05/01/2017
Thứ Năm đầu tháng, trước lễ Hiển Linh
Bài Ðọc I: 1 Ga 3,
11-21
"Chúng ta đã
được chuyển từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh em".
Bài trích thư thứ nhất
của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, đây
sứ điệp các con đã nghe từ ban đầu là chúng ta phải thương yêu nhau.
Không như Cain, người
thuộc về ma qủy, nên đã giết em mình.
Nhưng tại sao nó đã giết
em? Vì công việc nó làm là gian ác, còn công việc của em nó thì chính trực.
Các con đừng ngạc
nhiên, nếu thế gian ghét các con.
Chúng ta biết rằng
chúng ta đã được chuyển từ cõi chết đến cõi sống, vì chúng ta thương yêu anh
em.
Ai không yêu thương,
thì ở trong cõi chết.
Hễ ai ghét anh em mình
đều là kẻ sát nhân, và các con biết rằng mọi kẻ sát nhân không có sự sống đời đời
ở trong mình.
Do điều này mà chúng
ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa là chính Người đã thí mạng sống mình vì
chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng sống mình cho anh em.
Nếu ai có của cải đời
này mà thấy anh em mình túng thiếu, lại đóng cửa lòng mình đối với họ, thì làm
sao tình yêu của Thiên Chúa ở trong người ấy được?
Các con thân mến,
chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật.
Do đó chúng ta biết
mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa.
Vì nếu lòng chúng ta
có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người
thông biết mọi sự.
Các con thân mến, nếu
lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất
cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ
giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 99,2,3, 4,5
Ðáp: Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa. (2a)
Xướng 1) Toàn thể địa
cầu, hãy reo mừng Thiên Chúa, hãy phụng sự Thiên Chúa với niềm vui vẻ! Hãy vào
trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Ðáp.
2) Hãy biết rằng Thiên
Chúa là Thượng Ðế, chính Ngài đã tạo tác thân ta và ta thuộc quyền sở hữu của Ngài.
- Ðáp.
3) Ta là dân tộc, là
đoàn chiên Chúa chăn nuôi, hãy vào trụ quan nhà Ngài với lời khen ngợi, vào
hành lang với khúc ca vui, hãy tán dương, hãy chúc tụng danh Ngài. - Ðáp.
4) Vì Thiên Chúa, Ngài
thiện hảo, lòng từ bi Ngài tồn tại muôn đời, và lòng trung tín còn tới muôn
muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, Alleluia. -
Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta, hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì
hôm nay ánh sáng chan hòa đã tỏa xuống trên địa cầu. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1,43-51
"Thầy là Con
Thiên Chúa, là Vua Israel"
Bài trích Phúc Âm theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu định
đi Galilêa.
Người gặp Philipphê và
nói với ông: "Hãy theo Ta".
Philipphê là người
thành Bétsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô.
Philipphê gặp
Nathanaen và nói với ông: "Ðấng đã được Moisen ghi trong Luật và các tiên
tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành
Nazarét".
Nathanaen đáp: "Bởi
Nazarét nào có cái chi hay?".
Philipphê nói:
"Hãy đến mà xem".
Chúa Giêsu thấy
Nathanaen đi tới mình, thì nói về ông: "Ðây thật là người Israel, nơi ông
không có gì gian dối".
Nathanaen đáp:
"Sao Ngài biết tôi?"
Chúa Giêsu trả lời rằng:
"Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy
ngươi".
Nathanaen thưa lại rằng:
"Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel".
Chúa Giêsu trả lời:
"Vì Ta đã nói với ngươi rằng: ta đã thấy ngươi dưới gốc cây vả, nên ngươi
tin, ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông:
"Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra,
và các Thiên Thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Ðến mà xem
“Từ Nazareth làm sao
có cái gì hay được”. Nathanael lặp lại một thành kiến không tốt về Nazareth, về
quê hương của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhận định về ông như một người Israel đích
thực: “Lòng dạ không có gì gian dối”. Nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn
tốt và cũng không ai là hoàn toàn xấu. Nathanael là con người tốt, nhưng cũng
có khuyết điểm sống theo dư luận không có quan niệm tốt về Nazareth: “Từ
Nazareth làm sao có cái gì hay được”.
Chứng tá đầy xác tín của
Philipphê đã giúp đưa Nathanael ra khỏi sự mù quáng tinh thần: “Cứ đến mà xem,
Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông
Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”. Chỉ kinh nghiệm sống trực tiếp với
Chúa Giêsu mới có thể giúp các tông đồ, những kẻ đầu tiên được gọi
theo Chúa Giêsu, vượt qua được những giới hạn trần tục, che kín mầu nhiệm Con
Thiên Chúa nhập thể.
Tác giả Phúc Âm theo
thánh Gioan đã mô tả ơn gọi sống như Chúa Giêsu như là một cuộc gặp gỡ
trực tiếp giữa Chúa và người được gọi. Và khi đã được gặp gỡ trực tiếp với
Chúa Giêsu rồi, người được gọi mới vượt qua được những thành kiến tự
nhiên đối với Chúa, và cảm thấy được thôi thúc chia sẻ kinh nghiệm
gặp Chúa cho anh chị em chung quanh.
Kinh nghiệm sống của
Philipphê được chia sẻ cho Nathanael: “Ðấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ đã
nói đến, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth”.
Có thể nói đây là kiểu
mẫu cho điều chúng ta gọi là việc tông đồ, là thông truyền và chia sẻ kinh nghiệm
sống của chính bản thân về Chúa Giêsu cho anh chị em chung quanh, đây cũng là
phương thế duy nhất giúp anh chị em vượt qua được những thành kiến không tốt về
Thiên Chúa, để cùng chúng ta tôn thờ và yêu mến Ngài.
Chỉ nhờ đã gặp được
Chúa trước rồi chúng ta mới có thể trở nên phương tiện để giúp anh chị em đến gặp
Chúa: “Cứ đến mà xem”.
Ước chi đời sống chúng
ta là một lời mời gọi liên lỉ anh chị em đến với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 5 tháng 1 GS
Bài đọc: 1 Jn 3:11-21; Jn
1:43-51.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu ai là
mong muốn và làm điều tốt nhất cho người mình yêu.
Tình yêu là động lực
chính giúp con người vượt qua mọi trở ngại trong cuộc đời. Con người muốn yêu
và khao khát được yêu. Nhưng đâu là sự yêu thương đích thực?
Các bài đọc hôm nay
giúp chúng ta nhận ra đâu là tình yêu đích thực. Trong bài đọc I, Thiên Chúa chứng
tỏ tình yêu của Ngài bằng việc cho chúng ta người con một của Ngài xuống trần
chịu chết để đền tội thay cho chúng ta. Để chứng tỏ tình yêu của chúng ta,
chúng ta cũng phải tỏ bày bằng hành động qua việc tuân giữ các giới răn của
Ngài, nhất là giới luật yêu thương. “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em
mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên
Chúa ở lại trong người ấy được?” Trong Phúc Âm, Philip yêu Nathanael và mời ông
đến gặp Đức Kitô, để nhận được ơn cứu độ. Chúa Giêsu yêu Nathanael và mặc khải
cho ông nhiều điều bí ẩn ông chưa từng có kinh nghiệm trong cuộc đời..
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.
2.1/ Sự quan trọng của giới
luật yêu thương:
(1) Phải yêu thương bằng
việc làm. Ngài viết: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng
yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng
việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật,
và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa." Chỗ khác Ngài viết:
"Ai nói mình yêu thương Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, là kẻ nói dối,
và sự thật không có nơi người ấy." Theo Gioan, yêu thương và sự thật không
thể tách rời nhau.
(2) Thiên Chúa còn cao
cả hơn lòng chúng ta: "Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên
Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. Anh em thân mến, nếu
lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên
Chúa." Đây là 2 câu khó hiểu, và có ít nhất 2 cách hiểu: Thứ nhất, nếu
lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta vì Ngài
biết mọi sự; có nghĩa tội của chúng ta không thể tránh khỏi cơn thịnh nộ của
Thiên Chúa. Thứ hai, nếu lòng chúng ta cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả
hơn lòng chúng ta; có nghĩa Thiên Chúa không chỉ biết tội của chúng ta, nhưng
Ngài còn biết tình yêu, ước muốn, yếu đuối, bệnh tật của chúng ta; vì thế, Ngài
hiểu biết và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thomas à Kempis phân tích sự khác
nhau giữa Thiên Chúa và con người: "Con người nhìn kết quả, Thiên Chúa biết
ý định." Ví dụ, tuy vua David không được phép xây nhà cho Thiên Chúa,
nhưng ông đã xây nhà cho Ngài bằng ước muốn (1 Kgs 8:17-18). Châm ngôn Pháp có
câu: "Biết tất cả là tha thứ tất cả." Nếu trong trái tim của chúng ta
có yêu thương, chúng ta có thể tự tin khi đến với Ngài. Chỗ khác, Gioan cũng
nói: "Yêu thương là đền bù mọi tội lỗi."
2.2/ Phải giữ các giới
răn của Người: Gioan viết: "Đây là điều
răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giêsu Kitô, Con
của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban
cho chúng ta." Nếu chúng ta để ý các Sách của Gioan, tin Đức Kitô và yêu
thương là hai chủ đề chính của Ngài. Con người phải tin Đức Kitô mới có sự sống
đời đời, và phải yêu thương nhau nếu muốn làm môn đệ của Ngài. Giữ giới răn của
Thiên Chúa không gì khác hơn là giữ giới luật yêu thương, hay "Mến Chúa
yêu người." Khi chúng ta giữ giới răn Thiên Chúa, hai điều này được bảo đảm
cho chúng ta: Thứ nhất, bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban
cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người.
Thứ hai, ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và
Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên
Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng
ta.
2/ Phúc Âm: "Cứ đến mà xem!"
2.1/ Phải trút bỏ thành
kiến để học hỏi những điều mới lạ: Thánh
Thomas Aquinas nói: "Yêu ai là mong muốn sự tốt lành cho người ấy."
Trong quãng đời công khai rao giảng của Đức Kitô, chúng ta thấy kiểu mời gọi
này: Khi đã nhận biết Đức Kitô, Gioan Tẩy Giả giới thiệu Ngài cho hai môn đệ đi
theo (Jn 1:35-37). Một trong hai môn đệ là Anrê đã giới thiệu Đức Kitô cho em
mình là Phêrô (Jn 1:40-42). Trong trình thuật hôm nay, Philip mời gọi ông
Nathanael đến gặp Chúa và nói: "Đấng mà sách Luật Moses và các ngôn sứ nói
tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nazareth."
Ông Nathanael liền bảo: "Từ Nazareth, làm sao có cái gì hay được?"
Ông Philíp trả lời: "Cứ đến mà xem!"
Thành kiến giam hãm và
ngăn cản con người không nhìn ra sự thật. Hai điều có thể ngăn cản Nathanael
không đến với Chúa: Thứ nhất, sự cạnh tranh giữa các làng mạc: Nathanael quê ở
Cana; giữa Cana và Nazareth có thể có sự cạnh tranh vì hai làng rất gần nhau.
Thứ hai, theo Kinh Thánh, Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện tại Bethlehem là quê
hương của vua David, chứ đâu xuất hiện tại Nazareth, một làng quê mùa phía Bắc
như vậy. Đứng trước nhận định khinh thường như thế, Philip không nản chí, nhưng
vẫn khuyến khích bạn: thì cứ thử đến mà xem! Nathanael có lẽ vì nể tình bạn với
Philip, nên đi đến gặp Đức Kitô.
2.2/ Cuộc hạnh ngộ giữa Đức
Kitô và Nathanael.
(1) Đức Kitô khơi dậy
niềm tin nơi Nathanael: Đức Giêsu thấy ông Nathanael tiến về phía mình, liền
nói về ông rằng: "Đây đích thật là một người Israel, lòng dạ không có gì
gian dối." Đây là ý tưởng của Thánh Vịnh 32:2, "Hạnh phúc thay, người
Chúa không hạch tội, và lòng trí chẳng chút gian tà." Phản ứng trước tiên
của Nathanael là sửng sốt vì ông chưa gặp Ngài bao giờ, thế mà Ngài lại thấu suốt
cuộc đời của ông. Ông Nathanael hỏi Người: "Làm sao Ngài lại biết
tôi?" Đức Giêsu trả lời: "Trước khi Philíp gọi anh, lúc anh đang ở dưới
cây vả, tôi đã thấy anh rồi." Lại một ngạc nhiên nữa, Chúa Giêsu có khả
năng nhìn thấy mọi nơi, điển hình là lúc ông đang nói chuyện với Philip dưới gốc
cây vả. Biết mình không còn gì có thể giấu Chúa Giêsu, ông khiêm nhường thú nhận:
"Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel!"
(2) Đức Kitô hứa sẽ
cho Nathanael thấy những điều kỳ diệu hơn nữa: Đức Giêsu đáp: "Vì tôi nói
với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những
điều lớn lao hơn thế nữa." Người lại nói: "Thật, tôi bảo thật các
anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống
xuống trên Con Người."
+ Thị kiến chiếc thang
của Jacob: Cụm từ "Thiên thần lên lên xuống xuống" nhắc nhở chúng ta
thị kiến chiếc thang trong giấc mơ của tổ-phụ Jacob tại Bethel (Gen 28:12-13).
Đức Kitô giải thích Ngài là chiếc thang nối kết giữa Trời và Đất, các sứ thần của
Thiên Chúa sẽ không ngừng lên xuống để dâng lời cầu nguyện của con người lên
Thiên Chúa, và chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa xuống cho con người.
+ Ai là Nathanael mà
Gioan đề cập đến ở đây? Có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau: (1) một hình ảnh lý
tưởng tượng trưng cho con cái Israel; (2) có người cho là Phaolô hay người
"môn đệ được Chúa yêu;" và (3), là tông-đồ Bartholomew mà Tin Mừng Nhất
Lãm đề cập tới. Sự kiện chúng ta mừng lễ thánh Bartholomew chứng tỏ Giáo Hội chấp
nhận cách giải thích số (3).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đã làm mọi
sự để chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta.
- Chúng ta cần đáp lại
tình yêu Thiên Chúa qua việc tuân giữ các điều răn của Ngài.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
05/01/17 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TRƯỚC LỄ HIỂN LINH
Ga 1,43-51
NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT
Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và
nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là
ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” (Ga 1,45)
Suy niệm: Vua xe hơi Henry
Ford nhận định: “Người bạn tốt nhất của tôi là người khơi dậy những
điều tốt nhất trong tôi.” Phi-líp-phê quả là người đứng hàng đầu trong
số những bạn như thế: Ngay khi vừa được Chúa Giê-su kêu gọi Phi-líp-phê đã
nhanh chóng chạy đến nói với bạn. Ông muốn trao cho bạn món quà quý
giá nhất mà ông vừa có. Rồi khi bạn chần chừ, ông đã mời bạn đến với Chúa
Giê-su. Na-tha-na-en đã đến, và đã gặp Chúa Giê-su; và nhờ cuộc gặp gỡ đó,
Na-tha-na-en được mở rộng tầm nhìn để thấy được những mầu nhiệm cao cả. Hai
người bạn cùng trở thành môn đệ của Chúa, cùng chia sẻ sứ mạng tông đồ, tiếp
tục dẫn dắt người khác đến với Đấng Ki-tô.
Mời Bạn: Xưa
cũng như nay, tình bạn là tình cảm cao quý nhất và là tài sản vô giá của con
người. Tình bạn càng linh thiêng hơn khi nó dẫn tới tình bạn với Thiên Chúa.
Thân phận con người hèn mọn, tội lỗi dám đâu mơ tưởng cao xa. Nhưng chính Chúa
Giê-su khi giáng sinh làm người đã mở đường cho chúng ta đến với tình bạn đó.
Mời bạn nhìn ngắm Con Thiên Chúa đến làm bạn với con người nơi hang đá bé nhỏ
để cảm nghiệm sâu xa tình bạn với Thiên Chúa và nhờ đó được lớn lên trong tình
người.
Sống Lời Chúa: Nhìn
ngắm Chúa Hài Nhi nơi hang đá và cầu nguyện cho một người bạn lương dân của
mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Nhi, Chúa
cho con nhiều lắm song con cứ lo lắng mãi thôi. Xin thúc đẩy con đến bên Chúa,
lắng nghe và sống Lời Ngài.
Các thiên thần của Thiên Chúa (5.1.2017 – Thứ năm)
Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần. Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại. Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Suy niệm:
Trong kinh Tin Kính,
chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa,
Đấng dựng nên muôn vật
hữu hình cùng vô hình.
Các thụ tạo vô hình ở đây
chính là chư vị thiên thần.
Chư vị này sống gần
bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.
Hơn nữa, các thiên thần
là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô,
từ khi Ngài chào đời đến
khi Ngài quang lâm.
Sứ thần Gabrien được
Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria
để loan báo về sự hạ sinh
của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).
Ta nghe tiếng ngợi khen
của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần
trong đêm Con Thiên Chúa
giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).
Ta cũng thấy các thiên
thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11),
sau khi Ngài chiến thắng
những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.
Khi Đức Giêsu bị xao
xuyến trước cái chết sắp đến,
một thiên thần từ trời đã
đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).
Ngài đã không tránh né
cái chết
bằng cách xin Cha cấp cho
mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).
Tin Vui Phục sinh được
loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).
Vào ngày tận thế, các
thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài
khi Ngài trở lại trong
vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).
Đức Giêsu nay ngự bên hữu
Thiên Chúa trên trời,
trổi vượt trên các thiên
thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).
Câu cuối của bài Tin Mừng
hôm nay
cũng nói đến tương quan
giữa Đức Giêsu và các thiên thần.
Trong lần gặp gỡ với
Nathanaen và các bạn của ông
Đức Giêsu đã long trọng
hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở,
và “các thiên thần lên
lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).
Trong một giấc mộng,
Giacóp đã chiêm bao thấy
“một chiếc thang dựng
dưới đất, đầu thang chạm tới trời,
trên đó có các thiên thần
của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).
Đức Giêsu nhận mình chính
là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian
nối đất với trời, nối
Thiên Chúa với nhân loại.
Các thiên thần cũng phải
qua Ngài mà đến phục vụ con người.
Các thiên thần cũng là
những đấng trung gian được sai đi,
nhưng họ phải qua Đấng
Trung Gian duy nhất và đích thực,
vì Đấng đó vừa trọn vẹn
là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.
Lên lên xuống xuống trên
thang Giêsu là việc của các thiên thần.
Lên với Thiên Chúa để dâng
cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.
Xuống với nhân loại để
mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.
Thiên thần vừa gần với
con người, vừa gần với Thiên Chúa,
vừa tựa trên đất, vừa
đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.
Xin được quyền năng của
Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ
thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của
Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh
phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ,
xin giúp con quên mình hoàn toàn
để ở lại trong Chúa.
lặng lẽ và an bình
như thể hồn con đã sống
trong vĩnh cửu.
Lạy Đấng thường hằng bất biến,
mong sao không gì có thể
khuấy động
sự bình an của con,
hay làm cho con ra khỏi
Chúa;
nhưng ước chi mỗi phút
lại đưa con
tiến xa hơn vào chiều sâu
của mầu nhiệm Chúa !
Xin làm cho hồn con bình an thanh thản,
xin biến hồn con thành
chốn trời cao,
thành nơi cư ngụ dấu yêu
của Chúa,
nơi Chúa nghỉ ngơi.
Ước chi
con không bao giờ để Chúa
ở đó một mình
nhưng con luôn có mặt,
với trọn cả con người,
với thái độ nhạy bén
trong đức tin,
cung kính tôn thờ
và phó mình cho Chúa sáng
tạo.
(Lời nguyện của Thánh
Elisabeth de Trinité)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG GIÊNG
Gia Đình – Một Cộng
Đồng Thân Ái
Trong tiếng gọi của
Thiên Chúa hằng sống, gia đình được mời gọi trở thành một cộng đồng của hòa
bình và thân ái. Đồng thời, đó cũng là mô hình cộng đồng mà Thiên Chúa mời gọi
mọi cá nhân và mọi dân tộc hướng tới hình thành. Trước hết, để gia đình triển nở
trọn vẹn, cần phải có một bầu khí xã hội thực sự hòa bình và huynh đệ trong đó
quyền lợi của mỗi thành viên đều được bảo vệ.
Thế nhưng ngày nay gia
đình đang phải chịu những căng thẳng tột độ do các xu hướng của xã hội hiện đại.
Gia đình đang phải đương đầu với sự phân hóa và sự sụp đổ của quyền bính. Các bậc
cha mẹ đang kinh nghiệm nỗi khó khăn trong việc truyền đạt cho con cái mình những
giá trị Kitô giáo đích thực. Xu hướng đô thị hóa đang tạo ra những khu ngoại ô
chen chúc dân cư, những vấn đề khó khăn về nhà ở, nạn thất nghiệp hay thiếu việc
làm ngày càng tăng cao. Và tất cả tình hình ấy có một ảnh hưởng tiêu cực trên
gia đình.
Giáo Hội quyết liệt chống
lại những sự dữ luân lý đang tấn công vào đời sống gia đình và vợ chồng; bởi vì
Giáo Hội xác tín sâu sắc rằng những sự dữ ấy đi ngược lại kế hoạch của Thiên
Chúa đối với con người. Những sự dữ ấy xúc phạm tính chất linh thánh của hôn
nhân và chà đạp các giá trị của sự sống con người. Giáo Hội có trách nhiệm bảo
vệ quyền lợi của gia đình cũng như bảo vệ mọi thiện ích của từng người. Đó là
lý do tại sao Giáo Hội xác nhận lại trách nhiệm của mình trong việc nói lên sự
thực đầy đủ về con người.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 05-1
1Ga 3,11-21; Ga
1,43-51.
Lời suy niệm: “Hôm sau, Đức
Giêsu quyết định đi tới miền Galilê, Người gặp ông Philípphê và nói: Anh hãy
theo tôi. Ông Philípphê là người Bếtxaiđa cùng quê với các ông Anrê và Phêrô.
Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ
nói tới, chúng tôi đã gặp, đó là ông Giêsu con ông Giuse, người Nadarét.”
Hôm qua chúng ta nghe
được chuyện ông Anrê được Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Chúa Giêsu là Đấng Mêsia,
ông đã đi theo và đã giới thiệu em của mình là Phêrô và Phêrô đã đi theoNgười,
Hôm nay chúng ta được nghe lời Chúa gọi Philípphê, ông đã đi theo và lại giới
thiệu với bạn của mình là ông Nathanaen và ông này cũng đã đến gặp Chúa Giêsu,
mặc dầu trong suy nghĩ vẫn có những thắc mắc.
Lạy Chúa Giêsu. Truyền
giáo là một hồng phúc, để tất cả đều nhận được hồng phúc biết Chúa và lãnh nhận
ơn cứu độ. Xin cho chúng con luôn có tinh thần giới thiệu cho tất cả những ai
là thân thuộc hay là bạn bè như các thánh Tông Đồ đã làm.
Mạnh Phương
05 Tháng Giêng
Chiếc Áo Rách
Một linh sư Ấn giáo
nọ rất hài lòng về sự tiến bộ của người đệ tử. Nhận thấy rằng người đệ tử không
cần đến sự dìu dắt của ông nữa, cho nên ông mới bỏ mặc anh trong túp lều tranh
rách nát bên cạnh một bờ sông. Một buổi sáng, khi thức dậy, người đệ tử xuống
dòng sông thanh tẩy theo đúng nghi thức, rồi giặt chiếc áo rách rưới của mình.
Ðây là tài sản duy nhất của anh ta.
Ngày nọ, anh đau đớn
vô cùng khi nhận ra chiếc áo phơi ở bờ sông đã bị chuột cắn tả tơi. Không còn
cách nào nữa, người đệ tử đành phải vào làng gõ cửa để xin một chiếc áo khác.
Cái áo lần nữa cũng bị chuột gặm nát. Anh mới xin được một con mèo. Lần này anh
khỏi phải lo lắng về mấy con chuột nữa. Nhưng không xin áo mặc, thì người đệ tử
cũng phải xin cơm, bánh mà thôi.
Ngày ngày phải vác
bị đi khất thực, người đệ tử cảm thấy mình như một thứ gánh nặng đối với dân
làng. Nghĩ thế, cho nên anh mới tìm cách tậu cho bằng được một con bò để lấy vốn
làm ăn. Nhưng có bò thì cũng phải có cỏ cho bò ăn. Những ngày đầu, anh còn tự
mình cắt cỏ cho bò ăn. Về lâu về dài, nhận thấy không còn thì giờ cho sự cầu
nguyện nữa, cho nên anh đành phải thuê người cắt cỏ cho bò. Bò càng ngày càng
sinh sản ra nhiều, người cắt cỏ cũng phải gia tăng. Không mấy chốc, mảnh đất
xung quanh túp lều của anh đã biến thành một nông trại. Con người đã một thời
muốn bỏ đi tất cả mọi sự để trở thành một tu sĩ nay nghiễm nhiên trở thành một
chủ nông trại giàu có. Có tiền, có mọi sự, cho nên anh cũng muốn có người chia
sẻ công việc của anh. Anh đành phải cưới vợ. Và không mấy chốc, anh đã trở
thành một trong những chủ nông trại giàu có nhất trong làng.
Vài năm sau, khi có
dịp trở lại thăm ngôi làng cũ, vị linh sư đã một thời dẫn dắt anh, ngạc nhiên
vô cùng vì thay cho túp lều nghèo nàn bên bờ sông, nay là cả một cơ nghiệp đồ sộ.
Dò hỏi được tung tích của người chủ nông trại, vị linh sư mới lên tiếng hỏi người
đệ tử của mình: "Thế này nghĩa là gì hả con?". Người đệ tử mới trả lời:
"Có lẽ thầy không tin. Nhưng tất cả cơ nghiệp này hiện hữu là cũng chỉ vì
con đã không làm cách nào để giữ được chiếc áo rách".
Vì chén cơm manh áo,
người ta có thể đánh mất lý tưởng của mình. Vì chén cơm manh áo, người ta có thể
chà đạp phẩm giá của mình cũng như của người khác. Vì chén cơm manh áo, người
ta có thể chối bỏ niềm tin của mình. Ðó là mối hiểm nguy mà bất cứ ai cũng có
thể rơi vào.
Ðầu một Năm Mới, tiến
thêm một bước trong cuộc hành trình đức tin, chúng ta hãy xin Chúa ban thêm
sáng suốt để thấy được bậc thang giá trị trong cuộc sống của chúng ta. Xin Ngài
ban thêm can đảm để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta có đủ sức khước
từ mọi hành động bất chánh, mọi thỏa hiệp với lừa đảo, gian trá. Xin Ngài ban
thêm lòng quảng đại để chúng ta biết mở rộng quả tim và đôi bàn tay để chia sớt,
để san sẻ với mọi người khốn khổ.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan 1:43-51
Thứ Năm, 5 Tháng 1,
2017
Mùa Giáng Sinh
1. Lời nguyện
mở đầu
Lạy Thiên Chúa toàn
năng và hằng sống,
Chúa đã ban cho chúng
con một cái nhìn mới về sự vinh hiển của Chúa
trong việc nhập thể của
Đức Kitô, Con Chúa.
Người đã được sinh ra
bởi Đức Trinh Nữ Maria
và đã đến để chia sẻ với
đời sống chúng con.
Nguyện xin cho chúng
con có thể đến để chia sẻ cuộc sống vĩnh cửu của Người
trong sự vinh hiển của
Nước Chúa,
nơi mà Người hằng sống
và hằng trị cùng với Chúa và Chúa Thánh Thần
một Thiên Chúa, đến
muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Bài Đọc –
Trích Tin Mừng theo Gioan 1:43-51
Khi ấy, Chúa Giêsu định
đi Galilêa. Nguời gặp Philípphê và nói với ông: “Hãy theo
Ta.” Philípphê là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô.
Philípphê gặp Náthanaen và nói với ông: “Đấng đã được Môisen ghi trong Luật
và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse,
người thành Nagiarét.” Náthanaen đáp: “Bởi Nagiarét nào có cái chi
hay?” Philípphê nói: “Hãy đến mà xem.”
Chúa Giêsu thấy
Náthanaen đi tới mình, thì nói về ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông
không có gì gian dối.” Náthanaen nói: “Sao Ngài biết tôi?”
Chúa Giêsu trả lời rằng: “Trước khi Philípphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở
dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi.” Náthanaen thưa lại rằng: “Lạy
Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel.” Chúa Giêsu trả lời:
“Vì Ta đã nói với ngươi rằng Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin, ngươi
sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa.”
Và Người nói với
ông: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở
ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.”
3. Suy Niệm
* Chúa Giêsu trở lại miền Galilêa. Người gặp
Philípphê và nói với ông: “Hãy theo Ta!” Mục đích của lời mời gọi
thì luôn giống như nhau: “đi theo Chúa Giêsu”. Các Kitô hữu đầu
tiên đã tìm cách duy trì danh tánh các môn đệ đầu tiên, và thậm chí một số người
đã giữ lại tên họ và nguyên quán của các ông. Các ông Philípphê, Anrê và
Phêrô xuất thân từ thành Bếtsaiđa (Ga 1:44). Ông Náthanaen là người từ
làng Cana. Ngày nay, nhiều người quên tên của những người đã hiện diện đầu tiên
trong các cộng đoàn của họ. Nhớ tên là một cách để duy trì căn tính.
* Philípphê gặp Náthanaen và nói với ông về Chúa
Giêsu: “Đấng đã được Môisen ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng
tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nagiarét.”
Chúa Giêsu là Đấng mà toàn bộ lịch sử Cựu Ước đã nhắc đến.
* Ông Náthanaen hỏi lại: “Từ Nagiarét ư?
Từ nơi ấy thì có cái gì hay được?” Có lẽ, ngay cả trong câu hỏi của ông
đã có ít nhiều sự cạnh tranh đã xảy ra giữa những thôn làng nhỏ trong cùng
vùng: Cana và Nagiarét. Ngoài ra, theo lời giáo huấn chính thức của
các Kinh Sư, Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ Nagiarét ở miền Galilê (Ga
7:41-42). Anrê cũng đưa ra một câu trả lời tương tự mà Chúa Giêsu đã nói
với hai người môn đệ kia: “Hãy đến mà xem!” Đó không phải bởi vì bắt
buộc, mà bởi vì được xem thấy nên người ta đã tin. Một lần nữa, trong
cùng một cách: “gặp gỡ, trải nghiệm, chia sẻ, chứng kiến, rồi tiến tới với
Chúa Giêsu!
* Chúa Giêsu thấy Náthanaen đi tới mình, thì nói về
ông: “Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối.” Và
khẳng định rằng Người đã biết ông khi ông còn đứng ở dưới cây vả. Làm thế
nào mà Náthanaen lại có thể là một “người Israel đích thực hoặc chân chính” được
nếu ông ta đã không nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế? Náthanaen “ở dưới
cây vả”. Cây vả là tượng trưng cho dân tộc Israel (xem Mi 4:4; Dcr 3:10;
1V 5:5). Một người Israel đích thực là người biết tách biệt mình khỏi những
ý nghĩ riêng tư khi người ấy nhận ra rằng dân Israel không đi đúng với chương
trình của Thiên Chúa. Người Israel nào không sẵn sàng nói về việc chuyển
đổi này thì người ấy không phải người Israel đích thực cũng chẳng là người thật
thà. Náthanaen là người Israel đích thực. Ông đã chờ đợi Đấng Cứu
Thế theo lời giáo huấn chính thức của thời ấy (Ga 7:41-42,52). Đây là lý
do mà từ ban đầu, ông đã không chấp nhận một Đấng Cứu Thế người thành
Nagiarét. Nhưng qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu đã giúp ông hiểu rằng
chương trình của Thiên Chúa thì không luôn giống như mọi người mường tượng hay
mong ước. Ông nhận biết, thừa nhận sự không trung thực hoặc sai lầm của
mình, ông thay đổi ý nghĩ, chấp nhận Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và thú nhận:
“Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel!” Lời tuyên xưng của
Náthanaen chỉ là mới bắt đầu: Kẻ trung tín sẽ được trông thấy trời mở ra
và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người. Ông sẽ được trải nghiệm
rằng Chúa Giêsu là sự nối kết mới giữa Thiên Chúa và chúng ta, nhân loại.
Đó là giấc mơ của ông Giacóp đã trở thành hiện thực (St 28:10-22).
4. Một vài
câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Danh hiệu nào của Chúa Giêsu mà bạn thích nhất?
Tại sao?
- Bạn đã có sự hòa giải giữa bạn và Chúa Giêsu chưa?
5. Lời nguyện
kết
Bởi vì CHÚA nhân hậu,
muôn ngàn đời Chúa vẫn
trọn tình thương,
qua bao thế hệ, vẫn một
niềm thành tín.
(Tv 100:5)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét