Lịch sử Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Ki tô
Phỏng vấn mục sư Martin Robra, đặc trách liên lạc giữa Hội Đồng
Đại Kết các Giáo Hội Ki tô và Giáo Hội công giáo 1/2
Ngày 21 tháng 6 này ĐTC Phanxicô sẽ viếng thăm Hội Đồng Đại
Kết các Giáo Hội Kitô có trụ sở tại Genève bên Thụy Sĩ. Đây là tổ chức quy tụ
348 Giáo Hội Kitô gồm chính thống, anh giáo và tin lành cũng như một số các
Giáo Hội Pentecostal và các Giáo Hội Phi châu độc lập.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung phần đầu bài
phỏng vấn mục sư Martin Robra về biến cố này, do Linh Mục Antonio Spadaro dòng
Tên thực hiện. Mục sư Robra đặc trách các liên lạc giữa Hội Đồng Đại Kết các
Giáo Hội Kitô và Giáo Hội công giáo. Bài phỏng vấn cũng được đăng trên trang mạng
của Hội Đồng bằng ba thứ tiếng Anh, Đức và Ý.
Mục sư Robra ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt ĐTC Phanxicô
dành cho Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô. Chuyến viếng thăm của ngài rất
khác biệt các chuyến viếng thăm Genève của các vị tiền nhiệm là Đức Phaolo VI
và Đức Gioan Phaolo II. Hai vị tiền nhiệm đã viếng thăm Thụy Sĩ và tổ chức Liên
Hiệp Quốc trong tư cách là quốc trưởng của quốc gia thành phố Vaticăng. Trong
khi Đức Phanxicô viếng thăm Genève trước hết như là thủ lãnh Giáo Hội công
giáo, Giám Mục Roma và là Người kế vị Thánh Phêrô. Mục sư cũng cho biết hiện
nay có sự cộng tác rất tốt đẹp giữa Hội Đồng Đại Kết và các cơ quan trung ương
Tòa Thánh, và một nhóm của Hội Đồng đã nghiên cứu học hỏi các Tông huấn
“Evangelii gaudium” và “Amoris laetitia” cũng như Thông điệp “Laudato si” của
ĐTC Phanxicô, bởi vì chúng là các tài liệu đâm rễ sâu nơi giáo lý của Giáo Hội
công giáo và rất đồng thanh với công việc hiệp nhất của Hội Đồng Đại Kết
các Giáo Hội Kitô. Vì thế các tài liệu này cũng đã trở thành các điểm tham chiếu
thường xuyên của Hội Đồng.
Hỏi: Thưa mục sư Martin Robra, Hội Đồng Đại Kết các Giáo
Hội Ki tô là gì? Xin mục sư cho biết lịch sử ban đầu và ý nghĩa của nó?
Đáp: Năm 1921 Đức Thượng Phụ đại kết Costantinopoli đã viết
một bức thư cho các Giáo Hội Kitô khác và đề nghị thành lập một tổ chức phục vụ
các Giáo Hội, một liên minh hay hiệp thông các Giáo Hội trong việc nâng đỡ nhau
và tạo thuận tiện cho chứng tá chung trước thế giới. Nó sẽ là một dụng cụ thăng
tiến sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô. Tuy nhiên, Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội
Kitô không được coi như một tổ chức tập trung với trụ sở tại Genève hay
như một cố gắng tạo dựng một “Giáo Hội quốc tế”. Hội Đồng Đại Kết các
Giáo Hội là một cộng đoàn huynh đệ của 348 Giáo Hội, đa số đến từ các truyền thống
chính thống, anh giáo và tin lành và cũng bao gồm một số các Giáo Hội
Pentecostal và các Giáo Hội Phi châu độc lập nữa. Đối với các Giáo Hội
thành viên Hội Đồng Đại Kết có nghĩa là cùng nhau bước đi với sự tin tưởng nơi
nhau. Trong phần mở đầu của Hiến chương có khẳng định rằng nó là một “cộng đoàn
huynh đệ của các Giáo Hội tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu
Độ theo Thánh Kinh, và nỗ lực cùng nhau đáp trả lại ơn gọi chung cho vinh
quang của một Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần”. Trụ sở tại Genève
chỉ có Văn phòng thư ký phục vụ cộng đoàn các Giáo Hội thành viên và các thành
phần đại kết. Ngày mùng 2 tháng 3 năm nay nhân cuộc họp báo chung tại Vaticăng
mục sư Olav Fykse Tveit, Tổng thư ký Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô, đã
tuyên bố như sau: “Tin Đức Giáo Hoàng đến thăm Hội Đồng Đại Kết và thành phố
Genève là một dấu chỉ các Giáo Hội Kitô có thể ra sao. Hiện nay mục sư tổng thư
ký cũng đặc trách việc đào tạo thường xuyên, việc phục vụ đại kết và thăng tiến
chương trình chính của Hội Đồng, theo sau hội nghị nhóm tại Busan bên Nam Hàn hồi
năm 2014 về đề tài “Hành hương của công lý và hòa bình”. Mục sư Tveit cũng đã
giữ nhiều chức vụ trong lãnh vực liên lạc với các Giáo Hội thành viên của Hội Đồng,
với Tổ chức hiệp thông kitô thế giới, với Diễn đàn kitô toàn cầu và các thành
viên khác. Sau đó mục sư cũng đã là thành viên của Phân khoa Học viện thần học
Bossey, chuyên về luân lý đạo đức xã hội. Mục sư là đồng sáng lập địa chỉ trên
mạng Globethics.net tại Geneve và của Học viện nghiên cứu liên tôn và liên văn
hóa Liechtenstein.
Hỏi: Tôi cũng đã đọc thấy rằng có một ý thức sứ mệnh
riêng làm nền cho Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Kitô ngay từ ngày thành lập,
có đúng thế không?
Đáp: Vâng đúng thế. Một thúc đẩy quan trọng cho việc thành lập
Hội Đồng Đại Kết đến từ việc cần cộng tác trong sứ mệnh truyền giáo. Người ta
thường quy chiếu Hội nghị truyền giáo quốc tế năm 1910 như điểm khởi hành của
phong trào đại kết tân tiến, mặc dù Liên hiệp sinh viên kitô và các tổ chức
khác của giới trẻ dã soạn thảo ý tưởng đại kết này từ trước.
Cuộc khủng hoảng của đệ nhất thế chiến đã đã củng cố ý chí của
các vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô tạo ra các phong trào không chỉ hướng tới
việc truyền giáo nhưng cũng hướng tới sự hiệp nhất và thăng tiến công lý và hòa
bình trên thế giới. Đó là phong trào “Đời sống và việc làm” thành lập tại
Stockholm 1925, và phong trào “Đức tin và Trật tự” thành lập tại Lausanne năm
1927. Chính hai phong trào này năm 1936 đã khởi động tiến trình thành lập Hội Đồng
Đại Kết các Giáo Hội Kitô, bị ngưng lại vì đệ nhị thế chiến. Sau cùng Hội Đồng
Đại Kết các Giáo Hội Kitô đã được thành lập năm 1948 với hội nghị đầu tiên nhóm
tại Amsterdam bên Hòa Lan. Và đó là lý do tại sao năm 2018 này chúng tôi
mừng kỷ niệm 70 năm thành lập. Hội Đồng đã trở thành một tổ chức toàn cầu trong
hội nghị triệu tập tại New Dehli năm 1961 với việc gia nhập của Hội đồng truyền
giáo quốc tế IMC và của các Giáo Hội chính thống Trung và Đông Âu. Hiến chương
của Hội Đồng diễn tả các mục đích một cách rõ ràng: “Mục đích của Hội Đồng Đại
Kết các Giáo Hội Kitô là tiến bước tới sự hiệp nhất hữu hình trong một niềm tin
duy nhất và một cộng đoàn thánh thể duy nhất, được điễn tả ra trong phụng tự và
cuộc sống chung trong Chúa Kitô qua chứng tá và việc phục vụ thế giới và tiến tới
sự hiệp nhất để cho thế giới tin”.
Chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô sẽ là một dịp giúp minh
nhiên các đích điểm quan trọng đã đạt được, và giúp đương đầu với các thách đố
tương lai của phong trào đại kết. Như quý vị thấy hiện nay. Cho tới ít năm gần
đây chúng ta đã quen nói tới “mùa đông đại kết”. Nhưng vị Tổng thư ký của chúng
tôi, mục sư Olav Fykse Tveit, người Na Uy, đã thích nói rằng không có gì sai cả:
chỉ cần có găng tay và áo ấm thôi. Tuy nhiên, đối với tôi xem ra là với Đức
Phanxicô và các sáng kiến của ngài một mùa xuân mới đã tới. Sự kiện ngài tham dự
vào buổi cầu nguyện và cử hành 500 năm Cải Cách tại Lund đã khích lệ tôi rất
nhiều. Hồi đó khẩu hiệu của các cử hành đã là “Từ xung đột tới hiệp thông” và
điều này đã trở thành sự sống. Nhưng không phải chỉ đã xảy ra tại Lund: các
Giáo Hội toàn thế giới đã cùng nhau cử hành việc chữa lành ký ức các vết thương
của cuộc Cải Cách. Chúng ta đừng quên biết bao nhiêu chiến tranh đã được nuôi
dưỡng từ đó. Chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại Lund đối với tôi xem ra
đã là một thời điểm quan trọng.
Hỏi: Điều gì đã đánh động mục sư nhất trong các biến cố xảy
ra tại Lund?
Đáp: Tôi đã bị đánh động bởi sự kiện các diễn văn đã tập
trung nơi các thách đố của hiện tại và tương lai, trên con đường phải đi. Lund
đã trở thành thời điểm của sự hiệp nhất dọc lộ trình. Chúng ta còn trông
thấy điều này một cách rõ ràng hơn nữa, khi nhớ rằng trên con đường dẫn tới
Lund các tín hữu Luther và công giáo đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên hồi năm 1999 tại
Augsburg để ký Tuyên ngôn chung giáo lý về sự công chính hóa. Tôi thấy hai cột
mốc này hấp dẫn, vì chúng trở thành các điểm tham chiếu giúp chúng ta
trông thấy con đường dài từ đó chúng ta tới và làm sao cùng nhau bước đi trong
tương lai. Tuyên ngôn chung nhắc cho chúng ta nhớ tới sáng kiến của Thiên Chúa
đối với ơn cứu rỗi của thế giới, sáng kiến đến trước tất cả. Thiên Chúa đang đến
với chúng ta qua ơn thánh. Tuyên ngôn tại Lund chứng minh rằng biến cố tại
Augsburg hồi năm 1999 và cuộc du hành chung đã dẫn đưa chúng ta tới đó thật sự
đã biến đổi nhiều người trong chúng ta. Trở lại đó chúng ta đã nhận ra tầm quan
trọng của các kỷ niệm quá khứ, bị ghi dấu bởi các vết thương và bị thù hận đầu
độc. Hầu như nó là một lúc giải thoát, tái khám phá… Chúng ta đã cảm thấy mình
tự do, không lập lại các kiểu nói thuộc lòng đã đào sâu sự chia rẽ các Giáo Hội
và các cộng đoàn, và đưa tới bạo lực và cả chiến tranh trong các thế kỷ
tiếp theo cuộc Cải Cách. Trái lại chúng ta đã khám phá ra một gia tài chung to
lớn. Trong cách thức này chúng ta đã trở thành cùng nhau có trách nhiệm đối
với quá khứ cũng như đối với tương lai, và không còn cô đơn và tách rời nhau nữa.
Thay vì xa cách nhau, chúng ta có thể cùng đi và chia sẻ với những người khác
các lịch sử của chúng ta, các niềm hy vọng và các chờ mong của chúng ta đối với
tương lai của các Giáo Hội và của thế giới.
Hỏi: Tuyên ngôn chung đã cho thấy rằng các Giáo Hội
Luther và Giáo Hội công giáo giờ đây có thể loan báo một sự hiểu biết chung về
sự công chính hóa do ơn thánh Chúa làm ra qua niềm tin nơi Chúa Kitô, có
phải vậy không thưa mục sư?
Đáp: Dĩ nhiên là còn có rất nhiều thách đố quan trọng… Chắc
chắn rồi, và không phải là cuối cùng các căng thẳng liên quan tới các vấn đề
luân lý đạo đức của con người và của tính dục. Nhưng cùng nhau chúng ta có khả
thể chứng minh cho thế giới thấy những gì kết hiệp chúng ta thì nhiều hơn
là những gì chia rẽ chúng ta. Trước mặt chúng ta có con đường không dễ dàng đưa
mọi tín hữu kitô tới một cuộc đối thoại và một sự cộng tác chặt chẽ hơn và cùng
nhau dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn và trong việc cộng tác cho thiện
ích của hòa bình và sự triển nở cuộc sống. Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội Ki tô
cần xây dựng các cây cầu bên ngoài con số các thành viên của mình, đại diện cho
560 triệu kitô hữu sống tại 110 quốc gia trên toàn thế giới. Giáo Hội công giáo
không phải là thành viên của Hội Đồng Đại Kết các Giáo Hội, nhưng tham dự trong
tính cách “quan sát viên” và cộng tác vào nhiều lãnh vực từ năm 1965 là năm
Công Đồng Chung Vaticăng kết thúc – một cách đặc biệt trong “Ủy ban đức tin và
hiến chế” và trong Ủy ban “Truyền giáo và loan báo Tin Mừng”
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét