Trang

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa 3/6/2018


Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa 3/6/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
04/Jun/2018

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đề cập đến Bữa Tiệc Ly, nhưng thật đáng ngạc nhiên, bài Tin Mừng tập chú vào việc chuẩn bị bữa ăn tối này nhiều hơn là chính bữa ăn đó. Chúng ta nghe lặp đi lặp lại từ “chuẩn bị”. Chẳng hạn, các môn đệ hỏi: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?” (Mc 14:12). Chúa Giêsu sai họ đi với những chỉ dẫn rõ ràng để các ông thực hiện những chuẩn bị cần thiết và các ông sẽ tìm thấy “một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng”(câu 15). Các môn đệ ra đi để chuẩn bị, nhưng Chúa đã tự chuẩn bị trước rồi.

Một cái gì đó tương tự cũng xảy ra sau biến cố phục sinh khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Trong khi họ đang đánh cá, Người chờ họ trên bãi biển, nơi Người đã chuẩn bị bánh và cá cho họ. Mặc dù vậy, Người nói với các môn đệ đưa đến một số cá mới bắt được, mà chính Người đã chỉ cho họ bắt như thế nào (Ga 21: 6,9-10). Chúa Giêsu đã chuẩn bị và Ngài mời gọi các môn đệ của mình hợp tác. Một lần khác, ngay trước bữa ăn Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Chúa Giêsu là người chuẩn bị, nhưng trước lễ Vượt Qua của chính Người, Người cũng kêu gọi chúng ta khẩn thiết, với những lời khích lệ và với các dụ ngôn, để chuẩn bị, và luôn sẵn sàng (Mt 24:44, Lc 12:40).

Như thế, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta và yêu cầu chúng ta sẵn sàng. Ngài chuẩn bị cho chúng ta những gì? Một nơi chốn và một bữa ăn. Một nơi đáng giá hơn “một phòng rộng rãi đã được dọn sẵn” được đề cập trong Tin Mừng. Đó là một mái nhà rộng rãi bao la dưới thế này, là Giáo Hội, nơi có chỗ và phải có chỗ, cho tất cả mọi người. Nhưng Người cũng dọn một chỗ cho chúng ta trên cao, trên thiên đàng, để chúng ta được ở với Người và với nhau mãi mãi. Bên cạnh một nơi cho chúng ta, Người còn dọn sẵn một bữa ăn, là Bánh tự hiến chính mình cho chúng ta: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14:22). Hai món quà này, một nơi chốn, và một bữa ăn là những gì chúng ta cần để sống. Đó là “phòng và bánh” tột đỉnh của chúng ta. Cả hai đều được ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu chuẩn bị một nơi chốn cho chúng ta dưới thế này, vì Thánh Thể là trái tim đang đập của Giáo Hội. Thánh Thể phát sinh và tái sinh Giáo Hội; Thánh Thể tập hợp Giáo Hội lại và ban cho Giáo Hội sức mạnh. Nhưng Thánh Thể cũng chuẩn bị cho chúng ta một nơi trên cao, trong cõi đời đời, vì Thánh Thể là Bánh bởi Trời. Thánh Thể rơi xuống từ cõi trời cao - đó là chất thể duy nhất mang hương vị vĩnh cửu. Đó là Bánh của những gì sắp đến; mà ngay bây giờ, cho chúng ta nếm hưởng trước một tương lai vô hạn lớn hơn tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hay tưởng tượng ra. Đó là bánh đáp ứng những trông đợi lớn nhất của chúng ta và thành toàn những giấc mơ đẹp nhất của chúng ta. Nói tắt một lời, đó là bảo chứng của sự sống đời đời, không chỉ là một lời hứa nhưng là một bảo chứng, một trông đợi cụ thể về những gì đang chờ đón chúng ta ở đó. Thánh Thể là “chỗ đặt trước” của chúng ta tại bàn tiệc trên trời; là chính Chúa Giêsu là lương thực của chúng ta trong hành trình hướng tới sự sống và hạnh phúc đời đời.

Trong hình bánh đã được thánh hiến, cùng với một nơi chốn, Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta một bữa ăn, là phần lương nuôi dưỡng dưỡng chúng ta. Trong cuộc sống, chúng ta liên tục cần phải được nuôi dưỡng không chỉ với lương thực nhưng còn với cả những dự tính và tình cảm, hy vọng và ao ước. Chúng ta đói được yêu thương. Nhưng những lời khen thú vị nhất, những món quà tốt nhất, và những công nghệ tiên tiến nhất vẫn chưa đủ; chúng không bao giờ thỏa mãn hoàn toàn chúng ta. Thánh Thể là lương thực đơn giản, như bánh mì, nhưng đó là thức ăn duy nhất thỏa mãn chúng ta vì không có gì cao trọng hơn tình yêu. Ở đó chúng ta gặp Chúa Giêsu thật sự; chúng ta chia sẻ cuộc sống với Ngài và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Ở đó anh chị em có thể nhận ra rằng cái chết và sự phục sinh của Người là dành cho mình. Và khi anh chị em thờ phượng Chúa Giêsu trong Thánh Thể, anh chị em nhận được nơi Ngài Chúa Thánh Thần, sự bình an và niềm vui.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chọn lương thực sự sống này! Chúng ta hãy dành ưu tiên cho các thánh lễ! Chúng ta hãy tái khám phá việc tôn thờ Thánh Thể trong cộng đoàn chúng ta! Chúng ta hãy cầu xin ân sủng biết đói khát Thiên Chúa, với một mong muốn đến tột cùng là nhận được những gì Người đã chuẩn bị cho chúng ta.

Như Người đã làm với các môn đệ của mình, hôm nay chúng ta cũng hãy xin Chúa Giêsu chuẩn bị cho chúng ta. Như các môn đệ Người, chúng ta hãy hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn ở đâu?” Ở đâu: Chúa Giêsu không thích những nơi độc quyền, có chọn lọc. Người tìm những nơi chưa được rung động bởi tình yêu, chưa được rung động bởi hy vọng. Những nơi khó chịu là những nơi Người muốn đến và yêu cầu chúng ta dọn đường. Biết bao người không có nhà cửa cho ra hồn hay lương thực để ăn! Tất cả chúng ta đều biết ai là những người cô đơn, gặp rắc rối và túng quẫn: họ là những nhà tạm bị bỏ rơi. Chúng ta, những người nhận được từ Chúa Giêsu phòng riêng và bánh, đang ở đây để chuẩn bị một nơi và lương thực cho anh chị em đang quẫn bách của chúng ta. Chúa Giêsu đã trở nên bánh bẻ ra vì chúng ta; đến lượt chúng ta, Người yêu cầu chúng ta trao ban chính mình cho người khác, không sống cho chính mình nữa nhưng sống cho nhau. Như thế, chúng ta sống “một cách thánh thể”, khi tuôn đổ ra trên thế giới tình yêu chúng ta kín múc từ nhiệm thể Chúa. Thánh Thể được diễn dịch thành cuộc sống khi chúng ta truyền bá vượt quá chính mình để đến với những người chung quanh chúng ta.

Tin Mừng cho chúng ta biết rằng “Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành” (câu 16). Chúa mời gọi chúng ta hôm nay chuẩn bị cho Ngài đến không phải bằng cách giữ khoảng cách nhưng tiến vào các thành phố. Điều đó bao gồm cả thành phố này, với chính cái tên là Ostia - có nghĩa là lối vào, cửa ra vào. Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con mở bao nhiêu cánh cửa cho Chúa ở đây? Có bao nhiêu cánh cổng Chúa muốn chúng con mở ra, bao nhiêu bức tường chúng con phải xô xuống? Chúa Giêsu muốn xô đổ những bức tường của sự thờ ơ, sự yên lặng đồng lõa, Người muốn bẻ gãy những thanh sắt của sự áp bức và kiêu ngạo, và những con đường phải được dọn sạch cho công lý, lễ độ và chính đáng. Bãi biển rộng lớn của thành phố này nói với chúng ta đẹp làm sao khi chúng ta mở lòng mình ra và cất bước theo những hướng mới trong cuộc đời. Nhưng điều này đòi hỏi phải nới lỏng các nút thắt đang giữ chặt chúng ta trong những bến bờ của sự sợ hãi và thối chí. Thánh Thể mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị cuốn trôi bởi ngọn sóng là Chúa Giêsu, đừng buộc chặt vào bờ với hy vọng mong manh rồi chuyện gì đó có thể xảy ra, nhưng hãy thả lưới chỗ sâu, tự do, can đảm và hiệp nhất

Tin Mừng kết thúc bằng cách nói với chúng ta rằng “Hát thánh vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra núi Ô-liu”(câu 26). Vào cuối Thánh Lễ này, cả chúng ta cũng sẽ ra ngoài; chúng ta sẽ tiến bước với Chúa Giêsu, Đấng sẽ rảo quanh các đường phố của thành phố này. Chúa Giêsu muốn ở giữa anh chị em. Ngài muốn trở thành một phần của cuộc sống anh chị em, muốn vào nhà anh chị em và muốn ban cho anh chị em Lòng Thương Xót có năng lực giải thoát, cùng với phép lành và sự ủi an của Ngài. Anh chị em đã trải qua những tình huống đau đớn; Chúa muốn gần gũi anh chị em. Chúng ta hãy mở cửa cho Ngài và nói:

Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm.

Chúng con chào đón Người trong tâm hồn,

Trong gia đình và trong thành phố của chúng con.

Chúng con tạ ơn Chúa đã chuẩn bị cho chúng con thần lương sự sống và một chỗ trên Nước Trời.

Xin cho chúng con trở nên năng động trong việc dọn đường cho Chúa,

hân hoan đưa Chúa, là Đường, đến với tha nhân,

và qua đó mang tình huynh đệ, công lý và hòa bình đến các phố xá của chúng con. Amen.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét