17/06/2018
Chúa Nhật tuần 11 Thường Niên năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: Ed 17, 22-24
"Ta hạ thấp
cây cao và nâng cao cây thấp".
Trích sách ngôn sứ
Êdêkien.
Ðức Chúa là Chúa Thượng
phán như sau:
Từ ngọn cây, từ ngọn
hương bá cao chót vót, Ta sẽ lấy, sẽ ngắt một chồi non; chính Ta sẽ trồng nó
trên đỉnh núi cao vòi vọi. Ta sẽ trồng nó trên núi cao của Ít-ra-en.
Nó sẽ trổ cành và kết
trái thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn
thân dưới bóng lá cành. Tất cả cây cối ngoài đồng ruộng sẽ nhận biết chính Ta
là Ðức Chúa.
Ta hạ thấp cây cao và
nâng cao cây thấp, Ta làm cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được
xanh tươi.
Chính Ta là Ðức Chúa,
Ta đã phán là Ta thực hiện.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 91,
2-3.13-14.15-16
Ðáp: Lạy Chúa, hạnh phúc thay được tạ ơn Ngài (c. 2a).
Xướng: 1) Thú vị thay
được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Ðâng Tối Cao, được tuyên xưng
tình thương của Ngài từ buổi sớm và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya. -
Ðáp.
2) Người công chính
vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà
Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa Ta. - Ðáp.
3) Già cỗi rồi, vẫn
sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng:
Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất
công. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2Cr 5,6-10
"Dù còn ở
trong thân xác, hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng tôi chỉ có một tham vọng là làm
đẹp lòng Chúa".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.
Thưa anh em, chúng tôi
luôn mạnh dạn, và chúng tôi biết rằng: ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa
Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa... Vậy,
chúng tôi luôn mạnh dạn, và điều chúng tôi thích hơn, đó là lìa bỏ thân xác để
được ở bên Chúa. Nhưng, dù còn ở trong thân xác hoặc đã lìa bỏ thân xác, chúng
tôi chỉ có một tham vọng là làm đẹp lòng Người. Vì tất cả chúng ta đều phải được
đưa ra ánh sáng, trước tòa Ðức Ki-tô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng
với các việc tốt hay xấu đã làm, khi còn ở trong thân xác.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! -
Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Ðức Ki-tô. Ai tuân giữa lời
Người, sẽ muôn đời tồn tại. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 4,26-34
“Người kia đã gieo hạt xuống đất, rồi đi ngủ, hạt giống mọc lên thế nào
người đó cũng không hay biết”
.Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Mác-cô.
Khi ấy, Ðức Giêsu nói
với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện
một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống
vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động
sinh hoa kết quả: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng là
thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến
mùa."
Rồi Người lại nói:
"Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung
được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất
trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi
thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
Người dùng nhiều dụ
ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao
giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi có thầy trò với nhau, thì Người
giải nghĩa hết.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Làm Ðẹp Lòng Chúa
Chúa nhật hôm nay đáng
gọi là là ngày phấn khởi và hy vọng. Bài sách Ezekiel cho chúng ta thấy một
nhánh cây đã được trồng và mọc lên trở thành bá hương oai lẫm. Còn trong bài
Tin Mừng, Chúa Yêsu kể cho chúng ta nghe câu truyện hạt giống gieo xuống đất âm
thầm mọc lên một cách tự nhiên nhưng chắc chắn. Và nhất là chúng ta phải bỡ ngỡ
khi thấy hạt cải nhỏ bé nhất trong mọi thứ hạt mà lớn cao đến nỗi "chim trời
có thể nương náu dưới bóng nó".
Những dụ ngôn và ví dụ
ấy muốn nói gì với chúng ta về đời sống đạo đức? Có phải Lời Chúa hôm nay muốn
khuyên chúng ta phấn khởi nhìn về tương lai, như thánh Phaolô nói trong bài thư
không? Chắc chắn cả ba bài đọc đều phong phú, chúng ta không nên tổng hợp mau lẹ.
A. Nhánh Cây Bá Hương
Bài sách Ezekiel đưa
chúng ta trở về thời lưu đày của dân Dothái cách đây những 2,600 năm. Nhà tiên
tri cũng ở trong số đám dân lưu lạc. Ông có chức tư tế nên càng thấm thía cảnh
sống xa Ðền thờ. Mọi nhân tố bên ngoài cho thấy chẳng còn hy vọng nào nữa cho
đám người lưu vong này trở về quê cũ. Các tin tức bên nhà cho biết quê hương
điêu tàn ngày nay đã có người khác đến ở. Họ không thờ Yavê và chẳng biết gì Luật
pháp Môsê. Còn dân lưu đày, lúc đầu còn nhớ quê hương và noi giữ phong tục tổ
tiên; nhưng dần dần đã muốn đồng hóa với dân ngoại, xây dựng cơ sở làm ăn và chẳng
thiết gì việc trở về quê cũ nữa. Như vậy mọi lời hứa của Thiên Chúa Israel đã
trở nên hão huyền sao? Người bỏ hẳn Dân được tuyển mãi ư? Niềm tin của những
người chân chính như Ezekiel làm sao chịu được những ý nghĩ như vậy?
Nhưng cũng không vì vậy
mà có thể lấy ước mơ làm sự thật. Thời gian đã cho thấy mọi kiểu mơ ước như vậy
thật hão huyền và tai hại. Sấm ngôn của các tiên tri thì khác hẳn. Những người
này không nói theo ước mơ của những kẻ bất lực và tuyệt vọng. Họ tuyên bố những
điều phi thường nhân danh Thiên Chúa. Họ rất tỉnh và sáng suốt. Họ biết mình
đang nói những điều không trí óc loài người nào nghĩ ra được. Họ chỉ tuyên bố
những điều Chúa phán dạy.
Hôm nay Người nói qua
miệng Ezekiel. Ông đến với đám dân lưu lạc không còn gì hy vọng. Ông nói với họ
rằng: Chúa phán như sau. Người sẽ ngắt một nhánh trên ngọn bá hương cao ngất và
đem trồng trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel. Nó sẽ mang lá, sinh hoa và trở
thành bá hương oai lẫm. Thú vật và chim trời sẽ đến núp bóng nó. Hơn nữa, người
ta sẽ thấy nó vươn cao lên, đang khi cây gốc trước kia của nó sẽ cụp xuống và
khô héo đi.
Thiên Chúa muốn nói gì
vậy? Ðám dân lưu đày thời bấy giờ đã hiểu ngay ý nghĩa. Ta có thể nhìn thấy mắt
họ sáng lên và chân tay hồi sinh. Có thật như vậy không, bấy giờ họ hỏi nhau.
Chúa đã dùng lời lẽ của loài người để nói với họ. Người mượn lại các quan niệm
của họ quen sánh ví các dân tộc và các bậc vĩ nhân như các cây to lớn như giống
bá hương. Do đó ở đây Lời Chúa muốn nói rằng, Người sẽ lấy một người hoặc một số
ít người trên đất Babylon rộng lớn, vĩ đại này đem về trồng ở Israel. Tức là
Người sẽ cho thiểu số dân lưu vong này được trở về Hứa Ðịa. Hơn nữa, nhóm dân
nhỏ bé sẽ mang lá mang cành, mang hoa mang trái, trở thành cây bá hương oai lẫm,
đang khi Babylon sẽ suy tàn héo hắt.
Rõ ràng phải hiểu Lời
Chúa như vậy. Văn chương thời bấy giờ bắt phải cắt nghĩa như thế. Lời tiên tri
hôm nay khẳng định Dân Chúa sẽ được hồi hương. Họ sẽ hồi sinh, họ sẽ trở thành
chỗ tựa cho thú vật và chim trời tức là cho mọi thứ sinh linh. Ðang khi ấy kẻ
chiến thắng của họ trước đây sẽ bị quật xuống. Cây tươi (bây giờ) sẽ thành khô
héo; và cây héo khô (lúc này) sẽ đâm chồi nẩn mầm. Vì chỉ có Thiên Chúa làm được
như thế. Người hứa sẽ làm như vậy. Dân Chúa không thể nhận được lời hứa nào to
lớn hơn. Tương lai quá sức huy hoàng. Mọi người phải phấn khởi. Tất cả phải hồi
sinh. Hy vọng quá đỗi lớn lao!
Có chăng chỉ còn một
thắc mắc: nhánh bá hương được Thiên Chúa ngắt và đem trồng trên Núi thánh
Israel, là ai? Là một cá nhân được Thiên Chúa dùng để dựng lại nhà Ðavít? Hoặc
là cả thiểu số còn sót lại trong cuộc lưu đày sẽ được hồi hương và xây lại Dân
Chúa? Bản văn không rõ ràng. Và lịch sử sau đó cho thấy, không phải một người
nào � ngay czả trong hoàng tộc � đã dựng
lại được cơ đồ cho Israel. Những người có công lớn trong việc trùng tu xứ sở
như Ezra và Nêhêmya, cũng không đáng được coi như nhánh bá hương đã được ngắt từ
Babylon đem về. Nhưng cũng không hoàn toàn đúng khi chúng ta hiểu nhánh cây lựa
ấy ám chỉ toàn thể những con người hồi hương xây dựng lại Ðất Hứa. Trước mắt
thì đúng, vì công cuộc tái thiết quê hương là thành quả của cả dân còn sót lại
sau thử thách lưu đày. Nhưng bảo rằng công việc của họ đã vươn lên trở thành bá
hương oai lẫm khiến thú vật, chim trời đến núp bóng, tưởng không đúng với lịch
sử. Israel sau lưu đày chẳng lúc nào được hoàn toàn quang vinh. Ngược lại, Dân
Chúa lại mau chóng rơi vào lầm than khổ sở rồi lại bị ngoại bang đô hộ.
Như vậy lời sấm của
Ezekiel đã đúng, nhưng chưa thực hiện hoàn toàn. Cây khô là Israel lưu đày có
lúc đã được tươi tỉnh lại. Tuy nhiên người ta còn phải chờ xem khi nào cây mọc
trên sơn lĩnh vòi vọi của Israel mới thật sự trở thành bá hương oai lẫm. Ngày
nay nhờ đức tin chúng ta biết mọi lời tiên tri của Cựu Ước phải chờ thời Tân Ước
mới hoàn thành. Và nhánh cây ưu tuyển mà Thiên Chúa lựa chọn trong Cựu Ước sẽ
là một thực tại Tân Ước. Nó có phải là hạt giống và là hạt cải nói trong bài
Tin Mừng hôm nay không? Chúng ta cứ thử tìm hiểu.
B. Hai Dụ Ngôn Về Hạt
Giống Và Hạt Cải
Thoạt đầu, không ai thấy
ngay có nét giống nhau nào giữa nhánh cây bá hương trong sách Ezekiel và dụ
ngôn hạt giống. Tuy nhiên đọc lại người ta thấy bài Tin Mừng khẳng định: về Nước
Thiên Chúa thì giống như khi người kia gieo giống xuống đất; dù người ấy ngủ
hay thức, ban đêm hay ban ngày, hạt giống cứ nảy mầm, lớn lên... cho đến lúc có
hạt chắc, đợi đến mùa sẽ tra liềm hái.
Khi kể dụ ngôn này,
Chúa Yêsu muốn nói đến tương lai chắc chắn của Nước Thiên Chúa. Người gieo có
thức hay ngủ, ban đêm hay ban ngày, hạt giống vẫn cứ mọc lên cho đến ngày mang
hạt chắc, sẵn sàng cho mùa gặt hái. Nói cách khác Nước Thiên Chúa sẽ lớn lên và
đi đến chỗ thành tựu như Thiên Chúa đã dự định, dường như bất kể thái độ của
con người. Ðó là công trình của Thiên Chúa, chứ không phải của loài người. Và
Thiên Chúa đã dự định thế nào thì sẽ xảy ra như vậy.
Do đó ở đây cũng không
khác trong sách Ezekiel: chính Yavê đã nói và sẽ làm. Người làm những việc
không ai mường tượng được. Cây tươi, Người cho héo; cây héo, Người cho đâm chồi.
Vậy nếu lời sấm của Ezekiel đã hồi sinh những tâm hồn héo hắt trong đám dân lưu
đày, đem tin tưởng phấn khởi lại cho những kẻ đang rã rời, thì dụ ngôn hạt giống
cũng muốn đem đến cho những người trong thời đại Tân Ước một niềm tin tương tự.
Nhiều khi họ không tự hỏi về tương lai Nước Thiên Chúa và của Hội Thánh sao? Những
hiện tượng bên ngoài lắm lúc khiến người ta phải tự hỏi: Nước Thiên Chúa đâu rồi?
Ước gì những lúc ấy lại tự hỏi cũng nhận được câu trả lời của bài Tin Mừng hôm
nay: hạt giống Nước Thiên Chúa đã gieo xuống rồi thì dù con người ngủ hay thức,
ban đêm hay ban ngày, nó vẫn một mực nảy mầm lớn lên như Thiên Chúa đã dự liệu.
Mùa gặt sẽ đến, ngày tận thếsẽ xảy ra. Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu trong vinh
quang.
Nhưng bài Tin Mừng hôm
nay còn ví Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, khi gieo xuống đất nó nhỏ tí;
nhưng đã gieo xuống rồi nó mọc thành to lớn đến nỗi chim trời có thể nương náu
dưới bóng nó. Chúng ta thấy dụ ngôn này gần với bài sách Ezekiel hơn. Như một
nhánh bá hương ngắt trên đỉnh cao của cây bá hương to lớn, đã lớn lên thành bá
hương oai lẫm, hạt cải nhỏ xíu ở đây khi gieo xuống bé hơn mọi thứ hạt; nhưng lớn
lên nó to lớn hơn mọi thứ rau. Tương lai Nước Thiên Chúa cũng như vậy. Khởi sự
nhỏ mọn thôi, nhưng rồi sẽ trở nên nơi nương tựa cho mọi người được cứu chuộc.
Tuy nhiên, nếu chỉ so
sánh như vậy, chúng ta chưa thấy vẻ đặc sắc của bài Tin Mừng. Có thể bảo bài
sách Ezekiel còn phấn khởi và "hùng vĩ" hơn. Nhà tiên tri nói đến cây
bá hương, trên đỉnh cao chót vót của núi đồi Israel. Ở đây, Chúa Yêsu lấy ví dụ
hạt giống và hạt cải, không to lớn bằng. Ấy cũng do điều này mà nhiều người
Dothái đã không muốn đón nhận ngay giáo lý của Ðức Yêsu. Người ta thấy Người giảng
dạy có uy quyền; nhưng những điều Người hé mở cho thấy lại không có vẻ hùng vĩ,
oai lẫm. Người ví Nước Trời như hạt giống, hạt cải, hoặc như lưới vét và như
men trong bột... Cách thức Người sống cũng không hứa hẹn phong cách triều đình.
Nhất là những kẻ đi theo Người hầu hết là kẻ nghèo và thứ dân. Người Dothái ao
ước Vị Thiên Sai phải lớn hơn các tiên tri và thời đại của Người sẽ cho thấy một
nước Dothái bá quyền. Như vậy Người có thực hiện các lời tiên tri không? Cụ thể
bài Tin Mừng hôm nay có giải đáp thắc mắc còn lại của bài sách Ezekiel không?
Ðức tin khiến chúng ta
trả lời không do dự. Ezekiel báo trước thời cực thịnh của Dân Chúa. Khi những
người lưu đày trở về xây lại Israel, thì lời sấm của nhà tiên tri đã khởi sự thực
hiện. Nhưng nó chỉ kiện toàn khi Ðức Yêsu Kitô là mầm non của nhà Ðavít đã trở
nên thân nho ưu tuyển mà bất cứ kẻ nào muốn được cứu vớt cũng phải đến kết hiệp
như cành phải gắn vào thân cây. Và Ðức Yêsu Kitô Cứu thế hiện nay ở giữa chúng
ta cũng là Hội Thánh mà Người đã thiết lập. Ðó là dân Mới của Thiên Chúa. Dân
đâm chồi trên cây héo là Israel xưa. Dân Mới khởi sự là một nhóm nhỏ, bé như hạt
cải, thua mọi thứ hạt; nhưng đang lớn lên thành nơi cho chim trời đến nương
bóng. Hội Thánh của Thiên Chúa sẽ thành tựu trong Thiên Chúa, sau khi trời đất
này và mọi sự trong đó sẽ qua đi. Lúc đó lời sách Ezekiel mới hoàn toàn thực hiện.
Bấy giờ người ta mới thấy rõ Hội Thánh là công trình của Thiên Chúa. Chính Người
hướng dẫn lịch sử Hội Thánh chứ không phải con người; Hội Thánh lớn lên ban
ngày � ban đêm, trải qua mọi thăng trầm của lịch sử loài người.
Qua bài Tin Mừng chúng
ta còn nhận thấy nhiều hơn những điều Ezekiel muốn nói. Nhà tiên tri loan tin
phấn khởi, nhưng có lẽ ông chưa cho người nghe thấy có thể cộng tác vào công
trình của Chúa. Ông rao giảng một niềm tin chờ đợi. Còn Chúa Yêsu, trong khi kể
dụ ngôn hạt giống và hạt cải, muốn cho người nghe phải tích cực hơn nhiều. Hạt
giống gieo xuống, mọc lên, trổ bông, đậu quả, chờ đợi ngày gặt lúa, là hình ảnh
Nước Thiên Chúa mà Ðức Yêsu đang rao giảng. Thính giả của Người phải kiên trì.
Ðừng muốn có những kết quả thành tựu ngay. Phải chờ ngày gặt, mà theo Thánh
Kinh, cũng là ngày Thiên Chúa xét xử. Như vậy thời gian trở nên giá trị. Ðây là
lúc Thiên Chúa có thể nói với người đã gieo xong. Người để cho các sự việc diễn
tiến theo định luật của chúng. Ngày tận thế Người mới sai các thiên thần của
Người tra liềm gặt hái: thóc sẽ được thu vào lẫm, cỏ sẽ bị đốt cháy trong khóc
lóc nghiến răng. Và như vậy, đây cũng là thời gian để con người làm lành lánh dữ,
xây dựng hay phá hoại hạnh phúc sau này.
Hơn nữa hạt giống Nước
Thiên Chúa lại chỉ như một hạt cải. Nhưng nó sẽ thành cây rau lớn. Ðức Yêsu và
công việc của Người bề ngoài người ta chỉ thấy nhỏ mọn thôi, nhưng đừng vì vậy
mà coi thường và không đón nhận. Phúc cho những ai không bị xúc phạm vì Người
và cách sống của Người. Những kẻ không muốn trở nên bé nhỏ không thể vào Nước
Thiên Chúa.
Những bài học ấy, ai bảo
không còn cần thiết cho chúng ta?
C. Chỉ Ao Ước Một Ðiều:
Làm Ðẹp Lòng Chúa
Chắc chắn cuộc đời của
hết thảy chúng ta không giống như của thánh Phaolô, nhưng phương hướng phải như
một, để chúng ta cũng thật sự có đức tin của các tông đồ.
Trong đoạn thư hôm
nay, sau khi nhắc đến những gian truân thử thách xảy đến trong cuộc đời tông đồ,
thánh Phaolô khẳng định lòng người luôn luôn vững vàng. Người ý thức rõ rệt cuộc
sống hiện nay là lưu đày, không phải vì nhiều khổ sở, nhưng vì đang đi trong đức
tin, chưa được ở bên Chúa như sau này ở trên trời. Chỉ ngày nào ra khỏi thân
xác, mới ra khỏi nơi lưu lạc, mới không còn bước đi loạng choạng trong thứ ánh
sáng nửa tối nửa sáng của đức tin, và mới được ở trước thiên nhan Chúa, diện đối
diện, sáng tỏ hoàn toàn, không còn tranh tối tranh sáng nữa.
Do đó không phải chỉ
khi gặp thử thách nặng nề, con người mới rơi vào chốn lưu đày. Nhưng bản chất của
cuộc đời hiện nay là thời gian như không thấy Thiên Chúa hành động và các sức lực
tự nhiên trong vũ trụ như cứ xảy ra theo định luật của chúng. Nước Thiên Chúa
và sự công chính, nếu không hoàn toàn y như hạt giống đang nằm trong lòng đất,
chẳng ai nhìn thấy, thì cũng chỉ giống như hạt cải đứng bên mọi thứ hạt khác,
nhỏ bé đến nỗi người ta có thể không để ý đến nó. Chính vì vậy mà rất nhiều người
hiện nay không quan tâm sống đạo đức và đi tìm Nước Thiên Chúa. Nhưng như hạt
giống sẽ đi đến ngày gặt hái, hạt cải sẽ lớn thành cây, Nước Thiên Chúa cũng sẽ
đi đến ngày tỏ hiện và sẽ bao trùm tất cả thế gian. Lúc ấy mỗi người sẽ lĩnh lấy
thành quả đời mình khi còn sống trong thân xác , nơi chốn lưu đày. Thế nên điều
quan trọng nhất cho chúng ta trong cuộc đời, là làm đẹp lòng Chúa, để khi Người
đưa chúng ta ra khỏi chốn lưu đày, chúng ta được trở nên như nhánh bá hương oai
lẫm; để khi mùa gặt đến, chúng ta là bông thóc chắc, để khi thời gian đã qua,
chúng ta là cây rau to lớn... hoặc như khi chim trời được đến nấp bóng cây cải
đã to là Hội Thánh trong thời viên mãn, là thân thể Chúa Kitô đã đạt tới tầm
vóc kiện toàn.
Giờ đây mầu nhiệm Nước
Thiên Chúa được cử hành trong mầu nhiệm Thánh Thể. Bề ngoài chỉ có tấm bánh và
chén rượu. Có là gì trước mắt thế gian và đối với lịch sử thế giới? Không như hạt
giống hạt cải sao? Và cộng đoàn tín hữu này có hơn gì đám dân lưu đày thời
Ezekiel? Nhưng đức tin dạy chúng ta nhìn thấy mầu nhiệm Chúa Cứu thế, mầu nhiệm
Hội Thánh, mầu nhiệm cuộc đời nơi những sự bé nhỏ và thông thường kia. Chúng ta
hãy đón nhận Chúa, hãy kết hợp với Hội Thánh , hãy quyết tâm sống đẹp lòng
Chúa. Mọi sự trong cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa mới và có thể sẽ giống
như hạt giống, hạt cải và nhánh bá hương nói đến trong ba bài đọc Kinh Thánh
hôm nay.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 11 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Eze
17:22-24; II Cor 5:6-10; Mk 4:26-34.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Uy
quyền tối thượng của Thiên Chúa trên mọi hoạt động của con người.
Trong cuộc đời, có những
điều xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Chẳng hạn, chúng ta
không cắt nghĩa được sự sống, không giải thích nổi đức tin; vì những điều này đến
từ Thiên Chúa. Một ví dụ rõ ràng hơn là sự thành hình của Giáo Hội Công Giáo. Đức
Kitô đã thiết lập Giáo Hội từ con số 12 các tông đồ, và Giáo Hội đã không ngừng
phát triển và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dẫu phải đương đầu với biết bao những
bắt bớ và thăng trầm của lịch sử.
Các bài đọc muốn nhấn
mạnh đến tác nhân chính của công trình cứu độ là chính Thiên Chúa, con người chỉ
giữ phần phụ thuộc trong công trình này. Trong bài đọc I, Thiên Chúa là Người
tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một
cây hương bá to lớn, đến nỗi “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới
bóng lá cành.” Trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò của đức tin
trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa
ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống
đẹp lòng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa giống
như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn
sống: nó nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái, và sẵn sàng cho mùa gặt.
Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ bé nhất trong các hạt giống,
nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim kéo đến làm tổ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa là tác nhân chính trong việc tìm ra, vun trồng,
và làm cho cây hương bá lớn mạnh.
1.1/ Nó sẽ trổ cành và kết
trái thành một cây hương bá huy hoàng: Các
ngôn sứ, đặc biệt Isaiah và Ezekiel, muốn nhấn mạnh đến uy quyền tối thượng của
Thiên Chúa trong việc tạo dựng, điều khiển và cứu chuộc; con người chỉ giữ một
vai trò rất nhỏ là cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ đã có sẵn đến cho
mình, và loan truyền ơn cứu độ của Thiên Chúa cho tha nhân.
Hình ảnh chồi non của
cây hương bá mà Thiên Chúa chọn lựa và đem trồng có thể so sánh với hình ảnh chồi
non của gốc tổ Jesse trong Isaiah 11:1-10. Chồi non này cách chính yếu là chính
Đức Kitô, và cách thứ hai là Giáo Hội mà Đức Kitô thiết lập. Theo Ezekiel, Đức
Kitô sẽ trở thành cây hương bá to lớn, thay thế các vua của dòng tộc David để
cai trị không chỉ dân Do-thái, nhưng còn mọi quốc gia trên thế giới. Đó chính
là ý nghĩa của câu “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá
cành.”
1.2/ Chính Ta là Đức
Chúa, Ta đã phán là Ta thực hiện: Trong Kế
Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa là Người phác họa, thi hành, và mang nó đến chỗ thành
công. Một khi Thiên Chúa bắt đầu thi hành, không một uy quyền hay chính thể nào
trên thế giới có thể chống lại hay ngăn cản ý định của Ngài. Thiên Chúa có toàn
quyền chọn lựa và định đoạt: “Ta hạ thấp cây cao và nâng cao cây thấp, Ta làm
cho cây xanh tươi phải khô héo và cây khô héo được xanh tươi.” Con người thuộc
mọi thời đại phải nhận ra và phục tùng uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Đọc lại lịch sử Cứu Độ,
một điều được các nhà lãnh đạo và các ngôn sứ lặp đi lặp lại sau các lời tuyên
sấm cùa Thiên Chúa là “Đức Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã phán.” Lịch sử Cựu
Ước chứng nhận những lời này là trung thực: Thiên Chúa trung thành thực thi những
gì Ngài đã hứa. Ví dụ: lời hứa ban cho Abraham một dòng dõi, Đất Hứa; lời hứa
ban cho nhân loại Đấng Thiên Sai, lời hứa sẽ thiết lập một giao ước mới…
2/ Bài đọc II: Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin.
2.1/ Vai trò của đức tin
trong cuộc đời của các tín hữu: Theo thánh
Phaolô, khi sống trong cuộc đời này, chúng ta không thấy Thiên Chúa; nhưng
chúng ta vẫn mạnh dạn tiến bước là nhờ niềm tin vào những lời Chúa nói. Nhiều
tác giả ví đức tin như ngọn hải đăng dẫn đường cho con thuyền đời của mỗi người
chúng ta trong đêm tăm tối. Trong lịch sử, chúng ta có hàng ngàn hàng vạn những
chứng nhân của niềm tin như : Abraham, Isaac, Jacob, Moses, Joshua, Isaiah,
Jeremiah, Thánh Giuse, Đức Mẹ, các thánh… Họ can đảm bước đi không phải vì đã
thấy; nhưng hoàn toàn do bởi niềm tin vào những gì Thiên Chúa hứa. Kinh Thánh
chứng nhận: họ đã không phải hổ thẹn, vì tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài
đã làm.
Nhiều người phản kháng
rằng họ chỉ tin và bước đi khi nhìn thấy kết quả. Điều này khôi hài, vì biết
bao lần trong cuộc đời, họ đã làm khi chưa nhìn thấy hậu quả. Họ đã làm theo ý
của cha mẹ, thầy cô, các nhà lãnh đạo ngoài đời cũng như trong tôn giáo. Họ đã
đặt niềm tin vào những con người phàm này để tiến tới. Tại sao họ lại không đặt
niềm tin vào một Thiên Chúa uy quyền có khả năng biến đổi sự vật từ không ra
có, và chẳng gì là không thể đối với Người!
Quan niệm của thánh
Phaolô về cuộc đời tương tự như truyền thống của Việt-nam: Sống gởi, thác về.
Còn sống trong thân xác là con người lưu lạc xa Thiên Chúa; khi dứt bỏ thân xác
là con người trở về với Thiên Chúa. Làm sao chúng ta biết điều này là thật?
Chúng ta phải tin tưởng vào những gì Thiên Chúa mặc khải và sự suy luận của lý
trí. Mặc khải về sự sống lại và sự sống đời sau đã được chứng nhận bởi Đức Kitô
trong Kinh Thánh. Suy luận của lý trí về sự trường sinh bất tử của linh hồn được
chứng thực bởi các triết gia Hy-lạp.
2.2/ Mỗi người lãnh nhận
những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm. Tin tưởng và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời
là điều mà một người khôn ngoan phải làm, chứ không phải là điều tùy thuộc; vì
sống làm sao, Thiên Chúa sẽ trả cho chúng ta như vậy.
(1) Nếu chúng ta cố gắng
tìm ra và sống theo thánh ý của Thiên Chúa, chứ không theo sở thích của chúng
ta, Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho chúng ta sống lại và hưởng hạnh phúc bên Ngài.
(2) Nếu chúng ta chỉ sống
theo ý riêng, chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả
giá cho lối sống đó. Chúng ta sẽ không được sống hạnh phúc với Thiên Chúa và sẽ
bị tiêu diệt muôn đời.
3/ Phúc Âm: Con người không thể hiểu thấu công trình của Thiên Chúa.
Trong trình thuật của
Marcô hôm nay, Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu diễn giải qua 2 ví dụ. Mục đích
của việc diễn giải là để nói lên: (1) Nước Thiên Chúa lớn mạnh là do Thiên
Chúa, không do công sức của con người; và (2), Nước Thiên Chúa tuy bắt đầu bé
nhỏ, nhưng có tiềm năng lan rộng khắp thế giới.
3.1/ Nước Thiên Chúa được
ví như một hạt giống chứa đựng tiềm năng của sự sống. Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như
chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức,
thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất
tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau
cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt,
vì đã đến mùa.” Qua ví dụ này, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến 3 điều sau đây:
(1) Con người không phải
là tác giả của sự sống: Sự sống đến từ Thiên Chúa và được trao ban cho muôn vật.
Trong sự tạo dựng của Thiên Chúa, hạt giống tự nó đã có tiềm năng của sự sống.
Con người không cho hạt giống sự sống, nhưng có thể giúp nó tăng trưởng và cho
kết quả tốt hơn. Cũng vậy, Nước Thiên Chúa đến từ Thiên Chúa và đã có tiềm năng
phát triển. Con người không tạo nên Nước Thiên Chúa, nhưng có thể giúp cho Nước
Thiên Chúa mau đến.
(2) Đặc điểm của Nước
Thiên Chúa:
* Sự tăng trưởng của
nó không hiểu được: Con người có thể nhìn thấy sự tăng trưởng của hạt giống,
nhưng không thể cắt nghĩa sự tăng trưởng của nó. Cũng vậy, con người có thể
nhìn thấy Nước Thiên Chúa lớn mạnh dần, nhưng không thể cắt nghĩa lý do của sự
lớn mạnh này.
* Sự tăng trưởng của
nó cứ phát triển đều đặn: Không giống như sự tiến bộ của con người, có lúc tăng
trưởng có lúc suy thóai. Sự tăng trưởng của hạt giống và của Nước Thiên Chúa cứ
phát triển đều đặn và lớn mạnh dần.
(3) Mùa màng sẽ tới: Khi
gieo giống xuống, con người chờ đợi mùa màng tới. Cũng vậy, khi Thiên Chúa bắt
đầu triều đại của Ngài, là sẽ có ngày vinh quang. Con người cần kiên nhẫn và
chuẩn bị xứng đáng cho Ngày đó.
Đức tin được ví như hạt
giống gieo vào tâm hồn con người. Đức tin đến từ Thiên Chúa, chứ không phải từ
con người; nhưng con người có thể cộng tác với Thiên Chúa để làm cho đức tin
phát triển. Đức tin có tiềm năng lớn mạnh để giúp con người luôn tin tưởng nơi
Thiên Chúa cho dù phải đương đầu với bao nhiêu sóng gió của cuộc đời.
3.2/ Tiềm năng của sự sống
không lệ thuộc vào hình dạng bên ngoài: Hạt
cải là hạt bé nhỏ nhất nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn. Hạt cải bên
Palestine là hạt có thể trở thành cây, chứ không phải chỉ trở thành rau như của
chúng ta. Trong thế giới thời đó, các đế quốc thường được ví như cây, và các nước
chư hầu được ví như cành. Chúa Giêsu có ý muốn nói: Nước Thiên Chúa bắt đầu với
một nhóm người Do-Thái nhỏ; nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn, và tất cả con
người thuộc mọi quốc gia đến tìm chỗ nương tựa. Điều này đã được chứng minh bằng
con số hơn một nửa dân số của thế giới đã tin vào Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đức tin là quà tặng
quí giá Thiên Chúa đã gieo vào tâm hồn con người. Chúng ta phải biết quí trọng,
phát triển, và giữ vững đức tin.
– Chúng ta sống là nhờ
đức tin và hy vọng vào Đức Kitô. Nếu không đặt niềm tin nơi Đức Kitô và thi
hành những gì Ngài dạy bảo, chúng ta sẽ không có hy vọng được sống muôn đời.
– Đức tin có tiềm năng
lớn mạnh và thực hiện những chuyện vượt quá sức con người. Vì thế, khi chúng ta
chưa thực hiện được những gì Thiên Chúa đòi, đức tin của chúng ta còn non nớt,
yếu kém. Chúng ta cần xin Thiên Chúa củng cố niềm tin cho chúng ta.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
17/06/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 11 TN – B
Mc 4,26-34
“LỚN MẠNH” NHƯ HẠT CẢI
“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó
là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc
lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ… đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc
4,31-32)
Suy niệm: Cây cỏ có sức sống cực kỳ mạnh mẽ khiến ta lắm lúc phải kinh ngạc. Chẳng
hạn một nhánh rễ cây có thể âm thầm làm nứt cả mảng sân bê tông hay một ngọn cỏ
lại ngạo nghễ nhô lên khỏi kẽ nứt của nhựa đường. Dùng hình ảnh hạt giống hay hạt
cải, Đức Giê-su cũng muốn cho thấy Nước Thiên Chúa khởi sự trong nhỏ bé, khiêm
tốn, nhưng âm thầm tăng trưởng và rốt cuộc sẽ đạt kết quả lớn lao, tốt đẹp. Dù
việc tăng trưởng của Nước Thiên Chúa diễn ra cách “tiệm tiến và lâu dài” nhưng
chắc chắn, vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa. Cho dù có bị chống đối, bách hại,…
kế hoạch của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn cho đến tận cùng lịch sử và không có gì
ngăn chặn nổi.
Mời Bạn: Giáo Hội khởi sự từ nhóm mười hai tông đồ nhỏ bé, để rồi đến hôm nay
con số tín hữu đã trên một tỷ người. Bạn có tin chương trình kế hoạch của Thiên
Chúa luôn luôn âm thầm tiến triển không?
Sống Lời Chúa: Tôi xác tín rằng tất cả mọi việc, lớn hay nhỏ, công khai
hay âm thầm, nếu làm vì tình yêu Chúa thì đều có giá trị để xây dựng Nước Thiên
Chúa ngay từ bây giờ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, không
một yếu đuối nào của chúng con mà không nhắc tới quyền năng Chúa. Và trong cái
yếu hèn của chúng con in sẵn dấu ấn Chúa Quyền Năng. Đứng trước sự chia rẽ của
loài người, Tình Yêu vô song của Chúa là lời đáp của sự Viên Mãn cho cái bất
toàn của chúng con. Amen. (François Chagneau)
(5 Phút Lời Chúa)
Bông lúa trĩu hạt
(17.6.2018 – Chúa Nhật 11 Thường niên B)
Suy niệm:
Một người có cái nhìn bi quan về Hội Thánh
chắc sẽ tìm được nhiều dữ kiện để chứng minh.
Tại một số nước phương Tây, có nhiều nhà thờ vắng người,
chủng viện thiếu chủng sinh, tập viện tạm đóng cửa.
Kitô hữu càng lúc càng chiếm tỉ lệ nhỏ
trong tổng số dân trên thế giới.
Có những khủng hoảng đức tin trong giới trẻ.
Người ta tự hỏi Hội Thánh đã lỗi thời chưa.
Có cần phải tin vào Ðức Kitô nữa không?
Vào thời thánh Máccô viết sách Tin Mừng,
cũng có những Kitô hữu bi quan về Hội Thánh.
Hội Thánh ở Rôma chỉ là một thiểu số nhỏ nhoi
chịu bách hại dưới ách của bạo chúa Nêrô.
Liệu Hội Thánh có tồn tại và phát triển không
dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta niềm lạc quan.
Ðó là hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa,
cũng là hai dụ ngôn về hạt giống.
Trong dụ ngôn thứ nhất, hạt giống được gieo xuống đất
là bắt đầu nảy mầm và lớn lên,
theo một tiến trình không gì ngăn cản nổi.
Trước hết mọc lên thành cây lúa, rồi trổ đòng đòng
và sau cùng thành bông lúa trĩu hạt.
Tự nó, hạt giống mang một sức sống mạnh mẽ.
Nó lớn lên cả đêm lẫn ngày,
chẳng cần con người can thiệp.
Có cái gì mầu nhiệm trong sự tăng trưởng này
khiến chính người gieo cũng không sao hiểu nổi.
Một cách âm thầm, chậm rãi nhưng vững vàng,
hạt lúa đạt đến kết quả mỹ mãn.
Dụ ngôn thứ hai lại cho thấy một sự tương phản.
Nước Thiên Chúa như một hạt cải nhỏ xíu,
vậy mà theo thời gian, nó mọc lên thành cây,
và cây này lớn hơn mọi thứ cây cỏ khác.
Hạt bé nhất lại cho cây lớn nhất.
Nước Trời khởi đầu bằng Ðức Giêsu
và một nhóm nhỏ môn đệ làm nghề chài lưới.
Sau hai mươi thế kỷ,
Kitô giáo đã lan khắp thế giới, đến với mọi dân tộc.
Tuy nhiên, Nước Trời chỉ đến trọn vẹn vào ngày cánh chung.
Thái độ ta phải có là kiên nhẫn chờ đợi.
Hạt giống nào cũng phải vùi sâu dưới đất,
và phải đương đầu với những khó khăn khi thành cây.
Có lúc ta thấy nó như bị chững lại hay suy thoái.
Có lúc ta sợ nó không đứng vững trước bão bùng.
Ðây là lúc ta phải sống niềm tin:
tin rằng Thiên Chúa sẽ đưa Nước Ngài đến thành tựu,
bất chấp những khiếm khuyết và cản trở của con người.
Ðừng nản chí mà ngừng gieo vãi hạt giống Lời Chúa,
dù nhiều khi chúng ta không thấy hạt giống lớn lên.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin thương nhìn đến Hội Thánh
là đàn chiên của Chúa.
Xin ban cho Hội Thánh
sự hiệp nhất và yêu thương,
để làm chứng cho Chúa
giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin cho Hội Thánh
không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước gì Hội Thánh trở nên men
được vùi sâu trong khối bột loài người
để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin cho Hội Thánh
trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối cùng xin cho chúng con
biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.
Lm Antôn Nguyễn
Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của
Thiên Chúa
Chúng ta được mời gọi
ký thác trọn vẹn cuộc sống mình cho Thiên Chúa Quan Phòng. Như lời tác giả
thánh vịnh: “Hồn con, con vẫn trước sau, giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2). Thế
nhưng, lúc này lúc khác, chúng ta xem ra không dám ký thác chính mình cho Thiên
Chúa là Chúa Tể và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Tâm trí chúng ta bị che phủ bởi các
vấn đề. Chúng ta quên bẵng Đấng Tạo Thành. Cũng có thể chúng ta đang thực sự đắm
chìm trong đau khổ và ta nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, Cha của chúng ta.
Kỳ thực, sự quan phòng
yêu thương của Thiên Chúa vốn rất gần gũi chúng ta khi chúng ta gặp đau khổ. Có
rất nhiều ví dụ trong Thánh Kinh. Chẳng hạn, Gióp không ngần ngại kêu van với
Chúa – dù đang ở giữa nỗi khổ đau. Gióp thể hiện niềm tin tưởng lạ lùng vào
Thiên Chúa. Niềm tin tưởng này không hề vu vơ. Lời Chúa xác nhận rằng sự quan
phòng của Thiên Chúa, quyền năng cứu độ của Ngài, đổ tràn trên Dân của Ngài
trong những giờ phút quẫn bách nhất của họ, bởi vì họ là con cái của Ngài.
Trong đớn đau chất ngất cả thân xác lẫn tâm hồn, Gióp thốt lên: “Ai sẽ cho tôi
biết phải tới đâu để tìm Ngài, và làm sao đến được nơi Ngài ngự? Tôi sẽ tỏ bày
vụ việc trước nhan Ngài, miệng tôi chất chứa lời biện bạch” (G 23,3-4). Chúng
ta hôm nay cũng thế, hãy đến trước Cha với tất cả những nhu cầu của chúng ta!
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17/ 6
Chúa Nhật XI Thường
Niên
Ed 17, 22-24; 2Cr
5, 6-10; Mc 4, 26-34.
Lời suy niệm: “Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng
lời cho họ tùy theo mức độ họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ
mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa
hết.”
Cách giảng dạy của Chúa Giêsu, đang giúp cho mỗi một người trong chúng ta khi
truyền đạt giáo lý của Người, chúng ta cần tránh việc đề cao về mình, phô
trương sự uyên bác của mình, nhưng biết tìm cách làm sáng tỏ sứ điệp mà mình muốn
trao gởi đến người nghe, giúp họ hiểu sứ điệp, đem lại sự sống cần thiết cho họ.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đã dùng những dụ ngôn gần gũi với con người, để con người
dễ lãnh hội. Xin Chúa giúp cho chúng con được ơn thông hiểu, để nhận ra những
điều Chúa muốn nói với chúng con.
Mạnh Phương
17 Tháng Sáu
Ðời Vẫn Có Ý Nghĩa
Một tác giả người
Thụy Ðiển đã tưởng tượng ra một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra giữa các dân cư
sinh sống tại một khu rừng nọ. Ðề tài của cuộc tranh luận là: Ðâu là ý nghĩa của
cuộc sống?…
Kẻ kên tiếng phát
biểu ý kiến đầu tiên không ai khác hơn là chú chim họa mi suốt ngày chỉ biết ca
hát líu lo. Chú khẳng định rằng: “Ðời là một cuộc ca hát không ngừng”. Một chú
chuột chũi phản pháo tức khắc.
Theo chú: “Ðời là một
cuộc tranh đấu không ngừng để chống lại bóng tối”. Con bướm có đôi cánh sặc sỡ
thốt lên: “Ðời là vui chơi và hạnh phúc”. Con ong đang miệt mài tìm mật bên mấy
cánh hoa không tán thành ý kiến ấy chút nào. Nó bảo rằng: “Ðời là một cuộc lao
động vất vả”. Con kiến cũng nhất trí với con ong để chỉ thấy rằng đời là lao động.
Từ trên cao, một con phượng hoàng cũng góp ý kiến: “Ðời là tự do”. Ðó là ý kiến
của động vật.
Các thảo mộc cũng
không thiếu ý kiến để đóng góp. Cây thông cao sừng sững giữa rừng hoàn toàn tán
thành ý kiến của con phượng hoàng: “Ðời là tự do”. Một cánh hoa dại giữa rừng
thì lại hùa theo con ong và con kiến để khẳng định rằng đời chỉ là lao động vất
vả. Cánh hoa hồng thì lại đồng quan điểm với con bướm để cho rằng đời là hạnh
phúc và vui tươi.
Thế giới vô tri
cũng lên tiếng phát biểu. Một đám mây đen ngao ngán thốt lên: “Ðời chỉ là đắng
cay và nước mắt”. Một dòng sông hiền hòa trôi chảy cũng nhận định: “Ðời là một
dòng nước chảy không ngừng”.
Lời phát biểu cuối
cùng nhưng cũng là ý kiến tổng kết của cuộc tranh luận là tiếng chuông từ một
giáo đường bên cạnh khu rừng. Thật thế, tiếng chuông ấy ngân lên những lời như
sau: “Tất cả những lời phát biểu của quí vị đều đúng cả. Ðời là hòa bình, đời
là ca hát, đời là vui tươi, đời là tranh đấu, đời là bể khổ, đời là đắng cay,
nhưng tất cả đều tươi nở trong lòng người nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần”.
Tôi bởi đâu mà đến?
Tôi sẽ đi về đâu? Tại sao tôi đau khổ? Ðó là những câu hỏi lớn nhất mà một lúc
nào đó trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh né được.
Cám ơn Chúa vì đã cho
chúng ta giải đáp trong chính Chúa Giêsu Kitô. Chính Ngài là Ánh Sáng chiếu rọi
trên bí ẩn của cuộc đời cũng như trên chính Mầu Nhiệm của con người. Công đồng
Vatcican II trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã nói với chúng ta rằng huyền
nhiệm của con người chỉ có thể được sáng tỏ trong chính Mầu Nhiệm của Ngôi Hai
Nhập Thể.
Chúng ta chỉ có thể
tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi lớn của cuộc sống bằng cách nhìn vào Ðức
Giêsu Kitô. Quả thật, Ngài đã sống kiếp con người như mọi người. Nhưng chính
khi tiếp nhận mọi mùi vị của cuộc sống, Ngài đã mặc lấy cho cuộc sống một ý nghĩa,
một hướng đi.
Cuộc sống có ngọt bùi,
đắng cay, chua sót, cuộc sống có lao động, tranh đấu hay thảnh thơi… Tất cả đều
mang lấy một ý nghĩa. Trong Chúa Giêsu, mất mát trở thành thắng lợi, thua thiệt
trở thành cơ may, đau khổ trở thành dịu ngọt, cái chết trở thành khởi đầu của sự
sống.
Nếu chúng ta đón nhận
cuộc đời này bằng với cái nhìn ấy, thì quả thực không một thử thách, mất mát,
đau khổ nào khiến chúng ta thất vọng. Với Quyền Lực của Thánh Thần mà Chúa
Giêsu đã ban cho chúng ta, những bể khổ, những đắng, cay chua xót của cuộc sống
đều có thể nở hoa, những niềm vui nhỏ ấy sẽ mang lấy chiều kích vĩnh hằng, những
việc làm vô danh thường ngày sẽ mang lấy giá trị vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét