng chọn cách cứu chuộc loài người bằng con đường đau khổ của
Thập Giá.
Trong Thánh lễ hôm nay,
chúng ta hãy dâng lên Chúa những đau khổ của chúng ta và xin Ngài giúp chúng ta
biết thánh hóa đau khổ, biến đau khổ thành nguồn ơn thánh cho chúng ta và cho
mọi người.
II. Gợi ý sám hối
- Vì sợ khổ và muốn trốn
tránh đau khổ bằng mọi giá, nhiều khi chúng ta không chu toàn bổn phận.
- Vì chưa ý thức giá trị của
đau khổ nên khi gặp khổ, chúng ta chán nản thất vọng, thậm chí còn kêu trách
Chúa.
- Chúng ta không vác thập
giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Is 50,5-9a)
Trong phần II sách Isaia,
còn gọi là Đệ nhị Isaia (Is 40-55), có 4 bài ca viết về một nhân vật rất đặc
biệt được gọi là Người Tôi Tớ của Giavê (Is 42,1-4 49,1-6 50,4-9 và
52,13—53,12). Bài ca được trích đọc hôm nay là bài thứ ba.
Người Tôi Tớ Giavê này bản
thân vô tội nhưng phải chịu rất nhiều đau khổ vì tội loài người.
Người Tôi Tớ này là
ai ? Ý nghĩa đầu tiên của nó là nói về dân Israel, họ phải chịu bao đau
khổ trong kiếp lưu đày để chuộc tội cho muôn dân. Về sau, hình ảnh này được
hiểu về Đấng Messia. Đức Giêsu làm ứng nghiệm lời tiên tri này : Ngài chịu
nạn, chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc loài người.
2. Đáp ca (Tv 114)
Tâm tình của người tín hữu
trung kiên : dù đang bị bủa vây giữa muôn vàn đau khổ nhưng vẫn một lòng
tin tưởng Chúa và hy vọng Chúa sẽ giải thoát.
3. Tin Mừng (Mc 8,27-35)
Bài Tin Mừng hôm nay có hai
phần :
a/ Đức Giêsu dò hỏi các môn
đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ phản ảnh : có nhiều dư luận
hơi khác nhau, nhưng tựu trung mọi người đều nghĩ Đức Giêsu là một ngôn sứ.
Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả Nhóm 12 : "Thầy là Đức
Kitô".
b/ Sau đó Đức Giêsu tiên báo
về cuộc chịu nạn của mình. Phêrô ngăn cản liền bị Chúa trách nặng nề là Xatan.
Rồi Ngài cho biết ai muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Ngài
đi, đó là con đường thập giá.
- Các câu 33-35 "Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo"
. "Ai muốn theo
tôi" nghĩa là ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu ("đi theo" ai là làm
môn đệ cho người đó)
. "Từ bỏ chính
mình" : xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hoá, vong thân (aliénation),
mình không còn phải là mình nữa. Xét theo tâm lý học thì điều này không tốt, vì
mỗi người phải giữ cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất
tốt : tuy ta không còn là mình nữa nhưng ta hóa nên giống Đức Giêsu thì
thật tuyệt vời. Lý tưởng mà thánh Phaolô luôn nhắm tới là được trở nên
"đồng hình đồng dạng" với Đức Giêsu. Hơn nữa đây thực sự không phải
là "tha hóa" mà là tìm lại chính mình, bởi vì từ đầu Thiên Chúa đã
tạo dựng nên con người "giống hình ảnh" Ngài. Chỉ sau đó do tội lỗi
nên con người bị "tha hóa". Nay cố gắng trở nên giống Đức Giêsu chính
là tìm lại hình ảnh ban đầu.
. "Vác thập giá
mình" : Kiểu nói này có nhiều nghĩa : a/ Đón nhận những khổ cực
của mình, cũng như Đức Giêsu đã đón nhận những khổ cực của Ngài ; b/ Theo
luật hình sự Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự mình vác lấy thập giá của
mình ra pháp trường. Như thế, "vác thập giá mình" nghĩa là coi như
mình đã bị kết án tử ; c/ câu 35 giải thích câu 34 : "Quả thật
ai liều mất mạng sống mình vì tôi…". Như thế "vác thập giá" có
nghĩa là "liều mất mạng sống", hay nói nôm na là "liều
mạng" vì Chúa.
4. Bài đọc II (Gc 2,14-18)
(Chủ đề phụ)
Thánh Giacôbê bàn về đức tin
và hành động. Cả hai đều cần thiết và phải đi đôi với nhau : "Đức tin
mà không có hành động thì là đức tin chết".
IV. Gợi ý giảng
* 1. Giêsu là ai ?
Đức Giêsu là ai ? Đó là
một câu hỏi được đặt ra không phải chỉ trong thời Đức Giêsu còn ở dưới thế, mà
còn được đặt ra ngay trong thời đại chúng ta ngày nay. Câu hỏi được đặt ra
không phải chỉ vì tò mò muốn biết dư luận nghĩ sao về nhân vật Giêsu, nhưng nó
được đặt ra để chờ đợi một câu trả lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của
người trả lời.
Ngày xưa, nhiều người Do
thái trả lời rằng Giêsu cũng chỉ là một người nào đó như các tiên tri, như
Êlia, như Gioan hay như bất cứ một tiên tri nào khác. Mà theo họ nghĩ, tiên tri
là những người tuy rao giảng một giáo thuyết hay, tuy làm được một số việc lạ
lùng hơn người, nhưng nhiều khi cũng quấy rầy cuộc sống bình an của họ. Bởi thế
khi không muốn bị quấy rầy nữa thì họ không ngại giết chết các tiên tri :
họ đã lùng bắt Êlia, họ đã bỏ tù Giêrêmia, họ đã chém đầu Gioan Tẩy Giả và họ
cũng đã đóng đinh Giêsu.
Riêng Phêrô thì trả lời rằng
Giêsu chính là Đức Kitô, nghĩa là một người có thừa khả năng để cứu rỗi đời
mình và đáng cho mình đi theo cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì thế mặc dù
muốn theo Thầy thì phải bỏ mình vác Thập giá, nhưng Phêrô đã sẵn sàng trung
thành với Thầy cho đến chết.
Giêsu là ai ? Câu hỏi
này ngày nay cũng gặp được nhiều câu trả lời khác nhau, và mỗi câu trả lời kéo
lôi theo một nếp sống khác nhau. Có hai câu trả lời tiêu biểu sau đây ở trong 2
quyển tiểu thuyết :
. Quyển "The last
temptation" (Cơn cám dỗ cuối cùng) mô tả Giêsu như một chàng thanh niên
khoẻ mạnh, đẹp trai, nhiều khả năng. Chàng có một người yêu tên là Mađalêna.
Nhưng một ngày nào đó, Giêsu bỗng bị ám ảnh rằng mình không thể sống nếp sống tầm
thường mà phải sống như siêu nhân. Vì thế chàng từ bỏ tình yêu của nàng
Mađalêna và lên đường rao giảng một thứ giáo thuyết siêu nhiên. Mađalêna thất
tình buông trôi cuộc đời trong nếp sống truỵ lạc, đĩ thoả. Còn Giêsu thì thu
thập được một số đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng siêu nhiên. Nhưng lý
tưởng đó lại không phù hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt
phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong
những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu
nhìn lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng siêu nhiên, cưới
Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia
đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu
xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ cuối cùng). Nhưng sau
đó gục đầu tắt thở.
Đó là một câu trả lời,
rằng : Giêsu chỉ là một người phàm, tuy người phàm này theo đuổi một lý
tưởng siêu nhiên và do đó cũng đáng được người khác kính trọng, nhưng cái lý
tưởng đó không thể thực hiện được. Thành thử chúng ta dù kính trọng Ngài nhưng
không thể sống theo Ngài được.
Có lẽ đó là câu trả lời của
rất nhiều người thời nay. Họ nhìn nhận Giêsu là một vĩ nhân, họ nhìn nhận đạo
Đức Giêsu là đạo tốt. Nhưng cái đạo đó chẳng giúp ích gì cho cuộc sống. Cuộc
sống của họ cần có vật chất, cần có tiền bạc, cần có sự nghiệp, công danh, chứ
không cần đến lý tưởng tôn giáo bao nhiêu. Vì thế họ lao mình vào cuộc sống vật
chất, để sang một bên những vấn đề lý tưởng tôn giáo cho hạng đàn bà, trẻ nít,
hay có cho mình thì cũng là tới khi về già, gần đất xa trời.
. Câu trả lời thứ hai chúng
ta gặp trong quyển "Quo vadis" : quyển truyện này lấy khung cảnh
thời Hoàng Đế Neron của đế quốc Lamã đang thịnh trị. Tất cả các nước chư hầu
đều phải gửi một con tin sang thủ đô Rôma. Đó là một cách để bảo đảm sự tùng
phục của các chư hầu. Trong số các con tin ấy có một nàng con gái đẹp tuyệt vời
làm cho người cháu của Hoàng Đế Néron si mê. Chàng này vừa có địa vị, vừa có
thế lực, vừa có bạc vàng. Chàng tin chắc mình sẽ chinh phục được con tim của
người đẹp. Lúc đó bạo chúa Neron cũng đang thẳng tay bắt giết những người theo
đạo Đức Giêsu. Phêrô đã phải sợ hãi bỏ thành Rôma chạy trốn. Nhưng đang khi đi
trên đường thì Phêrô gặp Đức Giêsu từ ngoài thành vác thập giá đi vào. Phêrô
hỏi "Quo vadis", tiếng Latinh nghĩa là "Thưa Thầy, Thầy đi đâu
vậy ?" Đức Giêsu trả lời : Ta vác thập giá vào Rôma để chịu đóng
đinh một lần nữa, vì con đã không dám chịu đóng đinh. Phêrô nghe vậy vội trở
vào Rôma và cùng với các tín hữu khác chịu đựng những cuộc bắt bớ, cho đến
chết. Tấm gương anh dũng của các tín hữu Đức Giêsu đã làm cho nàng con gái đang
làm con tin ấy cảm phục và tìm ra được lý tưởng cho đời mình.
Đó là câu trả lời :
Thầy là Đức Kitô con TC hằng sống. Con xin theo Thầy cho dù phải vác thập giá
và phải bỏ mình vì Thầy !
Đức Giêsu không phải chỉ là
siêu nhân mà còn là Con Thiên Chúa. Và vì là Con Thiên Chúa cho nên lý tưởng
Ngài đề ra cho ta không phải chỉ là một thứ lý tưởng viễn vong không thể thực
hiện. Là Con Thiên Chúa, Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện được lý tưởng
của Ngài cho dù có phải trải qua muôn ngàn gian truân khổ sợ. Mà chính cái lý
tưởng ấy mới khiến chúng ta sống xứng đáng là người. Con người nếu chỉ biết mê
ăn uống, có tiền bạc, có vật chất, sinh ra để ăn, ăn rồi đói, đói rồi phải kiếm
ăn, cứ như vậy cho đến lúc chết thì chẳng khác gì hơn con vật. Đức Giêsu muốn
giúp chúng ta sống hơn con vật, cho nên Ngài đã chọn kiếp là người, sống cho
chúng ta thấy và sống theo để chúng ta sống xứng đáng là người. Chẳng những là
người mà còn là Con Thiên Chúa như Ngài. Mà muốn được như Ngài, chúng ta phải
đi theo Ngài, phải bỏ mình đi, phải vác thập giá... Nghĩa là phải cố gắng vươn
lên, vươn lên cao hơn những nhu cầu vật chất xác thịt tầm thường. CG đã tiên
phong sống được như thế và Ngài sẽ giúp chúng ta sống được như thế, nếu chúng
ta nhớ làm theo Lời Ngài : ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mà
theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng
sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ được sống đời đời".
Trên đây là hai câu trả lời
tiêu biểu cho câu hỏi "Giêsu là ai ?" Còn câu trả lời của chúng
ta là gì ? Nếu chúng ta trả lời như Phêrô "Thầy là Đức Kitô" thì
chúng ta cũng hãy cam đảm bỏ mình và vác thập giá đi theo Thầy.
Wiliam Oscar Wilde kể một
huyền thoại sâu sắc : "Họa mi và bông hồng đỏ". Một
sớm mùa hè, họa mi làm tổ trên cành dương đã nghe trọn lời than thở của một
chàng trai bên cửa sổ : "Nếu anh không kiếm nổi bông hồng đỏ
để em cài ngực áo trong buổi dạ hội đêm nay, em sẽ xa anh mãi mãi".
Họa mi dư hiểu chàng trai đã lang thang khắp các nương đồng. Nhưng tìm đâu ra
một bông hồng đỏ dưới nắng cháy mùa hạ này ? Trời ơi, người tình sẽ chắp
cánh bay xa. Họa mi không chịu nỗi dằn vật bi thương của chàng. Họa mi phải ra
tay thôi. Nàng khép cánh trước cây hoa hồng bên giếng nước nài xin :
- Chị hồng ơi, chị có vui
lòng tặng em một bông hồng đỏ thắm không ?
- Họa mi ơi ! em vô tâm
như những chiếc gai trên thân chị. Mùa hạ nắng cháy sao em lại xin hoa hồng
đỏ ?
Chị hồng rung rung cành lá
giận dỗi. Họa mi tiếp tục tìm kiếm. Nàng nép mình đậu trên một cành hồng ngoài
xa hàng giậu.
- Chị hồng ơi có phép mầu
nào nở cho em một bông hồng đỏ ?
- Họa mi ơi ! đời cần
hoa chi cho thương đau ?
- Sao cũng được, miễn em kết
chặt một mối tình.
- Được, nhưng phép màu cần
phải có màu đỏ.
- Bằng mọi giá chị ạ.
- Bằng giá sinh mạng ?
- Kể cả sinh mạng em.
- Họa mi ơi ! Hãy đặt
cổ em trên gai nhọn của chị, hãy hót cho chị, cho cây cỏ, cho đất trời khúc
tình ca thắm thiết nhất đời em. Hãy đổ máu cho bông hồng nở. Hãy nhuộm máu cho
bông bồng đỏ. Mình sẽ có một bông hồng đỏ như máu đẹp nhất trần gian.
Họa mi đã hót đến giây phút
cuối cuộc đời, đã đổ đến giọt máu cuối cùng, đã chết rũ trên cành hồng cạnh đoá
hồng bí nhiệm đỏ thắm.
Chàng trai mừng vui tiếng
cười mở hội. Bông hồng được hái về trau chuốt trước khi có mặt trong đêm dạ
hội. Điều lạ lùng nhất mà cũng phi lý nhất, phi lý như chính cuộc đời phi lý,
là người tình đã khước từ đoá hồng bí nhiệm, vì trên ngực áo một bông hồng giả
đang ngự trị… Sáng hôm sau, dân làng bắt gặp một đoá hồng bị nghiền nát, nằm tả
tơi dưới vết bánh xe bò.
*
Câu chuyện trên đây là một
huyền thoại, nhưng huyền thoại chuyên chở một nội dung rất thực : Đó là
nét thực của tình yêu, của tự do, của hy sinh. Tình yêu phải được nuôi dưỡng
bằng hy sinh, bằng máu, bằng cả sinh mạng. "Ai muốn theo Ta, hãy
từ bỏ mình" (Mc.8,34). Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do.
Con người có toàn quyền lựa chọn. Chúa không bắt buộc nhưng mời gọi. Người mời
gọi chúng ta từ bỏ mình, nghĩa là từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống.
Nói đến từ bỏ là đụng đến hy
sinh, nói đến hy sinh là phải thiệt thòi mất mát. Cũng như nói đến tình yêu là
đụng đến tự do, và đụng đến tự do là phải dấn thân mạo hiểm. Có thể được chấp
nhận hay bị từ khước. Có thể "được cả" mà cũng có
thể "ngã về không". Chính cái bắp bênh trong tình
yêu, trong chọn lựa, mới làm bừng sáng nét cao đẹp của hy sinh, từ bỏ.
Hy sinh bao giờ cũng có
hương thơm của hạnh phúc. Từ bỏ bao giờ cũng cho tâm hồn nét thanh cao. Hy sinh
và từ bỏ là chuẩn bị luống cày cho hạt giống mọc lên.
Nhưng "Từ bỏ
chính mình" không phải là quyết định một lần để thay cho suốt cả
đời mà là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong mọi giây phút của cuộc sống.
"Ai liều mạng sống vì
Ta sẽ được sống" (Mc.8,35).
Quả thật, bỏ mình vì Chúa, chúng ta chẳng lỗ lã chút nào. Chúng ta chối từ cái
tương đối để được Đấng Tuyệt đối, khước từ cái mau qua để đón nhận cái vĩnh
hằng, từ bỏ cuộc sống hay chết để được sự sống đời đời, vì "Ai
biết chết thì sẽ biết sống".
*
Lạy Chúa, ai trong chúng con
cũng mang mầm ích kỷ ; thích hưởng thụ hơn là hy sinh, thích thu tích hơn
là cho đi, thích cai trị hơn là phục vụ.
Xin dạy chúng con biết chiến
đấu mà không sợ thương tích, làm việc cực nhọc mà không tìm nghỉ ngơi, biết hy sinh
mà không đòi phần thưởng, nhưng chỉ biết rằng : chúng con đang thực thi
thánh ý Chúa. Amen. (Ignatiô Loyola). (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")
3. Hai loại đức tin
Có hai loại đức tin :
Loại thứ nhất là tin theo niềm tin của ông bà, cha mẹ, thầy cô… Có thể gọi đây
là đức tin thừa hưởng ; Loại thứ hai là tin vì mình đã suy nghĩ, cân nhắc
rồi thấy đáng tin nên tin. Có thể gọi đây là đức tin cá nhân.
Người có đức tin thừa hưởng
có được cái lợi này là không dễ bị cám dỗ làm lung lạc đức tin : cho dù
gặp phải những lập luận ngược với điều anh vẫn tin thì anh cũng không nao núng,
bởi vì anh được cả một truyền thống nhiều thế hệ nâng đỡ đức tin của anh. Tuy
nhiên anh cũng có cái bất lợi là đức tin ấy không đủ vững để làm nền tảng cho
cuộc sống của anh, và cũng không đủ mạnh để thôi thúc anh loan truyền đức tin
cho người khác.
Người có đức tin cá nhân
cũng có cái lợi là bởi vì đức tin ấy do chính anh nghiền ngẫm suy nghĩ mà tìm
ra cho nên nó rất vững mạnh. Tuy nhiên cái bất lợi là nó khiến anh phải tiếp
tục tra vấn và suy nghĩ. Có thể một lúc nào đó anh lại hồ nghi và cũng có thể
anh sẽ bỏ đức tin. Bởi vì đức tin thực chất là một ơn ban miễn phí chứ không
phải là kết quả tìm tòi của con người.
Người hạnh phúc nhất là
người có đức tin thuộc cả hai loại : vừa do thừa hưởng từ những thế hệ
trước, vừa được củng cố bởi những xác tín cá nhân.
Bởi thế, trong bài Tin Mừng
này, trước hết Đức Giêsu hỏi các môn đệ : "Người ta nghĩ
Thầy là ai ?" Câu hỏi nhằm kiểm tra những gì các ông thu nhận được từ
người khác. Nhưng Đức Giêsu còn hỏi tiếp "Phần chúng con, chúng
con nghĩ Thầy là ai ?" Câu hỏi này nhằm khuyến khích các ông suy nghĩ
và có lập trường cá nhân, để đạt tới một xác tín cá nhân.
Chúng ta cám ơn Chúa vì cho
chúng ta thừa hưởng đức tin từ các thế hệ cha ông. Nhưng chúng ta cũng phải cố
gắng suy nghĩ và đào sâu đức tin ấy để nó trở thành một niềm xác tín cá nhân.
Và luôn luôn chúng ta hãy xin Chúa gìn giữ và củng cố ơn ban đức tin của chúng
ta. (Viết theo Flor McCarthy)
4. Đức tin và việc làm
Một chiếc đồng hồ bằng vàng
mà không chỉ đúng giờ thì vô ích.
Một cây xum xuê cành lá mà
không có trái thì cũng vô ích.
Một chiếc đèn cẩn đầy kim
cương mà không cháy sáng được thì cũng vô ích.
Cho nên Thánh Giacôbê
nói : "Đức tin không có việc làm là đức tin chết".
Hoa trái của cầu nguyện là
đức tin
Hoa trái của đức tin là tình
yêu
Hoa trái của tình yêu là
phục vụ
Và hoa trái của phục vụ là
bình an. (Viết theo Flor McCarthy)
5. Nhận ra Đức Giêsu
Nhận ra Đức Giêsu là Kitô
Trước khi Đức Giêsu
đặt câu hỏi : "Anh em bảo Thầy là ai ?", Ngài đã từng làm
nhiều dấu lạ trước mặt các môn đệ. Tại Galilê, Ngài đã hai lần làm cho bánh hoá
nhiều để nuôi đám đông dân chúng (Mc 6,30-44 ; 8,1-10). Ngài đã từng đi
trên mặt biển mà đến với các môn đệ (6,45-52). Ngài cũng đã trừ quỷ cho một bé
gái (7,24-30), chữa một người câm điếc (7,31-37), và một người mù (8,22-26).
Tất cả những việc Ngài làm và những lời Ngài dậy đã từ từ vén mở cho họ thấy
Ngài là ai, mặc dù họ thường bị Ngài chê là đần độn và chậm hiểu (7,18 ;
8,17.21). Đức Giêsu không trực tiếp nói cho các môn đệ biết căn tính của mình.
Ngài dẫn họ đi trên con đường để họ tự khám phá ra Ngài. Xê-da-rê Phi-lip-phê
là nơi mà Đức Giêsu thấy có thể đặt cho các môn đệ câu hỏi quan trọng
này : "Anh em bảo Thầy là ai ?" Người ngoài chỉ có một cái nhìn
mơ hồ và thiếu sót về Đức Giêsu. Họ coi Ngài là Gioan Tẩy Giả, là ngôn sứ Êlia
hay một ngôn sứ nào đó. Đức Giêsu chờ đợi một câu trả lời rõ ràng và đầy đủ hơn
từ phía các môn đệ thân tín. Phêrô, đại diện cho cả nhóm, nói lên niềm xác tín
của mình : "Thầy là Đức Kitô." Phêrô đã nói đúng, nhưng hình ảnh
của Phêrô về Đức Kitô vẫn không khác với quan niệm thông thường của đám đông
dân chúng : một Đức Kitô oai phong lẫm liệt, không hề biết đến thất bại.
Đức Kitô đó không phải là Đức Kitô Giêsu.
Đức Kitô : Con
Người chịu đau khổ
Dù sao nhờ câu tuyên
xưng của Phêrô mà Đức Giêsu bắt đầu nói đến cuộc khổ nạn của Ngài và nói một
cách không úp mở. Đây là điều mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức trình bày.
Ngài không dùng dụ ngôn nữa, nhưng nói thẳng về định mệnh đang chờ đợi mình. Có
người cho rằng lời tiên báo của Đức Giêsu về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh chỉ là
lời được viết dựa trên các biến cố đã xảy ra. Thật ra, Đức Giêsu đã thấy những
phản ứng chống đối lời giảng dạy của Ngài, Ngài biết mình phải đương đầu với
các nhà lãnh đạo Do Thái giáo, và Ngài thấy bóng dáng của cái chết đang rình
rập mình. Nhưng Đức Giêsu không thối lui, dù Ngài có thể thối lui. Ngài không
đi tìm cái chết, nhưng Ngài muốn tiếp tục trung tín với Cha và phục vụ loài
người, dù phải trả giá bằng mạng sống. Đó là sự lựa chọn của Giêsu, lựa chọn
của một người có lòng tin. Đức Giêsu tin rằng dù kẻ thù có cướp được sinh mạng
của Ngài ở đời này thì Cha cũng chẳng bao giờ bỏ rơi Ngài, chẳng "để cho
Ngài phải thấy sự hư nát" (Tv 16,10 bản LXX). Đức Giêsu mang tâm tình của
một chứng nhân hiên ngang ra pháp trường. Cái chết là giá phải trả để trung tín
về một tình yêu.
Lời tiên báo về cuộc
Khổ Nạn và Tử Nạn của Đức Giêsu làm cho Phêrô choáng váng. Ông không sao hiểu
được những điều khủng khiếp như vậy, bởi ông còn mải mê với một Đức Kitô vinh
quang. Ông phản ứng ngay, ông kéo Đức Giêsu lại mà trách Ngài. Chẳng rõ ông đã
nói gì với Ngài, nhưng chắc chắn đó là những lời can ngăn đầy tình yêu thương
chân thành. Một lời can ngăn như thế thật nguy hiểm. Đức Giêsu nhận thấy đây là
một cơn cám dỗ của Satan qua môn đệ Phêrô. Ngài bảo ông : "Satan, hãy
lui lại sau Ta". Ngay từ khi gọi Phêrô ở ven hồ Galilê, Đức Giêsu đã cho
ông thấy chỗ của ông : "Hãy đi sau Ta". Chỗ đứng của môn đệ là ở
sau Thầy. Đức Giêsu muốn đưa Phêrô về đúng chỗ của ông, bởi ông muốn dẫn đường
cho Ngài, muốn đi trước Ngài. "Vì anh không nghĩ những điều của Thiên
Chúa, mà chỉ nghĩ những điều của loài người." Đức Giêsu thấy rõ đâu là con
đường Thiên Chúa muốn mình đi, và đâu là con đường thế gian chờ đợi. Con đường
của Thiên Chúa thì vượt trên những tính toán khôn ngoan nhân loại. "Bởi vì
sự điên rồ của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối của
Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người." (1C 1,25)
Thân phận của người
môn đệ
Những câu cuối cùng
của đoạn Tin Mừng trên đây nhắm vào cả dân chúng lẫn môn đệ. Nói cách khác,
nhắm đến mọi Kitô hữu, không phân biệt bậc sống. "Nếu ai muốn đi sau
Ta". Đi sau Đức Giêsu là mẫu số chung của mọi Kitô hữu. Từ Đức Giáo Hoàng
đến các giáo dân, tất cả đều là môn đệ đi sau Thầy Giêsu, với một lòng tự
nguyện. Bất cứ ai muốn thì đều được mời gọi đi theo, mà theo là phải từ bỏ. Các
môn đệ đầu tiên đã bỏ chài lưới, bỏ cả thân phụ cùng những người làm công để
theo Đức Giêsu. Còn bây giờ, điều Đức Giêsu đòi hỏi thì tận căn hơn nhiều.
Không phải chỉ bỏ một vật nào đó, mà là từ bỏ chính mình. Từ bỏ này là gốc rễ
của mọi từ bỏ khác.
Từ bỏ chính mình là
không còn sống cho chính mình nữa, là vác lấy thập giá của mình mà theo Đức
Giêsu. Như thế Đức Giêsu cho chúng ta một hình ảnh về người Kitô hữu. Kitô hữu
là người vác thập giá mình đi sau Đức Giêsu vác thập giá. Vác thập giá là công
việc dành cho chính tử tội trên đường đến nơi chịu đóng đinh. Có thể chúng ta
không được phúc tử đạo, nhưng chắc chắn mỗi Kitô hữu đều được chịu cái chết
thiêng liêng, chết cho chính mình để rồi sống cho Thiên Chúa. Con đường Khổ Nạn
- Phục Sinh của Đức Giêsu là con đường Phêrô không thể hiểu được và cũng không
chấp nhận, nhưng rồi đó cũng sẽ là con đường của ông, và của tất cả chúng ta.
"Khi đã về già, anh sẽ giang tay ra và người khác sẽ thắt lưng cho anh và
lôi anh đến nơi anh không muốn." (Ga 21,18). Đức Giêsu đã vác thập giá,
cái dụng cụ giết người mà cả người Do Thái lẫn Hy Lạp đều coi là nhơ nhuốc.
Thập giá của Đức Giêsu là do Ngài gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Còn thập giá
của chúng ta là do chúng ta lãnh lấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu
và muốn làm chứng cho Ngài. Chúng ta chấp nhận liều mất mạng sống mình vì Đức
Kitô và vì Tin Mừng (c.35).
Từ bỏ chính mình là điều
kiện tiên quyết, nếu không thì việc gánh vác sứ mạng của Đức Giêsu sẽ chỉ là
một ảo tưởng chẳng đi tới đâu. Ngay cả người đã theo Chúa cũng bị cám dỗ vì
chính lòng tận tụy trung tín của mình. Điều này đã xảy ra nơi các môn đệ. Sau
khi họ đã bỏ cha mẹ, vợ con, nghề nghiệp, tài sản… để theo Chúa, họ chợt thấy
mình trở nên quan trọng. Cái tôi có nguy cơ lớn lên song song với lòng quảng
đại hiến thân của họ. Nhóm Mười Hai bắt đầu tranh luận với nhau xem ai là người
lớn nhất trong Nhóm (Mc 9,33). Vậy trở ngại đầu tiên và cuối cùng vẫn là cái
tôi. Từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mọi Kitô hữu, dù là tu sĩ hay giáo
dân, già hay trẻ, trí thức hay ít học.
Thanh
tẩy tội lỗi của mình nhờ ơn Chúa giúp, là điều không khó lắm. Nhưng thật là khó
khi phải thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và biết bao công trạng mình đã lập
được. Với ơn Chúa, chúng ta có thể làm được điều khó khăn này. (Lm Augustine
sj, Vietcatholic 2001)
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, Đức Giêsu Kitô đã cứu độ mọi người bằng đi qua đường thập giá để đem
họ vào vinh quang Nước Trời ; đó cũng là đường mà mọi người phải đi qua để
có thể vào Nước Trời. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện :
1. Xin cho các vị chủ chăn và mọi con chiên trong Hội thánh không
lùi bước trước khó khăn gian khổ / nhưng luôn trung thành bước đi theo Đức
Giêsu trên đường thập giá.
2. Xin cho các nhà cầm quyền và dân chúng trong các nước chậm tiến,
kém phát triển / biết sẵn sàng chấp nhận mọi gian nan thử thách / để
xây dựng đất nước theo công lý và hòa bình.
3. Xin cho mọi người đang gặp khổ nạn / biết liên kết với cuộc
khổ nạn của Đức Giêsu Kitô / để tìm thấy ý nghĩa và niềm hy vọng cho cuộc
sống.
4. Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta là môn đệ Chúa /
biết trung thành đi theo Chúa / và sẵn sàng liều mạng sống vì Chúa và vì
Tin mừng của Người.
Chủ tế : Lạy Đức
Giêsu, xin cho Lời Chúa và Thánh Thể Chúa bồi dưỡng chúng con, để chúng con
luôn sẵn sàng chia sẻ với cuộc khổ nạn của Chúa, và cũng được chia sẻ vinh
quang thiên quốc với Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị.
VI. Trong Thánh lễ
- Trước kinh Lạy Cha :
Thánh Kinh nói "Chúa luôn gần gũi những tấm lòng tan nát khiêm cung".
Mỗi người chúng ta đều mang cõi lòng tan nát vì bao nỗi khổ đau. Chúng ta hãy
dâng hết lên Chúa cùng với Lời kinh Lạy Cha.
- Trước lúc rước lễ :
Đức Giêsu mà chúng ta sắp rước vào lòng chính là Con Chiên Thiên Chúa gánh lấy
mọi đau khổ và mọi tội lỗi của loài người.
VII. Giải tán
Thánh lễ đã xong. Khi về
nhà, anh chị em hãy ghi nhớ Lời Chúa dạy hôm nay : "Ai muốn theo Ta,
hãy từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình mà theo".
Lm.
Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa
Nhật XXIV Thường Niên (B)
Chúa Nhật, 13 Tháng 9, 2015
Đi theo Chúa Giêsu như thế nào
Chăm sóc các Môn Đệ, chữa lành Người Mù
Mc 8:27-35
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy
Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với
cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong
ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám
phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái
chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm
hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để
chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh,
trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất
là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng
con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự
phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện
hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.
Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho
chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Phần Tin Mừng của Chúa Nhật thứ 24 Thường Niên tuần này trình
bày lời loan báo đầu tiên về cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu, cho
các Môn Đệ, Phêrô cố gắng loại trừ Thập Giá và giáo huấn của Chúa Giêsu liên
quan đến những hệ quả của Thập Giá cho những ai muốn làm môn đệ của
Người. Phêrô không hiểu được đề nghị của Chúa Giêsu liên quan đến
Thập Giá và khổ nạn. Ông đã chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế,
nhưng không là Đấng Cứu Thế chịu khổ nạn. Phêrô đã bị nhồi sọ bởi lời
tuyên truyền của chính quyền thời bấy giờ nói về Đấng Cứu Thế như một vị Quân
Vương vinh hiển. Phêrô dường như bị mù quáng. Ông không
thể nhìn thấy bất cứ điều gì và ước mong Chúa Giêsu cũng sẽ giống như ông,
Phêrô đã mong ước và hình dung. Ngày nay, tất cả chúng ta đều tin
vào Đức Giêsu. Nhưng tất cả chúng ta không hiểu Người trong cùng một
cách. Đối với tôi, Chúa Giêsu là ai? Vào thời nay, hình
ảnh phổ biến nhất về Chúa Giêsu mà người ta có là gì? Ngày nay, liệu
có lời tuyên truyền nào nhằm xen vào trong cách chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu
không? Đối với Đức Giêsu, tôi là ai?
b) Phần phân đoạn văn bản để trợ
giúp cho bài đọc:
Mc 8:27-28: Câu hỏi của Chúa Giêsu
liên quan đến ý kiến của người dân và câu trả lời của các Môn Đệ
Mc 8:29-30: Câu hỏi của Chúa Giêsu
và ý kiến của các Môn Đệ
Mc 8:31-32a: Lời loan báo đầu
tiên về cuộc Thương Khó và cái chết
Mc 8:32b-33: Cuộc đối thoại giữa
Chúa Giêsu và ông Phêrô
Mc 8:34-35: Những điều kiện để đi
theo Chúa Giêsu
c) Tin Mừng:
27 Khi ấy, Chúa
Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền
Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là
ai?" 28 Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan Tẩy
Giả. Một số bảo là tiên tri Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên
tri". 29 Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các
con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Đấng
Kitô". 30 Người liền nghiêm cấm các ông không được
nói về Người với ai cả.
31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ
nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau
ba ngày sẽ sống lại.32 Người công khai tuyên bố các điều đó.
Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. 33 Nhưng
Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui
đi! Vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".34 Người
tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ
bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. 35 Quả thật, ai
muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì
Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình".
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời
sống chúng ta.
4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều nào trong văn bản này làm bạn hài lòng nhất hay
đánh động bạn nhất? Tại sao?
b) Ý kiến của dân chúng và của Phêrô về Chúa Giêsu ra
sao? Tại sao Phêrô và dân chúng nghĩ như
thế?
c) Mối tương quan giữa việc chữa lành người mù, được mô
tả trước đây (Mc 8:22-26) và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Phêrô và các
Môn Đệ khác là gì?
d) Chúa Giêsu đòi hỏi gì nơi những ai muốn đi theo
Ngài?
e) Ngày nay, điều gì ngăn cản chúng ta không nhận ra và
đảm nhận kế hoạch của Chúa Giêsu?
5. Dành cho những ai muốn đào sâu vào
trong chủ đề
a) Bối cảnh xưa và nay:
i) Trong câu Tin Mừng Mc 8:27, lời hướng dẫn cặn kẽ của
Chúa Giêsu cho các Môn Đệ bắt đầu, và việc này kéo dài đến chương Mc
10:45. Lúc khởi đầu của lời hướng dẫn cũng như tại phần kết của nó,
Máccô đặt việc chữa lành người mù: Mc 8:22-26 và Mc
10:46-52. Tại lúc bắt đầu, việc chữa lành người mù không phải là dễ
dàng và Chúa Giêsu đã phải chữa anh ta trong hai giai đoạn. Việc
chữa lành sự mù lòa của các Môn Đệ cũng khó khăn không kém. Chúa
Giêsu đã phải đưa ra một lời giải thích dài liên quan đến tầm quan trọng của
cây Thập Giá để giúp các ông nhìn thấy thực tế, bởi vì nó là cây thập giá đã
mang lại sự mù lòa ở họ. Vào đoạn kết, việc chữa lành người mù
Batimê là hoa trái của đức tin vào Chúa Giêsu. Nó cho thấy lý tưởng của
người Môn Đệ: tin tưởng vào Đức Giêsu và chấp nhận Ngài như chính
con người Ngài, không phải như tôi mong muốn hay tưởng tượng.
ii) Vào năm 70, khi Máccô đang viết sách này, tình trạng
của các cộng đoàn không phải là dễ dàng thoải mái. Đã có rất nhiều
đau khổ, rất nhiều thập giá. Sáu năm trước đó, vào năm 64, hoàng đế
Nêrô đã hạ lệnh đàn áp dã man lần thứ nhất, giết hại rất nhiều Kitô
hữu. Trong năm 70, tại Palestine, thành Giêrusalem sắp bị tàn phá
bởi người La Mã. Tại các quốc gia khác, sự căng thẳng lớn giữa những
người Do Thái cải đạo và những người không cải đạo đã bắt đầu. Mối
khó khăn lớn nhất là Thập Giá của Chúa Giêsu. Người Do Thái cho rằng
một kẻ bị đóng đinh trên Thập Giá thì không thể là Đấng Cứu Thế được mọi người
trông đợi, bởi vì Lề Luật đã khẳng định rằng bất cứ kẻ nào đã bị kết án xử chết
treo trên thập giá thì phải xem kẻ ấy như là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa (Đnl
21:22-23).
b) Bình luận về văn bản:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Người ta dẫn một người mù đến và xin Đức Giêsu
chữa cho anh ta. Chúa Giêsu đã chữa anh, nhưng theo một cách
khác. Thoạt tiên, Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, rồi bôi
nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: Anh có thấy gì
không? Và anh ta thưa: Tôi thấy người ta, trông họ
như cây cối, họ đi đi lại lại! Anh ta thấy chỉ có một
phần. Anh ta trông thấy cây cối và lẫn lộn chúng với người ta, và
người ta với cây cối! Chỉ đến lần thứ hai Chúa Giêsu đặt tay trên
mắt anh thì anh trông rõ tỏ tường mọi sự và Người nghiêm cấm anh đừng có về
làng. Chúa Giêsu không muốn có một cuộc loan truyền nhanh
chóng! Bài mô tả này về việc chữa lành người mù là phần giới thiệu
về các hướng dẫn sẽ được trao cho các Môn Đệ, bởi vì trong thực tế, Phêrô và
các Môn Đệ khác đều bị mù! Và sự mù lòa của các Môn Đệ được Chúa Giêsu chữa
lành, mặc dù không phải trong lần đầu tiên. Các ông đã chấp nhận
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ như một Đấng Cứu Thế vinh
hiển. Các ông chỉ nhận thấy một phần! Các ông đã không
muốn dính líu với Thập Giá! Các ông đã lẫn lộn cây cối với người
ta!
Mc 8:27-30: ĐỂ TRÔNG THẤY: khám phá ra thực
tại
Chúa Giêsu hỏi: “Người ta bảo Thầy
là ai? Các ông đáp lại cho thấy dân chúng có nhiều ý kiến khác
nhau: “Gioan Tẩy Giả”, “Tiên tri Êlia hay một trong các vị tiên
tri”. Sau khi nghe ý kiến của những người khác, Chúa Giêsu lại hỏi: “Còn
các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô thưa rằng: “Thầy
là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai!” Đó là: “Thầy là Chúa, Đấng
mà người ta đang mong đợi!” Chúa Giêsu đồng ý với Phêrô, nhưng
nghiêm cấm ông không được nói với ai về điều này. Tại sao Chúa Giêsu
lại cấm các ông điều này? Lúc bấy giờ, mọi người đều đang mong đợi
sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng mỗi người mong theo cách riêng của mình,
tùy theo tầng lớp và địa vị xã hội mà người ấy có: một số mong Ngài
đến như một vị Vua, một số khác thì như một vị Thày Cả,
Luật Sĩ, Anh Hùng, Đấng Phán Xét hay là Tiên Tri! Dường như
không ai mong đợi một Đấng Thiên Sai là Người Tôi Tớ, như được công
bố bởi tiên tri Isaia (Is 42:1-9).
Mc 8:31-33: ĐỂ ĐÁNH
GIÁ: Xác định rõ tình hình: Lời loan báo đầu tiên về cuộc
Thương Khó
Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy rằng Người chính
là Đấng Cứu Thế Tôi Trung được loan báo bởi tiên tri Isaia, sẽ
bị bắt và bị giết trong khi thực hiện sứ vụ công lý của Người (Is 49:4-9;
53:1-12). Phêrô với tràn đầy sợ hãi, ông kéo Chúa Giêsu sang một bên
và cố gắng can gián Người.
Và Chúa Giêsu quở trách
Phêrô: “Satan, hãy lui ra sau Ta! Ngươi không biết việc
Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người!” Phêrô nghĩ rằng ông đã đưa
ra câu trả lời đúng. Và, thực ra, ông chỉ nói đúng chữ: “Thầy
là Đức Kitô!” Nhưng ông đã không cho từ ngữ này ý nghĩa
đúng. Phêrô không thấu hiểu Chúa Giêsu. Ông giống như anh mù ở
Béthsaiđa. Ông lẫn lộn người ta với cây cối! Câu đáp lời
của Chúa Giêsu rất nghiêm khắc. Người gọi Phêrô là Satan! Satan
trong tiếng Do Thái có nghĩa là kẻ tố cáo, là kẻ ngăn trở những
người khác đi theo đường lối của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không cho
phép bất cứ ai cản trở Người khỏi sứ vụ của mình. Theo đúng từng chữ, Chúa
Giêsu nói: “Hãy lui ra sau Ta!” Đó có nghĩa là, Phêrô
phải đi đằng sau Chúa Giêsu, phải đi theo Đức Giêsu và chấp
nhận con đường hoặc phương hướng mà Chúa Giêsu đã vạch ra. Phêrô
muốn là kẻ đứng trước và chỉ hướng. Ông mong muốn một Đấng Cứu Thế
theo phương cách và lòng ước muốn của mình.
Mc 8:34-37: ĐỂ HÀNH
ĐỘNG: Những điều kiện để đi theo Chúa Giêsu
Chúa Giêsu rút ra những kết luận mà vẫn còn
giá trị đến ngày nay: Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mình mà
theo Ta! Vào thời ấy, thập giá là bản án tử hình mà Đế Chế La Mã
đã áp đặt cho những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Như thế, vác thập
giá mình và đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là chấp nhận bị thiệt thòi bởi hệ thống
bất công mà sự bất công đã được hợp pháp hóa. Nó cho thấy một sự đổ
vỡ hoàn toàn và triệt để. Như Thánh Phaolô nói trong Thư Gửi các Tín
Hữu Galát: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng
đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gal
6:14). Thập Giá không phải là định mệnh, nó cũng chẳng là nhu cầu
cấp bách từ Chúa Cha. Thập Giá là hệ quả của sự kết ước, được Chúa
Giêsu đảm nhận một cách tự do để mặc khải Tin Mừng rằng Chúa Giêsu đến từ Chúa
Cha, và do đó tất cả mọi người đều được chấp nhận và được đối xử như anh chị
em. Bởi vì lời loan báo mang tính cách mạng này, Người đã bị bách
hại và Người không sợ phải hy sinh mạng sống mình. Không có bằng
chứng nào về một tình yêu cao quý hơn là việc thí mạng sống mình cho anh em.
c) Phần phụ lục:
Lời hướng dẫn của Chúa Giêsu cho các Môn
Đệ
Ở giữa sự chữa lành cho hai người mù (Mc 8:22-26 và Mc
10:46-52), chúng ta thấy có lời hướng dẫn dài của Chúa Giêsu cho các Môn Đệ, để
giúp cho các ông hiểu về tầm quan trọng của Thập Giá và các hệ quả của nó đối
với đời sống (Mc 8:27 – 10:45). Nó dường như là một tài liệu, một
loại giáo lý công giáo, được thực hiện bởi chính Chúa Giêsu. Nó nói
về thập giá trong đời sống của người Môn Đệ. Nó là một loại lược đồ
hướng dẫn:
Mc 8:22-26: Chữa lành người mù
Mc
8:27-38: Loan báo lần thứ nhất về Cuộc Thương Khó
Mc
9:1-29: Hướng dẫn về Đấng Mêssia Tôi Tớ
Mc
9:30-37: Loan báo lần thứ hai về Cuộc Thương Khó
Mc
9:38 – 10:31: Hướng dẫn về cuộc đối thoại
Mc
10:32-45: Loan báo lần thứ ba về Cuộc Thương Khó
Mc 10:46-52: Chữa lành người mù
Như chúng ta có thể thấy, sự hướng dẫn được hình thành bởi ba
lần loan báo về Cuộc Thương Khó. Lần thứ nhất ở Mc 8:27-38, lần thứ
hai ở Mc 9:30-37 và lần thứ ba ở Mc 10:32-45. Giữa lần thứ nhất và
lần thứ hai, có một loạt các hướng dẫn để giúp các ông hiểu được rằng Chúa
Giêsu là Đấng Mêssia Tôi Trung (Mc 9:1-29). Giữa lần thứ
hai và lần thứ ba, có một loạt các hướng dẫn để làm sáng tỏ việc hoán cải phải
xảy ra trong cuộc sống của những ai chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia Tôi
Trung (Mc 9:38-10:31).
Bối cảnh của toàn bộ lời chỉ dẫn là con đường từ
Galilê lên Giêrusalem, từ biển hồ đến thập giá. Chúa Giêsu đang trên
đường tiến về Giêrusalem, nơi người sẽ bị xử tử. Từ đầu đến cuối của
lời chỉ dẫn này, Máccô thông báo rằng Chúa Giêsu đang trên đường tiến về thành
Giêrusalem (Mc 8:27; 9:30-33; 10:1, 17-32), nơi mà Người sẽ nhận lấy thập giá.
Trong mỗi lần của ba lời loan báo này, Chúa Giêsu nói về Cuộc
Thương Khó, Cái Chết và sự Phục Sinh của Người như là một phần của chương trình
của Chúa Giêsu: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các kỳ
lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống
lại” (Mc 8:31; 9:31; 10:33). Câu nói cho thấy rằng
thập giá đã được công bố trong các lời tiên tri (xem Lc 24:26).
Mỗi một lời loan báo về Cuộc Thương Khó thì được đi kèm với
những cử chỉ hoặc lời nói hiểu lầm về phần các Môn Đệ. Trong lần thứ
nhất, Phêrô không muốn thập giá và trách cứ Chúa Giêsu (Mc
8:32). Trong lần thứ hai, các Môn Đệ không hiểu Chúa Giêsu, các ông
sợ hãi và muốn được làm người lớn hơn cả (Mc 9:32-34). Vào lần thứ ba, các
ông sợ hãi, họ kinh hoàng (Mc 10:32), và các ông tìm kiếm sự đề bạt (Mc
10:35-37). Và điều này bởi vì trong các cộng đoàn vào thời Máccô
đang viết quyển Tin Mừng của ông, có nhiều người giống như Phêrô: họ
không muốn cây thập giá! Họ giống như các Môn Đệ: họ
không hiểu thập giá, họ sợ hãi và lại muốn là kẻ cao trọng nhất; họ sống trong
nỗi sợ hãi và mong ước có được sự ủng hộ. Mỗi một trong ba lời loan
báo này đã cho họ một lời định hướng về phần Chúa Giêsu, phê phán sự thiếu hiểu
biết của các Môn Đệ và giảng dạy về cách cư xử của họ phải như thế
nào. Như vậy, trong lời loan báo đầu tiên, Chúa Giêsu đòi hỏi những
ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo, từ bỏ chính mình vì tình
yêu Người và cho Tin Mừng của Người, không hổ thẹn về Người và Lời của Chúa (Mc
8:34-38). Trong lần thứ hai Chúa đòi hỏi: phải làm kẻ
phục vụ mọi người, tiếp đón các trẻ nhỏ, những kẻ bé mọn, như là tiếp đón chính
Chúa Giêsu (Mc 9:35-37). Trong lần thứ ba Người đòi
hỏi: phải uống chén mà Người sắp uống, không được bắt chước những kẻ
làm lớn lấy uy quyền mà cai trị dân, nhưng hãy bắt chước Con Người là Đấng đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình
làm giá chuộc muôn người (Mc 10:35-45).
Sự hiểu biết tổng quát những điều sau đây về Chúa Giêsu không
phải được thu nhặt từ lời giảng dạy lý thuyết, mà từ việc dấn thân thực
tiễn, cùng đi với Người trên con đường phục vụ, từ
miền Galilê đến thành Giêrusalem. Những ai có tâm duy trì ý tưởng
của Phêrô, đó là, về Đấng Mêssia vinh hiển không qua thập giá, sẽ không hiểu
thấu và sẽ không thành công trong việc đảm nhận thái độ của người môn đệ đích
thực. Họ sẽ tiếp tục mù lòa, lẫn lộn người ta với cây cối (Mc
8:24). Bởi vì không vác thập giá thì không thể hiểu được Chúa Giêsu là ai
và đi theo Chúa Giêsu thì có nghĩa là gì.
Con đường đi theo là con đường của sự tận hiến, từ bỏ, phục vụ,
sẵn sàng, chấp nhận xung khắc, biết rằng sẽ có sự sống lại. Thập giá
không phải là một sự ngẫu nhiên trên đường, mà là tạo thành một phần của con
đường. Bởi vì trong thế gian, sắp xếp đẳng cấp bắt nguồn từ sự vị
kỷ, tình yêu và phục vụ chỉ có thể tồn tại trong việc chịu đóng
đinh! Kẻ nào từ bỏ cuộc sống mình mà phục vụ tha nhân, thì gây khó
chịu cho những người sống gắn liền với những đặc quyền ưu đãi và kẻ ấy phải
chịu đau khổ.
6. Cầu nguyện với Thánh Vịnh 25 (24)
Lạy Chúa, xin hãy chỉ cho con đường lối của
Ngài!
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.
Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.
Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
Lạy CHÚA, con nâng tâm hồn lên cùng CHÚA.
Lạy Thiên Chúa của con, con tin tưởng nơi Ngài,
xin Ngài đừng để con tủi nhục,
đừng để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Chẳng ai trông cậy Chúa,
mà lại phải nhục nhằn tủi hổ,
chỉ người nào tự dưng phản phúc
mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.
Lạy CHÚA, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,
vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.
Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
Lạy CHÚA, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu
Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời.
Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
CHÚA là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân,
dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.
Tất cả đường lối CHÚA đều là yêu thương và thành tín
đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.
Lạy CHÚA, tội con thật nặng nề,
vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.
Phàm ai kính sợ CHÚA,
Người chỉ cho thấy đường phải chọn.
Họ sẽ được an vui hạnh phúc một đời,
và con cháu thừa hưởng đất tổ tiên.
CHÚA xử thân tình với những ai kính sợ Chúa
và cho họ biết giao ước của Người.
Mắt tôi nhìn CHÚA không biết mỏi
vì chính Người sẽ gỡ chân tôi khỏi dò lưới.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con,
vì thân này bơ vơ khổ cực.
Lòng đau như thắt, xin làm cho thanh thoả,
và giải thoát con khỏi bước ngặt nghèo.
Xin Chúa thấy cho cảnh lầm than khổ cực
và tha thứ hết mọi tội con.
Xin Chúa thấy cho: thù địch con đông vô kể,
chúng ghét thân này, ghét cay ghét đắng.
Xin bảo toàn sinh mạng và giải thoát con,
đừng để con tủi nhục, bởi vì con ẩn náu bên Ngài.
Ước gì lòng trong sạch và ngay thẳng
che chở giữ gìn con, vì con trông cậy Chúa.
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài cứu Israel
thoát mọi nỗi truân chuyên ngặt nghèo.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về
Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện
xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức
mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho
chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ
lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị
cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét