17/06/2018
Chúa Nhật tuần 11 Thường Niên năm B
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật
11 Thường niên, năm B
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN B
(Ed 17, 22-24; 2Cr 5, 6-10; Mc 4, 26-34)
THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG
“Nước Thiên Chúa thì cũng
tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ
hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy
không biết” (Mc 4,26-27)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1:
Nằm trong số những
người cùng chịu cảnh lưu đày với dân Israel tại Babylon, ngôn sứ Êdêkien giúp
cho dân hiểu rằng cuộc lưu đày là hậu quả của sự bất trung và bội tín với giao
ước mà dân đã ký kết với Thiên Chúa (x. Ed 17, 19-21). Quả vậy, khi đứng trước
cuộc xâm lăng của Babylon, vua dân Israel đã tìm cách liên minh với Ai Cập thay
vì tin tưởng và phó thác nơi Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với họ (x. Ed 17,
11-18). Tuy nhiên, qua lời ẩn dụ của ngôn sứ (Ed 17, 22-24), Thiên Chúa cho thấy
dấu chỉ về niềm hy vọng khi loan báo về sự phục hưng của dân Israel.
Trước hết, từ
trong cảnh lưu đày tại Babylon, từ “ngọn hương bá cao chót vót”, Thiên Chúa sẽ
ngắt “một chồi non” và đem trồng trên ngọn núi cao tại Israel. “Nó sẽ trổ cành
và kết trái thành một cây hương bá huy hoàng”, đến nỗi “muông chim đến nương
mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành” (Ed 17,23). Từ trong số dân lưu đày,
Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một thủ lãnh, người sẽ dẫn đưa dân Israel trở về
quê hương và phục hưng họ thành một dân hùng mạnh, đến nỗi nhiều dân nước đến để
nương nhờ.
Sau nữa, một
khi Thiên Chúa thực hiện cuộc thay đổi ngoạn mục qua sự phục hưng dân Chúa, các
dân nước sẽ nhận ra bàn tay uy quyền và thành tín của Ngài đối với dân Israel
mà nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng “hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp… làm cho
cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi” (Ed 17, 24). Qua đây,
dân Israel xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng luôn quan phòng, nên dù là một dân
bé nhỏ nhưng nhờ tình thương và lòng thành tín của Thiên Chúa, họ có thể được
nâng cao giữa các đế quốc hùng mạnh. Và đó thật sự là kỳ công của Thiên Chúa, Đấng
đã phán là thực hiện.
2. Bài đọc 2:
Cái chết là một
thực tại mà không ai có thể phủ nhận, hay chối từ. Vấn đề là người ta đối diện
với thực tại này như thế nào mà thôi. Đoạn thư của thánh Phaolô gửi các tín hữu
Côrintô cho thấy cái nhìn của ngài về sự chết.
Cái chết là một
thực tại đáng sợ, nhưng thánh Phaolô lại “luôn luôn mạnh dạn” (2 Cr 5, 6.8) sẵn
sàng đón nhận nó vì ngài xác tín rằng sống trong thân xác là một sự giới hạn,
ngăn cách, là “lưu lạc xa Chúa”. Vì thế, đối với thánh nhân, việc lìa bỏ thân
xác “để được ở bên Chúa” là điều “thích hơn”. Cái chết là một cuộc lên đường để
được gặp gỡ Đức Kitô, được gắn bó mật thiết với Người nên cái chết không còn là
một thực tại đáng sợ nữa mà là một cuộc giải thoát để được tự do ở bên Đức
Kitô.
Tuy nhiên, đối
với thánh Phaolô, dù sống hay chết, ở trong hay ở ngoài thân xác, điều quan trọng
hơn cả vẫn là “tham vọng làm đẹp lòng Người”. Sống hay chết không phải là một
chọn lựa theo ý riêng của con người, mà là thuận theo ý Chúa, là làm đẹp lòng
Người. Nếu ở trong thân xác là điều đẹp lòng Chúa thì đó là chọn lựa ưu tiên;
trái lại, nếu ra khỏi thân xác là điều Chúa mong muốn, thì đó cũng là cách làm
đẹp lòng Chúa vậy.
Hơn nữa, một
khi ra khỏi thân xác, con người ra trước ánh sáng, trước toà của Đức Kitô, nơi
đó “mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm,
khi còn ở trong thân xác” (2 Cr 5, 10). Bao lâu còn ở trong thân xác, người ta
có thể chọn lựa làm việc tốt hay xấu, nhưng một khi đã ra khỏi thân xác, họ
không còn cơ hội chọn lựa hay tự quyết nữa, mà lệ thuộc vào sự xét xử của Đức
Kitô. Do vậy, chỉ những ai biết làm đẹp lòng Chúa ngay khi còn ở trong thân xác
thì cuộc lên đường ra khỏi thân xác mới thật sự là một cuộc gặp gỡ với Đức
Kitô, một cuộc hội ngộ “thích hơn” như thánh Phaolô.
3. Bài Tin Mừng:
Hai dụ ngôn về
Nước Thiên Chúa trong đoạn Tin Mừng: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên là của riêng
Máccô (Mc 4, 26-29); và dụ ngôn hạt cải Máccô chia sẻ với Mátthêu (13, 31-32)
và Luca (13, 18-19) cho thấy những hình thức khác nhau của sự quan phòng đến từ
Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa
như một hạt giống mang trong nó khả năng và sức mạnh tiềm tàng, nên một khi được
gieo xuống đất, sẽ mọc lên cách mạnh mẽ bất kể thời gian, điều kiện thời tiết
hay sự ý thức của con người. Dù người gieo không hề biết về cách thức hạt giống
phát triển, nhưng chắc chắn nó sẽ từng bước mọc lên, trổ đòng đòng để sau cùng
thành những bông lúa trĩu hạt, sẵn sàng cho mùa thu hoạch. Sự lớn mạnh của Nước
Thiên Chúa vượt lên trên những điều kiện bình thường của không gian và thời
gian. Nước Thiên Chúa sẽ âm thầm đạt tới sự viên mãn vào thời điểm và theo đúng
ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Hơn nữa, dù Nước
Thiên Chúa chỉ khởi đầu như một hạt giống bé nhỏ, nhưng khi phát triển sẽ trở
nên cao lớn; khởi đầu như hạt nhỏ nhất, nhưng phát triển thành cây to nhất
trong số cây cỏ đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ. Mỗi sự cộng tác với ơn
Chúa đều có giá trị làm cho Nước Chúa ngày càng lớn lên. Một khởi đầu, dù nhỏ,
cũng đủ để Nước Thiên Chúa lan rộng và trở thành chỗ dựa cho nhiều người, nhiều
thành phần khác nhau, không phân biệt một ai.
Hai dụ ngôn
trong bài Tin Mừng cùng làm nổi bật mầu nhiệm về một Thiên Chúa quan phòng. Sự
âm thầm mọc lên của hạt giống hay một hạt giống nhỏ bé có thể phát triển thành
cây cao lớn không nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa là Đấng sẽ làm cho Nước
của Ngài đạt đến sự viên mãn vào đúng thời đúng buổi.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG:
1/ Trong cảnh
bi thương, chán chường, thất vọng của cảnh lưu đày bên Babylon, ngôn sứ Êdêkien
khơi lên niềm hy vọng khi tiên báo về kế hoạch phục hưng dân Chúa. Chính Thiên
Chúa sẽ gầy dựng lại dân Chúa ngay trên mảnh đất Israel và sẽ làm cho họ lớn mạnh.
Qua đó, dân nhận biết rằng Thiên Chúa là Đấng giàu tình thương và lòng thành
tín. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi đoàn dân bé nhỏ, nếu họ đặt niềm tin nơi Ngài.
Hành trình đức tin của dân Chúa cũng có thể là hành trình đức tin của mọi Kitô
hữu. Thiên Chúa sẽ không bỏ quên bất cứ tâm hồn đơn sơ bé nhỏ nào đang tin tưởng,
cậy trông vào Ngài.
2/ Đối với thánh
Phaolô, ở trong thân xác là một sự lưu lạc xa Chúa nên thánh nhân mong muốn ra
khỏi thân xác để được ở bên Đức Kitô. Nhưng dù ở trong hay ngoài thân xác, điều
quan trọng không phải là chọn lựa theo ý muốn của mình mà là theo ý Chúa, là
làm đẹp lòng Đức Kitô. Nếu sự sống của người Kitô hữu là một ân huệ từ Thiên
Chúa, thì sự chết cũng là một hồng phúc được trở về với Chúa. Nếu sống hay chết
đều là một cách làm đẹp lòng Chúa, thì mỗi một phút giây sống hiện tại đều đáng
sống, đáng trân quý biết chừng nào; và nếu phải trả lại sự sống này cho Chúa
thì đó cũng là con đường về nhà đáng để đi.
3/ Hai dụ ngôn
cho thấy sự quan phòng của Thiên Chúa để hạt giống Nước Thiên Chúa mọc lên và lớn
mạnh, trong đó sự cộng tác của con người, dù nhỏ, cũng đều có ý nghĩa. Điều cần
thiết đối với người Kitô hữu là ươm mầm những giá trị của Nước Thiên Chúa, bắt
đầu từ những điều nhỏ mọn, bình dị, để những giá trị đó dần lớn lên, lan toả,
mang lại ích lợi cho nhiều người; trái lại, nếu không gieo những hạt giống tưởng
như nhỏ bé của Nước Thiên Chúa như niềm tin, tình thương, công lý và hoà bình,
thì sẽ chẳng bao giờ có mùa gặt bội thu.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG:
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nước Thiên Chúa với
sức mạnh nội tại luôn âm thầm phát triển và đem lại những kết quả phi thường giữa
thế giới hôm nay. Chúng ta cùng ngợi khen cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin cho
mọi người biết cộng tác để xây dựng nước trời.
1. Hội Thánh có
sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị
mục tử trong Hội Thánh luôn nhiệt thành chu toàn sứ mạng cao cả ấy bằng lời rao
giảng, gương sống thánh thiện và các hoạt động bác ái.
2. Hạt giống
Tin Mừng được Chúa Thánh Thần gieo vãi nơi các truyền thống và các nền văn hóa
khác nhau. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết trân
trọng và bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc.
3. Xung đột tôn
giáo đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta cùng cầu xin cho các
Kitô hữu ở những nơi đó biết tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa và sức mạnh nội
tại của Nước Trời, hầu luôn trung thành sống và làm chứng cho đức tin.
4. Kitô hữu là
những người gieo hạt giống Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong
cộng đoàn chúng ta biết sẵn sàng trở nên khí cụ mở mang Nước Chúa, qua việc tham
gia các hoạt động tông đồ, và gương mẫu chu toàn mọi bổn phận hằng ngày.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin
thương nhận lời chúng con cầu nguyện và biến đổi chúng con trở nên những tông đồ
nhiệt thành, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc loan báo Nước Trời. Chúng con cầu
xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
SCĐ CHÚA NHỰT XI TN.B
Chủ đề :
Sức phát triển của Nước Thiên Chúa
"Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức,
thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên"
(Mc 4,27)
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Êd
17,22-24) : Dụ ngôn về một chồi cây nhỏ lớn lên thành cây hương nam vĩ đại.
- Tin Mừng (Mc
4,26-34) : Nước Thiên Chúa giống như hạt giống được gieo vào lòng đất âm thầm
phát triển thành một cây to.
I. Dẫn
vào Thánh lễ
Anh chị em thân
mến
Chúng ta thường
nghe nói chúng ta là công dân Nước Thiên Chúa và có bổn phận xây dựng Nước
Thiên Chúa. Nhưng có lẽ chúng ta chưa hiểu bao nhiêu. Lời Chúa hôm nay sẽ dạy
chúng ta những điều đó.
Trong Thánh lễ
này, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy và xin Chúa giúp chúng ta thực hành Lời
Ngài.
II. Gợi
ý sám hối
- Chúng ta chưa
sống đúng theo niềm tin của mình.
- Chúng ta
không làm chứng cho những giá trị tốt của Tin Mừng.
- Chúng ta
không quan tâm xây dựng Nước Thiên Chúa.
III. Lời
Chúa
1. Bài đọc I (Êd 17,22-24)
Ngôn sứ Êdêkien
rao giảng dụ ngôn này trong thời dân Israel đang bị lưu đày bên Babylon :
- Cây hương nam
cao nhất ám chỉ Nabuchodonosor và đế quốc của ông. Nó sẽ bị Thiên Chúa chặt xuống.
- Một chồi non
được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây hương nam vĩ đại ám chỉ dân Israel.
Họ sẽ được Thiên Chúa cho hồi hương và đất nước họ sẽ thịnh vượng.
- Tất cả những
cây rừng khác ám chỉ các vua và các nước khác. Họ sẽ nhận biết uy quyền của
Thiên Chúa và vinh quang của Israel.
2. Đáp ca (Tv 91)
Tv này cũng so
sánh người hiền đức như một cây là cây chà là : được vun trồng trong nhà Chúa,
lớn lên và trổ sinh hoa trái như cây hương bá đất Liban.
3. Tin Mừng (Mc 4,26-34)
Đức Giêsu dùng
hai dụ ngôn giúp người ta hiểu về Nước Thiên Chúa :
- Nước Thiên
Chúa giống như hạt giống được gieo xuống đất và dù người gieo thức hay ngủ, dù
ngày hay đêm, hạt giống cứ âm thầm mọc lên thành cây à Sức phát triển nội tại của
Nước Thiên Chúa.
- Nước Thiên
Chúa giống như một hạt cải rất nhỏ gieo xuống đất nhưng dần dà lớn lên thành
cây to đến nỗi chim trời đến núp dưới bóng của nó à Sức bành trướng rất mạnh của
Nước Thiên Chúa.
4. Bài đọc II (2 Cr 5,6-10)
Giữa những gian
truân khổ sở của cuộc đời, thánh Phaolô bày tỏ niềm trông cậy vào Chúa :
- bởi vì sống ở
đời này cũng như bị lưu đày xa cách Thiên Chúa. Một ngày nào đó chúng ta sẽ
thoát cảnh lưu đày mà về với Chúa.
- trong khi chờ
đến ngày đó, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để khi đến ngày
đó chúng ta sẽ được Thiên Chúa xét xử và thưởng công.
IV. Gợi
ý giảng
* 1. "Nước Thiên Chúa giống như người kia
gieo hạt xuống đất"
Cách Đức Giêsu
dùng để mô tả Nước Thiên Chúa rất xa lạ với trí tưởng tượng của con người. Ngài
không nói Nước Thiên Chúa giống như một đất nước đông đảo hay một đạo quân hùng
mạnh, nhưng nói "Nước Thiên Chúa giống như người kia gieo hạt xuống đất".
Câu này có nhiều ý nghĩa.
- Nước Thiên
Chúa là một hạt giống : thực chất của Nước Thiên Chúa không phải là hệ thống tổ
chức quy mô hay thế lực mạnh mẽ bề ngoài, mà là những giá trị bên trong, những
giá trị mà Đức Giêsu đã rao giảng trong Tin Mừng, như yêu thương, tha thứ, hòa
thuận v.v.
- Nước Thiên
Chúa giống như người kia gieo hạt : Xây dựng Nước Thiên Chúa không phải bằng
cách lập hội kêu gọi càng nhiều người ghi tên vào càng tốt, hay đem quân xâm lấn
để mở mang bờ cõi, mà là gieo hạt : đem những giá trị Tin Mừng vùi vào thế giới
này, gieo vào lòng nhân loại này.
- Hạt giống sẽ
dần dần mọc lên : Không nên nôn nóng mong chờ một sự phát triển nhanh chóng ngoạn
mục mà phải kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đồng thời cũng phải lạc quan tin tưởng vì
thế nào Nước Thiên Chúa cũng lớn lên.
* 2. Nhỏ bé mà rất mạnh, âm thầm mà bền bỉ
Nhỏ bé mà rất mạnh,
âm thầm mà bền bỉ : đó là những đặc tính của hạt giống.
Đức Giêsu dùng
hình ảnh hạt giống để dạy môn đệ Ngài sống và xây dựng Nước Thiên Chúa :
- Chúng ta
không cần làm những việc to tát vĩ đại. Chỉ cần làm cho tốt những việc nhỏ bé hằng
ngày của mình.
- Chúng ta
không cần ồn ào phô trương hay quảng cáo cho niềm tin của chúng ta. Chỉ cần sống
một cách âm thầm nhưng kiên trì những giá trị Tin Mừng mà mình đã nhập tâm.
* 3. Tính nóng vội
Thời nay có nhiều
sản phẩm "xài liền", như mì ăn liền, cà phê uống liền, chụp hình lấy
liền v.v. Dù chúng ta biết phẩm chất của những thứ đó không được tốt, nhưng
chúng ta vẫn thích, bởi vì đỡ tốn công và đỡ mất giờ.
Thế nhưng chúng
ta quên rằng có nhiều thứ không thể hối thúc được. Phát triển thành một con người
chín chắn là công việc của cả một đời người. Xây dựng một tương quan tốt đẹp với
ai đó đòi hỏi rất nhiều thời gian. Biết và hiểu con cái mình cũng đòi cha mẹ phải
tốn nhiều thời giờ. Vượt qua tội lỗi và thói xấu cũng không phải là công việc một
sớm một chiều.
Thời đại chúng
ta ngày này cũng được gọi là thời đại nhấn nút. Nhấn nút một cái là đèn cháy,
nhấn nút một cái là máy nổ, nhấn nút một cái là cửa mở ra… Quả thật nhiều
phương tiện hiện đại nhằm tiết kiệm sức người là tốt. Thế nhưng kiểu sống
"nhấn nút" như thế làm cho chúng ta có khuynh hướng tìm sự dễ dãi. Đi
đến thăm một người già hay một người bệnh làm chi cho mất công, sao không gọi
điện thoại cho tiện ! Hơn nữa có rất nhiều chuyện không thể giải quyết bằng
cách nhấn nút : không có nút nào thay thế việc nuôi dạy con cái cho nên người,
cũng không có nút nào thay thế việc luyện tập thành thạo một kỹ năng…
Trong dụ ngôn
hôm nay, người nông dân đã làm tất cả những gì phải làm, là dọn đất và gieo hạt
giống. Sau đó là phần việc của hạt giống, phần việc này ngoài tầm của người
nông dân. Người nông dân phải chờ, chờ trong kiên nhẫn và hy vọng.
Dụ ngôn này nhắc
chúng ta rằng chúng ta có thể gieo hạt giống nhưng chúng ta không thể làm cho hạt
giống mọc lên. Chính Chúa làm việc đó. Nếu chúng ta làm xong phần bổn phận mình
thì chắc chắn Chúa sẽ cho sinh hoa kết quả. Nhưng liệu chúng ta có đủ kiên nhẫn
và đủ lòng trông cậy không ? (Viết theo Flor McCarthy)
* 4. Những sự bắt
đầu nho nhỏ
Dụ ngôn thứ hai
của bài Tin Mừng hôm nay (hạt cải nhỏ mọc thành cây to) chứa đựng bài học này :
có nhiều việc lớn phải bắt đầu bằng những việc nhỏ.
Có rất nhiều
thí dụ : Muốn xây một tòa nhà thì phải bắt đầu bằng từng viên gạch ; muốn viết
một quyển sách thì phải bắt đầu bằng từng trang, thậm chí từng chữ ; muốn làm một
chuyến viễn du thì phải bắt đầu bằng từng bước ; muốn xây dựng một tình bạn thì
phải bắt đầu bằng những lần gặp gỡ đổi trao v.v.
Sự bắt đầu rất là quan trọng. Nếu bạn muốn con bạn lớn
lên thành người tốt thì bạn phải bắt đầu chăm sóc dạy dỗ nó ngay từ nhỏ. Mà khi
bắt đầu thì phải chú ý đến những điều rất nhỏ. Một tính tốt dần dần thành hình
từ những thói quen tốt nho nhỏ. Một tính xấu cũng thành hình từ những thói quen
xấu được lặp đi lặp lại.
* 5. Câu chuyện minh họa :
a/ Hạt giống :
Bà
và cháu gái đang phân loại hạt giống chuẩn bị cho vụ mùa tới. Cô bé nhận xét
khi kiểm tra những hạt trong tay : "Những mong đợi nhỏ bé và mỏng manh phải
không bà ? Có phải mỗi hạt là một niềm hy vọng không ?"
- Phải, mỗi hạt là một niềm hy vọng. Nhưng vì là hy vọng,
cần có những điều kiện để đi tới thành đạt.
Chúa cho chúng ta niềm hy vọng được an bình mỗi khi gặp
đau khổ ; được sức mạnh khi gặp thử thách ; được ánh sáng cho những ngày tối
tăm. Nhưng chúng ta phải có niềm tin và can đảm tiến về phía trước.
Hạt giống nhỏ bé phải chịu chôn vùi trong đất
và phơi mình dưới mưa nắng, thì khả năng tốt đẹp của nó mới thành hiện thực.
b/ Chìa khóa vào thiên đàng
Một thầy dòng là thợ may cho cộng đoàn. Ngày kia, ông
đau nặng và chờ chết. Ông nói với anh em
: "Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên đàng !"
Anh em nhìn nhau bối rối. Họ không biết ông muốn nói
gì. Nhưng ông chỉ lập lại lời đề nghị : "Đưa cho tôi chìa khóa vào thiên
đàng". Cuối cùng, họ đưa cho ông chiếc kim may. Một nụ cười mãn nguyện làm
gương mặt thầy già sáng lên khi liếc nhìn chiếc kim trong tay và nói :
"Tôi làm việc mỗi ngày với chiếc kim này vì vinh quang Chúa. Bây giờ nó là
chìa khóa mở cửa cho tôi vào thiên đàng".
* 6. Hạt giống cây tre tàu.
Nhà tâm lý học Weldon cho rằng hạt giống kỳ lạ nhất thế
giới là hạt giống của cây tre Trung Quốc. Hạt giống này nằm yên dưới lòng đất đến
5 năm, rồi mới nhú chồi non lên mặt đất. Suốt thời gian 5 năm này, người ta phải
vất vả chăm sóc nó, nào là tưới nước nào là bón phân, mà không hề nhìn thấy hệ
thống rễ phức tạp đang bố trí trong lòng đất.
Cuối cùng, một sự sống đã vươn lên đầy kinh ngạc : Chỉ
trong 6 tuần đầu, cây tre đã mọc cao lên gần 3 mét.
*
Hạt giống Nước Trời cũng tương tự như hạt giống cây
tre Trung Quốc. Cần một thời gian dài "vùi sâu dưới lòng đất", điều
này đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi. Khi hạt giống nẩy mầm lớn lên
thành cây, nó phải đương đầu với tính khí thất thường của thời tiết, phải đối
phó với cơn giận dữ của giông tố. Đây là lúc phải sống niềm tin : tin rằng
Thiên Chúa sẽ đưa Nước Người đến thời viên mãn, bất chấp những cản trở của con
người. Vì thế, chúng ta không ngừng gieo vãi Lời Chúa, cho dù không thấy hạt giống
đang âm thầm phát triển.
Hạt giống Nước Trời cũng không khác chi hạt giống cây
tre Trung Quốc. "Hạt bé nhất" lại cho cây lớn nhất. Nước Trời khởi đầu
là Đức Giêsu và một nhóm nhỏ môn đệ dân chài. Sau hai mươi thế kỷ, Kitô giáo đã
lan tràn khắp nơi, đến với mọi dân tộc.
Có thể nói Đức Giêsu đã gieo hạt giống Hội thánh vào
giữa lòng thế giới. Sau đó Người biến mất khỏi dòng lịch sử, để hạt giống Hội
thánh "âm thầm lớn lên" với bao gian nan thử và thử thách, yếu đuối
và bất lực. Dường như Người dửng dưng trước bao khó khăn của Hội thánh. Dường
như Người không biết đến bao tội ác đang lan tràn thế giới. Dường như Người
không quan tâm đến nỗ lực sống thánh của dân Người.
Nhưng với niềm tin yêu phó thác, chúng ta xác tín rằng
: bên kia dòng thời gian, nơi cuộc sống vĩnh hằng, Thiên Chúa đang chờ đợi,
nhìn xem và điều khiển cho hạt giống Nước Trời lớn lên và tăng trưởng sung mãn vào
một mùa bội thu trong Ngày Cánh Chung sẽ tới.
Có thể nói Đức Giêsu cũng đã gieo hạt giống Đức tin
vào tâm hồn chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Người cũng đang chờ đợi hạt giống ấy
mọc lên và tăng trưởng : qua những lời cầu nguyện âm thầm, qua việc siêng năng
lãnh nhận các Bí tích, và qua đời sống chứng nhân của mỗi người. Đây là việc
đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài và lòng trung tín suốt đời. Đức Giêsu nói :
"Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" (Mt.10,22).
Wendell Holmes cho chúng ta một bí quyết : "Để
vào Nước Trời, chúng ta luôn phải chèo lái con thuyền của mình, đôi khi thuận
buồm xuôi gió, nhưng cũng có lúc phải lội ngược dòng. Điều quan trọng là phải
luôn chèo chống, đừng neo thuyền lại".
Thánh Phaolô dạy : "Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,
cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện" (Rm.12,12).
Ngài cũng đã nêu gương bền chí : "Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao
đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin" (2Tm.4,7).
*
Lạy Chúa, Chúa đã đến trần gian như hạt giống chôn vùi
dưới lòng đất nhưng Chúa đã sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết âm thầm
chết đi cho tội lỗi, để được lớn lên trong nguồn ơn Thánh Chúa. Amen (Thiên
Phúc, "Như Thầy đã yêu")
V. Lời nguyện
cho mọi người
CT : Anh
chị em thân mến
Đức Giêsu đã phán : "Khi nào có hai ba người họp
nhau cầu nguyện thì có Ta ngự giữa". Giờ đây chúng ta hãy hợp một ý một
lòng dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện của chúng ta :
1. Hội Thánh chính là Nước Thiên Chúa hữu hình ở trần
gian. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho Hội Thánh ngày càng vững mạnh và phát triển.
2. Thế giới ngày nay đang chạy theo những giá trị vật
chất và xa dần những giá trị đạo đức. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp phát huy
những giá trị Tin Mừng để hoán cải thế giới này.
3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hỗ trợ đặc biệt những người
đang âm thầm gieo những hạt giống Tin Mừng trong môi trường sống của họ.
4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong cộng
đoàn giáo xứ chúng ta tích cực và kiên trì xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần
gian.
CT : Lạy
Chúa, ngày xưa Chúa đã dùng dụ ngôn hạt giống âm thầm mọc để dạy các môn đệ
Chúa hãy kiên trì và lạc quan xây dựng Nước Thiên Chúa. Sứ mạng ấy ngày nay được
trao lại cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con chu toàn sứ mạng Chúa trao.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh
lễ
- Trước
kinh Lạy Cha : Trong Kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy đặc biệt cầu nguyện cho
Nước Cha được trị đến.
VII. Giải tán
Thánh lễ đã xong. Ước gì mỗi người anh chị em trở
thành một hạt giống Nước Chúa giữa cuộc đời. Chúc anh chị em bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật XI Thường Niên (B)
Chủ Nhật 17
Tháng Sáu, 2018
Dụ Ngôn về Nước
Thiên Chúa
Nước Trời như
hạt giống
Mc 4:26-34
1.
Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu,
xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa
đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng của Lời Chúa,
được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện
của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa. Vì thế,
cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc
của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự
thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo
Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những
người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời
Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được
hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa
đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa
bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc
khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.
Amen.
2.
Bài
Đọc
1.
a)
Phần phân đoạn văn bản để giúp chúng ta trong bài đọc:
Mc
4:26-29: Dụ ngôn về hạt giống tự nẩy mầm
Mc
4:30-32: Dụ ngôn về hạt cải
Mc
4:33-34: Kết luận về các dụ ngôn
1.
c) Phúc
Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống
đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào
người đó cũng không hay biết nữa. Đất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết
thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến
mùa”.
Người còn phán:
“Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? Hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh
nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất
trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau
lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”.
Người dùng nhiều
dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và
Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải
thích tất cả cho các ông.
3.
Giây
phút thinh lặng cầu nguyện:
Để Lời Chúa được
thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.
4.
Một
vài câu hỏi gợi ý:
Để giúp chúng
ta trong phần suy gẫm và cầu nguyện.
1.
a) Điểm nào trong đoạn Tin Mừng đã đánh
động bạn nhất? Tại sao?
2.
b) Chúa Giêsu đã không giải thích các
dụ ngôn. Người kể lại những câu chuyện và đánh thức trí tưởng tượng của
những người đang lắng nghe và sự phản ảnh của họ về những gì họ đã khám phá ra.
Bạn đã khám phá ra những gì trong các dụ ngôn?
3.
c) Mục đích của những lời này là để làm
cho cuộc sống minh bạch. Trong những năm qua, đời sống của bạn có đã trở
nên minh bạch hơn, hay là đã xảy ra ngược lại?
5.
Chìa
khóa của bài đọc
Dành cho những
ai muốn đào sâu vào trong chủ đề.
1.
a)
Để hiểu biết rõ hơn:
Tại sao Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để giảng dạy: Chúa Giêsu kể lại nhiều dụ ngôn. Tất
cả đều được lấy từ đời sống của dân chúng. Bằng cách này Người đã giúp mọi
người khám phá ra những việc của Thiên Chúa trong cuộc sống thường nhật, khi cuộc
sống trở nên minh bạch hơn, bởi vì những việc phi thường của Thiên Chúa được ẩn
dấu trong các việc phổ biến và bình thường của đời sống hằng ngày. Người
ta có thể hiểu được những điều của đời sống. Các dụ ngôn cung cấp chìa khóa
để mở ra đời sống và tìm thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa trong đó.
Qua các dụ ngôn,
Chúa Giêsu đã giúp mọi người nhìn thấy được sự hiện diện mầu nhiệm của Nước Trời
trong những sự việc của đời sống. Dụ ngôn là một sự so sánh. Chúa
Giêsu đã dùng những điều hiển nhiên và phổ quát trong cuộc sống để giúp giải thích
những việc vô hình và chưa biết về Nước Thiên Chúa. Ví dụ, người miền
Galilêa đã hiểu rằng khi ai đó nói về hạt giống, đất, mưa, nắng, muối, hoa, cá,
thu hoạch, v.v., Chúa Giêsu đã dùng tất cả những thứ này mà người ta biết rất rõ,
trong các dụ ngôn của Người, để giúp giải thích về mầu nhiệm Nước Trời.
Dụ ngôn người
gieo giống là chân dung của đời sống nhà nông. Vào thời ấy, mưu sinh bằng
việc làm ruộng thì thật cực khổ. Đất thì đầy sỏi đá. Nhiều cây cỏ khó trồng,
không mưa nhiều, và nắng dữ dội. Cũng như thường xuyên người ta đi tắt băng
qua cánh đồng và đạp dẵm lên cây lúa (Mc 2:23). Cho dù tất cả những khó
khăn đó, mỗi năm người nông dân vẫn trồng lúa, tin tưởng vào sức mạnh của hạt
giống và sự hào phóng của thiên nhiên.
Dụ ngôn không nói
hết mọi thứ, nhưng khiến cho người ta phải suy nghĩ và tìm tòi, bắt đầu với
kinh nghiệm của người nghe đang có hạt giống. Đây không phải là một học
thuyết được gói ghém gọn gàng gửi đến với tất cả đã sẵn sàng để giảng dạy và thêm
thắt. Dụ ngôn không cung cấp nước uống đựng trong chai, mà đúng hơn dẫn
người ta đến nguồn nước. Một nhà nông, khi nghe thấy sẽ nói: “Hạt
giống ở dưới đất, thì tôi biết nó như thế nào, nhưng Chúa Giêsu nói rằng nó có điều
gì đó liên hệ tới Nước Thiên Chúa! Điều ấy có thể là điều gì? Chẳng
khó khăn gì để tưởng tượng ra được những cuộc đối thoại dài có thể có sau đó với
đám đông. Dụ ngôn chuyển động với người ta và khiến họ lắng nghe thiên
nhiên và suy nghĩ về đời sống.
Câu chuyện về
hạt giống tự nó nẩy mầm phát triển
Người nông dân
trồng trọt biết quá trình phát triển của hạt giống: ban đầu là hạt giống,
sau đó đọt non nảy mầm, mọc lá, đơm bông và kết hạt. Người làm ruộng biết
chờ đợi và không gặt cây lúa khi nó chưa chín, nhưng ông ta không biết năng lực
của đất, mưa, nắng và hạt giống do từ đâu mà ra để khiến hạt giống trở thành
hoa lợi. Nước Thiên Chúa cũng giống như thế đó. Đó là một quá trình.
Có các giai đoạn và điểm tăng trưởng. Phải cần thời gian và xảy ra đúng lúc.
Hoa trái sẽ đến vào đúng thời điểm nhưng không ai có thể giải thích được năng lực
bí ẩn của nó. Không ai là chủ của nó! Chỉ có Thiên Chúa!
Câu chuyện về
hạt cải nhỏ bé mà mọc lên thành cây rau rất lớn
Hạt cải thì rất
nhỏ bé, nhưng khi nó lớn lên, lớn đến độ mà chim trời có thể làm tổ trên cành của
nó. Nước Thiên Chúa cũng giống như thế. Dụ ngôn không nói ai là
chim trời. Câu trả lời cho thắc mắc đó sẽ tìm thấy sau này trong Tin Mừng.
Văn bản cho thấy rằng nó dùng để chỉ dân ngoại là những người sẽ không có khả năng
để gia nhập vào cộng đoàn và là những người chung phần trong Nước Trời.
Chúa Giêsu
giải thích dụ ngôn cho các môn đệ
Trong nhà, khi
các môn đệ ở riêng với Chúa Giêsu, các ông muốn biết ý nghĩa của các dụ ngôn.
Các ông không hiểu. Chúa Giêsu rất đỗi ngạc nhiên vì việc không hiểu thấu
của các ông (Mc 4:13) và vào lúc ấy đã trả lời một cách khó hiểu và bí ẩn.
Người nói với các môn đệ: “Phần các con, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được
ban cho các con; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng
phải dùng dụ ngôn, để ‘họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng
không hiểu, để họ trở lại và được ơn tha thứ’” (Mc 4:11-12). Điều này khiến
cho người ta phân vân: Như thế thì dùng dụ ngôn có mục đích gì? Nó sẽ làm
cho mọi việc rõ ràng hơn hay bí ẩn hơn? Có lẽ Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để
cho người ta sẽ không tiếp tục sống trong vô minh và không hoán cải? Chắc
chắn không! Tin Mừng hôm nay nói rằng: “Người dùng nhiều dụ ngôn như thế
mà rao giảng Lời Chúa cho họ, tùy theo mức họ có thể hiểu được” (Mc 4:33).
Dụ ngôn mặc khải
và ẩn dấu cùng một lúc! Nó mặc khải cho những ai đã trở nên hòa hợp, những
người chấp nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Tôi Tớ. Nó ẩn dấu cho những ai
khăng khăng về nhìn nhận Người là Đấng Cứu Thế Vua hùng mạnh. Những người
này trông thấy hình ảnh của dụ ngôn, nhưng họ không nắm bắt được ý nghĩa của chúng.
6.
Cầu
nguyện – Thánh Vịnh 96
Hãy loan báo
về ơn cứu độ của Người ngày này sang ngày khác
Hát lên mừng CHÚA
một bài ca mới,
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công của Người.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần,
vì chư thần các nước thảy đều hư ảo,
còn ĐỨC CHÚA, Người sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,
trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.
Hãy dâng CHÚA, hỡi các dân các nước,
dâng CHÚA quyền lực và vinh quang,
hãy dâng CHÚA vinh quang xứng danh Người.
Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa,
và thờ lạy CHÚA uy nghiêm thánh thiện,
toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan.
Hãy nói với chư dân: CHÚA là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,
Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.
Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng,
biển gầm vang cùng muôn hải vật,
ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ.
Hỡi cây cối rừng xanh,
hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
7.
Lời
Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của
Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và
ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.
Nguyện xin chúng con, trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những
chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị
cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn
đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét