Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

05-02-2017 : (phần II) CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN năm A

05/02/2017
Chúa Nhật tuần 5 thường niên năm A.
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 5 Thường niên năm A
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN A
Is 58, 7-10; 1 Cr 2, 1-5; Mt 5, 13-16
LAN TOẢ ÁNH SÁNG CHÚA

“Ánh sáng của anh em
phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ,
để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm,
mà tôn vinh Cha của anh em,
Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I:
Ngôn sứ Isaia cảnh báo dân Chúa về kiểu ăn chay cách hình thức bên ngoài; đồng thời, đưa ra cách ăn chay đẹp lòng Chúa là sống công bình, bác ái đối với những người bất hạnh.
Trước hết, ngôn sứ cho biết cách ăn chay mà Chúa ưa thích là bày tỏ lòng thương xót đối với những người đang cần sự trợ giúp: chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không có chỗ trú ngụ, trao áo cho người mình trần… Như thế, cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là tâm tình ăn năn sám hối, là “cúi rạp đầu như cây sậy cây lau,
nằm trên vải thô và tro bụi” (Is 58,5) mà trên hết là bày tỏ lòng bác ái đối với tha nhân, nhất là những người đang cần sự trợ giúp.
Sau nữa, nếu dân Chúa ăn chay với lòng thương xót và tình bác ái đối với tha nhân thì khi cầu xin sẽ được Thiên Chúa nhậm lời. Đồng thời, đời sống bác ái đối với tha nhân là ánh sáng bừng lên như rạng đông, chiếu toả và xua tan bóng tối. Cách ăn chay như thế vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa làm lan toả gương lành của một đời sống công chính; và đời sống công chính chính là ánh sáng giúp người khác nhận ra vinh quang của Chúa.
Tóm lại, cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là hình thức sám hối bên ngoài nhưng là sự biến đổi bên trong, thể hiện qua đời sống thương xót và bác ái đối với tha nhân. Cách ăn chay như thế là gương sáng giúp người ta nhận ra vinh quang của Thiên Chúa.
2. Bài đọc II:
Viết cho các tín hữu Côrintô, những người vẫn tự hào là khôn ngoan và luôn đề cao tài hùng biện, thánh Phaolô cho thấy sự khiêm tốn của ngài để qua đó đề cao quyền năng của Thiên Chúa, nhờ lời xác thực của Thần Khí và sự khôn ngoan của mầu nhiệm thập giá Đức Kitô.
Thật vậy, thánh Phaolô thừa nhận rằng ngài không dùng những lời lẽ hùng hồn và triết lý cao siêu theo kiểu con người để thuyết phục các tín hữu Côrintô tin vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trái lại, ngài tự thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy khi đứng trước sự khôn ngoan của mầu nhiệm thập giá Đức Kitô. Chính Đức Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục, còn người Hy Lạp cho là điên rồ, mới là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa (x. 1 Cr 1,22-25).
Hơn nữa, thánh Phaolô không dùng lời lẽ khôn khéo để hấp dẫn người ta vì ngài dựa vào một bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa. Quả vậy, chính Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô phục sinh từ cõi chết. Đó thật sự là bằng chứng thuyết phục về quyền năng và sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Kitô.
3. Bài Tin Mừng:
Chúa Giêsu dùng hai hình ảnh muối và ánh sáng để nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người môn đệ trong việc lan toả những giá trị của Tin Mừng ở giữa thế gian.
Nhờ đặc tính mặn, muối giúp gìn giữ và làm thăng hoa những phẩm chất tốt đẹp của những gì nó ướp. Nếu muối mà nhạt đi thì muối không còn là muối vì nó đánh mất bản chất của mình; nó trở thành vô dụng. Cuộc sống của các môn đệ Đức Giêsu ở giữa thế gian cũng phải như muối để ướp cho đời, làm cho những giá trị của Tin Mừng lan toả trong môi trường họ sống, những người họ gặp gỡ. Nếu đời sống của các môn đệ không có sức lan toả những giá trị tốt đẹp, không làm chứng cho Tin Mừng ở giữa thế gian thì các môn đệ đánh mất bản chất đích thực của đời mình là làm chứng cho Đức Kitô; họ trở thành như những kẻ vô dụng.
 Cũng vậy, bản chất của ánh sáng là chiếu sáng. Nếu ánh sáng mất đi đặc tính chiếu sáng thì ánh sáng không còn là ánh sáng. Vì thế, người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng để trên đế để chiếu sáng cho mọi người trong nhà. Đời sống của người môn đệ Đức Giêsu cũng được ví như ánh sáng ở giữa thế gian; ánh sáng đó phải chiếu sáng để lan toả những công việc tốt đẹp, những giá trị của Tin Mừng, để thiên hạ nhận thấy những điều đó mà tôn vinh Thiên Chúa. Như thế, ánh sáng của đời sống người môn đệ đích thực phải dẫn người ta đến để tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa.
Như muối ướp mặn cho đời, như ánh sáng chiếu soi trần gian, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm lan toả những giá trị cao đẹp của Tin Mừng để mọi người nhận ra mà tôn vinh Thiên Chúa.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Ngôn sứ Isaia cho thấy cách ăn chay đẹp lòng Chúa không chỉ là hình thức sám hối bên ngoài nhưng là tấm lòng bên trong, thể hiện qua đời sống bác ái đối với tha nhân, nhất là những người nghèo hèn, khốn khổ. Đời sống bác ái của dân Chúa chính là ánh sáng, là lời chứng giúp người khác nhận ra khuôn mặt của một Thiên Chúa yêu thương. Biết bao người trong xã hội hôm nay đang cần được chia cơm sẻ áo, cần được đón tiếp vào nhà, cần được nâng đỡ ủi an. Tôi có sẵn sàng mở lòng ra với họ, trở nên ánh sáng dọi vào cuộc đời tăm tối của họ để họ nhận ra và tôn thờ Thiên Chúa yêu thương?
2/ Đứng trước mầu nhiệm về sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thánh Phaolô khiêm tốn nhìn nhận rằng ngài không dựa vào sự khôn khéo hay tài hùng biện để rao giảng nhưng dựa vào ơn Thiên Chúa. Chính Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô phục sinh từ cõi chết, qua đó tỏ lộ sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Là môn đệ Đức Giêsu, tôi cũng được mời gọi loan báo về mầu nhiệm Đức Kitô cho những người khác. Tôi đang sống chứng tá cho sự khôn ngoan của Thiên Chúa hay tôi đang cho thấy sự khôn khéo của tôi?
3/ Như muối ướp mặn cho đời, như ánh sáng chiếu soi trần gian, người môn đệ Đức Giêsu có trách nhiệm làm lan toả những giá trị cao đẹp của Tin Mừng để mọi người nhận ra mà tôn vinh Thiên Chúa. Tôi đang làm gì để Thiên Chúa được nhận biết và tôn thờ? Tôi phải sống thế nào để người khác nhận ra được khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa nơi tôi? Tôi cần sống ra sao để trở nên ánh sáng dẫn người khác đến nguồn ánh sáng đích thực là Thiên Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian qua các việc lành thánh, để làm vinh danh Thiên Chúa và làm chứng cho Đức Kitô. Chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin:
1. Chúa Giêsu nói: “Các con là sự sáng thế gian.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn là những mục tử tận tụy, nêu cao gương sáng, hầu dẫn đưa mọi con chiên trong ràn cũng như ngoài ràn về qui phục Thiên Chúa là chủ chiên duy nhất.
2. Xã hội hiện đại đang bị đe dọa bởi những trào lưu trái với tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người thành tâm thiện chí ở khắp nơi trên thế giới biết can đảm khước từ bóng tối, luôn kiên trì tìm kiếm và quảng đại bước đi trong ánh sáng Đức Kitô.
3. “Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu luôn ý thức thực thi tinh thần yêu thương phục vụ của Đức Kitô, trở nên gương sáng cho mọi người, nhằm khơi dậy lòng tin - cậy - mến nơi nhiều tâm hồn.
4. Người môn đệ của Chúa Kitô phải thấm nhuần tinh thần nhập thể của Thầy mình. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi gia đình và từng người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết sống hòa đồng với mọi người, và góp phần lành mạnh hóa môi trường chung quanh.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch Chân - Thiện - Mỹ, xin thương chúc lành cho những ý nguyện chân thành của chúng con, và ban ơn trợ giúp để chúng con luôn biết làm sáng danh Chúa qua bổn phận hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
www.tgpsaigon.net

SCĐ CHÚA NHỰT V TN A
CHỦ ĐỀ :
SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA

"Anh em là ánh sáng thế gian" (Mt 5,14)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I : Sự sáng của ngươi tỏa rạng như hừng đông
- Đáp ca : Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay.
- Tin Mừng : Các con là sự sáng thế gian

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Chúa nhựt vừa qua, Lời Chúa cho chúng ta biết chúng ta rất hạnh phúc vì được làm công dân Nước Trời. Lời Chúa hôm nay sẽ dạy chúng ta biết sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời.
Chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa để hiểu sứ mạng ấy là gì, và chúng ta hãy sốt sắng xin Chúa giúp chúng ta thi hành sứ mạng cao cả ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta chưa hãnh diện vì được làm công dân Nước Trời. Ngược lại có khi còn che dấu hoặc xấu hổ vì điều ấy.
- Sống với những người chưa biết Chúa, chúng ta chẳng những không mang lại điều gì tốt cho họ, trái lại còn lây nhiễm những thói xấu của họ.
- Sống giữa những người khác, chúng ta không nêu gương sáng, ngược lại có khi còn làm gương mù gương xấu.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 58,7-10) :
Trong thời gian dân do thái bị lưu đày bên Babylon, không còn Đền thờ, không còn các lễ nghi, các tư tế và luật sĩ sợ đức tin của dân bị phai lạt nên đã nhấn mạnh rất nhiều vào những hình thức đạo đức như ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Đáng tiếc là vì quá nhấn mạnh đến hình thức, họ sao nhãng phương diện tinh thần. Khi dân do thái từ chốn lưu đày trở về, cách sống đạo của họ cũng nặng phần hình thức.
Đoạn này thuộc về phần III của sách Isaia (các chương 56-66, được gọi là Đệ Tam Isaia), được viết khi dân do thái từ chốn lưu đày đã được trở về quê hương. Tác giả nhắc nhở người ta phải sống đạo có chất lượng, để làm sao cho cuộc sống mình như một ngọn đèn tỏa sáng trước mặt mọi người.
Cách sống như một ngọn đèn tỏa sáng là :
- Lấy của cải mình giúp cho người nghèo đói.
- Đón vào nhà mình những kẻ tứ cố vô thân
- Đem áo cho kẻ trần truồng
- Không khinh bỉ người đồng loại
- Loại khỏi lòng mình những xiềng xích, hăm dọa, nói xấu v.v.
Được như thế thì "Sự sáng của ngươi tỏa rạng như hừng đông"
2. Đáp ca (Tv 111) :
Tv 111 mô tả cách sống của người công chính : một mặt đầy lòng kính mến Chúa, mặt khác hết lòng yêu thương tha nhân. Người công chính được so sánh với ánh sáng xuất hiện trong đêm tối : "Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay."
3. Tin Mừng (Mt 5,13-16) : Các con là sự sáng thế gian
Sau khi công bố Tám mối phúc thật (Tin Mừng Chúa nhựt IV vừa qua), Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Ngài ra thi hành. Làm được như thế, họ sẽ trở thành muối ướp mặn cho đời và ánh sáng chiếu soi cho trần gian.
4. Bài đọc II (1 Cr 2,1-5) :
Văn mạch : Tín hữu Côrintô chia rẽ nhau (đoạn được trích đọc Chúa nhựt III), lý do là họ tự cho mình là khôn ngoan hơn người khác. Phaolô bảo rằng cái mà thế gian cho là khôn ngoan thì thực ra chỉ là điên dại trước mặt Chúa, còn cái mà thế gian cho là điên dại lại thì sự khôn ngoan (Chúa nhựt IV)
Trong đoạn được trích đọc hôm nay, Phaolô đưa bản thân mình ra làm gương :
- Về nội dung rao giảng : không giảng về sự khôn ngoan của loài người, mà về sự điên rồ của Thập giá.
- Về cách thức : không dựa vào uy thế của tài hùng biện, không dùng những lời quyến rủ của thế gian, nhưng chân thành đến với tín hữu "trong sự yếu hèn, run rảy và sợ hãi".
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Hướng chiếu của ánh sáng
Ánh sáng chiếu ra ngoài nó hay chiếu vào trong nó ?
Đương nhiên là chiếu ra. Cây đèn có sức chiếu sáng, nhưng không phải chiếu cho nó mà cho chung quanh nó. Chính Đức Giêsu đã nói : "Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên giá hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của chúng con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".
Hình ảnh cây đèn rất đơn sơ, nhưng lý giải được rất sâu sắc những bế tắc của đức tin nơi nhiều người môn đệ Chúa : Tại sao đức tin của họ không lớn mạnh lên mà còn nhỏ yếu đi ? Tại sao đức tin ấy như không đủ sức nâng đỡ cuộc sống của họ trong những lúc gian nan, chứ đừng nói chi đến nâng đỡ người khác ? Câu trả lời của cây đèn rất đơn giản mà rõ ràng : tại vì họ là đèn, thế mà chỉ biết quanh quẩn lo chiếu vào trong mình chứ không chiếu ra ngoài.
Nhiều người môn đệ Chúa cứ mãi lo tuân giữ luật Chúa, mãi lo tham dự đầy đủ các ngày lễ, mãi lo những sinh hoạt nội bộ của Giáo Hội… Họ tưởng mình như thế là sống đức tin rồi đấy. Nhưng họ cứ băn khoăn : Tại sao Giáo Hội không phát triển ? Tại sao nội bộ Giáo Hội cứ lục đục hoài ?
Khi so sánh đức tin của người môn đệ với cây đèn và hạt muối, Đức Giêsu đã đưa ra một định hướng rất rõ : đức tin là để tỏa ra, đức tin là phải hướng đến người khác. Nếu không tỏa ra, đức tin sẽ là hạt muối lạt, cây đèn sẽ tắt… Chỉ còn ném bỏ.
Như thế, cách nuôi lớn đức tin là tập quên mình để sống cho người khác, sống vì người khác. Khi các tín hữu, nghĩa là người có đức tin, biết hướng đến người khác thì Giáo Hội sẽ phát triển, những khó khăn nội bộ của Giáo Hội cũng dần dần biến tan.
2. Sức sáng của tình thương
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy làm ngọn đèn chiếu sáng trước mặt thiên hạ. Còn trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia dạy chúng ta cách nào để cho đời mình thành đèn chiếu sáng : cách tiêu cực là không khinh bỉ người khác, loại bỏ những tranh chấp, hăm dọa, nói xấu… ; cách tích cực là chia cơm cho kẻ đói, chia áo cho người nghèo, làm cho người đau khổ được hạnh phúc… Và Isaia bảo đảm : "Như thế, sự sáng của ngươi sẽ tỏa rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành mạnh nhanh chóng… ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong đêm tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".
Chúng ta đã biết mình có bổn phận làm gương sáng. Isaia dạy cho chúng ta biết thêm : không gương sáng nào sáng bằng tình thương ; không việc làm nào chiếu sáng bằng việc yêu thương.
3. Sứ mạng ướp mặn cuộc đời
Thời nay, những sứ điệp nói có một tầm quan trọng rất lớn (Radio, Tivi, sách báo v.v.) Trong Thánh Lễ, bài giảng rất quan trọng. Những nhà thờ có Cha giảng chán thì giáo dân thưa thớt, ngủ gục, lo ra… Những nhà thờ có Cha giảng hùng hồn, mạch lạc, truyền cảm thì giáo dân đông đúc, sinh động…
Tuy nhiên phẩm chất của lời nói và của người nói càng quan trọng hơn. Đó là kinh nghiệm tâm đắc của Phaolô, vị tông đồ thành công nhất của Giáo Hội : "Lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rủ của sự khôn ngoan loài người", "Tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh", "Tôi đến với anh em trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy"… Xem thế, Thánh Phaolô thành công không phải vì ngài nói hay, mà vì tư cách, phẩm chất và cả con người của Ngài thấm mặn Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, đến nỗi Ngài có thể nói "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi". Nhờ đó, khi Ngài đi đến đâu, tiếp xúc với ai thì chất mặn của muối Tin Mừng từ trong Ngài tỏa ra và thấm vào mọi người chung quanh.
4. "Chúng con là ánh sáng thế gian"

Nên để ý một chút đến văn phạm của câu nói này : Đức Giêsu không khuyến khích "Chúng con hãy là ánh sáng", mà Ngài khẳng định "Chúng con là ánh sáng".
Quả thực, chúng ta là ánh sáng, bởi vì khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khả năng làm những việc thiện giúp cho người khác :
- Chúng ta có đôi mắt để thấy
- Chúng ta có đôi tai để nghe
- Chúng ta có đôi tay để chăm sóc
- Chúng ta có đôi chân để bước tới
- Chúng ta có lưỡi để nói
- Chúng ta có quả tim để yêu thương
Nhưng tiếc thay, vì lười, vì ích kỷ, vì hèn nhát, ngọn đèn của chúng ta dần lu mờ đi và có khi tắt ngấm.
Xin Chúa giúp chúng ta dám tin vào ánh sáng của mình và vào khả năng làm điều thiện của mình.
5. Chuyện minh họa
Ngày xưa có một nhà nghiên cứu Thánh Kinh suốt ngày ở trong phòng để tìm hiểu Lời Chúa và cầu nguyện, suy gẫm. Một hôm hay tin có một vị thánh nhân đến thành phố mình, nhà nghiên cứu này hăng hái đi tìm.
Ông tìm ở các nhà thờ lớn mà không gặp. Ông tìm ở các nhà nguyện nhỏ cũng không gặp. Tìm đến các dòng tu cũng không gặp. Cuối cùng đang khi đi ngang chợ thì ông gặp được vị thánh ấy. Ông liền trình bày thao thức của mình, cũng là lý do chính khiến ông muốn gặp vị thánh :
- Xin Ngài chỉ cho con biết làm thế nào để nên thánh.
Vị thánh hỏi lâu nay nhà nghiên cứu đã làm gì. Nhà nghiên cứu cũng thành thật kể rõ mọi việc. Cuối cùng vị thánh đưa ra lời khuyên :
- Làm thánh trong phòng thì dễ thôi. Hãy ra chợ và cố gắng làm thánh ở đó.
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu đã nói : "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời". Với quyết tâm làm cho Danh Chúa được vinh quang rạng rỡ hơn, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.
1- Chúa Giêsu đã để trái tim bị đâm thủng khiến máu cùng nước chảy ra / hầu khơi nguồn bí tích dưỡng nuôi Hội Thánh / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh không ngừng được sống nhờ Chúa đã chết và sống lại.
2- Ngày nay / một số sách báo nhảm nhí / không ít những hình băng đồi truỵ / cổ võ bạo lực / khuyến khích những chuyện không tốt / đã làm hư hỏng một số người trẻ / và rất nhiều lần đã dẫn đến phạm pháp nghiêm trọng / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bạn trẻ / biết khôn ngoan xa lánh những thứ độc dược giết người ấy / và nỗ lực sống lành mạnh bằng việc đọc những sách báo tốt / cũng như chỉ xem những băng hình bổ ích / và tích cực tham gia vào công tác xã hội.
3- Chúa Giêsu nói / "Anh em là muối cho đời / là ánh sáng cho trần gian" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người kitô hữu biết luôn cố gắng sống theo tinh thần Tám mối phúc thật / để nhờ đó mà trở nên những chứng nhân hữu hiệu của Chúa / trong xã hội họ sang sống.
4- Trách nhiệm của người Kitô hữu là giúp xã hội luôn thăng tiến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết dùng khả năng Chúa ban / cũng như đời sống thấm nhuần tình bác ái yêu thương / mà giúp mọi người sống xứng với phẩm giá con người.
CT : Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thương chọn chúng con giữa muôn người và ban cho được phép làm con Chúa. Xin ban ơn giúp sức để chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương hải hà của Chúa. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải trở nên ánh sáng và muối để làm cho thế giới này bớt tối tăm và thêm mặn mà. Đó là cách làm cho Nước Chúa trị đến. Trong tâm tình mong cho Nước Chúa trị đến, chúng ta hãy sốt sắng đọc kinh Lạy Cha.
- Sau kinh Lạy Cha : "… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin giúp chúng con thực sự trở thành ánh sáng và muối cho trần gian. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…"
VII. GIẢI TÁN
Thánh lễ vừa hết, đây là lúc bắt đầu cuộc sống của chúng ta giữa đời. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa dạy, cố gắng làm muối ướp mặn đời và làm ngọn đèn soi sáng thế gian.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật V Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 5 Tháng 2, 2017
Muối đất và sự sáng thế gian
Lắng nghe Lời Chúa Giêsu,
Bắt đầu với kinh nghiệm ngày hôm nay
Mt 5:13-16


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại cho họ.

Xin Chúa hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng có thể cảm nghiệm được sức mạnh của sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho người khác rằng Chúa đang thực sự sống hiện hữu giữa chúng con như căn bản của tình huynh đệ, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc về cả hai dụ ngôn:

Nếu chúng ta đã có dịp đọc đoạn Tin Mừng Mt 5:1-12 và suy gẫm về bài Tám Mối Phúc Thật, phần mở đầu cho Bài Giảng Trên Núi và mô tả tám cánh cửa để được vào Nước Trời, qua đời sống trong cộng đoàn (Mt 5:1-12).  Chúa Nhật tuần này chúng ta suy gẫm phần tiếp theo (Mt 5:13-16) trong đó nói về hai dụ ngôn nổi tiếng, về ánh sáng và về muối, mà Chúa Giêsu gọi là sứ vụ của cộng đoàn.  Cộng đoàn phải là muối cho đất và là ánh sáng cho thế gian.  Muối không hiện hữu cho chính nó, mà là để thêm hương vị cho thức ăn.  Ánh sáng không tồn tại trong chính nó, mà là để chiếu sáng đường đi.  Chúng ta, cộng đoàn chúng ta, không tồn tại cho chính chúng ta, mà là cho tha nhân và cho Thiên Chúa.
Hầu như những khi Đức Giêsu muốn truyền lại một thông điệp quan trọng, Người thường dùng một dụ ngôn hay một sự so sánh, trích ra từ đời sống hằng ngày.  Nói chung, Người không giải nghĩa dụ ngôn, bởi vì đó là một vấn đề về những việc mà tất cả chúng ta đều biết từ kinh nghiệm bản thân.  Dụ ngôn là một lời nói khích, Chúa Giêsu khích động những người đang nghe xử dụng kinh nghiệm cá nhân của riêng mỗi người để hiểu được thông điệp mà Người muốn truyền đạt.  Trong trường hợp của bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu muốn mỗi người chúng ta phân tích kinh nghiệm của mình về muối và ánh sáng để hiểu được sứ vụ của mình là những Kitô hữu.  Trong thế giới này, có ai mà không biết muối là gì và ánh sáng là gì không?  Chúa Giêsu đã bắt đầu với hai điều rất thông dụng và phổ biến để truyền đạt sứ điệp của Người.   
  
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Mt 5:13:  Dụ ngôn về muối    
Mt 5:14-15:  Dụ ngôn về ánh sáng      
Mt 5:16:  Áp dụng dụ ngôn ánh sáng 
  
c)  Phúc Âm:

13  Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:  “Các con là muối đất.  Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại?  Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.  14 Các con là sự sáng thế gian.  Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được.  15 Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng; nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà.  16 Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời.”

3.  Giây phút cầu nguyện trong thinh lặng


Để Lời của Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

i)  Điều nào trong bài Tin Mừng này đánh động bạn nhất?  Tại sao?   
ii)  Việc đầu tiên, trước khi cố gắng để hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa Giêsu về muối đất, bạn hãy cố gắng suy gẫm trong lòng về kinh nghiệm mà bạn có với muối trong đời sống của mình và hãy cố gắng khám phá ra điều này:  “Theo tôi, muối có những công dụng gì?
iii)  Rồi bắt đầu từ kinh nghiệm bản thân liên quan đến muối này, bạn hãy cố gắng khám phá ra ý nghĩa lời của Chúa Giêsu cho đời sống của bạn và đời sống của cộng đoàn, của Giáo Hội.  Tôi có phải là muối chưa?  Cộng đoàn chúng ta có đang là muối không?  Giáo Hội có đang là muối không?
iv)  Đối với bạn, ánh sáng có ý nghĩa gì trong đời sống của mình?  Bạn có kinh nghiệm gì về ánh sáng không?   
v)  Ý nghĩa nào của dụ ngôn về ánh sáng, bắt đầu từ việc áp dụng, mà chính Chúa Giêsu đã thực hành trong dụ ngôn?  

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh bài giảng của Chúa Giêsu:

Bối cảnh văn học.  Bốn câu Tin Mừng của Chúa Nhật tuần này (Mt 5:13-16) được tìm thấy trong bài giảng Tám Mối Phúc Thật (Mt 5:1-12) và lời giải thích về Lề Luật truyền từ đời ông Môisen nên được hiểu như thế nào (Mt 5:17-19).  Sau đó, tiếp theo là đoạn Chúa Giêsu giảng dạy các điều răn của Lề Luật Thiên Chúa (Mt 5:20-48).  Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta lưu ý đến mục đích của Lề Luật mà theo Người trong đó có những lời như:  “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha Trên Trời của các con là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).  Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải noi gương Thiên Chúa!  Khởi đầu cho việc giảng dạy mới này của Chúa Giêsu được tìm thấy một kinh nghiệm mới rằng Đức Chúa Cha là cha của Người.  Tuân giữ Lề Luật Chúa theo cách này, chúng ta sẽ trở nên Muối cho đất và Ánh Sáng cho thế gian. 

Bối cảnh lịch sử.  Nhiều người Do Thái cải đạo vẫn tiếp tục trung thành trong việc tuân giữ lề luật, giống như những gì họ đã làm trong thời thơ ấu của họ.  Nhưng bây giờ, họ đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, và, đồng thời, cũng trung thành với những giáo huấn nhận được từ cha ông họ và các thày cả Do-thái, họ đang lìa bỏ quá khứ người Do Thái của họ, họ đã bị trục xuất ra khỏi các Hội Đường, khỏi những giáo huấn cổ xưa và thậm chí còn bị chính cha mẹ họ từ bỏ (Mt 10:21-22).  Và trong cộng đoàn Kitô hữu của họ, họ đã nghe thấy những người ngoại mới tòng giáo nói rằng Lề Luật của ông Môisen thuộc về quá khứ và không cần phải tuân giữ các luật ấy nữa.  Họ bị đứng trước hai ngã đường.  Một mặt, những thày dạy xưa và những người quen, đã xa lánh họ.  Mặt khác, những người bạn mới chỉ trích họ.  Tất cả các điều này tạo ra căng thẳng và bất an trong họ.  Một số người thiên về sự cởi mở chỉ trích sự khép kín của những người khác và ngược lại.  Cuộc xung đột này đã đem đến một cuộc khủng hoảng đã dẫn đến việc họ sống khép kín trong vị thế của họ.  Có người đã muốn tiến tới, có người lại muốn đốt đèn rồi dấu dưới gầm bàn.  Có nhiều người tự hỏi:  “Nhưng một cách dứt khoát, đâu là sứ vụ của chúng tôi?”  Những bài dụ ngôn về muối và ánh sáng giúp chúng ta suy niệm về sứ vụ.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 5:13:  Dụ ngôn muối đất
Dùng các hình ảnh của đời sống thường nhật, với những lời đơn giản và trực tiếp, Chúa Giêsu cho biết đâu là sứ vụ và lý do hiện hữu của Cộng Đoàn:  Hãy là muối!  Vào thời đó, bởi vì trời nóng, người ta và súc vật cần phải ăn nhiều muối.  Muối được phân phối bằng những tảng lớn bởi những nhà cung cấp và những tảng muối này được đặt ở quảng trường công cộng để người dân tiêu thụ.  Muối vụn còn sót lại rơi vãi trên mặt đất, không còn có thể dùng được vào việc gì và bị mọi người dẫm đạp lên.  Chúa Giêsu nhắc lại việc xử dụng này để làm sáng tỏ sứ vụ mà các môn đệ phải thi hành.  Nếu không có muối thì không ai có thể sống được, nhưng những gì còn sót lại của muối thì không thể dùng được vào việc gì.

Mt 5:14-16:  Dụ ngôn Ánh sáng
Sự so sánh thật hiển nhiên.   Không ai thắp một ngọn nến rồi để nó ở dưới đáy thùng.  Một thành phố trên một đỉnh núi không thể che giấu được.  Cộng đoàn phải là ánh sáng, phải chiếu soi.  Ánh sáng không nên sợ cho thấy điều tốt lành mà nó đã làm.  Nó không làm như thế để được trông thấy, nhưng điều gì nó làm có thể nhìn thấy và nên được nhìn thấy.  Muối không tồn tại cho chính nó.  Ánh sáng không tồn tại cho chính nó.  Đây là phương cách một cộng đoàn cần phải nhớ:  cộng đoàn không thể tự sống khép kín trong chính mình. 

c)  Để mở rộng nhãn quan về các Mối Phúc Thật:

I.  Các dụ ngôn trong bối cảnh của cộng đoàn thời bấy giờ

Trong số những người Do Thái cải đạo có hai khuynh hướng.  Một số người đã nghĩ rằng không còn cần phải tuân giữ các Lề Luật của Cựu Ước, bởi vì chúng ta đã được cứu rỗi nhờ lòng tin vào Đức Giêsu chứ không phải nhờ vì tuân giữ Lề Luật Môisen (Rm 3:21-26).  Những người khác nghĩ rằng họ, là người Do Thái, phải tiếp tục tuân giữ Lề Luật Cựu Ước (Cv 15:1-2).  Trong mỗi hai khuynh hướng này đều có một số người cực đoan hơn trong nhóm.  Đứng trước cuộc xung đột này, Mátthêu tìm kiếm một sự cân bằng để đoàn kết cả hai thái cực.  Cộng đoàn phải là nơi mà sự cân bằng này có thể đạt được và là nơi nó có thể tồn tại.  Cộng đoàn phải là trung tâm soi sáng kinh nghiệm sống này và cho mọi người thấy ý nghĩa đích thực và mục tiêu của Lề Luật Thiên Chúa.  Các cộng đoàn không thể đi ngược lại Lề Luật, cũng không thể sống khép kín tự tách biệt họ trong việc tuân giữ lề luật.  Noi gương Chúa Giêsu, họ phải dẫn đầu và cho thấy mục tiêu của lề luật muốn đạt được trong thực hành, đó là việc thực thi tình yêu hoàn hảo.  Sống theo đường lối này họ phải là:  “Muối của Đất và Ánh sáng của Thế Gian”.

II.  Các khuynh hướng khác nhau trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi

-  Các người Biệt Phái đã không nhận ra Đấng Mêssia trong con người của Chúa Giêsu và chỉ chấp nhận Cựu Ước.  Trong cộng đoàn, đã có những người thông cảm với tâm lý của nhóm người Biệt Phái (Cv 15:5).
-  Một số người Do Thái cải đạo đã chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêssia, nhưng họ không chấp nhận các cộng đoàn sống với sự tự do của Chúa Thánh Thần trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh (Cv 15:1).
-  Những người khác, cho dù là người Do Thái cải đạo hay người ngoại, đã nghĩ rằng Cựu Ước đã được kết thúc cùng với Chúa Giêsu và vì thế không còn cần thiết phải duy trì và đọc các sách Cựu Ước nữa.  Từ bây giờ, chỉ có Chúa Giêsu và đời sống trong Chúa Thánh Thần!  Ông Gioan chỉ trích xu hướng này (Cv 15:21).
-  Có những Kitô hữu sống cuộc sống của họ trong cộng đoàn trong sự hoàn toàn tự do của Chúa Thánh Linh cho rằng họ không còn phải sống theo đời sống của Chúa Giêsu hoặc theo đời sống Cựu Ước.  Họ chỉ muốn có Đức Kitô của Chúa Thánh Thần!  Họ nói rằng:  “Chúa Giêsu bị nguyền rủa!”  (1Cr 12:3).
-  Mối quan tâm lớn trong Tin Mừng Mátthêu cho thấy ba điều đồng nhất này rằng:  (1) Cựu Ước, (2) Chúa Giêsu Nagiarét và (3) đời sống trong Chúa Thánh Thần, không thể tách rời.  Cả ba là một phần của cùng một chương trình và duy nhất của Thiên Chúa và truyền đạt đến chúng ta điều tâm điểm chắc chắn của đức tin:  Thiên Chúa của Abraham và Sara hiện hữu trong cộng đoàn nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Nagiarét. 

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 27:

Đức Chúa là nguồn ánh sáng của tôi
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,        
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?
Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.
Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.
Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa vì những Lời của Chúa đã trao ban để giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng cho những việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi những Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Chúng con nguyện xin được giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

www.dongcatminh.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét