10/03/2016
Thứ năm tuần 4 Mùa Chay
Bài Ðọc
I: Xh 32, 7-14
"Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi
dân Chúa".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng:
"Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng
đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp
mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi
Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập".
Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để
Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm
cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".
Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng:
"Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực
và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập
nói rằng: "Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ
khỏi mặt đất". Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi
dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa
đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như
sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa,
và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không
thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23
Ðáp: Lạy
Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).
Xướng: 1) Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần
tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con
bò ăn cỏ. - Ðáp.
2) Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng
đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh
thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ. - Ðáp.
3) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu
như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận
và đừng tiêu diệt họ. - Ðáp.
Câu Xướng
Trước Phúc Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết,
nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".
Phúc
Âm: Ga 5, 31-47
"Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người
mà các ngươi vẫn tin tưởng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu
chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng
khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi
đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không
cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu
thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một
thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa
Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm
chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người
cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa
bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được,
vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì
tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại
làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết
các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng
các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến,
các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà
không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được?
Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các
ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin
Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta.
Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời
Ta được?"
Ðó là lời Chúa.
Suy
Niệm: Lời Chứng Bởi Gioan
Trong lịch sử Giáo Hội có vị tu sĩ danh tiếng tên là
Luther, thuộc dòng Augustinô bên Ðức, và khi mới 35 tuổi đã mang chức vụ Giám Tỉnh.
Vị Giám Tỉnh Luther này lại quá ham hoạt động, chỉ vì tìm danh tiếng bên ngoài.
Ông thường nói: "Tôi quá bận, nào là phải dạy học, giảng thuyết, viết
sách, nên không có giờ đọc kinh, không có giờ để cám ơn Chúa, có khi tôi phải bỏ
luôn cả lễ". Hậu quả là vì quá hăng say hoạt động, nên Luther đã dẫn đến
những chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Tòa Thánh, cuối cùng đã
ly khai khỏi Giáo Hội, ra khỏi dòng và đã kết bạn, lôi kéo nhiều người khác
theo mình, làm cho Giáo hội phải thiệt hại nặng nề.
Ở nước Pháp cũng có một giáo sĩ lỗi lạc, đồng thời
là một văn hào danh tiếng, tên là Lamèleir. Ông có đường lối sống như Luther.
Suốt ngày lo lắng nhiều việc, bỏ bê giờ cầu nguyện, chỉ cậy vào trí khôn mình
mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Kết quả cũng không khác gì Luther:
kiêu căng, bất tuân phục, đưa bản thân vào sự khốn khổ tinh thần, lôi kéo nhiều
người cùng xuống vực thẳm.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác
giả tập sách "Ðường Hy Vọng" nhắn nhủ như sau: Tiếng gọi vẫn tiếp tục
nhắc nhở con trong mọi việc nhỏ là "Hãy Theo Thầy", và lời thưa
"Vâng" của con vẫn tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng. Hãy bỏ mình
vác Thập Giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên Thánh Giá với Thầy. Mỗi ngày con bớt
đi "tự ái" mà thêm "bác ái". Mỗi ngày con hãy bớt sự tin
vào mình mà hãy tin vào Chúa. Thời đại nào cũng có những người tự xưng mình là
tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ có
Chúa Giêsu tự xưng là đường, chỉ có Ngài mới đem lại hy vọng với kích thước của
thế giới. Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Hãy làm chứng nhân cho Ta đến tận
cùng thế giới. "Tin" là chấp nhận Chúa Giêsu cách vô điều kiện và quyết
tâm sống chết với Ngài.
Anh chị em thân mến!
Nếu không hướng thượng, không cộng tác với ơn soi
sáng của Chúa, chúng ta dễ chạy theo những thần tượng tâm hồn. Thời đại nào
cũng có người tự hào cho là tiên tri, tự xưng mình có đủ khả năng để giải quyết
những vấn đề của xã hội. Nhưng lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng: "Ai muốn
xây dựng những gì ở ngoài Thiên Chúa hay không cần Thiên Chúa thì sẽ thất bại".
Lạy Chúa, xin thương ban tràn đầy Thánh Thể của Ngài
xuống trong tâm hồn con, để con biết lắng nghe Lời Chúa và trung thành chu toàn
thánh ý Ngài cho đến cùng. Amen.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Năm Tuần IV MC
Bài
đọc: Exo 32:7-14; Jn 5:31-47.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo phải trung thành yêu thương
dân đến cùng.
Các nhà lãnh đạo tinh thần dễ nản chí khi nhìn thấy
những vong ân, bội nghĩa của những người mình hướng dẫn; nhưng Thiên Chúa đòi họ
phải kiên nhẫn và yêu thương họ đến cùng. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những mẫu
gương của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hy sinh cho dân chúng.
Trong Sách Xuất Hành, Thiên Chúa muốn thử Moses nên
nói với ông hãy để Ngài tiêu diệt họ và Ngài sẽ ban một dân khác lớn hơn; vì họ
đã phản bội Thiên Chúa qua việc đúc con bê bằng vàng để thờ lạy. Ông Moses bầu
cử cho dân khỏi bị tiêu diệt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu có thể để cho người
Do-thái chết trong sự cứng lòng của họ, nhưng Ngài chọn con đường kiên nhẫn
thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách đưa ra các nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, tiếng
Chúa Cha làm chứng từ trời, các công việc Ngài làm, và bằng chứng Kinh Thánh.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Ông Moses bầu cử cho dân trước Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng phản bội Thiên Chúa: Thờ lạy bụt
thần là tội vi phạm trầm trọng tới điều răn thứ nhất. Điều khôi hài hơn nữa là
thay vì cám ơn Thiên Chúa đã dùng uy quyền đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập,
họ lại cho là công ơn của con bò vàng mà tay họ làm nên, sụp lạy nó, và nói:
"Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập."
Chúng ta rất ghét người vô ơn; và ghét hơn nữa người đánh cắp công lao của
chúng ta. Thế mà rất nhiều lần chúng ta đã không biết cám ơn Thiên Chúa về những
công ơn Ngài làm cho chúng ta, lại còn cho công ơn ấy vào sai chỗ như: Thần
Tài, người khác, hay chính sức mình!
Tiên tri Isaiah nhận xét rất đúng về những hạng người
vô ơn này khi nói: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ
nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3). Nói cách
khác, con người vô ơn còn thua lòai bò lừa. Đó là lý do tại sao Đức Chúa phán với
ông Moses: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ
cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt
chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."
1.2/ Ông Moses bầu cử cho dân: Mặc dù không đồng
ý với việc của dân làm; nhưng ông Moses xin Thiên Chúa tha thứ đừng tru diệt họ,
vì hai lý do sau:
(1) Vì danh Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa tru diệt họ,
người Ai-cập lại có thể rêu rao: “Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để
giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.”
(2) Vì lời hứa với các tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các
tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với
các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và
sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng
sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
Đức Chúa đã thương, Ngài không giáng phạt dân Người
như Người đã đe. Lãnh đạo dân, nhất là trong hòan cảnh khó khăn như thời gian
lang thang trong sa mạc 40 năm, không dễ. Moses không luôn luôn liên nhẫn với
dân đâu, chính ông cũng đã từng than phiền với Thiên Chúa vì sự cứng lòng và độc
ác của dân khi họ không tìm được nước uống: "Con phải làm gì cho dân này
bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!"
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên nhẫn thuyết phục người Do-thái.
Trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đụng độ
nhiều lần với các kinh-sư và biệt-phái. Thông thường, con người thường cho người
khác tối đa là 3 lần để hiểu sự thật; sau đó sẽ không cần cắt nghĩa nữa nếu họ
vẫn ngoan cố không chịu tin. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ trong việc giải
thích Người là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong chờ. Chúa Giêsu biết: Nếu Ngài
làm chứng về chính mình, thì lời chứng của Ngài không dễ cho họ tin. Vì thế,
Ngài phải theo cách của Lề Luật đòi: ít nhất phải có hai nhân chứng để chứng nhận
một điều là sự thật. Ngài liệt kê các nhân chứng của Ngài như sau:
(1) Gioan Tẩy Giả: làm chứng cho Chúa Giêsu nhiều lần.
Ông đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ
tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến
sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” “Chính các ông đã cử người đến gặp
ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng
của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
(2) Các phép lạ Chúa đã làm: Người Do-thái đã chứng kiến
hay nghe nói về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Phép lạ mà họ mới chứng kiến
là Chúa chữa lành một người bại liệt đã 38 năm. Những phép lạ này đòi hỏi người
làm phải có uy quyền hay đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích cho họ:
“Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những
việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó
làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”
(3) Tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời và trong lòng mọi
người: Hai lần Chúa Cha đã làm chứng từ trời cho Chúa Con bằng tiếng vọng từ trời
“Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người” khi Chúa Giêsu chịu Phép
Rửa và khi Ngài Biến Hình. Hơn nữa, Chúa Cha vẫn làm việc trong tâm hồn người
Do-thái cũng như các tín hữu, nếu họ để tâm nghe Người. Họ không nhận ra tiếng
Chúa Cha là vì: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ
thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì
chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.”
(4) Kinh thánh làm chứng cho Chúa Giêsu: “Các ông
nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời.
Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được
sự sống.”
(5) Ý hướng tốt lành của Chúa Giêsu: Nếu một người
chỉ mong muốn và cố gắng hết sức để cho người khác được điều tốt lành, và không
muốn bất kỳ một sự tôn vinh hay trả ơn; người đó thực sự yêu người khác. Chúa
Giêsu thuyết phục họ hãy tin vào Ngài để được sống, vì Ngài thực sự yêu thương
và lo lắng cho họ. Nếu họ không có ý hướng tốt lành: chỉ tôn vinh lẫn nhau và
không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, họ sẽ không thể tin
vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhà lãnh đạo tinh thần phải kiên trì chịu đau khổ
để đưa dân về với Thiên Chúa. Họ phải kiên nhẫn học hỏi và cắt nghĩa cho những
người được họ hướng dẫn.
- Phần thưởng mà họ nhận được không phải là sự tôn
vinh cá nhân hay những lợi lộc vật chất; nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui
được làm vinh quang Cha trên trời.
- Dân chúng không nhận ra sự thật vì rất nhiều lý
do: quá đau khổ, không có kiến thức căn bản, chước cám dỗ của ba thù. Nhà lãnh
đạo may mắn được Thiên Chúa ban cho hiểu biết và có sức mạnh hơn để vượt qua. Họ
phải gánh chịu đau khổ và tha thứ cho dân như Chúa Cha, Chúa Giêsu, và Moses đã
gánh chịu và tha thứ cho dân.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
10/03/16 THỨ NĂM TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47
Ga 5,31-47
Suy niệm: Không
ít người giải thích lòng Chúa thương xót cách tùy tiện, như thể không cần một
tấm lòng thành sám hối và khát khao nên thánh nào của tội nhân. Họ làm ra vẻ từ
tâm và làm cho người nghe hiểu lệch lạc rằng, ơn thánh quí báu từ giá máu của
Chúa trên thánh giá là thứ “ân sủng rẻ tiền”, nghĩa là được tha thứ mà không
cần lòng thống hối, được rước lễ mà không cần xưng tội, được giải tội mà không
cần đích thân đến tòa giải tội. Thật là lệch lạc và quá nguy hiểm! Trái lại,
làm chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là muốn làm gì thì làm,
hoặc nói hay làm những điều thỏa mãn thị hiếu của đám đông, mà là nói những
điều Thiên Chúa muốn nói và làm những việc Thiên Chúa muốn thực hiện. Chúa
Giê-su khẳng định, những việc Ngài làm theo ý của Chúa Cha chứng minh Ngài được
Chúa Cha sai đến.
Mời Bạn: Bạn
hiểu thế nào về lòng Chúa thương xót? Bạn sống và giải thích lòng Chúa thương
xót có đúng với ý của Giáo Hội khi loan báo lòng Chúa thương xót không?
Sống Lời Chúa: Xét
mình, thống hối và can đảm tiến đến tòa giải tội.
Cầu nguyện: Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Da-kêu và thánh
Mát-thêu khỏi ách nô lệ bạc tiền; làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh
Ma-đa-lê-na không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo; cho thánh Phê-rô khóc lóc
ăn năn sau khi chối Chúa và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng thống hối.
Chúa Cha làm chứng cho tôi
Làm sao ta có thể ra khỏi
những thành kiến để đón lấy sự thật, ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào
tình yêu, ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.
Suy
niệm:
Để
hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm.
Đức
Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9).
Anh
được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu.
Chuyện
đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16).
Khi
nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”
họ
tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng,
dám
gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18).
Không
chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha:
quyền
làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30).
Dù
có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.
Trong
bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử.
Vì
không được tự làm chứng cho chính mình,
nên
Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài.
Trước
hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35).
Ông
là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9).
Nhưng
người ta đã không đón nhận lời chứng ấy.
Kế
đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36).
Lẽ
ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai.
Cuối
cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40).
Cha
làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39).
Nhưng
họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng,
nên
chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).
Những
lời chứng trên đây trở nên vô ích
đối
với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42),
không
tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44).
Đức
Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này
mà
Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Làm
sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật,
ra
khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu,
ra
khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.
Hãy
tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38).
Hãy
đến với Giêsu để được sống (40).
Cầu
nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin
tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi
biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để
gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để
đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để
chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay
cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để
nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để
âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R.
Tagore
(Đỗ
Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
10
Tháng Ba
Gieo Gió Gặt Bão
Ðêm
17/5/1987, một chiến đấu cơ do Pháp chế tạo đã được Iraq sử dụng để phóng đi
hai hỏa tiễn Exocet cũng do Pháp chế tạo. Không rõ do tính toán hay tai nạn,
hai hỏa tiễn này đã đâm bổ xuống hàng không mẫu hạm Satark của Mỹ đang đậu
trong vùng vịnh Ba Tư. 37 người Mỹ đã vong mạng trọng vụ ấy!
Người
Ả Rập thường nói: "Kẻ thù của kẻ thù của tôi là bạn tôi". Có lẽ người
Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng xử sự theo châm ngôn ấy. Trong cuộc chiến kéo
dài 8 năm của Iran và Iraq, đa số các nước Tây phương kể cả Liên Xô đều đứng về
phía Iraq.
Liên
Xô là nước cung cấp cho I raq nhiều vũ khí nhất. Từ giữa năm 1983 đến năm 1988,
Iraq đã mua của thế giới một số vũ khí trị giá khoảng 34 tỷ Mỹ kim. Cùng với
chiến xa T-72 và hỏa tiễn Scud-B, Liên Xô là nước đã bán cho thế giới đến 50%
khí giới.
Ðể
đổi lấy dầu của Iraq, Pháp đã bán cho nước này số khí giới trị giá khoảng 16 tỷ
Mỹ kim. Ngày nay, 133 chiến đấu cơ Mirage F.I và hỏa tiễn Exocet mà Iraq đã đưa
vào cuộc chiến ở vùng vịnh Ba Tư đều do Pháp cung cấp.
Năm
1984, Hoa Kỳ đã tái lập ngoại giao với Iraq và loại Iraq ra khỏi sổ những nước
chuyên gây các cuộc khủng bố trên thế giới. Sự tín nhiệm của Hoa Kỳ đối với
Iraq cũng khiến cho những nước Tây phương khác như Tây Ðức cung cấp cho Iraq
chuyên viên, kỹ thuật và nguyên liệu nhờ đó Iraq đã có thể chế tạo các vũ khí
hóa học và nguyên tử.
Vô
tình hay hữu ý, các nước Tây phương đã củng cố cho nền độc tài của Saddam
Hussein và đưa ông đến cuộc thách thức hiện nay. Một nhà chính trị người Iraq
hiện lưu vong tại Pháp đã nói như sau: "Chúng tôi đã lên tiếng về chế độ độc
ác của Hussein. Nhưng đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Vì bức tường của những
lợi lộc kinh tế, chúng tôi đã không được lắng nghe. Kết quả cho thấy là một nhà
độc tài như ong được nuôi trong tay áo, nay đang hiện nguyên hình thành một
quái vật".
Câu
chuyện trên đây có thể giúp chúng ta rút ra một bài học về những hậu quả mà người
ta phải gánh chịu về những việc làm của mình. Chúng ta vẫn thường nói:
"Gieo gió thì gặt bão"... Các nước Tây phương ngày nay hẳn phải đấm
ngực để chịu đựng cơn bão táp mà chính họ là người đã đóng góp vào để tạo nên.
Khí giới do Tây phương cung cấp ngày nay đã quay lại chống họ.
Thánh
Phaolô trong thư gửi cho giáo đoàn Galata đã kêu gọi chúng ta, thay vì gieo
trong xác thịt, hãy gieo trong thần khí.
Gieo
trong xác thịt tức là gieo rắc hận thù, chết chóc, là nuôi dưỡng ích kỷ, là gây
đố kỵ, chia rẽ: những hạt giống ấy chỉ nảy nở bằng cây của tang thương, đau khổ
và hủy diệt cho chính mình cũng như cho người khác.
Gieo
trong thần khí chính là sống quảng đại, phục vụ, hòa nhã, yêu thương, cảm
thông, nhẫn nhục, tha thứ... Hạt giống của thần khí có thể là hạt giống nhỏ bé
và âm thầm như hạt cải, nhưng sẽ trở thành cây to lớn. Không có một nghĩa cử
nào, dù nhỏ mọn đến đâu, mà không mang lại hoa trái Bình An cho tha nhân và cho
chính bản thân.
Chiến
tranh trên quy mô thế giới, chiến tranh giữa nước này với nước nọ, chiến tranh
trong cùng một quốc gia: Ở mọi quy mô, chiến tranh nào cũng là cơn bão táp mà
chính con người tự góp gió để thổi lên.
Nơi
nào có bất hòa, thì nơi đó có chiến tranh. Nơi nào lợi lộc được đặt lên trên mọi
giá trị khác, thì nơi đó đã có chiến tranh.
Người
môn đệ của Ðức Kitô, Nguyên Ủy của Hòa Bình, luôn được mời gọi để xây dựng Hòa
Bình và Hòa Bình chớm nở khi con người bắt đầu gieo trồng hạt giống của Yêu
Thương.
Lẽ Sống
Lectio Divina: Gioan 5:31-47
Thứ Năm, 10 Tháng 3,
2016
Thứ Năm Tuần IV Mùa
Chay
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa của chúng con,
chúng con có lẽ biết,
Về lý thuyết nhiều hơn là trong thực
hành,
Rằng Chúa đang ở cùng chúng con,
Rằng Chúa là Thiên Chúa của chúng con và
chúng con là dân của Chúa.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con,
những khi chúng con rập khuôn
các thần thánh của riêng chúng con được
dựng nên theo chính hình ảnh của chúng con –
danh vọng, quyền lực, thanh thế,
những điều mà chúng con gắn bó và làm nô
lệ.
Xin Chúa hãy nhắc nhở chúng con nhiều
lần
Rằng Chúa là Thiên Chúa trung tín của
chúng con,
Đấng đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh
không thể xóa nhòa của Chúa
Và là Đấng cho chúng con thấy chân dung
hoàn hảo của Chúa
Trong Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là
Chúa chúng con.
2. Phúc Âm –
Gioan 5:31-47
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do Thái
rằng: “Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác
thực. Có một Đấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta
thì xác thực.
Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và
Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài
người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là
cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời
gian.
Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của
Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công
việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai
Ta. Và Chúa Cha, Đấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta.
Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt
Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin
Đấng Người đã sai đến.
Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng
rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm
chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống! Ta
không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng
yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu
đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ
đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không
tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được?
Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo
các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môisen, tức là người mà
các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môisen, thì có lẽ các ngươi
cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môisen đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi
không tin điều Môisen đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?”
3. Suy Niệm
- Tác giả Gioan,
thông dịch viên của Chúa Giêsu. Gioan là một người thông dịch giỏi về
những lời của Chúa Giêsu. Một người thông dịch giỏi phải có tính trung
thực gấp đôi. Trung thực với những lời của người nói, và trung thực với ngôn
ngữ của người nghe. Trong sách Tin Mừng của Gioan, Lời của Chúa Giêsu
không nên được truyền tải một cách vật chất, theo nghĩa đen; mà Lời đó phải
được phiên dịch và đổi sang ngôn ngữ người dân của các cộng đoàn Kitô hữu vào
thế kỷ thứ nhất tại Tiểu Á. Vì lý do này, các bài suy niệm về Tin Mừng
theo thánh Gioan thì không phải lúc nào cũng dễ hiểu. Bởi vì trong đó
được trộn lẫn Lời của Chúa và lời của Thánh Sử, là người phản chiếu ngôn ngữ
đức tin của các cộng đoàn tại Tiểu Á. Khoa học nghiên cứu hay khoa học kỹ
thuật về Chúa Giêsu thì chưa đủ thẩm quyền cho việc này. Cũng cần thiết
cho chúng ta có được kinh nghiệm sống về đức tin trong cộng đoàn. Bài Tin
Mừng hôm nay là một ví dụ điển hình của chiều sâu tâm linh và thần bí của Tin
Mừng của người Môn Đệ Chúa Yêu.
- Sự soi sáng đối
ứng giữa đời sống và đức tin. Tại đây tưởng cũng nên lặp lại những gì
thánh Gioan Cassian nói về việc khám phá ra ý nghĩa đầy đủ và sâu sắc của các
bài Thánh Vịnh: “Được hướng dẫn bởi những gì chúng ta cảm thấy, chúng ta
không xem xét văn bản như là điều gì đó mà chúng ta chỉ nghe, mà như là điều gì
đó chúng ta đã trải qua và chúng ta đã chạm tận tay; chúng ta không xem văn bản
giống như một câu chuyện xa lạ và chưa bao giờ nghe, mà như là điều gì đó chúng
ta đem ra ánh sáng từ phần sâu thẳm nhất của trái tim chúng ta, như thể đây là
những tình cảm tạo từ chính con người của chúng ta. Chúng ta hãy lặp lại
chúng; đó không phải là đọc (nghiên cứu) những gì giúp cho chúng ta thẩm thấu
vào trong ý thức hay ý nghĩa của các chữ, mà là kinh nghiệm riêng của chúng ta
đã có trước, thu thập từ cuộc sống mỗi ngày” (tác phẩm Collationes X:11).
Đời sống soi sáng văn bản, văn bản soi sáng đời sống. Nếu có những lúc,
văn bản không nói gì, đó không phải là vì thiếu học hỏi hoặc vì thiếu cầu
nguyện, mà chỉ vì thiếu chiều sâu trong cuộc sống của chính mình.
- Ga
5:31-32: Giá trị của lời chứng của Chúa Giêsu. Lời
chứng của Chúa Giêsu là sự thật bởi vì Người không quảng bá hoặc đề cao mình. “Có
một Đấng khác làm chứng về Ta”, đó là Chúa Cha. Và lời chứng của Chúa thì
xác thực và xứng đáng được tin tưởng.
- Ga 5:33-36:
Giá trị lời chứng của Gioan Tẩy Giả và các việc làm của Chúa
Giêsu. Gioan Tẩy Giả cũng đã làm chứng về Chúa Giêsu và giới
thiệu Chúa đến mọi người như Đấng được Thiên Chúa sai đến thế gian này (xem Ga
1:29, 33-34; 3:28-34). Vì lý do này, ngay cả khi lời chứng của Gioan Tẩy
Giả rất quan trọng, Chúa Giêsu cũng không dựa và ông. Chúa có một bằng
chứng hơn chứng của Gioan, đó là, các công việc mà Chúa Cha thực hiện qua Người
(Ga 14:10-11).
- Ga 5:37-38:
Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu. Trước đây, Chúa
Giêsu đã nói rằng: “Ai thuộc về Thiên Chúa, thì nghe lời Thiên Chúa nói”
(Ga 8:47). Những người Do Thái cáo buộc Chúa Giêsu thì đã không chịu mở
lòng ra với Thiên Chúa. Và vì vậy, họ không thể cảm nhận được lời chứng
của Chúa Cha nói với họ qua Chúa Giêsu.
- Ga 5:39-41:
Sách Thánh làm chứng cho Chúa Giêsu. Người Do Thái nói
rằng họ tin vào Sách Thánh, nhưng trong thực tế, họ không hiểu Kinh Thánh, vì
Kinh Thánh nói về Chúa Giêsu (xem Ga 5:46; 12:16,41; 20:9)
- Ga
5:42-47: Chúa Cha không xét xử nhưng trao phó việc xét xử cho
Chúa Con. Người Do Thái nói rằng họ tin vào Sách Môisen, và vì lý do
này, họ kết án Chúa Giêsu. Trong thực tế, Môisen và Kinh Thánh viết về
Chúa Giêsu và đòi hỏi người ta tin vào Người.
4. Một vài câu
hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Đời sống soi
sáng văn bản và văn bản soi sáng đời sống. Bạn đã có kinh nghiệm này lần
nào chưa?
- Bạn hãy cố gắng
làm sâu sắc thêm giá trị lời chứng của Chúa Giêsu.
5. Lời nguyện
kết
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh
cửu,
Vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
Kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
(Tv 145:13-14)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét