Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

19-07-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

19/07/2015
Chúa Nhật 16 Quanh Năm Năm B
(phần I)


Bài Ðọc I: Gr 23, 1-6
"Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta, và cho chúng có những chủ chăn".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Chúa phán: "Khốn cho các mục tử làm tản mát và xâu xé đoàn chiên Ta. Vì thế, Chúa là Thiên Chúa Israel phán cùng các mục tử chăn dắt dân Ta rằng: "Các ngươi đã phân tán xua đuổi và không trông nom đoàn chiên Ta". Chúa lại phán: "Vậy Ta sẽ xét xử những hành động gian ác của các ngươi. Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta từ khắp các xứ mà Ta đã phân tán chúng, Ta sẽ lùa chúng về đồng cỏ, để chúng lớn lên và tăng số. Ta sẽ cho chúng có những chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi và kinh hoàng, và chúng không còn thiếu thốn gì nữa".
Chúa còn phán rằng: "Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ðavít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là "Chúa công bình của chúng ta".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).
Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Ðáp.
2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Ðáp.
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Ðáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Ep 2, 13-18
"Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 6, 30-34
"Họ như đàn chiên không người chăn".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Ðức Kitô Là Vua Mục Tử

Ơn gọi Kitô hữu cho chúng ta được tham dự vào sứ mạng tiên tri, vương đế, tư tế của Ðức Kitô. Muốn thi hành các sứ mạng ấy để phát huy ơn gọi Kitô hữu của mình, chúng ta hãy bắt chước Người. Cả ba bài Kinh Thánh hôm nay muốn giúp chúng ta làm công việc này. Chúng ta thấy Ðức Kitô được loan báo trong Cựu Ước... Người đã hiện thân ở giữa chúng ta. Và ơn cứu độ Người hoàn tất đang muốn tác động mãnh liệt trong đời sống của chúng ta. Chúng ta thử tìm hiểu Người theo ba bài Kinh Thánh ấy.

1. Ðức Kitô Là Vua Mục Tử
Bài sách Yêrêmia không có những tư tưởng mới lạ. Nhiều đoạn Cựu Ước khác cũng nói như vậy. Và điều này làm chứng đây là những tư tưởng tha thiết của lòng Chúa.
Người thương dân; coi như đàn chiên của Người. Muốn hiểu được lòng Người đối với dân, chúng ta hãy hiểu tâm lý của mục tử, và hơn nữa của dân du mục. Những người này không có gì cả ngoài đàn vật của họ. Nhà cửa của họ là mảnh lều, di chuyển theo yêu cầu của đàn chiên. Thế giới họ tiếp xúc cũng chỉ là các con vật họ chăn nuôi. Ngày đêm họ chỉ có một bận tâm: làm sao cho đàn vật được an lành. Ðời sống của họ gắn liền với chúng đến nỗi của ăn áo mặc của họ đều do súc vật cung cấp. Sự sống của chúng là lẽ sống của họ đến nỗi vui buồn của họ tùy theo sự an lành của đàn vật.
Thiên Chúa ở với dân cũng tương tự như vậy. Người tha thiết với họ đến nỗi Người mang lấy mọi số phận của họ trong lòng Người. Người muốn cho họ được an lành. Nhưng khốn nỗi, đàn chiên của Người giờ đây không có người coi. Không phải vì thiếu mục tử, nhưng điều thật buồn là các mục tử đều xấu. Lẽ ra các đầu mục trong dân và những kẻ trị dân phải là các mục tử tốt săn sóc đàn chiên và lấy số phận đàn chiên làm của mình. Nhưng ngược lại, họ lơ là bỏ rơi chiên, không màng tưởng gì đến chúng và chỉ lo tìm lạc thú cho mình. Cùng lắm họ chỉ trở về đàn chiên mình xem con nào đã có thể ăn được để bắt đem giết đi nhậu nhẹt. Hoặc xem con nào đã có thể xén lông, để họ mang kéo đến hớt lấy lớp len đem may áo cho họ. Ðàn chiên không người chăn vì thế tản mác, không biết tìm nơi có cỏ. Và khi lạc lõng như vậy, chúng bị sói bắt, và bị trộm lùa, tình cảnh thật là thê thảm.
Thiên Chúa là Ðấng đầy dạ xót thương. Người không thể cầm lòng được nữa. Người sẽ truất quyền bọn mục tử xấu, sẽ lấy lại đàn chiên khỏi tay bọn đầu mục vô trách nhiệm. Người sẽ tự tay chăn lấy các chiên của Người. Tức là Người sẽ làm chỗi dậy một mầm trong tộc Ðavít... Ông này đã là một vị vua mục tử. Ông được đặt lên cai trị dân khi ông còn đang đi chăn chiên. Và ông đã không bỏ mất cái gốc tốt lành này. Dân thấy ông luôn luôn nhu mì, hiền lành, đạo đức, cai trị bằng đức nghĩa chứ không bằng uy quyền. Nhờ ông và nhờ chính sách chăm sóc dân của ông mà Israel đã thống nhất thành một nhà và trở nên như một đàn chiên. Những người kế vị ông không có tâm hồn như vậy, khiến dân lại tan tác như chiên không kẻ chăn... Thiên Chúa phải chấm dứt việc trị dân của họ và phục hồi cho dân một mầm tộc Ðavít...
Ai sẽ là mầm chồi này? Lịch sử cho thấy không một vị vua nào thể hiện hết Lời Chúa hứa. Thành ra các lời Yêrêmia nói hôm nay đã trở thành những lời tiên tri và đưa về Ðấng Thiên sai Cứu thế. Người sẽ đến săn sóc dân nhân danh Chúa. Người có sứ mạng vương đế, nhưng không trị dân theo lối các vua chúa trần gian. Công việc của Người là tập hợp các chiên của Chúa vì chúng đang tan tác xác xơ... Rồi Người sẽ dẫn chúng đến các nội cỏ để chúng sinh đẻ thật nhiều. Và nhất là chúng sẽ không còn sống trong sợ hãi nữa vì luôn luôn có tiếng của Người gìn giữ chúng.
Người mục tử tốt nào cũng làm như vậy. Ðó là gương mẫu cho mọi đầu mục dân. Ðó là phận sự của mọi người có sứ mạng vương đế. Người Kitô hữu chúng ta có sứ mạng này. Chúng ta không thấy tiếng gọi của Chúa ở khắp nơi sao? Các chiên của Người đang tản mác và lạc lõng. Ai sẽ là người đưa chúng về tập họp lại nơi đồng cỏ xinh tươi để sinh sản, để béo tốt, để an lành? Nhiệm vụ đó là của chúng ta hết thảy, những người được chia sẻ sứ mạng vương đế của Ðức Kitô vua mục tử. Chúng ta phải thi hành và có thể thi hành, nếu biết nhìn vào Người như gương mẫu. Bài Tin Mừng Marcô mời chúng ta làm công việc này.

2. Ðức Kitô Là Thầy Nhân Ái
Hôm ấy các tông đồ đi truyền giáo về Ðức Yêsu để cho họ nói họ đã làm và dạy những gì, rồi Người bảo họ hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ đi một chút đã.
Chúng ta có thể ngợi khen thái độ chăm sóc của Người. Rõ ràng Người là bậc thầy nhân ái, lắng nghe môn đệ phúc trình nhưng thương họ vì thấy họ cần được nghỉ ngơi.
Nhưng có lẽ đó không phải là điều thánh Marcô muốn chú ý trong đoạn Tin Mừng này. Nhất là như chúng ta sẽ thấy, họ đã gặp đám đông đến đón đường; và họ lại phải cùng Ðức Kitô làm việc cho dân. Như vậy, ý tưởng muốn cho môn đệ được nghỉ một chútg không phải là điều trọng yếu.
Ðọc kỹ đoạn văn này, chúng thấy dường như thánh Marcô muốn gắn liền các môn đệ vào với Ðức Yêsu. Họ phải nên một với Người. Thế nên ở đây có lẽ là chỗ duy nhất thánh Marcô đã dùng từ ngữ "Tông đồ" để nói về các ông. Chúng ta thấy các ông họp nhau lại chung quanh Thầy mình. Và các ông báo cáo công việc đã làm, mà theo như từ ngữ thánh Marcô dùng ở đây, cũng chính là công việc mà Ðức Yêsu vẫn làm. Người đã làm và đã dạy, thì Người cũng đã sai họ đi làm và dạy. Làm gì, dạy gì, thánh Marcô chẳng bao giờ xác định. Nhưng trong ý của người, Ðức Yêsu cũng như các tông đồ luôn làm và dạy một cách có uy quyền, chứ không như Biệt phái và Luật sĩ. Công việc của Chúa và lời dạy của Người tự bản chất đã khác thường vì đã có uy quyền đến nỗi luôn luôn người ta phải hỏi nhau: việc gì vậy, lời nào thế, sao mà chúng có uy quyền như vậy? Có thể nói rằng người ta ngạc nhiên về hết mọi việc Người làm và mọi lời Người nói. Họ không bỡ ngỡ về chính những việc và những lời ấy, nhưng về uy quyền thoát ra từ những việc và những lời này. Chúng trở thành như dấu hiệu về quyền năng của Thiên Chúa đang muốn tỏ hiện. Nói cách khác, trước mặt dân, Ðức Yêsu trở thành nên như con người có uy quyền của Thiên Chúa. Và thánh Marcô cũng muốn cho các tông đồ và cả Hội Thánh có uy quyền như vậy. Ðối với người, xưa Ðức Yêsu đã có uy quyền thần linh ở trước mặt dân thế nào, thì ngày nay Hội Thánh và các tông đồ cũng có sứ mạng như vậy.
Thế nên Hội Thánh và các tông đồ phải chia sẻ thân phận của Ðức Yêsu. Trong sách Tin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Người lại rút lui vào yên lặng không phải để cầu nguyện hay nghỉ ngơi cho bằng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Và đó là con đường hy vọng. Ðức Yêsu không bao giờ ưng thuận. Và Người bảo các tông đồ của Người phải lui xa, chứ việc rút lui vào nơi hoang vắng để nghỉ ngơi không phải là việc Người muốn khuyên bảo đâu. Ngược lại thì có.
Thật vậy, các tông đồ chưa kịp trốn người ta ở đầu này thì đã gặp quần chúng đón mình ở đầu kia. Thánh Marcô chọn nơi sa mạc làm địa điểm của cuộc gặp gỡ này. Người muốn cho chúng ta thấy Ðức Yêsu đứng giữa dân nơi sa mạc. Hình ảnh này không gợi lại khuôn mặt của Môsê đã tập họp con cái Israel lại nơi hoang vu để biến họ nên dân của Chúa sao? Chính Ðức Yêsu đã cảm nghĩ như vậy. Người thấy dân như các chiên tản mác... Người xót dạ chạnh thương. Lòng Người bây giờ là lòng của Thiên Chúa như đoạn sách Xuất hành chương 34, 6-7 đã mô tả.
Khi ấy Thiên Chúa thấy dân tội lỗi... Người thương họ hết sức, nên ban luật pháp để quay đầu họ lại. Họ trở nên dân riêng của Người và Người chăm sóc họ. Hôm nay Ðức Yêsu cũng làm như thế. Người chạnh lòng thương xót họ. Người đứng ra làm mục tử, kêu gọi các chiên quay đầu trở về đàn. Và vì thế Người đã dạy dỗ dân.
Vì sao Người không làm ngay phép lạ bánh hóa ra nhiều để cứu sống họ như Người đã làm, mà lại còn bắt những con người nhọc mệt đó nghe dạy dỗ trước đã? Sách Tin Mừng Yoan sẽ viết như vậy. Ðức Yêsu ban bánh cho dân ăn rồi mới khai triển ý nghĩa của việc Người làm. Ở đây Marcô nói rằng Ðức Yêsu đã bắt đầu dạy dỗ dân rồi sau mới ban bánh cho họ. Và Người đã dạy dỗ họ nhiều điều, tức là cũng phải khá lâu... Marcô có ẩn ý gì không khi kể như vậy?
Thiết tưởng như đã nói, ở đây Marcô không có ưu tư trước hết là bày tỏ lòng thương xót của Ðức Yêsu, nhưng là giới thiệu Người như mục tử của Chúa Cha gửi đến. Quần chúng phải thấy uy quyền của Người trước đã, tức là phải cảm thấy Người bởi Thiên Chúa mà đến. Thế mà trong sách Marcô, người ta đã bắt đầu nhận ra điều đó ngay từ hôm đầu tiên gặp Người ở hội đường Capharnaum. Hôm đó Người đã giảng dạy với uy quyền. Từ đó, Marcô luôn luôn coi việc dạy dỗ của Người như là một cách biểu lộ thần tính của Người.
Ðàng khác, công việc đầu tiên của Người mục tử đối với chiên lạc là gì, nếu không phải là kêu nó trở về? Tiếng của mục tử rất quan trọng. Lời giảng của Hội Thánh rất thiết yếu cho việc tập họp dân Chúa.
Hơn nữa khi nói rằng Ðức Yêsu đã dạy dỗ dân chúng nhiều điều trước khi ban bánh cho họ, thánh Marcô hẳn cũng đã có ý trung thành với cơ cấu tổ chức phụng vụ trong Hội Thánh. Dân Chúa họp nhau lại trước hết để nghe Lời Chúa dạy dỗ rồi mới bẻ bánh tạ ơn.
Ở đây, Marcô còn muốn gợi lên ý tưởng Ðức Yêsu là Môsê mới ở với dân trong sa mạc. Như Môsê cũ đã dùng lời nói và luật pháp quy tụ dân thì Ðức Yêsu cũng thành lập dân mới bằng lời dạy dỗ của Người. Ngay đến Manna mà Môsê xin được cho dân ơ nơi sa mạc về sau cũng được đánh giá tương đương với lời từ miệng Thiên Chúa phán ra. Tức là nó chỉ có giá trị vì là tạo vật do Lời Chúa tạo dựng, chứ chất nuôi dưỡng của nó đâu có gì đáng tâng bốc!
Như vậy, thánh Marcô thật rất có lý khi khiến chúng ta chú ý vào việc Ðức Yêsu dạy dỗ dân chúng trong sa mạc. Người là Môsê mới đến cứu dân. Người là vị mục tử mà Thiên Chúa hứa sẽ sai đến. Người đang thực hiện các lời tiên tri bằng cách dạy dỗ với uy quyền. Chính Lời của Người sẽ tập họp các chiên tản mác của Chúa lại và nuôi dưỡng chúng, để chúng sinh sản, tức là có đời sống kết quả phong phú, ở trong đồng cỏ của Người là Hội Thánh.
Ðức Yêsu đã dùng sứ mạng tiên tri để thi hành sứ mạng vương đế. Hội Thánh và các tông đồ cũng phải làm như vậy. Và hết thảy chúng ta khi sống ơn gọi tiên tri cũng sẽ thi hành sứ mạng vương đế là kéo mọi người về hợp nhất trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Ðang khi ấy chúng ta cũng sẽ thi hành sứ mạng tư tế vì như sẽ thấy trong bài thư Phaolô ở nơi Ðức Yêsu cả ba sứ mạng tiên tri, vương đế và tư tế không hề rời nhau khiến chúng ta luôn có thể sống ba sứ mạng ấy một trật.

3. Ðức Kitô Là Tư Tế Của Dân Mới
Thánh tông đồ đang nói với người Êphêsô. Trước đây họ là dân ngoại, bị người Dothái gọi bằng tên "không cắt bì", không những không được hưởng những lời hứa thiêng liêng, mà họ còn bị kỳ thị ngay trong các quyền lợi hữu hình. Họ không được vào trong chu vi đền thờ dành cho người Dothái. Giữa hai hạng người có một hàng rào thật sự, khiến dân ngoại luôn luôn phải đứng xa bàn thờ. Hàng rào chia rẽ này dần dần đã trở thành một bức tường oán thù giữa Dothái và dân ngoại. Hố chia rẽ thật là sâu, mặc dù cả hai đều là con Chúa, vì cả hai cùng chung một Ðấng tạo thành.
Ðức Yêsu đã được Thiên Chúa sai đến để tập họp tất cả nhân loại làm một. Người phải hủy bỏ bức tường ô nhục chia rẽ kia đi. Bằng cách nào, nếu không phải bằng cách bãi bỏ luật pháp với các chỉ thị và lệnh truyền? Chính những cái này đã làm cho Dothái nên một dân riêng rẽ. Ngay hàng rào phân cách dân ngoại nơi Ðền thờ cũng do luật pháp này tạo nên. Ðức Yêsu phải hủy bỏ luật pháp đã chống lại Người. Nó kết án và đóng đinh Người vào thập giá. Nhưng sự phục sinh của Người đã chứng tỏ luật pháp phải chịu thua. Ðức Yêsu đã chiến thắng luật pháp bằng mầu nhiệm thánh giá. Máu Người đổ ra trên thánh giá đã làm sụp đổ bức tường phân cách do luật pháp dựng nên. Thân thể Người ở trên thánh giá đã kéo hai bên Dothái và dân ngoại lên với Thiên Chúa Cha khiến họ cùng nhận ra mình là anh em. Người ban bình an cho kẻ trước đây ở xa bàn thờ cũng như cho kẻ ở gần. Nhân loại được hợp nhất nên một nhờ lễ tế của Người. Và như vậy khi thi hành sứ mạng tư tế, Ðức Yêsu đã hoàn thành hai sứ mạng tiên tri và vương đế.
Chúng ta giờ đây được mời tham dự lễ tế của Người. Ðây là lễ tạ ơn và hiệp nhất. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì lòng chạnh thương vô bờ bến của Người đã hợp nhất chúng ta lại trong Ðức Yêsu. Chúng ta phải cảm thấy đau xót khi thật sự chúng ta chưa cùng nên một. Loài người và chính chúng ta hãy còn như một đàn chiên tản mác. Ðức Yêsu đã đến hiến thân để hiệp nhất chúng ta lại. Nhưng tại sao chưa có kết quả? Phải chăng không do việc chúng ta mỗi người cứ đi theo dục vọng của mình mà chưa nghe theo tiếng gọi của Người nói qua sứ mạng tiên tri ở trong Hội Thánh? Chắc chắn cũng tại vì khuynh hướng thống trị ở nơi chúng ta hãy còn quá mạnh, chưa chịu khuất phục trước sứ mạng vương đế của ơn gọi Kitô hữu phải làm cho mọi sức mạnh vâng phục Ðức Kitô. Tựu trung chúng ta vẫn chưa hy tế con người cũ của chúng ta đủ để tham dự hoàn toàn vào sứ mạng tư tế của Người. Ước gì thánh lễ hôm nay sau khi hiệp nhất chúng ta trong hy tế của Ðức Kitô sẽ ban cho mọi người được nhiều khả năng thi hành Lời Chúa trong đời sống hầu đàn chiên của Chúa mỗi ngày càng thêm duy nhất dưới sự chăm lo của vị mục tử nhân ái là Ðức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 16 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Jer 23:1-6; Eph 2:13-18; Mk 6:30-34.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hy vọng trong thất vọng

            Trong cuộc đời, có những lúc con người cảm thấy lo âu, sợ hãi, chán nản đến tuyệt vọng, vì phải đương đầu với quá nhiều vấn đề: căng thẳng, chia rẽ, hận thù, bất an ... Thiên Chúa muốn con người phải tuyệt đối tin tưởng và hy vọng nơi Ngài, và Đức Kitô là nguồn hy vọng của mọi người, là giải pháp của mọi vấn nạn của cuộc đời.
            Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa: chỗ nào có lo âu, thất vọng, chỗ đó có hy vọng và giải quyết tuyệt vời của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên tri Jeremiah tường thuật nguy hiểm của các chủ chăn vô trách nhiệm làm chiên lạc bầy và niềm hy vọng có được Người Mục Tử Nhân Lành sẽ đến chăm sóc và quy tụ chiên về. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Ephesô tường thuật sự thù địch giữa con người với Thiên Chúa, giữa Do-thái và Dân Ngoại; và niềm hy vọng Thánh Giá sẽ hòa giải những mối xa cách thù địch này. Trong Phúc Âm, các tông đồ làm việc quá tải mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu săn sóc đoàn chiên. Chúa Giêsu bảo các ông hãy lui vào trong nghỉ ngơi để chính Ngài dạy dỗ và săn sóc dân chúng. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền.

1.1/ Nguy hiểm của các mục tử không làm tròn bổn phận: Xưa cũng như nay, chúng ta luôn có những mục tử không làm tròn bổn phận của mình như tiên tri Jeremiah cảnh cáo: "Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của Đức Chúa - Vì thế, Đức Chúa, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta: chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của Đức Chúa."
            Những dấu hiệu cho thấy người chăn chiên không chu toàn nhiệm vụ người mục tử:
            - không chịu lưu tâm chăm sóc chiên: Họ không dạy dỗ cho chiên của mình biết về Thiên Chúa và các Lề Luật của Ngài. Họ không làm gương sáng cho chiên noi theo; ngược lại còn làm gương mù. Họ không quan tâm đến các nhu cầu phần hồn cũng như phần xác của chiên.
            - không yêu thương chiên cách vô vị lợi: Họ chỉ quan tâm đến lông chiên và thịt chiên của những con béo tốt, những con chiên có thể làm lợi cho họ mà thôi (Eze 34:7).
            - không bảo vệ chiên khỏi những nguy hiểm: Họ xua đuổi chiên đi cách trực tiếp hay gián tiếp, hay làm chiên lạc bầy bằng những học thuyết sai lạc hay lối sống vô luân.

1.2/ Hy vọng: Những dấu hiệu của người Mục Tử Nhân Lành:
            - chăm sóc chiên cẩn thận: Họ dạy dỗ chiên biết kính sợ Thiên Chúa và tuân hành các Lề Luật của Ngài.
            - yêu mến và lo lắng cho chiên: Họ băng bó chiên bị thương, vỗ béo chiên gầy còm, đi tìm con chiên lạc và quy tụ tất cả chiên lạc về một đàn.
            - bảo vệ chiên và sẵn sàng hy sinh tính mạng vì chiên: Họ bảo vệ chiên khỏi thú dữ giết hại, khỏi tay của những phường trộm cướp, khỏi những vùng nguy hiểm đe dọa tính mạng chiên.
            Hai cách Thiên Chúa có thể làm để chăm sóc chiên:
            (1) Hoặc Chính Chúa Thượng sẽ chăn dắt chiên như lời sấm của Jeremiah: "Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Này, sẽ tới những ngày - sấm ngôn của Đức Chúa - Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà David một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Thời bấy giờ, Judah sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: "Đức Chúa, sự công chính của chúng ta."" Thánh sử Gioan đồng nhất vị Mục Tử này với Đức Kitô (Jn 10).
            (2) Hoặc Chúa sẽ huấn luyện và gởi tới các mục tử tốt lành: "Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của Đức Chúa."

2/ Bài đọc II: Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét.

            Hận thù xa cách xảy ra là do sự không hiểu biết, ghen ghét, thiếu cảm thông, hay tính kiêu hãnh coi mình hay giòng giống mình trổi vượt hơn người khác. Thánh Phaolô nêu lên hai mối hận thù xa cách chính:

2.1/ Giữa con người với Thiên Chúa: "Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Giêsu Kitô, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần." Khi con người phạm tội, họ xa cách Thiên Chúa, và không xứng đáng làm con cái của Ngài. Nhưng nhờ máu của Đức Kitô, Con Thiên Chúa, đổ ra, con người được sạch mọi tội lỗi và giao hòa với Thiên Chúa. Nhờ vậy, họ lại được hưởng quyền làm con cái Thiên Chúa.               

2.2/ Giữa Do-thái và Dân Ngoại: Khi con người được hòa giải với Thiên Chúa, họ cũng được đòi phải hòa giải với nhau, như lời thánh Phaolô: "Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét." Có tác giả giúp chúng ta nhớ tư tưởng này bằng cách cắt nghĩa Thập Giá gồm 2 mảnh: mảnh đứng tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, mảnh ngang tượng trưng cho sự hòa giải giữa con người với nhau.
            Thánh Phaolô cắt nghĩa tiến trình hòa giải giữa Do-thái và Dân Ngoại như sau: "Người đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người." Trước khi Đức Kitô đến, có một sự phân cách rõ ràng giữa người Do-thái và tất cả các sắc dân khác. Người Do-thái coi chỉ có họ mới xứng đáng là "Dân Riêng" của Thiên Chúa, vì Ngài đã chọn, bảo vệ, và ban Lề Luật cho họ; tất cả dân tộc khác được xếp hạng Dân Ngoại, không thanh sạch, và không được hưởng những đặc quyền như họ. Vì thế, người Do-thái sống cách biệt với các dân tộc khác, và không muốn có sự chung đụng gì với các dân tộc khác. Khi Đức Kitô đến, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được mở rộng và bao trùm tất cả mọi dân tộc. Điều kiện được cứu độ là niềm tin vào Ngài, chứ không dựa trên việc giữ Lề Luật nữa. Dĩ nhiên, Đức Kitô không hủy bỏ tất cả Lề Luật, nhưng các tín hữu vẫn phải giữ các Luật căn bản để chứng tỏ đức tin của họ.
            Để hiểu những gì thánh Phaolô nói về sự xa cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại, chúng ta cần hiểu cách cấu trúc của Đền Thờ Jerusalem thời đó: Có 3 bức tường ngăn cách các hạng người khác nhau. Bức tường thứ nhất ngăn cách giữa người Do-thái và Dân Ngoại; người dân ngoại nào vượt bức tường này là động chạm đến người Do-thái và sẽ bị tử hình. Bức tường thứ hai ngăn cách giữa phái nam và phái nữ của người Do-thái; người nữ không được phép bước vào chỗ của người nam. Bức tường thứ ba ngăn cách giữa người giáo dân và hàng tư tế; chỉ có tư tế mới được vào trong để dâng của lễ hy sinh lên Thiên Chúa. Ngoài ra, còn có một bức màn đóng kín từ trên xuống dưới để ngăn cách giữa nơi thánh của các tư tế và nơi Cực Thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện; chỉ có các Thượng Tế mới được vào nơi Cực Thánh trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần mà thôi.
            - Khi Đức Kitô đến, Ngài đập tan các bức tường ngăn cản giữa con người với con người, như lời thánh Phaolô diễn tả: "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và Dân Ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét." Không chỉ đập tan bức tường thứ nhất mà mọi bức tường ngăn cản giữa con người với con người: không còn Do-thái hay Hy-lạp, không còn nô lệ hay tự do, nhưng tất cả được rửa để tháp trong một Nhiệm Thể duy nhất là Đức Kitô (I Cor 12:13).
            - Hơn nữa, Đức Kitô cũng xé đi bức màn ngăn cách giữa con người với Thiên Chúa, như lời Tin Mừng diễn tả: Màn trong Đền Thờ xé ra làm hai khi Chúa Giêsu gục đầu xuống và trút hơi thở cuối cùng (Mt 27:51, Mk 15:39, Lk 23:45). Kể từ giờ ấy, con người không còn xa lạ với Thiên Chúa nữa; họ có thể trực tiếp đến với Ngài bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, chứ không cần phải qua trung gian thầy Thượng Tế, và cũng không cần đợi đến Ngày Xá Tội một năm một lần. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: "Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thánh Thần duy nhất mà đến cùng Chúa Cha."

3/ Phúc Âm: Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.

3.1/ Căng thẳng nguy hiểm giữa chủ chăn và đòan chiên
            (1) Quá tải của sứ vụ tông đồ: "Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy... Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa."
            Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, làm sao các tông-đồ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của dân chúng? Làm sao các ông có thể thăng bằng giữa đời sống cá nhân với mục vụ tông đồ?
            (2) Chiên vất vưởng không người chăn: "Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài." Làm sao để có đủ mục tử chăm sóc cho dân khi càng ngày càng ít người đi tu? Xã hội càng tiến bộ, đời sống luân lý và gia đình càng sa sút. Làm sao kiếm được các thợ rành nghề để săn sóc dân chúng?

3.2/ Hy vọng: Chúa Giêsu là giải quyết cho cả hai bên, các mục tử và đoàn chiên.
            (1) Người tông-đồ phải có thời giờ nghỉ ngơi với Đức Kitô: Chúa Giêsu nhận ra sự bận rộn trong công tác mục vụ của các tông-đồ. Để tránh cho các ông nguy cơ bị "làm việc quá độ," Ngài bảo các ông: ''Các con hãy vào trong để nghỉ ngơi một chút." Chính Ngài đi tìm chỗ nghỉ cho các ông. Đây phải là một kinh nghiệm sống cho chúng ta: Chúa không đòi chúng ta làm việc quá độ, cũng không khuyến khích sự lười biếng. Chúng ta phải giữ sao cho cân bằng, khi nào quá mệt mỏi, chúng ta phải kiếm giờ để nghỉ ngơi dưỡng sức trong Chúa; chứ không phải phí sức vào những cuộc vui chơi làm chúng ta càng mệt mỏi hơn.
            (2) Người dạy dỗ họ nhiều điều: Không phải chỉ có các mục tử là người chủ chăn, Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành và trên hết. Chính Ngài sẽ dạy dỗ, săn sóc, và bảo vệ dân chúng, như trình thuật hôm nay: " Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều."

 ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG: 

            - Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành: Tất cả chúng ta hãy học hỏi, đặt trọn niềm tin tưởng,  và niềm hy vọng nơi Ngài.
            - Cha mẹ hay cha xứ đều là các mục tử chăm sóc những chiên của Thiên Chúa. Trên hết mọi sự, người mục tử phải dạy cho dân biết và quí mến Đức Kitô.
            - Mỗi người chúng ta đều là các chiên của Thiên Chúa. Chúng ta phải học biết về Đức Kitô và cầu nguyện cho các mục tử của mình. Khi cầu nguyện cho họ, chúng ta đang cầu nguyện cho chính chúng ta. 

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

19/07/15 CHÚA NHẬT TUẦN 16 TN – B 
Mc 6,30-34

Suy niệm: Các môn đệ trở về quây quần bên Chúa hào hứng kể những thành tích giảng dạy của mình. Bầu khí bấy giờ thật ồn ào, náo nhiệt, tiếng cười nói không ngớt, ai cũng tranh nhau kể những “thành tích” truyền giáo của mình. Ấy thế mà Chúa Giê-su chẳng có một lời nào tâng họ bay bổng lên! Thật ngạc nhiên, Ngài chẳng vui mừng vì kết quả mỹ mãn, cũng chẳng khen ngợi tài năng của các môn đệ, mà chỉ nói ngắn gọn:“Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Nếu khoảng lặng trong bài hát cần thiết để làm cho ý nhạc thấm vào lòng người nghe, thì lời Chúa làm chững lại câu chuyện hào hứng của các tông đồ cũng giúp các ông nhận ra ý nghĩa cuộc đời tông đồ. Cần thiết phải  “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”
Mời Bạn: Lắm khi trong cuộc sống xô bồ, bận rộn vì cơm áo gạo tiền, bận rộn trong việc đạo đức, lo tập hát, lo đoàn thể, lo các công việc bác ái, xã hội…, bạn quên đi việc “nạp năng lượng” từ Thiên Chúa. Hãy cảnh giác!
Chia sẻ: Khi làm việc tông đồ, bạn nghĩ bạn đang làm việc cho Chúa hay bạn đang làm việc với Chúa?
Sống Lời Chúa: Bạn có dành ra mỗi ngày mươi phút để thưa chuyện với Chúa không?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã nhắc nhở chúng con qua Tin Mừng hôm nay rằng, đừng kể lể những gì mình đã làm, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là sự gặp gỡ thân mật với Chúa, nơi là nguồn sống của chúng con. Xin giúp chúng con khám phá ra sự ngọt ngào của Chúa mỗi ngày. Amen.

Chạnh lòng thương – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu
(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm
Sau một cuộc hành trình truyền giáo, các tông đồ phấn khởi trình bày cho Đức Giêsu những gì mình đã làm và đã dạy.
Đức Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Ngài biết các tông đồ giờ đây cần gì. Họ cần một chút nghỉ ngơi cho thân xác. Họ cần một chút riêng tư, trầm lắng cho tâm hồn, để nhìn lại phía sau, để nhìn về phía trước, để tách mình ra khỏi công việc bề bộn nơi đám đông, để sống tình thầy trò ấm áp.
"Hãy đi riêng ra, đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút." Chỉ cần một chút thôi, năm phút, mười phút...
Ai trong chúng ta cũng cần một chút lặng lẽ mỗi ngày, để trở lại chỗ sâu nhất của lòng mình, để nghe được tiếng gọi mời của Thiên Chúa.
Cần tìm một chỗ lặng lẽ trong nhà, để tôi có thể ngồi với tôi, trước nhan Chúa.
Cuộc sống hôm nay không để cho ta một chút nghỉ ngơi.
Các tông đồ cũng bị cuốn vào cơn lốc của công việc.
Cần phải phấn đấu để có được một chút mỗi ngày.
Một chút lắng sâu đủ nuôi cả ngày. Một chút êm ả khi ta đã làm mình rỗng không khỏi bao điều đã nghe và thấy, đã nói và ước mơ.
Phải xuống thuyền để đi đến nơi nghỉ ngơi. Phải ra khỏi chỗ mình đang sống.
Thầy trò đã lên thuyền, nhưng kế hoạch bất thành. Có lẽ vì ngược gió nên thuyền đi chậm. Một số người đã chạy đến trước nơi Thầy trò sắp ghé vào. Đức Giêsu sững sờ khi thấy đám đông. Những bước chân nôn nao, hối hả của họ đã khiến Ngài rung động tận cõi lòng. Ngài biết họ cần Ngài và Ngài thương họ.
Cái cần của tập thể thật cấp bách đến nỗi nhu cầu chính đáng của cá nhân phải hy sinh.
Đức Giêsu mang trái tim của người mục tử nhân hậu, nhói đau trước sự bơ vơ của đoàn chiên.
Bơ vơ là tâm trạng của con người mọi thời, nhất là của người trẻ hôm nay. Bơ vơ khi bị ném vào cuộc đời lọc lừa, xảo trá. Bơ vơ khi bị nghiền nát bởi những thủ đoạn gian manh. Bơ vơ khi bị sa sảy, không sao đứng lên được. Bơ vơ khi những thần tượng lần lượt tan vỡ.
Bi bơ vơ dẫn đến chán chường và buông trôi, mặc cho mình bị kéo vào những cái bẫy nghiệt ngã.
Làm thế nào để người bạn trẻ gặp được Giêsu, để lấy lại niềm tin, để tìm được hướng sống, để vững vàng bình an giữa sóng gió cuộc đời.
Tôi phải giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhưng tôi cũng phải trở thành một Giêsu gần gũi để đến với những ai bơ vơ quanh tôi.
Gợi Ý Chia Sẻ
Mỗi ngày kéo dài 288 lần 5 phút. Bạn có dám dành 1/288 của ngày để sống cho mình, sống rất riêng với Chúa không? Nếu bạn thường xuyên lặng lẽ như vậy, bạn có thấy được nâng đỡ không?
Bạn đã có lần rơi vào khủng hoảng, bơ vơ. Bạn làm gì hay nhờ ai mà ra khỏi tâm trạng bơ vơ đó?
Cầu Nguyện
Giữa những ồn ào của đám đông, giữa những sôi nổi của thành công và ê chề của thất bại, xin dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng, giữa những khát khao thèm muốn và những trói buộc của sợ hãi, âu lo, xin giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước, giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông, chẳng có ai để cậy dựa, xin trở về với cõi riêng bên Giêsu, để một mình ở đó, trầm lắng và bình an.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 7
19 THÁNG BẢY
Rồi Tôi Sẽ Đi Về Đâu?
Vấn đề định mệnh con người là một nỗi khắc khoải của mọi con tim. Đây là một vấn đề vừa quan trọng vừa gay go: “Rồi ngày mai tôi sẽ ra sao?” – chúng ta thường băn khoăn tự hỏi như thế. Và chúng ta thường dễ có nguy cơ hài lòng với một câu trả lời không thích đáng, và bị lung lạc bởi một thuyết định mệnh yếm thế nào đó, hoặc bị đánh lận bởi một cảm giác yên ổn giả tạo. “Đồ ngu! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi” (Lc 12,20).
Nhưng cũng chính ở đây, chúng ta nhận ra lòng từ bi và ân sủng khôn cùng của Thiên Chúa Quan Phòng. Vì Đức Giêsu không đưa ra lời cảnh báo đó để tố cáo chúng ta. Trái lại, khi Người đề cập đến sự quan phòng thần linh trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã kết thúc với giáo huấn rất sáng tỏ này: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài; và mọi sự khác sẽ được ban thêm cho các ngươi” (Mt 6,33; Lc 12,31).
Chúng ta đã suy tư về mối quan hệ thâm sâu giữa sự quan phòng thần linh và sự tự do của con người. Chính bởi vì con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã đề cập với con người về Nước Thiên Chúa và sự khẩn thiết phải ưu tiên tìm kiếm Nước ấy trước hết.
Mối liên kết này giữa sự quan phòng của Thiên Chúa và mầu nhiệm về Vương Quốc của Ngài – vốn phải được thực hiện trong thế giới thụ tạo – giúp chúng ta nghĩ đến định mệnh của con người trong Đức Kitô: đó là, con người được tiền định ở trong Đức Kitô. Sự kiện con người và thế giới được tiền định ở trong Đức Kitô càng xác nhận mạnh mẽ hơn nữa giáo thuyết về sự quan phòng thần linh: đó là, sự quan phòng của Thiên Chúa nhằm hướng đến việc bảo đảm ơn cứu độ dứt khoát và chung cuộc cho con người. Chính Đức Giêsu có ý nói đến điều này trong cuộc đàm thoại với Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính Con Một của Ngài, để những ai tin vào người Con ấy thì không phải hư nát, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN;
Gr 23, 1-6; Ep 2, 13-18; Mc 6, 30-34.

LỜI SUY NIỆM: Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” (Mc 6,30-31).
        Hôm nay Chúa Giêsu cũng đang quan tâm đến mỗi một người trong chúng ta; Ngài lo lắng từng chi tiết trong cuộc sống của chúng ta về cả vật chất cũng như tinh thần. Trong mọi công việc của chúng ta đều có bàn tay của Ngài trợ giúp để đưa đến thành công đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Ngài cũng tạo nhiều cơ dịp cho chúng ta nghỉ ngơi, cũng như học tập để nạp thêm năng lượng mới để mà tiếp tục công việc mới.
        Mỗi một người trong chúng ta phải biết chia thời gian: cho chính mình và những đồng sự của mình: Thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi, thời gian học tập cho bản thân và thời gian chia sẻ cho anh em. Để cùng dìu nhau đến gần Chúa hơn.
Mạnh Phương

19 Tháng Bảy
Ðôi Cánh Thiên Thần

Một người Nga, sai khi mãn tù, đã kể lại tâm trạng mình như sau: Dáng vẻ bên ngoài của tôi xấu xí đến độ không có ai muốn gần tôi. Trong thời gian lao động cải tạo, thay vì làm trại chung với các trại viên khác, tôi đã tự giam mình dưới hầm... Tình cờ một tai nạn xảy ra, khiến tôi bị gù lưng.
Một ngày kia, có một cậu bé nhìn tôi thật lâu rồi hỏi một cách ngây thơ: "Chú ơi, chú mang cái gì trên lưng thế?". Tôi nghĩ rằng cậu bé chế nhạo tôi, dù vậy tôi bình thản trảlời: "Cục bướu đấy cháu ạ".
Tôi chờ đợi cậu bé tiếp tục trò chơi gian ác của nó... Nhưng không, nó nhìn tôi một cách trìu mến và nói: "Không phải thế đâu chú ạ. Chúa là tình yêu. Ngài không cho ai hình thù kỳ dị cả. Không phải chú có cục bướu đâu. Chú đang mang trên lưng một cái hộp đó. Trong cái hộp, có dấu đôi cánh của Thiên Thần... Rồi một ngày nào đó, cái hộp mở ra và chú sẽ bay lên trời với đôi cánh đó". Ý nghĩ ngộ nghĩnh của cậu bé đã làm tôi sung sướng đến khóc thành tiếng.
Biết nhìn xa hơn đằng sau mặt nạ của mỗi người: đó là cái nhìn của thánh nhân. Thánh nhân là người biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những nỗi bất hạnh, là người biết nhìn thấy sự may mắn ngay cả trong những mất mát, thua thiệt và nhất là biết nhìn thấy Thiên Chúa trong những người không ai muốn nhìn đến... Nhưng để được cái nhìn ấy, người ta cần có cái nhìn thông suốt và tràn ngập ánh sáng của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét