Trang

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2017

18-08-2017 : THỨ SÁU - TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

18/08/2017
Thứ sáu tuần 19 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm I) Gs 24, 1-13
"Ta đã đem tổ phụ các ngươi từ Mêsôpôtamia về, đã dẫn các ngươi ra khỏi Ai-cập, đã đem các ngươi vào đất nước".
Trích sách ông Giosuê.
Trong những ngày ấy, Giosuê triệu tập tất cả các chi tộc lại ở Sikem, rồi gọi các kỳ lão, các thủ lãnh gia tộc, quan án, sĩ quan đến, và họ đứng trước mặt Thiên Chúa. Giosuê liền nói với toàn dân như thế này:
Chúa là Thiên Chúa Israel phán rằng: Thuở xưa tổ tiên các ngươi là Tharê, cha của Abraham và Nacor, đã ở bên kia sông, và đã thờ các thần ngoại. Bấy giờ Ta đã đem Abraham, tổ phụ các ngươi, từ bên kia sông và đã dẫn đưa ông vào đất Canaan. Ta lại làm cho con cháu ông trở nên đông đúc, đã ban cho ông được Isaac. Ta lại ban cho Isaac được Giacóp và Êsau. Trong hai người này, Ta đã ban cho Êsau miền núi Sêir làm sản nghiệp. Còn Giacóp và con cái thì xuống Ai-cập.
Sau đó, Ta đã sai Môsê và Aaron, và trừng phạt Ai-cập bằng những phép lạ. Rồi Ta đã dẫn các ngươi và cha ông các ngươi ra khỏi Ai-cập, và các ngươi đã đi tới Biển. Người Ai-cập đuổi theo cha ông các ngươi với chiến xa binh mã cho đến Biển Ðỏ. Bấy giờ con cái Israel kêu cầu Chúa và Người đã khiến sự tối tăm ngăn giữa các ngươi và quân Ai-cập, và làm cho biển tràn ra mà vùi lấp chúng. Chính mắt các ngươi đã thấy tất cả những gì Ta đã làm ở Ai-cập, rồi các ngươi đã ở lâu trong hoang địa.
Sau đó, Ta đã đưa các ngươi vào xứ Amorê, bên kia sông Giođan. Chúng đã giao chiến với các ngươi và Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm được đất đai của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mặt các ngươi. Rồi Balac, con Sêphor, vua xứ Moab, dấy lên giao chiến với Israel. Vua ấy đã cho mời Balaam, con của Bêor, đến để chúc dữ các ngươi. Ta không muốn nghe Balaam. Nhưng trái lại Ta đã dùng nó chúc phúc cho các ngươi và Ta đã cứu các ngươi thoát khỏi bàn tay nó.
Sau đó, các ngươi đã qua sông Giođan và đến Giêricô, dân thành này, cũng như các người Amorê, Phêrêsê, Canaan, Hêthê, Gergêsê, Hêvê, Giêbusê, đã giao chiến với các ngươi. Nhưng Ta đã trao chúng trong tay các ngươi. Ta đã cho ong bò vẽ đi trước các ngươi, và Ta đuổi hai vua xứ Amorê ra khỏi các địa hạt của họ mà không cần nhờ đến cung kiếm của các ngươi. Ta đã ban cho các ngươi một vùng đất mà các ngươi không mất công đánh chiếm. Ta đã cho các ngươi được ở những thành mà các ngươi không phải xây cất, Ta đã cho các ngươi những vườn nho và vườn ôliu mà các ngươi không vun trồng.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 135, 1-3. 16-18. 21-22 và 24
Ðáp: Bởi đức từ bi Người muôn thuở.
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca ngợi Chúa, vì Người hảo tâm, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Hãy ca ngợi Thiên Chúa của chư thần, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Chỉ mình Người làm những việc kỳ diệu vĩ đại, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.
2) Người đã dẫn đưa dân Người qua sa mạc, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã đánh dẹp các đại vương đế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giết các vua quyền thế, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.
3) Người đã ban đất chúng để làm gia sản, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Làm gia sản của Israel tôi tớ Người, bởi đức từ bi Người muôn thuở. Người đã giải thoát chúng ta khỏi quân thù địch, bởi đức từ bi Người muôn thuở. - Ðáp.

Alleluia: 1 Ga 2, 5
Alleluia, alleluia! - Ai giữ lời Chúa Kitô, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 19, 3-12
"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".
Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Vấn Ðề Ly Dị
Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.
Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.
Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.
Xin Chúa canh tân tình yêu chúng ta, cho tình yêu chúng ta hòa nhập vào tình yêu thần thiêng của Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta theo đúng chương trình của Chúa.
Veritas Asia



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 19 TN1
Bài đọcJos 24:1-13; Mt 19:3-12.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống trung thành với ơn gọi của mình.
Có nhiều lý do con người vịn vào để từ chối giữ lòng trung thành: tại không biết, tại hoàn cảnh, tại gia đình, tại người khác, tại yếu đuối ... Nhưng Thiên Chúa dạy: Để chu toàn hai giới răn "mến Chúa, yêu người," con người phải trung thành với Thiên Chúa và với tha nhân trong mọi trạng huống của cuộc đời. Con người dễ dàng trung thành lúc vui vẻ, hạnh phúc, bình an; nhưng những lúc khó khăn hoạn nạn mới chứng tỏ tình yêu trung thành của con người. Thánh M. Kolbe mà chúng ta mừng hôm nay, đã chứng tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân bằng cách tình nguyện chết thay cho một chàng thanh niên để anh có thể sống và chăm sóc vợ con của anh.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những lý do tại sao con người cần phải trung thành với Thiên Chúa và với tha nhân. Trong Bài Đọc I, ông Joshua triệu tập tất cả con cái Israel lại để nhắc nhở cho họ biết sự trung thành của Thiên Chúa qua những gì Ngài đã làm cho tổ tiên và dân tộc Israel. Mục đích là để họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và sống trung thành với Ngài. Trong Phúc Âm, những người Pharisees đến hỏi Chúa về việc có được ly dị vợ vì bất cứ lý do gì hay không? Chúa Giêsu trả lời cách tuyệt đối: không được; vì đó là thánh ý của Thiên Chúa ngay từ ban đầu. Ngoài ra, Chúa Giêsu cũng muốn nói tới sự trung thành trong đời sống độc thân vì Nước Trời: vì yêu Chúa và tha nhân, có những người tình nguyện hy sinh cả cuộc đời cho phần rỗi linh hồn của tha nhân.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vì Thiên Chúa đã luôn trung thành, anh em cũng phải trung thành với Ngài:
Ông Joshua quy tụ mọi chi tộc Israel ở Shechem, và nhắc nhở cho toàn dân biết tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho dân tộc họ:
(1) Những gì Ngài đã làm cho các tổ-phụ Abraham, Isaac và Jacob: Đây là ba Tổ phụ của con cái Israel. Bắt đầu với Abraham, Thiên Chúa chọn ông khi ông chưa biết Thiên Chúa và vẫn đang thờ kính các thần ngoại. Ngài chọn ông và hứa sẽ ban hai điều: con cái đông đúc như sao trên trời dù ông hiếm hoi, và cho ông xem miền Đất Hứa, nơi mà con cháu ông sẽ chiếm hữu và sinh sống sau này. Điều thứ nhất được khơi mào khi Thiên Chúa ban cho ông Isaac trong lúc tuổi già. Từ đó, Ngài đã ban cho Isaac sinh ra hai giòng tộc lớn là Jacob và Esau. Ngài cho Esau chiếm hữu núi Seir. Còn Jacob và các con thì xuống Ai-cập.
(2) Những gì Ngài đã làm cho Moses và con cái Israel: Khi Giuse bị bán sang Ai-cập, Thiên Chúa quan phòng để ông Giuse đưa cha và tất cả anh em sang Ai-cập để tránh nạn đói lớn đang xảy ra thời đó. Khi con cái Israel bị đối xử tàn nhẫn như nô lệ bên Ai-cập, Thiên Chúa đã truyền cho Moses và Aaron lãnh đạo dân ra khỏi Ai-cập bằng những uy quyền qua việc gieo rắc bảy tai ương và đưa dân vượt qua Biển Đỏ.
(3) Những gì Ngài đã chuẩn bị cho dân chúng trước khi vào Đất Hứa: Ta đã đem các ngươi vào đất người Amorites. Chúng ở bên kia sông Jordan. Chúng đã giao chiến với các ngươi, nhưng Ta đã nộp chúng vào tay các ngươi. Các ngươi đã chiếm đất của chúng, và Ta đã tiêu diệt chúng trước mắt các ngươi.
(4) Những gì Ngài đã làm cho con cái Israel trong Đất Hứa: "Các ngươi đã qua sông Jordan và tới Jericho. Những người làm chủ Jericho giao chiến với các ngươi: Ta đã nộp chúng vào tay các ngươi. Ta đã thả ong bầu bay đi trước các ngươi; chúng đuổi hai vua Amorites đi cho khuất mắt các ngươi; chính ong bầu chứ không phải cung kiếm của các ngươi đã đuổi chúng.
Kết luận: Với chiến thắng Jericho va những chiến thắng sau này, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa thứ hai là đem dân vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với Abraham: ''Ta ban cho các ngươi đất các ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn." Khi nhắc nhở những điều này, ông Joshua muốn cho con cái Israel thấy tình yêu và lòng trung thành của Thiên Chúa: Ngài luôn thực hiện những gì Ngài hứa dù con cái Israel luôn cứng lòng phản bội Ngài. Ông Joshua mong muốn dân nhận ra để rồi họ biết trung thành yêu thương và giữ các Lề Luật của Ngài, như chúng ta sẽ nghe ngày mai.
2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban ơn thánh đủ để con người trung thành trong ơn gọi của mình.
2.1/ Trung thành trong ơn gọi gia đình: Trước tiên, chúng ta cần biết một ít kiến thức về hôn nhân và lề luật liên quan đến ơn gọi gia đình và sự ly dị của người Do-thái. Người Do-thái coi trọng việc kết hôn vì qua đó, họ giữ lệnh truyền của Thiên Chúa: "Hãy sinh sôi cho đầy mặt đất." Vì thế, kết hôn là một bổn phận phải làm, trừ những người muốn đình hoãn việc kết hôn để học hỏi Lề Luật. Về vấn đề ly dị, Sách Đệ Nhị Luật viết: "Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng (indecency, ervat trong MT, askemon trong LXX), thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà" (Deut 24:1). Từ indecency rất mơ hồ và có hai nghĩa chính: (1) không thích hợp; và (2) những hành vi vô luân. Có hai trường phái chính cắt nghĩa chữ này như sau: Trường phái bảo thủ Shammai hiểu từ này có nghĩa "ngoại tình;" người chồng chỉ có thể ly dị vợ mình vì lý do vợ ngoại tình mà thôi. Trường phái cấp tiến Hillel hiểu theo nghĩa thứ nhất: tất cả những gì người chồng thấy không xứng đáng nơi người vợ: không biết nấu nướng, đầu xù tóc rối nơi công cộng, mạ lỵ chồng... Rabbi Akiba còn đi xa hơn: nếu chồng không còn thấy nét quyến rũ nơi vợ mình nữa. Với sự hiểu biết đó, có mấy người Pharisees đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?"
Chúa đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao: "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: "Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly."" Trước hết, đây là ý muốn và là nguyên lý sống của Thiên Chúa cho con người; điều mà con người phải cố gắng giữ để nên trọn lành như Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với con người.
Họ thưa với Người: "Thế sao ông Moses lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Moses đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình." Thiên Chúa cũng như ông Moses quá hiểu sự cứng lòng của con người, nên có những luật riêng để giải thoát con người khỏi những trường hợp khó khăn ngoài ý muốn. Dù con người không đạt tới mức trọn lành như Thiên Chúa mong muốn, ông Moses hay Giáo Hội cũng phải giúp con người vượt qua các khó khăn cách tốt nhất có thể; nhưng không bao giờ như phái Hillel chủ trương.
2.2/ Trung thành trong ơn gọi độc thân vì Nước Trời: Các môn đệ thưa Người: "Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn."
Chúa Giêsu lợi dụng cơ hội hay do Matthew sắp xếp, để đề cập tới những người sống trong ơn gọi độc thân. Ngài đưa ra ba trường hợp: Thứ nhất, những người không có khả năng để sống ơn gọi gia đình ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Kế đến những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn, như trường hợp các hoạn quan trong triều đình. Sau cùng là những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời, những người hy sinh để hoàn toàn dành thời giờ cho việc rao giảng Tin Mừng và cứu rỗi linh hồn tha nhân. Đối với hạng người sau cùng này, Thiên Chúa ban ơn thánh đủ để họ có thể trung thành với ơn gọi tu trì.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để yêu thương Thiên Chúa và tha nhân, chúng ta cần phải trung thành với ơn gọi của mình; nhất là trong những lúc đương đầu với thử thách và đau khổ của cuộc đời.
- Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên trọn lành, Ngài ban ơn thánh đủ để chúng ta có thể làm chuyện đó. Chúng ta không làm được là tại chúng ta không sống bằng sức mạnh của Thiên Chúa, vì quá lơ là với Thiên Chúa và với các Bí-tích Đức Kitô đã thiết lập.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


18/08/2017 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Mt 19,3-12
GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH

“Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (Mt 19,6)
Suy niệm: Năm 1996, bà Lucid, một trong 6 nữ phi hành gia đầu tiên thuộc Cơ quan NASA Hoa Kỳ đã thực hiện một phi vụ vũ trụ mang tính lịch sử và đã trở thành người phụ nữ đầu tiên sống lâu nhất trên không gian. Bà đã bay vòng quanh trái đất 3.008 lần, trong thời gian 4.512 giờ. Tổng cộng chiều dài mà bà đã bay trong suốt 6 tháng 8 ngày là 67.454.841 dặm. Thật là một thành tích không ngờ đối với một phụ nữ. Bí quyết đã giúp bà vượt qua mọi trở ngại để đạt tới thành công đó chính là sự gắn bó của cuộc đời bà với gia đình, như bà đã thú nhận: trong suốt thời gian 188 ngày bồng bềnh trên không gian, tâm hồn bà luôn hướng về Michael Lucid, người chồng đã cùng chung sống 28 năm và ba đứa con tại thành phố Houston, bang Texas.
Mời Bạn: Nhìn lại gia đình mình và tự hỏi: Gia đình là chiếc nôi hay nhà tù của tôi? Là điểm tựa tinh thần để tôi dựa vào, hay là một gánh nặng mà tôi phải vác lấy? Trong gia đình tôi có niềm vui, có sự cảm thông, chia sẻ, có sự bình an, hay mỗi người là một thế giới lạnh lùng, cô lập? Tôi có thể đóng góp gì để thăng tiến đời sống đạo đức của gia đình mình và làm cho gia đình thực sự trở thành một mái ấm của những người chân thành yêu thương nhau?
Chia sẻ: Theo bạn, sự bền vững của gia đình phụ thuộc vào điều gì? Tiền bạc? Chức quyền? Nhà cửa? Hay đất đai?
Sống Lời Chúa: Dù làm ăn xa xôi cách trở, chúng ta cố gắng thu xếp để có những dịp đoàn tụ gia đình.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình: Xin Chúa chúc lành cho mọi người trong gia đình chúng con, có mặt cũng như vắng mặt, còn sống hay đã qua đời....
(5 Phút Lời Chúa)

Mt xương mt tht (18.8.2017 – Th sáu Tun 19 Thường niên)
Hôn nhân không phi ch là chuyn ca hai người yêu nhau và ly nhau. Trong L Cưới có s hin din ca Thiên Chúa là Đng phi hp. Ngài tiếp tc bo v tình yêu, c khi hai người cùng mun chia tay.


Suy nim:
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.
Trong xã hội Do thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,
nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”
Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).
Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.
Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.
Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.
Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).
Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.
Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).
Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).
Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê,  thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG TÁM
Thiên Chúa Sử Dụng Chúng Ta Để Xây Dựng Công Cuộc Sáng Tạo Mới
Con người hiện đại chắc chắn ý thức về vai trò của mình. Nhưng “nếu … sự độc lập của các thực tại trần thế có nghĩa là các tạo vật không lệ thuộc Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không cần qui hướng về Đấng Tạo Hóa thì không một ai nhìn nhận Thiên Chúa lại không thấy rằng lập trường đó hết sức sai lầm. Thực vậy, không có Tạo Hóa, tạo vật đều tiêu tan… Quên mất Thiên Chúa, mọi tạo vật đều trở nên mờ tối” (MV 36).
Chúng ta nhớ lại một bản văn cho phép chúng ta nắm bắt khía cạnh khác của sự phát triển thế giới bởi con người. Công Đồng nói: “Thánh Thần Chúa, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này” (MV 26). Thánh Thần sử dụng chúng ta để xây dựng cuộc sáng tạo mới bằng cách giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và những sự dữ khác trong cuộc sống chúng ta. Rồi chúng ta có thể tái tạo bộ mặt trái đất và hoàn thành định mệnh của chúng ta. Nhờ Thánh Thần Chúa để vượt qua sự dữ, điều đó có nghĩa là chọn lựa sự tiến bộ luân lý của con người, chứ không chỉ là những tiến bộ vật chất và thể lý. Khi ấy phẩm giá của con người có thể được bảo vệ. Con người có thể đưa ra một câu trả lời cho những đòi hỏi thiết yếu nhất của một thế giới đích thực có nhân tính. Bằng cách này, Nước Thiên Chúa sẽ dần dần lớn lên trong lịch sử của con người, tìm thấy bản sắc tâm linh của mình và cho con người thấy những dấu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 18- 8
Ga 24, 1-13; Mt 19, 3-12.

Lời suy niệm: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”
Trong hôn nhân Công Giáo, Giáo Hội đòi buộc một nam và một nữ chung thủy trọn đời. không được ly dị vì bất cứ lý do gì. Giữa người nam và người nữ có bổn phận và trách nhiệm cùng chung tay xây dựng một gia đình và giáo dục con cái ngày càng khôn lớn trước mặt Chúa và người đời; trong đó cả hai đều hợp tác với nhau làm chung nhiều công việc tốt. giúp nhau tránh việc xấu và sự ác. Cả hai đều biết tôn trọng nhau, biết lắng nghe nhau, nhận ra lỗi của mình, biết xin lỗi, biết sửa lỗi và biết cám ơn nhau; nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh để ngày càng làm thăng tiến hôn nhân gia đình.
Lạy Chúa Giêsu. Trong hôn nhân gia đình luôn cần có tình yêu ngự trị. Xin cho chúng con luôn biết nghĩ đến hạnh phúc của người phối ngẫu hơn là hạnh phúc của riêng mình; biết hãnh diện vì được phục vụ hơn là được phục vụ; nhờ đó chúng con có được tình yêu như Chúa yêu chúng con.
Mạnh Phương


18 Tháng Tám
Ngài Là Sự Bình An Của Chúng Ta
Năm 1899, cuộc xung đột biên giới giữa hai nước Chile và Argentina suýt đưa tới một cuộc chiến tranh khốc liệt... Mùa Phục Sinh năm 1900, quân đội của hai bên đã sẵn sàng giao tranh với nhau.
Trong suốt tuần thánh năm đó, vị tổng giám mục Buenos Aires của Argentina đã đưa ra một lời kêu gọi tha thiết về Hòa Bình. Sứ điệp của ngài đã không mấy chốc được truyền sang Chile. Các giám mục của nước này cũng hưởng ứng nhiệt liệt lời kêu gọi. Giáo hội của hai bên đã làm áp lực để hai chính phủ ngồi vào bàn hội nghị với nhau qua trung gian của vua Edward thứ 7 của Anh quốc.
Không mấy chốc, một hòa ước đã được hai nước ký kết. Ðể nói lên thiện chí xây dựng hòa bình, quân đội Argentina đã gom góp lại một số khí giới và nung lên để rồi đúc thành một tượng Chúa Giêsu. Bức tượng đã được đặt tên là "Ðức Kitô của dãy núi Andes". Andes là dãy núi nơi đã có cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Cánh tay phải của bức tượng được mở rộng để ban phép lành, còn cánh tay trái cầm thánh giá.
Chính phủ Argentina đã quyết định đưa bức tượng lên đỉnh núi ở cao độ gần 4 ngàn thước. Xe lửa di chuyển bức tượng đến chân núi. Sau đó, người ta dùng chính các chiến xa do lừa kéo để đưa bức tượng lên núi. Và cuối cùng, khi đến gần đỉnh núi, chính các quân nhân là những người hoàn thành công tác còn lại.
Sau khi đã dựng bức tượng, người ta viết dưới bệ của bức tượng như sau: "Những ngọn núi này sẽ sụp xuống và biến thành cát bụi nếu nhân dân của Chile và Argentina quên đi lời giao hòa mà họ đã long trọng ký kết dưới chân Ðức Kitô". Trên mặt khác của chân tượng, người ta cũng đọc thấy câu trích từ thư của thánh Ephesô như sau: "Chính Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã làm cho đôi bên bị chia rẽ nên một".
Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1990 đã được quyết định trao tặng cho tổng thống Gorbachov của Liên Xô. Cả thế giới đã nhìn nhận vai trò của ông trong việc đạp đổ bức tường ô nhục Bá Linh và các chế độ cộng sản tại Ðông Âu, cũng như góp phần dập tắt cuộc chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản.
Hòa bình mà tổng thống Gorbachov góp phần kiến tạo phải chăng không là kết quả của một sự "đạp đổ": chỉ khi nào những bức tường của kỳ thị, của bách hại, của hận thù, của độc tôn bị đạp đổ thì Hòa Bình mới thực sự chớm nở...
Người La Mã ngày xưa thường nói: Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị chiến tranh. Còn cuộc chiến nào gay go, khốc liệt cho bằng cuộc chiến để đạp đổ những bức tường của hận thù, của bạo động, của bất khoan dung trong tâm hồn của mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự có bình an trong tâm hồn và người người mới thực sự có Hòa Bình khi những bức tường ấy được đạp đổ trong chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét