18/03/2016
Thứ sáu tuần 5 Mùa Chay
Bài Ðọc
I: Gr 20, 10-13
"Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng
dũng".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Tôi đã nghe nhiều người thoá mạ và chế nhạo rằng:
"Người này gieo khủng bố khắp nơi. Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố
cáo nó". Tất cả bạn hữu tôi rình tôi vấp ngã mà nói rằng: "Ước gì nó
bị lừa dối để chúng ta thắng nó và sẽ trả thù nó". Nhưng Chúa ở cùng tôi
như người lính chiến hùng dũng; vì thế, những kẻ bắt bớ tôi sẽ ngã quỵ và kiệt
sức. Chúng sẽ thất bại bẽ bàng, chuốc lấy sự hổ nhục muôn đời, không bao giờ
quên được.
Còn Chúa, lạy Chúa các đạo binh, Ðấng xét xử người
công chính, thấu suốt tâm can, lạy Chúa, ước gì con sẽ được thấy Chúa trả thù
chúng cho con, vì con đã tỏ bày công việc con cho Chúa.
Hãy hát mừng Chúa, hãy ca tụng Chúa, vì Người đã cứu
thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 7
Ðáp: Trong
cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi (x.c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến
Chúa, lạy Chúa là Tảng Ðá, chiến luỹ, cứu tinh. - Ðáp.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương
mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen
ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù. - Ðáp.
3) Sóng tử thần đã bao bọc thân con, và thác nước ôn
dịch làm con kinh hãi. Thừng chão địa ngục đã quấn lấy con, lưới tử thần đã chụp
bắt con rồi. - Ðáp.
4) Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã
kêu xin Thiên Chúa của tôi; từ nơi thánh đài, Ngài nghe rõ tiếng, và tiếng tôi
kêu thấu đến tai Ngài. - Ðáp.
Câu Xướng
Trước Phúc Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết,
nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".
Phúc
Âm: Ga 10, 31-42
"Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người
lên tiếng hỏi rằng: "Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha
Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?"
Người Do-thái trả lời: "Chúng tôi muốn ném đá
ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người
mà lại tự cho mình là Thiên Chúa".
Chúa Giêsu đáp lại: "Nào trong sách luật của
các ngươi không có chép câu này: "Ta đã nói: các ngươi là thần"? Vậy
nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể
huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và
sai đến trong trần gian rằng "Ông nói lộng ngôn", vì Ta đã nói Ta là
Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin
Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng
hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở
trong Cha".
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi
tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa.
Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: "Gioan đã không làm
một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả". Và có
nhiều kẻ tin Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Làm Con Thiên Chúa
Có người hỏi chị Chiara Lubic: "Làm sao chị có
thể theo dõi hàng trăm ngàn người trên thế giới? Làm sao chị có thể hướng dẫn tất
cả mọi người theo cùng một linh đạo?" Chị mỉm cười trả lời: "Tôi
không theo dõi ai cả. Tôi chỉ theo Thiên Chúa từng giây phút, và nếu tôi theo
Thiên Chúa thì những người ấy họ sẽ theo tôi".
Anh chị em thân mến!
Bí quyết của chị Chiara Lubic được mọi người Kitô
chúng ta áp dụng. Chúng ta không cần hô hào ai theo mình cả, chỉ cần chúng ta hết
lòng sống theo Thiên Chúa, sống thánh thiện theo mẫu gương và lời dạy của Chúa
Giêsu Kitô cách cụ thể trong các bổn phận hằng ngày, thì anh chị em xung quanh
sẽ mộ mến đến với chúng ta. Việc làm tốt luôn thu hút.
Ðối với người Kitô hữu, việc làm tốt đó là việc
thánh vì việc đó làm cùng với Chúa và nhờ ân sủng Ngài thánh hóa. Do đó, có sức
mạnh thu hút anh chị em không những đến với cá nhân ta mà còn đến với Thiên
Chúa nữa: "Chúng con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Ðấng
trọn lành. Ðể mọi người nhìn thấy việc các con làm mà ngợi khen Cha các con ở
trên trời là Ðấng trọn lành".
Bí quyết sống trên của chị Chiara Lubic thật ra
không phải là của chị nữa, nhưng do sự gợi hứng nếp sống của chính Chúa Giêsu
Kitô. Khi Ngài rao giảng cho dân chúng tại Palestina, Ngài đã không nói suông,
mà Ngài đã hành động qua việc thực hiện những phép lạ, qua việc thi ân cho những
ai thành tâm tin nhận vào Ngài, đến với Ngài. Chúa đã sống điều Ngài giảng dạy
và luôn sống kết hợp với Thiên Chúa Cha, Ðấng đã sai Ngài đến trần gian. Vì thế,
vào lúc gần kết thúc cuộc đời trần gian, Chúa Giêsu xem như đã nài nỉ những kẻ
cứng lòng tin vào Ngài rằng: "Nếu các ngươi không tin vào những điều Ta
nói, thì ít ra hãy tin vào những việc Ta làm". Nhưng họ trả lời:
"Chúng tôi muốn ném đá các ông không phải vì việc lành, nhưng vì những lời
nói lộng ngôn. Bởi vì ông là người mà dám cho mình là Thiên Chúa".
Anh chị em thân mến!
Nghe Lời Chúa giảng dạy và nhìn thấy những việc lạ
Chúa làm, những người Do Thái khám phá được rằng: "Chúa Giêsu không vì
chút lợi lộc trần gian nào mà chỉ muốn minh chứng rằng Ngài là Con Thiên Chúa,
là Ðấng cứu rỗi trần gian".
Trong suốt tuần qua, chúng ta đọc những đoạn Phúc Âm
của thánh Gioan ghi lại các tranh luận giữa Chúa Giêsu cà những người Do Thái
không tin. Trong các tranh luận này, Chúa Giêsu luôn mạc khải những sự thật
quan trọng về chính Ngài, về mối tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha: Cha ở
trong Ta và Ta ở trong Cha". Những người Do Thái họ có thể hiểu được những
lời này, nhưng họ không thể hay không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn giữ lập trường
là coi Chúa Giêsu là một con người phàm trần. Do đó, họ lượm đá ném Ngài và cho
Ngài là dám lộng ngôn, dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Vì thế, những người
Do Thái không tin này đã quá chìm sâu trong sự trần tục, trong những tội lỗi của
họ. Họ vui lòng với những gì họ đang làm, không cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi,
không cần Ðấng cứu rỗi họ.
Người Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh
hưởng tư tưởng trần tục hóa này. Chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một
nhà cách mạng xã hội, không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá
ném Thiên Chúa và tất cả những gì có liên quan đến Ngài. Như những con người
ngông cuồng, chúng ta có thể dùng nước sơn đen rải khắp nẻo đường, vẽ lên tường
những khẩu hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác
giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyên những người con tinh thần của
ngài như sau: Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và kêu gọi kẻ
khác dâng hiến. Ðó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả. Con giúp họ nên giống
hình ảnh Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Ðó là trách nhiệm của người Kitô. Là đồ đệ
yêu quí của Chúa, chúng ta không nên làm ngơ để mặc cho anh chị em xung quanh
tha hồ ném đá Chúa.
Con gặp trăm ngàn thanh niên đang lây lất bên đường.
Họ bàn tán bất tận về mộng xây dựng một xã hội mới, một con người mới. Nhưng họ
đã gặp xì ke, bạo động, trụy lạc chán nản. Họ cần con, họ kêu con tiếng kêu của
người chết đuối, tiếng vang của người ngộp thở. Chúng ta dùng danh từ đạo và đời,
hồn và xác, nhưng các yếu tố ấy không thể tách rời nhau được, chúng nối kết lẫn
nhau trong lòng là làm con Chúa. Chỉ có một cuộc sống, chỉ có một lịch sử đạo đời,
hồn xác liên kết mật thiết.
Bí quyết để đọc xuyên qua các biến cố là con hãy lấy
Phúc Âm nuôi linh hồn, sự thông hiệp liên lỉ với Chúa Giêsu sẽ cho con có tinh
thần của Ngài. Chúa nhìn trần gian thế nào? Ðức Chúa Cha đã yêu trần gian đến nỗi
đã sai Con Một Ngài xuống cứu trần gian. Mỗi giây phút của cuộc đời, con hãy cố
gắng thăng tiến nó một cách không ngừng trong việc thực hiện chương trình của
Thiên Chúa trong lịch sử cuộc đời.
Lạy Chúa, xin ban ơn đức tin cho con. Vì chỉ khi nào
con tin Chúa vững mạnh, thì con mới có thể dấn thân cho Chúa mà thôi. Xin cho
con góp phần nhỏ bé của mình để Chúa đừng bị ném đá, đừng bị xúc phạm nữa trong
xã hội loài người chúng con. Amen.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ
Sáu Tuần V MC
Bài
đọc: Jer 20:10-13; Jn 10:31-42.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Ngôn sứ của Thiên Chúa bị truy tố và bị
ném đá.
Quyền hành đến từ Thiên Chúa. Khi con người nắm quyền
hành, họ phải biết dùng quyền được trao để phân xử công minh: trừng trị kẻ gian
ác và bảo vệ quyền lợi cho kẻ vô tội. Thế nhưng nhiều người khi có quyền, đã
không làm như thế. Họ nghĩ họ có thể bắt mọi người làm theo lệnh truyền của họ,
bất chấp sự thật và công bình.
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc lạm dụng uy
quyền để đấu tố người công chính. Trong Bài Đọc I, tư tế Pathhur lạm dụng uy
quyền của mình để bắt bớ, đánh đập, và bỏ tù tiên-tri Jeremiah, vì ông đã tuyên
sấm tội lỗi và hình phạt của dân thành Jerusalem. Trong Phúc Âm, những người
Do-thái lượm đá ném Chúa Giêsu vì cho Ngài phạm thượng, là người mà dám cho
mình ngang hàng với Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng Kinh Thánh để cắt nghĩa và dùng
các việc làm để chứng minh Ngài được Thiên Chúa thánh hiến và sai đến thế gian;
nhưng họ vẫn ngoan cố không tin vào Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Ngôn sứ Jeremiah bị truy tố.
1.1/ Jeremiah bị tư tế Pathhur chống đối: Là ngôn sứ của
Đức Chúa, tiên-tri Jeremiah phải tuyên sấm những gì Thiên Chúa muốn nói cho vua
Judah, các tư tế, và dân thành Jerusalem. Tư tế Pathhur, con ông Immer, tổng quản
đốc Nhà Đức Chúa, chẳng những đã không nghe lời Jeremiah tuyên sấm, lại còn cho
đánh đòn ngôn sứ Jeremiah và cho cùm ông tại cửa Bengiamin, tức là Cửa Trên
trong Nhà Đức Chúa. Lão “Tứ phía kinh hoàng” là tên của Jeremiah đặt cho tư tế
Pashhur, sau khi ông này bắt bớ, đánh đập, và giam cầm tiên tri (Jer 20:3).
Jeremiah nói tiên tri về vận mạng của Pathhur và của
tòan dân: “Quả thật, Đức Chúa phán như sau: Này Ta sẽ biến ngươi thành nỗi kinh
hoàng cho chính ngươi và tất cả bạn bè của ngươi. Chúng sẽ ngã gục dưới lưỡi
gươm quân thù, chính mắt ngươi sẽ chứng kiến điều đó. Ta sẽ trao nộp toàn thể
Judah vào tay vua Babylon; nó sẽ bắt chúng đi lưu đày ở Babylon; sẽ dùng gươm
tàn sát chúng. Tất cả của cải thành này cùng với mọi công lao vất vả và mọi đồ
quý giá, cũng như tất cả kho tàng của các vua Judah, Ta sẽ nộp vào tay quân thù
chúng; bọn này sẽ cướp phá, tịch thu đem về Babylon. Còn ông, hỡi Pathhur,
chính ông và tất cả những người ở trong nhà ông sẽ phải đi lưu đày. Ông sẽ đi
Babylon, sẽ chết tại đó và sẽ phải chôn tại đó; ông cũng như tất cả bạn bè, tức
là những người đã nghe ông tuyên sấm láo!"
1.2/ Ngôn sứ Jeremiah tìm sức mạnh nơi Thiên Chúa: Một mình phải
đương đầu với bao nhiêu chống đối từ gia đình, bạn bè, các tư tế, và triều đình
nhà vua, tiên-ri Jeremiah biết mình sẽ không thể địch nổi với bè lũ hung tàn, nếu
không có sức mạnh của Thiên Chúa. Tiên tri tin tưởng và cầu nguyện: “Nhưng Đức
Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng. Vì thế những kẻ từng hại
con sẽ thất điên bát đảo, chúng sẽ không thắng nổi con. Chúng sẽ phải thất bại,
và nhục nhã ê chề: đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.”
Tiên-tri biết Thiên Chúa có uy quyền để trừng phạt
và sức mạnh để giải thóat người công chính: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, Đấng dò
xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can, con sẽ thấy Ngài trị tội chúng
đích đáng, vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài. Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi
khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.”
2/
Phúc Âm: Chúa Giêsu bị người Do-thái ném đá.
2.1/ Lý do Chúa Giêsu bị ném đá: Chúa Giêsu chất
vấn người Do-thái tại sao ném đá Ngài, người Do-thái cho Chúa Giêsu biết lý do:
"Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời
nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa." Lời
mà họ vịn vào để ném đá Chúa Giêsu là “Tôi và Chúa Cha là một” (Jn 10:30). Chúa
Giêsu biết rất khó để cắt nghĩa cho họ hiểu câu này, nên Ngài dùng cách cắt
nghĩa bằng việc làm. Chúa Giêsu dùng lời Thánh Vịnh 82:6: “Ta đã phán: Hết thảy
các ngươi đây đều là bậc thần thánh (elohim), là con Đấng Tối Cao (benê
Elyôn).” Trong Cựu Ước, Thiên Chúa thường chọn các Quan Án và gởi họ đến
cho dân để họ xét xử dân theo lẽ công bình. Các Quan Án này thường được coi như
các vị thần của dân chúng. Ý tưởng này rõ ràng hơn trong Sách Xuất Hành khi Đức
Chúa phán với ông Moses: "Coi này, Ta làm cho ngươi nên một vị thần (elohim)
đối với Pharao, còn Aaron, anh ngươi, sẽ là ngôn sứ của ngươi” (Exo 7:1). Chúa
Giêsu kết luận: “Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc
thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã
thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: "Ông nói phạm
thượng! vì tôi đã nói: "Tôi là Con Thiên Chúa?"”
2.2/ Chúa Giêsu chứng minh bằng việc làm: Chúa Giêsu
không chỉ chứng minh cho họ bằng lời Kinh Thánh, mà còn bằng các việc Người đã
làm: nuôi dân chúng ăn, chữa lành mọi bệnh tật, trục xuất quỷ, cho người chết sống
lại … Những việc này chứng minh Ngài có uy quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu hỏi
họ: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu
tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc
đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi
và tôi ở trong Chúa Cha." Không thể tranh luận với Ngài lời, cũng không thể
bắt lỗi Ngài bằng việc làm; lẽ ra họ phải phục thiện và tin vào Ngài, nhưng họ
lại chọn dùng vũ lực để uy hiếp Người vô tội như trình thuật kể: “Bấy giờ họ lại
tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.”
Chúa Giêsu trở về chỗ Ngài đã chịu Phép Rửa bởi
Gioan và Ngài ở lại đó: Tại sao Chúa Giêsu tìm đến nơi này? Ngài biết giờ của
Ngài trên dương gian sắp hết và Ngài muốn tìm lại nguồn sức mạnh nơi Ngài bắt đầu
sứ vụ rao giảng để có đủ sức đương đầu với những người chống đối. Đây là chỗ mà
Thiên Chúa Cha đã làm chứng cho Ngài bằng tiếng vọng từ Trời: “Đây là Con Ta
yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người.” Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo
nhau: "Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói
về người này đều đúng." Họ nhận ra sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và Gioan:
Ông Gioan là ngôn sứ nói cho họ biết về Chúa Giêsu, nhưng không làm một phép lạ
nào cả. Chúa Giêsu chứng minh những gì Gioan nói về Ngài là sự thật bằng các việc
Ngài làm. Tổng hợp cả hai lời chứng và việc làm, “Ở đó, nhiều người đã tin vào
Đức Giêsu.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải sáng suốt để nhận ra sự thật, cho dù
sự thật có phũ phàng và thiệt hại đến đâu đi nữa; vì chỉ có sự thật mới thực sự
giải thóat con người.
- Làm ngôn sứ cho Thiên Chúa là phải đương đầu với
quyền lực của thế gian và ma quỉ; chúng ta không được khiếp sợ những quyền lực
này đến độ không dám nói và làm chứng cho sự thật.
- Chúng ta phải tôn trọng những người dám nói và làm
chứng cho sự thật. Đừng bao giờ lạm dụng uy quyền để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù,
và thủ tiêu họ. Thiên Chúa là Đấng Chí Công, Ngài sẽ bảo vệ, giải thóat, và trả
thù cho những người công chính.
Lm.
Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
18/03/16 THỨ SÁU TUẦN 5 MC
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT
Ga 10,32-42
Th. Sy-ri-lô, giám mục Giê-ru-sa-lem, tiến sĩ HT
Ga 10,32-42
Suy niệm: Ngày 25/02/2006, việc phục vụ của các nữ tu
Công giáo – cụ thể là các chị em tu hội Nữ Tử Bác Ái – tại trại phong Di Linh
đã được xã hội tuyên dương qua việc trao tặng huân chương cho nữ tu Mai Thị
Mậu. Việc tuyên dương đó không chỉ có ý nghĩa công nhận sự hiện diện của các nữ
tu, và xác nhận tính chất “tử tế” của công việc họ làm hằng ngày giữa những anh
chị em bệnh phong. Họ đã âm thầm phục vụ như thế từ lâu vì họ được thôi thúc
bởi tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân, cách riêng với những anh chị
em bất hạnh nhất. Họ đang lặp lại sự chọn lựa của Chúa Giê-su nơi cuộc đời
mình: Cùng với Đức Giê-su “làm các việc của Thiên Chúa” để nếu như người đời chưa tin thì ít ra cũng
cảm nhận được Ngài qua những “việc-của-Thiên-Chúa” đó.
Mời Bạn: Hẳn
bạn đang tự hỏi đâu là tiêu chí xác định một việc là việc của Thiên Chúa. Gương
sống của các nữ tu trên đây minh hoạ cho Lời Chúa và trả lời cho bạn câu hỏi
đó: Tình yêu mãnh liệt đối với Chúa và tha nhân đến độ “hy sinh mạng sống mình vì đàn
chiên”. Bạn
chỉ trở thành một chứng nhân đáng tin cậy khi bạn làm “việc-của-Thiên-Chúa” theo cũng một tiêu chí đó.
Sống Lời Chúa: Làm
một việc phục vụ mà bạn thấy giúp bạn nên giống Chúa Giê-su nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Cha; bởi
đó là tình yêu và lẽ sống của Ngài. Xin cho con cũng biết luôn làm đẹp lòng
Chúa Cha, dù phải đi vào con đường thập giá. Amen.
Tôi là Con Thiên Chúa
Chúng ta cũng là những người được thánh hiến qua
bí tích Thánh Tẩy, được sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của
Chúa Giêsu.
Suy
niệm:
Bài
Tin Mừng hôm nay cũng giống bài hôm qua,
Đức
Giêsu lại bị ném đá vì bị kết tội phạm thượng.
Có
lần Ngài đã bị kết tội là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa
chỉ
vì đã nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5, 18).
Bây
giờ Ngài bị kết tội phạm thượng vì dám tự cho mình là Thiên Chúa (c. 33).
Thực
ra Đức Giêsu không bao giờ nhận mình như vậy,
vì
Thiên Chúa là Cha của Ngài, Ngài chỉ nhận mình là Con (c. 36).
Nhận
mình là Con Thiên Chúa không phải là một lời phạm thượng.
Nhưng
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc nhất vô nhị.
Ngài
là Con Một hằng ở nơi cung lòng Cha (Ga 1, 18),
đầy
tràn ân sủng và sự thật (Ga 1, 14).
Người
Con Một ấy đã trở thành người phàm mang tên Giêsu (c. 33),
trở
thành quà tặng cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Đức
Giêsu gắn bó với Chúa Cha đến nỗi Ngài có thể nói :
“Chúa
Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (c. 38).
Hơn
nữa, Ngài còn dám nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (c. 30).
Con
và Cha hiệp nhất làm một với nhau,
Người
được sai kết hiệp làm một với Đấng sai mình.
Con
không tự mình làm điều gì, không làm theo cách của mình,
Con
luôn sống như người được Cha sai.
Đây
không phải chỉ là sự hiệp nhất trong công việc,
mà
còn là sự hiệp nhất sâu thẳm giữa hai ngôi vị thần linh.
Đức
Giêsu đã làm nhiều việc tốt đẹp (c. 32).
Các
việc này không phải là việc của Ngài, mà là việc của Cha Ngài (c. 37).
Suốt
đời Đức Giêsu chỉ tận tụy với việc của Cha.
Trên
thập giá, trước khi lìa đời, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Ngài
đã vuông tròn mọi việc Cha giao.
Những
việc tốt đẹp này là một lời chứng hùng hồn cho con người của Ngài:
“Nếu
tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi,
ít
ra cũng hãy tin các việc đó” (c. 38).
Tin
vào việc làm dẫn đến tin vào con người.
“Tôi
là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian” (c. 36).
Thiên
Chúa Cha đã thánh hiến Chúa Con để Ngài thi hành sứ mạng.
Chúng
ta cũng là những người được thánh hiến qua bí tích Thánh Tẩy,
được
sai vào thế giới này để chia sẻ sứ mạng còn dang dở của Chúa Giêsu.
Chúng
ta còn nhiều điều tốt đẹp phải làm cho cuộc đời này
trước
khi có thể nói như Chúa: “Thế là đã hoàn tất”.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin
cho con dám hành động
theo
những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì
xác tín rằng
Chúa
ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa
ngàn lần quảng đại hơn con,
và
Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin
cho con dám liều theo Chúa
mà
không tính toán thiệt hơn,
anh
hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can
đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và
ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
18
Tháng Ba
Ðất
Thánh
Một
giáo xứ miền quê nọ đã được thành lập từ lâu, nhưng chưa có được một ngôi nhà
thờ xây cất hẳn hoi. Giáo dân lại nằm rải rác trong hai ngôi làng sát cạnh
nhau. Khát vọng duy nhất của giáo dân là được có nơi thờ phượng đàng hoàng... Với
sự hăng say bộc phát của những người nông dân, mọi người đã quảng đại đáp lại lời
kêu gọi của các chức sắc trong giáo xứ: kẻ góp tiền, người cho vật dụng... Thế
nhưng vấn đề cơ bản vẫn là: đâu là địa điểm xứng hợp nhất để xây cất nhà thờ.
Người trong làng này thì muốn ngôi nhà thờ tọa lạc trong làng của mình. Người
bên làng kia thì lại muốn ngôi nhà thờ được xây cất gần bên chỗ mình ở. Thế là
hai bên cứ tranh luận, không bên nào muốn nhường bên nào. Tiền đã có sẵn, vật dụng
cũng đã đầy đủ, nhưng không biết phải đặt viên đá đầu tiên bên làng nào.
Giữa
lúc vấn đề địa điểm chưa ngã ngũ, thì một vấn đề lớn lại xảy ra: một nạn hạn
hán trầm trọng đe dọa dân chúng trong cả hai làng. Thế là người ta chỉ còn nghĩ
đến việc chống hạn hán hơn là xây cất nhà thờ. Nhưng sức người có hạn, việc dẫn
thủy nhập điền không đạt được chỉ tiêu. Năm đó, toàn dân trong hai làng đều phải
chịu cảnh đói khát.
Sống
bên cạnh nhau, cho nên mặc dù ngăn cách về hành chính, dân hai làng vẫn coi
nhau như bà con ruột thịt... Có hai gia đình nông dân nọ rất mực thương nhau và
tương trợ nhau. Một người bên làng này luôn nghĩ đến cảnh đói khổ mà người bạn
bên làng kia đang phải chịu. Thế là một đêm nọ, anh đã phân chia phần lúa thóc
thu hoạch được trong vụ mùa vừa qua và lặng lẽ vác lên vai để mang qua cứu trợ
người bạn của làng bên cạnh... Trong khi đó thì người bạn bên làng bên cạnh
cũng có một ý nghĩ tương tự. Anh cũng hành động y như người bạn của mình. Cũng
chính đêm hôm đó, anh đã sớt bớt phần lúa của mình để mang qua biếu người bạn ở
làng kế bên... Giữa đêm tối, không hẹn hò, hai người bạn đã gặp nhau trong cùng
một ý nghĩ và hành động. Không cần một lời giải thích, không cần một lời chào hỏi,
hai người đã hiểu nhau: Họ bỏ bao lúa xuống đất và ôm trầm lấy nhau... Ðiểm gặp
gỡ của tình bạn, của tình tương thân tương ái, của tình liên đới, của chia sẻ ấy
đã được giáo dân của hai ngôi làng gọi là đất Thánh và không cần phải mất nhiều
thủ tục để giải quyết, họ đã đồng thanh chọn địa điểm ấy làm nơi xây cất nhà thờ.
Nhà
thờ là nơi hẹn hò: hẹn hò với Thiên Chúa, hẹn hò với con người. Không ai đến
nhà thờ mà không tìm gặp được sức mạnh từ chính Chúa, sự an ủi đỡ nâng từ những
người anh em của mình... Do đó, nhà thờ phải là điểm đến của mọi nẻo đường, nhà
thờ phải là nơi hội tụ của mọi xây dựng, nhà thờ phải là giải đáp của mọi tranh
luận... Người ta không thể xây dựng những ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ mà lại
làm ngơ trước những người đang dẫy chết bên cạnh. Người ta không thể nhắm mắt
đi đến nhà thờ trong khi bên lề đường có bao nhiêu kẻ lê lết trong đói khổ...
Phải chăng, nhà thờ chỉ có thể xây dựng ngay chính trên đất Thánh của chia sẻ,
của san sớt, của tình liên đới mà thôi? Phải chăng, việc đi đến nhà thờ cũng chỉ
có ý nghĩa khi nó là điểm đến, là biểu trưng của chính những viên gạch bác ái
mà người ta không ngừng xây dựng trong cuộc sống hằng ngày?
Lẽ Sống
Lectio Divina: Gioan 10:31-42
Thứ Sáu, 18 Tháng 3,
2016
Thứ Sáu Tuần V Mùa
Chay
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con,
Chúa là Thiên Chúa trung tín,
Mãi mãi chung thủy với lời hứa của mình.
Xin Chúa hãy củng cố đức tin của chúng
con,
Để cùng với Chúa Giêsu, chúng con có thể
luôn giữ lòng tín thác vào Chúa
Cho dù có những thành kiến, chế giễu
hoặc mâu thuẫn.
Xin Chúa ban cho chúng con niềm tin vững
chắc
Rằng Chúa không bao giờ thay đổi lời
giao ước với chúng con
Trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Gioan
10:31-42
Khi ấy, người Do Thái lượm đá để ném
Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy
nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá
Ta?”
Người Do Thái trả lời: “Chúng tôi
muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông
chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại:
“Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta đã nói:
các ngươi là thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời
Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói
với Đấng đã được Chúa Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng: ‘Ông
nói lộng ngôn’, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những
việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc
đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các
ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.
Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng
Người thoát khỏi tay họ.
Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi
trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến
cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào.
Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin
Người.
3. Suy Niệm
- Chúng ta đến
gần Tuần Thánh, lúc chúng ta tưởng niệm và nhớ lại về Cuộc Thương Khó, cái Chết
và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Bắt đầu từ tuần thứ tư Mùa Chay, các văn
bản của bài Tin Mừng hằng ngày gần như độc quyền được trích từ sách Tin Mừng
Gioan, hai chương nhấn mạnh đến mối căng thẳng bi thảm giữa việc mặc khải tăng
dần lên; một phía, Chúa Giêsu cho thấy mầu nhiệm về Chúa Cha hoàn toàn phủ đầy
trong Chúa Giêsu, và ở phía kia, việc đóng cửa lòng tăng dần lên của người Do
Thái là những kẻ càng trở nên cứng lòng hơn với sứ điệp của Chúa Giêsu.
Khía cạnh bi thương của việc khép kín này là vì họ cho rằng đó là lòng trung
thành với Thiên Chúa. Họ nhân danh Thiên Chúa mà chối từ Chúa Giêsu.
- Trong cách này, thánh
sử Gioan trình bày cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và giới thẩm quyền tôn giáo
không chỉ là một việc gì đó đã xảy ra trong quá khứ xa xưa. Nó cũng là
tấm gương phản chiếu những gì đang xảy ra ngày nay. Nhân danh Thiên Chúa,
một số người tự biến mình thành những trái bom và giết người khác. Nhân
danh Thiên Chúa, chúng ta, các thành viên thuộc ba tôn giáo của Thiên Chúa của
Abraham, người Do Thái, Kitô hữu và người Hồi giáo, cùng lên án lẫn nhau, tranh
chấp lẫn nhau, trong suốt dòng lịch sử. Chương trình đại kết thì thật là
khó khăn giữa chúng ta, và đồng thời nó thật là cần thiết. Nhân danh
Thiên Chúa, nhiều điều khủng khiếp đã xảy ra và chúng ta lại tiếp tục tái phạm
mỗi ngày. Mùa Chay là thời gian quan trọng để cho chúng ta dừng lại và tự
vấn: Hình ảnh nào về Thiên Chúa mà tôi có trong lòng?
- Ga
10:31-33: Người Do Thái muốn ném đá Chúa Giêsu. Người
Do Thái chuẩn bị lượm đá để giết Chúa Giêsu và Chúa lên tiếng hỏi rằng:
“Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào
mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Họ trả lời rằng: “Chúng tôi muốn ném
đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là
người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Họ muốn giết Chúa Giêsu vì Người
phạm thượng. Luật đã ra lệnh rằng những kẻ như thế phải bị ném đá.
- Ga
10:34-36: Kinh Thánh gọi tất cả mọi người là con cái Thiên Chúa.
Người Do Thái muốn giết Chúa Giêsu bởi vì Người nói mình là Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trả lời đúng theo lề luật của Thiên Chúa. “Nào trong sách luật
của các ngươi không có chép câu này: ‘Ta đã nói: các ngươi là
thần’? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh
Thánh không thể hủy diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Đấng đã được Chúa
Cha thánh hóa và sai đến trong trần gian rằng: ‘Ông nói lộng ngôn’, vì Ta
đã nói Ta là Con Thiên Chúa?”
- Một cách khác
thường, Chúa Giêsu nói “sách luật của các ngươi”. Chúa đã có thể nói
rằng: “Lề Luật của chúng ta”. Tại sao Người lại nói theo cách
này? Ở đây, một lần nữa xuất hiện sự chia rẽ bi thảm giữa người Do Thái
và Kitô hữu, anh chị em, con cái của cùng tổ phụ Abraham, họ đã trở thành kẻ
thù không đội trời chung cho đến nỗi mà các Kitô hữu nói rằng “sách luật của
các ngươi”, như thể nói không phải là sách luật của chúng tôi.
- Ga 10:37-38: Ít
ra là tin vào các việc tốt lành. Chúa Giêsu lại nói về các việc mà
Người đã làm và đó là những việc mặc khải về Chúa Cha. “Nếu Ta không làm
những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những
việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để
các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha.” Đây
cũng là những lời mà Chúa Giêsu nói trong Bữa Tiệc Ly (Ga 14:10-11).
- Ga 10:39-42: Một
lần nữa, họ lại muốn giết Chúa Giêsu, nhưng Người thoát khỏi tay họ.
Không có dấu hiệu của sự chuyển đổi. Họ tiếp tục nói rằng Chúa Giêsu lộng
ngôn và nhất quyết đòi giết Người. Không có tương lai cho Chúa
Giêsu. Cái chết của Người đã được định đoạt, thế nhưng giờ của Người chưa
đến. Chúa Giêsu đi ra và sang bên kia sông Giođan, nơi mà trước kia ông
Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa. Chúa giúp người ta nhận thức được cách
Thiên Chúa cư xử trong lịch sử. Người ta nhận ra rằng Chúa Giêsu là Đấng
mà Gioan đã công bố.
4. Một vài câu
hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Người Do Thái
nhân danh Thiên Chúa mà lên án Chúa Giêsu, nhân danh hình ảnh mà họ có về Thiên
Chúa. Đôi khi, tôi đã có nhân danh Thiên Chúa mà lên án một ai đó và tôi
đã có khám phá ra rằng mình đã nhầm lẫn chưa?
- Chúa Giêsu tự
nhận mình là “Con Thiên Chúa”. Trong kinh Tin Kính, khi tôi tuyên xưng
rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, tôi đã tuyên xưng đức tin của mình theo nội
dung nào?
5. Lời nguyện
kết
Lạy CHÚA là núi đá, là thành lũy, là
Đấng giải thoát con;
Lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho
con trú ẩn,
Là khiên mộc, là Đấng Cứu Độ quyền năng,
là thành trì bảo vệ.
(Tv 18:2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét