Trang

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Cuộc sống hành hương của dân Do thái


Cuộc sống hành hương của dân Do thái

Khi đọc Thánh Kinh chúng ta thấy lịch sử dân Do thái đã là một cuộc hành hương liên lỉ. Nó đã khởi đầu với ơn gọi của tổ phụ Abraham, bỏ cuộc sống ổn định tại thành Ur, bỏ quê hương xứ sở ra đi theo tiếng Thiên Chúa kêu mời và trở thành người sống kiếp du mục, lang thang nay đây mai đó. Đây cũng đã là kiểu sống của dân Do thái, từ Palestina di cư sang Ai Cập rồi được Thiên Chúa giải phóng khỏi kiếp sống nô lệ và hành hương 40 năm trong sa mạc Sinai truớc khi bước vào miền Đất Hứa. Truyền thống hành hương ấy đã là sợi chỉ dẫn đường của sứ điệp kinh thánh và trên con đường hành hương này của cuộc sống, niềm tin của dân Do thái có nguy cơ bị cám dỗ, chao đảo, sa sút hay mất đi. Con đường của cuộc sống tự do tuy đẹp nhưng không phải là không có các khó khăn khiến cho con người thối chí nản lòng: nỗi nhớ nhung các phương tiện của cuộc sống vật chất  bao gồm cả củ hành củ tỏi, miếng dưa hấu, nồi thịt bung vv. Bên cạnh đó là các khó khăn phải đương đầu như sa mạc khô cằn, thiếu nước uống, thiếu thực phẩm, cái nóng ban ngày và cái giá buốt ban đêm. Tất cả đều là các cám dỗ thường xuyên rình rập dân Do thái khiến cho họ muốn quay trở lại kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Nhưng Thiên Chúa đã luôn luôn hiện diện chở che và trợ giúp họ với biết bao dấu chỉ diễn tả sự quan phòng của Ngài. Chúng là một loại phép lạ thường hằng, đến độ ngôn sứ Hosea coi đó là thời gian đính hôn của Israel với Thiên Chúa. Và trong biến cố xuất hành đó nổi bật lên gương mặt của ông Môshê, là người đã được kêu mời từ từ bước vào cuộc sống hành hương, và là người duy nhất được nói chuyện mặt giáp mặt với Thiên Chúa. 
Tuy nhiên, khi đào sâu hơn ý nghĩa  biến cố xuất hành, chúng ta thấy nó không chỉ là việc từ tình trạng nô lệ bước vào cuộc sống tự do, mà nó là việc chặt đứt khỏi cái an ninh dễ dãi của một cuộc sống định cư và khỏi môi trường tôn thờ tà thần, để lên đường bước đi trong đức tin, là con đường Thiên Chúa mời gọi và thử thách, mời gọi từ bỏ cái “có”, từ bỏ sự chiếm hữu để được cái “là”, trở nên con người tự do. Nó là nơi của việc biến đổi, trở thành, và trung tín với một căn cước mới: là dân riêng của Thiên Chúa.
** Đây cũng là lý do tại sao tác giả sách Xuất Hành miêu tả lộ trình tiến bước trong sa mạc với các phạm trù hành hương, như là một cuộc rước kiệu hành hương (Xh 5,1). Núi Sinai được coi như là một trung tâm thờ tự, nơi Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel. Các sách tiếp theo của bộ Ngũ Kinh cũng tiếp tục coi việc bước vào đất hứa giờ đây đã trở thành “thánh địa”, như một cuộc hành  hương, và truyền  thống tư tế lý tưởng hóa nó thành một cuộc rước do chính Thiên Chúa hướng dẫn (Xh 13,21). Bên trong lộ trình hành hương ấy có “Lều gặp gỡ”, hay “Lều hội ngộ” là trung tâm thờ tự lưu động, qua đó Thiên Chúa hiện diện giữa dân Ngài, sống trà trộn với dân Ngài, dưới hình cột lửa và cột mây. Các biểu tượng này cung cấp cho nền thần học yểm trợ cho tinh thần tu đức cựu ước, sẽ được lấy lại trong các Thánh Vịnh hành hương hay các Thánh Vịnh lên đền, tức các thành vịnh từ 119 tới 134.
Vào thời các Thủ Lãnh, khi dân Do thái đã có cuộc sống định cư, trong các diễn văn đặt vào miệng ông Môshê, trường phái Đệ Nhị Luật khích lệ dân Israel luôn duy trì con tim của những người hành hương. Hành hương trở thành  cơ cấu và được xác định với phạm trù phụng tự, qua đó người ta cử hành ơn gọi và điều kiện của việc chuyển tiếp vĩnh cửu, bởi vì đất đích thật của dân Israel sẽ luôn luôn là sa mạc của giao ước. Như thế hành hương thay thế điều kiện bình thường: việc thực thi nó giúp ý thức sự tuỳ thuộc một tình huynh đệ rộng lớn hơn, sâu xa hơn, mà óc riêng biệt của các chi tộc khác nhau có khuynh hướng làm quên đi. Đã có nhiều trung tâm thờ tự được thành lập ngay từ thời các tổ phụ như Shilo, Betel, Sikhem, Dan, Ghilgan và Beersheva. Dĩ nhiên là có ảnh hưởng của dân Canaan, nhưng việc đọc hiểu trở lại của dân Israel cũng độc đáo, vì bên cạnh các trung tâm thờ tự đó nảy sinh ra các trường phái kinh thánh khác nhau, đưa ra ánh ánh sáng các anh hùng ca liên quan tới các tổ phụ  và thời xuất hành.
** Tầm quan trọng ban cho trung tâm thờ tự có hậu quả là một việc địa phương hóa Thiên Chúa một cách nào đó, cả khi người ta thừa nhận rằng Thiên Chúa không thể bị cột buộc vào một nơi chốn: đây là việc quay trở về với giá  trị nổi hơn của các lễ nghi và các sự vật. Phụng tự cử hành hướng tới chỗ ban cho mình một sự hữu hiệu hầu như tự động, đe dọa giảm thiểu dấn thân cá nhân. Các văn bản kinh thánh cho thấy sự căng thẳng này: các truyền thống cổ xưa không coi các trung tâm thờ tự như là nơi Thiên Chúa ngự trị, nhưng như là các nơi gắn liền với các sự tỏ hiện, và đây là nền thần học của việc hiện ra. Chằng hạn chương 28 sách Sáng Thế kể lại giấc mơ của Giacóp trông thấy một chiếc thang bác từ đất lên trời và nghe được lời hứa của Thiên Chúa. Ông nói: “"Quả thật, có Giavê ở nơi này mà tôi không biết!.. Nơi này đáng sợ thay! Đây là nhà của Thiên Chúa, là cửa trời, chứ không phải là gì khác." (St 28,16-17). Đây cũng là điều có giá trị đối với lều và nhà tạm, là “ngai của Giavê”, như viết trong chương 33 sách Xuất Hành: “Ông Mô-sê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngoài trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Giavê thì ra Lều Hội Ngộ, ở ngoài trại. Mỗi khi ông Mô-sê ra Lều, toàn dân đứng lên, ai nấy đứng ở cửa lều mình và nhìn theo ông Mô-sê cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Mô-sê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống, đứng ở cửa Lều, và Giavê đàm đạo với ông Mô-sê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa Lều, toàn dân đứng dậy; và ai nấy phủ phục ở cửa lều mình. Giavê đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau. Rồi ông Mô-sê trở về trại; nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó.” (Xh 33, 7-11; Ds 11,16.24-26; Đnl 31,14 tt.).
** Trong truyền thống sử biên, trái lại, Hòm Bia đã trở thành một sự hiện diện năng động của Giavê, là Đấng đi trước các đoàn quân Israel và rồi ở cùng họ. Đây là nền thần học sự hiện diện của Thiên Chúa, đã được biến đổi từ các trung tâm thờ tự của người Canaan (Ds 10,35 tt.,; 1 Sm 4,4-7; 2 Sm 6, 2 tt.,; 2 V 19, 14 tt.). Tiếng vọng của tình trạng khó chịu này được phản ánh trong lời sấm ngôn sứ Nathan nói với vua Đavít (2 Sm 7,5-7), và trong trình thuật liên quan tới đền thờ do vua Salomon xây (1 V 8 và song song).
Các đại hội canh tân giao ước “qahal Giavê” diễn ra theo lược đồ của giao ước ký kết tại núi Sinai, là giao ước kiểu mẫu đầu tiên đã được lý tưởng hóa trong một bối cảnh phụng vụ, được thực thi trước Giavê, nghĩa là trong nơi của nhà tạm, nơi cất giữ Hòm Bia. Chúng dựa trên nền thần học của trường phái đệ nhị luật liên quan tới việc hành hương. Sách Lêvi trực tiếp đề cập tới nó, nhưng giả thiết nó, đặc biệt khi nói về các lễ hội, như trong chương 23, trong một ngày lễ, chắc hẳn là việc cử hành lễ Vuợt qua. Chúng xoay quanh các liên minh giữa các chi tộc khác nhau trong việc buôn bán, cử hành đám cưới.
Các cuộc chiến với người Philitinh và biến cố Hòm Bia bị bắt giữ ghi dấu việc kết thúc các hội họp liên Israel này. Hậu quả là sự tan thành từng mảnh của các cuộc hành hương địa phương, với các yếu tố tiêu cực, không chỉ trên bình diện chính trị, mà chúng tấn kích cả sự tinh tuyền của truyền thống Giavít và của phụng tự nữa, ngày càng bị phơi bầy cho các ảnh hưởng của các thói tục tôn thờ các thần của người Canaan, trong đó có thần Baal và thần Astarte.
TMH 538
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét