02/08/2017
Thứ tư tuần 17 thường niên
BÀI ĐỌC I: Xh 34, 29-35
"Thấy mặt ông Môsê, họ sợ không dám đến gần".
Trích sách Xuất
Hành.
Khi ông Môsê từ trên
núi Sinai đi xuống, ông mang hai bia đá chứng từ; và ông không biết do sự đàm đạo
với Chúa, mặt ông sáng láng rực rỡ. Nhưng ông Aaron và con cái Israel thấy mặt
ông Môsê sáng láng rực rỡ, thì sợ không dám đến gần. Ông Môsê gọi họ, thì cả
Aaron lẫn các thủ lãnh hội đường mới quay lại. Sau khi ông nói chuyện với họ, tất
cả con cái Israel mới đến gần ông. Ông truyền lại cho họ tất cả những điều ông
đã nghe Chúa phán trên núi Sinai. Nói xong, ông lấy khăn che mặt mình. Khi ông
vào trước mặt Chúa và đàm đạo với Người, thì ông cất khăn cho đến lúc ông trở
ra và bấy giờ ông thuật lại cho con cái Israel những điều Chúa đã truyền dạy
ông. Lúc ông Môsê ra đi, họ thấy mặt ông sáng láng rực rỡ; nhưng khi ông nói với
họ, ông che mặt ông lại. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 98, 5. 6. 7.
9
Đáp: Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, là Đấng Thánh (c. 9c).
1) Hãy cao rao Chúa là
Thiên Chúa chúng ta. Hãy sấp mình dưới bệ kê chân Người; đây là bệ ngọc chí
thánh. - Đáp.
2) Trong hàng tư tế của
Người có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo danh Người. Các ông
kêu cầu Chúa và chính Người nhậm lời các ông. - Đáp.
3) Trong cột mây, bấy
giờ Người phán bảo; các ông đã nghe những huấn lệnh của Người, và chỉ thị Người
đã truyền cho các ông giữ. - Đáp.
4) Hãy cao rao Chúa là
Thiên Chúng chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Người: vì Thiên Chúa,
Chúa chúng ta, là Đấng Thánh. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
- Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự
sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 44-46
"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng,
người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh
có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc
quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.
Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : SUY NIỆM 1: Kho Tàng Quý Giá
Bài thơ "Viên
Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:
Sanathan cầu nguyện
đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành
khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã
cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".
Người thanh niên tiếp
tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể
giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.
Nhà hiền triết mới
sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã
tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp
ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.
Người thanh niên ra
đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người
thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng,
anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:
- Thưa ngài, xin
hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt
trên mọi thứ của cải.
Nói xong, anh ném
viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.
Bài thơ trên đây có thể
minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát
là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý
mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự
Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.
Trong Tin Mừng hôm
nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề
ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận
mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và
dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh
lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người
thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát
cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".
Hãy đi theo Ngài, vì
Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là
hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất;
nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói:
"Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu
gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm
lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.
Kitô giáo do đó thiết
yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp
và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa
là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ
việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng
chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống,
nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc
sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.
Dù sống trong hoàn cảnh
nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên
báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không
bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của
người Kitô hữu.
Nguyện xin Chúa Kitô,
Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường
theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi
lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
02/08/2017 - THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, linh mục
Mt 13,44-46
TIÊU CHÍ LỚN NHẤT ĐỂ CHỌN
“Nước Trời giống
như chuyện kho báu… người kia tìm được, bán tất cả những gì ông có để mua.” (Mt
13,44)
Suy niệm: Nhiều người lựa
chọn dựa trên tiêu chí “nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, sống lâu hạnh phúc.”
Nhưng cũng có lắm cách chọn lựa thật ngược đời, gây sốc. Cha M. Kolbe tự nguyện
chết thay cho người bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Cha Đa-miêng tình
nguyện phục vụ người phong, để rồi cha qua đời vì chính căn bệnh của những người
mà cha tận tâm săn sóc. “Tôi chết vì bệnh phong cùi, nhưng tôi là một thừa sai
sung sướng nhất trên địa cầu này.” Cha viết như thế cho một người bạn, vì tin rằng
mình đã tìm được kho báu vô giá là Nước Trời, tiêu chí lớn nhất cho lựa chọn của
ngài.
Mời Bạn: Khi đề cao chủ nghĩa hưởng
thụ cá nhân và lợi nhuận, con người dường như khó khăn trong việc chọn lựa đâu
là giá trị thực và đâu là giá trị ảo. Hậu quả là chạy theo cái lợi ngắn ngủi
trước mắt mà quên đi giá trị đích thật ngàn đời. Không lạ gì xã hội nảy sinh
bao vấn nạn nan giải: nạo phá thai thuộc hạng kỷ lục thế giới, giới trẻ sống trụy
lạc, hối lộ tham nhũng là quốc nạn khó tìm thuốc chữa…
Chia sẻ: Bạn có can đảm để bán tất cả những gì bạn có: sự an nhàn,
một vài ảnh hưởng, địa vị cá nhân để mua bằng được Nước Trời đang hiện diện
trong SỰ THẬT, CÔNG BẰNG và BÁC ÁI không?
Sống Lời Chúa: Ghi
nhớ: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi
gì?” (Mc 9,36).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ vì con đã nhiều
lần theo giác quan mà lựa chọn sai lầm. Giờ đây, xin ban cho con sự khôn ngoan,
để khám phá ra kho báu là Nước Trời, và mau mắn đánh đổi tất cả vì Nước Trời ấy.
(5 Phút Lời Chúa)
Vui mừng bán tất cả (2.8.2017 – Thứ tư Tuần 17 Thường niên)
Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả thì chỉ vì ta chưa thấy. Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi, ắt ta sẽ thấy. Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.
Suy niệm:
Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.
Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ
tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.
Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,
có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.
Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:
ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua...
Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc
hay ngần ngại giằng co.
Tất cả diễn ra thật nhanh
và tràn ngập niềm vui
thanh thản.
Ai cũng rõ họ hạnh phúc
biết chừng nào
khi chiếm được kho báu và
viên ngọc.
Cuộc đời họ chuyển sang
một giai đoạn mới.
Thái độ của hai người
trên được coi là bình thường.
Ở
địa vị ta, ta cũng làm như thế.
Kho báu và viên ngọc là
những thứ thấy được,
có giá trị hiển nhiên và
hết sức hấp dẫn.
Chúng hứa hẹn một sự giàu
sang mà ai cũng thèm thuồng,
nên người ta dễ bán tất
cả để mua được chúng.
Bị ảnh hưởng bởi não
trạng hưởng thụ vật chất,
chúng ta thường coi kho
báu duy nhất ở đời này
là tiền bạc, quyền uy và
khoái lạc.
Khi nói Nước Trời là kho
báu bền vững,
Ðức Giêsu là viên ngọc
quý đích thực,
chúng ta lại thấy đó là
cái gì mơ hồ,
xa xôi, ít lôi cuốn, thậm
chí không có thật.
Chính vì thế chúng ta
thường ngần ngại khi từ bỏ,
dè sẻ, nuối tiếc khi phải
hy sinh cho Chúa.
Vậy vấn đề là khả năng
thấy, nhờ lòng tin.
Bản thân tôi có thấy Ðức
Giêsu là viên ngọc quý,
và Nước Trời là kho báu
không?
Chỉ ai thấy được những
thực tại vô hình
và ngây ngất trước giá
trị của chúng,
người ấy mới hồn nhiên và
vui tươi
đánh đổi tất cả kho báu
phù phiếm của đời này
để lấy kho báu bất diệt
trên trời (x. Mt 6,20).
Có khi tình cờ, qua một
biến cố, một người bạn,
qua một cuốn sách, một
đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,
tôi chợt gặp Ðức Giêsu
như viên ngọc ngời sáng,
hấp dẫn, mời gọi tôi bay
lên khỏi cái tôi tầm thường:
tôi có dám bán nỗi đam mê
ích kỷ của mình
để mua lấy tình bạn với
Ngài không?
Nếu ta còn ngần ngại khi
phải bán đi tất cả
thì chỉ vì ta chưa thấy.
Nhưng nếu ta cứ can đảm
bán đi,
ắt ta sẽ thấy.
Niềm vui chỉ đến với
người dám bán tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho
tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần
nào
sự phong phú của kho tàng
trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng
con có,
để mua được viên ngọc quý
là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người
trong chúng con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TÁM
Mầu Nhiệm Của Sự Dữ
Luân Lý
Bây giờ chúng ta hãy
xét đến sự dữ luân lý. Nói “sự dữ luân lý”, chúng ta có ý đề cập đến các hình
thức khác nhau của tội lỗi và những hậu quả của nó trên thế giới vật chất của
chúng ta. Thiên Chúa tuyệt đối không muốn thứ sự dữ này. Sự dữ luân lý hoàn toàn
đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa. Trong cuộc sống của con người và trong thế
giới, nếu sự dữ này xảy ra – và đôi khi xảy ra một cách hết sức nghiêm trọng –
thì đấy chỉ bởi vì Thiên Chúa quan phòng muốn bảo đảm duy trì sự tự do của con
người trong thế giới thụ tạo này.
Sự tồn tại của sự tự
do nơi tạo vật đồng nghĩa với sự tồn tại của con người và các hữu thể tinh thần
thuần túy – chẳng hạn các thiên thần. Sự tự do này là điều kiện tất yếu để cho
con người có thể đạt đến sự sung mãn của tạo vật và đáp lại kế hoạch vĩnh cửu của
Thiên Chúa. Để có được sự thiện trọn vẹn và sự sung mãn trong tạo vật, cần phải
có những hữu thể tự do – và đối với Thiên Chúa, điều này có giá trị hơn nhiều
so với tình trạng bi đát do các hữu thể ấy có thể lạm dụng sự tự do đã được ban
cho mình để chống lại Đấng Tạo Hóa. Như vậy, chúng ta nhận ra rằng sự tự do của
con người có thể dẫn đến sự dữ luân lý.
Từ khả năng suy lý của
mình cũng như từ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn nhận hiểu rất nhiều
về mầu nhiệm quan phòng thần linh – trong đó dù sự dữ không phải là điều được
tìm kiếm song cũng là điều được nhận chịu trong ý hướng tranh thủ một sự thiện
lớn hơn. Tuy nhiên, một sự nhận hiểu đầy đủ về mầu nhiệm sự dữ luân lý chỉ có
thể xảy đến với chúng ta xuyên qua Thập Giá khải thắng của Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Gương Thánh Nhân
Ngày 02-08
Thánh EUSÊBIÔ
VERCELLÊSI
Giám Mục (+371)
Thánh Eusêbiô sinh tại
Sardinia trong một gia đình quí phái. Nhưng trổi vượt sự sao sang giàu có trần
thế. Ngài được vinh dự là con của một người cha chịu chết vì đức tin dưới thời
Diôclêtianô. Mẹ Ngài đã đưa hai người con về sống tại Roma. Ngài được Đức giáo
hoàng Eusêbiô rửa tội và lấy chính tên mình đặt cho con trẻ.
Eusêbiô được nuôi dưỡng
trong bầu khí đạo đức, Ngài theo học văn chương và nghệ thuật. Gia nhập hàng
giáo sĩ, Ngài được phong chức đọc sách.
Ngài được sai đi
Vercelli và năm 345 được chọn làm giám mục tiên khởi của giáo phận này. Xét rằng
phương cách hữu hiệu nhất để thánh hóa các linh hồn là phải có một hàng giáo sĩ
được huấn luyện tử tế, Ngài thiết lập một trường đào tạo linh mục. Cùng với
nhóm môn sinh, Ngài sống đời ẩn tu ngay giữa thành phố. Nhưng lời khuyên dạy đầy
cảm kích đã làm cho Vercellêsi thay đồi hẳn. Các tội nhân tìm về lãnh nhận các
bí tích và nhiệt thành phụng sự Chúa.
Chịu bách hại vì đạo,
cuộc đời Eusêbiô đã đạt tới vinh quang cao cả. Khi ấy bè rối Ariô bành trướng mạnh
mẽ, với sự bảo trợ của hoàng đế Constantino. Eusêbiô mãnh liệt chống lại và đức
tin không thể lay chuyển của Ngài mang lại niềm an ủi cho Đức giáo hoàng chỉ định
dẫn dầu phái đoàn các giám mục đến gặp hoàng đế để bênh vực đức tin. Đầy nhiệt
tâm Ngài thuyết phục được hoàng đế triệu tập một công đồng.
Năm sau công đồng khai
diễn tại Milan. Tại công đồng, hoàng đế thúc bách các giám mục phải để cho
Eusêbiô tham dự. Nhưng những người theo bè rối Ariô ngăn cản. Cuối cùng Ngài được
tham dự. Thấy phần đông theo lạc giáo, Ngài trình biểu thức đức tin của công đồng
Nicea, đòi mọi người ký nhận trước khi bàn đến điều gì khác nữa. Bọn lạc giáo tức
giận. Ngược lại, Ngài cương quyết không chịu ký vào văn bản lên án thánh
Athanasiô, vị giám mục chúng sợ nhất. Tức giận chúng vận động hoàng đế đẩy Ngài
đi Palestina.
Nơi lưu đầy, Eusêbiô
chịu không biết bao nhiêu là điều cực khổ bởi cách đối xử dã man của các địch
thù, Ngài bị giam trong phòng tối, bị bỏ đói. Khi biết rằng không thể bắt phục
được con người sắt đá này, chúng còn trói chân Ngài lại và lôi kéo Ngài qua các
bậc thang nhiều lần. Theo lời thánh Hiêrônimô kể lại, thánh nhân còn bị gởi đi
Cappadocia và tới miền thượng Thébaide bên Ai cập. Tại những nơi nầy thánh nhân
còn chịu muôn vàn cực hình cho đến khi hoàng đế Constantiô băng hà và được hồi
hương.
Dầu vậy trên đường về
theo lệnh Đức giáo hoàng, thánh Eusêbiô còn phải ghé nhiều giáo đoàn để an ủi
khích lệ các giáo hữu bị đau khổ bởi những tàn phá của phái Ariô để lại, dàn xếp
những tranh chấp nội bộ của một số giáo đoàn.
Trở về Vercelli, thánh
Eusêbiô được tiếp đón nồng nhiệt như một vị anh hùng. Già cả và yếu sức, Ngài vẫn
tận tụy phục vụ giáo phận cho đến khi qua đời năm 371. Người ta tôn kính Ngài
như vị thánh tử đạo, vì những đau khổ mà Ngài đã chịu suốt những ngày lưu đày.
(daminhvn.net)
02 Tháng Tám
Nghệ Thuật Làm Lửa
Thời xa xưa, tìm được
cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại...
Có một nhà phát
minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ
lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp
của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người
quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh
phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát
minh của ông.
Cũng giống như những
bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi
đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ
âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để
đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên
bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một
đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt
vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm
đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ
lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển
tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống
gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người
noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và
các lời răn dạy của vị phát minh.
Ðể đảm bảo tính
cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt
thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của
họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải thích của
các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu chuyện ngụ ngôn
trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De
Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua câu chuyện
này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của
những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con
người dẽ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp thiết
yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt nguồn
từ khuynh hướng trên.
Người tín hữu Kitô
chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ
nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức,
của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng
ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại
trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống
như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà
Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi
thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo của
Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình...
Quên đi cốt lõi của
Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống
của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một lần thứ hai. Lời
Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng
ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần, tưới
gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét