19/03/2016
Thứ bảy tuần 5 mùa Chay
THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA.
Lễ trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
* Thánh Giuse, bạn trăm năm của
Đức Maria, có sứ mạng “chăm sóc Đức Giêsu như một người cha”. Nhưng Chúa đã muốn
người chủ Thánh Gia ở Nagiarét tiếp tục sứ mạng ấy trong Hội Thánh, thân thể của
Chúa Kitô. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh thì thánh Giuse là Đấng che chở Hội
Thánh
BÀI ĐỌC
I: 2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16
"Thiên
Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu của Đavít, tổ phụ Người".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan rằng:
"Hãy đi nói với Đavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn,
ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế
vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền. Chính người sẽ xây cất một
ngôi nhà để kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố
đến muôn đời. Ta sẽ là Cha của người, và người sẽ là con Ta. Nhà của ngươi và
triều đại của ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta, ngôi báu ngươi sẽ vững
bền mãi mãi". Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29
Đáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời (c. 37).
Xướng: 1) Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài
đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời"; trên cõi trời cao,
Ngài thiết lập lòng trung tín. - Đáp.
2) Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã
thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ
của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Đáp.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha
con, và Thiên Chúa là Đá Tảng cứu độ của con". Đời đời Ta sẽ dành cho người
lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. - Đáp.
BÀI ĐỌC
II: Rm 4, 13. 16-18. 22
"Mặc dầu
tuyệt vọng, ông vẫn tin".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa
ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ
sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời
hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà
còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, (như có
lời chép rằng: Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc) trước mặt Thiên Chúa, Đấng
ông đã tin, Đấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu
tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã
phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế". Vì vậy, ông đã được kể
như sự công chính. Đó là lời Chúa.
CÂU XƯỚNG
TRƯỚC PHÚC ÂM: Tv 83, 5
(Mùa Chay: bỏ Alleluia)
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, phúc cho những ai ngụ
nơi nhà Chúa, họ sẽ khen ngợi Chúa đến muôn đời. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Mt 1, 16. 18-21. 24a
"Giuse đã
thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa
Giêsu gọi là Đức Kitô. Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người
là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi
phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo
bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì
Thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua
Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép
Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính
Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời
Thiên thần Chúa truyền. Đó là lời Chúa.
_________________
2. Hoặc: Lc 2, 41-51a
2. Hoặc: Lc 2, 41-51a
"Kìa cha
Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên
Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ
Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ
đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người
không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà
đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết.
Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ
đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người
nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy
Người, hai ông bà ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con
làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người
thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng
con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người
nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông
bà.
Đó là lời Chúa.
Cuộc đời thánh cả Giuse có thể được tóm kết trong ba
nhân đức, đó là yên lặng, làm việc và vâng phục.
Trước
hết thánh cả Giuse là một con người yên lặng.
Phúc Âm đã không để lại một lời nói nào của thánh cả.
Phải chăng đó cũng là một sự kiện đặc biệt đáng cho chúng ta suy nghĩ. Thực vậy,
thế giới hôm nay là một thế giới của âm thanh, của ồn ào. Con người thời nay
thường nhìn sự vật theo những lời quảng cáo và đánh giá kẻ khác theo những lời
tuyên bố nóng bỏng. Nhất là nhìn vào đời sống, chúng ta thấy rằng mình đã sai lỗi
quá nhiều trong lời nói. Đúng thế, với lời nói, chúng ta có thể vấp phạm bất kỳ
lúc nào, bất kỳ ở đâu, bất kỳ với ai và bất kỳ về vấn đề nào. Bởi đó, có người
đã đưa ra một so sánh thật buồn cười: nếu mỗi lần chúng ta nói hành nói xấu người
khác, mà Chúa khiến chúng ta phải hắt hơi, thì chắc hẳn tiếng hắt hơi của chúng
ta đã át cả tiếng ồn ào của xe cộ, của thác nước, của sóng biển. Chúng ta thường
nói nhiều và đã nói nhiều thì cũng thường nói bậy và nói sai, như người xưa đã
bảo: đa ngôn thì đa quá. Hơn thế nữa, nói nhiều thì cũng thường hay nói dai và
nói ẩu khiến cho người khác phải buồn phiền, tình yêu thương bị sứt mẻ và sự cảm
thông không còn nữa. Ném một nắm lông vịt vào trong gió, thì làm sao nhặt lại
được. Một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo cũng không kịp. Bởi đó, hay thận trọng
trong lời nói, bởi vì:
- Lời nói chẳng mất tiền mua, liệu lời mà nói
cho vừa lòng nhau.
Và nhất là chúng ta hãy học cùng thánh cả Giuse bài
học yên lặng. Hãy biết yên lặng trong những giây phút căng thẳng và sóng gió, bởi
vì nếu biết yên lặng đúng lúc, thì có thể chặn đứng được 90% những đổ vỡ đáng
tiếc, vì yên lặng là vàng, là thái độ khôn ngoan nhất của con người và là
phương thuốc chữa lành những tội lỗi xấu xa.
Tiếp
đến thánh cả Giuse là một con người cần cù lao động.
Phúc Âm cũng không để lại cho chúng ta nhiều chi tiết
về vấn đề này. Nhưng chắc chắn ngài là một người thợ siêng năng và nổi tiếng.
Thực vậy, khi Chúa Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai, những người cùng quê với
Ngài đã ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của Ngài và họ đã bàn tán: Bởi đâu Ngài
được như thế? Ngài chẳng phải là con bác thợ mộc đó ư? Tại Nagiarét, thánh cả
Giuse đã làm việc bằng đôi tay của mình để phục vụ Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Với chúng ta cũng vậy. Lao động và sản xuất đó là những
ngôn từ được nghe nói đến rất nhiều và chúng thực sự có một chỗ đứng quan trọng
trong cuộc sống hôm nay. Con người sinh ra để làm việc, như cánh chim sinh ra để
tung bay. Nhờ làm việc, con người biến đổi bộ mặt trái đất và đem lại cho cuộc
đời một ý nghĩa. Nó là như một thứ muối mặn làm tăng thêm hương vị cho cuộc sống.
Nhưng cụ thể hơn, đó là nhờ làm việc chúng ta mới có
được chén cơm manh áo, như lời thánh Phaolô đã xác quyết: Ai không làm thì
không đáng ăn.
Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn về nàng ve
và chị kiến: Nàng ve chỉ biết ca hát suốt cả mùa hè, đến khi mùa đông tới thì
liền bị chết đói và chết rét. Trong khi đó, chị kiến cần cù tích trữ từng hột gạo,
thì dù gió bấc có thổi cũng không lo sợ bị túng thiếu.
Sự nghèo túng gõ cửa nhà người làm việc, nhưng không
bao giờ dám bước vào. Hay như ca dao cũng bảo:
- Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang
phần đến cho.
- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
Với xã hội, thì lao động là một cách thức chúng ta
trả nợ cho đời, đồng thời cũng là một cách thức chúng ta góp phần xây dựng quê
hương đất nước. Thực vậy, sống trong xã hội, chúng ta liên hệ mật thiết với
nhau và nương tựa vào nhau nhiều lắm. Chẳng hạn hằng ngày chúng ta hưởng dùng
đường sữa, xăng dầu…do công lao của người khác, thì bây giờ đến lượt chúng ta
phải đóng góp bằng những sản phẩm do công sức lao động của chúng ta đem lại.
Còn đối với Thiên Chúa, thì lao động chính là một
cách thức chúng ta cộng tác với Ngài trong cộng cuộc sáng tạo như lời Ngài đã
phán: Hãy làm chủ cá biển, chim trời và mọi loài trong vũ trụ.
Sau
cùng, thánh cả Giuse là một con người luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Phúc Âm đã kể lại ba lần thiên thần hiện ra trong giấc
mộng để báo cho thánh cả biết ý định của Thiên Chúa và lần nào thánh cả cũng đã
cúi đầu xin vâng mà không hề phản đối. Lần thứ nhất thánh cả đã xin vâng, đón
nhận Maria về nhà làm bạn mình, dù đang phân vân và nghi ngờ. Lần thứ hai thánh
cả đã xin vâng đưa Mẹ Maria và Hài nhi Giêsu lên đường trốn sang Ai Cập. Và lần
thứ ba thánh cả đã xin vâng trở về Palestine, định cư tại Nagiarét. Cả ba lần,
thánh cả đều vâng lời mau mắn, không đặt vấn đề, không hỏi tại sao.
Còn chúng ta thì khác, chúng ta thường tìm ý mình
hơn là ý Chúa. Và mỗi khi gặp phải những tai ương hoạn nạn, chúng ta thường kêu
trách và xúc phạm đến Chúa, vì chúng ta cho rằng Chúa bất công và vâng lời chỉ
là một hành động hèn nhát, mất tự do và chôn vùi nhân phẩm. Vì thế, hãy sống
yên lặng, làm việc và vâng phục thánh ý Thiên Chúa, để chúng ta sẽ trở nên là
những tôi tớ trung thành và khôn ngoan như thánh cả Giuse ngày xưa.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Trọng
Kính Thánh Giuse
Bài đọc: 2 Sam 7:4-5a, 12-14a, 16; Rom 4:13, 16-18,
22; Mt 1:16, 18-21, 24a.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh
Giuse trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa.
Con
người luôn bị giằng co giữa hai thái cực: một bên là đức tin tuyệt đối vào sự
khôn ngoan của Thiên Chúa, một bên là sự suy luận theo lý trí của con người.
Khi có sự xung đột, con người phải chọn đàng nào? Nhiều người cho họ chỉ tin những
gì lý trí con người có thể hiểu được; ngoài ra là mê tín dị đoan. Nhưng Thiên
Chúa đã tuyên sấm qua miệng tiên tri Isaiah: “Tư tưởng của Ta không phải là tư
tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các
ngươi. Như trời cao hơn đất thế nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn
các người như vậy” (Isa 55:8-9). Lịch sử nhiều lần chứng minh: vâng lời làm
theo ý Thiên Chúa mang lại những kết quả quá lòng mong đợi của con người; ngược
lại, bất tuân thánh ý Thiên Chúa để làm theo ý riêng mình sẽ gây ra muôn vàn khổ
đau cho con người.
Các
Bài Đọc hôm nay nêu bật những mẫu gương của những người thi hành thánh ý Thiên
Chúa cho dẫu họ không hiểu kế hoạch của Ngài. Trong Bài Đọc I, Thiên Chúa hứa với
vua David dòng dõi ông sẽ làm vua cai trị tới muôn đời. Điều này được thực hiện
qua Đức Kitô, Ngài thuộc dòng tộc David và sẽ cai trị tới muôn đời. Trong Bài Đọc
II, Thiên Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời,
trong khi ông chỉ có hai người con duy nhất: Isaac bởi Sarah và Ismael bởi
Hagar. Lời hứa này cũng được làm trọn nơi Đức Kitô, tất cả những ai tin vào Đức
Kitô, họ trở thành con cháu của tổ phụ Abraham. Trong Phúc Âm, thánh Giuse chấp
nhận đón Đức Mẹ về chung sống; sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết việc
Đức Mẹ chịu thai là do quyền năng của Thánh Thần.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Nhà của ngươi và
vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta.
1.1/ Lời
Thiên Chúa hứa với vua David:
Sau khi đã ổn định đất nước, vua David nói với tiên tri Nathan ý định muốn xây
nhà cho Thiên Chúa tại thành của David; nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán
với ông Nathan rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David: Đức Chúa phán
thế này: Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ
cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và
Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.”
Không
phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa; nhưng chính Thiên Chúa sẽ xây nhà cho
ông. Nhà ở đây ám chỉ dòng dõi của David; từ dòng dõi này sẽ xuất hiện Đấng
Thiên Sai và uy quyền cai trị sẽ tồn tại đến muôn đời.
1.2/ Lời
Hứa của Thiên Chúa: Thiên
Chúa cho biết người sẽ xây nhà cho Ngài là Solomon, con kế vị của vua David:
“Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó
vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Nhà của
ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của
ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
Lời Hứa
của Thiên Chúa bị đe doạ bởi sự bất trung của hậu duệ của vua David. Có những
lúc tưởng chừng như nhà David sẽ hết người nối ngôi, như thời kỳ bị lưu đày;
nhưng Thiên Chúa vẫn quan phòng cách khôn ngoan, cho đến ngày Đấng Thiên Sai ra
đời từ dòng dõi David.
2/ Bài
đọc II: Abraham được lời hứa
đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.
2.1/ Đe
dọa của niềm tin: Khi Thiên
Chúa hứa sẽ ban cho Abraham một dòng dõi, ông vẫn chưa có lấy một người con dù
đã quá tuổi sinh con (Gen 15). Làm sao một người có thể có con đông như sao
trên trời và như cát dưới biển, khi chưa có lấy một người con trong lúc tuổi
già?
2.2/ Đức
tin của tổ phụ Abraham: Nhưng
Abraham hoàn toàn tin vào Lời Thiên Chúa hứa, và đó là lý do Abraham được trở
nên công chính, như lời thánh Phaolô viết: “Thật vậy, không phải chiếu theo Lề
Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Abraham và dòng dõi ông được thế gian làm
gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.”
Thánh
Phaolô muốn đả phá một quan niệm sai lầm của người Do-thái: con người trở nên
công chính bằng việc giữ cẩn thận các Lề Luật. Ngài dùng chính những gì đã xảy
ra cho Abraham để đả phá quan niệm này:
(1) Lời
Hứa được Thiên Chúa ban cho Abraham cách nhưng không: Abraham không làm gì để xứng
đáng được hưởng những gì Thiên Chúa hứa, như Phaolô xác tín: “Vì tin mà người
ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban
không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Abraham, nghĩa là không phải chỉ
cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.” Hơn nữa Lề
Luật được Thiên Chúa ban cho con người sau này, thời của Moses trong cuộc Xuất
Hành ra khỏi Ai-cập. Thời của Abraham, làm gì đã có Lề Luật để tuân giữ!
(2) Dòng
dõi Abraham được trở nên đông đúc không do di truyền; nhưng do bởi niềm tin của
các tín hữu vào Đức Kitô. Phaolô viết: “Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có
lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước
mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những
gì không có hoá có.”
(3)
Con người trở nên công chính bằng đức tin: Abraham không sống trên dương gian để
nhìn thấy Lời Thiên Chúa được thực hiện; hơn nữa, Abraham còn chịu rất nhiều thử
thách đe doạ niềm tin này. Ví dụ, việc Thiên Chúa muốn ông sát tế Isaac, con
ông, trên núi Moriah. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn và thử thách, “mặc dầu không
còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ
phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế.
Bởi thế, ông được kể là người công chính.”
3/
Phúc Âm: Khi tỉnh giấc, ông
Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.
3.1/ Đức
tin của Giuse bị thử thách: Cuộc
đính hôn của thánh Giuse với Đức Mẹ chắc chắn được Thiên Chúa quan phòng; nhưng
Giuse không thể chấp nhận việc Đức Mẹ mang thai khi hai người chưa ăn ở với
nhau.
(1)
Tình trạng pháp lý: Truyền thống Do-thái về việc cưới hỏi cũng giống như phong
tục của Việt-nam. Có ba giai đoạn trong việc cưới hỏi: thứ nhất là giai đoạn hứa
hôn, được làm bởi cha mẹ hai bên khi hai trẻ vẫn còn nhỏ. Giai đoạn này
không bị ràng buộc nếu sau này một trong hai trẻ không đồng ý tiến tới; thứ hai
là giai đoạn đính hôn, thường kéo dài trong khoảng một năm. Theo Luật
Do-thái, hai người chính thức thành vợ chồng tuy chưa ăn ở với nhau; nếu muốn
ly dị phải theo thủ tục pháp lý. Thánh Giuse và Mẹ Maria ở trong giai đoạn này.
Sau cùng là giai đoạn kết hôn, khi hai người ăn ở với nhau.
(2)
Cách giải quyết: Một điều Giuse biết chắc chắn là bào thai Đức Mẹ đang cưu mang
không phải là của mình. Là người công chính, Giuse không thể chấp nhận bào thai
của Đức Mẹ, và ông có hai cách để giải quyết: hoặc tố cáo và Đức Mẹ sẽ bị ném
đá vì tội ngoại tình, hoặc bỏ Đức Mẹ cách kín đáo. Vì có lòng nhân từ, Giuse
không muốn Đức Mẹ bị ném đá, ông “định tâm bỏ bà cách kín đáo.”
3.2/ Đức
tin của Giuse: Khi ông đang
toan tính như vậy, thì sứ thần Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng:
"Này ông Giuse, con cháu David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người
con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải
đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của
họ."
Để hiểu
việc làm của Giuse, chúng ta cần tìm hiểu truyền thống Do-thái hiểu biết về
Thánh Thần. Theo Kinh Thánh, Thánh Thần có ít nhất 4 nhiệm vụ như sau:
(1)
Ngài là người mang sự thật từ Thiên Chúa đến cho con người (Exo 31:3; Num
11:25; 27:18; Deut 34:9; 1 Sam 10:10; 2 Sam 23:2; Job 32:8; Psa 32:2);
(2)
Làm cho con người hiểu biết sự thật (Gen 41:38; Num 24:2; Psa 32:2; Joel 2:28;
Lk 12:12; Jn 14:17; 15:26);
(3)
Ngài cùng với Thiên Chúa tạo dựng (Gen 6:3; Jdg 14:6; 1 Sam 11:6; Job 27:3;
33:4; Psa 33:6; 104:30);
(4)
Tái tạo dựng con người (Gen 1:2; Jdg 6:34; 11:29; 13:25; 15:9; 1 Sam 10:6; Psa
51:10; 143:10; Job 33:4; Eze 37:1-14; Acts 2:1-4).
Thấm
nhuần truyền thống trên, Giuse chấp nhận bào thai của Đức Mẹ dẫu biết bào thai
không phải là của mình, ông cũng không đòi cắt nghĩa “việc chịu thai bởi Chúa
Thánh Thần;” nhưng tin Thánh Thần là nguyên nhân tạo dựng bào thai đó. Suốt cuộc
đời chăm sóc Đức Mẹ và Chúa Giêsu, thánh Giuse luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn
mọi việc và vâng lời làm theo những gì sứ thần truyền. Kinh Thánh tường thuật
ba sự kiện: thứ nhất, thánh Giuse chấp nhận đính hôn với Đức Mẹ để trở thành
cha nuôi của Đấng Cứu Thế; thứ hai, thánh Giuse chấp nhận đưa Đức Mẹ và Chúa
Giêsu trốn sang Ai-cập lúc đang đêm; ngài không nại lý do đang đêm hay làm gì
sinh sống nơi đất lạ quê người; sau cùng, ngài chấp nhận đưa gia đình hồi hương
và lập nghiệp tại Nazareth; không than phiền phải di chuyển đến nơi ở mới một lần
nữa.
Nói
tóm, tuy thánh Giuse không để lại một lời nào cho hậu thế; nhưng ngài để cho
chúng ta một tấm gương luôn biết lắng nghe và mau mắn thi hành Lời Chúa. Ngài
hoàn toàn tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa, và khiêm tốn thi hành những gì
Thiên Chúa truyền, vì Ngài biết trí khôn của mình không thể hiểu nổi sự quan
phòng của Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta được trở nên công chính nhờ niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô;
chứ không nhờ những việc chúng ta làm.
- Thử
thách và đau khổ trong cuộc đời là những cơ hội giúp chúng ta chứng tỏ đức tin
nơi Thiên Chúa. Chúng ta hãy biết sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
-
Thiên Chúa luôn trung thành giữ những gì Ngài hứa; vì thế, chúng ta cần đặt trọn
vẹn niềm tin tưởng nơi Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
19/03/16 THỨ BẢY TUẦN 5 MC
Th. Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a
Mt 1,16.18-21.24a
Th. Giu-se, bạn trăm năm Đức Ma-ri-a
Mt 1,16.18-21.24a
Suy niệm: Từ khi được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế,
thánh Giu-se bước vào cuộc hành trình mịt mù của đức tin. Một hài nhi nhỏ bé
mong manh chạy trốn vua Hê-rô-đê lại là một vị Thiên Chúa tối cao. Một phụ nữ
đơn sơ nghèo hèn lại là Mẹ của Đấng Cứu Thế. Chúa làm người trọn vẹn quá đến
nỗi Giu-se không thể hiểu điều gì đang dien ra. Nhưng thay vì nghi ngờ, hoang
mang, Giu-se chọn thái độ thinh lặng chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Giu-se tiếp tục “xin vâng,” mặc dù thánh ý Chúa không luôn luôn rõ ràng mà
nhiều khi chỉ là những tiếng vọng mơ hồ giữa giấc chiêm bao.
Mời Bạn: Hành
trình bước theo Chúa Ki-tô của chúng ta nhiều khi cũng tăm tối mịt mù như những
gì thánh Giu-se đã trải nghiệm. Trong gia đình và ngoài xã hội, nhiều khi chúng
ta cố gắng sống tốt và làm điều tốt nhưng lại phải đối diện với những ganh tỵ,
hiểu lầm, gièm pha, vu khống và chống đối. Nhiều khi chúng ta bước đi trong bóng
đêm của đức tin với nhiều suy nghĩ hoang mang: Đâu là sự thật, đâu là chân lý
và công bằng, Thiên Chúa ở đâu?
Chia sẻ: Khi
gặp thử thách trong đời: Bạn đã ứng xử ra sao? Bạn có lấy đức tin làm ánh sáng
dẫn đường không?
Sống Lời Chúa: Không
suy diễn và quyết định theo ý mình, nhưng luôn tìm kiếm và làm theo thánh ý
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giu-se, xin giúp con học lấy đời sống thinh lặng và đức
tin kiên vững như ngài, để giữa những bóng đêm thử thách trong đời, con luôn
bình tĩnh đón nhận ý Chúa với niềm xác tín rằng có Chúa luôn đồng hành với con.
Amen.
Đặt tên cho con trẻ
Maria là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm.
Giuse sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm.
Suy
niệm:
Cô
Maria đã đính hôn với ông Giuse và vẫn ở nhà với bố mẹ.
Phải
đợi một năm sau cô mới về nhà chồng, mới làm lễ thành hôn thực sự.
Lạ
thay cô lại mang thai khi chưa chung sống với Giuse.
Điều
này hẳn làm Giuse bối rối và suy nghĩ nhiều.
Ông
không thể tố cáo Maria, cũng không thể lấy cô ấy làm vợ.
Chỉ
còn cách là ly dị Maria cách âm thầm kín đáo.
Nhưng
Thiên Chúa không nghĩ thế.
Ý
định của Ngài được báo với Giuse trong giấc mộng.
“Đừng
sợ đón Maria vợ ông về,
vì
thai nhi được cưu mang nơi bà là do Thánh Thần” (c. 20).
Giuse
hay bị đánh thức vào lúc ông cần nghỉ ngơi.
Phải
có lòng tin thế nào Giuse mới dám nhận Maria đang mang thai làm vợ.
Tin
thai nhi được Maria cưu mang là “do Thánh Thần” (c. 20),
điều
đó không dễ dàng, vì chưa bao giờ xảy ra trường hợp tương tự.
Tin
còn là từ bỏ những toan tính và định tâm của mình (cc.19-20)
để
vâng phục ý định bất ngờ và khó hiểu của Thiên Chúa.
Điều
khiến cho Giuse có một chỗ đứng độc đáo trong lịch sử cứu độ
đó
là việc ông đón Maria đang mang thai về nhà mình làm vợ chính thức.
Đơn
giản là ông chấp nhận làm đám cưới với Maria.
Đón
Maria làm vợ cũng là nhận cả thai nhi trong bụng mẹ làm con.
Giuse
là cha khi ông chấp nhận đứng ra đặt tên cho con trẻ (c. 21).
Ai
có thể biết được điều gì sẽ xảy ra nếu Giuse cứ muốn âm thầm ly dị Maria?
Giuse
đã là chỗ dựa sống còn của ơn cứu độ, là nơi nương tựa của Mẹ và Con.
Nhờ
Giuse, Cô Maria không bị mang tiếng ngoại tình,
và
bé Giêsu không phải là con hoang, nhưng là con thuộc dòng Đavít.
Đức
Giêsu sau này có thể công khai và tự tin đến với dân Ítraen.
Thánh
Giuse đã lập gia đình, đã có một mái ấm với người mình yêu.
Ngài
sống như một người chồng, người cha bình thường.
Nhưng
bên trong lại là những mầu nhiệm.
Ngài
không thật sự là chồng của Maria, cũng không thật sự là cha của Giêsu.
Maria
không còn là đối tượng để Giuse mê đắm và chiếm hữu,
vì
Maria đã thuộc trọn về Thiên Chúa, cả xác lẫn hồn.
Maria
là một mầu nhiệm, Giêsu cũng là một mầu nhiệm.
Giuse
sống bên những mầu nhiệm, nên chính đời ngài cũng trở thành mầu nhiệm.
Phải
đến với mái ấm ở Nadarét ta mới thấy mầu nhiệm ẩn trong cái bình thường.
Chỉ
ai biết nhìn thì mới thấy sự thánh thiện phi thường ở đó.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sau
hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Nadarét,
Chúa
đã thành một người chín chắn
và
trưởng thành,
sẵn
sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.
Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ
trong
việc hình thành nhân cách của Chúa.
Chúa
đã học nơi thánh Giuse
sự
lao động miệt mài,
sự
mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,
sự
âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.
Chúa đã học nơi Mẹ Maria
sự
tế nhị và phục vụ,
sự
buông mình sống trong lòng tin phó thác
và
nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.
Xin nhìn đến gia đình chúng con,
xin
biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,
biết
yêu thương tha thứ,
biết
cầu nguyện và phục vụ.
Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,
Giáo hội chúng con thánh thiện hơn,
nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan
và tràn đầy ơn Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
19
Tháng Ba
Người Công Chính
"Ông
Giuse, bạn bà là kẻ công chính và không muốn làm ố danh bà, nên đã định bỏ bà
cách kín đáo".
Ðây
là câu chuyện duy nhất trong Tân Ước diễn tả trực tiếp về con người của vị
thánh mà Giáo hội mừng kính hôm nay: Thánh Giuse, bạn Ðức Trinh Nữ Maria, bổn mạng
Giáo Hội Việt Nam.
Ðược
Tân Ước gọi là "công chính", Thánh Giuse không những là người đã giữ
đức công bình và trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng và một
người cha.
Ðược
gọi là "công chính", theo ý nghĩa của Kinh Thánh, là được Thiên Chúa
công chính hóa, được Thiên Chúa cho tham dự vào sự công chính, sự thánh thiện của
Người. Vì thế, người được công chính hóa xứng đáng để Thiên Chúa yêu thương,
thương yêu thật sự vì Thiên Chúa không bao giờ đóng kịch, giả vờ như người nào
đó đáng được thương yêu nhưng trong thực tế không phải thế.
Trong
chiều hướng tư tưởng này, gọi thánh Giuse là kẻ công chính, Kinh Thánh muốn nói
là: Ngài được Thiên Chúa công chính hóa và được Thiên Chúa yêu thương vì thật sự
Ngài xứng đáng. Lần giở lại những trang Tân Ước có liên quan đến Thánh Giuse,
chúng ta có thể khám phá ngay những đặc tính làm cho Ngài xứng đáng được Thiên
Chúa yêu thương.
Trước
tiên, là đặc tính hoàn toàn vâng phục Thánh ý Chúa. Trong trường hợp cuộc đời
Thánh Giuse, Tân Ước diễn tả Thiên Thần là người thông báo cho Ngài biết ý
Chúa. Vì thế, nghe lời Thiên Thần truyền, Thánh Giuse đã bỏ ý định ly dị Ðức
Maria cách kín đáo. Ngược lại, Giuse đã trỗi dậy ngay trong đêm khuya để đem
Con Trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập cũng như đem Con Trẻ và Mẹ Người về nước
Israel, đến sinh sống tại thành Nagiaréth và âm thầm nhưng ân cần lấy sức lao động
nuôi sống gia đình trải qua những tháng năm dài sau đó.
Tiếp
đến Tân Ước nhắc đến Thánh Giuse trong biến cố thất lạc và tìm gặp Ðức Giêsu
trong đền thánh. Qua đó chúng ta khám phá ra một đặc tính khác của Ngài hay nói
đúng hơn một đặc tính mà các thánh ký viết Phúc Âm chú ý nhấn mạnh nơi Thánh
Giuse: Không một lời nói nào của Ngài được ghi lại trong Tân Ước. Nhưng Thánh
Giuse đã hùng hồn nói trong hành động, những hành động xem ra vô lý và đầy nguy
hiểm, nhưng Ngài đã khiêm tốn, can đảm và kiên trì làm để thực hiện hoàn toàn
thánh ý của Thiên Chúa.
Qua
đó, Thánh Giuse xứng đáng là chủ gia đình của Nagiaréth, một gia đình thánh thiện,
vì gồm ba tâm hồn luôn sẵn sàng lắng nghe và thực hành những gì Thiên Chúa muốn.
Và cũng qua đó, Thánh Giuse trở nên công chính, được Thiên Chúa thực sự yêu
thương.
Chúng
ta hãy dâng lời cảm tạ Chúa đã trao tặng Thánh Giuse cho gia đình Nagiaréth và
đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam. Nhờ lời cầu bàu cho Thánh cả Giuse, xin Chúa
chúc lành cho những người chồng, cho những người cha, giúp họ can đảm và kiên
tâm chu toàn bổn phận trong gia đình. Xin Chúa cũng chúc lành cho mọi gia đình
và Giáo Hội Việt Nam, giúp mọi người sống xứng đáng với ơn gọi làm chứng nhân
cho tình yêu Chúa.
Lẽ Sống
Lectio Divina: Lễ Kính Thánh Giuse
Thứ Bảy, 19 Tháng 3,
2016
Thánh Giuse, Bạn Trăm
Năm của Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu
Mt 1:16, 18-21,
24a
1. Bài Đọc
a) Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng di chuyển trên mặt nước,
Xin hãy làm yên tĩnh trong chúng con tất cả mọi bất
hòa,
Những con sóng xáo trộn, những tiếng ồn ào của lời
nói,
Cơn lốc của hư không,
Và xin hãy làm cho Lời Chúa tái tạo,
Dấy lên trong thinh lặng.
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng mà trong tiếng gió
Chúa thì thầm với thần khí chúng con về Danh của Chúa
Cha
Xin hãy đến và gom lại tất cả những ước muốn của chúng
con,
Xin hãy làm cho chúng lớn lên trong tia sáng
Đó sẽ là một phản chiếu lại ánh sáng của Chúa,
Lời Chúa của Ngày mới.
Lạy Thánh Thần Chúa, nhựa sống của tình yêu
Của cây đại thụ mà nơi ấy Chúa gầy dựng chúng con,
Để tất cả anh em của chúng con sẽ dường như là một ân
sủng đối với chúng con
Trong một Thân Thể cao cả mà trong đó
Ngôi Lời của hiệp thông trưởng thành.
(Sư huynh Pierre-Yves thành Taizé)
b) Bài Phúc Âm theo thánh
Mátthêu: 1:16-24
Giacóp sinh Giuse là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu
gọi là Đức Kitô. Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến
vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười
bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.
Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với
Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần.
Giuse, bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa
bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì Thiên thần hiện đến
cùng ông trong giấc mơ và bảo: "Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận
Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà
sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình
khỏi tội". Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa
phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con
trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Êmmanuel, nghĩa là
“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời
Thiên thần Chúa truyền và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến
khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu.
c) Giây phút thinh lặng cầu
nguyện:
Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời
sống chúng ta.
2. Suy Gẫm
a) Chìa khóa dẫn đến bài
đọc:
Đoạn Tin Mừng hôm nay được trích từ chương thứ nhất
của sách Tin Mừng theo thánh Mátthêu là một phần của đoạn nói về việc thụ thai,
việc giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Trọng tâm trên hết của câu
chuyện này là chung quanh Con Người của Chúa Giêsu mà tất cả những sự kiện và
những nhân vật được đề cập đến. Ta nên nhớ rằng Tin Mừng mặc khải môn
Thần Học về cuộc đời của Chúa Giêsu, và vì thế đến gần với Lời Chúa, chúng ta
phải nhận thấy sứ điệp được ẩn dấu dưới màn che của câu chuyện mà không làm mất
chính mình, như thánh Phaolô đã khuyên chúng ta một cách khôn khéo “trong những
tranh luận điên rồ”, tránh xa “những chuyện gia phả, những vụ cãi cọ, xung đột
về Lề Luật: những cái đó vô ích và rỗng tuếch” (Tt 3:9).
Thật ra, đoạn Tin Mừng này được nối kết với gia phả
của Chúa Giêsu, mà thánh Mátthêu sắp xếp với mục đích nhấn mạnh đến việc thừa
kế vương tộc của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ cho dân Người (Mt 1:21). Chúa
Giêsu được trao toàn bộ quyền thừa hưởng từ dòng dõi vua Đavít, con của “Giuse,
con cháu của Đavít” (Mt 1:20; Lc 2:4-5), là cha hợp pháp của Chúa. Bởi vì
đối với thế giới người Do Thái và Kinh Thánh, mối liên hệ phụ tử hợp pháp là
điều kiện đủ trong vấn đề thừa hưởng mọi quyền lợi trực hệ (xem: lề luật về thế
huynh hôn phối và về việc nhận làm con (Đnl 25:5 và các câu tiếp theo)).
Đó là lý do tại sao sách Tin Mừng bắt đầu bằng câu chuyện gia phả, Chúa Giêsu
được gọi là “Đấng Kitô con cháu vua Đavít” (Mt 1:1); đó là Đấng được xức dầu
của Thiên Chúa, con cháu vua Đavít, Đấng mà tất cả những lời hứa của Thiên Chúa
với vua Đavít, tôi tớ Người, được hoàn thành (2Sm 7:1-16; 2Sb 7:18; 2Sb 21:7;
Tv 89:30). Đây là lý do mà Mátthêu thêm vào câu chuyện gia phả và việc
thụ thai của Chúa Giêsu, theo lời của ngôn sứ Isaia: “Tất cả sự việc này
đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này
đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ
là Êmmanuel, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1:21-23 và Is 7:14)
Chúng ta hãy tạm dừng để nói điều này, về tinh thần
thực tế của việc nhận làm con nuôi, chúng ta có thể nhắc đến sự thật mà dân
riêng được sở hữu “vinh quang, các giao ước, lề luật, nền phụng tự, các lời
hứa”, bởi vì “họ là người Israel và đã được Thiên Chúa nhận làm con” (Rm
9:4). Nhưng chúng ta cũng thế, là dân mới của Thiên Chúa trong Đức Kitô
được nhận làm con bởi vì “khi tới thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình
tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai
sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5).
Đây là ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta. Chúa Kitô “sẽ
cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21) bởi vì Người là
“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!” (Mt 1:23) Đấng ban ơn làm nghĩa tử của Thiên
Chúa.
Chúa Giêsu được sinh ra bởi “bà Maria, mẹ Người, đã
đính hôn với ông Giuse” (Mt 1:18a) bà “đã có thai do quyền năng Chúa Thánh
Thần” (Mt 1:18b). Tác giả Mátthêu không kể lại câu chuyện truyền tin như thánh
Luca đã kể (Lc 1:26-38), nhưng xây dựng câu chuyện từ quan điểm về việc cư xử
của thánh Giuse như một người công chính. Kinh Thánh mặc khải cho chúng
ta thấy rằng Thiên Chúa yêu thương người công chính và nhiều lần chọn họ trong
sứ vụ quan trọng, bảo vệ họ, và không xét xử họ chung với những kẻ tội lỗi (St
18:23 và các câu tiếp theo). Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhiều người
được coi là công chính. Chúng ta nghĩ đến ông Nôe “một người công chính,
hoàn hảo giữa những người cùng thời” (St 6:9). Hoặc nghĩ đến vua Giôát là
người “đã làm những điều ngay thẳng trước mắt Đức Giavê” (2V 12:3).
Một ý niệm thường xuyên trong Kinh Thánh rằng “giấc
chiêm bao” được coi như là một nơi chốn đặc biệt để Thiên Chúa làm cho các
chương trình và dự án của Chúa được biết đến, và đôi khi mặc khải chuyện tương
lai. Những giấc chiêm bao của ông Giacóp và Bêtel thì nổi tiếng (St 28:10
và các câu tiếp theo); của ông Giuse, con trai ông, cũng như các quan chước tửu
và quan ngự thiện bị giam cầm tại Ai Cập với ông Giuse (St 37:5; 40:5 và các
câu tiếp theo) và những giấc chiêm bao của Pharaô trong đó mặc khải những năm
sung túc và những năm đói kém cũng như kiệt quệ trong tương lai (St 41:1 và các
câu tiếp theo).
“Một Thiên Thần Chúa” hiện đến cùng ông Giuse (Mt
1:20) để mặc khải cho ông về chương trình của Thiên Chúa. Trong các sách
Phúc Âm nói về thời thơ ấu, Thiên Thần Chúa thường xuyên được nhắc đến như là
thiên sứ (Mt 1:20,24; 2:13,19; Lc 1:11; 2:9) và cũng vào những dịp khác, thiên
thần hiện ra để trấn an, để mặc khải chương trình của Thiên Chúa, để chữa lành,
để giải thoát khỏi ách nô lệ (xem Mt 28:2; Ga 5:4; Cv 5:19; 8:26;
12:7,23). Nhiều trường hợp thiên sứ của Chúa cũng được nhắc đến trong Cựu
Ước nơi mà khởi đầu thiên thần, đại diện cho Chúa, Đấng dẫn đường và gìn giữ
dân Chúa và gần gũi với họ (xem St 16:7-16; 22:12; 24:7; Xh 3:3; 23:20; Tb 5:4)
b) Những câu hỏi để hướng dẫn cho
phần suy gẫm và ứng dụng:
- Điều gì trong đoạn Tin Mừng này
đánh động bạn nhất? Tại sao?
- Trong chìa khóa dẫn đến bài
đọc, chúng ta đã có suy xét đủ về một số từ ngữ chưa (nhận làm con, thiên
thần, giấc chiêm bao, công chính)? Các từ ngữ này đã nảy sinh những
cảm xúc gì hay ý nghĩ gì trong lòng bạn? Chúng có thể có sự
thích hợp nào cho cuộc hành trình trưởng thành tâm linh của bạn không?
- Bạn nghĩ trọng tâm sứ điệp của
đoạn Tin Mừng này là gì?
3. Cầu Nguyện
a) Thánh Vịnh 92
Thú vị thay được tạ ơn CHÚA,
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
hoà điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.
Lạy CHÚA, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ,
thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên:
Lạy CHÚA, công trình Ngài xiết bao vĩ đại,
tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!
Người khờ dại nào đâu có biết,
kẻ ngu si chẳng hiểu điều này:
Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ,
phường gian ác có đua nở khoe tươi,
cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn.
được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao,
được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm,
và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya,
hoà điệu sắt cầm gieo trầm bổng,
nhè nhẹ vấn vương khúc tỳ bà.
Lạy CHÚA, sự nghiệp Ngài khiến con mừng rỡ,
thấy việc tay Ngài làm, con phải reo lên:
Lạy CHÚA, công trình Ngài xiết bao vĩ đại,
tư tưởng Ngài thâm thúy lắm thay!
Người khờ dại nào đâu có biết,
kẻ ngu si chẳng hiểu điều này:
Bọn bất nhân dầu sởn sơ như cỏ,
phường gian ác có đua nở khoe tươi,
cũng là để bị diệt trừ vĩnh viễn.
Còn CHÚA, Ngài cao cả đến muôn đời.
Kìa những kẻ thù Ngài, lạy CHÚA,
kìa những kẻ thù Ngài tiêu vong,
bọn gian ác đều rã tan hết thảy.
Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát.
Mắt con nghênh những kẻ địch thù,
tai nghe biết lũ hại con mạt vận.
Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.
Kìa những kẻ thù Ngài, lạy CHÚA,
kìa những kẻ thù Ngài tiêu vong,
bọn gian ác đều rã tan hết thảy.
Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng,
thân con, Ngài xức dầu thơm mát.
Mắt con nghênh những kẻ địch thù,
tai nghe biết lũ hại con mạt vận.
Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt,
lớn mạnh như hương bá Li-băng
được trồng nơi nhà CHÚA,
mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta;
già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn,
để loan truyền rằng: CHÚA thực là ngay thẳng,
là núi đá cho tôi ẩn náu,
nơi Người chẳng có chút bất công.
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện
4. Chiêm Niệm
Việc chiêm niệm của người Kitô hữu về giấc mơ của
Thiên Chúa, dự án mà Thiên Chúa ấp ủ đối với lịch sử nhân loại không nảy sinh
sự tha hóa mà giữ cho lương tâm luôn cảnh tỉnh, năng động và thúc đẩy chúng ta
phải đối mặt với sự can đảm và lòng vị tha, trách nhiệm mà đời sống ban cho
chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét