Ông Trump ký sắc lệnh xây bức tường ngăn cách ở biên giới
Mêhicô và Hoa Kỳ
Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Donald Trump trong những ngày đầu
tiên của nhiệm kỳ đã ký kết nhiều sắc lệnh liên quan đến những hứa hẹn khi tranh
cử. Đáng chú ý nhất là sắc lệnh liên quan đến việc xây bức tường ngăn cách ở
biên giới Mêhicô và Hoa Kỳ, với mục đích ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp
pháp.
Trên thực tế, đã có một hàng rào dài 1050 kilomet trên tổng
số 3200 kilomet chiều dài biên giới giữa Mêhicô và Hoa Kỳ được dựng lên rồi.
Nhưng bức tường mà tổng thống Trump muốn xây cất bằng bê tông cốt sắt sẽ thay
thế những hàng rào này.
Theo nhiều chuyên viên, ngân khoản dự chi cho công trình này
được tổng thống Trump quy định từ 4 đến gần 10 tỷ đô la sẽ lên cao hơn rất nhiều.
Mêhicô cương quyết từ chối không chi trả đồng nào cho công cuộc xây dựng
bức tường nói trên, mặc dù tổng thống Trump đang tìm mọi cách để buộc nước này
tài trợ một phần. Tổng thống Mêhicô Pena Nieto tuyên bố cương quyết không trả
tiền xây dựng bức tường này.
Hôm 25.01, tổ chức thiện nguyện Quan Sát quyền con người nhận
định rằng Hoa Kỳ dưới quyền tổng thống tân cử Donald Trump dường như đang từ bỏ
ngôi vị tiên phong bảo vệ nhân quyền trên trường thế giới.
Ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành tổ chức Quan sát quyền
con người đã tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Genève Thụy Sĩ như sau:
“Tôi sợ rằng tiếng nói của Hoa Kỳ như là người bảo vệ
nhân quyền đã bị mất đi trên toàn thế giới. Điều này có thể có một hậu quả tai
hại bởi vì từ lâu nay, Washington là một tiếng nói uy tín quan trọng trong xã hội
dân sự đặc biệt tại nhiều quốc gia.”
Ông cũng sợ rằng nhiều nước sẽ lợi dụng cơ hội này để bóp
nghẹt phe đối lập. Ông giám đốc điều hành tổ chức Quan Sát quyền con người cũng
mạnh mẽ phê bình nhiều biện pháp mà tổng thống Trump đề ra sau khi nhậm chức,
chẳng hạn như xiết chặt việc đón tiếp người di dân tỵ nạn và cấm tài trợ các tổ
chức thiện nguyện phi chính phủ ủng hộ phá thai.
Theo ông, sự kiện Hoa Kỳ từ bỏ vai trò lãnh đạo bảo vệ nhân
quyền không phải là một điều tốt và các nước khác cần phải phấn đấu để tiến lên
thế chỗ. Các quốc gia thế giới phải chung sức với các nước Âu châu để ngăn chặn
đà tiến của chủ nghĩa dân túy hiện nay trên toàn trái đất.
Kể từ khi bức tường Berlin nổi tiếng sụp đổ hồi năm 1989, đã
có 16 bức tường khác được dựng lên ở biên giới các nước. Hồi năm ngoái 2016,
nhà nghiên cứu Elisabeth Vallet thuộc đại học Québec bên Canada đã kiểm chứng
được 66 bức tường được xây dựng để ngăn ngừa làn sóng di dân tỵ nạn hay vì những
lý do bảo vệ an ninh.
Trong năm 2015, nhiều quốc gia Âu châu đã dựng tường để chặn
làn sóng di dân tỵ nạn. Và mới nhất là dạo tháng 12 năm ngoái, nước Pháp đã
hoàn tất bức tường dọc xa lộ dẫn đến cảng Calais sang Anh quốc để ngăn cản người
di dân từ khu rừng Calais lén lút nhảy lên xe cộ tìm đường vào nước Anh.
(AFP 25.01.2017)
Mai Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét