Trang

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

15-06-2018 : THỨ SÁU - TUẦN X THƯỜNG NIÊN


15/06/2018
Thứ Sáu tuần 10 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 19, 9a. 11-16
"Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang. Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa. Nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang. Bỗng có tiếng nói với ông: "Hỡi Êlia, ngươi làm gì ở đây?" Ông thưa: "Lòng nhiệt thành với Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã phản bội với giao ước của Chúa, phá huỷ các bàn thờ, dùng gươm giết các tiên tri của Chúa, chỉ còn con sống sót và họ đang tìm hại mạng sống con". Nhưng Chúa phán cùng ông: "Hãy lên đường trở về qua lối sa mạc miền Ðamas. Tới nơi, ngươi hãy xức dầu phong Hazael làm vua Syria, xức dầu phong Giêhu con ông Namsi làm vua Israel, và xức dầu cho Êlisê, con Saphat người xứ Abel-Mêhula, làm tiên tri thế ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 7-8a. 8b-9abc. 13-14
Ðáp: Lạy Chúa, con tìm kiếm dung nhan Chúa (c. 8b).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin nghe tiếng con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Về Chúa, lòng con tự nhắc lời: "Hãy tìm ra mắt Ta". - Ðáp.
2) Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa, xin Chúa đừng ẩn mặt xa con, xin đừng xua đuổi tôi tớ Người trong thịnh nộ. Chúa là Ðấng phù trợ con, xin đừng hất hủi con. - Ðáp.
3) Con tin rằng con sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy chờ đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và chờ đợi Chúa! - Ðáp.

Alleluia: Ga 1, 14 và 22b
Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 5, 27-32
"Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.
"Có lời dạy rằng: "Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị". Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chớ Có Ngoại Tình, Ðừng Ly Dị
Hôn nhân không phải là một sự phối hợp tạm thời để có thể dễ dàng phân ly vì sự thay đổi hoặc vì đam mê của con người. Chúa Giêsu lên án những phóng đãng luân lý, như sự bất trung, ngoại tình, ly dị do pháp luật cho phép.
Chống lại sự bất trung, Chúa Giêsu lên án cách nhìn ngắm không trong sạch của những ước muốn xác thịt, liều mình đi đến chỗ phạm tội trong tâm hồn. Cử chỉ này bị coi là đã thành tội, vì tội phát sinh bởi ý muốn thầm kín của tâm hồn. Với những lời gắt gao, Chúa nhắc lại việc cần phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh và cương quyết chống lại những lạc hướng do ích kỷ, để cứu vãn và tăng cường tình yêu hôn nhân bằng mọi giá.
Chống lại việc ly dị, Chúa Giêsu đã sửa lại luật Môsê cho phép ly dị trong một số trường hợp. Ðối với Ngài, lý do là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này, người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Ngài kêu gọi lương tâm của con người, và không luật nào được thay thế và vi phạm lương tâm này. Tội tà dâm phải được loại trừ tận gốc rễ, và trong tư tưởng thầm kín. Cái nhìn trong sạch : "Phúc cho ai có tâm hồn trọng sạch, vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa"; muốn thế, cần phải hy sinh những gì gây cớ vấp phạm.
Trong luật cũ có vẻ bao dung đối với nam giới và nghiêm khắc đối với nữ giới, thì Chúa Giêsu đặt cả hai trên cùng một cấp bậc: Ngài lên án rõ ràng và như nhau về việc ly dị đối với cả hai giới, và tuyên bố việc phối hợp với người khác sau khi ly dị là ngoại tình.
Theo giáo huấn của Chúa, việc phối hợp giữa người nam và người nữ là một biểu lộ của tình yêu, và tình yêu này đến từ Thiên Chúa, chứ không do tình dục ích kỷ. Tình yêu là một sự trao ban cho nhau, là cuộc gặp gỡ của tự do.
Xin Chúa cho chúng ta biết tiến lên theo Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta không chiều theo những ước muốn và hành động của xác thịt; trái lại biết sống trong tự do của Chúa, nhờ đó lề luật của Chúa sẽ trở nên nguồn an vui và sức mạnh của chúng ta.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 10 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: 1 Kgs 19:9a, 11-16; Mt 5:27-32.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người phải theo cách thức và đường lối của Thiên Chúa.
Thiên Chúa dựng nên tất cả mọi sự là cho một mục đích. Khi con người biết xử dụng tạo vật Chúa dựng nên theo như mục đích Ngài muốn, nó sẽ sinh lợi ích cho con người; nếu con người xử dụng nó trái với mục đích Thiên Chúa muốn, nó sẽ trở thành điều tai hại cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải theo cách thức và đường lối của Thiên Chúa, chứ không được tự do làm theo ý con người muốn. Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Elijah buồn giận vì những cố gắng của ông không đem lại kết quả như lòng ông mong muốn. Đức Chúa hiện ra với ông trong tiếng gió để an ủi và cũng để báo cho ông biết: bổn phận của ngôn sứ là phải làm những gì Thiên muốn và theo cách thức của Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kết án những ai lạm dụng những chi thể của thân xác để phạm tội ngoại tình trong tư tưởng. Ngài cũng lên án những ai không trung thành giữ giao ước hôn nhân họ đã hứa với Thiên Chúa và với người phối ngẫu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ngôn sứ phải làm theo ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh.
1.1/ Elijah giận dữ vì hoàn cảnh xảy ra không theo cách thức của ông.
(1) Phê bình văn bản: Câu 9b-11a không thể ở trong bản nguyên thủy vì:
- 9b-10 lặp lại 13b-14
- Đức Chúa chưa đi qua, làm sao Đức Chúa nói với Elijah (11a)? Trừ phi đó là lời của sứ thần của Đức Chúa.
(2) Lý do làm Elijah buồn giận: Ông là người thích những gì gay cấn. Ông muốn Đức Chúa làm những truyện đại sự như đóng cửa trời không cho mưa và khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ... Thiên Chúa muốn dạy ông một bài học trong lần hiện ra hôm nay: Cả ba trường hợp kinh hồn xảy ra, nhưng Đức Chúa không ở trong đó như Elijah nghĩ: “Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão. Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất. Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.”
Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Elijah lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Ông không nghĩ Đức Chúa sẽ đến trong cơn gió nhẹ nhàng, nhưng Đức Chúa đã tới. Ngài hỏi ông: "Elijah, ngươi làm gì ở đây?" Câu hỏi của Đức Chúa vừa mang sự khiển trách vừa mang tính an ủi. Ngài biết tất cả những gì đang xảy ra trong tâm hồn ông. Câu trả lời của Elijah mang tính hờn giận: "Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng con."
Ngôn sứ của Thiên Chúa dễ dàng rơi vào tình trạng như Elijah, vì thấy những cố gắng của mình không mang lại kết quả; nhưng họ chỉ nhìn thấy kết quả khi Thiên Chúa cho nhìn thấy, thường là khi đã chết rồi.
1.2/ Đức Chúa truyền cho ngôn sứ Elijah phải làm theo ý của Ngài: Đức Chúa không để ý đến những lời hờn giận của Elijah; nhưng Ngài trao cho ông 3 sứ vụ mới: "Ngươi hãy đi con đường ngươi đã đi trước qua sa mạc cho tới Damascus mà về. Tới nơi, ngươi sẽ xức dầu phong Hazael làm vua Syria; còn Jehu con của Nimshi, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm vua Israel. Elisah con Shaphat, người Abelmeholah, ngươi sẽ xức dầu tấn phong nó làm ngôn sứ thay cho ngươi.” Việc trao 3 sứ vụ này cho chúng ta thấy sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa. Ngài dùng con người trong một thời gian rồi lại chuyển giao nhiệm vụ cho người khác. Qua ba việc này, Ngài đang chuẩn bị tất cả những người sẽ thay thế cho vua Syria, vua Israel, và cho cả Elijah.
2/ Phúc Âm: Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình.
2.1/ Ngoại tình trong tư tưởng: Hai yếu tố chính cấu thành Bí-tích Hôn Phối: (1) để hai người yêu thương nhau; và (2) để sinh sản con cái cho Thiên Chúa. Tình dục không bao giờ là mục đích chính của hôn nhân, nhưng chỉ là hậu quả của tình yêu giữa hai người. Hiểu thần học về hôn nhân như thế, khi con người lấy nhau, mục đích chính là vì yêu thương: vì yêu mến Thiên Chúa, họ tỏ tình yêu thương cho nhau và cho con cái. Họ dùng thân thể mình để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho nhau. Vì thế, họ phải trung thành yêu thương nhau suốt đời, như Luật dạy: Chớ ngoại tình.
Không những thế, họ còn phải cẩn thận tránh xa những dịp làm thương tổn đến tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người phối ngẫu của mình. Thiên Chúa quá biết từ ước muốn sẽ dẫn tới hành động, nên Ngài muốn con người phải biết kiểm soát luôn cả ước muốn của mình. Vì thế, Chúa dạy: "Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.''
2.2/ Tránh những dịp gây nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn: Chúng ta không thể hiểu theo nghĩa đen câu Chúa nói: "Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục." Nếu hiểu như thế, con người chúng ta chẳng còn gì để loại bỏ, và cũng chẳng sống được. Điều Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến phần rỗi linh hồn. Nếu những gì chúng ta đang có mà nó gây nguy hiểm cho phần rỗi, hãy mạnh dạn vứt đi, thà đừng có còn hơn. Chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ tất cả những thứ không có lợi đó như: xem xi-nê, phim ảnh, party, và nhất là tứ đổ tường.
2.3/ Vợ chồng phải trung thành với nhau suốt đời: Khi con người lãnh nhận Bí-tích Hôn Phối, họ hứa sẽ trung thành với nhau suốt đời; và họ biết: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không thể phân ly.” Moses cho phép ly dị là vì sự cứng lòng của con người (Mt 19:8). Giáo Hội cho phép ly dị trong những trường hợp đặc biệt cũng là cho sự yếu đuối của con người mà thôi.
Chúa Giêsu còn đi xa hơn: “Ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” Người ly dị vợ cũng phải mang thêm một tội là làm cớ cho vợ ngoại tình. Người ăn ở với người đàn bà bị rẫy đó cũng phạm tội ngoại tình luôn. Điều này dẫn chứng cho chúng ta thấy, tội rất ít khi dừng lại ở chỗ làm thiệt hại cá nhân, nhưng bành trướng rộng tới gia đình và xã hội.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa ban cho chúng ta mỗi người một thân xác, không phải là để hưởng thụ; nhưng để mưu cầu ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân.
- Chúng ta phải biết dùng các chi thể của thân xác chúng ta cho việc rao giảng Tin Mừng và mở mang Nước Chúa. Nếu chúng ta không biết cách dùng, chúng sẽ trở nên bằng chứng để buộc tội chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


THỨ SÁU TUẦN 10 TN
Mt 5,27-32

Suy niệm: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Lời Chúa không dạy chúng ta sống cực đoan, nhưng là dạy phải có một thái độ dứt khoát tận căn đối với tội lỗi: Muốn tránh tội phải khử trừ nguyên nhân và phương tiện phạm tội. “Thà mất một phần thân thể còn hơn là cả toàn thân bị ném vào hỏa ngục.”
Mời Bạn: Nhìn vào thực tế, chưa có lúc nào những giá trị của đời sống hôn nhân gia đình bị xâm thực trầm trọng đến như vậy. Hiện tượng gia đình chia rẽ, bất hoà nhan nhản khắp nơi. Các vụ ly dị ngày càng nhiều, đặc biệt nơi các gia đình trẻ. Các giải pháp của xã hội và cả Giáo Hội nữa sẽ không có hiệu quả nếu không có thái độ dứt khoát tận căn. Trước tiên đó là thái độ tôn trọng hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa: một vợ một chồng bất khả phân ly. Tiếp đến phải tiêu diệt tận gốc rễ lòng ham muốn hưởng thụ ích kỷ nơi mỗi người. Có lẽ trong đời sống gia đình bạn cũng có những lúc xào xáo, xung đột, thậm chí cả những lần có nguy cơ bị tan vỡ. Những lúc như vậy bạn hãy nhớ lại liệu pháp trị bệnh tận căn này.
Chia sẻ: Khi có những vấn đề mâu thuẫn trong gia đình, bạn có đối thoại trong tinh thần cảm thông tôn trọng lẫn nhau để tìm phương giải quyết không?
Sống Lời Chúa: Xét xem mình có thói xấu nào phương hại đến đời sống gia đình, ví dụ như thói lắm lời, đam mê cờ bạc, thích uống rượu say, đam mê lạc thú… Hãy tìm cách dứt khoát với nó, để duy trì và gìn giữ Hội Thánh tại gia của bạn.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Gia Đình với tâm tình sốt sắng.

Ngoại tình trong lòng
Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt... Chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.



Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu,
và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa.
Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê.
Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động,
mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim,
khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt.
Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn.
Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp,
nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài,
nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy.
Thèm muốn này có tính chiếm đoạt.
Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười:
chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17).
Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt.
vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ.
Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới.
Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”.
Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô.
Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế.
Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự.
Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối.
Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội.
Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ.
Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm.
Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ.
Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài.
Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt,
thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời
còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.
Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt,
vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng.
Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn
mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.
Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế?
Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt?
Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?
Cầu nguyn:

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
15 THÁNG SÁU
Thiên Chúa Cai Quản Mọi Sự Một Cách Tốt Đẹp
“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất”. Lời tuyên tín đầu tiên này của Kinh Tin Kính sẽ không bao giờ ngừng tuôn đổ sự phong phú phi thường của nó cho chúng ta. Thiên Chúa là Cha và là Đấng tạo thành “mọi sự hữu hình và vô hình”. Ngài cai quản muôn loài bằng sự quan phòng thần linh của Ngài.
Với những suy tư về công cuộc sáng tạo, đã đến lúc chúng ta bắt đầu một loạt các giáo huấn về chủ đề sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự quan phòng này nằm trong chính cốt lõi đức tin Kitô giáo và trong đáy lòng của mọi người được mời gọi đến với đức tin. Thiên Chúa là Cha khôn ngoan và toàn năng của chúng ta. Ngài hiện diện và hành động trong thế giới. Xuyên qua sự quan phòng thần linh của Ngài, Thiên Chúa lo liệu sao cho mọi tạo vật có thể sống trọn vẹn trong sự hiện diện của Ngài. Một cách đặc biệt, Ngài lo liệu cho chúng ta và các nhu cầu của chúng ta, bởi vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Thiên Chúa – là Cha chúng ta – mong muốn rằng hành trình của chúng ta được hướng dẫn bởi chân lý tình yêu của Ngài, trong khi chúng ta tiến về mục tiêu là sự sống vĩnh cửu trong Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 15 – 6
1V 19,9.11-16; Mt 5,27-32.

Lời suy niệm: “Thầy báo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
Trong Giáo Lý về Hôn Nhân của Giáo Hội luôn đòi hỏi người nam và người nữ khi đã cử hành Bí Tích Hôn Phối phải có lòng yêu thương, chung thủy để xây dựng đời sống cho nhau tạo lập nên một gia đình, nuôi dạy con cái đẹp lòng Chúa và giúp thăng tiến xã hội.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa có một kho dự trữ tình yêu vô biên, là nền tảng sự kết hợp người nam và người nữ trong hôn nhân mỗi ngày. Xin cho tất cả chúng con luôn ý thức Bí tích Hôn Phối là một hành động đức tin và tình yêu, để chúng con luôn  cầu xin như Đức Thánh Cha đã gợi ý: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tình yêu hằng ngày.”
Mạnh Phương


15 Tháng Sáu
Thiên Chúa Không Thất Vọng Về Con Người
Văn hào Nga Dostoievski, với những tác phẩm nổi tiếng như Tội ác và Hình phạt, anh em nhà Karamazov, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Người viết tiểu sử của ông kể lại như sau:
Thời gian trong tù đã in đậm nét trên quãng đời còn lại của ông. Từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ.
Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa. Ðiều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu, và cho dù trong suốt 30 năm sau, cuộc đời của ông đắm chìm trong bùn nhơ của tội lỗi, của khốn khổ, của ô nhục, ông luôn nhìn mọi sự qua lăng kính của yêu thương. Một lần bị đưa lên máy chém ấy cho ông hiểu rằng con người đau khổ, tất cả mọi người đều đáng cảm thông, thương mến. Ðó là sứ điệp mà Karamazov công bố suốt cuộc đời của ông.
Cả cuộc đời của ông là một cố gắng không ngừng để diễn đạt câu nói: "Hỡi người anh em, không có gì có thể ngăn cản tôi yêu thương bạn".
Nếu có những lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về con người đốn mạt của chúng ta, nếu có những lúc chúng ta không còn tin tưởng ở tình người nữa, chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu. Chúng ta thấy ngay ánh mắt nhân từ, cảm thông của Ngài.
Khi Zakêu, thủ lãnh của phường thu thuế, leo lên cây cao để thấy Ngài, Chúa Giêsu đã ôn tồn nói với ông: "Hôm nay, tôi đến thăm nhà ông".
Khi người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình được dẫn ra trước mặt Ngài, Chúa Giêsu nhỏ nhẹ nói với bà: "Chị hãy về đi, tôi không kết án chị".
Khi Maria Madalêna đến quỳ dưới chân Ngài, Chúa Giêsu đã không hắt hủi cô.
Khi Phêrô phản bội Ngài, Chúa Giêsu nhìn ông với tất cả trìu mến, thông cảm.
Khi tên trộm cừu bị treo trên thập giá hướng về Ngài, Chúa Giêsu đã hứa với anh: "Hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Ðàng".
Ngài đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi. Ngài tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài vào thập giá.
Qua cách cư xử của Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài yêu thương con người, bởi vì Ngài không thể chối bỏ hình ảnh của Ngài nơi con người. Chính ánh lửa ấy khiến cho Thiên Chúa vẫn luôn nhận ra được hình ảnh của mình nơi con người, để không bao giờ thất vọng về con người.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét