Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

14-03-2016 : THỨ HAI - TUẦN V MÙA CHAY

14/03/2016
Thứ hai tuần 5 mùa Chay

Bài Ðọc I: Ðn 13, 1-9. 15-17. 19-30. 33-62 (Bài dài)
"Ðây tôi phải chết, dù tôi không làm điều họ vu khống cho tôi".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông ở Babylon tên là Gioakim cưới bà vợ tên là Susanna, con của Helcia, bà rất xinh đẹp và có lòng kính sợ Chúa, vì cha mẹ bà là những người công chính, đã dạy con cho biết giữ luật Môsê. Lúc đó Gioakim rất giàu có, ông có một khu vườn gần nhà ông, các người Do-thái năng lui tới nhà ông, vì ông là người đáng kính hơn mọi người khác.
Năm đó, người ta đã đặt lên hai vị thẩm phán trong dân. Chúa đã phán về những kẻ ấy rằng: "Sự gian ác phát sinh từ Babylon bởi những vị thẩm phán kỳ lão, là những người xem ra như cai quản dân chúng". Các ông năng lui tới nhà ông Gioakim, nên tất cả những ai kiện tụng, thì tìm gặp các ông ở đó. Ðến trưa, khi dân chúng trở về nhà, bà Susanna vào đi bách bộ trong vườn của chồng. Hai vị kỳ lão thấy bà mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh.
Hai ông chờ ngày thuận tiện, lúc bà Susanna vào vườn như hôm trước và hôm trước nữa, bà chỉ dẫn theo hai cô thiếu nữ, bà muốn tắm trong vườn, vì trời nóng bức. Lúc bấy giờ ở đó không có ai, ngoài hai vị kỳ lão đang ẩn núp và ngắm nhìn bà. Bà nói với hai cô thiếu nữ rằng: "Hãy mang dầu và thuốc thơm cho ta, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm".
Khi hai cô thiếu nữ ra khỏi vườn, hai vị kỳ lão đứng lên, tiến lại gần bà Susanna và nói: "Kìa cửa vườn đã đóng hết; không ai trông thấy ta đâu, chúng tôi say mê bà, bà hãy chấp nhận lời yêu cầu của chúng tôi và hiến thân cho chúng tôi. Nếu bà không chấp nhận, chúng tôi sẽ làm chứng nói bà phạm tội với một thanh niên, và vì đó, bà đã bảo các cô thiếu nữ ra khỏi vườn".
Bà Susanna thở dài và nói: "Tôi phải khốn cực tư bề; nếu tôi hành động như thế, tôi phải chết, và nếu tôi không hành động như thế, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà tôi phải tay các ông mà không làm điều gì phạm tội trước mặt Chúa thì hơn!" Ðoạn bà tri hô lên, nên hai vị kỳ lão cũng kêu lên tố cáo bà. Và một trong hai ông chạy ra mở cửa vườn. Khi người nhà nghe tiếng kêu la trong vườn, liền đổ xô ra cửa để xem coi việc gì đã xảy ra. Khi nghe hai vị kỳ lão kể lại, thì các đầy tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì thiên hạ không khi nào nghe nói như thế về bà Susanna.
Ngày hôm sau, khi dân chúng tụ họp tại nhà ông Gioakim, chồng bà Susanna, hai vị kỳ lão cũng đến, lòng đầy những ý nghĩ bất chính để tố cáo bà Susanna cho người ta giết bà. Hai ông nói với dân chúng: "Các người hãy đi tìm bà Susanna, con ông Helcia, vợ của ông Gioakim". Người ta liền sai đi bắt bà, bà đến với cả cha mẹ, con cái và tất cả họ hàng. Nhưng tất cả họ hàng và mọi kẻ biết rõ bà đều khóc lóc.
Khi hai vị kỳ lão ra đứng giữa dân chúng, hai ông đặt tay lên đầu bà. Bà Susanna thì khóc lóc, ngước mắt lên trời, vì tâm hồn bà tin tưởng nơi Chúa. Hai vị kỳ lão nói: "Khi chúng tôi đi bách bộ một mình trong vườn, bà này đi vào với hai đứa tớ gái. Bà bảo hai đứa đóng cửa vườn lại, rồi đi ra. Bấy giờ một chàng thanh niên đã ẩn núp trong vườn tiến tới gần bà và phạm tội với bà. Lúc đó chúng tôi núp ở góc vườn, nhìn thấy tội ác, chúng tôi liền chạy đến bắt quả tang hai người đang phạm tội. Chúng tôi không bắt được chàng thanh niên, vì anh ta khoẻ mạnh hơn chúng tôi, nên đã mở cửa tẩu thoát. Còn bà này chúng tôi bắt được, chúng tôi gạn hỏi chàng thanh niên đó là ai, nhưng bà không muốn nói cho chúng tôi biết. Ðó là điều chúng tôi xin làm chứng". Dân chúng tin lời hai ông nói, vì hai ông là bậc kỳ lão trong dân và là thẩm phán, nên họ lên án tử hình cho bà.
Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con".
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: "Còn tôi, tôi không vấy máu bà này". Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: "Lời mi nói có ý nghĩa gì?" Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: "Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà".
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ðaniel: "Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão". Ðaniel liền nói với họ: "Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho".
Khi hai ông đứng xa nhau, Ðaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: "Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm, ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: "Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính". Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây chò". Ðaniel liền nói: "Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông". Ðaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ðaniel nói với ông này rằng: "Hỡi dòng giống Canaan, chớ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây sồi". Ðaniel liền nói: "Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông".
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống, họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Ðn 13, 41c-62
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, dân chúng lên án tử hình bà Susanna. Bấy giờ bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa hằng hữu, Ðấng thấu biết mọi bí ẩn và mọi sự trước khi xảy ra, Chúa biết họ làm chứng gian hại con; và đây con phải chết, dù con không làm điều gì mà họ ác ý vu khống cho con".
Chúa nhậm lời bà. Khi họ dẫn bà đi xử tử, thì Chúa giục thần trí một đứa trẻ tên là Ðaniel. Trẻ này kêu lớn rằng: "Còn tôi, tôi không vấy máu bà này". Mọi người hướng mắt nhìn về đứa trẻ và nói: "Lời mi nói có ý nghĩa gì?" Ðứa trẻ ra đứng giữa mọi người và nói: "Hỡi con cái Israel, các ngươi ngu muội thế sao, khi chưa xét xử và chưa biết sự thật thế nào, mà lại lên án một thiếu nữ Israel? Các người hãy xét xử lại, vì hai ông đã làm chứng dối hại bà".
Bấy giờ dân chúng vội vã trở lại. Các kỳ lão nói với Ðaniel: "Này, em hãy ngồi giữa chúng tôi và bảo cho chúng tôi, vì Thiên Chúa đã cho em danh dự của bậc kỳ lão". Ðaniel liền nói với họ: "Các người hãy tách biệt hai ông ra, và cho hai ông đứng xa nhau, rồi tôi xét xử hai vị kỳ lão cho".
Khi hai ông đứng xa nhau, Ðaniel gọi ông thứ nhất đến và nói: "Hỡi lão già độc ác, các tội xưa kia ông đã phạm, giờ đây lại tái phạm. Ông đã xét xử bất công, đã lên án kẻ vô tội và tha cho người có tội, mặc dầu có lời Chúa phán: "Ngươi chớ giết kẻ vô tội và người công chính". Vậy nếu ông thấy bà Susanna phạm tội, thì hãy nói hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây chò". Ðaniel liền nói: "Ðúng là ông nói dối. Ðây sứ thần Chúa được lệnh phân thây ông". Ðaniel cho ông ta lui ra, và bảo dẫn ông kia đến. Ðaniel nói với ông này rằng: "Hỡi dòng giống Canaan, chứ không phải dòng giống Giuđa, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho tâm hồn ông ra đồi bại. Ông đã cư xử như thế đối với các thiếu nữ Israel, các cô vì sợ mà phạm tội với ông. Nhưng một thiếu nữ Giuđa không chiều theo tội ác của ông. Vậy bây giờ, ông hãy nói cho tôi biết ông đã bắt được hai người phạm tội dưới cây gì?" Ông ta trả lời: "Dưới cây sồi". Ðaniel liền nói: "Cả ông nữa, ông hoàn toàn nói dối, cho nên thiên thần Chúa, tay cầm gươm, chờ đợi phân thây tiêu diệt ông".
Bấy giờ tất cả dân chúng hô lớn tiếng và chúc tụng Chúa đã cứu thoát những kẻ trông cậy vào Chúa. Ðoạn họ nghiêm trị hai vị kỳ lão mà Ðaniel đã minh chứng rằng hai ông đã vu khống; họ đã xử với hai ông như hai ông đã xử độc ác với kẻ khác. Chiếu theo luật Môsê, họ lên án xử tử hai ông, và ngày hôm đó máu người vô tội khỏi đổ oan.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con (c. 5ab).
Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Ngài dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương. Ðầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Ga 8, 12-20
"Ta là sự sáng thế gian".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: "Ta là sự sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống".
Những người biệt phái nói: "Ông tự làm chứng cho mình, nên chứng của ông không xác thực".
Chúa Giêsu trả lời: "Cho dầu Ta tự làm chứng về Ta, thì chứng của Ta cũng xác thực, vì Ta biết rõ Ta từ đâu tới và đi về đâu. Còn các ông, các ông không biết Ta từ đâu tới, cũng chẳng biết Ta đi đâu. Các ông đoán xét theo xác thịt; còn Ta, Ta không đoán xét ai. Hoặc nếu Ta có đoán xét, thì sự đoán xét của Ta cũng xác thực, bởi vì không phải chỉ có mình Ta, nhưng còn có Cha Ta là Ðấng đã sai Ta. Vả lại trong luật của các ông có ghi: Chứng của hai người thì xác thực. Ta tự làm chứng về Ta, và Ðấng đã sai Ta, là Chúa Cha, cũng làm chứng cho Ta nữa".
Họ nói: "Cha của ông đâu?" Chúa Giêsu trả lời: "Các ông không biết Ta, cũng chẳng biết Cha Ta. Nếu các ông biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta".
Chúa Giêsu nói những lời trên gần nơi để Kho Tiền, khi Người giảng dạy trong đền thờ. Thế mà không ai bắt Người, vì chưa đến giờ Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sự Sáng Thế Gian
Thánh Phanxicô Salêsiô, Giám mục giáo đoàn Sáp (Chable) thuộc miền Nam nước Pháp, là người sống cùng thời với Giám Mục Bossuet. Cả hai đều là những vị Giám mục lỗi lạc thông thái. Nhưng Giám mục Phanxicô Salêsiô được tôn phong hiển thánh, còn Giám mục Bossuet là một văn hào và là một nhà hùng biện nổi tiếng ở Âu Châu thời đó.
Trong văn chương nước Pháp, ngày nay người ta vẫn còn học những tác phẩm của Ngài, gồm các diễn văn, các bài giảng và các tranh luận tôn giáo. Chính Ngài đã viết một pho sách lớn trả lời những vấn nạn của phong trào thệ phản lúc đó. Nghe danh Ngài, mọi người đều nể phục. Trong khi đó, Ðức Cha Phanxicô Salêsiô cũng là một người thông minh xuất chúng, lại có một lối bênh vực đạo Chúa khác hẳn với cách thức của Giám mục Bossuet. Ngài rất nhân từ, bình dân, giản dị và niềm nở tiếp đón mọi người, lắng nghe mọi người, tìm hiểu và giải quyết những thắc mắc của họ. Ngài sẵn sàng đối thoại cả với những anh chị em lạc giáo có ác tâm muốn bắt bẻ Ngài. Nhưng cuối cùng chính họ là những kẻ bị Ngài chinh phục. Ngài không ngại mất thì giờ nghe họ như thể chỉ có mình Ngài với họ thôi. Có người góp ý: "Ðức Cha tiếp họ làm gì cho mất công. Họ cố ý đến để bài bác Ðức Cha đó". Nhưng Ngài trả lời: "Mỗi linh hồn đã là một giáo phận đối với một vị Giám Mục".
Nhờ tìm hiểu, đón tiếp từng cá nhân như vậy mà Ngài đã làm cho trên 10,000 người theo lạc giáo trở lại Công giáo. Ðức Cha Bossuet khiêm tốn nhìn nhận điều này và đã tuyên bố như sau: "Ai muốn tranh luận về giáo lý thì hãy đến với tôi, tôi sẽ làm cho họ thua lý. Nhưng ai muốn theo đạo thì hãy đến với Ðức Cha Phanxicô Salêsiô, vì Ngài hiền từ, không tranh luận, nhưng có một khả năng chinh phục lạ thường".
Anh chị em thân mến!
Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô đã cho mọi người nhìn thấy Ngài có một khả năng chinh phục lạ thường. Không ai có uy quyền như Ngài để làm những việc kỳ diệu, nhưng phép lạ để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, là Ðấng Thiên Sai được Chúa Cha sai đến. Những lời Ngài nói có sức hấp dẫn đến độ dân chúng nghe Ngài đã nhận xét: "Không ai giảng dạy hấp dẫn như Ngài".
Tuy nhiên, quyền năng chinh phục của Chúa Giêsu không hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người. Ðây là một mầu nhiệm đối với trí khôn hạn hẹp của chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc lại cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu Kitô và những người biệt phái, những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái. Những người này không tin Chúa, mặc dù họ đã chứng kiến những việc Chúa làm trước mắt. Phần Chúa Giêsu thì Ngài tận dụng mọi lý lẽ, mọi phương thế có thể để thuyết phục họ tin nhận.
Anh chị em thân mến!
Trên trần gian này, có thể nói chưa có một đại diện nào đã hành động như Chúa Giêsu. Ngài hạ mình xuống trần làm người, sử dụng ngôn ngữ của con người để mạc khải sự thật cao cả của Thiên Chúa. Những sự thật có sức cứu rỗi là Ngài làm ngơ trước những lạm dụng về khả năng trí tuệ và ý chí của con người mà họ bắt bẻ Ngài đủ thứ, đủ chuyện. Thái độ không tin và bắt bẻ Chúa của những người biệt phái như vừa được nhắc đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay đáng cho chúng ta lưu ý và nhắc lại chính thái độ sống đức tin của mình. Thử hỏi đã có bao nhiêu lần Chúa Giêsu thực hiện những dấu lạ trong đời sống cá nhân chúng ta, cùng như trong sinh hoạt của cộng đồng mà Ngài đã thành lập là Giáo Hội, để nhắc nhở chúng ta rằng: Ngài là Ðấng Cứu Thế, là Ánh Sáng, là Sự Thật cứu rỗi. Nhưng chúng ta đã nhìn thấy ánh sáng và sống sự thật Ngài đã truyền dạy với hết lòng chân thành khiêm tốn hay chưa? Tin nhận Chúa là một điều khó.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên các tín hữu như sau: Thành thực cầu xin như các thánh tông đồ xưa: "Lạy Thầy, xin ban đức tin cho chúng con". Con phải can đảm sống đức tin hằng ngày như các thánh Tử Ðạo đã can đảm giữ vững đức tin xưa. Ðối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương vô cùng. Chúa không phải là Ðấng bắt con phải kính mến. Nói đúng hơn, Chúa là Ðấng mà con phải để cho Ngài yêu thương con vô hạn.
Nhân loại ngày nay đã tiến bộ vượt mực về khoa học và kỹ thuật. Nhân loại đã có đủ sức mạnh khủng khiếp có thể tự sát với vũ khí hạt nhân. Nhân loại đầy đủ phương tiện hỗn loạn hầu như no nê không thiếu gì nữa. Nhân loại cảm thấy làm được mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống? Mình đi về đâu? Và tương lai thế nào?
Nhân loại đang trải qua một cơn khủng hoảng hy vọng. Phải! Nhân loại đang trải qua cơn khủng hoảng hy vọng và có thể chính cá nhân chúng ta cũng đang gặp phải cơn khủng hoảng hy vọng. Vì chúng ta không có đức tin trọn vẹn, không chấp nhận sự thật của Chúa mạc khải: "Ngài từ đâu đến và đi về đâu?" Mạc khải Con Người từ đâu đến và đi về đâu: "Ta là Ánh Sáng, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm. Nhưng có Ánh Sáng ban sự sống". Ðó là bí quyết niềm hy vọng của chúng ta, của mỗi người Kitô hữu.
Lạy Chúa, xin gia tăng đức tin còn non yếu của con. Xin hướng dẫn con theo ánh sáng sự thật của Chúa, để con trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, hầu làm vinh danh Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần V MC
Bài đọc: Dan 13:1-9, 15-17, 19-30, 33-62; Jn 8:1-11 or 8:12-20.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Không được kết án tha nhân.
Con người thường dễ phê bình và kết án tha nhân, hơn là nhìn vào chính mình để xét mình và để nhận ra những ước muốn sai trái và tội lỗi của mình. Nhiều khi vì ham muốn tình dục, uy quyền, danh vọng, hay của cải, con người có thể sẵn sàng làm chứng gian để kết án người vô tội, hay tìm đủ mọi cách để tha bổng kẻ đắc tội. Chúa Giêsu dạy các môn đệ không được kết án bất cứ ai, vì quyền phán xét là quyền của Thiên Chúa, và không ai sạch tội để có thể kết án tha nhân.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh vấn đề kết án tha nhân. Trong Bài Đọc I, TT Daniel phá vỡ âm mưu của hai vị thẩm phán làm chứng gian để kết án người vô tội. Họ ham muốn sắc đẹp của Bà Suzanna và lập mưu để thông gian với Bà. Khi Bà từ chối không chịu, họ đã tri hô Bà phạm tội ngọai tình với một thanh niên trẻ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng phá vỡ âm mưu của các kinh-sư và Biệt-phái khi họ đặt Ngài vào thế lưỡng nan: hoặc phải giữ luật Moses hoặc phải giữ luật yêu thương. Ngài trả lời họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Không được làm chứng gian để kết án người lành.
1.1/ Sự ác độc của hai vị thẩm phán:
(1) Lòng ham muốn tình dục của hai vị thẩm phán: Là những người xét xử dân chúng, lẽ ra họ phải giữ tâm hồn sáng suốt để xét xử công minh cho dân, hai vị thẩm phán này đã để “tâm trí ra đồi bại, quay mắt đi để khỏi nhìn lên trời cao và chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa.” Họ ham muốn sắc đẹp của bà Suzanna, rình rập khi Bà tắm trong vườn, và sửa sọan sẵn một âm mưu để cưỡng bức Bà hoặc phải thông gian với họ, hoặc sẽ bị ném đá chết vì tội ngọai tình.
(2) Làm chứng gian khi âm mưu không thành: Hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà, và làm chứng gian: "Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không tóm được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy."
1.2/ Thiên Chúa bảo vệ những ai biết kính sợ Người.
(1) Khác với hai vị thẩm phán, Bà Suzanna là người biết kính sợ Thiên Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Moses. Khi bị cưỡng bức bởi hai vị thẩm phán, Bà Suzanna biết họ có quyền phán xét luận tội mình, nên phân vân: "Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!" Vì thế, Bà Suzanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Khi bị kết án oan uổng, Bà vừa khóc vừa ngước mắt lên trời, vì bà đầy lòng trông cậy vào Chúa. Bà Suzanna kêu lớn tiếng: "Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con."
(2) Thiên Chúa gởi TT Daniel đến để xét xử cho Bà: Trời có mắt, Thiên Chúa đã nghe tiếng bà kêu. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện của một thiếu niên tên là Daniel. Thiếu niên đó kêu lớn tiếng rằng: "Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!" Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: "Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?" Cậu đứng giữa họ và nói: "Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã lên án một người con gái Israel mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này."
Cách xét xử của Daniel: Cậu ra lệnh: "Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi." Câu hỏi của Daniel: Nếu đã thấy họ phạm tội, thì phạm tội dưới cây nào? Hai người làm chứng khác nhau:
* Người thứ nhất: "Dưới cây trắc."
* Người thứ hai: "Dưới cây dẻ."
Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ trông cậy vào Người. Rồi người ta quay lại chống hai kỳ lão, vì Daniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Theo luật Moses, người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu, đó là giết các ông. Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan.
2/ Phúc Âm: Không được kết án tha nhân vì không ai sạch tội.
2.1/ Bẫy giăng để hại Chúa Giêsu: Trình thuật của Gioan nói rõ: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” Chúa Giêsu bị họ đặt vào giữa hai thế lưỡng nan: hoặc trung thành với giáo huấn Ngài dạy là luật yêu thương và không được kết án tha nhân, hoặc vi phạm Luật Moses dạy phải ném đá chết người bị bắt quả tang phạm tội ngọai tình.
2.2/ Chúa Giêsu muốn mọi người phải xét mình.
(1) Phải sạch tội trước khi tố cáo người khác: Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.
(2) Cách Chúa Giêsu đối xử với người phụ nữ: Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giêsu nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!" Qua những lời đối thọai này, Chúa Giêsu muốn chị nhận ra những điều sau:
a) Chúa cho chị cơ hội thứ hai để trở nên tốt đẹp hơn: Tôi biết chị đã phạm tội, nhưng cuộc đời chị vẫn còn thời gian để sửa đổi. Tôi cho chị cơ hội thứ hai để chị làm lại cuộc đời.
b) Chúa tha thứ lỗi lầm của chị: Không giống như những người biệt-phái và kinh-sư chỉ lo tìm dịp để luận tội và kết án chị, Chúa lợi dụng cơ hội để tha thứ và để chữa lành chị.
c) Chúa khuyến khích chị trở thành người tốt hơn: Tội lỗi hủy diệt con người. Chị hãy tránh xa tội lỗi để cuộc đời chị tốt đẹp hơn.
d) Chúa tin tưởng mọi người đều có thể trở nên tốt nếu được cho cơ hội: Tôi tin chị sẽ trở nên tốt nếu tôi cho chị cơ hội để sửa đổi.
e) Chúa cũng cảnh cáo chị hậu quả sẽ xấu hơn nếu chị không chịu thay đổi: Nếu chị không nắm lấy cơ hội để sửa đổi, chị sẽ phải lãnh nhận hậu quả nghiêm trọng hơn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không bao giờ được làm chứng gian để hại người khác (điều răn thứ 9).
- Quyền xét đóan thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta không có quyền xét đóan tha nhân nếu chúng ta không có bổn phận với họ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


14/03/16 THỨ HAI TUẦN 5 MC
Ga 8,12-20

Suy niệm: Có đặt mình vào vị trí của người thợ mỏ bị kẹt trong hầm sâu dưới lòng đất, khi bốn bề chung quanh đều chìm trong màn tối dầy đặc, mới thấy rằng chỉ cần một tia sáng le lói loé lên ở cuối đường hầm cũng có nghĩa là được sống, được giải cứu. Chúa Ki-tô tuyên bố Ngài là ánh sáng đó, ánh sáng phát xuất từ nguồn sáng là lòng thương xót của Chúa Cha, ánh sáng duy nhất có khả năng cứu độ con người. Quả thật, trong Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết: “Đối với nhân loại ngày nay, không còn niềm hy vọng được cứu rỗi nào khác, ngoài lòng thương xót của Thiên Chúa.” Và cũng từ niềm xác tín mãnh liệt vào mầu nhiệm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mở Năm Thánh Lòng Thương Xót (x. Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 11).
Mời Bạn: Giữa bến mê cuộc sống hôm nay, đâu là ánh sáng đích thực cho đời ta? Tôi có ý thức mình đang bước đi trong bóng tối không? Ai và cái gì có thể giải thoát tôi? Bạn ơi, “việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương xót… là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an…, cũng chính là điều kiện đối với ơn cứu độ của chúng ta” (số 02). Vậy, còn chần chừ gì nữa! Hãy để cho Chúa thương xót và cứu độ ta…!
Sống Lời Chúa: Sốt sắng tham dự các cử hành sám hối và lãnh nhận bí tích Giao hòa Trong Mùa Chay của Năm Thánh này.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con là những người  tội lỗi. Chúng con tín thác vào Chúa.

Tôi là ánh sáng của thế giới 
Chuẩn bị mừng lễ Phục sinh là chọn đứng hẳn về phía Đức Kitô, là trục xuất khỏi đời mình mọi bóng tối, và cả những bóng mờ dày đặc. Xin Ánh sáng của Đức Kitô phục sinh bắt đầu bừng lên trong tim tôi.


Suy nim:
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu thường dùng lối nói “Tôi-là”
để long trọng khẳng định mình.
Sau đó, đôi khi Đức Giêsu còn đưa ra một lời mời, một lời hứa.
“Tôi là Bánh ban sự sống. Ai đến với tôi sẽ không hề đói,
Ai tin vào tôi sẽ không hề khát bao giờ” (6:35).
“Tôi là Cửa. Ai qua tôi mà vào, người ấy sẽ được cứu thoát” (10, 9).
“Tôi là sự Sống lại và là sự Sống. Ai tin vào tôi thì dù có chết cũng sẽ sống;
và ai sống và tin vào tôi sẽ không chết bao giờ” (11, 25-26).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu long trọng tuyên bố :
“Tôi là Ánh sáng của thế giới. Ai theo tôi sẽ không đi trong bóng tối,
nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống” (8, 12).
Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể,
là Ánh sáng đến trong thế gian để chiếu soi mọi người (1, 9).
Ngài không phải chỉ là một ngọn đèn đứng yên một chỗ,
nhưng Ngài là nguồn sáng di động, lôi kéo nhân loại đi theo.
Đi theo Ngài là bước vào cuộc hành trình dẫn đến sự sống viên mãn.
Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy tin vào Ngài để được biến đổi:
“Hãy tin vào ánh sáng để anh em trở thành con cái ánh sáng” (12, 36).
Những người Pharisêu không tin Đức Giêsu.
Có một tranh luận căng thẳng giữa đôi bên.
Họ bảo lời chứng của Ngài cho chính mình là vô giá trị.
Thật ra Đức Giêsu không làm chứng một mình.
“Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi” (8, 18).
Ngài cũng không phán xét một mình,
nhưng phán xét cùng với Đấng đã sai Ngài (8, 16).
Đức Giêsu gắn bó chặt chẽ với Thiên Chúa Cha.
“Tôi biết tôi đã từ đâu đến và tôi đi đâu” (8, 14).
Ngài đến từ Cha, và Ngài sẽ trở về với Cha.
Cha vừa là khởi điểm, vừa là kết điểm của đời Đức Giêsu.
Nhưng các người Pharisêu không được biết mầu nhiệm này.
Họ không hiểu được tương quan thân thiết và độc đáo
giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa như Con đối với Cha.
“Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi.
Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi” (8, 19).
Chính vì thế họ coi những lời của Đức Giêsu là phạm thượng.
Khi đến giờ, họ sẽ tìm cách bắt và giết Ngài (8, 20).
Khi kính nhớ cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa,
chúng ta cảm nghiệm được mãnh lực gớm ghê của bóng tối,
và sức mạnh của những người chuộng bóng tối hơn ánh sáng (3, 19).
Nhưng cuối cùng, Ánh sáng mới là người chiến thắng.
Chuẩn bị mừng lễ Phục sinh là chọn đứng hẳn về phía Đức Kitô,
là trục xuất khỏi đời mình mọi bóng tối, và cả những bóng mờ dày đặc.
Xin Ánh sáng của Đức Kitô phục sinh bắt đầu bừng lên trong tim tôi.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,
còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối
nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,
con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.
Con an tâm ở lại trong bóng mờ,
vì thấy đó chưa phải là một tội.
Nhưng con cũng áy náy
vì biết rằng bóng mờ là nơi
ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.
Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,
vì con vẫn muốn giữ lại
một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc
để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con
để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,
để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng
vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt
nhờ để ánh sáng Chúa
tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
14 THÁNG BA
Hãy Đến Và Hãy Gặp
Nước hằng sống – nước đem lại sự sống đời đời – đã biến đổi cuộc sống của người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy như thế nào? Nếu chúng ta xem xét sự chuyển biến tâm linh của người phụ nữ này, chúng ta có thể thấy rằng cuộc gặp gỡ của chị với Đức Kitô sản sinh hoa trái tâm linh rất lớn lao. Thực vậy, chúng ta có thể nhận ra nơi chị một cuộc hoán cải đích thực – cuộc hoán cải đưa chị đến chỗ nhìn nhận Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a: “Các người hãy đến và hãy gặp con người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm! Chắc hẳn người ấy phải là Đấng Mê-si-a!” (Ga 4,29).
Người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy đã loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ cho hàng xóm và bạn bè chị. Chị nói với họ về cuộc hoán cải của chị và về quyền năng cứu độ của Đức Giêsu. “Ông ấy đã kể cho tôi về mọi sự mà tôi đã làm”. Chị biểu lộ một nghị lực và niềm vui mới có sức thúc bách chị loan báo cho người khác về sự thật và về ân sủng mà mình đã nhận được. “Các người hãy đến và hãy gặp” – chị bảo họ như thế. Có thể nói, chị đã trở thành một sứ giả của Đức Kitô và của Tin Mừng cứu độ, như trường hợp Maria Mác-đa-la vào buổi sáng ngày Phục Sinh.
Cũng vậy, chúng ta được mời gọi uống thứ nước hằng sống có thể thanh tẩy tâm hồn ta và biến đổi cuộc sống ta. Và cũng vậy, chúng ta có thể trở thành những sứ giả của Tin Mừng. Như trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô ấy, chúng ta cũng phải để cho Đức Kitô đưa dẫn mình tới một cuộc khảo sát nghiêm túc lương tâm mình, nhờ đó chúng ta có thể quay lưng lại với tội lỗi và được ngập tràn niềm vui. Rồi chúng ta sẽ muốn chia sẻ cho người khác niềm vui về ơn cứu độ mà mình đã lãnh nhận được nơi Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 14-3
Thứ Hai trong tuần thứ Năm Mùa Chay
Đn 13:1-9,15-17,19-30,33-62; Ga 8:12-20

Lời Suy Niệm: “Đức Giêsu nói với người Do-thái: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
Gần đến Tuần Thánh. Giáo Hội cho chúng ta nghe lại đoạn Phúc Âm của thánh Gioan: “Đức Giêsu, ánh sáng cho trần gian” Cho chúng ta nhận thức được sự khác biệt một cách rõ ràng Giữa Chúa Giêsu và trần gian; giữa ánh sáng và bóng tối; giữa sự sống và sự chết; giữa sự thật và dối trá; giữa xét đoán theo kểu người phàm và xét đoán của Chúa Giêsu và cả Chúa Cha đúng sự thật; giữa biết Chúa Cha và không biết Chúa Cha.
Lạy Chúa Giêsu. Trong Cựu Ước Chúa Cha đã dùng cột mây và cột lửa để dẫn đưa dân Chúa đi qua sa mạc. Hôm nay, Chúng con được Chúa là ánh sáng soi đường để đem lại sự sống cho chúng con. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con đi trong ánh sáng của Lời Chúa để được vào hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Chúa.
Mạnh Phương


14 Tháng Ba
Tôi Muốn Con Tôi Sống
"Tôi muốn con tôi sống" đó là lời của bà Suzanna Petrosyan đã thốt ra và được báo chí nhắc lại. Thực ra, có bà mẹ nào lại không muốn con của mình được sống đâu? Thế nhưng trường hợp của bà Petrosyan và đứa con gái 4 tuổi của bà không giống như những trường hợp của nhiều bà mẹ khác, vì hai mẹ con bà này là nạn nhân của cơn động đất khủng khiếp tại Armeni, thuộc liên bang Xô Viết hồi tháng 12 năm 1987.
Sau khi động đất, cũng giống như hàng ngàn người khác, cả hai mẹ con bà Petrosyan đều bị lấp vùi dưới hàng trăm ngàn tấn gạch, đá và xi măng, nhưng họ may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt và chẳng mấy chốc hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát quá. Mẹ cho con uống nước". Nhưng lấy nước đâu bây giờ? Tiếng kêu khát của con cứ tiếp tục làm cho bà mẹ vừa đau lòng vừa lúng túng. Nhưng tình mẫu tử thiêng liêng đã gợi cho bà một ý nghĩ táo bạo: đó là lấy những giọt máu cuối cùng của bà cho con uống để cầm cự với tử thần. Lúc đó, người mẹ đáng thương mới lấy tay sờ sẫm và vớ được một miếng kính bể. Bà lấy miếng kính cắt đầu ngón tay trỏ và đút ngón tay vào miệng con bảo con mút. Em bé mút ngón tay của mẹ một lúc rồi nói: "Mẹ cắt một ngón tay nữa cho con mút thêm". Bà liền cắt một ngón tay nữa nhưng vì trời lạnh quá nên bà không thấy đau đớn gì nữa... Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: "Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống".
Tấm gương hy sinh cao cả của bà mẹ trên đây có thể gợi lên Tình Yêu của Ðấng đã nói: "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của kẻ thí mạng sống vì người mình yêu".
Cũng giống như một người mẹ sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để cho đứa con được sống. Chúa Giêsu cũng đã hy sinh chính mạng sống của mình cho con người được sống. Sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người cũng chính là tình yêu của Ngài. Chịu treo trên thập giá, đổ ra cho đến giọt máu cuối cùng, Chúa Giêsu chỉ muốn cho con người được sống và sống trong tình yêu. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong Chúa.
Nhờ phép Rửa Tội, người Kitô chúng ta đang sống bằng sự sống của Thiên Chúa. Ðó là kết quả của những giọt máu của Ðấng đã chịu chết vì chúng ta trên thập giá... Những giọt máu thần linh ấy một cách nào đó, đang châu lưu trong chúng ta. Máu ngừng chảy, máu không châu lưu, tình yêu không được san sẻ cho người khác, cũng sẽ làm cho con người chết khô cằn... Bao lâu chúng ta khước từ không san sẻ tình yêu cho người khác, chúng ta cũng chối bỏ chính tình yêu của Chúa.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Gioan 8:1-11
Thứ Hai, 14 Tháng 3, 2016
Thứ Hai Tuần V Mùa Chay                              


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa, là Thiên Chúa công chính và giàu lòng thương xót,
Chúa thương xót ngay cả những kẻ tội lỗi
Và Chúa tiếp tục đồng hành với họ
Trong một cuộc đối thoại của ân sủng và hy vọng.
Xin Chúa giúp cho chúng con cũng không bao giờ lên án,
Không bao giờ bỏ rơi người ta,
Nhưng chúng con sẽ kiên nhẫn, hiểu biết và tha thứ,
Cùng với Chúa và Đức Giêsu, Con Chúa
Đấng hằng sống hằng trị cùng với Chúa và Chúa Thánh Thần
Đến muôn thuở muôn đời.

2.  Phúc Âm – Gioan 8:1-11

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi Cây Dầu.  Và từ sáng sớm, Người lại vào trong Đền Thờ.  Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. 
Lúc đó, luật sĩ và Biệt Phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người.  Họ hỏi Chúa Giêsu:  “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá.  Còn Thầy, Thầy dạy sao?” 
Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người.  Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.  Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ:  “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.  Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất.  Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.  Bấy giờ, Chúa Giêsu đứng thẳng dậy vào bảo nàng:  “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?”  Nàng đáp:  “Thưa Thầy, không có ai”.  Chúa Giêsu bảo:  “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

3.  Suy Niệm

-  Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ suy niệm về cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ sắp bị ném đá.  Bởi vì lời giảng dạy của Chúa và cách hành xử của Người gây khó chịu và bất an cho các giới chức tôn giáo.  Vì lý do này, họ đã cố gắng, bằng mọi cách, để buộc tội Chúa và trừ khử Người.   Do đó, họ điệu lại trước mặt Người một người phụ nữ, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.  Lấy cớ là trung thành với Lề Luật, họ dùng người phụ nữ để tranh cãi với Chúa Giêsu.  Ngày nay cũng thế, vì cái cớ của việc trung thành với Luật Giáo Hội, nhiều người đã chịu thiệt thòi:  Những người ly dị, phụ nữ mãi dâm, bệnh nhân AIDS, các bà mẹ đơn thân, người đồng tính luyến ái, v.v.  Chúng ta hãy xem Chúa Giêsu phản ứng như thế nào:     
-  Ga 8:1-2:  Chúa Giêsu và đám đông dân chúng.  Sau khi thảo luận về nguồn gốc của Đấng Thiên Sai, được mô tả ở phần cuối của chương 7 (Ga 7:37-52), thì “Ai về nhà nấy” (Ga 7:53).  Chúa Giêsu không có nhà ở Giêrusalem.  Đây là lý do tại sao Người đã đi lên núi Cây Dầu.  Ở đó có một khu vườn, nơi mà Chúa Giêsu thường nghỉ qua đêm trong lời cầu nguyện (Ga 18:1).  Vào ngày hôm sau, trước lúc bình minh, trước khi mặt trời ló dạng, Chúa Giêsu đã trở lại Đền Thờ.  Người ta đã lại gần bên Người để có thể lắng nghe Người nói.  Họ ngồi trên gất, chung quanh Chúa Giêsu và Người đã giảng dạy cho họ.  Chúa Giêsu đã giảng dạy điều gì?  Nó tất phải là rất tốt đẹp bởi vì người ta đã kéo đến đó trước khi mặt trời mọc để được nghe Người nói!
-  Ga 8:3-6a:  Các Kinh Sư chuẩn bị cuộc mai phục.  Bất ngờ, các Kinh Sư và người Biệt Phái xuất hiện, với một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.  Họ điệu nàng ra giữa trước mặt mọi người.  Chiếu theo luật, người phụ nữ sẽ phải bị ném đá (Lv 20:20; Đnl 22:22,24).  Họ hỏi Chúa Giêsu:  “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môisen, hạng phụ nữ này phải bị ném đá.  Còn Thầy, Thầy dạy sao?”  Đó là một cái bẫy.  Nếu Chúa Giêsu nói:  “Hãy làm theo Luật dạy”, thì họ sẽ nói:  “Ông ta chẳng phải là người tử tế gì, vì ông ta đã nói giết người phụ nữ đáng thương!  Nếu Chúa Giêsu nói:  “Đừng ném đá nàng ta”, thì họ sẽ nói:  “Ông ta không đạo đức như người ta tưởng, bởi vì ông ta thậm chí đã không tuân giữ lề luật!”  Dưới cái vỏ của lòng trung thành với Thiên Chúa, họ thao túng lề luật bằng cách dùng người phụ nữ để có thể buộc tội Chúa Giêsu.
-  Ga 8:6b-8:  Phản ứng của Chúa Giêsu:  Người viết trên đất.  Có vẻ dường như là một ngõ cụt không lối thoát.  Nhưng Chúa Giêsu không hề nao núng, cũng chẳng lo lắng.  Trái lại là đàng khác.  Một cách bình tĩnh, như đang làm chủ tình hình, Chúa cúi xuống và bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất.  Các kẻ thù của Người là những kẻ cảm thấy lo lắng.  Họ kèo nài và họ muốn Chúa Giêsu cho biết ý kiến của mình. Sau đó Chúa Giêsu đứng dậy và bảo họ:  “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi!”  Rồi Người lại cúi xuống và tiếp tục viết trên cát.  Chúa Giêsu không thảo luận gì về lề luật.  Nhưng Người thay đổi mục tiêu của sự phán xét.  Thay vì để cho họ đặt để lề luật trên người phụ nữ để lên án nàng, Chúa đòi hỏi họ tự kiểm điểm lại mình dưới ánh sáng của những gì lề luật đòi hỏi nơi họ.  Hành động biểu tượng viết trên cát làm sáng tỏ tất cả mọi việc.  Lời của Lề Luật Thiên Chúa có tính chất trước sau như một.  Chữ viết trên mặt đất thì không có sự nhất quán.  Mưa và gió sẽ cuốn trôi nó đi.  Sự tha thứ của Thiên Chúa rửa sẽ sạch tội lỗi bị nhận dạng và bị lên án bởi lề luật.
-  Ga 8:9-11:  Chúa Giêsu và người phụ nữ.  Cử chỉ và phản ứng của Chúa Giêsu khiến cho các địch thủ của Người phải rút lui, họ đã bị khuất phục.  Người Biệt Phái và Kinh Sư rút lui với đầy vẻ xấu hổ, từng người một, bắt đầu với người nhiều tuổi nhất.  Trái với những gì họ dự kiến sẽ xảy ra.  Người bị kết án bởi lề luật không phải là người phụ nữ, mà thay vào đó là những kẻ được coi là trung thành với lề luật.  Cuối cùng, còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó.  Chúa Giêsu đứng thẳng dậy vào bảo nàng:  “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi?  Không ai kết án chị ư?”  Nàng đáp:  “Thưa Thầy, không có ai”.  Chúa Giêsu bảo:  “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị.  Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
-  Chúa Giêsu không để cho bất cứ ai dùng Lề Luật của Thiên Chúa để lên án anh chị em mình trong khi chính người tố cáo lại là kẻ tội lỗi.  Trong câu chuyện này, hơn bất kỳ bài giảng nào khác, mặc khải rằng Chúa Giêsu là ánh sáng khiến cho sự thật được tỏa sáng.  Chúa đem ra ánh sáng những bí mật hiện hữu của loài người, trong chiều sâu mật thiết của mỗi chúng ta.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, những ai có vẻ như là kẻ bênh vực lề luật thì họ lại bị phơi bày là đầy dẫy tội lỗi và chính họ cũng nhận ra điều đó, và họ rút lui, bắt đầu từ người nhiều tuổi nhất.  Và người phụ nữ bị coi là có tội và đáng bị xử chết, vẫn còn đứng đó trước mặt Chúa, được tha tội, được cứu chuộc và nhân phẩm của nàng được hồi phục (xem Ga 3:19-21).   

4.  Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân

-  Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người phụ nữ:  những cảm xúc của cô ta vào lúc đó là gì? 
 Cộng đoàn chúng ta có thể thực hiện và nên thực hiện những biện pháp gì để đón nhận những người bị loại trừ?

5.  Lời nguyện kết

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
Vì danh dự của Người.
(Tv 23:1-3)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét