Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2017

13-08-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN năm A

13/08/2017
Chúa Nhật 19 thường niên năm A
(phần I)


BÀI ĐỌC I:  1 V 19, 9a. 11-13a
"Ngươi hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, khi Êlia đã lên núi Horeb của Thiên Chúa, ông trú ẩn trong một cái hang... Có lời Chúa phán cùng ông rằng: "Hãy ra đứng trên núi trước tôn nhan Chúa". Bỗng Chúa đi qua; có một cơn gió mạnh xé núi non và nghiền nát đá trước mặt Chúa; nhưng Chúa không ở trong gió bão. Sau trận gió bão thì đất động; Chúa cũng không ở trong cơn động đất. Sau cơn động đất thì có lửa; nhưng Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa thì có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe thấy, Êlia liền lấy áo choàng che mặt lại, đi ra đứng ở cửa hang.  Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA:  Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Đáp: Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con (c. 8).

1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán báo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong Đất Nước chúng tôi.  -  Đáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. -  Đáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái. Đức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Ngài. -  Đáp.

BÀI ĐỌC II:  Rm 9, 1-5
"Tôi đã ước ao được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi xin nói thật trong Đức Kitô, tôi không nói dối: lương tâm tôi làm chứng cho tôi trong Thánh Thần: là tôi buồn phiền quá đỗi, lòng tôi hằng đau đớn luôn. Chính tôi đã ao ước được loại khỏi Đức Kitô vì phần ích anh em của tôi, là những thân nhân của tôi về phần xác. Họ đều là người Israel, họ được quyền làm nghĩa tử, được vinh quang, giao ước, lề luật, việc phượng tự và lời hứa: các tổ phụ cũng là của họ, và bởi các đấng ấy mà Đức Kitô sinh ra phần xác, Người là Thiên Chúa trên hết mọi sự, đáng chúc tụng muôn đời.Amen. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA:  Ga 1, 14 và 12b
Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM:   Mt 14, 22-33
"Xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi dân chúng đã ăn no, lập tức Chúa Giêsu giục môn đệ trở xuống thuyền mà qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi cầu nguyện một mình. Đến chiều, Người vẫn ở đó một mình. Còn thuyền thì đã ra giữa biển, bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió.

Canh tư đêm tối, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hồn mà nói rằng: "Ma kìa!", và các ông sợ hãi kêu la lớn tiếng. Lập tức, Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!" Phêrô thưa lại rằng: "Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy". Chúa phán: "Hãy đến!" Phêrô xuống khỏi thuyền, bước đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa Giêsu. Khi thấy gió mạnh, ông sợ hãi và sắp chìm xuống nên la lên rằng: "Lạy Thầy, xin cứu con!" Lập tức, Chúa Giêsu giơ tay nắm lấy ông mà nói: "Người hèn tin, tại sao mà nghi ngờ?" Khi cả hai đã lên thuyền thì gió liền yên lặng. Những người ở trong thuyền đến lạy Người mà rằng: "Thật, Thầy là Con Thiên Chúa".  Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Phêrô, Người Lái Con Thuyền Ðức Tin Hội Thánh
Lời Chúa hôm nay có thể đem lại nhiều suy tư phong phú. Mỗi bài đọc là một biển mênh mông hay một rừng bát ngát: càng suy lại càng thấy rộng. Tiếc thay, chúng ta chỉ có thể cùng nhau đọc lướt qua và nhặt lấy một vài tư tưởng nổi bật. Các mẫu chuyện về Êlya, Phêrô và Phaolô khi ấy có thể gợi lên cho chúng ta một số nét trong đời sống đức tin. Chúng ta có thể nhìn thấy các phấn đấu của mình trong đời sống của các ngài. Và như vậy, Lời Chúa hôm nay sẽ quý giá cho chúng ta.

A. Trước Hết, Êlya Là Chiến Sĩ Vô Ðịch Về Ðức Tin
Ông sinh sống vào khoảng cuối thế kỷ IX trước Công nguyên. Có thể nói, ông đã khai mạc thời đại các tiên tri lớn trong Cựu Ước.
Không ai biết rõ dòng họ của ông. Như Melkisêdek, có thể nói ông là người không cha không mẹ. Ðiều khác thường này, chứng tỏ ông là người xuất chúng nếu không phải là mầu nhiệm. Người ta biết rõ các công việc của ông vì cả triều đình thời bấy giờ thường phải bận tâm về sự hiện diện và lời ông giảng dạy. Nói chung, tà giáo bấy giờ đang ở thế mạnh. Vua và hoàng hậu nuôi dưỡng từng ngàn tiên tri Baal. Dân chúng tự nhiên cũng muốn chạy theo sự dễ dãi, vì giữ được được đức tin chân chính đòi phải phấn đấu cam go. Nhưng Êlya không sợ đi ngược lại trào lưu. Một mình ông cương quyết bênh vực chính giáo. Lòng nhiệt thành bất khuất ấy hiện ra rõ rệt trong câu chuyện thách đố ở trên núi Karmel.
Toàn dân tập họp lại để xem Yavê hay Baal là Chúa thật. Một bên có tế đàn của gần 1,000 tiên tri tà giáo. Và bên kia trơ trọi một mình Êlya, ông bảo bên họ cứ đặt của lễ lên và cầu khẩn cho to cho khỏa để xin Baal cho lửa trời xuống đốt. Họ tụng kinh inh ỏi từ sớm tới chiều, chẳng bỏ sót một vũ khúc tôn giáo hay một nghi thức ma thuật nào. Kết quả, Baal vẫn như ngủ, như ngơ vì quả thật nó chỉ là ngẫu tượng do trí óc thấp kém và nô lệ của con người bày ra. Bấy giờ Êlya mới giơ tay cầu nguyện. Lập tức Yavê cho lửa xuống thiêu của lễ. Toàn dân kính phục Yavê và tóm cổ bọn tiên tri tà giáo trừng phạt nặng nề.
Nhưng đâu đã hết. Tiếng dân về phe với Êlya, khiến hoàng cung căm phẫn. Hoàng hậu cho người bắn tin sẽ lấy đầu người chiến sĩ vô địch đức tin kia. Và Êlya phải mau mau lẩn trốn vào sa mạc.
Trước đây trận địa ở trước mặt toàn dân. Êlya là người có đức tin sống động. Và đức tin này có việc làm và đã làm việc không quản gian lao. Bây giờ chiến địa là sa mạc. Khó khăn không phải chỉ là khí nóng và hoang vu, nhưng còn là thân thể nhọc mệt và tinh thần chán nản. Êlya nay không còn như một Môsê quyền năng ở đất Aicập và trước mặt Pharaô nữa; nhưng cũng như Môsê và Dân Chúa ngày trước, ông đang đi trong sa mạc, làm lại cuộc hành trình đầy thử thách hầu đức tin được tôi luyện như vàng trong lửa.
Êlya tưởng mình cũng không hơn gì tiền nhân, những người đã tin Chúa, thờ Chúa, bênh Chúa, nhưng rồi đã bị bạc đãi và bắt bớ. Chính lúc ấy Thần Chúa đã đến viếng thăm, đem bánh và nước tới như xưa Dân Chúa đã nhận được manna và nước mát. Và Êlya đã tiếp tục đi thêm 40 đêm ngày như Dân Chúa đã đi 40 năm nơi hoang địa để cuối cùng đến núi Khoreb cũng gọi là Sinai, hầu nhận được mạc khải cao cả, đánh dấu cao điểm của cuộc đời đức tin vững vàng.
Bài đọc 1 hôm nay thuật lại mạc khải này. Chúa cho Êlya thấy Người, không phải trong bão táp, sấm động hay chớp lửa, nhưng trong hơi gió nhẹ nhàng làm mát dịu con người.
Những ai quen biết lịch sử tôn giáo đã thấy ngay đây là một tiến bộ quan trọng. Trước đây, người ta hình dung Thiên Chúa ở đàng sau những hiện tượng kinh hoàng trời long đất lở, sấm chớp hãi hùng. Chính Dân Chúa cũng đã nhìn thấy đỉnh núi Sinai như một lò lửa lớn khi có tiếng Yavê đến gần. Nay với Êlya, Thiên Chúa tỏ ra nhẹ nhàng như thời khai nguyên. Ađam-Evà trước khi phạm tội đã được sống những giây phút thân mật với Ngài, vì vào lúc gió chiều hiu hắt, Ngài đến tản bộ với hai ông bà. Hôm nay Ngài cũng đến với Êlya sau làn gió nhẹ, để ông trở thành mẫu người được hưởng sự êm ái của Thiên Chúa.
Truyền thống Kitô giáo đã mau mắn nhận Êlya là tổ phụ của đời sống chiêm niệm kết hợp với Thiên Chúa, đang khi tâm lý bình dân đã sẵn sàng tôn ông là nhà vô địch về đức tin. Nói đúng ra cuộc đời của Êlya chứng tỏ đời sống đức tin không đơn giản. Người tín hữu phải biết chiến đấu bên ngoài và bên trong, phải có những hành động chứng tỏ niềm trung tín đối với Chúa, nhưng cũng biết sống lặng lẽ để kết hiệp trong sự thân mật với Người.
Và điều này, chúng ta cũng còn thấy trong câu truyện hôm nay về Phêrô và các môn đệ, mặc dầu bài Tin Mừng Matthêô còn muốn nói nhiều hơn nữa.

B. Phêrô, Người Lái Con Thuyền Ðức Tin Hội Thánh
Hôm ấy cũng là một ngày rất đặc biệt! Chưa bao giờ người ta được chứng kiến một cảnh tượng như thế. Với 5 ổ bánh và 2 con cá trao vào tay các môn đệ để phát cho dân, Ðức Yêsu đã nuôi no khoảng 5,000 người, không kể đàn bà con trẻ. Làm sao mọi người không phấn khởi! Và tránh sao được vẻ thỏa mãn hiên ngang trên khuôn mặt các môn đồ! Êlya trên núi Karmel chưa chắc đã thỏa mãn hơn. Nhưng để họ khỏi sa chước cám dỗ, Ðức Yêsu buộc họ phải lên thuyền về trước bắt chước Êlya đi vào sa mạc. Còn Người ở lại giải tán dân và lên núi cầu nguyện.
Nhưng thuyền các môn đồ vừa ra xa, thì này sống gió nổi lên dữ dội trong đêm tối. Cho mãi tới gần sáng vẫn còn như vậy. Con thuyền Hội Thánh quả thật ba chìm bảy nổi khi vượt biển trần gian. Chỉ một dấu hiệu khác thường cũng đủ khiến những kẻ ở trong thuyền sợ đến tột độ. Chính vì vậy mà vừa thấy một bóng đi xa xa trên mặt nước, họ đã la lên hoảng hốt: kìa ma! kìa ma!
Nhưng đó lại là chính Ðức Yêsu. Người đã thôi cầu nguyện với Chúa Cha trong nơi vắng vẻ để đi cứu giúp các môn đệ. Người lên tiếng trấn an họ. Phêrô liền xin chạy trên nước để đến với Người. Nhưng thay vì để ý luôn nhìn vào Chúa, ông lại nghĩ đến gió thổi. Và ông sợ. Ông bắt đầu chìm xuống, đến nỗi nếu không có cánh tay của Chúa giơ ra đỡ dậy, sóng nước đã vùi dập ông.
Câu truyện này một lần nữa lại cho chúng ta thấy đời sống đức tin luôn đòi phải phấn đấu. Nếu mẫu truyện về Êlya đã kể lại phấn đấu của một tâm hồn, thì ở đây chúng ta thấy toàn thể Hội Thánh cũng phải phấn đấu. Các môn đồ của Chúa phải biết mau mau gỡ mình ra khỏi sức cám dỗ của thành công đắc chí.
Hơn nữa con thuyền của Hội Thánh trong giai đoạn Chúa đang cầu bầu cùng Chúa Cha ở trên trời luôn gặp sóng gió và phải phấn đấu trong trần gian u tối. Không phải vô ý mà Matthêô đã kể câu truyện này sau phép lạ bánh hóa nhiều. Cũng như ông sẽ kể: ra khỏi phòng Tiệc ly, các Tông đồ hầu như sa ngã. Ðó là thân phận Hội Thánh sau các buổi họp phụng vụ và đi vào thế gian.
Hội Thánh phải phấn đấu; nhưng tự mình vẫn không đạt được hạnh phúc, mà phải là chính Chúa ban cho. Cũng như nếu không nhận được thần lương, Êlya cũng đã ngã gục. Và cũng như phần thưởng cuối cùng ông nhận được là việc chính Chúa tự mạc khải mình cho ông, thì ở đây, bình an cứu độ cũng đã trở về với con thuyền Hội Thánh khi Ðức Yêsu tuyên bố: Này Ta! Người dùng lại chính lời mạc khải trên núi Khoreb, khi Môsê xin cho được biết Danh tánh Chúa. Và như Danh Chúa đã khiến Môsê an tâm ra đi thi hành sứ vụ cứu dân, thì nay thấy Chúa phán: Ta đây, Phêrô cũng muốn làm được công việc phi thường. Ông đã đi được một lúc ở trên nước. Nhưng rồi sợ hãi đã chiếm lấy ông. Ðức tin của ông giảm bớt, khiến thân xác ông muốn chìm theo. May mà ông đã kêu lên để từ đó Hội Thánh thấy rằng chỉ có Chúa cứu được Hội Thánh khỏi sa chìm giữa thế gian.
Bài học này có thể nói chúng ta vẫn nhớ. Ðiều chúng ta dễ quên hơn là dường như chỉ muốn được sống yên hàn trong Hội Thánh và đúng hơn được ở trong Hội Thánh yên hàn. Nhưng như thế là không muốn hiểu đặc tính của đời sống đức tin. Các mẫu truyện trên đây về Êlya và Phêrô chưa làm cho chúng ta thấy rằng đức tin đòi phải phấn đấu; và những khi gặp thử thách về đức tin, ơn cứu độ của chúng ta nằm nơi Danh Chúa. Chúng ta phải cầu nguyện, phải tìm Chúa trong thinh lặng và phải rước Chúa vào lòng. Như vậy cũng mới chỉ giữ đức tin thôi. Ðức tin chân chính phải mạnh mẽ hơn nhiều. Nó còn phải nung nấu tâm hồn chúng ta theo như lời thánh Phaolô chia sẻ trong đoạn thư hôm nay.

C. Phaolô Muốn Chết Cho Ðức Tin Ðược Lan Rộng
Ai cũng biết người phải phấn đấu rất nhiều vì chính nghĩa đức tin. Nhiều lần người cũng như Êlya bị người ta lùng bắt chỉ vì đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Kitô. Các môn đệ ở Ðama phải bỏ người vào thúng và thòng qua tường thành để cho người chạy trốn. Và nhiều lần người đã gặp sóng gió, đắm tàu và thoát chết, chứ đâu mới chỉ lún xuống nước như Phêrô. Thật, vất vả về đức tin có thể nói ít ai đã như người. Nhưng chính người nói Ơn Chúa vẫn đủ cho người và người luôn luôn lao mình về đàng trước để chạy cho hết cuộc hành trình.
Ðối với người, những thử thách như vậy còn chịu được với Ơn Chúa. Duy có điều sau đây thật là nặng nề. Ðó là việc người Dothái cứng lòng không chịu tuân phục đức tin. Họ là đồng bào của người. Hơn nữa họ là Dân được tuyển chọn. Họ còn là dòng dõi sinh ra Ðức Yêsu. Thế mà sao họ vẫn từ chối ơn cứu độ?
Người đã nỗ lực, có thể nói là quá sức, để lôi kéo họ. Ðặt chân đến nơi nào, người cũng tìm đến Hội đường Dothái, làm quen với những người đồng bào của người, trao đổi với họ về Lời Hứa dành cho Dân tộc. Nhưng mọi cố gắng hầu như thất bại hoàn toàn. Rất ít người chấp nhận đức tin. Phần lớn con cháu Abraham theo xác thịt, không những vẫn không ngấm mà còn chống đối và bách hại giáo lý cứu độ.
Theo tính tự nhiên, có lần Phaolô đã phủi chân tuyên bố sẽ dứt khoát đi đến với dân ngoại. Nhưng nói thế chứ làm sao bỏ được đồng bào và nhất là Dân tộc mang đầy Lời Hứa! Thiên Chúa đã làm bao việc kỳ diệu để gìn giữ Dân tộc ấy; và cuối cùng đã sai Con Ngài mặc xác thể trong dòng máu này. Làm sao Phaolô không quằn quại săn sóc tương lai cho họ? Không những vì họ mà thôi, nhưng nhất là vì Chúa. Dân được chọn trở thành dân bị gạt bỏ sao?
Do đó Phaolô rất buồn và đau đớn không ngừng. Có Chúa Yêsu và Thánh Thần làm chứng như vậy. Và chứng của hai người, hơn nữa của hai Ðấng Thánh như vậy, dĩ nhiên rất giá trị. Cuối cùng, để không ai còn có thể hồ nghi, thì này Phaolô sẵn sàng "bị tuyệt thông" cho anh em đồng bào của người được rỗi.
Ý nghĩ đó là tận cùng rồi. Vì ở thời ấy, bị tuyệt thông, bị loại ra khỏi bộ lạc, có nghĩa là đeo bản án vào thân, không còn quyền làm người trong bộ lạc nữa, ai gặp cũng có thể giết mà không bị tội. Ấy là nói có người còn muốn giết! Vì con người bị khai trừ kia cũng không đáng giết nữa. Có thể coi nó như con chó bị đuổi ra khỏi nhà.
Khi có ý tưởng như vậy, Phaolô thật sự muốn chia sẻ tâm tình cứu thế của Ðức Kitô, vì chính Ngài cũng đã trở nên đồ bị khai trừ vì tội lỗi chúng ta.
Do đó Phaolô không phải chỉ là chiến sĩ vô địch về đức tin như Êlya. Người không nhượng bộ kẻ thù của Thánh giá, dù là một bước. Người cũng không lấy việc chèo lái con thuyền các giáo đoàn qua sóng gió như Phêrô làm cực nhất. Con thuyền đức tin ở trong tay người, sự sống đức tin nơi tâm hồn người không những trông cậy vào ơn Chúa để lướt thắng phong ba, mà còn muốn chọc thủng bức màn còn che mắt đồng bào Israel của người để họ nhận ra Ðức Kitô và thờ lạy Ngài. Và cho được như vậy, người sẵn sàng dâng sinh mạng làm lễ tế cho con thuyền Hội Thánh đi được tới đích.
Chúng ta chắc chưa có đức tin như vậy. Nhưng phải vươn lên. Phải phấn đấu cho đức tin của mình. Phải tha thiết cầu mong cho đồng bào nhận biết Chúa. Phải tham dự thật sự vào lễ tế dâng trên bàn thờ vì phần rỗi mọi người. Phải sống lễ tế mà giờ đây chúng ta đứng lên để cử hành.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 19 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: I Kgs 19:9, 11-13; Rom 9:1-5; Mt 14:22-33

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa hiện diện ở đâu trong cuộc đời chúng ta.
Nhìn lại quãng đời đã đi qua nhiều khi làm chúng ta kinh ngạc: Có những điều trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ là mình có được, thế mà bây giờ lại có! Có những nơi không bao giờ chúng ta nghĩ mình có thể đặt chân đến đó, thế mà lại đến và sống ở đó! Có những trở ngại mà lúc phải đương đầu chúng ta nghĩ không thể vượt qua, thế mà lại vượt qua được... Suy nghĩ những điều này làm chúng ta tự hỏi: Lạ thật! Hình như có người nào điều khiển cuộc đời chứ không phải chính chúng ta, vì có điều chúng ta mong muốn lại không xảy ra, và có điều chúng ta không mong muốn lại xảy ra!
Những điều này không chỉ xảy ra cho chúng ta trong thời đại này, nhưng nếu theo dõi kinh nghiệm của người xưa được thuật lại trong các Bài đọc hôm nay, chúng ta có thể nhận ra những nét quen thuộc. Trong bài đọc I, tiên tri Elijah cảm thấy nhiệt thành hăng hái khi dự cuộc thi để làm chứng cho Đức Chúa trên núi Carmel; nhưng khi phải chạy trốn hoàng hậu Isabel, ông cảm thấy buồn tủi và trách Thiên Chúa sao để ông phải chạy trốn như vậy. Thiên Chúa hiện đến với ông trong làn gió nhẹ hiu hiu, để nhắc nhở cho tiên tri biết Ngài vẫn đang hiện diện với ông. Trong bài đọc II, mặc dù được Thiên Chúa dành đặc biệt để loan truyền Tin Mừng cho Dân Ngoại, thánh Phaolô vẫn dành thời gian để rao truyền Đức Kitô cho người Do-thái vì lòng yêu mến dân tộc của ông. Thánh Phaolô không thể hiểu lý do tại sao người Do-thái không tin vào Đức Kitô mặc dù các ngôn sứ đã nói về Ngài trong Kinh Thánh. Sau cùng, thánh Phaolô phải nhìn nhận Thiên Chúa có kế hoạch riêng cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu truyền cho tông đồ Phêrô được đi trên mặt nước biển mà đến với Ngài; nhưng khi ông bắt đầu sợ hãi vì sóng gió nổi lên, ông bị chìm và kêu cầu Chúa cứu. Ngài đưa tay đỡ ông và trách: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?"
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: thuật lại kinh nghiệm của tiên tri Êlijah, ông sống khoảng 960 BC.
1.1/ Lý do tiên tri Elijah phải chạy trốn: Để hiểu Bài đọc hôm nay, chúng ta cần đọc trở lại ít chương nữa trong Sách Các Vua, quyển I, chương 18. Ông là tiên tri duy nhất của Chúa còn sót lại và nhiệm vụ của ông là khôi phục niềm tin vào Thiên Chúa đã mất trong Israel. Để thực hiện điều này, ông đã bảo Vua Akhab sai triệu tập tòan thể con cái Israel trên núi Carmel. Tại đây, ông đã thách thức 450 tiên tri của Baal để dự cuộc thi xem coi Chúa nào là Chúa thật bằng cách mỗi bên xẻ một con bò tơ, xẻ thịt ra rồi đặt trên củi, nhưng không châm lửa. Bên nào kêu xin thần của bên ấy, thần nào đáp lại bằng cách khiến lửa từ trời xuống đốt cháy thịt, thần đó là Thiên Chúa; và họ đã chấp nhận dự thi. 450 tiên tri của Baal kêu xin suốt từ sáng tới trưa mà không có lửa, nhưng khi một mình tiên tri Êlijah kêu cầu Thánh Danh Chúa, thì Ngài đã khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi cả củi lẫn thịt.
Tòan dân thấy vậy thì sấp mặt xuống đất và nói: “Yahvê chính là Thiên Chúa!” Êlijah truyền bắt trói tất cả các tiên tri của Baal, mang xuống núi và cắt cổ họng hạ sát họ tại đó. Vì biến cố này mà hòang hậu Isabel ra chiếu chỉ bắt giết Êlijah để đền mạng cho các tiên tri bị hạ sát của bà, và Êlijah phải tìm đường chạy trốn từ Bắc xuống Nam, và trèo lên núi Hôreb nơi Thiên Chúa đã trao Thập Giới cho Môisen. Phần vì sợ hãi mệt mỏi, phần vì đường xa đói khát làm ông nản chí, ông mong được chết và nói: "Lạy Đức Chúa! Đủ rồi! Bây giờ xin Chúa lấy mạng sống con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông của con." Ông vào một cái hang và nghỉ đêm tại đó. Có lời Đức Chúa phán với ông: "Elijah ngươi làm gì ở đây?" Ông thưa: "Lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh nung nấu con, vì con cái Israel đã bỏ giao ước với Ngài, phá huỷ bàn thờ, dùng gươm sát hại các ngôn sứ của Ngài. Chỉ còn sót lại một mình con mà họ đang lùng bắt để lấy mạng sống con." Người nói với ông: "Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa.”
1.2/ Thiên Chúa hiện đến với ngôn sứ Elijah: Có tất cả 4 sự kiện xảy ra được tường thuật hôm nay.
(1) Gió to bão lớn xẻ núi non, đập vỡ đá tảng trước nhan Đức Chúa, nhưng Đức Chúa không ở trong cơn gió bão.
(2) Sau đó là động đất, nhưng Đức Chúa không ở trong trận động đất.
(3) Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa.
(4) Sau lửa có tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Êlijah lấy áo choàng che mặt, rồi ra ngoài đứng ở cửa hang. Bấy giờ có tiếng hỏi ông: "Êlijah, ngươi làm gì ở đây?"
Rất nhiều lần trong cuộc đời, nhất là những lúc phải đương đầu với bao nhiêu thử thách khó khăn, chúng ta kêu van Chúa để Ngài giúp chiến đấu; nhưng không thấy bóng dáng Ngài đâu! Nhiều lúc quá mệt mỏi vì cố gắng xây dựng, chúng ta cũng đã phải thốt lên như Êlijah: “Chúa ơi! Quá đủ rồi! Không còn sức để đi tiếp nữa!” Nhưng sau những lúc ấy, khi cuộc đời bình an trở lại, chúng ta nhận ra kết quả của những gì chúng ta làm, chúng ta nhận ra ai đã giúp chúng ta chiến đấu trong khi mọi người bỏ rơi chúng ta! Ngài đúng là một Thiên Chúa ẩn mình! Chúng ta có thể nhận ra Ngài trong tiếng gió hiu hiu, nhưng chưa bao giờ được thấy mặt Ngài!
2/ Bài đọc II: thuật lại kinh nghiệm của Thánh Phaolô, gần 2000 năm trước chúng ta.
 2.1/ Thánh Phaolô muốn rao giảng Tin Mừng cho cả Do-thái cũng như cho Dân Ngoại: Thánh Phaolô, người sống cả ngàn năm sau tiên tri Êlijah, cũng cùng tâm trạng này. Ngài đã trở lại và trở thành tông đồ cho Dân Ngọai sau biến cố ngã ngựa và bị mù trên đường đi Damascus để bắt bớ những tín hữu theo đạo. Lòng nhiệt thành vì muốn cho mọi người hiểu và tin vào Chúa Kitô, ngài đã không quản ngại bất cứ một khổ cực nào để loan truyền Lời Chúa. Mặc dù gặt hái được nhiều thành công nơi Dân Ngọai, nhưng ngài phải đương đầu với rất nhiều chống đối và bắt bớ từ những người Do Thái đồng hương của ngài.
Trong trình hôm nay, ngài đã thành thực chia sẻ: “Có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng.” Chúng ta đã biết Đức Kitô quan trọng thế nào cho cuộc đời Thánh Phaolô, thế mà ngài có thể thốt lên những lời tâm huyết này vì quá khao khát ơn Cứu Độ cho người Do Thái đồng hương của ngài.
2.2/ Thánh Phaolô không hiểu nổi lý do nhiều người Do-thái không tin Đức Kitô: Vì họ đã được thừa hưởng các đặc ân dành cho Israel mà Dân Ngọai không có: Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa. Họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ.
Tuy nhiên, Thiên Chúa đã có kế họach của Ngài và con người không thể hiểu kế họach đó: Chính vì sự cứng lòng tin của họ mà Dân Ngọai được nghe Tin Mừng và được sát nhập vào làm Dân Chúa. Chính Thánh Phaolô đã thú nhận: Sau cùng Chúa sẽ cứu Israel! Khi nào chuyện ấy sẽ xảy ra? Thời gian là của Chúa và không ai biết được ngày ấy ngọai trừ Chúa.
3/ Phúc Âm: Chúa truyền cho Thánh Phêrô đi trên biển để đến với Chúa.
Phép lạ trên Biển Hồ hôm nay được tường thuật sau phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi 5000 người ăn bởi hấu hết các Thánh Ký. Chúa Giêsu muốn các tông đồ tiếp tục công việc thường nhật nên Ngài bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng vì họ muốn tôn người làm vua (trình thuật của Gioan). Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.
3.1/ Các tông đồ sợ hãi khi nhìn thấy có người đi trên mặt nước biển và tiến về phía các ông: Các tông đồ là dân chài, nên có thể không sợ hãi nhiều vì sóng gió; nhưng khi thấy có người đi trên mặt biển thì các ông kinh hoàng vì không người nào có thể đi trên biển ngọai trừ quyền lực siêu nhiên; nhưng Chúa Giêsu liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!"
Sợ hãi và hồ nghi là bản năng của con người, nhưng một khi đã được lý trí soi sáng cho biết điều gì đáng tin và không nên sợ, con người cần vượt thắng những bản năng này. Phêrô có lý do để tìm ra Sự Thật khi yêu cầu: "Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giêsu bảo ông: "Cứ đến!" Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.
3.2/ Sự sợ hãi làm cho Phêrô bắt đầu chìm: Phêrô đã đi được trên mặt nước nên ông không nên hồ nghi và sợ hãi nữa vì ông đã biết rõ người đứng trước mặt là Chúa Giêsu và uy quyền của Ngài có thể cho ông đi trên mặt nước, điều mà con người không thể làm được. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với!" Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?" Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: "Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!"
Đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình trên biển như Phêrô: có lúc bình an, có lúc sóng gió, có lúc lật thuyền gần chìm. Khi nào chúng ta có lòng tin vững mạnh vào Chúa thì chúng ta sẽ bước đi bình an giữa muôn ngàn sóng gió; nhưng nếu chúng ta hồ nghi sự hiện diện hay uy quyền của Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ chao đảo vì sóng gió. Những lúc như vậy, chúng ta có cảm tưởng như không thấy sự hiện diện của Chúa hay Người đang để chúng ta chiến đâu một mình; nhưng thực ra Chúa vẫn đồng hành ngay bên và sẵn sàng cứu vớt khi gần bị chết chìm.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Qua các bài đọc và kinh nghiệm cá nhân, chúng ta đã học được bài học quá khứ: bàn tay Chúa luôn ở với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời.
- Tương lai đi đâu, đến chỗ nào, gặp ai, làm gì, chuyện gì sẽ xảy ra, lúc nào, thành công hay thất bại… chúng ta mù tịt; nhưng như tổ phụ Abraham, chúng ta cứ thẳng đường tiến tới, vì chúng ta đã có kinh nghiệm quá khứ: bàn tay Thiên Chúa không bao giờ rời chúng ta.
- Chúng ta hãy sống giây phút hiện tại cách an bình và làm tất cả những gì có thể. Không than thân trách phận khi phải đương đầu với quá nhiều đau khổ. Không nóng lòng chất vấn Chúa khi đã quá cố gắng mà chưa nhìn thấy kết quả. Không kết án cũng chẳng tiên đoán điều gì sẽ xảy ra cho ai vì cuộc đời còn dài, và cuộc đời mỗi người nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

13/08/2017
CHÚA NHT TUN 19 TN A
Mt 14,22-33

NIM TIN THNG LO S


Đc Giê-su bo các ông: C yên tâm, chính Thy đây, đng s!” (Mt 14, 27).

Suy nim: S hãi là tâm trng thường tình khi ta đng trước nhng him nguy, nhng mi đe da nghiêm trng. Không ít nhng sách báo hướng dn cách thc đương đu vi các mi lo s đ có cuc sng an vui hnh phúc. Chúa Giê-su không xa l vi nhng ni âu lo s hãi ca con người. Chính Ngài trong vườn Giết-sê-ma-ni đã tri qua nhng giây phút kinh hoàng s hãi. Tuy nhiên Phúc Âm cho thy, Ngài là Thiên Chúa toàn năng. Ngài đã chiến thng và luôn sn sàng đ giúp con người chiến thng ni lo s. Ngài có đ uy quyn đ chế ng mi thế lc ác thn và mang đến cho ta s bng an, hnh phúc đich thc min là ta đt nim tin nơi Ngài. Khi các môn đ ht hong vì sóng to gió ln Ngài ra lnh cho tri im bin lng và khin trách Phê-rô khi ông t ra kém lòng tin.

Mi BnTrong đi sng bn không tránh khi nhng lúc lo âu: nhng cám d, đau m bnh tt, nguy cơ mt đc tin, mt vic làm, tht bi,.. Khi chm trán vi bão t th thách như thế, ta không tránh được ni lo lâu sơ st. Nhưng điu quan trng là ta không được phép đ cho ni s làm tê lit chúng ta, làm cho ta không còn ý chí phn đu, nht là ngã lòng trông cy, đánh mt nim tin nơi Thiên Chúa. Hãy luôn tin Chúa đang gn bên ta. Chúa không b rơi ta. Nhng lúc gp giông bão trong đi là cơ hi đ cho ta được trưởng thành trong đc tin.   

Sng Li Chúa“Bn hãy phó thác bn thân trong tay Đng Quan Phòng giàu lòng thương xót, hãy phó thác cho M Maria Vô Nhim và hãy trong s bình an. (Thánh Kon-bê)

Cu nguyn: Đc kinh Tin-Cy-Mến.
(5 phút Lời Chúa)


XIN CHO CON ĐI TRÊN MT NƯỚC (13.8.2017 – Chúa nht 19 Thường niên, Năm A)
 Chúng ta ch bt đu hiu tin là gì khi phi chu lênh đênh gia sóng gió và đêm ti ch vì Chúa buc phi ra đi, khi dám xin đi trên mt nước dù Chúa ch là cái bóng trước mt.


Suy nim:
Giữa lúc dân chúng định tôn Ðức Giêsu làm Vua,
sau khi đã được no nê bánh và cá,
thì Ngài lại giải tán họ,
và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.
Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.
Chỉ còn một mình Ðức Giêsu, cầu nguyện.
Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Ðấng sai Ngài.
Nhưng Ðức Giêsu không quên các môn đệ.
Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.
Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.
Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến.
Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi.
Ðức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”
Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị:
“Nếu quả là Thầy, thì xin cho con
được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.”
Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.
Phêrô có thể chỉ cần nói:
Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng.
Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều.
Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.
Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.
Nhưng nếu đúng là Thầy,
thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.
Ðức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: “Cứ đến.”
Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Ðức Giêsu.
Thật không thể tưởng tượng nổi,
mặt nước trở nên cứng như đá,
hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.
Phêrô đi được bao xa, ta không rõ,
nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi:
“Ðúng là Thầy rồi!”
Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước,
nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.
Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô,
những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.
Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào,
lòng tin bị chao đi với sóng,
lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.
Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con.”
Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.
“Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!”
Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề,
và nhận chìm ông xuống.
Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì
khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối
chỉ vì Chúa buộc phải ra đi,
khi dám xin đi trên mặt nước
dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.

Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.

Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG TÁM
Xây Dựng Một Nơi Cư Ngụ Xứng Đáng
Cho Con Người
Con người được mời gọi phát triển thế giới, làm việc hướng về việc phát triển tốt hơn các hệ thống kinh tế và văn hóa. Công việc này là một phần của ơn gọi con người, vì con người được mời gọi làm chủ trái đất. Đó là lý do tại sao sự suy nghĩ khoa học và kỹ thuật hiện đại cũng như văn hóa và sự khôn ngoan của mọi thời phải được định hình bởi con người để phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với tạo vật của Ngài.
Công Đồng Vatican II nhìn nhận giá trị và chức năng của công việc và văn hóa trong thời đại chúng ta. Thật vậy, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng mô tả tình hình xã hội và văn hóa mới của chúng ta với những khả năng thay đổi và tiến bộ nhanh chóng của nó. Những khả năng này làm nhiều người ngạc nhiên và đem lại niềm hy vọng cho nhiều người khác. (MV 53-54).
Công Đồng không ngần ngại nhìn nhận những thành tựu ngoạn mục của con người. Công Đồng đặt những thành tựu này trong bối cảnh kế hoạch và lệnh truyền của Thiên Chúa cho con người. Công Đồng liên hệ những thành tựu ấy với Phúc Âm về tình huynh đệ được rao giảng bởi Đức Giê-su Kitô. “Khi cày cấy với hai bàn tay hoặc với phương tiện kỹ thuật để trái đất nảy sinh hoa quả và trở thành nơi cư ngụ xứng đáng của toàn thể gia đình nhân loại, và khi tham dự cách ý thức vào tập thể xã hội, con người đã tuân theo ý định của Thiên Chúa được tỏ bày ngay từ thuở đầu là loài người phải chế ngự trái đất và hoàn tất công cuộc tạo dựng, đồng thời con người phát triển được chính bản thân; và cùng khi ấy con người tuân giữ giới răn quan trọng của Chúa Kitô là hiến thân phục vụ anh em” (MV 57; 63).
- suy tư 366 ngày ca Đc Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đc dch t nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



13/08/2017


Gương Thánh Nhân
Thánh Pontian và Thánh Hippolytus
(k. 235)



Vào năm 235, Maximinus làm hoàng đế Rôma và hầu như ngay sau khi lên ngôi, ông bắt đầu bách hại người Kitô Giáo. Một trong những hình phạt thông thường đối với các giám mục và linh mục là các ngài bị lưu đầy đến những quặng mỏ nguy hiểm ở Sardinia, nước Ý. Chính vì sự bách hại này mà ngày nay chúng ta mừng kính hai thánh tử đạo.

Thánh Pontian lên ngôi giáo hoàng sau khi Ðức Urban I từ trần năm 230. Khi Maximinus lên ngôi hoàng đế, Ðức Pontian cùng chung số phận với các Kitô Hữu khác và ngài phục vụ Giáo Hội trong sự đau khổ ở Sardinia.

Hippolytus là một linh mục và là học giả ở Rôma. Ngài có nhiều sáng tác về thần học và là bậc thầy tài giỏi. Hippolytus thất vọng với Ðức Giáo Hoàng Zephyrinus (được tử đạo năm 217) vì đức giáo hoàng không mau mắn ngăn chặn những người giảng dạy cách lầm lạc. Khi Ðức Callistus I được bầu làm giáo hoàng kế vị Ðức Zephyrinus, Hippolytus cũng không hài lòng. Lúc bấy giờ, rất đông người theo Hyppolytus và họ đồng lòng bầu Hippolytus lên làm giáo hoàng. Vị thần học gia tài giỏi này đã không chế ngự được tính kiêu ngạo và đã chấp nhận. Khi cuộc bách hại bùng nổ, Hyppolytus bị bắt và cũng bị lưu đầy đến Sardinia.

Trong hoàn cảnh đáng thương ấy, môät phép lạ hòa giải đã xảy ra giữa sự cười nhạo của kẻ thù. Ðức giáo hoàng Pontian gặp gỡ với Hippolytus trong hoàn cảnh lưu đầy và vị linh mục tài giỏi này đã cảm hóa trước sự khiêm tốn của vị giáo hoàng. Hippolytus trở về với Giáo Hội và mọi tức giận đều tiêu tan. Ðức giáo hoàng Pontian thông cảm với vị linh mục. Ngài nhận ra nhu cầu của mỗi người là phải giúp đỡ và khuyến khích lẫn nhau trong tình bác ái của Ðức Giêsu Kitô. Cả hai đã được phúc tử đạo và mãi mãi trở nên nhân chứng cho sự tha thứ và niềm hy vọng Kitô Giáo.

 Nguồn : Nguoitinhuu.com 


13 Tháng Tám
Bức Tường Ô Nhục

Ngày 13/8/1961, sau nhiều cuộc thương thảo vô ích giữa Washington và Mascơva nhằm giải quyết cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối Ðông và Tây, Kruschev, chủ tịch nhà nước Liên Xô, đã ra lệnh cho xây cất một bức tường ngăn cách Ðông và Tây Bá Linh. Bức tường này được dựng lên không những để đánh dấu sự đọan tuyệt giữa Ðông và Tây, nhưng còn để ngăn chặn làn sóng những người Ðông Ðức ồ ạt chạy sang tỵ nạn tại Tây Bá Linh. Khối Ðông Âu thì giải thích rằng bức tường này được dựng lên là để ngăn chặn những người Tây Phương có thể đến Ðông Ðức để làm gián điệp. Còn phía Tây Phương thì lại gọi bức tường đó là bức tường ô nhục... Nhưng dù được gọi dưới danh hiệu nào, dù được xây dựng dưới mục đích nào, bức tường ngăn cách giữa Ðông và Tây Bá Linh vẫn mãi mãi là biểu trưng của những chia cách giữa con người mà chính con người đã tạo nên...

Có những bức tường ngăn cách về kinh tế, chính trị, chủng tộc, văn hóa do con người dựng lên... Nhưng cũng có những bức tường vô hình mà mỗi người chúng ta có thể xây lên để tự ngăn cách với người khác.

Bức tường vô hình đó trước tiên là bức tường của nghi kỵ. Người ta thường xây kín khu vực của mình ở bằng kín cửa cao tường là bởi vì người ta sợ con mắt dòm ngó của những người xung quanh. Sự nghi kỵ không những ngăn ngừa người khác đến với mình, nhưng còn giam hãm chính mình trong cô đơn...

Bức tường vô hình cũng là bức tường của ích kỷ. Người ích kỷ chỉ biết đến thế giới của mình và khép mắt, bịt tai trước những gì đang xảy ra cho người khác...

Bức tường đó cũng có thể là bức tường của sự bất cảm thông. Kẻ xây tường để bao bọc mình sẽ không muốn nhìn thấy và thông cảm với những người xung quanh...

Nhưng bức tường nào cũng là một nấm mồ chôn kín mình trong sự cô đơn. Càng bảo vệ chính mình, con người càng mất mát trong sự hao mòn. Trái lại, càng cởi mở, càng đến với tha nhân càng triển nở trong nhân cách...

Trích sách Lẽ Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét