09/06/2018
Thứ Bảy tuần 9 thường niên
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.
Bài Ðọc I: Hc 24, 1-2.
5-7. 12-16. 26-30
"Ðức Maria là
toà sự khôn ngoan".
Trích sách Huấn Ca.
Ðức Khôn ngoan ngợi
khen chính mình, được ca tụng trong Thiên Chúa, được ngợi khen giữa dân mình. Ðức
Khôn ngoan mở miệng trong cộng đoàn Ðấng Tối Cao, được ngợi khen trước mặt uy
quyền Người: "Ta phát xuất từ miệng Ðấng Tối Cao, ta được sinh ra trước mọi
loài thụ tạo. Ta hoạt động trên trời để ánh sáng được chiếu toả khắp nơi; và
như mây trời, ta bao trùm cả vũ trụ. Ta cư ngụ trên trời cao, và ngai toà của
ta được đặt trên tầng mây.
"Bấy giờ Ðấng Tạo
thành muôn vật phán dạy ta, Ðấng dựng nên ta nghỉ ngơi trong nhà ta, và bảo ta rằng:
"Hãy ở trong nhà Giacóp; hãy hưởng cơ nghiệp trong Israel; hãy đâm rễ
trong những người ta chọn!"
"Ta được tạo dựng
từ nguyên thuỷ, trước muôn đời. Ðến muôn đời ta vẫn chẳng giảm suy. Ta phục vụ
trong đền thánh trước mặt Người. Và như thế, ta đứng vững ở Sion, ta cũng nghỉ
ngơi trong thành thánh và uy quyền ta ở trong Giêrusalem. Ta ở mãi trong một
dân được trọng vì, trong lãnh địa, trong cơ nghiệp của Thiên Chúa. Ta ở lại
trong đại đoàn các Thánh.
"Tất cả những ai
yêu thích ta, hãy đến cùng ta, và các người sẽ được no đầy hoa quả của ta. Vì
tinh thần của ta thì ngọt hơn mật ong, và gia nghiệp của ta thì ngọt hơn cả
tàng ong. Người ta sẽ nhớ đến ta muôn đời. Những ai ăn ta sẽ còn đói, và những
ai uống ta sẽ còn khát. Ai nghe ta sẽ không phải hổ ngươi, và những ai thi hành
các việc của ta sẽ không mắc tội".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5.
6-7. 8
Ðáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi
(c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi
nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng
tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Ðáp.
2) Chiếc cung những
người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no
nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son
sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Ðáp.
3) Chúa làm cho chết
và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo
và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Ðáp.
4) Từ nơi cát bụi,
Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi
chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6.
11-12
"Thiên Chúa đã
chọn chúng ta trong Chúa Kitô trước khi tạo dựng thế gian".
Trích thư Thánh Phaolô
Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, chúc
tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã chúc lành cho
chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức Kitô. Như Chúa đã
chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để chúng ta được nên
thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Chúa trong tình yêu thương. Chiếu theo
thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc làm con nhờ Ðức
Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà Ngài đã ban cho
chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Trong Ðức Kitô, chúng tôi được kêu gọi làm
thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định theo ý định của Ngài
là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi trở thành lời ca vinh
quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông cậy vào Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm: Lc 2, 41-52
"Cha Con và mẹ
đây đã đau khổ tìm Con".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Hằng năm cha mẹ Chúa
Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu
lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt
Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại
Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các
khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm
bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại
Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông
bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi
các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và
những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người
bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và
mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông
bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo
công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy
giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria
mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn Chúa Giêsu thì tiến
tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm : Tôi biết chạy đến với ai?
Sau khi phản bội Chúa
bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn nghĩ rằng mình có
thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản bội và đi vào Ðền
thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra ngoài lấy dây thắt cổ
tự vận.
Câu chuyện ấy đã được
xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng Oberammergau bên Ðức. Cứ 10
năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để lại từ mấy trăm năm qua, người
dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vở kịch thu hút khán giả từ khắp
nơi trên thế giới.
Người ta kể lại rằng
lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người đóng vai
Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với ai bây
giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết; Tô không biết phải chạy đến với ai nữa".
Em bé ngồi bên cạnh
mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em muốn tìm cách để cứu
vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn đến độ tất cả mọi
khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được: "Má ơi, sao ông ta
không chạy đến với Mẹ Maria?".
Chúa Giêsu cũng có một
người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời thơ ấu như mọi
người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần sà vào lòng Mẹ,
những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ... hẳn phải luôn đậm
nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản thân ấy đã trở
thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của tuổi thơ mà
Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các ngươi không nên
giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi thơ thường gắn liền
với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và êm dịu trên môi của
trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu mẹ, lúc đói, trẻ thơ
cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái ngủ, trẻ thơ cũng kêu
mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời gọi chúng ta mặc lấy
tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu cũng muốn nhắn gửi
chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là biết
chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời cũng có nghĩa là mặc lấy
tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng, tin tưởng, phó thác cho
bằng Mẹ.
(Trích sách ‘Lẽ Sống’)
09/06/2018 – THỨ BẢY TUẦN 9 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
SUY NIỆM TRONG LÒNG
“Mẹ Người thì hằng
ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.” (Lc 2,51)
Suy niệm: Sau lễ
Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội kính nhớ Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Hẳn nhiên có
sự liên kết giữa hai “Trái Tim” này. Ngay từ lúc thụ thai, trái tim của Chúa
Giê-su tượng hình trong cung lòng của Mẹ. Trái tim của Chúa đi vào cung lòng Mẹ
để trái tim của Mẹ từng ngày khám phá mầu nhiệm vô cùng sâu thẳm của trái tim
Chúa. Thật vậy, nhờ Mẹ “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” mà Trái
Tim Mẹ với Trái Tim Chúa luôn cùng chung một nhịp đập, hai tâm hồn luôn đồng một
cảm xúc. Mẹ hiểu được lời Chúa Giê-su nói trong đền thờ: “Con có bổn phận ở nhà
của Cha con” (c. 49) khi nghe lời Ngài trong Vườn Dầu: “Xin đừng theo ý con,
nhưng là theo ý Cha” (Lc 22,42); khi nhìn Trái Tim Chúa bị đâm thâu trên thập
giá, Mẹ hiểu được ý nghĩa của lời tiên tri: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn
bà” (Lc 2,35).
Mời Bạn đến tỏ bày tâm
sự với Mẹ về những gánh nặng trong cuộc sống để tâm hồn nhiều người được nhẹ
nhàng, để cảm nhận sự an ủi, và tăng thêm sức mạnh mà vượt thắng mọi thách đố.
Bạn sẽ được bình an khi cùng Mẹ suy niệm Lời Chúa trong lòng và ngẫm suy những
biến cố xảy đến, vì biết rằng mọi sự đều trong Thánh ý nhiệm mầu của Chúa và
đón nhận tất cả để mưu ích cho chính mình và các linh hồn.
Sống Lời Chúa: Năng gẫm suy lời Chúa như
Mẹ để nhìn ra Thánh Ý Chúa trong cuộc đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Mẹ
Ma-ri-a đã nên mẫu gương cho con trong việc đón nhận mọi sự và suy gẫm trong
lòng. Xin cho con nội tâm hóa những vui buồn xảy đến trong cuộc sống để nên mạnh
mẽ hơn và bình an hơn. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hằng ghi nhớ trong
lòng (9.6.2018 – Thứ Bảy – Lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ)
Suy niệm:
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi, cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với
họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc, nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện
đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu
(c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo
sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi
lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9 THÁNG SÁU
Trật Tự Của Tạo Vật
Trong Ýù Định Của Thiên Chúa
Trong trật tự của tạo
vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương quan với thế giới,
tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi “thống trị mặt đất”
cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người. Con người cai quản mọi
loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng với người bạn đời của
mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một xã hội phục vụ thiện
ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị xét như hình ảnh của
Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã thiết định vai trò của
con người ở giữa vạn vật.
Chính vì định mệnh ấy
mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một chủ thể (một cái
‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả năng suy nghĩ làm
cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế giới động vật. Động
vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của chúng. Còn trí năng con
người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và giả. Khả năng ấy mở ra
cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý, thần học. Chính nhờ bản
tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi sự. Con người ở trong một
tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết định vai trò của con người
xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả năng hiểu biết chân lý bộc lộ
nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế giới và với người khác. Nó thiết
lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng văn hóa.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 09/ 6
TRÁI TIM VÔ NHIỄM
ĐỨC MẸ
Is 61, 9-11; Lc 2,
41-51.
Lời suy niệm: Sau ba ngày, hai
ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ,
vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời
đối đáp của cậu.”
Nhìn vào bầu khí khi Chúa Giêsu ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe vừa đặt câu hỏi
cho chúng ta liên tưởng đến các em thiếu niên bây giờ trong các giáo xứ của
chúng ta còn có tinh thần lắng nghe và đặt câu hỏi về giáo lý? – Có còn có những
bầu khí các thầy dạy ngồi lại với nhau để đào sâu Kinh Thánh, Lời Chúa và giáo
lý, gây sự tò mò, để các lôi cuôn sự ham thích của các em về Kinh Thánh và Giáo
lý.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho các gia đình Công giáo có được những cha mẹ biết chăm
lo học văn hóa và giáo lý con cái mình, để các em ngày càng thêm tuổi thêm khôn
ngoan và nhân đức. Xin cho thanh thiếu niên trong mọi giáo xứ có nhiều thầy dạy
giáo lý hấp dẫn để giúp các em khám phá ra nhiều điều mới lạ trong giáo lý và Lời
Chúa, để giúp các em càng ngày càng yêu mến Chúa.và sống đẹp lòng mọi người.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 09-06: Thánh
EPHREM
Phó Tế, Tiến Sĩ Hội
Thánh (306 – 373)
Thánh nhân sinh tại
Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi
nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy
con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự
độc ác và hèn nhát này.
Sau này có lần vào đêm
khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của
nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào
tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù
Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ,
Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào
những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người.
Thân phụ Ephrem là một
thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có thiện cảm với các
Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài
hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài
lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như
thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.
Ephrem thường khóc tội
mình và tội người khác. Các tập “tự thú” Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm
tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng: – Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy
mọi nhân đức.
Thánh Ephrem luôn ao ước
sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư.
Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis
để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người
ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của
thánh nhân.
Được thụ phong phó tế,
nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức giám mục
Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để
khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn: – “Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô
khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ
chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ”.
Thánh Ephrem đã gặp
thánh Basiliô thánh Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu
ngôn ngữ bất đồng.
Chiến tranh tái phát,
Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận
tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và
giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi
ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Người luôn được gọi là
“cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM
THAI. – Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi mẹ Chúa không vương một
tì tích nào.
Một năm trước khi
thánh nhân qua đời, Edessa bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi
người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn
đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc
chết: – Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối
xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt
đất này thôi.
Ngài qua đời có lẽ vào
tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem: – Vinh quang đời
sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.
Năm 1820, Đức
Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
09 Tháng Sáu
Muôn Vàn Phép Lạ
Một vị ẩn sĩ nọ,
sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình
chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.
Ông quyết định rời
bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi
người.
Nhưng đôi mắt Chúa
lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông
đang toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến
với ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: “Ngài đang toan tính điều gì thế?
Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi
không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu
này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời
gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho
ngươi thêm lòng kiên nhượng…”.
Ðược lời của vị sứ
thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông
với niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ
mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.
“Ðây là lúc thuận tiện,
đây là ngày cứu độ”. Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này để mời gọi chúng ta sống
một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút hiện tại là một hồng ân
cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây của cuộc sống chúng ta thành
một phép lạ.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Không là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Chúng ta vẫn thường
nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám phá của khoa học
đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn ngắm vũ trụ, thì
sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc sống, trước tình người
cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta thấy được, cảm mến được
sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Cái nhìn ấy sẽ giúp
chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng ngày của chúng ta.
Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục phấn đấu khi phải
đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc sống. Một Thiên
Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong từng phút giây của
cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện hảo đôi khi vượt
quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét