Thiên Chúa tha thứ và quên hết mọi lỗi lầm
VATICAN. Thời gian của Mùa
Chay “giúp chúng ta dọn lòng” đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa và đến lượt
mình, chúng ta cũng biết tha thứ như Chúa, nghĩa là “quên đi” những lỗi lầm của
tha nhân. Đây là nội dung bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ
sáng thứ ba, ngày 01.03, tại nguyện đường thánh Marta.
Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rằng
khả năng vô hạn trong việc tha thứ như là sự toàn hảo nơi bản tính Thiên Chúa.
Điều này hoàn toàn trái ngược với sự mỏng dòn, bất lực nơi bản tính hay sa ngã
của con người thường không hướng tới để thực hiện: khả năng tha thứ.
Những suy tư của Đức Thánh
Cha Phanxicô trong bài giảng thánh lễ thường được khởi hứng từ những bài đọc Phụng
vụ. Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Đức Giêsu:
‘Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?’ Còn bài
Thánh thư trích sách Đa-ni-en lại xoay quanh lời cầu nguyện của thanh niên
A-da-ri-a, là người bị thiêu trong lò vì đã từ chối thờ kính một ngẫu tượng bằng
vàng. Giữa ngọn lửa thiêu đốt, anh đã kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa
cho dân tộc của mình ngõ hầu họ cũng biết khẩn cầu sự tha thứ của Thiên Chúa
cho chính bản thân họ. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây là cách thức đúng đắn để
cầu nguyện, để tín thác vào sự tốt lành và lòng thương xót của thiên chúa. Đức
Thánh Cha nói:
“Khi tha thứ, sự tha thứ của
Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi có thể nói rằng Ngài đã thực sự quên hết. Điều này
hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta làm khi tán gẫu với nhau: ‘Người này
người kia đã làm điều này điều nọ…”. Chúng ta nắm trong tay toàn bộ lịch sử cuộc
đời của rất nhiều người, từ thời Cổ Đại, Trung Cổ rồi Phục Hưng và Hiện Đại phải
không? Và chúng ta không hề quên được? Tại sao vậy? Đó là vì chúng ta không có
tấm lòng thương xót. Chàng thanh niên A-da-ri-a đã cầu nguyện rằng: ‘Xin hãy đối
đãi với chúng con theo lượng từ ái Chúa.’ Và ‘theo lòng thương xót vĩ đại của
Chúa, xin cứu vớt chúng con.’ Đây là một lời khẩn cầu lòng thuơng xót của Thiên
Chúa, vì Ngài sẽ trao ban cho chúng ta sự tha thứ và ơn cứu độ đồng thời quên hết
mọi tội lỗi của chúng ta.”
Trong bài Tin Mừng, để giải
thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ
mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền
lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót một nguời khác
là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ. Đức Thánh Cha nhận xét về điểm này
như sau:
“Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta
cầu nguyện: ‘Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng
con’. Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha
thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn,
nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ
hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà
người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để
Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên
đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ
cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu
này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận
cùng.
Ước gì Mùa Chay giúp chúng ta
chuẩn bị cõi lòng để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ
và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ
bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm
tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của
Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để
lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng
ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha.
Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng
thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết
lỗi lầm của chúng ta.”
Vũ Đức Anh Phương, SJ
Video: https://www.youtube.com/watch?v=yKnmy35niOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét