16/02/2017
Thứ Năm tuần 6 thường niên
Bài Ðọc I: (Năm I) St
9, 1-13
"Ta sẽ đặt
trên trời một cái mống, và nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".
Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa chúc phúc
cho Noe và con cái ông. Người phán bảo rằng: "Các ngươi hãy sinh sản ra
nhiều cho đầy mặt đất. Mọi thú vật dưới đất, mọi chim chóc trên trời, cùng mọi
động vật trên mặt đất và mọi loài cá dưới biển đều phải kính sợ các ngươi: Tất
cả đều được giao phó trong tay các ngươi. Tất cả những động vật còn sống đều là
thức ăn của các ngươi, cũng như Ta ban cho các ngươi mọi thứ rau đậu xanh tươi,
ngoại trừ thịt còn ứ máu thì các ngươi đừng ăn, vì Ta sẽ đòi giá máu sinh mạng
của các ngươi. Ta sẽ đòi giá máu các ngươi do muông thú sát hại, do tay con người
và do tay anh em sát hại. Hễ ai làm đổ máu người, thì máu nó cũng sẽ phải do
người mà đổ ra, vì loài người được tác tạo giống hình ảnh Thiên Chúa. Các ngươi
hãy sinh sản ra nhiều cho đầy mặt đất".
Thiên Chúa lại phán
cùng ông Noe và con cái ông rằng: "Ðây Ta ký kết giao ước của Ta với các
ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, như
chim chóc, gia súc, tất cả những thú vật đang sống trên mặt đất với các ngươi,
những gì ra khỏi tàu và toàn thể thú vật trên mặt đất. Ta ký kết giao ước của
Ta với các ngươi; nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào
còn lụt tàn phá trái đất nữa".
Và Thiên Chúa phán:
"Ðây là dấu chỉ giao ước ký kết giữa Ta với các ngươi, và tất cả sinh vật
đang ở với các ngươi và sau này mãi mãi. Ta sẽ đặt trên trời một cái mống, và
nó sẽ là dấu chỉ giao ước giữa Ta với trái đất".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 101, 16-18.
19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế (c. 20b).
Xướng: 1) Lạy Chúa,
muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh
quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion. Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn,
Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.
2) Những điều này được
ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ
thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế,
để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.
3) Con cháu của bầy
tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người
ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Ngài ở Giêrusalem, khi chư
dân cùng nhau quy tụ và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! -
Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với
Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 8, 27-33
"Thầy là Ðấng
Kitô. Con Người sẽ phải chịu khổ nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu
cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc
đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp
lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho
là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các
con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô".
Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. Và Người bắt đầu
dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các
trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người
công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người.
Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy
lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ngài là Ðức
Kitô
Ðoạn Tin Mừng hôm nay
thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt Cêrarê thuộc quyền Philip.
Chúa Giêsu đã làm rất
nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẻ so với các Rabbi Do thái. Dân
chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: người thì bảo là
Gioan Tẩy giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một Tiên tri nào đó. Riêng
Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau
mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.
Nhưng đã đến lúc Chúa
Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các
môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc
nghiệm về chính lòng tin của họ. Lời đáp của Phêrô quả là một lời tuyên xưng:
"Ngài là Ðức Kitô", nghĩa là Ðấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng
dân tộc. Dĩ nhiên, trong cái nhìn của Phêrô và phù hợp với giấc mơ của ông, thì
Ðức Kitô mà các ông mong đợi là Ðấng sẽ dùng quyền năng của mình để đánh đuổi
ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi
Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài.
Tuyên xưng một Ðức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường Thập giá của
Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thái độ của Satan. Ba cám dỗ của Satan đối với Chúa
Giêsu đều qui về một mối là hãy khước từ con đường Thập giá; vì thế, khi Phêrô
vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường Thập giá, Chúa Giêsu đã gọi
Phêrô là Satan.
Phêrô và các môn đệ chỉ
hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, khi Ngài từ trong cõi chết sống lại. Ðấng
Kitô là một danh hiệu gắn liền với Thập giá. Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng
Chúa Kitô, cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường của Ngài, Phêrô và các
môn đệ đã sống đến tận cùng lời tuyên xưng của mình; tất cả đều lặp lại cái chết
khổ hình của Chúa Kitô.
Chúa Giêsu đã nói:
"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập gía mỗi ngày mà theo Ta".
Cuộc sống hàng ngày, nhất là trong những hoàn cảnh hiện tại, hơn bao giờ hết là
một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu không bảo chúng
ta đi tìm Thập giá, nếu không, đạo Kitô chỉ là một thứ tôn giáo bệnh hoạn,
trong đó con người tự đày ảy mình; nhưng Ngài bảo chúng ta vác lấy thập giá
mình. Mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá, Thiên Chúa không bao giờ đặt
một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.
Có rất nhiều cách để
chúng ta khước từ thập giá: chúng ta từ khước thập giá bằng cách không tiếp nhận
cuộc sống như một ân ban; chúng ta khước từ thập giá khi chúng ta chỉ nhìn một
cách bi quan về các biến cố và con người; khi chúng ta bán đứng lương tâm vì một
chút lợi lộc vật chất; khi chúng ta đóng kín niềm tin trong các buổi phụng vụ,
trong bốn bức tường nhà thờ, mà quên rằng sống đạo là sống niềm tin Kitô trong
từng giây phút của cuộc sống.
Chúng ta hãy lặp lại lời
thánh Phaolô: "Tôi chỉ biết có một Chúa Kitô và là Chúa Kitô chịu đóng
đinh Thập giá". Ước gì niềm tin của chúng ta luôn được soi sáng bằng mầu
nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, và được thể hiện bằng một thái độ chấp
nhận thập giá trong từng giây phút cuộc đời.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 6 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Gen
9:1-13; Mk 8:27-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cầu
vồng và Thánh Giá là những dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa.
Con người hay quên,
nên phải có các biểu tượng để nhắc nhở con người. Mỗi khi nhìn biểu tượng, con
người hồi tưởng lại những gì đã xảy ra. Mục đích của việc hồi tưởng là giúp cho
con người biết ăn ở làm sao để không phải lãnh nhận hậu quả xấu, hay sống xứng
đáng với tình yêu của người đã hy sinh cho họ. Ví dụ, di ảnh người quá cố, các
đài kỷ niệm của các chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc …
Trong các Bài Đọc hôm
nay, Thiên Chúa dùng các biểu tượng cụ thể để nhắc nhở con người. Trong Bài Đọc
I, Thiên Chúa dùng Cầu Vồng để nhắc nhở con người Lụt Hồng Thủy. Mỗi khi con
người nhìn nó, con người nhớ lại tội lỗi là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy, và lời
Thiên Chúa hứa sẽ không tàn sát con người và trái đất như vậy nữa. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ con đường Thánh Giá mà Ngài sắp phải trải
qua. Mỗi lần nhìn Thánh Giá, con người nhớ lại tội lỗi là nguyên nhân cái chết
của con Thiên Chúa, và tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cầu vồng là dấu hiệu giao ước mới giữa Trời và đất.
1.1/ Những điều khác biệt
giữa hai kỷ nguyên: Kỷ nguyên cũ bắt đầu từ
công trình sáng tạo của Thiên Chúa cho tới Lụt Hồng Thủy; kỷ nguyên mới bắt đầu
khi Đức Chúa thiết lập giao ước mới với Noah. Điều chúng ta nhận ra đầu tiên là
hai câu 1 và 7, với lời truyền giống nhau: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho
đầy mặt đất” thiết lập giới hạn cho một nhóm. Lệnh truyền này cũng giống như lệnh
truyền ban đầu khi Thiên Chúa tạo dựng con người. Từ câu 2 đến câu 6 là những
điều luật mới cho kỷ nguyên mới:
(1) Con người có quyền
trên muông thú: không trong trật tự như kỷ nguyên đầu, nhưng trong sợ hãi: “Mọi
dã thú, mọi chim trời, mọi giống vật bò dưới đất, và mọi cá biển sẽ phải kinh
hãi khiếp sợ các ngươi: chúng được trao vào tay các ngươi.”
(2) Con người được ăn
thịt nhưng không được ăn máu thú vật: Trong kỷ nguyên đầu, con người chỉ ăn thực
vật mà thôi. Trong kỷ nguyên mới, con người được ăn động vật, nhưng không được
ăn máu. Truyền thống không được ăn máu bắt nguồn từ P, vì họ tin máu là chỗ của
sự sống (x/c Lev 17:10-14, Deut 12:23, Acts 15:29).
(3) Ai đổ máu con người
sẽ phải đền nợ máu: Lệnh truyền này áp dụng cho cả súc vật lẫn con người. Thiên
Chúa có quyền tối hậu trên sự sống, con người thực thi những gì Ngài truyền dạy.
(4) Mạng đền mạng: “Ai
đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con
người theo hình ảnh Thiên Chúa.” Lệnh truyền này không có trong kỷ nguyên đầu,
vì Cain không phải đền nợ máu em mình.
1.2/ Giao ước của Thiên
Chúa với Noah: Nếu hiểu giao ước là một hợp
đồng ký kết giữa hai bên về bổn phận mỗi bên, đây không thuần túy là giao ước,
và chỉ là Lời Hứa của Thiên Chúa, vì không thấy nói tới nghĩa vụ của con người.
Lời Hứa này được mở rộng tới muôn lòai trên mặt đất.
(1) Sẽ không bao giờ xảy
ra Lụt Hồng Thủy nữa: Thiên Chúa phán với ông Noah và các con ông đang ở với
ông rằng: "Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các
ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã
thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập
giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ
diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa."
(2) Cầu vồng là dấu hiệu
bên ngòai của giao ước: "Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các
ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác
cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất.” Mỗi
khi nhìn cầu vồng, con người nhớ lại 2 điều: Lụt Hồng Thủy xảy ra là do tội lỗi
của con người, và Lời Hứa của Thiên Chúa sẽ không tàn phá trái đất với trận lụt
kinh khủng như vậy nữa.
2/ Phúc Âm: Thánh Giá là giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người.
2.1/ Căn tính của Chúa
Giêsu: Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đã gần
kề, Ngài biết trước những gì sẽ xảy ra cho Ngài và cho các môn đệ. Đã đến lúc
Ngài cần biết niềm tin của con người vào Ngài, nhất là của các môn đệ, sau khi
đã mặc khải, dạy dỗ, và biểu tỏ uy quyền. Trình thuật hôm nay xảy ra trên đường
tới các làng xã vùng Caesarea Philipphê, Banias hiện giờ. Đây là một vùng rất đẹp
và linh thiêng, nằm dưới rặng núi Khermon, và giáp giới nhiều sông từ Syria chảy
xuống, nên có rất nhiều nước. Nó là đầu nguồn của Biển Hồ và sông Jordan, nguồn
cung cấp nước duy nhất cho Palestine. Nơi đây tập trung đền thờ của nhiều thần:
Thần Pan của Hy-Lạp, Hòang-đế Caesar của Roma, thần của Syria, và thần Baal của
Do-Thái. Chúa Giêsu muốn dùng nơi này để giúp các môn đệ nhận ra sự khác biệt
giữa Ngài và các thần của các tôn giáo khác.
Người hỏi các môn đệ:
"Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông
Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elijah, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào
đó." Vua Herode cũng cho Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả mà ông đã chém đầu
nay sống lại. Truyền-thống Do-Thái tin Elijah sẽ trở lại trước ngày Đấng Thiên
Sai tới; nhưng tất cả những câu trả lời này không nói đúng căn tính của Đức
Kitô. Chúa Giêsu lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là
ai?" Ông Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô." Đây là câu trả lời
mà Chúa Giêsu mong mỏi vì đó là căn tính của Ngài, Đấng Thiên Sai, Người được
sai tới từ Thiên Chúa Cha.
2.2/ Cách cứu độ của Đấng
Messiah: Phêrô tuy nói đúng căn tính của
Chúa Giêsu, nhưng không thể chấp nhận điều Chúa Giêsu mặc khải về cách cứu độ của
Ngài, đó là qua con đường Thập Giá. Ông cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu đi con
đường khác, và Chúa Giêsu đã khiển trách ông nặng nề: "Satan! lui lại đàng
sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của
loài người."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi khi nhìn Cầu Vồng,
chúng ta nhớ lại Lụt Hồng Thủy, và tội lỗi con người là nguyên nhân của trận lụt
kinh hòang đó. Tuy nhiên, vì yêu thương, Thiên Chúa đã hứa Ngài sẽ không để một
trận lụt như thế tàn phá con người và trái đất nữa.
- Mỗi khi nhìn Thập
Giá, chúng ta nhớ lại cái chết tủi nhục của Chúa Giêsu, và tội lỗi chúng ta là
nguyên nhân cái chết của Ngài. Vì yêu thương nhân lọai, Chúa Cha đã ban cho
chúng ta Người Con Một của Ngài, sẵn sàng chết thay để chúng ta được hưởng Ơn Cứu
Độ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Mc 8,27-33
TÔI TIN KÍNH ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ
CHỊU ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ
Đức Giê-su hỏi các môn
đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” (Mc 8,29)
Suy niệm: Đối với Đức Giê-su,
việc các môn đệ chỉ lặp lại quan điểm của người ta “nói Con Người là
ai” thì vẫn còn thiếu sót; cũng thế, đánh đồng Ngài với Ê-li-a, hay
Gio-an Tẩy Giả hay với bất cứ một tiên tri nào khác, là chưa nhận thức đúng căn
tính của Ngài. Thật vậy, tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô không phải là trích
dẫn lời tuyên bố của “ai đó” về một vị chúa chung chung, hay “một tiên tri nào
đó.” Ngài đòi hỏi các môn đệ tuyên xưng với sự xác tín của chính bản thân mình: “Còn
các con, các con nói Thầy là ai?” Mặt khác, lời tuyên xưng của Phê-rô
“Thầy là Đấng Ki-tô” cũng chưa đủ rõ; Đức Giê-su còn minh giải: Quả
thật, Ngài đúng là Đấng Ki-tô, nhưng là một Đấng Ki-tô sẽ phải chịu khổ hình,
chịu đóng đinh thập giá, chết và ngày thứ ba sẽ sống lại, nhờ đó, những ai tin
vào Ngài sẽ được cứu độ.
Mời Bạn: Kinh Tin Kính được đọc chung trong Thánh lễ, nhưng phải
nhớ rằng kinh ấy bắt đầu bằng những lời: “Tôi tin kính,” nghĩa
là nó phải là lời tuyên xưng đức tin xuất phát từ sự xác tín đầy ý thức và tự
do của chính bản thân mình. Hơn nữa, khi tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chịu
đóng đinh vào thập giá, tôi đoan hứa “từ bỏ mình, vác thập giá mình
hằng ngày mà đi theo Người” (x. Mc 8,34).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm việc hy sinh hãm mình để kết hiệp với
Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin
ban Thánh Thần soi lòng mở trí cho con, để con thêm hiểu biết về Chúa, và nhờ
đó thêm lòng yêu mến và vui lòng vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa.
(5 phút lời Chúa)
Tư tưởng của loài người (16.2.2017 – Thứ năm Tuần 6 Thường niên)
Chúng ta cũng sợ như Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp. Chúng ta cũng dễ nghĩ theo
kiểu người phàm, chứ không nghĩ theo kiểu Thiên Chúa.
Suy niệm:
Không rõ tại sao Thầy
Giêsu lại chọn lúc đi đường với các môn đệ
lên vùng cao phía bắc xứ
Paléttin, gần chân núi Khécmôn,
để thăm dò xem dân chúng
nghĩ Thầy là ai.
Quan trọng hơn, Thầy muốn
biết các môn đệ nghĩ gì về Thầy:
“Còn anh em, anh em bảo
Thầy là ai?”
Thầy Giêsu đã sống bên
các môn đệ từ mấy năm qua.
Họ đã được gọi, được
chọn, được theo,
đã được thấy, được nghe,
được chạm đến.
Bao nhiêu là kinh nghiệm
gần gũi!
Nhưng Thầy Giêsu chẳng
nói rõ cho họ biết mình là ai.
bây giờ Thầy lại đặt câu
hỏi cho họ.
Ông Phêrô đại diện cho
anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.”
Đấng Kitô là Đấng Mêsia,
Đấng được Thiên Chúa xức dầu thánh hiến.
Vì thế người ta thường
coi Ngài là Đấng giải phóng hùng mạnh.
Nhiều người Do Thái mong
Đấng Kitô đến
để đánh đuổi quân Rôma và
đem lại thái bình cho đất nước.
Câu trả lời của Phêrô cơ
bản là đúng.
Thầy đúng là Mêsia, nhưng
lại không phải là Mêsia như Phêrô nghĩ.
Bởi lẽ Thầy là một Mêsia
phải chịu nhục nhã và thất bại,
chịu mang thân phận đau
khổ của Người Tôi Trung (Is 52-53).
Để vào ánh sáng, Thầy
phải vượt qua bóng tối của hố thẳm.
Dù sao câu trả lời của
Phêrô đã mở ra một giai đoạn mới.
Từ nay Thầy sẽ chia sẻ nhiều
hơn cho các ông về định mệnh tương lai.
Thầy sẽ nói rõ chứ không
nói bóng gió bằng dụ ngôn nữa (c. 32).
Thầy Giêsu biết rõ đau
khổ và cái chết đang đe dọa mình
đến từ phía các nhà lãnh
đạo Do thái giáo.
Nhưng Thầy cũng tin rằng
Cha ở với Thầy và sẽ không bao giờ bỏ Thầy.
Lần đầu tiên Thầy chia sẻ
cho môn đệ chuyện riêng tư,
niềm đau và hy vọng, cái
chết sắp đến và niềm tin vào sự sống lại,
dù chắc Thầy đã không nói
nguyên văn như ta thấy ở câu 31.
Phêrô không thể chấp nhận
được định mệnh mà Thầy mới gợi lên (c. 32).
Ông không hiểu được
chuyện Đấng Kitô mà phải chịu khổ đau, nhục nhã.
Ông không biết rằng chữ phải ấy
đến từ Thiên Chúa,
và thất bại cũng như cái
chết có chỗ trong chương trình của Ngài.
Phêrô thương Thầy, và
tình thương lại trở thành một cám dỗ lớn.
Ông muốn Thầy đổi ý, ông
muốn đi trước dẫn đường cho Thầy.
Thầy Giêsu đòi ông trở
lại đằng sau, đi sau Thầy như môn đệ (c.33).
Chúng ta cũng sợ như
Phêrô, sợ cùng với Thầy Giêsu đi con đường hẹp.
Chúng ta cũng dễ nghĩ
theo kiểu người phàm,
chứ không nghĩ theo kiểu
Thiên Chúa (c. 33).
Xin được uốn lối nghĩ
khôn ngoan của mình
theo sự điên dại của
Thiên Chúa (1 Cr 1, 25).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG HAI
Bảo Trọng Những Hoa
Quả Khôn Ngoan
Tuổi đời càng chồng chất,
sức lực càng suy kiệt, hay đau ốm, vv… người già thường cảm thấy con người mình
mỏng mảnh, và nhất là cảm thấy gánh nặng của cuộc sống. Đó là những vấn đề của
tuổi già – và những vấn đề ấy không thể tìm ra ý nghĩa gì nếu chúng không được
cảm nghiệm và được sống như một thực tại của cuộc nhân sinh. Chúng ta được mời
gọi trân trọng người cao tuổi bởi vì phẩm giá của các ngài trong tư cách là con
người và bởi vì ý nghĩa của chính sự sống: sự sống bao giờ cũng là một hồng ân.
Thánh Kinh thường đề cập
đến người cao tuổi. Thánh Kinh coi tuổi già như một hồng ân – và hồng ân này phải
được sống hằng ngày trong tấm lòng rộng mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân.
Trên tất cả, Cựu ước
coi người già như thầy dạy sống: “Sự khôn ngoan của các vị bô lão, tư tưởng và
ý kiến của các bậc danh nhân thật đẹp đẽ chừng nào! Giàu kinh nghiệm là triều
thiên cho hàng bô lão; lòng kính sợ Đức Chúa là niềm hãnh diện của các ngài” (Hc
25, 5 – 6). Tuy nhiên, người cao tuổi còn có một vai trò quan trọng khác nữa.
Các ngài chuyển trao lời Thiên Chúa cho các thế hệ hậu sinh:
“Lạy Thiên Chúa, tai
chúng con đã từng được nghe
truyện cha ông vẫn thường
kể lại
về công trình Chúa đã
làm nên
thời các cụ thuở xa
xưa ấy” (Tv 44, 2).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16 -2
St 9, 1-13; Mc 8,
27-33.
Lời Suy Niệm: Người lại hỏi
các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng
Kitô”
Nhờ lời tuyên xưng của
Phêrô. Giúp cho mỗi người trong chúng ta nhận ra ơn đức tin được ban từ Thiên
Chúa; điều này đã được Chúa Giêsu cho Phêrô biết khi Phêrô tuyên xưng niềm tin
của mình: “Này anh Simon con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải
phàm nhân mạc khải cho anh, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt
16,17). Ơn đức tin cần phải biết lắng nghe và đón nhận một cách chân thành, và
thực thi Lời Chúa trong sự vâng phục. Đức Mẹ là mẫu gương đó khi nghe sứ thần
nói: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Bấy giờ Maria
nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần
nói.” (Lc 1,37-38).
Lạy Chúa Giêsu. Xin
Chúa cho mỗi người trong chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa và những giáo huấn của
Giáo Hội, siêng năng tham dự phụng vụ, chuyên cần học hỏi Lời Chúa, và suy niệm
trong lòng ðể đức tin của chúng con ngày càng được vững bền hơn.
Mạnh Phương
16 Tháng Hai
Ngọn Nến Cháy Sáng
Nữ sĩ người Thụy Ðiển
được giải Nobel văn chương là bà Selma Lagerloeff có kể một câu chuyện như sau:
Có một kỵ mã nọ, sau khi đã tham dự một trận thánh chiến thành công tại Thánh Ðịa,
đã làm một lời thề. Anh muốn đốt lên một ngọn nến ngay từ trên mộ của Chúa
Giêsu và mang ánh sáng ấy về quê hương của anhlà thành phố Fireheze bên Italia.
Quyết định ấy đa biến
anh thành một con người mới hoàn toàn. Từ một quân nhân hung hãn chuyên cầm
gươm giết người, nay người kỵ mã đã trở thành một con người hiền hòa, sẵn sàng
chấp nhận mọi thứ thiệt thòi.
Trên đường trở về
quê hương, cầm ngọn nến cháy sáng trong tay, người kỵ mã gặp không biết bao
nhiêu kẻ cướp bóc, nhưng anh không hề động đến chiếc gươm đang mang trong người.
Anh hứa trao cho họ bất cứ điều gì họ muốn, miễn là để cho anh được phép giữ lại
ngọn nến đang cháy sáng trong tay. Quân cướp lột hết tất cả những gì anh có, kể
cả chiến bào và con ngựa quý của anh. Họ cho anh một con ngựa già để đi từng bước
cầm chừng. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu thử thách, giờ này, người kỵ
mã cảm thấy thảnh thơi hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy thơ thới vì đã trút được bỏ
những của cải không cần thiết, nhưng anh vui mừng hơn cả vì vẫn còn giữ được ngọn
nến cháy sáng đã được thắp lên từ trên mồ của Chúa. Khi anh về đến giữa phố,
nhiều người nhìn anh như kẻ khờ dại. Họ chế nhạo và tìm đủ cách để dập tắt ngọn
nến trên tay anh. Nhưng người kỵ mã thà chết còn hơn là để cho ngọn nến tắt ngụm
trên tay mình. Và cuối cùng, anh đã mang được ngọn nến cháy sáng về đến nhà thờ
chính tòa của quê hương anh. Anh dùng ánh sáng từ ngọn nến ấy đốt lên tất cả những
ngọn nến trên bàn thờ.
Trước anh, nhiều
người cũng đã cố gắng làm một lời thề như thế. Nhưng dọc đường, vì nhiều lý do
khác nhau, ngọn nến đã tắt ngụm. Ðược hỏi: Ðâu là bí quyết giúp anh thành công
như thế. Người kỵ mã trả lời như sau: "Tôi đặt tất cả chú tâm vào ngọn nến.
Tôi sẵn sàng bỏ hết tất cả mọi sự để bảo vệ ngọn nến ấy".
Cuộc đời của người tín
hữu Kitô chúng ta vẫn thường được định nghĩa như một cuộc hành trình, một cuộc
hành trình trong đó mỗi người chúng ta cầm cháy sáng trong ngọn nến của Ðức
Tin. Bao lâu ngọn nến còn cháy sáng, bấy lâu chúng ta còn tiến bước. Sóng gió,
tăm tối trong cuộc hành trình là chuyện không thể tránh được. Nhưng nếu chúng
ta tiếp tục giữ cho ngọn nến cháy sáng, chúng ta vẫn có thể tiến bước.
Chúa Giêsu nói với
chúng ta: "Chúng con là ánh sáng thế gian". Ước mơ duy nhất của người
kỵ mã trong câu chuyện trên đây là được dùng ngọn nến đốt lên từ mồ Chúa để thắp
sáng lên ngọn đèn trong nhà thờ. Ðó cũng phải là ước mơ của mỗi người chúng ta.
Ánh sáng được trao ban cho chúng ta là để được truyền sang cho những ngọn đèn
khác. Có biết bao nhiêu ngọn đèn đang chờ đợi một chút ánh sáng từ ngọn nến của
chúng ta để được cháy lên?
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét